Thi ca là lễ vật của lòng tin. Ít ai dễ tin người như người Việt Nam. Bởi vì họ vững tin ở mình và đem lòng yêu thi ca hơn ai hết.
Khuất Bình Nguyên
Lịch sử thi ca Việt Nam 1000 năm đầu tiên sau công nguyên vẫn còn để lại những tờ giấy trắng không chữ viết cho đến tận bây giờ. Điều kỳ lạ chưa cắt nghĩa rõ ràng được đó lại xảy ra ở một đất nước có truyền thống yêu thi ca như Việt Nam. Người Việt đã sáng tác văn học như thế nào trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc vẫn là một dấu hỏi lớn chưa lời đáp. Khương Công Phụ, người quận Cửu Chân đỗ tiến sỹ năm 784 từng là Hàn lâm học sỹ, rồi Gián nghị đại phu bình chương sự đời Đường và có thể nhiều người khác nữa có trước tác văn học mà chưa được nghiên cứu. Một nghìn năm dài đằng đẵng ấy, những giao thoa văn hoá giữa văn chương bản địa và văn hoá Hán vẫn còn ẩn mình trong bóng đêm.
Cũng 1000 năm ấy, đã có những đoạn thời gian ngắn ngủi ngời sáng. Ba năm của Trưng Nữ Vương (40-42). 7 năm của Vạn Xuân Lý Nam Đế (541-547). 23 năm của Triệu Việt Vương (548-570). 32 năm của Hậu nam đế Lý Phật Tử (571-602). 10 năm của Mai Hắc Đế (713-722). 7 năm của Bố cái đại vương Phùng Hưng (? -791). 82 năm của 1000 năm. Khoảng thời gian của sự nghiệp khôi phục quốc thống, người Việt Nam không thể không sáng tác những áng thi ca của thời đại mình. Nhưng giấy trắng vẫn còn lại đó. Người Việt lúc đó sáng tác thi ca bằng thứ chữ gì? Là chữ Hán hay chữ khác chữ Hán? Các nhà sử học vẫn còn rất kín tiếng về vấn đề ấy. Nhưng nếu phải vẽ lại hình hài của nền thi ca 1000 năm đã mất thì dựa vào bản tính của dân tộc có thể khẳng định: Đó là nền thi ca thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tinh thần quật khởi chống xâm lược. Một thế giới tinh thần cộng đồng của làng xã Việt Nam. Một sự hoà nhập thân ái về tín ngưỡng mà tiêu biểu là sự chấp nhận Phật giáo như là một gốc rễ của đời sống tâm linh Việt. Nền thi ca ấy có phong cách tư duy hoà đồng luôn cởi mở để vượt qua được những thách thức của sự đồng hoá, nhân lên những yếu tố bên ngoài làm nên bản sắc riêng cho lịch sử thời gian sau tiếp nhận. Đó phải chăng là những điều căn cốt của thi ca 1000 năm đầu tiên sau Công nguyên.
Lịch sử thi ca 1000 năm tiếp theo đã được nhiều người thừa nhận cách phân loại 900 năm văn học trung đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19 và 100 năm văn học hiện đại. Mặc dù 900 năm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, 100 năm viết bằng chữ quốc ngữ nhưng thi ca 1000 năm ấy vẫn quy tụ những đặc diểm chung làm nên truyền thống một nền văn học, bất chấp sự khác nhau và sự thay đổi đầy ngẫu nhiên của lịch sử, sự thăng trầm, hưng vong của đất nước. Hai trong số nhiều đặc điểm phát sáng diện mạo của thi ca Việt Nam. Thứ nhất là: Thi ca Việt Nam luôn luôn đứng ở trung tâm của thời cuộc và vận hội đất nước, phản ánh sinh động tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam. Đó là bài ca đầy bi tráng và thống thiết cũng như sự thanh thản và tinh tế tâm hồn Việt giữa bể dâu của vận mệnh đất nước và thân phận con người. Nhờ đó chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa yêu nước như là nền tảng tư tưởng tươi sáng của thi ca 1000 năm biến động. Thứ hai là: Thi ca Việt Nam là kết quả của sự giao thoa văn hoá ngay từ lúc khởi đầu. Người Việt Nam đã thực hiện sự mở cửa rất sớm để đón nhận những ảnh hưởng của tinh hoa văn hoá bên ngoài nhằm làm phong phú và đậm đà bản sắc riêng. Quá trình ấy không phải giản đơn và dễ dàng mà trải qua sự đấu tranh, lựa chọn vô cùng khắc nghiệt để đưa về những giá trị chân, thiện, mỹ cho riêng mình, vượt qua những thách thức mang ý nghĩa sống còn. Văn hoá bất chấp mưu đồ chính trị của những thế lực xâm lược, từ trong lịch sử lâu dài của loài người, văn hoá trở thành cầu nối hữu nghị của các dân tộc. Bởi thế, thi ca là nơi thể hiện bản lĩnh văn hoá của người Việt Nam.
900 năm văn học trung đại thế kỷ 10 đến thế kỷ 19, thi ca là thể loại văn học phát triển nhất. Thơ được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm – thứ chữ dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt. Chữ tượng hình được xây dựng bởi những ý niệm hình tượng về thế giới tự nhiên ảnh hưởng và tác động sâu sắc trong sáng tạo thi ca. Các nhà sư, nhà nho, vua chúa, những tầng lớp trí thức cao của xã hội tiếp thu những tư tưởng tôn giáo vã xã hội của bên ngoài, nhất là Phật giáo và Nho giáo để thực hiện thiên chức nhà thơ. Họ tiếp thu và sử dụng một hệ thống các điển cố văn học, những tư tưởng chỉ đạo sáng tác như thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo và cả những thể loại thi ca, nhất là thể thơ Đường Luật để chuyển tải chí và đạo của người Việt Nam.
Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15, thi sỹ Việt Nam đứng ở vị trí giữa trận tiền trong cuộc chiến giành và giữ nền độc lập đất nước, viết nên khúc tráng ca bi hùng trên mình ngựa chiến. Trong cái thế mặt đối mặt ở phòng tuyến sông Cầu vang lên thiêng liêng bài thơ thần của Lý Thường Kiệt. Chiến thuyền của giặc Nguyên vừa chìm xuống thì sóng Bạch Đằng lại cuộn lên trong bài phú nổi tiếng của Trương Hán Siêu. Những Lạng Giang, Xương Giang đầy máu giặc Minh đã chảy trong thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại Cáo của Nguyễn Trãi.
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Năm thế kỷ vinh quang như hai câu thơ ấy, cũng là 5 thế kỷ tâm hồn Việt trước cảnh sắc thiên nhiên và thế sự của bao nhiêu đêm mưa xuân. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai của Mãn Giác Thiền Sư. Hay án sách cây đèn hai bạn cũ, song mai hiên trúc một lòng thanh để lắng đọng tâm tình với đào hoa kín tiễn mùi hương dễ động người trong thơ quốc âm; Hoặc Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai – một sân hoa xoan nở trong hạt mưa thưa thớt rơi vào thơ chữ Hán của Ức Trai như là nét thi thư bình dị của văn hoá Việt, tâm hồn Việt sau nhiều trận binh đao. Bốn thế kỷ tiếp theo từ 16 đến 19, khi mà xã hội phong kiến rơi vào giai đoạn suy vi, khi mà đình miếu đổ nát, chiến tranh huynh đệ tương tàn, làng xóm đi cả ngày đường không nghe được một tiếng gà gáy, những quán cơm bát canh nổi xao mỡ thịt người như ông Phạm Đình Hổ đã viết tuỳ bút đau thương ấy trong mưa thì bi kịch về thân phận con người, khát vọng được yêu thương hạnh phúc như là tiếng nói chủ đạo phả vào trong nhiều khúc ngâm và truyện thơ nôm tiếng kêu than đứt ruột. 9 thế kỷ thi ca trung đại có hàng trăm thi sỹ tài năng. Mặc dù hồi thế kỷ 18, 19, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi làm sách khảo cứu Thiên Chương và Văn tịch chí trong Kiến văn tiểu lục và Lịch Triều hiến chương loại chí đều than thở về sự mất mát của văn chương trung đại trải qua binh lửa mà thành tro tàn đành phải tìm những gì sót lại qua Kim thạch di văn. Nếu không thì di sản văn chương trâu kéo phải mệt, nhà chứa phải đầy. Mặc dầu vậy, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ 10 đến 19 có tới 134 nhà thơ danh tiếng mà Lê Quý Đôn nhận xét: Tinh anh nhân tài, khí cách văn chương không khác gì Trung Quốc… Thi sỹ nhiều người trong trẻo cứng rắn, cao thượng thanh liêm, có phong độ như sỹ quân tử. Họ là Vạn Hạnh thiền sư, Mãn Giác thiền sư, Trần Nhân Tông, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, PHạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Phi Khanh, Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Nguyễn Gia Thiều, Bùi Dương Lịch, Phan Huy Ích, Hồ Xuân Hương, Phạm Quý Thích, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu v.v… Thi ca của họ là một thế giới huyền diệu và đa sắc tâm hồn, cốt cách Việt Nam, cả trong thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Nếu được kể ra 3 người tiêu biểu nhất thì xin được nêu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Cao Bá Quát. Thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442) đã dùng chữ Hán để viết nên thiên cổ hùng văn đánh giặc cứu nước và dùng chữ Nôm để viết thơ quốc âm đưa tiếng nói hàng ngày của người dân Việt vào văn chương bác học, truyền cảm đầy tinh tế những rung động sâu xa của tâm hồn trong Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình, thuật hứng… Một thứ thơ quốc âm chững chạc mà trang nhã. Tư tưởng nhân nghĩa của ông là điểm ngời sáng trong văn học trung đại. Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) không chỉ là người đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học trác tuyệt và sức biểu cảm vô cùng tinh tế trong truyện nôm có tên gọi Truyện Kiều mà còn là một tài năng lớn trong những vần thơ thế sự viết bằng chữ Hán. Cao Bá Quát (1808-1855) – tục gọi là Thánh Quát là ngôi sao sáng nhất của thi ca thời kỳ xã hội phong kiến suy tàn ở giai đoạn chót mà thơ chữ Hán của ông được viết ra như ở thời kỳ vàng son của chữ ấy. Thơ ông như báo trước sự lỗi thời của thế hệ ông trước vận mệnh của đất nước sắp đổi thay.
Từ khi vượt biển qua đất Ba Son. Mới cảm thấy vũ trụ bao la. Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con. Trong thế gian này có ai thật là bậc tài trai, mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ.
Nửa sau thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thi ca Việt Nam. Dường như có sự cất mình khỏi sự gò bó niêm luật của thơ Đường, các thể thơ truyền thống Việt như lục bát, song thất lục bát được dịp trổ ra phô diễn vẻ đẹp đầy quyến rũ của tâm hồn và khát vọng sống hạnh phúc qua các khúc ngâm và truyện thơ nôm dài hàng nghìn câu mà tiêu biểu là Chinh phụ Ngâm của Đặng Trần Côn qua bài dịch của Đoàn Thị Điểm (?), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Và đỉnh cao nhất là Truyện Kiều.
Vào nửa sau thế kỷ 19 và 30 năm đầu thế kỷ 20 đã có những phản ứng khác nhau của người Việt Nam trước sự gặp mặt với văn hóa Phương Tây.
Sự giao tiếp đầu tiên giữa 2 dòng văn hoá Đông – Tây thông qua con đường tôn giáo. Các giáo sỹ phương Tây đến Việt Nam từ thế kỷ 16-17 đã mau chóng hoà nhập và được người Việt Nam tin yêu đón nhận. Họ đã dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Chữ quốc ngữ nhờ đó đã mau chóng hình thành để sau đó 300 năm trở thành văn tự phổ thông rộng rãi và là phương tiện đầy hiệu lực để sáng tác thi ca trong thời đại mới. Bởi vì khác với chữ Hán, chữ quốc ngữ gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân Việt. Con đường giao thoa văn hoá Đông – Tây lúc đầu diễn ra âm thầm dưới mái các giáo đường lợp cỏ tranh dài hàng trăm năm có lẽ khác với những gì đã xảy ra những năm đầu sau Công nguyên khi chữ Hán theo chân những đoàn ngựa chiến vào Việt Nam.
Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến. Văn hoá phương Tây náu mình trong đội quân xâm lược của chủ nghĩa thực dân vấp phải sự chống trả của các thi sỹ Việt Nam. Cao Bá Quát trong bài thơ chữ Hán Thập ngũ dạ đại phong đã tỏ rõ: yếu đả hồng di cự hạm hồi. Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc: Bữa thấy dù che trắng lốp muốn đến ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen xì muốn ra cắn cổ. Rồi thì sau đó những cảm xúc ngậm ngùi của thi nhân khi Cao Bá Quát thấy người đàn bà phương Tây cầm ly sữa nũng nịu chồng thì thở dài khởi thức nam nhân hữu biệt ly. Từ ngậm ngùi ấy đến một khoảng cách ngắn nữa là cam chịu đắng cay cái thất thế của chữ thánh hiền như ông Tú ở thành Nam Định than thở: Có làm chi cái chữ nho và bao kẻ muốn bỏ bút nho sang bút sắt để sớm rượu sâm banh tối sữa bò.
Ba mươi năm đầu thế kỷ 20 có 3 người nổi danh. Họ là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, và Tản Đà. Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương Đông Dương Tạp chí, Phạm Quỳnh, Nam Phong tạp chí nhiệt thành quảng bá dùng chữ quốc ngữ và truyền bá tư tưởng văn chương của người Tây Dương. Phạm Quỳnh và một số người khác đả phá sự gò bó quá chặt chẽ niêm luật của thơ Đường. Tiếc thay cả hai vị này đều không đến được bến bờ của sự cách tân thơ ca. Nam Phong tạp chí có tổng số 210 số từ 1917 đến 1934 lại có tới 78 bài thơ vịnh Kiều. Họ dùng một thứ văn tự mới để làm thơ ngâm Vịnh có từ thời nhà Đường. Thơ ca ấy không đem lại dấu ấn gì đặc biệt cho cuộc đổi đời của thi ca hiện đại thế kỷ 20. Chỉ có Tản Đà là thành công hơn cả. Ông vốn xuất thân nho sỹ và chịu ảnh hưởng sâu nặng văn chương chữ Hán thời trung đại; nhưng chỉ có ông là người đầu tiên nói được lời từ biệt ngọt ngào với quá khứ của thơ Đường Luật 9 thế kỷ trước và bước đi thư thái để ngồi vào chiếu trên của thời đại mới trong thi ca như là biểu hiện của bản tính hài hoà thân ái của người Việt Nam trước sự xung khắc về văn hoá. Với Tản Đà, thi ca là lễ vật của lòng tin. Ít ai dễ tin người như người Việt Nam. Bởi vì họ vững tin ở mình và đem lòng yêu thi ca hơn ai hết.
Hồi đầu thế kỷ cũng có người muốn lặp lại cái sự tiếp thu văn tự của tiền nhân 9 thế kỷ trước, dùng tiếng Pháp làm thơ. Hoài Thanh đã không ngần ngại hạ những câu rất nặng rằng kẻ ấy đến làng thơ với chiêng, trống xập xoè inh cả tai; người ta đổ ra xem rồi lại tưng hửng trở vào vì không có gì ngoài điệu bộ và lối ăn mặc lố lăng. Có tình hình ấy bởi chưng chữ quốc ngữ - kết quả của sự giao thoa văn hoá Đông Tây đã có sự trưởng thành vượt bậc.
Hoài Thanh viết Một thời đại trong thi ca đã khẳng định sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ. Chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 năm, 1932-1945, một cuộc Cách mạng thi ca lớn nhất trong lịch sử hiện đại với ít nhất 44 thi sỹ tài hoa xuất hiện, như tên người ta thường gọi: phong trào Thơ Mới. Hàn Mặc Tử. Chế Lan Viên. Xuân Diệu. Huy Cận. Nguyễn Bính … Thơ Mới không bị ràng buộc bởi bất kỳ thể thơ nào của phương Tây. Những đòi hỏi về tự do cá nhân trong xã hội lúc bấy giờ gặp gỡ chủ nghĩa lãng mạn trong thơ Pháp, đặc biệt ám ảnh bởi thơ tượng trưng của Rimbaud, Verlaine khác gì lá đương vàng gặp tiết heo may của mùa Thu đã rạo rực lên lòng khát khao yêu đương tuổi trẻ, nỗi buồn cô đơn vô cớ của buổi thanh xuân cùng với những hoài niệm thời xưa yêu dấu lãng đãng trên những dòng thơ vô cùng linh động 8 chữ hay 7 chữ. Chưa bao giờ chữ quốc ngữ lại hữu hiệu đến thế trong việc bày tỏ nỗi lòng. Một tầng lớp thị dân đông đảo ở các đô thị, thành phố đã nồng nhiệt đón nhận Thơ Mới như một người bạn tâm tình thân thiết, vượt qua ảnh hưởng của tiếng Pháp vốn rất được cổ súy trong trường học và các công sở thực dân.
Nửa sau thế kỷ 20, gần hết 100 năm của thế kỷ ấy, người Việt Nam phải giành mọi nguồn lực cho cuộc trường kỳ kháng chiến giành và giữ nền độc lập. Có cảm tưởng thi ca lại trở lại truyền thống 5 thế kỷ 10 đến 15 khi thơ được viết trên mình ngựa chiến. Những dòng thơ như những luống cày bụi đất trên cánh đồng lửa cháy. Một không khí sử thi như những bài ca ra trận cùng với khúc hát tâm tình của tình yêu thương xứ sở. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng như là âm điệu chủ yếu của thi ca. Cái thời Thơ chỉ sống một phần cho mình ba phần cho nhiệm vụ như là một động lực thúc đẩy cho việc cách tân thi ca. Vì thế cách tân thi ca không phải ý muốn chủ quan của cá nhân thi sỹ mà đó là động lực của thời cuộc và lịch sử. Giữa mưa bom bão đạn có ai còn kịp ngồi một chỗ để tỉa tót nắn dòng. Cách tân thi ca trào ra từ máu lửa và sự quên mình. Thơ tự do không vần giàu nhịp điệu cuộc sống cùng với lời ăn tiếng nói của dân công, binh lính… đã đi vào thơ từ những năm 1948-1949. Và trường ca như là một thể thơ phổ biến để các thi sỹ viết sử thi mở rộng trường cảm xúc mạnh mẽ của mình suốt những năm 1960 – 1970. Một thế hệ các nhà thơ sinh ra trong thời đại ấy đã có mặt trên giá sách của thời gian. Tố Hữu. Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm. Chính Hữu. Quang Dũng. Và. Bằng Việt. Lưu Quang Vũ. Phạm Tiến Duật. Hữu Thỉnh. Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Đức Mậu. Thanh Thảo. Thu Bồn. Vũ Quần Phương. Xuân Quỳnh. Lê Anh Xuân. Hoàng Nhuận Cầm. Nguyễn Duy. Trần Vàng Sao v.v.. Cuộc đồng hành cùng đất nước vào cuộc chiến sinh tử ấy dài đên mức thần đồng Trần Đăng Khoa đã mang thơ đi tải gạo từ rất sớm hạt gạo làng ta gửi ra tiền tuyến cho đến lúc trưởng thành trở thành người lính biển một bên và em một bên khi đợi mưa ở đảo Sinh Tồn. Chỉ trong khoảng hơn 10 năm từ 1960 đến 1975 một đội quân đông đảo thi sỹ đã ra đời và gắn sinh tử của mình vào cuộc trường chinh của đất nước. Họ đông hơn cả thời kỳ Thơ Mới.
Nửa sau thế kỷ 20, người Việt Nam mở cửa ra thế giới, tiếp tục thể hiện bản lĩnh văn hóa của mình trong vòng sóng giao thoa. Đáng chú ý nhất là việc tiếp nhận tinh thần công dân và tình yêu tổ quốc trong văn học Nga – Xô Viết. Bản tính Nga, thiên nhiên Nga được xem như là những tiếng nói tâm tình thân thiết nhất.
Thế kỷ 20, các thể loại văn xuôi, kịch … đều phát triển. Nhưng có lẽ vẫn là thế kỷ của thi ca. Có người nói. Trường cảm xúc sung mãn nhất thuộc về Chế Lan Viên, khi ông ấy đến với thi ca buổi đất nước còn điêu tàn, qua ngày của số thành sao chiến thắng đến bao ẩn ức thời di cảo?.
Năm 1984, Chế Lan Viên viết: Thế kỷ 20 người ta nói rất hay về thơ trong thế kỷ người ta sống quá khó khăn này. Ai sẽ là thi nhân của thế kỷ 21? Họ sáng tác bằng gì? Bằng các từ ngữ hay bằng sự lặng im?. Thi ca đương đại, tính từ 30 năm gần đây lại đứng trước những thách thức lớn về bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển giữa cơn bão toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Sự sụp đổ những giá trị tưởng như đứng vững không thay đổi lại một lần nữa khẩn thiết đưa ra câu hỏi phải trả lời. Những đám mây của cái ác vẫn đang vẫn vũ mọi nơi đe dọa số phận của con người. Thời mưa gió không chỉ mang tên Âu-Mỹ? Thi ca có dứng vững cùng dân tộc trước thách thức này không?
Đánh giá về thi ca đương đại phần đông là dè dặt và bi quan. Rằng thơ đang mở rộng nhưng càng mở rộng lại càng tầm thường. Thơ đương đại ít có những thi phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hàng năm in tới 4, 5 nghìn tập thơ nhưng thơ vẫn mất mùa vì thơ hay quá ít. Thơ dở quá nhiều. Một nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại hỏi: Thơ của những người viết trẻ chỉ là những tiếng động mơ hồ phía sau các bức tường mà người khác dựng nên? Những lời bàn chân thành của người trong cuộc làm chúng ta xấu hổ và đau lòng biết mấy.
Ở một chiều nhìn nhận khác, thơ đương đại đang giành nhiều tâm huyết cho cách tân trong khi kế thừa triệt để truyền thống. Khoảng những năm cuối thế kỷ 20, một nhóm nhà thơ rất có tài năng và đã trải qua nhiều cát bụi đã tìm tòi đổi mới ngôn ngữ và cảm xúc thơ. Họ có những câu thơ độc đáo như: Áo nắng tuổi cờ Thu chín tới thủ đô. Họ chủ trương thơ không dùng đến ngôn ngữ thông thường mà sử dụng các biểu đạt siêu ngôn ngữ, tức là làm thơ bằng các hình vẽ mà có người ở hải ngoại gọi là thi đồ thư. Mặc dù có một thư đồ thi đã được người Mỹ dùng làm bìa sách hồi năm 2004 ở Illinois. Nhưng có lẽ đó là những thử nghiệm táo bạo dù biết trước chưa thành công. Đọc họ mà xúc động, thương cảm bởi một người đã từng viết Thơ là mạng sống, là lý lịch thật của đời tôi.
Một số nhà thơ trẻ muốn đi khác truyền thống ở chỗ chọn chỗ đứng ở bên lề xã hội và sử dụng ngôn ngữ đời thường còn thô tục hơn cả Nguyễn Huy Thiệp gắn thơ với nửa mơ nửa khôn của vợ. Loại thơ này không được đông đảo người yêu thơ mến mộ.
Có một lớp thi sỹ đã thành danh và đang ngày càng trở thành lực lượng chủ đạo của thơ đương đại. Họ có những biến đổi mạnh bạo về thi pháp trong việc sử dụng các yếu tố siêu thực và duy lý làm nền tảng cho cảm xúc thơ trong lúc vẫn duy trì những chủ đề truyền thống về tình yêu quê hương xứ sở, về khát vọng lứa đôi cùng với việc nhìn nhận mới mẻ những hiện tượng văn hóa truyền thống bằng việc chiêu tuyết cho thị Mầu, cho Thủy Tinh, phê phán cô Tấm nhân từ gì mà làm mắm Cám cho mẹ nó ăn v.v… Thơ văn xuôi vốn được dùng từ những năm 1960 với Chế Lan Viên ở miền Bắc, Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam được giới trẻ sử dụng như những bài thơ dài mà không phải trường ca hay truyện thơ. Một số thể thơ nước ngoài được thể nghiệm nhiều hơn so với hồi thế kỷ 20 dùng thể thơ sonnet. Thời gian thấm thoát trôi qua. Họ cũng không còn trẻ nữa. Một vài khuôn mặt đáng yêu đã phải ra đi vĩnh viễn giữa những dòng thơ cách tân còn dang dở. Lãng Thanh. Nguyễn Lương Ngọc. Dương Kiều Minh. Còn hàng trăm thi sỹ thuộc thế hệ Nguyễn Quang Thiều đang mất ngủ vì lửa của thời đại mình. Có khắt khe quá không khi người ta nói: Thơ trẻ như là những thứ quặng. Đương nhiên lẫn vàng nhưng không phải vàng. Họ cần tinh luyện?
Thơ thế kỷ 21 đang đi về đâu khi nó đứng ở trung tâm của đời sống dân tộc, lắng nghe và trả lời những câu hỏi khẩn thiết của thời đại mình không phải bằng bộ óc của nhà chính trị mà bằng con tim thi sỹ cũng như chấp nhận thách thức của toàn cầu hóa để viết những vần thơ thể hiện bản lĩnh văn hóa của người Việt Nam – đâu phải chuyện dễ dàng. Có điều là sự cách tân rơi vào cầu kỳ bao nhiêu thì khoảng cách của thơ với sự tầm thường hóa không xa là mấy. Và thật sai lầm trong sự tiếp nhận giao thoa văn hóa ào ạt như sóng đại dương lại dị ứng ngoảnh mặt với bên ngoài hoặc copy không trên cơ sở những giá trị truyền thống. Những trăn trở về tầm vóc của thi ca dân tộc của lớp thi sỹ đi trước vẫn còn đó. Nguyễn Đình Thi băn khoăn chúng ta thiếu những nhà văn dạy cho loài người cách sống. Chế Lan Viên gượng cười trong một cơn đau Thôi đi chú Vịt quẩy ao nhà. Không hiểu cầu vồng không hiểu sấm. Thi ca thế kỷ 21 vẫn đang tìm vận hội như thi sỹ của Điêu Tàn đã viết.
Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở
Và ai đón thơ anh ở cuối con đường?.
Cuối xuân 2018
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 17-18, ngày 28-4-2018