Chảy đi, Thiệp ơi!

20200615

Trước Tết Canh Tý 2020 vừa rồi độ mươi, mười lăm ngày, Ông Thiệp nhắn xuống nhà chơi ở dưới Khương Hạ. Nhân thể vẽ tặng tôi bức chân dung ông có ý định làm từ lâu mà còn dang dở. Chưa thực hiện xong được. Cách đây mấy năm Thiệp đã đưa tôi sang Bát Tràng để vẽ thẳng lên đĩa mộc. Loay hoay cả một buổi chiều không thành. Vía tôi nặng quá. Ông đành phải thôi.

Chuyện hẹn vẽ lên đĩa chờ mãi đến Tết 2020 mà không thấy ông ấy gọi về dưới Khương. Sau Tết thì rộ lên Covid 19 tấn công loài người. Giãn cách xã hội. Người ta không thể đến được với nhau. Độ giữa tháng 5 mới hay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lâm nạn.

Ngày 26 tháng 5 năm 2020, Tôi về Khương Hạ thăm nhà văn. Ở trước cửa hiên nhà, gần pho tượng Phật mà nhiều lần đến đây tôi cứ nghĩ đó là hình bóng Con gái Thủy Thần với những đường nét trên khuôn mặt rõ ràng, đôi mày thanh tú, quả cảm. Người đã ám ảnh Thiệp cả một đời văn. Có một cái gì đấy kéo sững chân tôi đứng lại – Một ông già may ô quần đùi ngồi trên ghế nhựa; đầu tròn lưa thưa tóc ngắn. Từ trán lên đỉnh đầu khoảng bằng bàn tay lộ ra mảng màu xam xám nổi lên dăm bảy đốm lang đỏ mờ vuông vuông nhỏ như mặt quân súc sắc. Miệng hơi chéo thành một đường dưới đôi mắt chừng như mệt mỏi. Gò má bên trái thâm tím vì vừa bị ngã đêm qua. Tay và chân trái bị liệt đang được dần hồi phục. Thiệp đây rồi. Tôi nghẹn lại vì thương ông bạn già. Thiệp nói nhỏ với tôi: Nguyễn Huy Thiệp … xong rồi. Thì ra Thiệp bị tai biến mạch máu não từ ngày 4/3. Gia đình đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai. Chỉ đến 10/3 Bạch Mai lại bị phong tỏa vì ổ dịch Covid 19. Thiệp phải chuyển sang bệnh viện y học dân tộc phố Lương Thế Vinh. Bây giờ thì nằm nhà. Chữa bệnh ngoại trú. Nắng nôi thế này mà Thiệp lại tập đi từng bước nặng nề hơn đứa trẻ, phải có người dìu. Trong Dăng lưới bắt chim Thiệp viết: Con đường của nhà văn thật là dài…  bây giờ nó dài hơn thực sự. Điều kỳ lạ Thiệp còn trí nhớ tuyệt vời, tuy ngắt quãng nhưng nói liên tục, cùng với cái dái tai thế kia, cái mũi ống bương thế kia không phải là hạng tầm thường. Thiệp gọi Bách, con trai đầu lòng lấy cuốn sách ở đầu giường ra. Đó là 1 quyển chuyên luận của Đại học Huế viết về Thiệp vừa gửi tặng ông. Hỏi mượn tôi cây bút viết, tay phải nhà văn run run… được mấy chữ ngắt quãng, hết cả trang bìa lót nguyên văn như sau: Thân quý… tặng lại… ông Nga. Đang ốm… đang tập đi. Nhưng ngay 26/5/2010. Ông đã tự ý lùi thời gian lại 10 năm.

Nghiệp chướng văn chương như vận vào cuộc đời của Thiệp. Xuất hiện đầu tiên vào hồi cuối những năm 1980, bằng chùm truyện ngắn dưới tên gọi chung: Những ngọn gió Hua Tát. Đó là phần thưởng của núi rừng Tây Bắc ban tặng sau 10 năm làm giáo học cho cán bộ vùng cao ở Hát Lót – Cò Nòi. Nơi có lần Thiệp bị một cô gái Thái lừa giữ hộ ngựa ở chợ Mường La. Ngay từ lúc ấy, văn chương Thiệp đã cất lên tiếng kêu ai oán và cay đắng của thân phận con người, cảnh báo những hiểm họa không lường được của thế giới nhân sinh. Trong bản nhỏ Hua Tát. Đó là chàng Khó quyết chí giết con hổ dữ để lấy Trái tim hổ chữa cho đôi chân bị liệt của cô Púa xinh đẹp. Khó thì tử nạn, còn Trái tim hổ thì có kẻ lấy cắp mất rồi. Đó là Con thú lớn nhất đời thợ săn lại không phải là thú mà là người vợ già của kẻ đi săn do bị chính người đó bắn nhầm… Đó là chàng Lủ bỏ bản Hua Tát đi tìm chìm nổi vận may trong cuộc đỏ đen. Kiếm được một tay nải đồng bạc hoa xòe. Khi về đến bản, chỉ thấy vôi bột trắng xóa rải khắp nơi, trên những khau cút nhà sàn đầy những quạ đen béo núc. Lủ bới mộ để tìm vợ vì vẫn nghe tiếng rên rỉ ở dưới đất vọng lên. Lủ kéo được vợ ra khỏi huyệt mộ thì cả hai vợ chồng đều tử nạn vì nạn dịch. Người ta lấp họ bằng vôi bột trắng và những đồng bạc trắng hoa xòe… Tôi kinh sợ với lối kể chuyện lãnh đạm của Thiệp ngay khi ông mới bước vào nghề văn. Ngày hôm nay khi đến thăm ông, tôi nhắc lại cái quan niệm sáng tác của Thiệp rằng văn học mà lẩn tránh nỗi đau của thân phận con người thì đâu phải là văn học nữa.  Trong lúc thăng hoa, ở tại thời điểm bệnh tình ác liệt như vậy, Thiệp vẫn còn tỉnh táo và rành rọt để biện minh. Thiệp nói: Phải từ nỗi đau để tìm được tiếng cười. Nguyễn Khải nghiêm chỉnh quá không cười được. Nguyễn Tuân cũng không cười. Chỉ Phụng, Vũ Trọng Phụng mới cười được mà thôi. Mới từ nỗi đau để tìm đến tiếng cười…

Nhưng Con gái Thủy Thần chỉ cho Thiệp xuất hiện như vậy. Dù có ý vị nhưng chưa gây được tiếng vang gì thực sự. Người có đôi lông mày thanh tú quả cảm đã cho Thiệp đợi đến Tướng về hưu, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc, Mưa Nhã Nam, v.v.. thì tên tuổi Thiêp mới nổi như cồn. Thiệp đứng vào hàng ngũ của một trong những nhà văn có bản sắc nhờ sự đổi mới của đất nước. Con gái Thủy Thần đã mách Thiệp hãy cho các nhân vật anh hùng thử thách, đặt họ vào trong cuộc sống đời thường, buộc họ cư xử như những người bình thường và bao giờ Thiệp cũng như được sự dẫn dắt của người con gái có bộ mặt sắc nét kia tìm đến cái khía cạnh bi kịch và đau đớn cuả những thân phận người thường, bắt họ phải hành xác, vật vã. Thiếu tướng Thuấn. Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh. Quan Đề Thám đều được Nguyễn Huy Thiệp xử lý bằng bút pháp nghệ thuật mà có người cho là đạp đổ thần tượng. Nhất là ở thể loại truyện ngắn, Thiệp rất sành sỏi lối dẫn những câu chuyện động trời, động đất mà cứ dửng dưng như không, lại thường pha chút huyễn hoặc với lối diễn tả và từ ngữ của người phương Bắc, tạo ra cái chất cổ cổ, kim kim. Giọng văn của hắn ta lạ; lắm khi như người La Hủ thổi khèn lá. Xen vào đó lại thường dùng biện pháp đùa nhả trong văn chương khiến không ít người bực bội như Quang Trung đương đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp chạy đến nhà Vinh Hoa hay Nguyễn Ánh khi nhìn thấy Vinh Hoa đẹp quá thì bỗng nhiên xây xẩm mặt mày, ngã quay ra đất, ngất lịm đi. Còn Quan Đề Thám, sau khi trả cô Xoan yêu dấu về với nhà chồng, vừa phi ngựa vừa khóc vì bi kịch của bổn phận làm người. Thiệp không có ác ý như vậy. Ông chỉ giành lấy cái quyền của nhà văn được thử thách những nhân vật của mình để từ đó làm sáng lên những giá trị nhân bản của con người. Dù có khác biệt và vĩ đại đến đâu, họ vẫn là con người theo nghĩa viết hoa của từ đấy. Chỉ có một lần Thiệp thành công mỹ mãn trong trường hợp Tướng về hưu. Cả thế kỷ 20 người Việt Nam đi qua 4 cuộc chiến tranh lớn đầy bi tráng. Văn chương của thế kỷ ấy đã giành nhiều trang viết cho các vị tướng anh hùng. Trên mình ngựa chiến. Trên bãi chiến trường. Đến lượt Thiệp, nhà văn cho ông tướng ấy về hưu và sống một cuộc đời thường. Vị tướng ấy đã không chịu nổi sự sa đọa về tinh thần của một thế hệ người đang sống quanh ông. Họ là người thân của ông. Thiệp đã cho ông trở lại chiến trường và hy sinh trên mình ngựa chiến. Có bao nhiêu thông điệp về bản chất con người muốn nói ở đây đây ?

Hôm nay, tôi ngờ rằng Con gái thủy thần hiện hình trong bức tượng đang ngồi ở sân nhà Thiệp  muốn dùng chính văn chương của ông như là một sự thử thách đối với một nhà văn đặc sắc không thể không nhắc đến trong thế kỷ 20, phải đối mặt với bi kịch loài người, làm một người thường trong nỗi khổ đau trần thế. Cao Bá Quát có lần nói văn thiêng là như thế hay chăng? Và tôi tin nhà văn của chúng ta sẽ vượt qua, bởi vì Con gái thủy thầnmẹ cả luôn ở bên cạnh cứu giúp ông ngay từ khi Thiệp còn là đứa trẻ đi đánh vật và bởi vì Thiệp đã sống đúng với những điều mình viết. Ngày hôm nay, bên bức tượng này, tôi đã thấy ở Thiệp toát lên một trí tuệ thật tuyệt vời tưởng như không bao giờ vơi cạn. Trên khuôn mặt mệt mỏi và hoang vắng của ông rạng lên những niềm tin không tả xiết về sự chiến thắng của con người với số phận. Trên vừng trán liền với mảng da đầu đây đó có hình vuông nhỏ mặt quân súc sắc kia thầm lặng một khát vọng sống, khát vọng viết trong sự truy hoan điên rồ của bi kịch lạc quan.

Sông Cà Lồ đoạn chảy qua Kim Anh bên quốc lộ số 2 buồn và đẹp. Thiệp đã đi qua đây. Nghe được bài hát đồng dao mà viết nên thiên truyện ngắn Chảy đi sông ơi ám ảnh cả đời văn của ông. Bây giờ trẻ con lại hát bài đồng dao khác. Chảy đi, Thiệp ơi.

Chảy đi Thiệp ơi,

Chảy ra tận biển,

Con gái Thủy thần,

Tìm sông, sông lở,

Tìm đời, đời trôi.

Cay đắng phận người.

Anh hùng kiêu bạc

Giữ lấy chữ thường.

Mây lòa ngũ sắc,

Xóm nghèo Hạ Khương,

Kìa ai tập bước một mình…

Hội nhà văn Việt Nam, nhiều văn nhân tài tử cùng bạn đọc đã đến bên Thiệp để chia sẻ ân tình. Có một người ở bên Mỹ gửi thuốc chữa bệnh về cho ông. Đó là một Con gái Thủy thần

Mùa Hạ 2020

Khuất Bình Nguyên

Nguồn: Báo Văn nghệ, ngày 13/6/2020

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63742222
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5093
35223
63742222

Thành viên trực tuyến

Đang có 433 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website