26042024Fri
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Sự tiếp nhận tác giả Shin Kyung Sook (1963) và tác phẩm "Hãy chăm sóc mẹ" ở Việt Nam

            TÓM TẮT

           Xuất hiện trên văn đàn từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, Shin Kyung Sook (1963) đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, được biết đến ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm lớn đem lại vinh quang cho bà với giải thưởng Văn Học Châu Á năm 2009, cũng là tác phẩm đang đưa tên tuổi của bà đến với bạn đọc Việt Nam, là tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ. Tác phẩm vừa được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam từ năm 2011. Được đón nhận một cách nồng nhiệt, tác phẩm đã gây được một hiệu ứng thẩm mỹ tích cực trong đời sống tinh thần của độc giả Việt Nam và tên tuổi Shin Kyung Sook đã trở nên thân quen, gần gũi. Không chỉ đem lại những nhận thức sâu sắc, cảm xúc chân thành về những giá trị nhân văn tinh tế, tác phẩm còn kích thích được hứng thú giải mã và đồng sáng tạo của độc giả từ góc nhìn nghệ thuật. Bài viết sẽ tổng hợp và phân tích những tư liệu về sự tiếp nhận tác giả và tác phẩm ở Việt Nam, góp phần giới thiệu và khẳng định mối quan hệ giữa hai nền văn học đương đại Việt Nam - Hàn Quốc.

RECEIVING OF WRITER SHIN KYUNG SOOK (1963) AND THE WORK “PLEASE TAKE CARE OF MOM” IN VIETNAM

 

ABSTRACT

Appearing on the literacy circles from the 80s of XX century, Shin Kyung Sook (1963) has quickly become one of the most Korean writers and been well-known in many countries on global. The great work which took her to the Asian Literature Award 2009 as well as Vietnamese readers is the novel “Please take care of mom”. The work has just been widely introduced in Vietnam in 2011. Being warmly welcomed, the work has made a positive aesthetic effect on spiritual life of Vietnamese readers, and the name Shin Kyung Sook has become familiar and close. The work not only brings profound perceiving, sincere emotions about the subtle human values; but also stimulates interest of decoding and co-composing from readers on art view. This report will summarize and analyze materials of receiving the writer and works in Vietnam, which contributes to introduce and strengthen the relationship of contemporary literature between Vietnam- Korea.

-----***-----         

1. Nữ văn sĩ SHIN KYUNG-SOOK đã đến với Việt Nam như thế nào?

So với các nền văn học của các nước ở Đông và Đông Bắc Á thì có lẽ văn học Hàn Quốc đến với Việt Nam có phần muộn màng và khiêm tốn nhất. Sự hiểu biết của công chúng Việt Nam về văn học Hàn Quốc thế kỷ XX và XXI chủ yếu bằng con đường điện ảnh. Được chào đón và yêu thích ở Việt Nam, nền điện ảnh Hàn Quốc đã đảm nhiệm sứ mệnh là chiếc cầu nối liền hai nền văn hóa Việt – Hàn. Nhưng từ những năm đầu của thế kỷ XXI, văn học hiện đại và đương đại của Hàn Quốc ở Việt Nam thật sự khởi sắc, có mặt trên các quầy sách, trang báo, mạng Internet và từng bước đi vào nhà trường Việt Nam. Một trong những gương mặt tác giả nữ được yêu thích nhất, đã đem tặng cho thế giới, cho Việt Nam một cuốn sách hay và đẹp, cảm động và ám ảnh, ngọt ngào mà day dứt đó chính là nữ văn sĩ Hàn Quốc Shin Kyung-sook với tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ”.

Từ xứ sở kim chi phương Bắc, bà đã đến với bạn đọc phương Nam trong một tình cảm ấm áp, một sự đón chào nồng nhiệt. Tháng 3 năm 2011, bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” của bà do Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch và Nxb Hà Nội liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành đã đến tay bạn đọc. Ngay trong thời điểm đó, chuyên mục "Mỗi ngày 1 cuốn sách" của Đài truyền hình Việt Nam VTV1 đã dành một số phát hành cho tác phẩm với những lời giới thiệu ngắn gọn nhưng rất đẹp, sâu sắc, tinh tế cùng những hình ảnh minh họa gây ấn tượng, gợi cảm xúc mạnh mẽ. Khi các tập sách nhanh chóng vắng bóng trên các quầy sách thì trên mạng bắt đầu xuất hiện những lời giới thiệu, những lời phát biểu chân thành thể hiện lòng yêu mến tác giả và tác phẩm. Cái tên Shin Kyung-sook và “Hãy chăm sóc mẹ” nhanh chóng làn truyền trong giới bạn đọc yêu sách và yêu đất nước Hàn Quốc. Và tác phẩm cũng lập tức được chọn làm đề tài của một vài công trình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Nhạy cảm nhất là các tài liệu trên mạng, dù không đi sâu nghiên cứu, nhưng đã cho bạn đọc được biết đôi điều về tác giả và tác phẩm. Shin được giới thiệu ở trang bìa bản tiếng Việt với một chân dung tươi tắn, dịu dàng và dễ mến với nụ cười đôn hậu. Kèm theo đó là một lời giới thiệu ngắn gọn “Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi bà lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của bà luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với “Hãy chăm sóc mẹ”, Shin Kyung-sook đã trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009” và “Tác phẩm đã được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ” [1, trang bìa]. Hân Thư – trên trang http://thethaovanhoa.vn cho biết thêm: “sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn, bà không được học hành đầy đủ mà phải sớm lên thủ đô Seoul bươn chải kiếm sống bằng nhiều công việc tay chân nặng nhọc. Quãng đời khó khăn ấy hẳn đã để lại dấu ấn trên giọng văn buồn bã, chua chát nhưng hẳn nó cũng giúp bà có được cái nhìn sâu sắc vào tình cảm con người và chui sâu vào trong đầu óc những người bình thường.” [3]. Cũng trên trang http://thethaovanhoa.vn, Việt Lâm trong bài dịch từ tài liệu nước ngoài đã cho chúng ta biết thên về Shin: “Nhà văn Shin đã đánh bại nhiều đối thủ nặng kí khác để đoạt giải Văn học châu Á… Bà cũng là nhà văn Hàn Quốc đầu tiên lọt vào danh sách chung khảo giải bao gồm cả nhà văn Yan Lianke của Trung Quốc và Banana Yoshimoto của Nhật Bản." [4].

Là người cầm bút viết văn được 28 năm ở quê hương Hàn Quốc, nhưng sau khi trở thành nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải này, bà cảm thấy mình lại như một người mới vào nghề: “Tôi cảm thấy như cánh cửa đã mở cho các nhà văn nữ và nhà văn Hàn Quốc. Tôi thấy mình như trở lại là một nhà văn mới đang nổi và giải thưởng này trao cho tôi nguồn sinh lực mới để làm việc” – Bà Shin nói trong một phỏng vấn của AFP hôm 16/3 – 1 ngày sau khi bà đoạt giải.

Shin nói giải thưởng cho “Hãy chăm sóc mẹ”, tiểu thuyết đầu tiên của bà dịch sang tiếng Anh, giúp bà thấy được “sách có thể vượt qua được các biên giới như thế nào” [4]. Tài liệu này cũng cho biết thêm, cuốn sách này cũng mang nhiều yếu tố tự truyện của đời bà về những ngày tháng vất vả vừa làm vừa học hoàn thành chương trình phổ thông vào ban đêm. “Sau khi tốt nghiệp Viện nghệ thuật Seoul (năm 1985) đến nay, bà đã trở thành một trong những nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất ở Hàn Quốc." [4].

Đọc những dòng trên chúng ta không khỏi không liên tưởng đến những tài năng văn học lớn của thế giới cũng phải sớm bươn chải vào đời kiếm sống, vừa tự học, vừa viết văn mà trở thành người nổi tiếng được cả thế giới yêu mến, kính trọng như M.Gorki, Mark Twain, Jack London hay có một cái gì đó rất gần gũi giữa tấm lòng, nghị lực, tài năng của bà với chị em Bronti của trời Âu.

Quả thật, vừa yêu quý một tác phẩm, bạn đọc Việt Nam vừa thật sự kính nể, tôn trọng tác giả của nó. Shin Kyung-sook – một người phụ nữ mạnh mẽ, giàu nghị lực; một tác giả nữ có trái tim giàu tình cảm, một ngòi bút tài năng và tài hoa.

2. HÃY CHĂM SÓC MẸ - Vầng hào quang về Mẹ và bức thông điệp cho đời

Hầu như tất cả các bài viết ngắn trên mạng đều có một đoạn giới thiệu sơ lược về cốt truyện của tác phẩm:

“Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình” [4].

Một ngày, rồi nhiều ngày trôi qua… Mẹ đi lạc vào mùa hè mà đã sang đông rồi vẫn bặt vô âm tín. Người chồng và những người con nay đều đã trưởng thành, vừa lo lắng kiếm tìm vừa day dứt, ân hận vô cùng vì cảm giác tội lỗi, khi những kỷ niệm về những ngày tháng vô tâm sống bên mẹ ùa về.

Qua hơn 300 trang sách nhỏ có cách kể lạ, đẹp và đầy sáng tạo với hình thức tự sự đa chủ thể (multiple narrative) là kiểu tự sự bao gồm nhiều người khác nhau cùng kể về một câu chuyện, một cuộc đời đầy vất vả, nhọc nhằn, lam lũ đầy hy sinh và thương yêu của mẹ dành cho chồng con, cho tất cả những người thân xung quanh mẹ đã được tái hiện thật sinh động và cảm động. Tác phẩm có một lời đề từ sâu sắc và ý nghĩa: “Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương” (Franz Liszt) đã gây ấn tượng mãnh mẽ đến nhận thức và cảm xúc của bạn đọc. Và chính lời đề từ lay động lòng người ấy đã dắt ta vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện “Mẹ bị lạc đã một tuần”. Cả nhà hốt hoảng họp lại để bàn cách và chia nhau đi tìm Mẹ khắp nơi. Những tờ rơi được phát đi với một thông tin ngắn về Mẹ. Để rồi từng trang, từng chương một hình ảnh Mẹ hiện ra choáng ngợp trong tâm hồn những người con, người chồng và cả bạn đọc.

Người đầu tiên trong gia đình kể về Mẹ bằng những dòng hồi ức đầy nước mắt yêu thương và hối hận là Chi-hon, người con thứ hai trong gia đình, là con gái đầu, đã trở thành một nhà văn bắt đầu có danh tiếng trong làng văn và ngoài xã hội. “Từ khi nghe tin mẹ bị lạc đến tận bây giờ, cô không thể tập trung suy nghĩ gì được. Những ký ức cô đã quên lãng từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy. Nỗi ân hận cứ bám theo từng ký ức” [1, 14]. Chân dung Mẹ cứ hiện dần theo dòng ký ức của từng người thân. Với Chi-hon đó là hình ảnh ngôi nhà của gia đình cô. Nơi đó cô có Mẹ. Mẹ đã đồng nhất với ngôi nhà, với gian bếp. Mẹ là tổ ấm của đời cô, của cả nhà. Thế nhưng chỉ từ khi lạc mất Mẹ, thật sự lần đầu tiên cô mới có ý thức nhận ra được sự vất vả suốt đời trong gian bếp của mẹ. Mẹ cứ luôn tay luôn chân, ngày sang ngày, mùa sang mùa, bao nhiêu năm tháng. Mẹ đã không có quyền lựa chọn. Hình như số phận của những người mẹ trên đời như Mẹ đã được trói chặt với bếp rồi! Cách giải tỏa ức chế của mẹ là đập bể những cái nắp chum. Rồi sau đó “khi đi mua nắp mới Mẹ thấy thật phí phạm tiếc đứt ruột, nhưng Mẹ chẳng thể nào ngừng lại được. Tiếng vỡ của cái nắp chum đã trở thành liều thuốc cho Mẹ. Mẹ cảm thấy như được tự do” [1, 88]. Ký ức còn kéo cô trở về với những cơn đau đầu của Mẹ. Mẹ còn đau nhiều thứ bệnh nữa. Hình như rồi Mẹ cũng quên đi tất cả để lại ngày ngày quần quật trong bếp ngoài đồng. Mẹ là người đã luôn luôn bên Chi-hon và động viên, tiếp sức cho Chi-hon trên đường học vấn: “Con phải chịu khó học hành mới có thể bước vào một thế giới tốt hơn được” [1, 26]. Một người thất học như Mẹ nhưng lại rất quý trọng tri thức và có một tầm nhìn xa về tương lai con cái: “Em là con gái nên nó phải được học hành nhiều nhiều hơn nữa. Dù gì thì con cũng phải tạo điều kiện cho em gái con được học hành ở thành phố. Mẹ không thể để nó sống cuộc đời như mẹ” [1, 120]. Mẹ đã nói với anh cả Hyong-chol như vậy khi dắt tay đứa con gái mười lăm tuổi lên thành phố đặt vào tay người anh cả hai mươi tư tuổi vừa mới vào đời lập thân, lập nghiệp. Chi-hon nhớ kỷ niệm Mẹ đã bán chó để mua sách cho cô một cách hào hứng không do dự tính toán, Mẹ đã nâng niu những cuốn sách đã được xuất bản của cô dù không biết chữ. Mẹ say sưa, im lặng lắng nghe cô kể về công việc viết lách, gặp gỡ độc giả của cô, Mẹ lo sợ mỗi lần cô đi công tác xa bằng máy bay và van xin cô đừng đi máy bay nữa… Biết bao nhiêu yêu thương của Mẹ mà chỉ khi mất Mẹ rồi cô mới thấm thía xót xa: "Mãi sau khi mẹ mất tích, cô mới nhận thấy rằng những câu chuyện về mẹ đã chất đầy trong tâm hồn cô, không bao giờ vơi cạn" [1, 131].

 Anh cả Hyong-chol cũng vậy. Chương 2 kể về anh có tên “Xin lỗi con, Hyong-chol”. Đó là câu nói ám ảnh cả Mẹ và cả anh suốt đời. Hyong-chol là tất cả niềm hạnh phúc lần đầu tiên được làm mẹ của Mẹ. Mẹ đã thiên vị anh cả bằng một lý do mà không ai có thể bắt lỗi mẹ được. Cho đến khi anh đã lập gia đình riêng, mỗi lần lên Seoul thăm anh, Mẹ đều đem theo không biết bao nhiêu thứ từ quê nhà. Hình ảnh Mẹ ngoài sân ga làm ta vừa buồn cười vừa cảm động rơi nước mắt: “Lúc đến ga Seoul, bộ dạng của mẹ anh chẳng khác gì một người đi sơ tán chiến tranh. Mẹ bước lên bậc thềm ga với bao nhiêu gói bọc trên đầu, vác trên vai, cầm trên tay, với vô khối thứ không xách vào đâu được đành buộc lại quanh hông. Thật kỳ lạ khi mẹ vẫn có thể bước đi với ngần ấy thứ trên người. Nếu làm được chắc mẹ còn treo cả những quả cà tím và bí ngô vào chân khi lên thăm anh. Cái túi của mẹ anh căng phồng lên với nào là ớt tươi, nào là hạt dẻ, hoặc tỏi bóc sẵn bọc trong giấy báo. Mỗi khi đi đón mẹ, anh lại không tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy những bó to bó nhỏ chất thành đống xung quanh mẹ, thật ngạc nhiên vì một mình mẹ có thể mang được nhiều thứ đến như vậy.” [1, 86].

Xoáy sâu vào tim ta, vang mãi bên tai ta là câu nói “Xin lỗi con, Hyong-chol”. Mẹ luôn cảm thấy mình làn người có lỗi vì đã trao gánh nặng nuôi em ăn học cho con trai, nên ước mơ trở thành công tố viên không thể thành hiện thực. Đó là nỗi đau, là sự dằn vặt nặng nề nhất suốt cả cuộc đời mẹ: “Tất cả là tại mẹ. Mẹ xin lỗi con, Hyong-chol à” [1, 121]. Khi anh thành đạt hơn và mua được nhà ở Seoul, Mẹ xuống ga Seoul rất sớm để đến thăm nhà anh, tay xách theo một ấm đun nước to chứa đầy cháo đậu đỏ theo phong tục truyền thống về nhà mới của người Hàn Quốc. Anh còn nhớ mãi hình ảnh: "Mẹ xoa xoa đôi bàn tay với vẻ có lỗi “Mẹ xin lỗi vì con mua nhà mà mẹ chẳng giúp được gì".” [1. 142].

Chỉ đến khi lạc mất mẹ rồi, anh mới hiểu hết tấm lòng người mẹ: “Anh đã không thể trở thành công tố viên. Mẹ luôn coi đó là ước mơ của anh, nhưng anh đã không nhận ra rằng đó cũng chính là ước mơ của mẹ. Anh chỉ nghĩ đó là ước mơ không thành của thời tuổi trẻ, chứ chẳng bao giờ thoáng nghĩ mình cũng đã phá hỏng những khát vọng của mẹ. Anh nhận ra rằng suốt cả đời mẹ luôn tin chính mẹ là người đã làm vướng bận khiến anh không đạt được ước mơ: "Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi, con mới là người phải xin lỗi vì đã không giữ lời hứa”. Trái tim anh tràn ngập nỗi khao khát duy nhất là được chăm sóc mẹ khi tìm thấy mẹ. Nhưng anh biết mình đã đánh mất cơ hội ấy rồi. Anh khuỵu gối xuống nền phòng khách.” [1, 154].

Chương thứ 3 có tiêu đề “Tôi đã về đây!”. Đó là lời của Bố nói với Mẹ khi trở về ngôi nhà không còn Mẹ. Trong suốt cuộc đời trai trẻ, mải mê sống kiếp “lang bạt kỳ hồ”, bố đã không bao giờ ở yên trong tổ ấm của mình và thấy hết giá trị của chúng, cùng tấm lòng người bạn đời chung thủy đồng cam cộng khổ từ thưở hàn vi. Ai là người đã sinh ra cho ông những đứa con ngoan xinh đẹp, khỏe mạnh, học giỏi, hiếu hạnh? Ai là người đã chăm sóc ông từng miếng cơm manh áo? Quen thấy vợ hiện diện trong nhà, quen được vợ phục vụ như một lẽ đương nhiên, chỉ đến khi ngôi nhà trống vắng, ông mới thảng thốt nhân ra rằng: “Tại sao lúc đó ông không nhận ra rằng mình đang có một cuộc sống bình yên và may mắn? Chưa bao giờ ông nấu cho vợ mình một bát canh rong biển, vậy mà tại sao ông lại nhận tất cả những gì vợ làm cho một cách thản nhiên như thế?” [1, 173]. Và ông cũng hối hận nhận ra “Ông bỏ nhà ra đi bất kỳ khi nào ông muốn và chỉ trở về nhà lúc nào ông thích” [1, 174]. Thậm chí ông có thể bỏ đi lúc vợ ông trở dạ và đứa bé chết lúc mới chào đời. Tự tay bà đã đào huyệt chôn đứa bé tội nghiệp như chôn chặt nỗi đau của đời mình.

Vợ ông chỉ có hai lần bỏ nhà đi. Một lần vì bị chị gái khó tính của ông đuổi về nhà một cách oan uổng. Một lần nữa là khi ông đem một người dàn bà khác về nhà mình mà phụ bạc mẹ của bọn trẻ. Nhưng rồi trong cả hai lần, bà đều quyết định quay lại căn nhà của mình như một định mệnh vì trong ngôi nhà ấy là cuộc đời bà, ở đấy còn có chồng và các con của bà, chúng cần có mẹ. Ai là người đã lo lắng cho ông khi ông đau ốm, thế mà cho đến lúc này ông mới đau đớn nhận ra rằng “ông đã thờ ơ trước tình trạng lẫn lộn của vợ mình. Có những cơn đau đầu khiến vợ ông như ngất đi, phải quấn miếng vải quanh đầu cho đỡ đau, ông vẫn nghĩ rằng bà đang ngủ… Chưa bao giờ nghĩ tới việc phải chăm sóc vợ…” [1, 166-167].

Ngay cả khi hai vợ chồng đang còn sống, vợ ông cũng lo đến việc hậu sự cho cả hai với những tấm vải liệm tốt nhất. Vợ ông đã từng bảo “Ông nên đi trước tôi. Như thế là tốt nhất… ông có muốn sống dai thì cũng đừng sống lâu hơn tôi. Tôi chôn cất ông xong xuôi đâu đấy rồi cũng theo ông ngay thôi… Tôi làm được mà.” [1, 182-183]. Tấm lòng người vợ hiền, người bạn đời thủy chung son sắt ấy làm mắt ta đẫm lệ.

Đau lòng nhất cho ông là mỗi lần nhớ lại chuyện mình đã đi quá nhanh và bỏ quên vợ lại đằng sau: “Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi hai tuổi, câu nói “ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh trò chuyện với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần. Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muôn nổ tung…” [1, 188].

Tại sao và tại sao? Ký ức chập chờn trở về trong ông với những câu tự phán xét muộn màng, đau đớn đến tội nghiệp: “Ông ngồi trên nền ngôi nhà trống trải khóc nức nở, tiếng khóc ngày càng to.” [1, 192], “Khuôn mặt ông đẫm lệ… Rằng người vợ của ông đã yêu thế giới này biết mấy, và rằng ông đã yêu vợ bao nhiêu” [1, 223].

Cũng qua những dòng hồi tưởng đẫm nước mắt của chồng và các con, chân dung người mẹ nghèo, lam lũ, thất học nhưng tràn ngập tình yêu thương và đức hy sinh ấy còn được khắc họa thêm bởi những tình cảm nhân ái trong các mối quan hệ khác. Mẹ là người em dâu giỏi giang và chịu đựng, biết cảm thông sâu sắc với người chị chồng cô đơn khắc nghiệt, nhưng thật ra rất đáng thương: “Khi còn sống tôi chưa một lần được nghe một lời tốt đẹp từ bác” [1, 282]. Nhưng chỉ có Mẹ mới hiểu sâu sắc rằng “Bác cũng chính là hình mẫu của tôi đấy” [1, 283] bằng một sự đồng cảm chị em, cùng nhà, cùng giới một cách sâu sắc. Mẹ còn là người chị dâu tốt nhất trên đời. Câu chuyện bà lo lắng cho người em út của chồng là Kyun thật đẹp và cũng thật buồn. Hình như linh hồn người em chồng đáng thương ấy đã quanh quẩn bên Mẹ mãi bao nhiêu năm trời mới tan… Mẹ chỉ nghe Chi-hon kể mà đã cảm thông sâu sắc với những người mù là độc giả của những cuốn sách chữ nổi được viết lại từ những tác phẩm của Chi-hon. Khi Mẹ lạc mất rồi Bố mới biết rằng bao năm nay Mẹ vẫn thầm lặng tham gia làm công việc từ thiện, mỗi năm đều đặn quyên góp 450.000 uôn cho Ngôi nhà Hy vọng, Bố mới biết rằng “mười năm nay vợ ông là người thường đến Ngôi nhà Hy vọng để tắm rửa, giặt giũ cho lũ trẻ và chăm sóc mảnh vườn trước sân” [1, 157]. Mẹ cũng là người hàng xóm tốt bụng nhường cơm sẻ áo cho lũ trẻ hàng xóm cầu bơ cầu bất không ai chăm sóc. Và cảm động nhất là chuyện về người đàn ông ấy của Mẹ. Trong một góc trái tim Mẹ cũng có một người đàn ông để nghĩ tới mỗi khi gặp khó khăn phải một mình xoay xở không xuể. Sự gặp gỡ của họ cũng thật cảm động. Để cứu cảnh nhà con đói, mẹ mù, vợ đang trở dạ, người đàn ông tình cờ gặp trên đường ấy đã lừa Mẹ để đánh cắp chậu bột nặng trĩu trên đầu Mẹ trên đường ra chợ. Nghĩ đến cái ăn mười ngày của các con Mẹ đã cuống cuồng chạy đi tìm bắt kẻ xấu xa. Nhưng khi xông vào nhà ông ấy Mẹ đã thấy cảnh ngộ thật đáng thương. Mẹ đã đỡ đẻ cho người sản phụ đang vượt cạn, quấy bột mì nấu canh cho cả nhà họ và mang vào cho sản phụ sắp chết vì kiệt sức. Sau khi người mẹ tội nghiệp ấy chết vì sản hậu, Mẹ đã quay lại đó cho đứa bé bú bằng dòng sữa ngọt của mình. Ông ấy cũng là người mà mẹ luôn tự mình phải nói lời cám ơn và xin lỗi: “Tôi xin lỗi vì hết lần này tới lần khác cứ hễ thấy bất an là lại tới tìm ông, thế mà thậm chí tôi chẳng cho ông nắm tay mình. Mặc dù vẫn tìm ông nhưng chỉ cần thấy ông có ý tới tìm tôi là tôi lại cư xử thật tàn nhẫn… Tôi xin lỗi ông, vô cùng xin lỗi… Tôi muốn tỏ ra có phẩm cách trước ông.” [1, 265-266]. Và lời cuối cùng trước khi từ biệt thế gian (?) bà vẫn nhớ đến người đàn ông ấy “Ông là bí mật của cuộc đời tôi… Mặc dù không ai biết ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi nhưng chính ông là người mang bè đến mọi con nước lớn để giúp tôi vượt qua thác lũ an toàn. Tôi đã rất vui vì có ông. Tôi đến để nói với ông rằng tôi đi qua được cuộc đời mình là bởi tôi có thể tìm đến với ông những lúc lo âu chứ không phải những khi hạnh phúc.” [1, 268-269].

Những hé mở về cuộc đời thầm lặng đầy vất vả, đầy hy sinh và yêu thương của Mẹ đã làm rơi nước mắt không chỉ của chồng con và những người thân bên Mẹ. Hàng triệu độc giả trên trái đất này đã rơi nước mắt khi cầm trên tay cuốn sách bé nhỏ về người mẹ vĩ đại thầm lặng của Shin. “Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất từ trước tới nay.” [5]. Publishers Weekly đã nhận định như vậy. Một bạn đọc trên mạng đã tâm sự: "Hãy yêu thương và chăm sóc mẹ khi mẹ còn trên cuộc đời này. Đừng để đến khi lạc mất mẹ rồi mới vội vã nhận ra – mẹ quan trọng đến nhường nào…” [2].

 

 

3. HÃY CHĂM SÓC MẸ - Sức hấp dẫn của một cách viết lạ, đẹp và đầy sáng tạo nghệ thuật

Trong phạm vi một bài viết nhỏ, thật sự rất khó để đi vào khám phá một cách toàn diện và sâu sắc tất cả bình diện thi pháp, một số nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi chi xin khảo sát một cách tổng quát sáng tạo nghệ thuật tiêu biểu mà thôi.

* Trước hết về phương diện kết cấu – cốt truyện (structure-plot), tác giả đã thật sự là một “Kiến trúc sư” tài ba khi thiết kế tổng thể tòa nhà nghệ thuật của mình. Tác phầm gồm 1 lời đề từ và 4 chương cùng một phần kết:

Lời đề từ

Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương

Chương 1

Không ai biết.

Chương 2

Xin lỗi con, Hyong-chol!

Chương 3

Tôi đã về đây!

Chương 4

Và người phụ nữ khác.

Phần kết

Chuỗi tràng hạt hoa hồng.

Ngoài lời đề từ là một thành phần nằm ngoài văn bản, mang đi thông điệpyêu thương từ ý đồ nghệ thuật của tác giả và chủ đề tư tưởng của tác phẩm mà chúng tôi đã phân tích trên, 4 chương và phần kết có thể xem như năm mảnh vỡ, năm mảnh ghép của thế giới nghệ thuật do bàn tay người “kiến trúc sư” tài hoa Shin Kyung-sook sáng tạo. Chính kiểu kết cấu phân mảnh (fragment in structure) này đã làm cho tác phẩm có một vẻ đẹp là, một sức hấp dẫn thu hút mạnh mẽ. Năm mảnh ghép đó không hoàn toàn là năm mảnh vỡ rời rạc, không kết dính theo kiểu kết cấu mảnh vỡ phổ biến của văn chương hậu hiện đại. Nó vẫn chứa đựng yếu tố liên văn bản (intertextuality) nối liền các mảnh lại với nhau thành một chỉnh thể đa tuyến. Biểu hiện chỉnh thể đa tuyến của kết cấu là:

- Mẹ là tuyến trung tâm có mặt trong tất cả các chương, có mặt gián tiếp trong các chương 1, 2, 3 và phần kết, có mặt trực tiếp và trở thành người kể chuyện xưng “Tôi” (the first person narrator) trong chương 4.

- Con gái đầu Chi-hon, con trai trưởng Hyong-chol và Bố - người chồng của Mẹ đều có mặt trong các chương dành riêng cho từng người là chương 1, chương 2 và chương 3. Nhưng cả 3 người thân ấy cũng đều có mặt trong các chương và phần kết. Con trai thứ, hai cô con dâu, con gái út, người đàn ông của Mẹ, bà bác gái chị của Bố… cùng những người thân quen khác cũng đều có mặt trong các chương. Xâu chuỗi tất cả các sự kiện, xâu chuỗi tất cả các nhân vật chính và phụ xung quanh nhân vật trung tâm là Mẹ, ta sẽ có một câu chuyện dài về cuộc đời vất vả, nhọc nhằn và đầy hy sinh của Mẹ từ khi còn ấu thơ đến khi đi lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà… cho đến khi đi lạc. Trong cả 5 phần (4 chương và phần kết) thì chương 4 là một chương lạ nhất và tính lắp ghép các mảnh vỡ nội tâm cũng rõ nhất. Chương này bao gồm: Lời mẹ đối thoại một chiều với con gái út và cháu gái của Mẹ, với người đàn ông bầu bạn của đời mình, với Bố, với bà bác gái, với mẹ của Mẹ.

Nghệ thuật độc thoại nội tâm dòng ý thức được sử dụng như phương thức ngôn ngữ chủ yếu của tác phẩm đã khiến tác phẩm như một dòng sông của ký ức và ngôn từ, gồm nhiều dòng chảy cuồn cuộn và hòa lẫn vào nhau, vừa tan vỡ lại vừa kết dính, đưa ta đi ngược xuôi ngang dọc trong hành trình đời mẹ. Cuốn album cuộc đời của mẹ đã được xổ tung ra theo dòng ký ức của những người thân – những dòng ký ức đầy ăn năn và hối hận.

Một vẻ đẹp là của kết cấu tác phẩm là tác phẩm phảng phất dáng dấp của một vở kịch Noh của Nhật Bản với kiểu kết cấu lộn ngược. Trong kịch Noh mở ra phần đầu là nhân vật chính đã chết và phần hai sẽ là lời kể của giọng “ma” qua hồn người đã chết. Trong tác phẩm này có những sáng tạo riêng. Mở đầu tác phẩm là mẹ đi lạc: “Mẹ bị lạc đã một tuần” [1,7]. Tác phẩm đã được xây dựng với một tình huống truyện độc đáo: Nhân vật chính đã biến mất ngay từ trang đầu của câu chuyện, và cho đến cuối tác phẩm vẫn "bặt vô âm tín". Các chương 1, 2, 3 và phần kết là hồi tưởng của người thân về Mẹ. Riêng có chương 4 lại được kể với giọng “ma” (ghost voice) khiến câu chuyện như được phủ một lớp voan mờ huyền ảo, hư thực mơ hồ. Kiểu kết cấu pha màu kịch Noh này cũng là một kiểu kết cấu cơ bản của tác phẩm, làm nên sức hút ghê gớm của tác phẩm.

Kiểu kết cấu phân mảnh lắp ghép đã làm cho cốt truyện bị vỡ vụn, có những sự kiện trong cuộc đời Mẹ được kể nhiều lần qua nhiều điểm nhìn và lăng kính của chồng con. Nhưng cũng có những sự kiện khuất lấp chỉ có người kể chuyện toàn tri giấu mặt ngôi ba (the third person narrator) và chính Mẹ - người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “Tôi” mới biết được. Kết cấu lắp ghép của câu chuyện đã không làm nên một bức tranh hoàn tất, vẫn thiếu một mảnh ghép cuối cùng rằng Mẹ còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì Mẹ đang ở đâu? Rồi Mẹ có tìm được về nhà không, cả nhà có tìm được Mẹ không? Chính cốt truyện với kết thúc mở (open end) là một trong những điểm nhấn của tác phẩm. Gấp lại cuốn sách, không chỉ những nhân vật trong tác phẩm mà ngay cả độc giả cũng day dứt khôn nguôi… Hình như cuốn sách đẹp này sẽ không bao giờ khép lại…

* Đặc sắc về phương diện kết cấu – cốt truyện là cơ sở, là tầng sâu cấu trúc để tạo nên đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật (artistie narrator) của tác phẩm. Sức mê hoặc kỳ lạ của tác phẩm cũng chính là ở cách kể chuyện đầy sáng tạo. Có lẽ đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi trong văn học thế giới từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây về phương diện trần thuật vì trong tác phẩm này có sự hội tụ và giao thoa cả ba hình thức trần thuật: trần thuật ngôi thứ nhất, trần thuật ngôi thứ hai và trần thuật ngôi thứ ba (the first, the second and the third person narrator). Trước hết là hình thức trần thuật xưng “Tôi” ở toàn chương 4 với hình tượng người kể chuyện xưng “Tôi” là Mẹ. Điểm độc đáo nhất của cái tôi này là đó là một cái tôi kể giọng “ma”. Ta không thể biết đó chính là Mẹ trở về hay chỉ là linh hồn của Mẹ đang bay về giã biệt người thân. Tính chất “ma” còn được hiểu đó là giọng kể của người vắng mặt, người được “hư tả”. Mẹ là một nhân vật, một người kể chuyện “hư tả” kỳ lạ trong văn học xưa nay hình như chưa từng có. Ở phần kết, bức thư của cô con gái út gợi cho chị gái Chi-hon đã góp thêm một người kể chuyện xưng tôi (con) với hình thức trần thuật ngôi thứ nhất. Không dành cho cô con út một chương để hồi tưởng về mẹ như chị gái, anh trai và bố cô, nhưng tác giả lại dành cho cô hẳn một cơ hội để nói về mẹ trong một bức thư dài nhòe nước mắt. Cô con gái út cũng là người đầu tiên mà ở chương 4 giọng kể “ma” của mẹ tìm về chuyện trò với cô ở ngôi nhà riêng của cô. “Giàu con út, khó con út”! Có lẽ chỉ cần nhắc đến câu thành ngữ này của người Việt Nam chúng ta là có thể là có thể hiểu tấm tình yêu của mẹ dành cho cô út – lúc này cũng là một người mẹ trẻ nách ba con. Cô út chính là hình ảnh của mẹ và cũng là hình ảnh để làm nổi bật, tôn vinh mẹ. Bức thư của cô về Mẹ ở phần kết đã góp phần làm rực rỡ hình ảnh Mẹ với tất cả kính trọng và yêu thương.

Chương 4 với tiêu đề “Và người phụ nữ khác” là chương mà ngôi kể thứ hai xuất hiện trong lời đối thoại một chiều giữa giọng kể “ma” ở ngôi một của Mẹ. Mẹ chuyện trò không lời đáp lại với con gái út, với người đàn ông là bạn, người đàn ông là chồng, người chị chồng, người mẹ đã sinh ra mình – tất cả đều xuất hiện ở ngôi thứ hai trong lời thoại một chiều của Mẹ: “Con gái à. Hãy nhớ con luôn là nguồn vui của mẹ, con nhé. Con là đứa con thứ tư của mẹ…”. [1, 243], “A, ông đây rồi. Khi tôi tìm tới nhà ông ở Komsso, cánh cổng gỗ đã vỡ…” [1, 253], “Sao ông lại đóng cửa cài then thế này?...” [1, 261], “A, bà bác! Bác là bác của các con tôi và là chị của chồng tôi… Bác đang khóc đấy sao?...” [1, 281-282]. Và nói với người mẹ đã khuất bóng từ lâu: “Mẹ biết không? Con cũng luôn cần có mẹ trong suốt cuộc đời mình.” [1, 290].

Các chương 1, 2, 3 và phần lớn chương kết được trần thuật ở ngôi thứ ba với người kể chuyện giấu mặt toàn tri, giữ một giọng khách quan nhưng “biết tuốt”. Người kể chuyện ấy vừa đi vào nội tâm các nhân vật Chi-hon, Hyong-chol và Bố để khám phá hết tận cùng chiều sâu của những yêu thương muộn màng, những hối tiếc, ân hận, ăn năn và day dứt của họ; vừa tái hiện lại cuộc đời của Mẹ bằng những lát cắt, mảnh ghép lộn xộn, rời rạc theo dòng ký ức của những người thân.

* Đa hình thức trần thuật sẽ tạo ra một điểm sáng thẩm mỹ là đa chủ thể trần thuật. Có người kể chuyện xưng “Tôi” ngôi một, có người tham gia kể chuyện ở ngôi hai, có người kể chuyện toàn tri giấu mặt ở ngôi ba. Và có cả người kể chuyện độc giả cũng tham gia đồng sáng tạo, đồng cảm với những người kể chuyện sống trong trang sách. Có thể nói nghệ thuật trần thuật là điểm sáng nhất của sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời mà Shin đã tổ chức, đã chồng chất lên trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Kiểu tự sự đa chủ thể (multiple person narrators) của tác phẩm cũng tạo cho tác phẩm vang lên nhiều giọng kể (voice) và nhiều giọng điệu (tone). Mỗi giọng kể và giọng điệu đều có một sức ám ảnh lạ lùng. Người kể chuyện toàn tri giấu mặt khi ở vị trí khách quan, khi hóa thân vào Mẹ và vào các nhân vật khác với giọng kể điềm đạm nhẹ nhàng mà sâu lắng. Giọng vừa ân hận, vừa hối tiếc vừa yêu thương, vừa tâm tình thủ thỉ vừa xót xa đau đớn, dằn vặt là giọng của Chi-hon, của Hyong-chol và của Bố. Có lẽ từ xuất hiện nhiều lần nhất trong văn bản là từ “xin lỗi”. Mẹ luôn luôn thấy mình là người có lỗi với mọi người và tận đáy lòng Mẹ luôn nói lời xin lỗi với chồng con, với chị em bên chồng, mặc dù rõ ràng là Mẹ không hề có lỗi gì hết. Người nào yêu thương mọi người hơn bản thân mình sẽ luôn cảm thấy mình có lỗi, dù là nói thành lời hay chôn giấu trong tim. Khi Mẹ đã lạc mất rồi, tất cả những người thân yêu quanh Mẹ mới biết thầm nói lời xin lỗi trong nước mắt nghẹn ngào: “Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi, con mới là người phải xin lỗi vì đã không giữ lời hứa.” [1, 154].

* Kết cấu – cốt truyện phân mảnh lắp ghép cũng đã tạo nên những lớp thời gian vỡ vụn, chất chồng, xáo trộn. Kể chuyện đời Mẹ, nhưng Shin đã không chọn lối xây dựng thời gian biên niên  quen thuộc của tiểu thuyết gia đình. Mượn dòng ý thức (stream of conseiousness) làm phương tiện, làm con thuyền, tác giả đã đưa ta xuôi ngược trên dòng sông hồi ức của những người thân và dòng sông cuộc đời của Mẹ. Dòng hồi ức là dòng của sự kiện cũng là dòng chảy của nội tâm. Mỗi một “lát cắt” cuộc đời của Mẹ lại gắn với một thời điểm hay một khoảng thời gian nhất định ở quá khứ như “Năm ngoài”, “Mùa thu năm ấy”, “vào dịp Tết Trung thu”, “Ba mươi năm trước”, “Phải đến khi người vợ bị lạc”… Thời gian tâm lý và thời gian sự kiện đan cài đã mở ra nhiều dòng tâm tưởng, nhiều chiều kích của không gian và thời gian, tạo nên hiệu quả đồng hiện Không - Thời gian (correspondence place_time) đẹp và lạ của tác phẩm như một sáng tạo tân kỳ.

* Ở mỗi điểm thời gian khác nhau, nhiều lớp không gian cũng được tái hiện, trong đó có nhiều không gian mang tính biểu tượng sâu sắc. Thành phố Seoul và nhiều địa danh khác từ làng tới tỉnh xuất hiện tạo nên một không gian rộng lớn, hiện thực và hiện đại. Trong đó ga tàu điện ngầm Seoul là không gian ám ảnh gợi nhiều xót xa đau đớn nhất vì đó là nơi mà trong một giây phút định mệnh Mẹ đã lạc mất Bố, để lại bao đau đớn hoảng loạn cho cả gia đình. Đặc biệt gắn với hình ảnh Mẹ là không gian ngôi nhà ở quê cùng gian bếp và nhà kho. Bếp là không gian trung tâm và xuyên suốt tác phẩm. Hình ảnh Mẹ vĩ đại luôn gắn với hình ảnh gian bếp. “Cô chưa bao giờ nghĩ đến hình ảnh của mẹ gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là Mẹ” [1, 72]. Bếp và Mẹ đã đồng nhất thành một nhất thể sinh động. Bếp và kho là nơi Mẹ chất đầy những sản phẩm do chính tay Mẹ trồng, do chính tay Mẹ chế biến nấu nướng: “Mẹ còn chất đầy trong kho những chai thủy tinh lớn nhỏ, đựng đủ các loại nước hoa quả do chính tay mẹ làm, nào là nước mận, nước dâu tây… mùa nào thức nấy. Mẹ có những tủ đựng đầy vèn cá đủ muối và cá mắm trống hay sò muối để gửi cho các con trên thành phố. Biết hành tươi tốt cho sức khỏe mẹ ép cả nước hành, và trước khi mùa đông đến mẹ còn làm nước bí ngô pha với cam thảo. Ngôi nhà của mẹ giống như kho xưởng, ở đó mẹ làm tương, làm đậu muối, làm gạo lứt, chế biến mọi thứ cho gia đình sử dụng quanh năm” [1, 9]. Thế nhưng bao nhiêu năm tháng trôi qua, cả chồng lẫn con có ai đã bao giờ cảm thấy được rằng bếp chính là nơi giam cầm, chật hẹp, tù túng với Mẹ? Rằng có khi nào họ tự hỏi liệu cô có thích giam mình mãi trong bếp hay không? Bếp chính là hình ảnh hy sinh vất vả, chịu thương chịu khó, khéo léo đảm đang và chịu nhiều thiệt thòi của Mẹ. Hình ảnh gian bếp, nhà kho là biểu tượng cho tình thương yêu mênh mông và bao nỗi vất vả nhọc nhằn đời Mẹ.

Cuối tác phẩm, theo chân Chi-hon ta lại đến với đất nước Italia xa xôi. Độc giả lại được sống trong một không gian mang đầy tính biểu tượng về Mẹ vĩ đại, đó là Thánh đường St. Peter rợp ánh hào quang và bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangielo ôm thi thể của người con đã chết: “Cô cứ nhìn chăm chú vào đôi môi Đức Mẹ. Cô nhắm mắt lại và một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô… Phải cho đến tận lúc này câu nói mà cô đã không thể thốt lên trước tượng Đức Mẹ mới bật ra khỏi miệng cô: Hãy chăm sóc mẹ” [1, 323]

4. LỜI KẾT

Xin được kết thúc bài viết này bằng chính thông tin đầu tiên đưa chúng tôi đến với cuốn sách này. Đó là những âm thanh dịu dàng, ấm áp vang lên từ lời giới thiệu tác phẩm trong chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” của Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, để thấy được sự lan tỏa của một áng văn chương tuyệt tác về Mẹ và sự đồng cảm của mọi dân tộc trên trái đất này:

Hãy chăm sóc mẹ mang lại cho bạn đọc Việt Nam sự đồng cảm mãnh liệt. Vì ở đâu đó trong những làng quê Việt Nam cũng có những bà mẹ như thế, những người phụ nữ hy sinh quên mình vì chồng con. Và đến khi mất mát người ta mới hiểu những gì mình đã từng có quý giá chừng nào.” [9].

 

Tài liệu tham khảo

1.                       Shin Kyung-sook (2011), Hãy chăm sóc mẹ, Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, Nxb Hà Nội và Công ty Nhã Nam.

2.                       http://www.baomoi.com/Hay-cham-soc-me--mot-cau-chuyen-tham-thia-den-nang-long/152/6578654.epihttp://laodong.com.vn

3.                       http://thethaovanhoa.vn/173N20120318064258454T133/xin-hay-cham-soc-me-hoi-chuong-cho-toan-cau.htm

4.                       http://tiki.vn/hay-cham-soc-me.html

5.                       http://youtube.com



[i] Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Huế

[ii] Department of Literature, Hue City University of Education

-------------------------------------------------

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.