Học giả Phan Khôi (1887-1960) được biết đến với tư cách là tác giả của những bài khảo cứu, nghị luận về văn chương, văn hoá và học thuật nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Giáo sư Thanh Lãng (1924-1978) cho rằng: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh tuý nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc chiết của Tây phương”(1).
Phan Khôi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ gắn với đời sống báo chương nửa đầu thế kỷ XX. Ông được xem là người có công khơi mở phong trào Thơ Mới với bài thơ Tình già cùng bài luận Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ tân văn, số 122, ra ngày 10-3-1932). Trên phương diện sáng tác, Phan Khôi đã để lại một quyển tiểu thuyết duy nhất: Trở vỏ lửa ra. Tác phẩm này được ông sáng tác trong thời gian dạy chữ nho ở Sài Gòn và được Tân dân xuất bản năm 1939 dưới hình thức khuôn khổ Phổ thông bán nguyệt san.
Theo Vũ Ngọc Phan (1907-1987), Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi xuất hiện trên văn đàn được nhiều người chú ý vì hai lẽ: tác giả là “một tay viết văn nghị luận có tiếng” và là “một nhà Hán học uyên thâm”(2).
Nhan đề Trở vỏ lửa ra được Phổ thông bán nguyệt san giải thích như sau: “Nguyên tục ngữ có câu “Con gái trở vỏ lửa ra”, ở Trung Nam kỳ ai cũng biết cả. Bắc kỳ cũng có tục ấy từ xưa, bây giờ ở Hà Nội bỏ đã lâu rồi, nên ít người biết. Nhà có đàn bà đẻ, người ta buộc một cây ráy và một lẻ củi đã đun dở một đầu vào một với nhau, rồi lại buộc nó trên một cái nọc cắm ngoài ngõ, kêu bằng “khem”. Đẻ con trai thì cái lẻ củi giở đầu đã đun trở vào, con gái thì đầu ấy trở ra. Người đi qua, thấy cái khem thì biết trong nhà đẻ con trai hay con gái. Câu tục ngữ ấy cũng như câu chữ nho: nữ sinh ngoại hướng nghĩa là con gái sinh ra thì hướng ra bên ngoài”(3).
Nhân vật chính của tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra là Nghi, sinh trong một gia đình khá giả ở Quy Nhơn, vốn có tư chất thông minh, được cha mẹ gửi ở nhà người gì ở Phan Thiết để đi học. Ông bà Giám - phụ mẫu của nàng - không có con trai nên đã lập người cháu họ là Trần Công Thưởng làm kế tự. Vốn tính tham lam, khi mẹ Nghi qua đời, Thưởng lấy quyền gia trưởng chiếm đoạt gia tài và không chu cấp tiền cho Nghi ăn học. Nhờ sự can thiệp của bà giáo, Nghi tiếp tục ra Phan Thiết học tiếp và đỗ bậc tiểu học. Được tin Nghi tốt nghiệp, Thưởng viết thư gọi cô về với ý định gả cho một người giàu có trong vùng. Nghi chưa muốn lấy chồng và có chí hướng muốm học tiếp nên đã từ chối lời đề nghị của Thưởng. Thưởng đã vờ đồng ý để cô học tiếp để dụ nàng về quê. Tin Thưởng, Nghi trở về nhân đó biết rõ tâm địa của anh. Nhờ chị gái giúp tiền, Nghi trốn vào Sài Gòn kịp ngày nhập học. Hoá đơn tiền học của Nghi được gửi về cho Thưởng. Thưởng buộc phải thanh toán vì sợ quan tra xét. Sau bốn năm, Nghi đỗ đầu bậc cao đẳng tiểu học.
Nghi trở về quê và đề nghị Thưởng chia gia tài như lời trối của ông Giám. Nàng tính sẽ dùng số tiền ấy để tiếp tục học tú tài nhưng Thưởng không chịu. Thưởng đã đề nghị chia gia tài theo tỉ lệ có lợi cho hắn. Nghi đành tạm gác lại việc chia gia tài và ra Hà Nội học bằng tiền vay mượn của chị gái và anh rể là phán Thục. Một thời gian sau, phán Thục qua đời, gia cảnh chị gái lâm vào khôn khó, Nghi mất chỗ dựa. Nàng trở về nhà và định đồng ý với đề nghị của Thưởng về tỉ lệ chia gia tài nhưng người chị không chịu. Quan xử kiện hứa là sẽ đòi lại công bằng cho chị em cô. Nghi yên tâm trở lại việc học ở Hà Nội bằng tiền vay mượn của chị. Ở nhà, Thưởng đã hối lộ cho quan nhằm gác lại vụ kiện. Trong lúc đó, không muốn làm phiền chị và để có tiền chi phí sinh hoạt, Nghi đã phải vất vả làm thêm nên lâm bệnh nặng. Phạm Thị Xuân Sơn - người bạn học tốt bụng và Hà Văn Hải - sinh viên trường thuốc, con trai quan Án sát tỉnh Bình Định vốn thầm yêu Nghi đã hết lòng chăm sóc cô. Họ đã dấu Nghi về căn bệnh hiểm nghèo mà cô đang mang. Tuy nhiên, những cử chỉ của Sơn và Hải không che dấu được Nghi. Nàng biết mình không thể qua khỏi nên đã bán hết nữ trang, quần áo và thuê một người vú già chăm sóc mình. Nghi trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà lá ở xóm nhỏ thuộc làng Bưởi cạnh hồ Tây trong sự tiếc thương của Xuân Sơn và Hà Văn Hải vào năm 1930.
Trở vỏ lửa ra được viết với lối văn giản dị và kỹ thuật kết cấu đơn giản. Sự hấp dẫn của tác phẩm thể hiện qua việc tác giả sử dụng ngôn ngữ gần với khẩu ngữ. Một thứ khẩu ngữ mang đậm sắc thái vùng miền. Theo nhận xét của Vũ Ngọc Phan, “(…) những chữ, những câu ấy thật đặc tiếng “đường Trong”. Từ cái nhan đề Trở vỏ lửa ra cho đến những cách gọi: Phán Thục gái, Phán Thục trai, Cửu Thưởng trai, Cửu Thưởng gái; rồi những chữ: chỗi dậy, bãi hãi, la lối, sử giặc, hai hàng lệ nhểu xuống, mắng xối bự mặt, đỏ chạch cặp con mắt, thêm trội, nóc chính, nóc phụ, giã lã, băng bộ sang thăm, thấy tắt hút, nói cù cưa, bỏ trầm trây, sấn sướt, nói chằm bẵm, vân vân. Dùng những chữ như thế để thuật một chuyện xảy ra ở miền nam Trung kỳ, không những vừa thích hợp, lại còn làm giàu cho tiếng Việt Nam nữa”(4).
Trong Trở vỏ lửa ra, Phan Khôi đã dựng lên cuộc đời của Nghi với ý hướng cổ xuý nữ quyền rất rõ. Vấn đề nữ quyền được Phan Khôi chú ý cài vào lời của các nhân vật trong truyện. Chẳng hạn lời của bà giáo nói với Nghi: “Chị phải biết chị là nạn nhân của xã hội An Nam hàng ngàn năm nay. Cái chế độ ấy đã không coi đàn bà con gái chúng ta ra gì, cho nên chị mới phải ở vào cái tình cảnh đáng thương như thế”(5). Hay lời của Nghi nói với bà giáo: “Con thường đọc báo, thấy có tờ báo cổ động nữ quyền. Họ làm vậy là hữu tâm với phụ nữ chúng ta lắm. Nhưng đàn bà con gái không học, hay là học mà chỉ học đến ấu học tiểu học thì còn mong bình quyền với ai? Bởi vậy con muốn học lên nữa, sức theo được tới đâu thì theo tới đó”(6). Ý thức này có thể xem là một sự tiếp tục ý hướng của những bài viết liên quan đến vấn đề nữ quyền trên Phụ nữ tân văn trước đó. Có lẽ, vì phục vụ cho mục đích lý tưởng xã hội nên người viết ít dụng công về mặt nghệ thuật.
Ngay sau khi Trở vỏ lửa ra xuất hiện, nhà phê bình văn học Kiều Thanh Quế (1914-1947) đã có bài viết Trở vỏ lửa ra Phan Khôi hay là: trả Phan Khôi lại cho địa hạt của Phan Khôi đăng trên báo Mai, (số 104, ra ngày 29-9-1939). Tác giả cho rằng sở trường của Phan Khôi không phải là tiểu thuyết và Phan Khôi không nên tiếp tục viết tiểu thuyết. Theo Kiều Thanh Quế, Phan Khôi viết tác phẩm này với một mục đích tốt đẹp: bênh vực cho nữ giới. “Mỹ ý đối với phụ nữ, ông Phan Khôi không phải chỉ mới có với tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra, mà đã có trước kia trên mặt tờ Phụ nữ tân văn của ông Nguyễn Đức Nhuận, do ông chủ trương rồi. Hay nói khác: Trở vỏ lửa ra sở dĩ có, là nhờ cái mỹ ý trước kia ấy còn sót lại…”(7).
Trước 1939 - năm xuất bản Trở vỏ lửa ra, Phan Khôi đã có nhiều bài viết thể hiện ý thức bênh vực nữ quyền. Trên Phụ nữ tân văn, những bài viết về văn hoá, văn chương được lồng vào những vấn đề xã hội có liên quan đến nữ giới: Về văn học của phụ nữ Việt Nam; Văn học với nữ tánh; Lại nói về vấn đề văn học với nữ tánh; Theo tục ngữ phong giao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta; Chữ trinh: cái tiết với cái nết; Luận về phụ nữ tự sát; Đàn bà cũng nên làm quốc sự; Chức vụ của phụ nữ trong các kỳ tuyển cử; Đàn bà với quốc sự; Cái vấn đề nữ lưu giáo dục… Loạt bài viết này đã đi theo một sự nhất quán với tư tưởng tiến bộ. Phan khôi đã xuất phát từ việc xác định phụ nữ như một đối tượng được thể hiện trong văn chương để đi đến việc khẳng định vai trò của họ với tư cách là chủ thể của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Trong Luận về phụ nữ tự sát, Phan Khôi chắc chắn đã làm không ít độc giả đương thời phải sửng sốt khi tỏ ý ca tụng những phụ nữ tự sát để dành lấy quyền định đoạt số phận, để đấu tranh cho tự do: “Vong hồn các bà các cô! Tôi biết lấy gì mà ca tụng bây giờ? Cái từ tâm ấy cái khổ hạnh ấy, tôi nhìn rằng nếu chẳng phải của bậc thánh triết thì cũng của trong chí sĩ nhân dân… Tự sát là đáng quý trọng: những phụ nữ tự sát là đáng cho ta thương xót và kính phục” (Phụ nữ tân văn, số 22, ra ngày 26-9-1929). Qua đó, ông lên án xã hội kìm kẹp tự do của người phụ nữ. Điều này cho thấy nhận định của Kiều Thanh Quế như đã dẫn ở trên là có cơ sở.
Kính trọng phẩm chất trí thức và văn tài của Phan Khôi, Kiều Thanh Quế đã thẳng thắn chỉ ra: “Trở vỏ lửa ra quyển truyện đầu tay (theo lời Phan Khôi tuyên bố) của Phan Khôi, quyết phải là quyển truyện chót của Phan Khôi vậy! Ông Phan Khôi nên dành để nghệ thuật quý báu của mình (nghệ thuật khảo cứu) mà phụng sự những điều mình sở đắc. Tiểu thuyết không phải là địa hạt của Phan tiên sanh. Chúng tôi thành kính quy tiên sanh về địa hạt của tiên sanh: khảo cứu đề tài tư liệu. Chúng tôi thành thật: với tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra tiên sanh; với khảo cứu, đề tài tư liệu Trở vỏ lửa ra vào tiên sanh. Và mong tiên sanh đừng để nhà xuất bản Tân dân lợi dụng tên “Phan Khôi” của tiên sanh mà bán Phổ thông bán nguyệt san cho chạy. Một tấm lòng… Mong tiên sanh biết bao!”(8).
Trong Nhà Văn hiện đại (1942), khi đánh giá Trở vỏ lửa ra, Vũ Ngọc Phan đã có ý kiến gần với Kiều Thanh Quế, nhưng có phần chừng mực: “Viết quyển này, Phan Khôi đã dùng ngòi bút nhà báo hơn là ngòi bút tiểu thuyết gia. Những việc trong truyện đều là những việc có thể có thật và hiện đã có trong xã hội Việt Nam; tác giả đã thuật lại các việc ấy một cách quá sáng suốt và rõ ràng, làm cho nó giống một thiên kỹ thuật hơn là một thiên tiểu thuyết. Bởi thế cho nên có người đã chê là không có nghệ thuật. (…) Phan Khôi đã dùng một nghệ thuật nọ vào một nghệ thuật kia, do ở cái tính quá khúc chiết của ông, chứ không phải quyển Trở vỏ lửa ra không có nghệ thuật”(9).
Ngày nay đọc lại Trở vỏ lửa ra, đặt nó trong mặt bằng sáng tác thời ấy mới thấy ý kiến của Kiều Thanh Quế và Vũ Ngọc Phan là hữu lý. Điều này không khiến địa vị văn học sử của Phan Khôi giảm sút, mà càng cho thấy rõ hơn sở trường nghị luận, khảo cứu văn chương, học thuật và những đóng góp cho lịch sử văn học của học giả Phan Khôi.
_____________
.
(1) Thanh Lãng: Phan Khôi, trong Phan Khôi nhà ngự sử trên văn đàn Việt Nam, (số chuyên đề kỷ niệm Phan Khôi), Văn học, số 122, Sài Gòn, 1971, tr.48.
(2), (4), (9) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, tập 1, tái bản, Nxb Văn học và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học, TP. Hồ Chí Minh, tr.247; 251; 251.
(3), (5), (6) Phan Khôi: Trở vỏ lửa ra, Phổ thông bán nguyệt san, năm thứ 3, số 41, ra ngày 16 Aout, 1939, tr.147; 26; 85.
(7), (8) Kiều Thanh Quế: Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam (tuyển tập nghiên cứu, phê bình văn học), Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng sưu tầm và biên soạn, Nxb Thanh Niên, 2009, tr.35; 36.
Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 830-2013