Con rồng cháu tiên - Huyền thoại trăm trứng hay là cộng đồng tưởng tượng của/về một Việt Nam đa tộc người

Dân tộc học (Ethnologie) là một địa hạt kén người nghiên cứu, bởi bước chân vào đó nếu muốn có kết quả đáng tin cậy, đôi khi phải đánh đổi cả đời người, cả nghiệp bút, chứ không thể “ăn xổi ở thì” với những dự án ngắn hạn.

20211023 2

Ảnh: internet

Việc nghiên cứu dân tộc học nghiêm cẩn lại đòi hỏi quá trình điền dã liên tục, với một phương pháp đúng đắn, để sống trải và thông hiểu tộc người trong đời sống thực tế của họ. Không thể “đóng phòng văn hì hục viết”, cắm mặt vào những văn bản folklore trên giấy để có thể tạo ra các công trình dân tộc học giá trị. Chính vì vậy, số lượng những nhà nghiên cứu dân tộc học nói chung và nghiên cứu văn học tộc người thiểu số nói riêng ở nước ta là không nhiều. Địa hạt này, nếu thực sự dấn thân có quá nhiều sự vất vả, nguy cơ kiểm duyệt, tốn thời gian, sức lực nhưng lại không đem lại nguồn thu kinh tế hay danh tiếng. Ở điểm này, trong lúc này, chúng ta may mắn có Nguyễn Mạnh Tiến.

TS. Nguyễn Mạnh Tiến - nghiên cứu viên của Viện Văn học là một người đi xa hơn khá nhiều, ngay cả khi ta so sánh anh với những người bạn xuất sắc, tài danh của thế hệ mình. Trên thực tế, Nguyễn Mạnh Tiến không viết nhiều, xét trên mọi địa hạt mà anh đã đặt chân đến như phê bình phân tâm học, phê bình hiện tượng luận và dĩ nhiên là cả dân tộc học. Nhưng, chỉ với hai công trình chuyên khảo đã in, bao gồm Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông [Nxb. Thế giới, xuất bản lần đầu năm 2014 và Tao đàn tái bản nhiều lần sau đó] và Sống đời của chợ [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, 2017], Nguyễn Mạnh Tiến thực sự đã tạo ra một thứ “quyền lực mềm” và uy tín đáng ghi nhận. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông (NĐNDC) - là công trình gây được nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu văn học folklore và dân tộc học. Ngay từ khi mới xuất bản, thông qua 6 cuộc tọa đàm đã tổ chức, đặc biệt là cuộc Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Sỹ tổ chức ngày 4/3/2015 tại Hà Nội với sự tham dự của 23 đại sứ quán các quốc gia và vùng lãnh thổ, công trình đã là một sự kiện học thuật đáng chú ý. Sự ghi nhận của giới nghiên cứu về công trình NĐNDC có lẽ không chỉ dừng lại ở giải thưởng Sách hay 2015 (mục phát hiện mới) do Quỹ Phan Châu Trinh và Viện Ired trao, mà ở những phát hiện mới mẻ của tác giả và phương pháp nghiên cứu dân tộc học đầy tính thực tiễn. NĐNDC thực sự đã đặt ra khuôn khổ tri thức và khung tiếp cận khoa học lịch sử, khoa học dân tộc học cho Nguyễn Mạnh Tiến, đó là “một Việt Nam nhìn từ núi”. Những nghiên cứu dân tộc học sau này, là sự cụ thể hóa, sự đào sâu hơn, chi tiết hơn những gì anh đã đặt ra trong nghiên cứu bản lề đầu tiên ấy.

Khai nguyên rồng tiên [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, 2021] là nghiên cứu dân tộc học mới nhất của Nguyễn Mạnh Tiến, và gần như ngay lập tức, nó tạo ra hiệu ứng dư luận trên văn đàn. Đây là một trong những nghiên cứu dân tộc học đáng chú ý đầu thế kỷ XXI, bởi nó khiêu khích với những niềm tin có tính chất huyền thoại bất biến, cổ xưa, là khởi thủy về dân tộc Việt Nam1 đoàn kết, chung cội nguồn, các tộc người vốn là anh em cùng cha mẹ… Khai nguyên rồng tiên của Nguyễn Mạnh Tiến giúp cho chúng ta thấy được sự bấp bênh, mong manh của nhiều chân lý, niềm tin, trong đó có khái niệm dân tộc hay bản sắc dân tộc. Dĩ nhiên, lối viết theo kiểu “cộng đồng tưởng tượng” này có thể tiềm chứa nhiều nguy cơ, nhưng thực sự nó đã đặt ra những nhận thức rất mới. Dù có thể chúng là khả nhiên, nhưng chúng ta luôn cố tình tảng lờ, né tránh trong nhận thức.

Đọc Khai nguyên rồng tiên xin khẳng định ngay với bạn đọc, kể cả những bạn đọc chuyên nghiệp có trình độ cao, đó là một trải nghiệm nhọc nhằn, mệt mỏi nhưng nếu vượt qua được, sẽ có nhiều hơn một thú vị. Thứ nhất, công trình nặng về tư liệu công phu, những chú thích chân trang dày đặc, những phụ lục, biểu bảng dài và vô cùng nhiều thông tin, ngày tháng.

Thứ hai, với đa phần những người Việt Nam nói chung (với tư cách là một dân tộc), có những điển phạm đã trở thành niềm tự hào dân tộc, trong số đó có huyền thoại về “con rồng cháu tiên”, hay nói cách khác là huyền thoại trăm trứng. Việc đi tìm động cơ văn hóa, chính trị thực chất của những người “khai nguyên” ra huyền thoại này, vô hình trung đã phần nào “giải thiêng” huyền thoại đó. Cả hai khó khăn về tiếp nhận này, khiến Khai nguyên rồng tiên là một công trình thách thức tầm đón nhận của độc giả, cũng như hứa hẹn sự phân hóa mạnh mẽ những cộng đồng diễn giải khác nhau.

Công trình có hai phần liên hoàn, cho dù mới nhìn qua thì nó có cấu trúc khá rời rạc. Phần I với tiêu đề Huyền thoại Rồng - Tiên và những ràng buộc lịch sử Đại Việt đa tộc người thế kỷ XV đã đặt ra những nhận thức chung, cơ sở tiếp cận vấn đề. Huyền thoại cha rồng mẹ tiên, hay tên gọi khác là huyền thoại “trăm trứng nở trăm con”, thời hiện đại, vốn dĩ đi sâu vào tâm thức của mọi người con đất Việt, bất kể thuộc về tộc người nào. Huyền thoại này cố kết một Việt Nam đa tộc người (54 tộc người), và hơn hết, nó là sự giải thích có tính chất “tự tôn” về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam nói chung: chúng ta có nguồn gốc cao quý, thiêng liêng, thần thánh khi là hậu duệ hỗn huyết của rồng và tiên. Dĩ nhiên, nhìn nhận một cách khoa học, sẽ chẳng có ai có kiến thức khoa học tối thiểu, lại có thể tin rằng một nhóm cộng đồng homo sapiens (người tinh khôn) lại có nguồn gốc từ cha rồng, mẹ tiên - những thực thể thần linh không có thật. Mà dẫu rồng và tiên có thật đi chăng nữa, xét từ góc độ sinh sản, tính dục và di truyền, cả hai nhất định cũng không thể giao phối, thụ tinh với nhau. Mặc dù phi khoa học, nhưng trong bối cảnh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc đang được cổ xúy như một hành vi tự vệ chính trị và văn hóa đầu thế kỷ XX và XXI, việc Nguyễn Mạnh Tiến đào sâu nghiên cứu huyền thoại rồng - tiên chẳng khác gì sự va chạm vào những tabou cấm kỵ.

Huyền thoại “con rồng cháu tiên” từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam cả ở trong nước và hải ngoại, nó có ý nghĩa biểu tượng cho bản sắc và tính tự tôn dân tộc. Do đó, khi Nguyễn Mạnh Tiến trình bày: “Con rồng cháu tiên như một ý niệm tự tôn dân tộc phì đại” (trang 10), thì hẳn rằng luận điểm này đã thách thức lại những nhận thức cũ. Lý do sáng tạo nên và sự hợp thức hóa huyền thoại trăm trứng, đã được công trình Khai nguyên rồng tiên chỉ ra là một phương thức chính trị, nhằm cố kết cộng đồng của một Việt Nam đa tộc người. Cấu trúc Việt Nam đa tộc người ấy, khác với những luận điểm tuyên truyền, thực chất trong lịch sử thường xuyên xung đột quân sự, văn hóa lẫn nhau, với vai trò nổi bật của những tộc người cư trú ở miền cao.

Lịch sử xuất hiện và hợp thức hóa vào trong chính sử của huyền thoại cha rồng mẹ tiên cũng đã được công trình dân tộc học của Nguyễn Mạnh Tiến chỉ rõ ở một thời điểm khá mới mẻ trong lịch sử. Tưởng chừng như huyền thoại này có từ thời cổ xưa của vua Hùng hay An Dương Vương, thực chất chỉ thịnh hành từ thế kỷ XV, dưới triều (hậu) Lê, “con rồng cháu tiên” mới được ra đời. Dưới triều Lê, dưới chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông, huyền thoại rồng tiên mới được chuẩn định trở thành cách lý giải cội nguồn dân tộc, trong văn bản sử chính thống là Đại Việt sử ký toàn thư (Phần ngoại kỷ). Bộ sử này do Ngô Sĩ Liên chấp bút, nhưng chỉ đạo “tư tưởng” lại là Lê Thánh Tông. Nguyễn Mạnh Tiến đã lý giải cho hành động can dự vào chính sử của một quân vương, điều không diễn ra thường xuyên trong thời kỳ phong kiến, đó là bởi bản chất khởi nghĩa Lam Sơn là khởi nghĩa của người (thiểu số) miền núi (Mường - Thái). Lê Lợi dù có thể gốc gác xa xưa là người Việt, song đã bị/được “Mường hóa”, khi ông tự nhận là một người xuất thân “Phụ đạo” (quan lang Mường) - một chức danh tù tưởng tộc người thiểu số miền cao. Nhằm thể hiện tính “chính danh”, cũng như để “đoàn kết dân tộc”, mà chủ yếu là thuận tiện trong liên minh quân sự, chính trị, văn hóa với tộc người Tày, Thái, Mường, Kinh - tộc người đa số ở Việt Nam…, huyền thoại rồng tiên đã được ra đời và hợp thức hóa.

Công trình còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin lý thú liên quan đến huyền thoại rồng tiên, như được ghi nhận thời điểm xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ XIV - XV. Lĩnh Nam chích quái là một trong những văn bản tiền thân có ghi nhận về huyền thoại này. Thuật ngữ “con rồng cháu tiên” thì mãi đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX mới xuất hiện, sớm nhất có thể là năm 1906, trong một văn bản giáo dục của Đào Nguyên Phổ.

Cũng trong phần I, Nguyễn Mạnh Tiến đã nối dài những vấn đề khoa học tộc người mà anh từng đeo đuổi trong những công bố trước đó. Những phát hiện này, tiềm chứa nhiều nguy cơ mà nhà nghiên cứu phải đối mặt, nhưng nó đã góp phần làm nên tên tuổi và vị thế của anh. Mối quan hệ giữa Việt - Mường - Thái (bao gồm cả các nhóm Thái trong và ngoài nước) là hết sức phức tạp. Sự gần gũi, tương đồng văn hóa, giao thương chặt chẽ không làm nhạt đi tính xung đột liên miên. Nhìn rộng ra, sự thần phục của các tộc người thiểu số miền cao đối với triều đình phong kiến trung ương chỉ là tượng trưng, trong khi hệ thống quan lại hành chính của triều đình tại địa phương miền cao gần như chỉ là bù nhìn, không có tí thực quyền nào. Các nhóm người Thái cũng thường xuyên xung đột lẫn nhau. Nghĩa quân Lam Sơn có được tính thiện chiến, ngoan cường, là bởi được hun đúc trong lò lửa chiến tranh, xung đột liên miên ấy. Nghĩa quân là một khối quân sự nhiều tộc người thiểu số, sau khi có được ngai vàng đã xây dựng một triều đình đa ngôn ngữ (Việt - Thái - Mường).

Phần II của chuyên khảo với tựa đề Miền núi Thanh Hóa và những tiểu luận về người Thái thoạt nhìn qua không mấy quan trọng bởi tính địa phương của nó. Bỏ qua việc Thanh Hóa là quê hương của tác giả, chúng ta thấy đây là một lựa chọn tinh ý. Thực ra, lựa chọn Thanh Hóa như một trường hợp nghiên cứu điểm về quyền lực và vai trò của những tộc người miền núi đối với lịch sử Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tiến đã khéo léo đan cài với những luận điểm đặt ra trong phần I. Những tiểu luận, ý tưởng trong phần II là sự cụ thể hóa, minh chứng sống động cho các vấn đề khái quát đã được đặt ra ở phần I. Trong biểu bảng trang 119, tác giả đã thống kê chi tiết, dựng lên bức tranh toàn cảnh về một Thanh Hóa đa tộc người thiểu số. Nguyễn Mạnh Tiến đã mạnh dạn phê phán những nghiên cứu tộc người (thiểu số) trước đây về khu vực Thanh Hóa là còn rất nhiều ngộ nhận, bất cập. Từ đó, anh đi đến nhận định khái quát về miền núi Thanh Hóa là một khu vực có tính chất “nồi lẩu dân cư thập cẩm” (tr.126). Đây là lối viết hình tượng táo bạo, bay bổng thường thấy của Nguyễn Mạnh Tiến. Một trong những giá trị làm nên phong cách phê bình và phong cách nghiên cứu của anh. Nguyễn Mạnh Tiến là một người lãng du lãng mạn trong lối sống và lối viết. Ở bất cứ nơi nào anh đặt dấu chân, đều có dấu ấn của tài hoa.

Nhưng những luận điểm phía sau chuyên khảo mới đáng chú ý hơn, khi tác giả nhận định ở Thanh Hóa - một tỉnh vừa đặc thù, vừa điển hình cho Việt Nam, tính chất núi cao đã lấn át tính chất đồng bằng. Đối với người Mường - Thái, tiếng hổ gầm là một điều tốt lành. Ở đấy, những người Mường đã nắm giữ vận mệnh lịch sử các cuộc bạo loạn diễn ra liên miên, họ luôn là chủ nhân của mảnh đất mình cư trú (tr.131).

Như vậy, Thanh Hóa mặc dù chỉ là một địa phương địa đầu Tổ quốc (trong thời điểm thế kỷ XV) nhưng đủ sức ánh xạ lên bản chất mối quan hệ tộc người của Việt Nam thời kỳ trung đại. Nói cách khác, Thanh Hóa có tính chất là mô hình một Việt Nam thu nhỏ với những mối quan hệ tộc người chằng chịt, với đầy đủ những liên đới, hợp tác, xung đột và mâu thuẫn. Quyền lực của khối tộc người thiểu số miền núi, thông qua khởi nghĩa Lam Sơn, đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc đối với vận mệnh quốc gia và sự hình thành của chủ nghĩa dân tộc với diễn ngôn cha rồng mẹ tiên. Quá trình “Thổ hóa”, “Mường hóa” những tộc người khác khi di cư đến miền núi Thanh Hóa, mà Lê Lợi có thể là một ví dụ điển hình nhất, đã cho chúng ta thấy quyền lực thực tế của những tộc người miền cao. Qua đó, bạn đọc cũng nhận ra quyền lực văn hóa, chính trị, quân sự của người Kinh/Việt trong cơ cấu 54 tộc người anh em trong thời kỳ trung đại thật ra không phải là thống trị tuyệt đối. Những nghiên cứu về người Thái ở Thanh Hóa, đặc biệt là phủ Tày Mường Ca Da và dòng họ Phạm Bá đã cho thấy những luận điểm trên là thực tế sinh động khó chối bỏ. Những nghiên cứu sâu dạng này, mới đọc qua có thể gây mệt mỏi bởi sự phồn tạp của những chi tiết tưởng chừng như không liên quan đến tư tưởng cốt lõi của quyển sách. Nhưng thật ra, nó là những cứ liệu khoa học dân tộc học cần thiết, mang tính thuyết phục cao của nhà nghiên cứu. Điều này giúp Nguyễn Mạnh Tiến tránh khỏi những cái bẫy khống luận, mang điểm nhìn người miền xuôi áp cho người miền ngược thường thấy của các nhà dân tộc học khác.

Công trình được kết lại với những nốt trầm băn khoăn, bâng khuâng khi tác giả nhận ra sự thay đổi chóng vánh của văn hóa, “bản sắc” tộc người miền cao trước cơn phong ba bão táp của toàn cầu hóa hậu hiện đại, cũng như những chính sách tộc người chưa hợp lý, thiếu cơ sở khoa học. Sự phai tàn, biến chất nhanh chóng của những lễ hội tộc người miền cao, thói quen sinh hoạt được hình dung như là mang “tính bản sắc” văn hóa riêng. Nó đặt ra cho tất thảy chúng ta những nan đề hệ trọng đối với sự nghiệp bảo tồn văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, và xa hơn, sự cố kết 54 tộc người trong sinh thể văn hóa Việt.

Nguyễn Mạnh Tiến đã kết lại công trình của mình với rất nhiều tâm sự, trăn trở. Tôi vẫn luôn ám ảnh, day dứt với nhận định của anh “hiện hữu tộc người như một tình thế tỵ nạn” (tr.142). Quen biết nhau gần 20 năm qua, không cần phải giả vờ khách quan xa lạ để dễ bề khen chê, cũng không phải để “thấy sang bắt quàng làm họ”, tôi hiểu Nguyễn Mạnh Tiến và những trăn trở khoa học của anh. Khai nguyên rồng tiên chắc chắn là một nghiên cứu dân tộc học đáng chú ý đầu thế kỷ XXI, nhưng chắc chắn hơn, nó chỉ là một trạm dừng chân nhỏ, một mảnh ghép lego ít màu sắc trong tổng thể “trò chơi” nghiên cứu mà anh đang tiến hành. Những mảng chính vẫn còn ở tương lai, đáng để chúng ta đợi chờ, hy vọng. Trò chơi mà anh đã dấn thân và sẽ dành cả cuộc đời cho nó.

Yến Thanh

Nguồn: Tạp chí Sông Hương SĐB42/09-2021.

---------------------

1. Ở Việt Nam, thuật ngữ dân tộc và tộc người hay được dùng lẫn lộn. Trong bài viết này, thuật ngữ dân tộc được tôi sử dụng đồng nghĩa với quốc gia (nation), còn tộc người (ethnie) là những nhóm người cùng chung ngôn ngữ, văn hóa, ý thức về cộng đồng. Ví dụ, dân tộc Việt Nam có 54 tộc người thành viên.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60521075
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2568
10018
60521075

Thành viên trực tuyến

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website