Nhìn lại tình hình nghiên cứu Nho giáo trước nay

Tóm tắt

Đặt việc nghiên cứu Nho giáo vào bối cảnh lịch sử chung, bài viết cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay mà đặc biệt là từ 1975 trở đi. Thông qua việc phân tích tình hình nghiên cứu Nho giáo trước nay theo hai nội dung tìm hiểu học thuyết Nho giáo và tìm hiểu lịch sử Nho giáo, bài viết cho rằng thế mạnh của học giới Việt Nam chỉ có thể là tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam, và mục đích chủ yếu của việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam là nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Trong phần kết luận, bài viết cho rằng việc nghiên cứu Nho giáo hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn đồng thời cũng phải chịu những áp lực to lớn hơn thời gian trước 1975. Đã hình thành tình trạng chưa thống nhất giữa nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn, tốc độ hiện đại hóa tụt lại so với tốc độ quốc tế hóa, sự phân tán về hệ thống đề tài dẫn tới sự dàn trải về lực lượng nghiên cứu.

 

*

Trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến từ nửa sau thế kỷ XIX và sau khi giành được độc lập năm 1945 vẫn phải liên tục đấu tranh để xác định con đường độc lập của mình, từ thế kỷ XX Việt Nam có một lịch sử nghiên cứu Nho giáo phức tạp mặc dù có nhiều trăm năm sử dụng học thuyết Nho giáo để xây dựng chính quyền, bảo vệ đất nước, tổ chức xã hội, phát triển văn hóa. Tình hình phức tạp này là kết quả của nhiều yếu tố tư tưởng và chính trị, văn hóa và khoa học, trong đó tiêu biểu nhất là giai đoạn từ 1975 trở đi.

Theo logic thông thường, việc tìm hiểu Nho giáo có ba nội dung chủ yếu: tìm hiểu học thuyết Nho giáo, tìm hiểu lịch sử Nho giáo và tìm hiểu việc tìm hiểu Nho giáo (tình hình, khuynh hướng, cách thức...). Để nói về nội dung thứ ba cần có nhiều điều kiện cần thiết, vả lại cũng khó có thể gói gọn trong phạm vi một bài viết, nên ở đây chỉ đề cập tới hai nội dung đầu.

Về việc tìm hiểu học thuyết Nho giáo, từ các công trình dịch thuật Tứ thư cuối thế kỷ XIX rồi Ngũ kinh trong thế kỷ XX, từ hàng loạt công trình khảo cứu, dịch thuật về Nho giáo trước 1945 rồi các công trình nghiên cứu về tư tưởng, triết học ở cả hai miền Nam Bắc trước 1975 (1), việc tìm hiểu học thuyết Nho giáo dường như vẫn là khuynh hướng chủ đạo, đề tài nổi bật thu hút sự quan tâm của học giới, ngoài ra còn dẫn rới sự hình thành những hội đoàn chuyên môn. Giữa những phức tạp thời cuộc sau Cách mạng Tháng Tám và trước Toàn quốc kháng chiến, vẫn có Hội Dịch lý học ở số 9 phố Ngã Tư Vọng Hà Nội được thành lập và hoạt động theo Nghị định ngày 26. 6. 1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng (Việt Nam Dân quốc công báo năm thứ hai, số 27 ngày 6. 7. 1946). Không khó giải thích tình hình này vì trong quá trình hiện đại hóa bị động của xã hội Việt Nam từ thế kỷ XX, con người Việt Nam gần như luôn luôn phải giải quyết nhiệm vụ tư tưởng để giải quyết nhiệm vụ chính trị. Học thuyết Nho giáo do đó thường xuyên được lật đi lật lại, nhưng bất kể là để phủ định hay khẳng định, nó cũng chỉ được tìm hiểu một cách nửa vời vì chủ yếu hướng tới phục vụ các mục tiêu chính trị. Việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam trước 1975 mang nhiều sắc thái phủ nhận hơn kế thừa lẫn nhau là hệ quả tất yếu của tình hình ấy. Nói thêm thì việc nghiên cứu Nho giáo cũng trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong thời gian 1954 – 1975, nên không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng Tháng Tám 1945 các học giả từng tập trung vào mảng đề tài triết học Nho giáo và lý luận Nho học như Lệ Thần Trần Trọng Kim, Thượng Chi Phạm Quỳnh lại có kết cục chính trị khác xa các học giả đi sâu vào mảng đề tài lịch sử và văn hóa Nho giáo như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Biểu Chánh Hồ Văn Trung, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Miễn Trai Phạm Thiều, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh... Nhưng từ 1975 mà nhất là từ 1985 trở đi, khi nhiều người ý thức được sự bế tắc không những về kinh tế xã hội mà còn cả về văn hóa tư tưởng của chế độ bao cấp thì Nho giáo trong đó có Nho học đã được nhìn nhận một cách cởi mở hơn, đánh giá một cách công bằng hơn, tình hình kế thừa lẫn nhau trong các công trình tìm hiểu Nho giáo cũng trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên việc tiếp nhận một giá trị văn hóa bên ngoài đưa tới không bao giờ tách rời với việc sử dụng nó. Nho giáo ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc – Triều Tiên đều có những khác biệt với Nho giáo ở Trung Quốc, mà ngay ở Trung Quốc thì Nho giáo cũng được học tập và vận dụng một cách rất khác nhau trong những thời điểm, ở những khu vực và bởi những lực lượng khác nhau chính vì như thế. Hoàn cảnh vong quốc trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và tình trạng chiến tranh trước 1975 không cho phép triển khai nội dung thứ hai trong việc tìm hiểu Nho giáo mà cụ thể là lịch sử Nho giáo ở Việt Nam một cách thuận lợi và toàn diện, nhưng từ 1975 trở đi nội dung này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chắc chắn không một học giả Việt Nam nào có thể nghiên cứu về học thuyết Nho giáo bằng học giới Trung Quốc vốn chiếm ưu thế tuyệt đối về nguồn tư liệu, nên thế mạnh của học giới Việt Nam chỉ có thể là tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam để thông qua đó hiểu rõ thêm, sâu hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam, và đây mới là lý do chủ yếu khiến chúng ta tìm hiểu Nho giáo. Cần lưu ý rằng trong khoảng mười lăm năm nay, việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam đã dần dần bước vào quĩ đạo của việc tìm hiểu Nho giáo trên thế giới. Dĩ nhiên ở đây không có hiện tượng “quốc tế hóa cưỡng bức”, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều dấu hiệu của tình trạng “quốc tế hóa tự nguyện” với một số công trình chẳng hạn về Nho giáo Đông Á. Việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam như vậy đã bắt đầu mang dáng dấp một hình ảnh thu nhỏ mà sắc nét của tình trạng quá trình quốc tế hóa đi trước và lấn át quá trình hiện đại hóa (2), một tình trạng phổ biến và lặp đi lặp lại tới mức gần như đã trở thành qui luật phát triển chủ đạo của xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Việc quan tâm nhiều hơn tới nội dung tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam chắc chắn sẽ giúp học giới Việt Nam giữ được sự quân bình cần thiết về hệ thống đề tài cũng như sự độc lập cần thiết về tư tưởng học thuật để có thể có những phát hiện khoa học của mình khi tìm hiểu Nho giáo.

Cũng cần nhìn lại mục đích của việc tìm hiểu Nho giáo, mục đích này trước nay thường được diễn đạt bằng những mệnh đề đại khái như Kế thừa có chọn lọc và phát huy một cách sáng tạo các giá trị di sản truyền thống vân vân. Đáng tiếc là ở việc tìm hiểu Nho giáo thì trong rất nhiều trường hợp mệnh đề ấy đã được hiểu theo một cung cách đạo đức luận hời hợt nên lầm lạc. Những giá trị tích cực của Nho giáo cũng có cả nơi các dân tộc và quốc gia không theo Nho giáo, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 chứ không trích dẫn câu nào của kinh điển Nho gia, đủ thấy các giá trị ấy cho dù là tích cực cũng không có ảnh hưởng gì lớn tới các hiện tượng, lãnh vực và quá trình trên phạm vi toàn cầu và ở cấp độ vĩ mô của xã hội hiện đại. Nho giáo là một hệ thống giá trị văn hóa, nhưng văn hóa không phải chỉ là những giá trị được tạo ra mà còn bao gồm cả cách thức sáng tạo và tiêu dùng những giá trị ấy, nên mục đích đích thực của học giới Việt Nam trong việc tìm hiểu Nho giáo phải là tìm hiểu những cách thức học tập và vận dụng học thuyết Nho giáo của con người Việt Nam trong lịch sử, những cách thức khiến Nho giáo sau khi du nhập vào Việt Nam đã từng bước được dân tộc hóa rồi nhân dân hóa. Nếu đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo là để kế thừa và phát huy thì cái phải kế thừa và phát huy ở đây chủ yếu là lịch sử học tập và vận dụng nói trên chứ không phải là các giá trị cho dù là tích cực trong hệ thống học thuật – lý luận Nho giáo.

Cũng cần nhìn qua những thuận lợi và khó khăn của việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam từ 1975 đến nay. Việc tìm hiểu Nho giáo nói chung và học thuyết Nho giáo nói riêng đều cần tới hệ công cụ đặc biệt là chữ Hán, nhưng không phải người nghiên cứu Hán Nôm nào cũng tìm hiểu Nho giáo và người nghiên cứu Nho giáo nào cũng biết chữ Hán Nôm. Trên đường hướng này, có thể nghĩ tới tình hình tư liệu. Bên cạnh các bộ sử thời phong kiến đã được biết tới, từ 1975 trở đi có khá nhiều tư liệu lịch sử – văn hóa chữ Hán có thể trực tiếp phục vụ cho việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam như địa phương chí, khoa lục, thần tích, hương ước, văn khắc đã được phiên dịch và công bố. Có những bản dịch tốt, nhưng cũng có nhiều bản dịch không được như vậy, từ công tác văn bản tới việc phiên dịch, chú thích đều có vấn đề. Tình hình này có thể giải quyết bằng nhiều cách nhưng dường như chưa ai đặt vấn đề giải quyết, hy vọng trong một tương lai gần nó sẽ được lưu ý nhiều hơn.

Nhưng không phải chỉ riêng ngành Hán Nôm mới có thể hỗ trợ cho việc tìm hiểu Nho giáo. Kết quả của nhiều ngành nghiên cứu khác cũng có thể góp phần thúc đẩy hay kìm chế việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam. Trước 1975, Giáo sư Trần Đình Hượu từng chia giới nho sỹ làm ba loại là nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Hai loại đầu là theo tiêu chí hoạt động xã hội – thái độ chính trị, loại thứ ba là theo tiêu chí lối sống, ví dụ Nguyễn Công Trứ vừa thuộc loại nhà nho hành đạo vừa thuộc loại nhà nho tài tử. Việc phân loại theo tiêu chí khác nhau ấy có chỗ chưa nhất quán, nhưng đó là chuyện khác, ở đây chỉ nói tới khái niệm nhà nho tài tử. Nhà nho tài tử thật ra là những người mang lối sống của tầng lớp thị dân phong kiến, một sản phẩm của kinh tế hàng hóa tiền tư bản và là một đối tượng của xã hội học đô thị. Nhưng trước 1975 xã hội học đô thị ở miền Bắc nói chung chưa có gì, thầy Trần Đình Hượu không thể triển khai nhận định ấy trên cơ sở các kết quả nghiên cứu lịch sử của chuyên ngành này nên đành phải dừng lại ở một chỗ giống như nửa vời như thế, vì rõ ràng theo tiêu chí lối sống thì còn có ít nhất là một loại nhà nho khác đối lập với loại nhà nho tài tử. Có điều hiện nay mặc dù xã hội học đã khá phát triển nhưng hình như chưa đủ làm cơ sở để những người quan tâm về vấn đề này có thể đi xa hơn. Cũng có một ví dụ ngược lại là nhiều công trình về phong tục, lễ hội của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từ 1975 trở đi có thể cung cấp nhiều cứ liệu về bộ phận Nho giáo nhân dân hóa, nhưng đến nay vẫn có rất ít người quan tâm tới bộ phận này. Tình trạng mặt bằng khoa học không đồng đều ở đây là một lực cản lớn đối với việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam. Và đến lượt nó, tất nhiên việc tìm hiểu lịch sử Nho giáo cũng tác động tới một số ngành nghiên cứu như văn học, sử học. Năm 1989 có một công trình tìm hiểu thơ văn Nguyễn Cư Trinh được công bố, trong đó tác giả viết Nguyễn Cư Trinh là “một nho sỹ sống giữa buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến” còn thơ văn của ông thì “phản ảnh khá đầy đủ tình hình và tư tưởng của thời đại, phảng phất khí vị của lớp nho sỹ thịnh thời”! Nếu vào thời điểm 1989 Nho giáo ở Đàng Trong đã được tìm hiểu cụ thể thì chắc chắn không thể có những nhận định kiểu Trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế.

Sau cùng, cần đặt việc tìm hiểu Nho giáo vào mối quan hệ với quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam từ thời đổi mới, một quá trình đã thành công trong việc thoát ly xã hội cũ nhưng đang thất bại về mặt cố kết cộng đồng mới. Đây là tiền đề khiến một bộ phận của hoạt động tìm hiểu Nho giáo nhiều năm qua được triển khai bởi sở thích hay sáng kiến cá nhân nhiều hơn là xuất phát từ các nhu cầu học thuật và xã hội, mặt khác rất nhiều trong những người thực hiện lại chưa đủ điều kiện kiến thức và phương pháp để tiến hành, nên kết quả dĩ nhiên chi có thể là những công trình, giáo trình ngụy khoa học hay thậm chí là bậy bạ. Để khắc phục tình trạng này dĩ nhiên không thể dùng biện pháp hành chính mà phải dùng hoạt động học thuật, nên nhìn về lâu dài thì đây cũng là một nhiệm vụ nặng nề đặt ra trước những người tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam.

***

Nhìn chung, từ thế kỷ XX trở đi việc tìm hiểu Nho giáo ở Việt Nam luôn bị đặt vào tình trạng hiện đại hóa bị động của một dân tộc vong quốc rồi một đất nước chiến tranh. Mặc dù từ 1975 quá trình quốc tế hóa cưỡng bức đã được chấm dứt nhưng thay vào đó là tình trạng quá trình quốc tế hóa tự nguyện lấn át quá trình hiện đại hóa, nên chưa bao giờ nó có được những điều kiện thuận lợi và cũng chưa bao giờ phải chịu những áp lực to lớn như trong thời gian từ 1975 và đặc biệt là từ 1985 đến nay. Cho nên hiện nay chưa thể khẳng định công việc này đang được tiến hành theo định hướng chủ đạo nào, tuy nhiên đã có thể thấy được một số điểm nổi bật như tình trạng chưa thống nhất giữa nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn, tốc độ hiện đại hóa tụt lại so với tốc độ quốc tế hóa, và bao trùm lên tất cả là sự phân tán về hệ thống đề tài dẫn tới sự dàn trải về lực lượng nghiên cứu, đây đều là các vấn đề cần được những người có trách nhiệm quan tâm.

Tìm hiểu Nho giáo là một công việc rất khó, nhất là trong hoàn cảnh học thuật và thông tin hiện tại, khi những kỹ thuật nghiên cứu mới luôn mau chóng được thay thế và những kết quả nghiên cứu mới luôn mau chóng bị vượt qua. Cho nên một mặt nó cần được xã hội và chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, mặt khác nó cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu nỗ lực hơn nữa đồng thời nhẫn nại hơn nữa, bởi vì không phải ngẫu nhiên mà những tấm gương lao động và cống hiến trong lịch sử nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XX đều là những con người ngay thẳng nhưng ít nhiều kín tiếng, can đảm nhưng ít nhiều cô đơn.

Tháng 1. 2015

Cao Tự Thanh

(1) Xem thêm Trịnh Khắc Mạnh, Chu Tuyết Lan (chủ biên), Thư mục Nho giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007

(2) Hai khái niệm quốc tế hóa và hiện đại hóa dùng trong bài viết này dĩ nhiên còn cần có sự thảo luận, song chúng tôi quan niệm hiện đại hóa cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong cấu trúc kinh tế – xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc gia, còn quốc tế hóa chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao dịch thế giới. Xem thêm Cao Tự Thanh, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Nxb. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 46

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62436267
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5943
10098
62436267

Thành viên trực tuyến

Đang có 280 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website