Vita - nhà văn Nam Bộ còn ít được biết đến

Trong công trình có ý nghĩa cắm cột mốc nghiên cứu văn học Quốc ngữ Nam Bộ Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên - Thầy Phiền - truyện của Nguyễn Trọng Quản (kỷ niệm 100 năm ra đời tại Sài Gòn đoản thiên Thầy Lazaro Phiền 1887-1987), GS Nguyễn Văn Trung đã viết: “Tại sao truyện Thầy Lazaro Phiền không được nhắc đến như Tố Tâm và ngay những truyện hay nổi tiếng khác thời 1920 - 1925 của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Tân Dân Tử, Phú Đức… cũng bị bỏ quên? Chúng tôi cho rằng: vì trước hết chính người miền Nam đã bỏ quên. Trở lại sự phân biệt văn chương và văn học, chúng tôi cho rằng người miền Nam sống văn chương nhiều hơn là làm văn học, (…) Do ít có sinh hoạt văn học: ghi lại, tổng kết, sắp xếp cho có hệ thống (theo trào lưu, thế hệ, trường phái…) các tác phẩm, tác giả một thời kỳ, và vì thế các thế hệ sau không còn phải là độc giả của các tác giả thế hệ trước nên thật dễ hiểu họ không biết các tác giả thế hệ cha anh họ vì họ chỉ đọc các tác giả đương thời thế hệ họ mà thôi”(1). Ý kiến của Nguyễn Văn Trung không phải là toàn bộ căn nguyên, nhưng là một lưu ý hết sức quan trọng cần được tính tới khi biện giải vì sao nhiều nhà văn Nam Bộ trong quá khứ  và tác phẩm của họ, theo thời gian chìm vào quên lãng.

Vita - nhà văn có những cách tân độc đáo nửa đầu thế kỷ XX còn ít được biết đến (đặc biệt với độc giả ngày nay) không phải là trường hợp hiếm hoi cho những điều vừa dẫn. Trừ những ý kiến của những người cùng thời và của Dương Nghiễm Mậu (1967), Vita hầu như vắng bóng trong các công trình văn học sử, trong các chuyên luận, biên khảo, từ điển, trong các buổi thảo luận về văn học miền Nam - dù chỉ là việc nhắc lại một bút danh và tên các văn phẩm “vang bóng thời xuân”.

*

Vita tên thật là Lê Văn Vị, sinh ngày 22 tháng 5 năm 1910, tại làng Tân Kim (Cần Guộc), nay thuộc tỉnh Long An. Ông từng du học Pháp và về nước năm 1933. Ông là nhà giáo đồng thời là nhà văn, sống và viết chủ yếu ở Sài Gòn. Tác phẩm của ông gồm có: Mây ngàn (1936), Duyên phù sinh (1942), Suối tình (1946), Gió mưa xuân, Nghĩa và Trinh, Ký ức giang hồ, Vang bóng thời xuân, Loạn ly, Nhớ thương (tập truyện ngắn - 1940), Những cái bóng (tập truyện ngắn - 1948), Tiếng tơ lòng (tập thơ). Các sách giáo khoa: Nghị luận luân lý (1933), Mỹ từ pháp (1956). Một số tác phẩm dịch: tác phẩm Le Lac của Lamartine sang tiếng Việt; Ông đồ của Vũ Đình Liên và Tiếng thu của Lưu Trọng Lư sang tiếng Pháp(2). Ông mất ngày 30 tháng 6 năm 1956 tại Sài Gòn.

Đọc lại các sáng tác của Vita, chúng tôi nghĩ đến một vị thế đặc biệt của ông trong diễn trình văn nghệ miền Nam nửa đầu thế kỷ XX, một hướng tìm tòi đổi mới nơi đề tài và kỹ thuật văn xuôi. Vita viết Mây ngàn năm 1936, xuất hiện gần như đồng thời với văn nhóm Tự lực văn đoàn và các tác giả phong trào Thơ Mới. Ngay khi trình hiện trên văn đàn, Vita, một mặt cho thấy sự hội nhập với lối viết của các đồng nghiệp đất Bắc, nhưng mặt khác quan trọng hơn, ấy là ông vẫn giữ được văn mạch phương Nam: giọng điệu cảm thương, đạo lý được phô diễn với ngôn ngữ mang dấu ấn độc đáo vùng miền. Với thế hệ Hồ Biểu Chánh, Vita cho thấy một sự cách tân bởi ý thức đào sâu vào tâm lý, bản thể của nhân vật qua đó phát đi thông điệp về sự lựa chọn, ứng xử của con người trước nghịch cảnh, với lối tự sự không chú ý nhiều tới việc phô diễn cốt truyện và nhắm tới kết thúc có hậu. Nhưng một mặt, Vita cho thấy sự tiếp nối đặc điểm của thế hệ Hồ Biểu Chánh trong việc xiển dương đạo lý, tình người. Viết về Vita, trên tuần báo Bút mới (1941), Phi Vân (1917-1977) - nhà văn phong tục số một của miền Nam, cho rằng: “Vita là một nhà văn của thống khổ. Những tác phẩm của ông đủ làm cho ta được hài lòng khi đã nhàm tai với các loại tiểu thuyết nhảm nhí khác. Ấy là tôi chưa nói tới cách hành văn thần tình của ông. (…) Lúc buồn ông viết bằng một lối văn êm ái, mà lúc vui, văn ông gồm nhiều đoạn rất “có duyên” ít khi nào tôi được gặp một nhà văn khác có cái đặc biệt ấy. (…) Bằng một lối văn gọn ghẽ, nhẹ nhàng, ông Vita diễn đạt được hết cả tư tưởng. Và tư tưởng của ông rất mênh mông, trong sạch. Mỗi vật của ông đều có một linh hồn “sống””(3). Đặt Vita trong không khí văn chương đương thời, Pha Lê đã viết trên báo Cười xuân: “Cái đặc sắc của Vita không phải là hồn mơ mộng mà bạn đọc thường tìm thấy ở Tiểu thuyết thứ bảy. Văn Vita cũng thuộc vào loại văn ru hồn, nhưng là một lối văn đưa hồn ta, không phải vào cõi mộng uế tạp, mà vào một cõi mộng thanh cao, đầy gió, trăng trong mát. Cái mộng ấy không làm cho hồn ta sa ngã, mà chỉ đưa hồn ta vào một bầu không khí lâng lâng… Tâm hồn Vita là một tâm hồn trong sạch, tinh khiết, cho nên tình yêu của ông cũng là một tình yêu đi lên khỏi sự tầm thường”.

Các tác phẩm của Vita thường có dung lượng vừa phải nhưng chứa đựng một chiều sâu tình cảm, những suy nghiệm về đời sống và lẽ sống. Những suy tư đó thường được nhà văn viết ra từ sự trải nghiệm của bản thân với văn phong trong sáng, khúc chiết và đầy chất thơ. Mai này, có ai còn tìm đến những trang viết của ông, có lẽ cũng nhờ những điểm này. Không phải ngẫu nhiên, trong số không nhiều những nhà văn Nam Bộ thế kỷ XX đã tạo được cho mình một phong cách độc đáo, lối viết của Vita được nhà văn Dương Nghiễm Mậu - người có nhiều cách tân trong nghệ thuật văn xuôi chú ý và đề cao: “Tìm đến những tác giả sinh trưởng tại miền Nam từ Hồ Biểu Chánh qua Vita, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam… thì bất cứ tác giả nào cũng sử dụng được những đối thoại với đặc tính của lối nói miền Nam một cách tài tình (…) Qua đến Vita trong Mây ngàn, Phi Vân trong Đồng quê thì văn xuôi đã biến đổi, chúng ta đã thấy những miêu tả khéo léo, bay bướm”(4).

Mây ngàn là tác phẩm tiêu biểu cho đời văn của Vita. Đặt Mây ngàn trong không khí văn chương Tự lực văn đoàn mới thấy sự góp mặt của Vita cho thời mới của văn học - một trong không nhiều những đại diện của văn chương phương Nam giai đoạn 1932-1945. Đặt Mây ngàn trong diễn trình văn học Nam Bộ mới thấy được những cách tân về nghệ thuật của tác giả. Với Mây ngàn, những độc giả ưa săn tìm những cốt truyện, ngấu nghiến những tình tiết éo le, những cảnh tượng ly kỳ, nhiều cạm bẫy chắc sẽ ít thú. Bởi Mây ngàn là một truyện “không có cốt truyện”. Mây ngàn không trình bày một câu chuyện với những biến cố, những thắt nút, cao trào và gỡ nút như nhiều tiểu thuyết đương thời. Mây ngàn nhằm trình bày những số phận con người thông qua miêu tả tâm lý. Truyện viết về chuỗi ngày cơ cực của hai sinh viên Thu và Nguyên trên đất Pháp. Họ đến Pháp do sự xô đẩy của số phận, theo đuổi ngành luật và văn chương, mong có kiến thức để giúp đời và giúp mình nhưng bị những khó khăn vật chất bủa vây, đành vỡ mộng, ôm hận. Cuộc sống quá cơ cực khiến Nguyên bỏ mình nơi đất khách, Thu trở về quê đoàn tụ gia đình với vạch xuất phát ban đầu: đôi bàn tay trắng. Bên cạnh câu chuyện của Nguyên và Thu là đan xen những phận đời khác: truyện Madeleine - người thiếu nữ Pháp chết tức tưởi vì bị cha ngăn cấm yêu một chàng sinh viên nghèo; chuyện gia đình người Ý sống chui nhủi vì bị nhà đương cục truy đuổi; chuyện cô gái nghèo Margot bị chủ bóc lột và cuối cùng bị đuổi, sống trong sự khốn cùng,… Truyện chỉ có thế. Xuyên suốt toàn bộ Mây ngàn, những chuỗi tâm lý, những mối xung đột nội tâm của Nguyên và Thu được Vita miêu tả tài tình: giữa cái thiện và cái ác; giữa tình yêu và lòng hận thù; giữa cái đói và lòng tự trọng; giữa bằng cấp tri thức và thực tế cuộc đời. Theo chúng tôi, sau Nam Cao (1915-1951), Vita là tác giả viết khá thành công về cái đói và nhân vật nạn nhân của cái đói. Cái đói len lỏi vào những suy nghĩ, tình cảm, trong những dự phóng tương lai của Thu và Nguyên, lắm khi biến họ thành những kẻ toan tính, ích kỉ. Vì đói, nhiều phen Nguyên vớt những mẫu bánh mì sình chướng của một đồng loại ăn thừa vứt bừa xuống cống; vì đói, có lần Nguyên ăn vụng thức ăn của bà chủ nhà trọ và lần khác suýt nữa chàng đã giết người. Cái đói làm suy nhược nhiệt huyết tuổi thanh xuân của Thu và Nguyên. Nhiều lúc Vita đã miêu tả tâm lý của Thu và Nguyên là tâm lý “nạn nhân”: luôn cảm thấy mình bị hắt hủi, xua đuổi trong một xã hội lắm bất công, nhiều ngang trái. Tâm lý “nạn nhân” là tâm lý của kẻ yếu; là môi trường tốt cho sự buông xuôi, cam phận, thất bại. Tâm lý đó lại bắt nguồn từ sự nghèo đói. Đó là điểm hạn chế nơi nhân vật của Vita. Tuy vậy, bao trùm tác phẩm vẫn là tình thương yêu đồng loại của các nhân vật: sự đùm bọc giữa Thu và Nguyên; sự chờ đợi thuỷ chung của Tâm đối với Thu; sự sẻ chia của Nguyên với những con người đồng cảnh ngộ như cô gái điếm trong một đêm giá rét, gia đình người Ý, với cô gái nghèo Margot,… khiến Mây ngàn trở nên bài ca đẹp về tính thiện của con người.

Trong Mây ngàn qua những nét ký hoạ của Vita, là một phương Tây khác, hoàn toàn không phải là Thiên đường: “Mỗi ngày ngao du trên vệ đường Canebière đông đặc, nhìn lượng sóng của đời bủa tấp, kẻ băn khoăn chạy việc, kẻ vô sự ngồi vác hất phà khói thuốc thơm; chui vào hẻm Torte, xóm người Tàu, coi họ buôn bán, giăng dây kẽm phơi quần áo tựa cờ bay phấp phới từ lầu bên đây sang lầu bên kia, còn dưới đường, nước chảy như sông; trèo lên thung lũng, vào mấy con đường mòn hẻo lánh, quan sát sinh hoạt nơi thôn quê; dạo một vòng lớn qua cảng Pinède lân la với thợ thuyền; trở lên bến cũ, vào xóm ba đào, trông mấy ả giang hồ loã thể đứng bắt mối tình hay đú đởn với bọn ma cạo lưu manh; thơ thẩn nơi ụ tàu, xem những trẻ em nghèo thất học ăn cắp tài tình và một tốp lao công thất nghiệp, vợ con gầy ốm quây quần bên chiếc cáng xanh, rên xiết đói lạnh dưới bầu trời đông chập chùng mưa tuyết; đoạn ghé vào quán bình dân xơi vấy vá ba miếng rồi đáo về thành phố, nhìn các bực phú hào ăn nửa bỏ nửa trong lúc một bọn mạt kiếp…”. Ông bất bình và thương tâm khi nhìn thấy cảnh tình tương phản: “Thản nhiên, Thu thấy hiện ra trước mắt một tốp ăn mày, rách rưới, bẩn thỉu, kêu cơm rả rích ngày rằm. Trong lúc ấy, có một cảnh tương phản: một đám người quần áo loè loẹt cười cười, nói nói, xúm xít ngồi xung quanh chiếc mâm đồng dẫy đầy món ngon vật lạ…”. Phi Vân gọi Vita là “nhà văn của thống khổ” quả là xác đáng.

Trong Mây ngàn, thiên nhiên và ngoại cảnh được nhà văn miêu tả nhằm tô đậm tâm lý nhân vật, chẳng hạn: “Lá cây không ngừng hoạt động. Gợn nhẹ ánh trăng vàng, dòng nước lờ đờ chảy. Cảnh vật hai bên bờ sông như đắm duối say mê. Tâm cảm thấy tơ lòng rung động. Tiếng sáo vô tình đã gợi những nỗi nhớ nhung cách biệt mà giữa chừng xuân, nàng phải cam khổ, sống khổ lạnh lùng như người goá bụa. Nhìn ủ rũ ra phía chân trời xa vợi, Tâm đuổi hồn mộng theo bóng người yêu…”. Cũng như những nhà văn lãng mạn cùng thời, Vita đi vào miêu tả tình yêu tự do, nhưng với ông, tình yêu đó còn đi với tình thương. Yêu và thương có song hành thì ái tình mới trọn vẹn.

 

Những cái bóng là tập truyện ngắn gồm 10 truyện đặc sắc, gây cảm động cho người đọc gồm: Những cái bóng, Màn trời chiếu đất, Tiếng chim cú, Quán khách bên đường, Mộng và thật, Con trâu già, Chim sáo, Tội vạ, Bức tranh Senle, Nhân bệnh. Những phận người sống như những chiếc bóng lặng lẽ, thu gọn cuộc đời trong nỗi cơ cực áo cơm, phận vị. Là Sinh, một nhà văn sống nghèo khổ không tiền thuốc thang cho vợ con; Nhạc, bạn Sinh, “kéo gần tàn đời giáo sư bạc bẽo” (Những cái bóng); là con nhỏ Thái Bình mồ côi, sống cơ cực bằng nghề ăn xin (Màn trời chiếu đầt); là Thảo lỡ tình duyên với Ngỡi vì sự cấm đoán của gia đình (Tiếng chim cú); là người phụ nữ bán quán bị chồng phụ bạc (Quán khách bên đường); v.v… Những cái bóng, trong cái nhìn nhân ái của Vita: “Nhưng dầu sao, họ cũng là kẻ tiến hoá đã gần siêu việt rồi. Sống tối tăm, không tên tuổi, vất vả, đau thương, một khi họ thác, hình hài biến thành cát bụi, họ không còn gì cả. Tuy nhiên, những cái bóng của họ vẫn còn vang mãi trong lòng kẻ đến mai sau” (Những cái bóng).

 Các truyện ngắn trong tập Những cái bóng thường không tập trung xây dựng cốt truyện, chỉ là những mẩu chuyện giản đơn nhưng chứa đầy sự ám ảnh và mang đến cho người đọc những cảm giác buồn, thương, tức tưởi, tiếc nuối. Lối viết nhẹ nhàng, có duyên trong Những cái bóng khiến tôi liên tưởng đến những truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy. Giữa Vita và Trang Thế Hy, theo tôi nghĩ, có một điểm chung là đều quan tâm đến “nỗi đau lớn của số đông thầm lặng”.

Bên cạnh Mây ngàn, Những cái bóng, tập truyện ngắn Nhớ thương cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho thấy sự quan tâm chuyên nhất đến đề tài những số phận nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Tình yêu trong Nhớ thương nhiều khi do lòng thương hại mà nảy nở. Có thể là câu chuyện tình của kẻ khốn nạn, tật nguyền (Kỷ niệm xuân), có thể là một người què (Một tâm hồn),… Viết về Mây ngànNhớ thương, trên Đông phong (1943) - tạp chí văn học và nghệ thuật xuất bản ở Sài Gòn, Đông Giang nhấn mạnh ở ý nghĩa triết lý nhân sinh của hai tác phẩm này: “Cái giá trị của Mây ngànNhớ thương dường như không phải ở mặt hành văn mà còn ở tại cái lòng thương vô hạn của tác giả đối với loài người, nhất là đối với những linh hồn thất vọng, đau đớn và nghèo hèn. (…) Cái tình yêu nhơn loại của ông, tuy nhiên không đến nỗi mông lung, mơ màng như tình bác ái của tôn giáo, nó có vẻ thành thật và thiệt cận như lòng trung thứ (suy kỷ cập nhân) của Nho gia. (…) Nếu những tác phẩm văn nghệ có giá trị, phần nhiều chỉ là những tượng trưng của cuộc đời khổ muộn các văn gia, thì Mây ngànNhớ thương chính là những tác phẩm về loại ấy”. So sánh phong cách truyện ngắn Vita với Nguyễn Công Hoan, Anh Kiều viết trên tuần báo Bút mới (1941) xuất bản ở Sài Gòn: “Về truyện ngắn viết có ý nghĩa hơn hết về tình đời, theo tôi trộm tưởng, thì có Kép Tư Bền của ông Nguyễn Công Hoan và Nhớ thương của Vita. Nhưng hai tác phẩm ấy khác nhau không những về nội dung mà còn về hình thức nữa. Nếu văn của ông Nguyễn Công Hoan táo bạo, bông đùa bao nhiêu thì văn của ông Vita lại dịu dàng, êm như “gió xuân lay nhành liễu” bấy nhiêu. Về nội dung, tác giả Kép Tư Bền nhìn và xét đoán đời với cặp mắt quan sát, với trí óc của người thạo đời. Trái lại tác giả Nhớ thương nhìn và xét đoán đời với tâm tình cá nhân, với quả tim giàu tình cảm. Cho nên một đàng thì giàu lý trí, còn một đàng thì giàu tình cảm”. Trên tờ Sài Gòn (1942), Hoàng Giao trân trọng đặt Vita bên cạnh những trụ cột của Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng: “Độc giả nào đã xem quyển Mây ngàn cũng nhận thấy tác phẩm của Vita hứa hẹn một tương lai rực rỡ trong nền văn chương Việt Nam hiện đại. Nay ông cho ra một tập truyện ngắn nhan đề Nhớ thương. (…) truyện nào cũng có ý nghĩa lý thú, sâu xa tới cao siêu, khi vui không nhịn cười, khi cảm động đến rơi nước mắt. Cốt truyện tân kỳ, tư tưởng đặc biệt, toàn truyện, chuyện nào cũng đem tới cho ta một cảm tưởng riêng, ngộ nghĩnh. (…) Tôi ước mong sao tác phẩm của ông Vita sẽ được hoan nghênh một cách nhiệt liệt đúng theo giá trị của nó và tiên đoán rằng sau này, một khi độc giả đã thưởng thức được văn tài của Vita, tác giả quyển Mây ngànNhớ thương sẽ được liệt ngang hàng với các nhà văn đất Bắc như Khái Hưng, Nhất Linh,v.v…”.

*

Có thể thấy, ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, Vita đã được đánh giá cao, nhận được nhiều ý kiến phê bình khen ngợi. Việc Vita được những người cùng thời, cùng thế hệ đọc và phẩm bình trên báo chương và về sau lại bị lãng quên càng cho thấy nhận xét của Nguyễn Văn Trung về nguyên nhân nhiều bút hiệu nhà văn, tác phẩm bị “biến mất” là hữu lý. Các nhà văn Nam Bộ bị “lãng quên” không phải họ kém tài, mà vì một điểm đặc biệt, vừa là điểm mạnh vừa là hạn chế nơi độc giả và bản thân người cầm bút Nam Bộ, như Nguyễn Văn Trung chỉ ra: sống văn chương nhiều hơn là làm văn học.

Trước ngày đất nước thống nhất, nhà xuất bản Nhân Loại cho tái bản Mây ngàn đến lần thứ tư phần nào cho thấy giá trị của nó đối với đời sống và tư cách trí thức của nhà văn, như chứng nghiệm của nhà phê bình Thiếu Sơn (1908-1978): “Đọc lại Mây ngàn tôi tha thiết nhớ tới anh, nhớ anh là một người nhiều tình cảm, lúc nào cũng lo nghĩ tới gia đình, tận tuỵ với vợ con, trung thành với bè bạn và luôn luôn về phe những người nghèo khổ, đói rách là nạn nhân của một xã hội vô tổ chức hay tổ chức theo đường lối người bóc lột người. (…) Tôi càng cảm động khi đọc lại Mây ngàn của Vita để lại, không chỉ đọc để tìm lại hình bóng và tâm sự của một người chân hữu mà còn tìm trong đó một bài học có giá trị về đạo làm người trong một xã hội thiếu đạo đức và thiếu cả tình thương (PMH - nhấn mạnh)” (lời tựa Mây ngàn, bàn in lần thứ tư, 1966).

Các ý kiến luận bình của trí thức văn nghệ (Phi Vân, Hoàng Giao, Pha Lê, Anh Kiều, Đông Phong,…), những người đương thời với Vita, đặc biệt là Thiếu Sơn là nguyên cớ và nhân duyên để có bài viết này. Và, thêm nữa, trong hoàn cảnh của chúng ta, có cần trân quý và đọc lại những tác phẩm “vang bóng thời xuân” của Vita hay không? Trong một bộ văn học sử hoàn bị và khoa học, liệu có chỗ để nhắc lại bút hiệu và tên các tác phẩm của Vita?

_____________

(1) Nguyễn Văn Trung, Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên - Thầy Phiền - truyện của Nguyễn Trọng Quản (kỷ niệm 100 năm ra đời tại Sài Gòn đoản thiên Thầy Lazaro Phiền 1887-1987), bản in ronéo, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 1987, tr.17.

(2) Về tiểu sử của Vita, chúng tôi chưa sao lục được gì thêm ngoài những thông tin in đầu tác phẩm Mây ngàn của nhà xuất bản Nhân loại và bản của Nxb Văn nghệ 2005. Những thông tin này, theo chúng tôi là đáng tin cậy vì bản in được thực hiện bởi gia đình cố nhà văn: “Quyển Mây ngàn được tái bản kỳ tư để đáp thạnh tình quý bạn đồng nghiệp và các em học sinh của cố tác giả Vita muốn xem lại tác phẩm này” (Gia đình Vita). Cũng theo giới thiệu nơi trang bìa quyển Những chiếc bóng (Nxb Nhân loại tái bản lần thứ 2, năm 1949) thì Vita đang viết tác phẩm Hy sinh. Chúng tôi đã cất công tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có được. Không biết là tác phẩm có được xuất bản không.

(3) Một vài ý kiến phê bình của người cùng thời với Vita mà chúng tôi trích dẫn trong bài viết này được rút từ phụ lục tác phẩm Duyên phù sinh, Tố Tâm xuất bản, Sài Gòn, 1942.

(4) Dương Nghiễm Mậu, Từ đó đến nay, tạp chí Văn, số 80, ra ngày 15-4-1967, tr.66.

 

Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 246, ngày 21 tháng 3 năm 2013

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677584
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21302
17595
63677584

Thành viên trực tuyến

Đang có 201 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website