Giao lưu học thuật: “dịch thơ Nguyễn Trãi ở Hoa Kỳ”

  Chiều ngày 30.05.2011, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Khoa Văn học và Ngôn ngữ cùng với Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu học thuật với chủ đề “Dịch thơ Nguyễn Trãi ở Hoa Kỳ”. Buổi giao lưu nhằm giới thiệu đến người tham dự bản dịch tiếng Anh các tác phẩm của Nguyễn Trãi đã xuất bản ở Hoa Kỳ của hai nhà thơ, dịch giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ. 67 bài thơ chữ Hán, 79 bài thơ chữ Nôm cùng với tác phẩm Bình Ngô đại cáo đã được tập hợp trong một tuyển tập với tiêu đề Beyond the Court GateRời bỏ triều đình () (Counterpath Press xuất bản, Denver, Colorado, 2010). Buổi giao lưu còn có sự tham dự của các vị khách mời là nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Hoàng Hưng, phóng viên các báo cùng với các nhà nghiên cứu, giảng viên và đông đảo học viên cao học, sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ.

Nói về quá trình chọn dịch và giới thiệu tác phẩm Nguyễn Trãi ở Hoa Kỳ cùng với nhà thơ Paul Hoover, nhà thơ Nguyễn Đỗ cho biết nhằm đạt được hiệu quả dịch thuật tốt nhất, ông đã chọn cách dịch thơ Nguyễn Trãi từ chữ Hán sang tiếng Việt trước khi chuyển ngữ sang tiếng Anh; đối với những bài thơ viết bằng chữ Nôm, các từ ngữ mà ông cho là “quá cổ”, “khó hiểu” cũng được lựa chọn một cách diễn đạt khác “trong sáng”, “dễ hiểu” hơn trong tiếng Việt hiện đại để có thể cảm nhận và hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu thơ.

Người nghe rất hứng thú khi nghe thơ Nguyễn Trãi bằng tiếng Anh. Ví dụ:

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,

Trông thế giới phắt chim bay.

Non cao non thấp mây thuộc,

Cây cứng cây mềm gió hay.

Nước mấy trăm thu còn vậy,

Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này.

Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,

Bui có lòng người cực hiểm thay

Hands clasped on my ass, I amble in the evening,

Skim around the world like a bird flying

How mountains, high or low, are known by the clouds,

How trees, hard or soft, are already known by the wind

For hundreds of years, the water remains unchanged

Through many lives, the moon is unaltered

However, wherever existence is understood

It only becomes dangerous inside human beings.

Không khí của cuộc đọc thơ này trở nên hào hứng hơn với phần phụ họa của nhà thơ Nguyễn Duy: ông đã đọc phần phiên âm chữ Hán theo nguyên tác và những bài thơ dịch Nguyễn Trãi theo thể lục bát in trong tập “Về Côn Sơn” (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009). Vì vậy, đây cũng là một dịp hiếm có để người tham dự cùng lúc được nghe đọc một bài thơ Nguyễn Trãi qua 4 phiên bản khác nhau.

Tuy nhiên, việc “dịch” thơ Nguyễn Trãi sang ngôn ngữ Việt theo phong cách hiện đại không tránh khỏi những ý kiến hoài nghi hoặc băn khoăn. Phát biểu trong buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Công Lý (Khoa VH&NN, ĐHKHXH&NV) người có thâm niên nghiên cứu và giảng dạy văn học Trung đại Việt Nam đã đánh giá: “Việc dịch thơ là khó, dịch thơ Trung đại càng khó hơn. Vì vậy, việc dịch thuật và giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Trãi của nhà thơ Nguyễn Đỗ và giáo sư Paul Hoover là đáng quý và đáng hoan nghênh”. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Công Lý cũng cung cấp một số cứ liệu và góp ý về cách hiểu các từ ngữ trong nguyên tác của Nguyễn Trãi để việc dịch thuật được chính xác hơn.

Bàn về việc diễn dịch lại các bài thơ Nôm Nguyễn Trãi của nhà thơ Nguyễn Đỗ, PGS.TS Đoàn Lê Giang (Khoa VH&NN, ĐHKHXH&NV) cũng đề cập đến vấn đề: “Cần thiết có những văn bản diễn dịch các tác phẩm văn học cổ sang ngôn ngữ hiện đại. Người Nhật cũng đã diễn dịch các tác phẩm văn học từ thế kỷ XIX trở về trước sang tiếng Nhật hiện đại. Cho nên, việc viết lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi cũng là một việc hay”. Riêng về việc dịch của nhà thơ Nguyễn Duy, ông cho rằng tập Về Côn Sơn Nguyễn  Duy đã thành công hơn tập dịch thơ Thiền Lý Trần cũng của ông trước đây vài năm.

Nhà thơ Paul Hoover cho rằng, dịch tác phẩm Nguyễn Trãi là một công việc khó khăn, vì vậy cũng có những điều “bất khả” nhất là phương diện âm điệu. Nhà thơ Nguyễn Đỗ phụ họa thêm: dịch thơ thực chất là việc “rót đau lòng ấy vào đau lòng này”, “chuyển nỗi đau, chuyển tâm hồn, chuyển xúc cảm của người khác, khó mà nói thế nào là thành công, cái quan trọng vẫn là giữ được “hồn”, “cốt” của tác phẩm”.

Không khí của buổi giáo lưu càng trở nên sôi nổi khi các nhà thơ Nguyễn Đỗ, Nguyễn Duy và Hoàng Hưng cao hứng đọc một số bài thơ do chính mình sáng tác.

Trong chuyến đọc thơ Nguyễn Trãi xuyên Việt lần này, có lẽ hai buổi đọc thơ ở Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học KHXH và Nhân văn TP.HCM là những buổi gây được sự chú ý và để lại dư âm đẹp đẽ hơn cả.  

 

N.N.B.T

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63512583
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9553
13883
63512583

Thành viên trực tuyến

Đang có 1118 khách và không thành viên đang online

Danh mục website