Sáng ngày 8/01/2024, Chi hội Văn nghệ dân gian - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề "Lịch sử phát triển và hiện trạng của loại hình nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ" do TS. Lê Hồng Phước - Phó Trưởng khoa Ngữ Văn Pháp trình bày với sự hỗ trợ phần nhạc cụ của NSUT. Văn Hai.

20240108

Đầu tiên, TS. Lê Hồng Phước nhấn mạnh, buổi sinh hoạt học thuật này thêm phần ý nghĩa vì cũng nhân kỉ niệm 10 năm Đờn ca tài tử được UNESCO ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện Nhân loại.

Liên quan đến nội dung buổi tọa đàm, TS. Lê Hồng Phước đã lược lại lịch sử hình thành và phát triển của đờn ca tài tử Nam Bộ. TS. Lê Hồng Phước đã đi sâu phân tích cái hay, cái đẹp của Đờn ca tài tử  có đờn ca minh hoạ cùng với NSUT. Văn Hai. Tiếp theo đó, diễn giả đã khái quát sự hình thành của Cải lương trên cơ sở của Đờn ca tài tử, Hát Bội và sự tiếp biến văn hoá từ kịch nghệ của Pháp.

Tuy nhiên dù có lịch sử phát triển chỉ hơn 100 năm, nhưng do thiếu tư liệu nên hiện Đờn ca tài tử còn nhiều điểm còn chưa được rõ ràng hoặc chưa được nghiên cứu tới nơi tới chốn. Có một tín hiệu vui là những năm gần đây, trong nhiều luận văn, luận án ở các trường đại học, Đờn ca tài tử và Cải lương bắt đầu được quan tâm và nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn khác nhau ở nhiều ngành học khác nhau: lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá học, văn học.. Điều đó góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu Đờn ca tài tử và Cải lương, TS. Lê Hồng Phước nhấn mạnh.

Nói về thực trạng của Đờn ca tài tử, TS. Lê Hồng Phước nhấn mạnh một chữ “thiếu”: thiếu người chơi đờn, thiếu người ca đúng chất tài tử. Vì thế, cần có định hướng và chính sách đãi ngộ từ phía nhà nước để hỗ trợ lực lượng truyền nghề và đào tạo thế hệ kế thừa.

TS. Lê Hồng Phước cảnh báo hiện tượng “tam sao thất bản” trong lĩnh vực Đờn ca tài tử - Cải lương. Hiện tượng này ngày càng mạnh vì sự truyền tải thông tin quá dễ dàng ở thời đại Internet, và diễn ra ngay trong giới học thuật. TS. Lê Hồng Phước cũng nhấn mạnh, hiện tại có người vẫn còn chưa phân biệt được người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình và người trực tiếp hành nghề. Đồng thời, TS. Lê Hồng Phước cảnh báo hiện trạng “trộn tài tử với cải lương” đang diễn ra ở các câu lạc bộ Đờn ca tài tử và ngay cả ở các nhà đài. Một hiện trạng khác cũng đáng lo ngại mà TS. Lê Hồng Phước nêu lên đó là nguy cơ thất truyền 20 bài bản tổ của Đờn ca tài tử .

Cuối cùng TS. Lê Hồng Phước nhấn mạnh, người nghiên cứu Đờn ca tài tử - Cải lương cần nghiêm túc về mặt khoa học, cần tôn trọng việc “tư liệu tới đâu thì nói tới đó”; còn đối với tuổi trẻ, việc yêu hay không yêu Đờn ca tài tử - Cải lương đó là thuộc về sở thích cá nhân, nhưng mỗi người cần có trách nhiệm với việc bảo tồn bản sắc văn hoá, trong đó có việc bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử - Cải lương.

20240108 2

Buổi sinh hoạt khoa học của Chi hội Văn nghệ dân gian được nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cùng các nhà nghiên cứu yêu thích loại hình Đờn ca tài tử đến tham dự. Buổi sinh hoạt là hoạt động mở đầu cho chuổi hoạt động của chi hội trong năm 2024.

TS. Lê Hồng Phước tốt nghiệp Tiến sĩ ngành lịch sử văn hoá tại Pháp, chuyên sâu nghiên cứu lịch sử văn hoá xã hội Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc. Ông cũng là nhà nghiên cứu và là người thực hành Đờn ca tài tử và Cải lương. Ông là cựu phóng viên của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp tại Paris (RFI-Paris) chuyên viết phê bình về Đờn ca tài tử - Cải lương. Ông đã có nhiều hoạt động quảng bá Đờn ca tài tử -Cải lương ở Pháp và Việt Nam từ nhiều năm qua. Ông cũng là người chuyển soạn cải lương cho vở "Đợi Kiều" (kịch bản văn học của TS. Đào Lê Na) công diễn năm 2022 và 2023, gây được tiếng vang trong giới học thuật, giới truyền thông và khán giả trẻ. 

Lược thuật: TS. Bùi Việt Thành

20231226

Bói Kiều trong những ngày đầu năm mới là hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo trong dân gian Việt Nam. Có lẽ do lúc ban đầu, người đọc nhận thấy nhiều câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể mô tả chính xác tâm trạng của mình trong những bối cảnh cụ thể nào đó, như thể thi nhân đã thấu hiểu cả tâm can của mình một cách đáng kinh ngạc nên họ đã tìm đến Truyện Kiều để tìm lời giải đáp cho những dự báo về tương lai.

Vì sao chỉ Truyện Kiều mới dùng để coi bói được?

Truyện Kiều là cuốn sách của cuộc đời, là ghi chép của tâm trạng. Truyện Kiều gần như bao hàm hết mọi cảnh ngộ của con người trong cuộc đời này, với nhiều mối quan hệ từ trong gia đình (cha con, anh chị em, chồng vợ…), đến ngoài xã hội (vua - tôi, ông bà chủ - kẻ ăn người ở, kẻ mua - người bán, quan lại - người dân…). Truyện Kiều cũng hiện diện đủ loại người: giai nhân, tài tử, binh lính, sai nha, thầy tu, khách làng chơi, gái điếm… Hơn thế, mọi cảm xúc của con người đều được Nguyễn Du đặc tả kỹ lưỡng, tinh tế như hạnh phúc, khổ đau, tự hào, nhục nhã, hờn ghen, dối trá, yêu thương, nhung nhớ… Có thể nói, đọc Truyện Kiều, ai cũng có thể tìm thấy ở đó cảnh ngộ của mình, tâm trạng của mình, tình cảm của mình. Vì thế, người ta mới nảy sinh “bói Kiều” để xem nhân vật đó trong hoàn cảnh đó đã làm gì, như một cách giải đáp nỗi âu lo, thắc mắc của mình.

Nếu như các hình thức bói toán khác thường có người đặt quẻ (bằng tiền hay lễ vật), rồi có thầy bói thông qua một vài tín hiệu (tung đồng xu, coi chân gà, coi chỉ tay, lên đồng, nhập hồn, nhập cốt…) để nói cho người đến bói biết về sự việc đã xảy ra hay sắp xảy ra, thì bói Kiều rất khác. Việc bói Kiều có khi được thực hiện chỉ một mình, người bói thành tâm xin câu Kiều và tự giải đáp cho mình, hoặc đa phần bói Kiều được thực hiện trong gia đình, người cao tuổi giải đáp cho con cháu trong nhà. Hoặc cùng lắm là trong phạm vi họ hàng, thầy trò hay người dân trong một làng xã nhỏ hẹp… Và tất nhiên, người giải đáp chẳng bao giờ đòi hỏi lễ vật hay bạc tiền từ người muốn coi bói.

Người giải đáp bói Kiều phải là người rất thông làu Truyện Kiều và có kiến thức uyên bác, trải nghiệm xã hội phong phú. Có như thế mới có thể lý giải được chiều sâu ý nghĩa của câu Kiều hoặc ít nhất là phải giải thích được rành rẽ hệ thống ngôn ngữ dày đặc từ Hán Việt và đầy ắp điển tích, điển cố trong Truyện Kiều, điều mà không thầy bói thông thường nào làm được.

Hơn nữa, khi bói Kiều, người ta không nhằm để cầu xin một thế lực thần linh nào đó hỗ trợ mình thăng tiến, vượt qua khó khăn và bệnh tật hay làm ăn phát đạt mà bói Kiều là để đi tìm lời giải cho những băn khoăn, những câu hỏi có sẵn trong lòng mình.

Người bói Kiều cần chuẩn bị gì?

Đơn giản là cần một cuốn Truyện Kiều đủ 3.254 câu thơ và lòng thành tâm muốn được giải đáp những băn khoăn trong lòng mình.

Người bói cầm cuốn sách bằng hai tay, thắp một cây nhang và nhắm mắt vái: Lạy Phật Thích Ca, lạy ma Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy cụ Nguyễn Du cho con xin một quẻ, con tên là, bao nhiêu tuổi, ở đâu, con muốn được giải đáp về… Tất cả đều khấn thầm trong lòng, người giải câu Kiều sẽ không được nghe người bói cầu xin hay hỏi về vấn đề gì.

Ngắn gọn hơn thì chỉ cần khấn 4: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy cụ Nguyễn Du”. Tuy nhiên, có những vùng, câu khấn còn được đọc hẳn thành một bài đồng dao, như: “Thúy Vân, Thúy Kiều/ Vương Quan, Kim Trọng/ Ông bà Viên ngoại/ Từ Hải, Giác Duyên/ Sống khôn chết thiêng/ Về đây bói quẻ/ Thấy hoa đừng bẻ/ Thấy trẻ đừng chơi/ Thấy quán đừng ngồi/ Về đây mà gieo quẻ…”

Rồi sau đó người bói mới xưng tên họ và điều cầu xin của mình. Khấn xong thì lật quyển Kiều ra, dùng ngón tay cái trái hoặc phải của mình ấn vào bất kỳ vị trí nào trong cuốn sách, cặp lục bát nơi ngón tay ấn vào chính là câu Kiều ứng vào quẻ của người bói.

Người giải sẽ dùng hai câu Kiều đó để giải đáp và lúc này câu Kiều chỉ có ý nghĩa về mặt văn bản, hoàn toàn tách khỏi nội dung, tình cảnh của nàng Kiều cũng như số phận và tính cách của các nhân vật trong truyện. Do vậy, có những lời giải gần như ngược lại sự kiện diễn ra trong Truyện Kiều đã được miêu tả bằng chính hai câu lục bát đó. Chẳng hạn, khi người bói xin được hai câu: “Lo gì việc ấy mà lo/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Nội dung của hai câu này thực ra là tin xấu (đối với nhân vật Thúy Kiều), vì đây là lời tự nhủ của Hoạn Thư khi biết Thúc Sinh chồng mình dan díu với nàng Kiều ở thanh lâu. Khi nói câu này, Hoạn Thư đã biết cách xử lý Thúy Kiều đơn giản trong lòng bàn tay mình. Nhưng lời của người giải câu Kiều ấy lại theo hướng tốt: Những băn khoăn của người coi bói trong năm tới đều không đáng lo, cái gì cũng có thể hóa giải được và cái gì thuộc mình sẽ không thể mất đi, kiểu “kiến trong miệng chén có bò đi đâu”.

Một cách tìm điểm tựa cho lòng tin

Bản thân tôi từng trải qua nhiều lần bói Kiều vào mỗi đêm giao thừa và ba tôi chính là người giải Kiều vì ông rất mê Kiều và thuộc cả 3.254 câu thơ trong truyện. Ông thậm chí còn có thể ngâm Kiều rất hay và thuở nhỏ, tôi đã được ông ru ngủ bằng những câu Kiều ấy. Năm tôi sẽ thi đại học, giao thừa ấy tôi xin trúng hai câu: “Thông minh vốn sẵn tính trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” (Nguyễn Du miêu tả tài sắc Thúy Kiều ở đầu truyện). Ba tôi giải rằng tôi vốn được trời cho nhanh nhẹn học đâu biết đấy, giờ chỉ cần “pha nghề thi họa đủ mùi” nghĩa là cố gắng mở rộng kiến thức, đọc thêm sách thì sẽ thi đâu đậu đó. Tôi không biết ba tôi có nói cho tôi yên tâm thi cử hay không nhưng lòng tôi đầy tin tưởng và học hành mê say hơn, tin chắc chiếc vé vào đại học đã có tên mình.

Cũng trong cái Tết đó, có một bác gái gần 70 tuổi ở trong xóm đến nhờ ba tôi bói Kiều. Bác xin được câu: “Dùng dằng nửa ở nửa về/ Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần” (Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều đi tảo mộ, chuẩn bị về thì gặp Kim Trọng). Ba tôi hỏi: Có phải bác tính đi đâu xa mà lòng còn chưa quyết được hay không? Bác khai thật là tính chuyển vào Nam ở với con gái vì nhà nó neo người, lại mới sinh con nhưng còn vướng ông chồng nhất định không chịu xa quê.

Năm tôi sắp bảo vệ tiến sĩ, đã gần 5 tháng mà người phản biện độc lập chưa gửi lại kết quả nhận xét cho trường, tôi lo lắng vô cùng. Mồng 6 Tết, chúng tôi tụ tập đến chúc Tết thầy tôi và thầy lại mang Truyện Kiều ra cho chúng tôi bói. Anh đồng nghiệp tôi xin được câu: “Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay(Nguyễn Du tả chiếc xe hoa của Mã Giám Sinh rước cô dâu Thúy Kiều như dự báo những chuỗi ngày bão tố trước mắt). Không ai trong chúng tôi biết là anh hỏi điều gì nhưng thầy tôi giải là “có khi năm nay em sẽ đi nước ngoài”. Anh bạn hết hồn vì đúng là khi bói anh có hỏi về việc xin đi nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài và giữa năm ấy anh đi thật. Còn tôi thì xin được câu:Dù khi gió kép mưa đơn/ Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì” (Lời Sở Khanh hứa sẽ mang Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh). Thầy không hề biết tôi hỏi về luận án, thầy giải là “Thi Gia cứ yên tâm, làm gì cũng sẽ có người hỗ trợ em và mọi việc em mong đều thuận lợi”. Và năm ấy tất cả những thứ tôi mong chờ đều được hanh thông thật.

Cho đến bây giờ, dù xa quê hương đã hơn 20 năm, không còn mấy khi về quê ăn Tết để xin ba bói cho một quẻ Kiều nữa nhưng tôi vẫn còn giữ thói quen tìm đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du khi lòng có những băn khoăn cần chỉ dẫn, không chỉ vào dịp Tết mà vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tôi học cách giải Kiều của ba tôi và thầy tôi, rời xa nghĩa văn bản, rời xa cuộc đời 15 năm lưu lạc và bất trắc của Kiều, tự chọn cho mình cách hiểu đầy niềm tin về những điều lành sẽ tới. Mới hôm qua đây thôi, trước những lo âu mất ăn mất ngủ về bệnh tình của mẹ cha, tôi lại tìm đến với Kiều và gặp câu thơ sum họp: “Một cây cù mộc, đầy sân quế hòe”.

La Mai Thi Gia

Nguồn: Bản tin Đại học quốc gia, số 214-215, Xuân 2024.

Nguồn ảnh: VnExpress

Không thể phủ nhận một trong những điểm nhấn tạo sức hút toàn cầu cho bộ phim Trò chơi con mực của Hàn Quốc là tác phẩm đã khai thác ấn tượng các trò chơi dân gian trong game show sinh tồn - trò chơi cuộc đời của các nhân vật.

Trò chơi con mực (Squid game, 9 tập, Hàn Quốc) là cuộc chiến sinh tồn giữa 456 con người đang túng quẫn. Và họ, với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ côn đồ đến trí thức, từ trẻ đến già, sau mỗi trò chơi, không chỉ chiến đấu với đồng đội, với ân nhân mà còn giằng xé dữ dội giữa phần “con” với phần “người” của bản thân để sống - thắng cuộc.

Cùng với những con số kỷ lục về lượt xem, một trong những điểm nổi bật, được nhớ/nhắc đến nhiều nhất trong các bài viết về Squid game trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội lẫn người xem, chính là các trò chơi dân gian của Hàn được nghệ thuật hóa trong trò chơi sinh tử cũng là cuộc chiến sinh tồn của mỗi người trong xã hội hiện đại. Theo đó, 6 trò chơi khốc liệt mà các nhân vật phải vượt qua để giữ mạng và giành lấy số tiền thưởng là các trò chơi rất gần gũi, thân quen của tuổi thơ có lẽ không chỉ ở xứ sở kim chi: đèn xanh đèn đỏ (khá giống trò em bé tập đi, năm mười, bịt mắt bắt dê của Việt Nam), tách kẹo đường, kéo co, bắn bi, nhảy ô và trò chơi con mực.

Văn hóa dân gian trong câu chuyện không biên giới - ảnh 1

Cảnh trong Trò chơi con mựcNETFLIX

Như chia sẻ của TS Lê Thị Thanh Vy (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM; tại hội thảo quốc tế Văn học và điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu, diễn ra tại TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua), trò chơi dân gian có sức sống và sự bền vững đáng kinh ngạc; đồng thời, nó cũng có sự tương đồng rất lớn giữa các nền văn hóa trên thế giới. Chính sự kết hợp yếu tố bản địa với tính phổ biến toàn cầu đó đã góp phần làm cho Trò chơi con mực thu hút và nhận được sự chia sẻ, cộng hưởng sâu rộng từ khán giả các nước.

Ở góc độ khác, trong tham luận Ứng dụng motif truyện kể dân gian thế giới trong phim Hàn Quốc, thạc sĩ Đặng Huỳnh Thảo Vi, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty TNHH nghiên cứu khoa học và phát triển thương mại quốc tế Scigroup, nhìn nhận: “Từ những năm 2000, phim ảnh xứ Hàn bắt đầu khai thác yếu tố dân gian từ văn học. Đến năm 2010, việc đưa yếu tố dân gian vào phim ảnh được các nhà sản xuất phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, đưa đến người xem một cảm quan mới trong tiếp nhận. Sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống đã làm sức sáng tạo, tưởng tượng của các nhà làm phim trở nên vượt bậc và cũng nhờ vào sự tái hiện truyện kể dân gian trong các tác phẩm giải trí hiện đại đã thu hút số lượng lớn người hâm mộ theo dõi”. Theo cô, rõ ràng nhà làm phim Hàn đã làm cho câu chuyện quen thuộc trở nên rất hấp dẫn, người xem vừa thấy quen vừa tò mò vì không biết các câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào (có thể thấy qua Bạn trai tôi là hồ ly, Điên thì có sao…).

Để chinh phục khán giả quốc tế

Nhìn lại điện ảnh nước ta, đáng kể đến là bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười (kịch bản và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh), được vinh danh với nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế và được kênh CNN của Mỹ bình chọn là 1 trong 18 bộ phim của điện ảnh châu Á xuất sắc mọi thời đại (năm 2008). Điều đặc biệt là, trong bộ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nhiều lần khai thác yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam.

20211209 5

Cảnh trong Bao giờ cho đến tháng mườiT.L

Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống là kho chất liệu đồ sộ mà nhiều nhà làm phim đương thời không muốn bỏ qua, trong đó, có thể kể đến một số bộ phim điện ảnh được sản xuất trong những năm gần đây như Trạng Tí phiêu lưu ký, Trạng Quỳnh, hay Song Lang. Nếu phim Trạng Quỳnh, Trạng Tí phiêu lưu ký khai thác nhiều chất liệu từ truyện cổ tích, dân gian Việt Nam, thì Song Lang lại sử dụng nhiều chất liệu từ loại hình nghệ thuật truyền thống: cải lương. Rõ ràng, khi mang yếu tố dân gian, truyền thống thì bản thân bộ phim đã có thế mạnh trong việc để lại dấu ấn bản sắc, tuy nhiên để chinh phục khán giả thế giới, thì lại cần nhiều yếu tố khác. Trong đó, có việc sáng tạo từ văn hóa dân gian cần được nhìn nhận đúng trong kiểm duyệt (mà Bao giờ cho đến tháng mười là một ví dụ điển hình). Ngoài ra, nhà làm phim cần khai thác chất liệu này trong những câu chuyện lớn, tức là không chỉ người Việt mới cảm, mới hiểu và thích được. Đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ phim Việt cần có bản sắc riêng, mang hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt. Theo anh, đó là những thứ mà khán giả nước ngoài tìm kiếm và quan tâm nhất, nhưng quan trọng hơn là yếu tố bản sắc đó cần được đặt trong “những câu chuyện không biên giới”. “Đó là những câu chuyện truyền tải thông điệp mang giá trị phổ quát. Đó là những câu chuyện mà mỗi con người ở quốc gia nào đều có thể nhìn thấy, cảm thấy và dự báo được. Có như vậy phim Việt mới có thể chinh phục được khán giả quốc tế”, anh nói.

Nguyên Vân, Ngọc An

Nguồn: Thanh niên, ngày 07.12.2021.

20231219

Đồng tiền ngoại thương vào thế kỷ 19 tại Việt Nam

Một trưa hè cách đây không lâu, tôi ngồi với một người bạn từ miền Trung vào, uống mấy ly bia hơi Sài Gòn trong cái quán ven đường phía bên Thủ Thiêm, lúc ấy cầu Ba Son chỉ mới khởi công được nửa đường, còn ngổn ngang cát đá xi măng. Đã quá đầu giờ chiều, quán vắng tanh chỉ còn 2 đứa, câu chuyện về thuở thiếu thời của một đứa li quê và một đứa bám quê cũng đã dịu dần. Trong không gian yên tĩnh chỉ lao xao tiếng gió lùa trong mấy đám dừa nước xung quanh bỗng vang lên câu hát ru con bằng cái giọng miền Tây ngọt lịm:

Ầu ơ…ơ… Anh ham chi đồng bạc con cò

Bỏ cha bỏ mẹ, ầu… ơ… ơ bỏ cha bỏ mẹ theo phò Lang- Sa… ơ…. ơ

Người bạn ngạc nhiên hỏi “trời đất, cũng có câu hát ru con về đồng bạc con cò luôn hử?”. Tôi – cái đứa hơn 20 năm điền dã khắp vùng quê Nam Bộ, táy máy tò mò với bao nhiêu cuốn ca dao dân ca Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến nay – khẳng định chắc nịch “có chứ, thậm chí còn nhiều nữa là khác”. Nói rồi, từ từ nhẫn nha đọc cho bạn nghe hết câu ca này đến câu ca khác, câu chuyện lại tiếp tục kéo dài cho đến lúc mặt trời từ từ trôi xuống phía bên kia sông Sài Gòn, đỏ au một vùng mây nước mênh mông.

Trải qua thời kỳ dài mấy mươi năm là thuộc địa của Pháp từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1945, bên cạnh những tác động mạnh mẽ về chính trị và kinh tế thì văn hóa miền Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Pháp ở nhiều mặt như giáo dục, ngôn ngữ, văn chương, sinh hoạt vật chất và tinh thần… Tránh sao khỏi những dấu ấn đậm nét của người Pháp để lại trong những câu hát dân gian xưa cũ của miền Nam do nhân dân sáng tác, những câu hát ấy không nhằm để miêu tả, kể lể về bối cảnh xã hội, chính trị của đất nước trong thời kỳ đặc biệt ấy mà chỉ là do người dân mượn cớ để nói về tâm tư tình cảm của mình. Tìm đọc các bộ sưu tập câu hát dân gian đã được xuất bản ở Sài Gòn giai đoạn từ năm 1988 đến 1945 với những người mở đầu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Bá Thời,… dù không biết gì về lịch sử cũng sẽ thấy rất rõ sự có mặt của người Pháp ở Nam Bộ đã tác động một cách tự nhiên đến đời sống hàng ngày của nhân dân qua các câu hát dân gian được truyền miệng từ người này sang người khác. Về sinh hoạt vật chất, có lẽ nên nhắc đến trước hết là đồng bạc Đông Dương mà vẫn được lưu hành trong nhân dân qua nhiều cái tên khác nhau như “đồng bạc trắng”, “đồng bạc đầu hình”,  “bạc trắng hoa xòe”, “đồng bạc con cò”, “bạc trắng thằng Tây”,… Các cách gọi như trên đều nhằm để chỉ các loại tiền lưu thông ở các nước Đông Dương trong thời thuộc địa. Sau khi chiếm được Đông Dương, Pháp cho phát hành đồng bạc chung này để nhằm ổn định tình hình tiền tệ ở các nước thuộc địa và cũng để dễ bề điều hành kinh tế thương mại. Đồng bạc trắng hay đồng bạc con cò tức là để chỉ màu trắng của loại bạc đúc tiền và hình con cò (thực ra là hình con ó nhưng dân gian nhìn như con cò quen thuộc của nước mình) in dập nổi trên một mặt của đồng tiền.

Câu hát ru con của cô gái miền Tây ở trên như một lời trách móc người yêu vì ham “bạc trắng thằng Tây” mà theo giặc Lang Sa, đầu quân vào làm lính tập để ăn lương. “Lang Sa” hay Pha Lang Sa, Phú Lang Sa hay Phú Lãng Sa,… là cách mà người Việt dùng để chỉ người Pháp ở Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 19 một cách phổ biến mà ngày nay không còn dùng nữa.

Tương tự như câu hát ru con ở trên cũng có một câu hát là lời trách móc của cô gái với người đàn ông của mình:

“Tham chi bạc trắng thằng Tây

Anh đi lính tập bỏ bầy con thơ”

Lính tập là các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức thành lập nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp các thế lực chống đối và nhằm bảo vệ an ninh của chính quyền cai trị sau khi chiếm được Nam Kỳ. Tên đồng bạc con cò còn xuất hiện trong những câu hát dân gian có tính huê tình, giao duyên nam nữ, chứ không chỉ là lời trách móc người chồng theo giặc như câu hát ru con ở trên

“Cưới em phải bạc con cò

Đâu phải hẹn hò nói chuyện đẩy đưa”

Hay

“Con cò nó bạc như vôi,

Chứ tôi với bạn xứng đôi quá chừng”

Cụm từ “con cò nó bạc như vôi” khiến ta dễ liên tưởng đến hình ảnh con cò trắng muốt, một biểu tượng quen thuộc trong văn học Việt Nam và là một loài vật quen thuộc trên cánh đồng lúa ở các vùng nông thôn nước ta. Tuy nhiên trong câu này lại dùng để chỉ đồng bạc con cò – đồng bạc Đông Dương của Pháp, cũng vừa nói đến sự bạc nghĩa bạc tình, chỉ vì tiền tài vật chất mà đôi lứa phải chịu xa nha.

Hoặc ngược lại, là lời trách móc của chàng trai bị người yêu phụ bạc cũng vì cái nghèo hèn của mình, tình yêu của anh ta bị vụt mất bởi những đồng bạc trắng. Có thể đó là lời trách cứ, giận dữ:

“Thằng Tây đen, đồng bạc trắng

Em ham chi đồng bạc con cò

Đêm nằm với nó đen mò như cục than”

 

“Anh tiếc cho em phận gái má đào

Ham đồng bạc trắng, dấn mình vào Tây đen”

Hay lại là lời thương tiếc xót xa của anh chàng khi nhìn tấm thân xinh đẹp nõn nà hay nhân phẩm của người yêu mình bị chà đạp bởi đồng tiền:

“Ngán thay đồng bạc con cò

Tiếc thay giá trắng đen mò vì mi”

Ngoài cách gọi là đồng bạc con cò hay đồng bạc trắng thì “đồng bạc đầu hình” cũng là cách mà dân gian Nam Bộ hay dùng để chỉ đồng bạc Đông Dương này.

Giàu kết dươn, khó lại phụ tình,

Sao mình không nhớ thuở bạc đầu hình trao tay”.

“Cái thân em nom kỹ cũng tỷ như đồng bạc đầu hình,

Người người ai cũng muốn nhìn,

Bớ anh ôi, lăng xăng đương buổi chợ, biết gởi mình vào đâu?”

Đồng bạc đầu hình chính là cách mà dân gian dùng để gọi đồng xu mà mặt trước in hình bà đầm Marianne đầu đội vương miện cùng hào quang tỏa sáng (biểu tượng nền Tự do của Cộng hòa Pháp).

Ngoài ra, còn một tên gọi nữa về đồng bạc Đông Dương đã từng được nhà văn Ma Văn Kháng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, đó là đồng bạc trắng hoa xòe. Trong một câu hát dân gian cũng có nhắc đến tên gọi này:

“Em ham đồng bạc hoa xòe

Trốn cha trốn mẹ đi kề thằng Tây”

Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.

Trong lúc tôi đang thao thao bất tuyệt với anh bạn về kiến thức của mình thì phía sau hàng dừa nước lại vang lên câu hò ngọt xớt:

“Hò.. ơ…ơ.. Cha mẹ tôi sinh ra ba người con gái, bày người con trai. Phận tôi là út, kết thúc cây kiềng vàng. Áo đen kia ba mớ, bạc đầu hình chẵn trăm… hò ơ ơ ơ…”./.

La Mai Thi Gia

Nguồn: Tap chí Truyền thông và phát triển, 11/2023

Dân tộc học (Ethnologie) là một địa hạt kén người nghiên cứu, bởi bước chân vào đó nếu muốn có kết quả đáng tin cậy, đôi khi phải đánh đổi cả đời người, cả nghiệp bút, chứ không thể “ăn xổi ở thì” với những dự án ngắn hạn.

20211023 2

Ảnh: internet

Việc nghiên cứu dân tộc học nghiêm cẩn lại đòi hỏi quá trình điền dã liên tục, với một phương pháp đúng đắn, để sống trải và thông hiểu tộc người trong đời sống thực tế của họ. Không thể “đóng phòng văn hì hục viết”, cắm mặt vào những văn bản folklore trên giấy để có thể tạo ra các công trình dân tộc học giá trị. Chính vì vậy, số lượng những nhà nghiên cứu dân tộc học nói chung và nghiên cứu văn học tộc người thiểu số nói riêng ở nước ta là không nhiều. Địa hạt này, nếu thực sự dấn thân có quá nhiều sự vất vả, nguy cơ kiểm duyệt, tốn thời gian, sức lực nhưng lại không đem lại nguồn thu kinh tế hay danh tiếng. Ở điểm này, trong lúc này, chúng ta may mắn có Nguyễn Mạnh Tiến.

TS. Nguyễn Mạnh Tiến - nghiên cứu viên của Viện Văn học là một người đi xa hơn khá nhiều, ngay cả khi ta so sánh anh với những người bạn xuất sắc, tài danh của thế hệ mình. Trên thực tế, Nguyễn Mạnh Tiến không viết nhiều, xét trên mọi địa hạt mà anh đã đặt chân đến như phê bình phân tâm học, phê bình hiện tượng luận và dĩ nhiên là cả dân tộc học. Nhưng, chỉ với hai công trình chuyên khảo đã in, bao gồm Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông [Nxb. Thế giới, xuất bản lần đầu năm 2014 và Tao đàn tái bản nhiều lần sau đó] và Sống đời của chợ [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, 2017], Nguyễn Mạnh Tiến thực sự đã tạo ra một thứ “quyền lực mềm” và uy tín đáng ghi nhận. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông (NĐNDC) - là công trình gây được nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu văn học folklore và dân tộc học. Ngay từ khi mới xuất bản, thông qua 6 cuộc tọa đàm đã tổ chức, đặc biệt là cuộc Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Sỹ tổ chức ngày 4/3/2015 tại Hà Nội với sự tham dự của 23 đại sứ quán các quốc gia và vùng lãnh thổ, công trình đã là một sự kiện học thuật đáng chú ý. Sự ghi nhận của giới nghiên cứu về công trình NĐNDC có lẽ không chỉ dừng lại ở giải thưởng Sách hay 2015 (mục phát hiện mới) do Quỹ Phan Châu Trinh và Viện Ired trao, mà ở những phát hiện mới mẻ của tác giả và phương pháp nghiên cứu dân tộc học đầy tính thực tiễn. NĐNDC thực sự đã đặt ra khuôn khổ tri thức và khung tiếp cận khoa học lịch sử, khoa học dân tộc học cho Nguyễn Mạnh Tiến, đó là “một Việt Nam nhìn từ núi”. Những nghiên cứu dân tộc học sau này, là sự cụ thể hóa, sự đào sâu hơn, chi tiết hơn những gì anh đã đặt ra trong nghiên cứu bản lề đầu tiên ấy.

Khai nguyên rồng tiên [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, 2021] là nghiên cứu dân tộc học mới nhất của Nguyễn Mạnh Tiến, và gần như ngay lập tức, nó tạo ra hiệu ứng dư luận trên văn đàn. Đây là một trong những nghiên cứu dân tộc học đáng chú ý đầu thế kỷ XXI, bởi nó khiêu khích với những niềm tin có tính chất huyền thoại bất biến, cổ xưa, là khởi thủy về dân tộc Việt Nam1 đoàn kết, chung cội nguồn, các tộc người vốn là anh em cùng cha mẹ… Khai nguyên rồng tiên của Nguyễn Mạnh Tiến giúp cho chúng ta thấy được sự bấp bênh, mong manh của nhiều chân lý, niềm tin, trong đó có khái niệm dân tộc hay bản sắc dân tộc. Dĩ nhiên, lối viết theo kiểu “cộng đồng tưởng tượng” này có thể tiềm chứa nhiều nguy cơ, nhưng thực sự nó đã đặt ra những nhận thức rất mới. Dù có thể chúng là khả nhiên, nhưng chúng ta luôn cố tình tảng lờ, né tránh trong nhận thức.

Đọc Khai nguyên rồng tiên xin khẳng định ngay với bạn đọc, kể cả những bạn đọc chuyên nghiệp có trình độ cao, đó là một trải nghiệm nhọc nhằn, mệt mỏi nhưng nếu vượt qua được, sẽ có nhiều hơn một thú vị. Thứ nhất, công trình nặng về tư liệu công phu, những chú thích chân trang dày đặc, những phụ lục, biểu bảng dài và vô cùng nhiều thông tin, ngày tháng.

Thứ hai, với đa phần những người Việt Nam nói chung (với tư cách là một dân tộc), có những điển phạm đã trở thành niềm tự hào dân tộc, trong số đó có huyền thoại về “con rồng cháu tiên”, hay nói cách khác là huyền thoại trăm trứng. Việc đi tìm động cơ văn hóa, chính trị thực chất của những người “khai nguyên” ra huyền thoại này, vô hình trung đã phần nào “giải thiêng” huyền thoại đó. Cả hai khó khăn về tiếp nhận này, khiến Khai nguyên rồng tiên là một công trình thách thức tầm đón nhận của độc giả, cũng như hứa hẹn sự phân hóa mạnh mẽ những cộng đồng diễn giải khác nhau.

Công trình có hai phần liên hoàn, cho dù mới nhìn qua thì nó có cấu trúc khá rời rạc. Phần I với tiêu đề Huyền thoại Rồng - Tiên và những ràng buộc lịch sử Đại Việt đa tộc người thế kỷ XV đã đặt ra những nhận thức chung, cơ sở tiếp cận vấn đề. Huyền thoại cha rồng mẹ tiên, hay tên gọi khác là huyền thoại “trăm trứng nở trăm con”, thời hiện đại, vốn dĩ đi sâu vào tâm thức của mọi người con đất Việt, bất kể thuộc về tộc người nào. Huyền thoại này cố kết một Việt Nam đa tộc người (54 tộc người), và hơn hết, nó là sự giải thích có tính chất “tự tôn” về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam nói chung: chúng ta có nguồn gốc cao quý, thiêng liêng, thần thánh khi là hậu duệ hỗn huyết của rồng và tiên. Dĩ nhiên, nhìn nhận một cách khoa học, sẽ chẳng có ai có kiến thức khoa học tối thiểu, lại có thể tin rằng một nhóm cộng đồng homo sapiens (người tinh khôn) lại có nguồn gốc từ cha rồng, mẹ tiên - những thực thể thần linh không có thật. Mà dẫu rồng và tiên có thật đi chăng nữa, xét từ góc độ sinh sản, tính dục và di truyền, cả hai nhất định cũng không thể giao phối, thụ tinh với nhau. Mặc dù phi khoa học, nhưng trong bối cảnh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc đang được cổ xúy như một hành vi tự vệ chính trị và văn hóa đầu thế kỷ XX và XXI, việc Nguyễn Mạnh Tiến đào sâu nghiên cứu huyền thoại rồng - tiên chẳng khác gì sự va chạm vào những tabou cấm kỵ.

Huyền thoại “con rồng cháu tiên” từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam cả ở trong nước và hải ngoại, nó có ý nghĩa biểu tượng cho bản sắc và tính tự tôn dân tộc. Do đó, khi Nguyễn Mạnh Tiến trình bày: “Con rồng cháu tiên như một ý niệm tự tôn dân tộc phì đại” (trang 10), thì hẳn rằng luận điểm này đã thách thức lại những nhận thức cũ. Lý do sáng tạo nên và sự hợp thức hóa huyền thoại trăm trứng, đã được công trình Khai nguyên rồng tiên chỉ ra là một phương thức chính trị, nhằm cố kết cộng đồng của một Việt Nam đa tộc người. Cấu trúc Việt Nam đa tộc người ấy, khác với những luận điểm tuyên truyền, thực chất trong lịch sử thường xuyên xung đột quân sự, văn hóa lẫn nhau, với vai trò nổi bật của những tộc người cư trú ở miền cao.

Lịch sử xuất hiện và hợp thức hóa vào trong chính sử của huyền thoại cha rồng mẹ tiên cũng đã được công trình dân tộc học của Nguyễn Mạnh Tiến chỉ rõ ở một thời điểm khá mới mẻ trong lịch sử. Tưởng chừng như huyền thoại này có từ thời cổ xưa của vua Hùng hay An Dương Vương, thực chất chỉ thịnh hành từ thế kỷ XV, dưới triều (hậu) Lê, “con rồng cháu tiên” mới được ra đời. Dưới triều Lê, dưới chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông, huyền thoại rồng tiên mới được chuẩn định trở thành cách lý giải cội nguồn dân tộc, trong văn bản sử chính thống là Đại Việt sử ký toàn thư (Phần ngoại kỷ). Bộ sử này do Ngô Sĩ Liên chấp bút, nhưng chỉ đạo “tư tưởng” lại là Lê Thánh Tông. Nguyễn Mạnh Tiến đã lý giải cho hành động can dự vào chính sử của một quân vương, điều không diễn ra thường xuyên trong thời kỳ phong kiến, đó là bởi bản chất khởi nghĩa Lam Sơn là khởi nghĩa của người (thiểu số) miền núi (Mường - Thái). Lê Lợi dù có thể gốc gác xa xưa là người Việt, song đã bị/được “Mường hóa”, khi ông tự nhận là một người xuất thân “Phụ đạo” (quan lang Mường) - một chức danh tù tưởng tộc người thiểu số miền cao. Nhằm thể hiện tính “chính danh”, cũng như để “đoàn kết dân tộc”, mà chủ yếu là thuận tiện trong liên minh quân sự, chính trị, văn hóa với tộc người Tày, Thái, Mường, Kinh - tộc người đa số ở Việt Nam…, huyền thoại rồng tiên đã được ra đời và hợp thức hóa.

Công trình còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin lý thú liên quan đến huyền thoại rồng tiên, như được ghi nhận thời điểm xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ XIV - XV. Lĩnh Nam chích quái là một trong những văn bản tiền thân có ghi nhận về huyền thoại này. Thuật ngữ “con rồng cháu tiên” thì mãi đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX mới xuất hiện, sớm nhất có thể là năm 1906, trong một văn bản giáo dục của Đào Nguyên Phổ.

Cũng trong phần I, Nguyễn Mạnh Tiến đã nối dài những vấn đề khoa học tộc người mà anh từng đeo đuổi trong những công bố trước đó. Những phát hiện này, tiềm chứa nhiều nguy cơ mà nhà nghiên cứu phải đối mặt, nhưng nó đã góp phần làm nên tên tuổi và vị thế của anh. Mối quan hệ giữa Việt - Mường - Thái (bao gồm cả các nhóm Thái trong và ngoài nước) là hết sức phức tạp. Sự gần gũi, tương đồng văn hóa, giao thương chặt chẽ không làm nhạt đi tính xung đột liên miên. Nhìn rộng ra, sự thần phục của các tộc người thiểu số miền cao đối với triều đình phong kiến trung ương chỉ là tượng trưng, trong khi hệ thống quan lại hành chính của triều đình tại địa phương miền cao gần như chỉ là bù nhìn, không có tí thực quyền nào. Các nhóm người Thái cũng thường xuyên xung đột lẫn nhau. Nghĩa quân Lam Sơn có được tính thiện chiến, ngoan cường, là bởi được hun đúc trong lò lửa chiến tranh, xung đột liên miên ấy. Nghĩa quân là một khối quân sự nhiều tộc người thiểu số, sau khi có được ngai vàng đã xây dựng một triều đình đa ngôn ngữ (Việt - Thái - Mường).

Phần II của chuyên khảo với tựa đề Miền núi Thanh Hóa và những tiểu luận về người Thái thoạt nhìn qua không mấy quan trọng bởi tính địa phương của nó. Bỏ qua việc Thanh Hóa là quê hương của tác giả, chúng ta thấy đây là một lựa chọn tinh ý. Thực ra, lựa chọn Thanh Hóa như một trường hợp nghiên cứu điểm về quyền lực và vai trò của những tộc người miền núi đối với lịch sử Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tiến đã khéo léo đan cài với những luận điểm đặt ra trong phần I. Những tiểu luận, ý tưởng trong phần II là sự cụ thể hóa, minh chứng sống động cho các vấn đề khái quát đã được đặt ra ở phần I. Trong biểu bảng trang 119, tác giả đã thống kê chi tiết, dựng lên bức tranh toàn cảnh về một Thanh Hóa đa tộc người thiểu số. Nguyễn Mạnh Tiến đã mạnh dạn phê phán những nghiên cứu tộc người (thiểu số) trước đây về khu vực Thanh Hóa là còn rất nhiều ngộ nhận, bất cập. Từ đó, anh đi đến nhận định khái quát về miền núi Thanh Hóa là một khu vực có tính chất “nồi lẩu dân cư thập cẩm” (tr.126). Đây là lối viết hình tượng táo bạo, bay bổng thường thấy của Nguyễn Mạnh Tiến. Một trong những giá trị làm nên phong cách phê bình và phong cách nghiên cứu của anh. Nguyễn Mạnh Tiến là một người lãng du lãng mạn trong lối sống và lối viết. Ở bất cứ nơi nào anh đặt dấu chân, đều có dấu ấn của tài hoa.

Nhưng những luận điểm phía sau chuyên khảo mới đáng chú ý hơn, khi tác giả nhận định ở Thanh Hóa - một tỉnh vừa đặc thù, vừa điển hình cho Việt Nam, tính chất núi cao đã lấn át tính chất đồng bằng. Đối với người Mường - Thái, tiếng hổ gầm là một điều tốt lành. Ở đấy, những người Mường đã nắm giữ vận mệnh lịch sử các cuộc bạo loạn diễn ra liên miên, họ luôn là chủ nhân của mảnh đất mình cư trú (tr.131).

Như vậy, Thanh Hóa mặc dù chỉ là một địa phương địa đầu Tổ quốc (trong thời điểm thế kỷ XV) nhưng đủ sức ánh xạ lên bản chất mối quan hệ tộc người của Việt Nam thời kỳ trung đại. Nói cách khác, Thanh Hóa có tính chất là mô hình một Việt Nam thu nhỏ với những mối quan hệ tộc người chằng chịt, với đầy đủ những liên đới, hợp tác, xung đột và mâu thuẫn. Quyền lực của khối tộc người thiểu số miền núi, thông qua khởi nghĩa Lam Sơn, đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc đối với vận mệnh quốc gia và sự hình thành của chủ nghĩa dân tộc với diễn ngôn cha rồng mẹ tiên. Quá trình “Thổ hóa”, “Mường hóa” những tộc người khác khi di cư đến miền núi Thanh Hóa, mà Lê Lợi có thể là một ví dụ điển hình nhất, đã cho chúng ta thấy quyền lực thực tế của những tộc người miền cao. Qua đó, bạn đọc cũng nhận ra quyền lực văn hóa, chính trị, quân sự của người Kinh/Việt trong cơ cấu 54 tộc người anh em trong thời kỳ trung đại thật ra không phải là thống trị tuyệt đối. Những nghiên cứu về người Thái ở Thanh Hóa, đặc biệt là phủ Tày Mường Ca Da và dòng họ Phạm Bá đã cho thấy những luận điểm trên là thực tế sinh động khó chối bỏ. Những nghiên cứu sâu dạng này, mới đọc qua có thể gây mệt mỏi bởi sự phồn tạp của những chi tiết tưởng chừng như không liên quan đến tư tưởng cốt lõi của quyển sách. Nhưng thật ra, nó là những cứ liệu khoa học dân tộc học cần thiết, mang tính thuyết phục cao của nhà nghiên cứu. Điều này giúp Nguyễn Mạnh Tiến tránh khỏi những cái bẫy khống luận, mang điểm nhìn người miền xuôi áp cho người miền ngược thường thấy của các nhà dân tộc học khác.

Công trình được kết lại với những nốt trầm băn khoăn, bâng khuâng khi tác giả nhận ra sự thay đổi chóng vánh của văn hóa, “bản sắc” tộc người miền cao trước cơn phong ba bão táp của toàn cầu hóa hậu hiện đại, cũng như những chính sách tộc người chưa hợp lý, thiếu cơ sở khoa học. Sự phai tàn, biến chất nhanh chóng của những lễ hội tộc người miền cao, thói quen sinh hoạt được hình dung như là mang “tính bản sắc” văn hóa riêng. Nó đặt ra cho tất thảy chúng ta những nan đề hệ trọng đối với sự nghiệp bảo tồn văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, và xa hơn, sự cố kết 54 tộc người trong sinh thể văn hóa Việt.

Nguyễn Mạnh Tiến đã kết lại công trình của mình với rất nhiều tâm sự, trăn trở. Tôi vẫn luôn ám ảnh, day dứt với nhận định của anh “hiện hữu tộc người như một tình thế tỵ nạn” (tr.142). Quen biết nhau gần 20 năm qua, không cần phải giả vờ khách quan xa lạ để dễ bề khen chê, cũng không phải để “thấy sang bắt quàng làm họ”, tôi hiểu Nguyễn Mạnh Tiến và những trăn trở khoa học của anh. Khai nguyên rồng tiên chắc chắn là một nghiên cứu dân tộc học đáng chú ý đầu thế kỷ XXI, nhưng chắc chắn hơn, nó chỉ là một trạm dừng chân nhỏ, một mảnh ghép lego ít màu sắc trong tổng thể “trò chơi” nghiên cứu mà anh đang tiến hành. Những mảng chính vẫn còn ở tương lai, đáng để chúng ta đợi chờ, hy vọng. Trò chơi mà anh đã dấn thân và sẽ dành cả cuộc đời cho nó.

Yến Thanh

Nguồn: Tạp chí Sông Hương SĐB42/09-2021.

---------------------

1. Ở Việt Nam, thuật ngữ dân tộc và tộc người hay được dùng lẫn lộn. Trong bài viết này, thuật ngữ dân tộc được tôi sử dụng đồng nghĩa với quốc gia (nation), còn tộc người (ethnie) là những nhóm người cùng chung ngôn ngữ, văn hóa, ý thức về cộng đồng. Ví dụ, dân tộc Việt Nam có 54 tộc người thành viên.

Lễ mừng thượng thọ 90 tuổi của Phó Giáo sư - Nhà giáo ưu tú (PGS-NGƯT) Chu Xuân Diên vừa được Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức trang trọng.

20231121 6

Đây cũng là dịp ra mắt cuốn sách Nhà giáo - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên (NXB Tổng hợp TPHCM) như món quà tri ân bậc lão thành trong giới nghiên cứu, giảng dạy văn hóa dân gian.

Tác phẩm do nhóm tác giả là học trò của PGS-NGƯT Chu Xuân Diên tổ chức biên soạn, gồm: PGS-TS Lê Quang Trường, TS La Mai Thi Gia, TS Lê Hồng Phong, TS Phan Xuân Viện, TS Hồ Quốc Hùng, TS Lê Thị Thanh Vy. Sách dày 512 trang, gồm 2 phần: Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên: Một số công trình tiêu biểu, in lại những tác phẩm nghiên cứu giá trị vượt thời gian của ông; Nghĩ về thầy, nghĩ về nghề với gần 30 bài viết của đồng nghiệp và học trò về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

PGS-NGƯT Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên (1956-1959) và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Năm 1984, ông được Nhà nước phong học hàm PGS, sau đó là NGƯT. Đến năm 1986, PGS-NGƯT Chu Xuân Diên chuyển vào Nam giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp TPHCM cho đến khi nghỉ hưu năm 2000. Tiếp đó, ông được mời làm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn Hiến, góp phần gầy dựng khoa này từ ngày đầu còn nhiều khó khăn.

Chu Xuân Diên hợp cùng Đinh Gia Khánh thành “cặp đôi” nổi bật về nghiên cứu folklore học của thế hệ sau năm 1954. Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, PGS-NGƯT Chu Xuân Diên đã xuất bản hơn 20 công trình, tiêu biểu như: Giáo trình văn học dân gian (biên soạn chung, 2 tập - 1972, 1973); Tục ngữ Việt Nam (biên soạn chung - 1975); Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch chung, 2 tập - 1983); Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam (biên soạn chung - 1987); Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (1989); Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành (1995); Cơ sở văn hóa Việt Nam (2002)…

GS-TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhìn nhận: “Điều dễ nhận thấy là, trong hơn 40 năm qua, cùng với bước đi của ngành, PGS-NGƯT Chu Xuân Diên luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lý luận về văn học dân gian nói riêng, về văn hóa dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới”.

Hoàng Thúy

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng, ngày 24.11.2023.

Đô thị hóa đã nhanh, mà giải trí hình ảnh và mạng xã hội lại còn nhanh hơn, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của văn học dân gian (VHDG). Với những tỉnh thành có lịch sử dài lâu và đa văn hóa như Quảng Nam, điều này có bị ảnh hưởng nhiều không? Tiến sĩ La Mai Thi Gia (Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ về vấn đề này.

20211001

Tiến sĩ La Mai Thi Gia.

Những dấu ấn đặc sắc

* Trong hình dung ban đầu của chị, VHDG Quảng Nam có những đặc điểm nào khác biệt?

Tiến sĩ La Mai Thi Gia: VHDG Quảng Nam nhìn chung mang đầy đủ đặc trưng của VHDG các tỉnh duyên hải miền Trung, đậm chất văn hóa biển, các thể loại dân ca miền biển được hát ở đây vô cùng phong phú.

Không chỉ là các làn điệu dân ca được dùng trong đời sống thường nhật của người dân lao động như hò đối đáp, hát ru, hát than thân, bài ca quê hương, bài ca lao động (hò kéo lưới, hò đi biển, đi câu…), mà còn là những làn điệu đặc sắc được diễn xướng trong các lễ hội và tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển như hát bả trạo, hò đưa linh, hát cầu ngư, nghinh ông, bài chòi…

Đó là những bài dân ca có nội dung khấn nguyện thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy ghe, hoặc tiễn đưa người chết…

Chưa kể ở Quảng Nam do địa bàn miền núi chiếm diện tích khá lớn, nên có nhiều tộc người thiểu số cùng cộng cư lâu đời, dẫn đến sự đa dạng trong văn hóa, VHDG với nhiều biểu hiện sinh động.

Chẳng hạn nội dung của loại hình tự sự dân gian miền núi rất khác biệt so với đồng bằng hoặc vùng biển, đặc biệt trong thể loại thần thoại và truyện cổ tích miền núi có hệ thống thần linh và những mô tuýp khó tìm thấy trong kho tàng truyện kể của người Kinh, dù là cùng trong địa bàn tỉnh.

Và xen lẫn trong kho tàng VHDG của người Kinh lẫn các tộc người thiểu số là những truyền thuyết và truyện cổ tích còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn Chămpa.

Một nét đặc sắc nữa trong VHDG Quảng Nam là sự phát triển mạnh mẽ của thể loại truyện cười, truyện tiếu lâm với nội dung khôi hài, châm biếm và đả kích.

Nổi bật là nhóm truyện cười kết chuỗi, bao gồm các giai thoại vừa được cho là có thật, vừa được thêm thắt, bổ sung, qua nhiều thế hệ về các nhân vật như Thủ Thiệm, Tú Quỳ….

Có thể thấy, truyện cười là nơi bộc lộ rõ ràng nhất tính cách Quảng, vừa hay cãi vừa thích lý sự, bắt bẻ, vừa thích đùa cợt, trào lộng và dí dỏm, lạc quan.

Đồng thời theo tôi, đây cũng là thể loại VHDG tiêu biểu cho tài năng và trí tuệ của con người xứ Quảng nhất, bên cạnh các thể loại dân ca, hò vè là những giai điệu thoát thai từ đời sống tâm hồn của người dân quê tôi.

La Mai Thi Gia sinh năm 1980 tại Tam Kỳ. Công trình “Mô-tuýp trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng” (xuất bản năm 2014, tái bản 2019) tạo ấn tượng khá tốt trong học giới, được giải Nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chị là đồng biên soạn các bộ sách “Văn học dân gian An Giang” (2010), “Văn học dân gian Bến Tre” (2012); là chủ biên các bộ sách “Văn học dân gian Tiền Giang” (2018), “Văn học dân gian Vĩnh Long” (2019), “Văn học dân gian Đồng Tháp”, “Văn học dân gian Trà Vinh” (sắp xuất bản)...

* VHDG Quảng Nam thú vị như vậy, nơi đây lại là quê hương của chị, nhưng chị vẫn chưa có công trình nghiên cứu liên quan nào...

Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Việc sưu tầm VHDG các tỉnh đồng bằng lẫn miền núi phía Bắc đã được các chi hội và hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã và đang làm rất tốt, với số lượng tác phẩm đồ sộ, liên tiếp được xuất bản.

VHDG khu vực miền Trung và Tây Nguyên (ngoài thể loại sử thi) có thể có tỉnh chưa được thực hiện sưu tầm với quy mô lớn, nhưng ở mỗi tỉnh cũng đã có kế hoạch sưu tầm và xuất bản bởi các cá nhân hoặc các nhóm tác giả (dù không phải tỉnh nào cũng làm tốt được việc này).

Từ những gì đã công bố, xuất bản, tôi nghĩ Quảng Nam cũng đang dần triển khai việc sưu tầm này trên diện rộng, ban đầu đã có những thành quả rất đáng ghi nhận.

Bộ “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” (4 tập, hơn 2.000 trang) do Nguyễn Văn Bổn sưu tầm, biên khảo, phát hành năm 2018, là một ví dụ tiêu biểu cho tình yêu và lòng đam mê của một nhà nghiên cứu dành cho di sản văn hóa truyền thống của địa phương mình.

Bộ “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” (4 tập) do Nguyễn Văn Bổn sưu tầm, biên khảo là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn học dân gian Quảng Nam.

Bộ “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” (4 tập) do Nguyễn Văn Bổn sưu tầm, biên khảo là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn học dân gian Quảng Nam.

Suốt mấy chục năm miệt mài sưu tầm, từ ấn phẩm được xuất bản đầu tiên năm 1983 cho đến bộ sách này là minh chứng của nhiệt huyết và trí tuệ của một nhà nghiên cứu và là một người con xứ Quảng.

Riêng về cá nhân mình, tôi cũng mong muốn sẽ góp phần vào việc nghiên cứu hoặc tiếp tục sưu tầm thêm các tư liệu VHDG Quảng Nam trong tương lai gần. Quảng Nam là một cột mốc quan trọng trong hành trình mở rộng lãnh thổ quốc gia về phương Nam, việc hiểu và cắt nghĩa đúng về VHDG sẽ giúp hiểu nhiều hơn về con người và văn hóa của mảnh đất rất giàu truyền thống này.

Gìn giữ và kế thừa

* Vùng đất Nam Bộ có điều gì hấp dẫn để chị dày công nghiên cứu nhiều công trình VHDG?

Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Bản thân chúng tôi dành ưu tiên cho vùng đất mới Nam Bộ, vì nơi đây chưa được quan tâm khai thác và lưu giữ nhiều như ở các vùng miền khác.

Khoa Văn học của chúng tôi là một khoa lớn của một trường đại học lớn của miền Nam, trong khoa chúng tôi lại có bộ môn Văn hóa dân gian được thành lập từ những ngày đầu. Chúng tôi có đủ năng lực và điều kiện về nhân lực lẫn kỹ năng, kiến thức để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này hơn là bất cứ đơn vị, cơ quan, ban ngành hoặc trường đại học nào trong khu vực.

Do vậy, đây vừa là nhiệm vụ cũng vừa là sứ mệnh của chúng tôi. Việc chúng tôi cần làm cho triệt để hiện nay là phải triển khai sưu tầm tối đa vốn liếng VHDG của toàn bộ các tỉnh miền Nam, gồm cả Tây Nam Bộ lẫn Đông Nam Bộ, nhằm công bố và lưu giữ vốn liếng văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một trong giai đoạn hiện nay.

Chúng tôi phải sưu tầm càng sớm càng tốt vì các nghệ nhân dân gian và người dân lớn tuổi còn lưu giữ văn học dân gian trong trí nhớ không thể ngồi đó mãi để đợi chúng tôi mà thế hệ trẻ hiện nay thì chẳng mấy mặn mà với vốn liếng văn hóa cổ xưa này.

* Có sự khác nhau nhiều không về VHDG trong đời sống truyền miệng và khi đã cấu thành văn bản?

Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Theo tôi là không nhiều, vì khi làm công việc chỉnh lý và biên soạn các tuyển tập VHDG của các địa phương sau mỗi chuyến sưu tầm điền dã, chúng tôi đều có ý thức giữ lại tối đa nội dung và hình thức của văn bản sưu tầm được.

Chúng tôi chỉ loại đi những tác phẩm không đầy đủ, không rõ nghĩa, trùng lặp nhau (số này rất nhiều), nhưng sẽ giữ lại các dị bản, giữ nguyên tiếng địa phương và cẩn thận chú thích.

Tuy nhiên, nếu từ văn bản đi ngược lại ra đời sống thì mỗi người khi sử dụng và truyền miệng đều có thể tham gia quá trình làm biến đổi tác phẩm. Có thể biến đổi về mặt hình thức ngôn ngữ, như sử dụng các thể thơ biến thể, thêm tiếng đệm, lót láy, phong cách kể chuyện cá nhân…

Hoặc về mặt nội dung, như thay tên địa danh, thay cách xưng hô, thay đổi những chi tiết phù hợp với văn hóa vùng miền… Chính quá trình này khiến VHDG luôn phát sinh dị bản và luôn luôn sống động.

* Theo chị, các sáng tác trong các lĩnh vực nghệ thuật ngày nay có thể kế thừa được các thành tố của VHDG không?

Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Nhiều chứ, đặc biệt là trong thể loại truyền thuyết, văn học Việt Nam đương đại gần đây cho thấy sự lên ngôi của thể loại tiểu thuyết lịch sử, nơi các nhà văn mổ xẻ lại quá khứ, hoặc giải thiêng, hoặc thiêng hóa các nhân vật và sự kiện trong lịch sử, cũng như trong truyền thuyết.

Truyện cổ tích hay truyện thơ cũng là nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà biên kịch trong việc sáng tác các kịch bản cải lương, kịch nói và điện ảnh. Ca dao dân ca thì từ trước đến nay vẫn luôn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ dựa vào đó để tiếp tục viết nên những bản nhạc mang âm hưởng của các giai điệu truyền thống không chỉ của người Kinh, mà còn từ dân ca của các tộc người thiểu số.

Hoặc như nội dung của các truyện cười có tính châm biếm và đả kích của VHDG Quảng Nam, có thể được chắt lọc để viết thành các vở hài kịch đương đại, vừa chứa đựng tinh thần thời đại vừa bộc lộ được cái hóm hỉnh, duyên dáng, mà sâu cay, trong cái hài của cha ông ngày trước.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lý Đợi

Nguồn: Báo Quảng Nam, ngày 19.9.2021.

Thuộc những câu ca, điệu hát của ông cha để hiểu được tâm tình của người dân xứ sở, để mai này có đi xa cũng vẫn mãi mang theo trong tim mình những ký ức ấm áp và đầy yêu thương về quê cha đất mẹ.

Kề từ năm 1999 đến nay, sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP.HCM, khóa nào cũng được tham gia chương trình thực tập thực tế sưu tầm văn học dân gian trong khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Sinh viên mỗi khóa sẽ được điền dã một đợt từ 2 đến 3 tuần tại một địa bàn nào đó trong một tỉnh.

dien-da-1.jpg

Sinh viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đang tiếp xúc phỏng vấn người dân để sưu tầm văn học dân gian tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiệm vụ gìn giữ di sản tinh thần của cha ông

Mục đích của chương trình thực tập thực tế này là nhằm trang bị cho sinh viên phương pháp nghiên cứu điền dã, kĩ năng phỏng vấn và khai thác tư liệu qua tiếp xúc với dân, kỹ năng tạo quan hệ trong ăn ở cùng dân. Qua mỗi đợt điền dã, sinh viên không chỉ nâng cao được kĩ năng giao tiếp với nhân dân và chính quyền địa phương nơi mình đến mà còn phát triển được năng lực làm việc nhóm, biết phân công trách nhiệm để cùng nhau hoàn thành việc học và biết chia sẻ với nhau trong sinh hoạt chung hàng ngày, trong thời gian từ 14 đến 21 ngày ăn ở cùng nhau trong các địa bàn nông thôn khá là khó khăn về cơ sở vật chất.

Khi kết thúc mỗi đợt thực tập, các nhóm sinh viên được phát triển về nhiều mặt và trưởng thành hơn, sẵn sàng cho việc hòa nhập với môi trường công việc mới mẻ sau khi tốt nghiệp. Và quan trọng hơn cả là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một ngành Khoa học xã hội, sưu tầm và công bố kho tàng văn học dân gian truyền thống của dân tộc đang ngày càng mai một, nhằm góp phần vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Các đợt khảo sát điền dã thực tế về các tỉnh thành được triển khai vừa theo diện rộng vừa có trọng điểm nhằm mục đích sưu tầm được triệt để tư liệu thô, sau đó sẽ tổ chức chỉnh lý, nghiên cứu và đánh giá về vốn văn hóa truyền thống, cụ thể là trữ lượng văn học dân gian của các địa phương về phương diện số lượng, chất lượng văn bản, những đặc điểm đặc trưng có tính vùng miền trong các tác phẩm cả về mặt nội dung lẫn đặc điểm nghệ thuật.

20230814Đại diện Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đến thăm và dự sơ kết thực tập thực tế tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Là một nhánh trong dòng chảy văn học dân gian của cả dân tộc, văn học dân gian Nam Bộ đóng góp vào đó những sắc thái riêng, phản ánh tâm hồn, tính cách, đời sống sinh hoạt và lao động của cư dân miền Nam. Vì lẽ đó, việc khai thác, tìm hiểu văn học dân gian Nam Bộ đang trở nên cấp thiết, nhằm lưu giữ lại những vẻ đẹp dân dã, truyền thống đang dần mai một bởi sự chuyển mình của xã hội nông thôn Nam Bộ dưới ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thêm hiểu, thêm yêu người dân và văn hóa nước mình

Sau khi các tuyển tập Văn học dân gian địa phương được công bố, nhiều tác phẩm trong các tuyển tập này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh chọn đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương cho học sinh các cấp. Điều này thực sự có ý nghĩa trong việc giáo dục các thế hệ trẻ em tại địa phương, thông qua văn học dân gian, có thể biết thêm và yêu thêm văn hóa và lịch sử của quê hương, để thêm tự hào và yêu quý nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thuộc những câu ca điệu hát của ông cha để hiểu được tâm tình của người dân xứ sở, để mai này có đi xa cũng vẫn mãi mang theo trong tim mình những ký ức ấm áp và đầy yêu thương về quê cha đất mẹ.

dien-da-5.jpg

Sinh viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tiếp xúc phỏng vấn người dân để sưu tầm văn học dân gian tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm vừa qua, khoa Văn học cũng vừa kết thúc chương trình đưa sinh viên đi thực tập thực tế trong hai năm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gần 150 em sinh viên tham gia trong hai đợt thực tập thực tế này cũng đã tốt nghiệp ra trường và công tác ở nhiều cơ quan khác nhau. Nhưng khi được hỏi đến, các bạn đều cho rằng những dấu ấn của 14 ngày ăn ở cùng dân và lang thang khắp mọi nẻo đường điền dã ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn như còn mới nguyên trong kí ức của các bạn.

Bạn Cẩm Tú, nhóm trưởng của một nhóm gồm 14 sinh viên điền dã tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bồi hồi nhớ lại: “Hành trình thực tập thực tế của em và cả nhóm trong 14 ngày ở xã Kim Long có rất là nhiều cảm xúc và dấu ấn đặc biệt. Nhóm tụi em đã được các thầy cô trong khoa hướng dẫn tận tình và thường xuyên thăm nom tụi em, địa phương thì hỗ trợ cực kỳ nhiệt tình trong vấn đề chỗ ở, ăn uống và sinh hoạt. Chúng em phân nhau nấu những bữa cơm như một gia đình. Chúng em cùng nhau làm việc và chia sẻ những khó khăn, rồi bao nhiêu kỉ niệm đã được tạo nên trong quá trình đi sưu tầm. Đối với em và các bạn trong nhóm thì đây là một phần tuổi trẻ sôi nổi và hạnh phúc nhất trong suốt 4 năm học tại trường mà chúng em sẽ mãi mãi chẳng thể nào quên được”.

“Từ chuyến đi, mà chúng em học hỏi được nhiều thứ, sưu tầm được nhiều tư liệu quý giá. Đặc biệt là tiếp xúc với những người dân vô cùng gần gũi, hòa đồng và luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ tụi em. Nhóm trải qua những ngày tại Côn Đảo thật gian nan nhưng cũng rất ấm áp và hạnh phúc. Những giây phút nấu ăn cùng nhau, cùng đi sưu tầm tư liệu, trò chuyện với những người dân dễ mến, hay cả những giờ rảnh rỗi lúc chiều chạy xe vòng quanh bờ biển để hít thở không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên, thậm chí có lần cả nhóm ra cảng Bến Đầm để tiếp xúc với những ngư dân gần đó, tìm hiểu về đời sống và sinh hoạt của người dân...”

Sinh viên Nguyễn Thanh Phú (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhóm Côn Đảo.

La Mai Thi Gia

Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 7.8.2023.

Gần đây có nhiều công trình về văn học dân gian (VHDG) Nam bộ đã và đang xuất bản, ví dụ bộ Văn học dân gian Đồng Tháp do La Mai Thi Gia chủ biên, sắp trình làng. Đô thị hóa quá nhanh, giải trí và mạng xã hội đã ảnh hưởng mạnh mẽ, vậy VHDG và truyền miệng liệu có còn sống trong dân gian?

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tiến sĩ La Mai Thi Gia (Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) về vấn đề này.

Bắt đầu câu chuyện, La Mai Thi Gia cho biết: “Dù bây giờ thì điều kiện đi lại, sinh hoạt và sưu tầm đã tốt hơn rất nhiều, nhưng tỷ lệ nghịch với đó là số lượng và chất lượng của tài liệu sưu tầm được, mỗi năm mỗi kém dần đi. Có lẽ vì số người già còn nhớ, thuộc VHDG đã không còn nhiều, mà thế hệ trẻ thì cũng không còn mấy mặn mà, vì môi trường sống hiện đại và đa văn hóa tác động mạnh. Tôi nghĩ đây cũng là điều tất yếu”.

Tục ngữ mới xuất hiện nhiều hơn

* Được biết khoa Văn học nơi chị làm việc đã tiến hành sưu tầm, chỉnh lý, xuất bản VHDG phía Nam từ năm 1978. Vậy thể loại, tầm quan tâm hoặc các chủ đề mà VHDG Nam bộ thường gặp là gì?

- Trong kho tàng VHDG Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng, truyện cổ tích và ca dao luôn chiếm số lượng nhiều nhất và phổ biến nhất. Tuy nhiên, tầm gần 10 năm trở lại đây thì lượng truyện kể thu được mỗi năm cứ mỗi ít dần đi, có lẽ do người dân không còn thời gian để dành cho việc nghe, nhớ và lưu truyền những tác phẩm dài như các truyện kể nữa.

Chú thích ảnh

Tiến sĩ La Mai Thi Gia

Đặc biệt ở Nam bộ, thể loại thần thoại trong nhiều năm nay hầu như mất hẳn, truyền thuyết thì giảm dần. Truyện cổ tích vẫn chiếm ưu thế nhất trong loại hình tự sự dân gian, nhưng trùng lặp rất nhiều giữa các tỉnh.

Ngược lại, thể loại truyện cười mang nhiều yếu tố thời đại thì lại phát triển nở rộ, thành ngữ, tục ngữ mới cũng xuất hiện nhiều hơn. Truyền thuyết hoặc ca dao về nhân danh, địa danh, hoặc các sự kiện lịch sử lớn của địa phương cũng là chủ đề được dân gian sáng tác nhiều, đây cũng chính là nhóm tác phẩm giúp nhận diện lịch sử, văn hóa địa phương rõ ràng nhất.

Chú thích ảnh

* Chị có nghĩ là lúc nào đó VHDG sẽ kết thúc đời sống truyền miệng của nó, chỉ còn tồn tại trong các văn bản in ấn/chuyển dần thành văn học viết?

- Còn dân gian thì còn văn học dân gian. Dân gian lại được hiểu là tất cả chúng ta, chứ không riêng gì nhân dân lao động ở nông thôn. Mỗi nhóm dân gian đều có văn học dân gian của riêng mình, chẳng hạn văn học dân gian của các nhóm nghề, của các tầng lớp nhân dân, văn học dân gian ở đô thị. Đã có văn học dân gian trên mạng xã hội…

Văn học dân gian luôn tiếp tục sản sinh trong quá trình truyền miệng, dù đã được in ấn, nhưng bối cảnh sử dụng trong những tình huống khác nhau, thời gian khác nhau thì có dị bản hoặc cách hiểu mới. Chưa kể là thời đại nào thì cũng có nguồn văn học dân gian của nó, tiếp tục được sáng tác, vừa mang tính thẩm mỹ của thời đại, nhưng vẫn vừa đảm bảo được các tiêu chí của văn học dân gian truyền thống như tính tập thể, tính vô danh, tính truyền miệng và hình thức ngôn ngữ đặc trưng.

Chú thích ảnh

Cuốn “Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng” của La Mai Thi Gia thu hút sự chú ý của học giới

Mỵ Nương hoặc Tiên Dung là ­đầy chất điện ảnh

* Hollywood thường làm mới cốt truyện hoặc mô-típ dân gian bằng các hình ảnh thị giác, phim ảnh thu hút cả nhân loại, nhắc nhớ lại được tích cũ. Ngoài các mô-típ quen thuộc như Tấm Cám, trạng này trạng kia, chị nghĩ văn học dân gian Việt Nam còn những mô-típ nào thú vị nếu chuyển lên truyện tranh hoặc phim ảnh?

- Quá nhiều nhân vật trong truyền thuyết có thể làm phim rất hấp dẫn. Chẳng hạn hình ảnh người anh hùng làng Gióng trong các thần tích ở các địa phương, trong lễ hội, trong thần thoại, trong truyền thuyết và thậm chí cả trong văn học hiện đại. Hoặc câu chuyện về nàng công chúa Tiên Dung cãi lệnh cha để tự do quyết định đời sống hôn nhân và đứng ra lập làng, dạy dân chúng làm ăn buôn bán. Hoặc câu chuyện về Mỵ Nương với Sơn Tinh, Thủy Tinh mà đằng sau đó là mối quan hệ giữa các tộc người lớn, bé. Hoặc chuyện tình đẫm nước mắt Mỵ Châu - Trọng Thủy gắn liền với hình thức hôn nhân giao hảo vì vận mệnh quốc gia dân tộc.

20210902

Các bộ sách văn học dân gian mà La Mai Thi Gia chủ biên 

Gần đây nhất, năm 2020 Walt Disney đã cho làm lại phim Hoa Mộc Lan phiên bản người đóng, từ truyền thuyết rất nổi tiếng của Trung Quốc, dù trước đó đã có phiên bản hoạt hình đình đám vào năm 1998. Chỉ từ 1 truyền thuyết mà Hoa Mộc Lan đã có đến gần chục phiên bản điện ảnh, cả ở mẫu quốc lẫn ở Hollywood. Truyền thuyết của chúng ta cũng có rất nhiều đề tài hay như thế, quan trọng là các nhà làm phim có dám làm và đủ khả năng để làm hay không mà thôi.

* Nhiều người ngại rằng các mô-típ Việt Nam sẽ bị khu biệt hóa, địa phương hóa khi chuyển thể thành phim. Chị có nghĩ vậy không?

- Nếu chỉ xét riêng thể loại truyện cổ tích, thì tất cả các mô-típ mà chúng ta có đều nằm chung trong danh mục mô-típ truyện kể dân gian trên toàn thế giới. Nếu có khác nhau, thì khác ở các dạng thức của mô-típ được thể hiện trong các cốt truyện khác nhau trong cùng một kiểu truyện mà thôi.

Chú thích ảnh

Và sự khác nhau tuyệt đối trong VHDG của Việt Nam chính là ở nội dung thể loại truyền thuyết. Như tôi nhắc ở trên, một Hoa Mộc Lan rất Trung Hoa, một cô gái giả trai ra chiến trường đánh giặc cũng đủ sức tỏa sáng trên màn ảnh thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta phải ngại việc khu biệt hóa hoặc địa phương hóa khi chuyển thể. Chúng ta có quyền mơ đến một phiên bản Mỵ Nương hoặc Tiên Dung trong điện ảnh, nơi có thể mang truyền thuyết của chúng ta đi xa hơn, ra khỏi các tuyển tập văn học dân gian.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

"Gia tài" văn học dân gian

La Mai Thi Gia sinh năm 1980 tại Quảng Nam, là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Dân tộc học TP.HCM. Chị là chủ biên các tác phẩm: Văn học dân gian Tiền Giang (2018), Văn học dân gian Vĩnh Long (2019), Văn học dân gian Đồng Tháp (2022); là đồng biên soạn Văn học dân gian An Giang (2010), Văn học dân gian Bến Tre (2012). Cuốn sách riêng của chị - Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng (2014) - đã được tái bản. Tất cả các sách này đều đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Văn Bảy (thực hiện)

Nguồn: Thể thao và Văn hóa, ngày 30.8.2021.

“Kar kưn nẹp hla” theo tiếng Khơ Mú nghĩa là cá bống suối gói lá chuối nướng.

20210809 4

Bà Lò Thị Khon (bên phải) - bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ hướng dẫn chế biến món cá bống suối gói lá chuối nướng. Ảnh: Tuấn Văn.

Không ai rõ món ăn này có từ bao giờ, chỉ biết rằng cha ông truyền dạy cho cháu con công thức chế biến. Nhà nào cũng thế, cứ công to, việc lớn là đều phải có…

Từ thực tiễn lao động…

Ông Quàng Văn Dưn (dân tộc Khơ Mú) là người sống lâu năm ở bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Khi đời sống của đồng bào ngày một tăng cao, ông Dưn sợ rằng nhiều nét đẹp trong văn hóa ẩm thực sẽ bị mai một.

Vì thế, ông luôn tranh thủ mọi cơ hội để truyền dạy cách thức nấu nướng cho con cháu trong gia đình. Trong “kho tàng” các món ăn của đồng bào Khơ Mú, ông Dưn ấn tượng hơn cả với món cá bống suối gói lá chuối nướng.

“Các cụ bảo, ngày trước, người dân hay đi rừng xa để săn bắn, hái lượm. Họ đi vài ngày, thậm chí là đi cả tháng mới về nhà. Do không thể mang theo xoong, nồi để đun nấu nên mới nghĩ ra cách gói lá chuối. Gia vị thì cũng chẳng có gì nhiều đâu. Về sau con cháu mới bổ sung cho món ăn thêm đậm đà”, ông Dưn kể.

Nguyên liệu để làm món ăn này rất đơn giản và dễ kiếm. Sau mỗi ngày đi rừng, đi nương về, bà con lại tranh thủ mang lưới ra suối bắt cá. Cá bống suối thường chỉ nhỉnh hơn đầu chiếc đũa. Ít khi người dân bắt được bống to vì chúng thường sống ở tầng đáy suối và ở trong các khe đá sâu, nước siết.

Cá sẽ được mổ bụng, bỏ ruột để loại bỏ chất bẩn và vị đắng của mật, rồi rửa sạch. Gia vị tẩm ướp chỉ là những thứ dễ kiếm như: Gừng, sả, thì là, mì chính, bột canh (hoặc muối hạt), mắc khén, lá “sar” (tiếng Khơ Mú nghĩa là lá thơm) và lá chuối. Trong số những gia vị trên thì có 3 loại phải lấy ở trên rừng, đó là lá chuối, mắc khén và lá sar.

“Không giống như người Thái, món cá bống suối gói lá chuối nướng của người Khơ Mú lại có thêm gia vị, đó là lá sar. Lá này phải đi lên tận rừng xa mới lấy về được vì nó không có sẵn. Phải có lá này thì cá mới thơm”, ông Dứn chia sẻ.

Sau khi làm sạch các loại lá, gừng, sả… tất cả sẽ được thái nhỏ hoặc băm nát rồi mang cá vào tẩm ướp khoảng 15 phút cho gia vị ngấm đều vào cá. Sau đó, người ta sẽ lấy tàu lá chuối mang về rửa sạch rồi hơ lửa. Việc hơ lửa sẽ giúp cho lá chuối mềm, dẻo hơn, không bị gãy, rách khi gói. Vì nếu để lá bị rách thì gói sẽ không kín, mùi thơm của cá sẽ bị thoát ra.

Trong lúc đang chuẩn bị các loại gia vị thì người đầu bếp tranh thủ nhóm lửa. Họ lựa chọn những thanh củi to, cho cháy đều trước khi nướng cá chừng nửa tiếng để đợi có nhiều than hồng. Sau khi gói cá xong, cá sẽ được vùi vào than hồng khoảng 30 phút là chín, rồi mang ra thưởng thức.


Cá bống suối gói lá chuối nướng không thể thiếu trong mâm cơm của người Khơ Mú trong những sự kiện trọng đại. Ảnh: Tuấn Văn.

…đến tinh thần đoàn kết

Cô giáo Lò Thị Viên (Trường THPT Mường Chà, huyện Mường Chà, Điện Biên) dày công tìm tòi, nghiên cứu các nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khơ Mú đã nhiều năm. Việc làm này của cô xuất phát từ tình yêu qua những lời truyền dạy của người già trong bản.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. Từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã được nghe ông bà kể về món ăn này. Mỗi lần ông nội ra suối bắt cá mang về, bà lại là người chế biến.

Cá suối gói lá chuối nướng đặc biệt lắm. Khi ăn thì có mùi thơm rất đặc trưng, cuốn hút. Xương cá mềm ra và có thể ăn hết bởi cá đã được ủ kỹ trong than, nó như cá kho của người Kinh vậy”, cô Lò Thị Viên nói.

“Có hai thứ rất đặc biệt trong món ăn này, đó là nước măng chua và lá sar. Mùi của lá này thực sự rất khó ngửi, nhưng khi nó quện vào vị cá, vào lá chuối lại át được mùi tanh của cá, tạo ra mùi hương thơm rất nồng nàn, đặc trưng. Vì thế, người Khơ Mú ở Púng Giắt chúng tôi quen gọi là lá thơm”, cô Viên kể tiếp.

Bởi đã lâu ngay chính bản thân cô Viên cũng không được thưởng thức món cá bống suối gói lá chuối nướng có hương vị đặc biệt như ngày trước nên cô đã ấp ủ những đề tài nghiên cứu về món ăn này nhằm để bảo tồn.

“Người Thái người ta nướng cá trên ngọn lửa nên khi ăn, xương cá vẫn còn cứng. Còn người Khơ Mú lại ủ cá trong than, nên xương cá sẽ mềm đi. Ẩm thực trong đời sống của người Khơ Mú có nhiều nét đặc trưng nên tôi cũng đang nghiên cứu về đề tài này, trong đó có món cá nướng.

Tôi dự định sau khi hoàn thành sẽ mang vào giảng dạy ở các buổi học trải nghiệm, vừa là để giới thiệu, vừa là để giáo dục truyền thống cho học sinh”, cô Viên bộc bạch.

“Có nhiều cách để chế biến món cá bống suối. Người ta có thể nướng bằng ống tre, rán, kho… nhưng tôi vẫn thích được ăn cá gói lá chuối nướng. Nói thế bởi các hình thức chế biến khác không ngon như vậy”, cô Viên nói.

Những người cao tuổi ở bản Púng Giắt kể rằng, cá bống tượng trưng cho nước, là phần “âm”. Các nguyên liệu còn lại của món cá nướng tượng trưng cho trời, là phần “dương”.

Khi “âm”, “dương”, đất, trời hòa quện vào nhau sẽ tạo nên tinh thần đoàn kết. Bởi thế, món cá suối gói lá chuối nướng là món ăn không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khơ Mú.

Ở các sự kiện lớn như: Đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, Tết hay là khi có khách quý đến nhà, hầu như nhà nào cũng phải có món này. Phong tục đã được duy trì từ nhiều đời nay rồi. Giờ thì ở các nhà hàng dân tộc người ta hay chế biến. Du khách thập phương kéo về hầu như họ không quên gọi món đó. Họ lấy cơm lam, xôi để chấm với cá như người Kinh ăn xôi chấm với ruốc vậy - Ông QUÀNG VĂN DƯN.

Minh Thịnh

Nguồn: Giáo dục và thời đại, ngày 08.8.2021.

Trong vài năm gần đây, ngày tế đất truyền thống lại được nhiều người dân và không ít đơn vị truyền thông gọi là ngày vía Thần tài. Tại sao lại như vậy? Sự “thay tên đổi họ” này sẽ khiến chúng ta đánh mất những gì?

20230308Tượng thần Thổ địa ở Biên Hòa (Ảnh: Nguyễn Thị Nguyệt 2017).

Thần đất – từ tôn thờ đất mẹ đến lòng biết ơn tiền nhân khai khẩn

Thờ phụng Thần đất (dân gian gọi là Thổ địa/ông Địa) là một tín ngưỡng có truyền thống lâu đời trong văn hóa Việt Nam, là sản phẩm của nghề nông nghiệp lúa nước. Tục này được ghi chép và miêu tả trong Việt điện U linh Tập và Lĩnh Nam chính quái hồi thế kỷ 14. Tín ngưỡng Thần đất gắn liền với tục thờ Trời thành một thế cân bằng âm dương, thể hiện qua câu nói truyền miệng trong dân gian: Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất.

Hình thức ban đầu của thần đất có thể là tục thờ đá và thờ đất đơn sơ với các khái niệm, nghi lễ và các điển lệ chưa định hình rõ ràng. Tục thờ đất bắt đầu được định hình và bước vào văn hóa chính thống nước nhà khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là cuối thời kì Bắc thuộc. Đây gọi là tác động của quá trình “chính thống hóa” hay phong hóa theo thể thức Nho giáo. Khi đó, Thổ thần được coi như một vị thiên quan, được triều đình ban sắc phong chính thức và san định truyền thuyết (chẳng hạn sự tích Ba ông Táo) để “chính thống hóa” vai trò, vị thế của thần minh này trong tâm thức dân gian. Đến thời Lý – Trần, tư tưởng Phật Giáo còn tạo nên diện mạo, tư thế và thuộc tính thần đất. Theo đó, trong tâm thức dân gian, hình ảnh Thổ địa được khắc họa theo lối mộc mạc, chân phương, gần giống với Phật Di Lặc.

Tuy nhiên, dẫu có chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Nho Giáo Trung Hoa, thần đất – linh hồn của tục lệ này vẫn mang đậm những nét đặc trưng phản ánh quan niệm của người Việt. Thần đất, theo ghi chép cổ sử là phúc thần, được người xưa thờ trong đền, miếu, “ban phúc lộc từ đất” cho người dân sở tại, lâu dần phát triển thành thần hộ mệnh cho cả một làng, một địa phương. Chẳng thế mà đến thời kì Hậu Lê, Thổ thần gần như được đồng nhất với thần Thành hoàng, “hoàn nguyên” phần lớn ý nghĩa biểu trưng từ thời xưa. Vị thế của Thổ thần Việt Nam rất khác với văn hóa Trung Hoa, khi Thổ thần là vị “thiên quan” có phẩm cấp thấp nhất trong hệ thống thần minh của cộng đồng, chỉ “quản lý” đời sống tâm linh của một cộng đồng rất nhỏ. Thổ thần Trung Hoa được khắc họa trong hình hài một vị quan triều đình, có áo mão cân đai nghiêm chỉnh.

Khi người Việt vào Nam lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17, họ đã mang theo tục thờ Thần đất làm hành trang. Họ đã biến bãi hoang thành vườn nhà, biến đầm lầy thành ruộng đồng màu mỡ và truyền lại cho con cháu. Biết bao lớp người đã hy sinh trước sự khắc nghiệt ấy. Cư dân phương Nam thời khai khẩn còn ghi đậm trong tâm thức hình ảnh vùng đất phương Nam rộng ngút tầm mắt nhưng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”.

Hơn bao giờ hết vai trò Thần đất lại trở nên rất quan trọng trong tâm thức lưu dân. Lớp người sau được thừa hưởng cơ nghiệp ruộng vườn của người đi trước; tâm thức “bén rễ đất lành” dần trở thành nếp sống. Theo cách này, tục thờ Thần đất nay được đã gắn thêm vào ý nghĩa thờ phụng, tưởng nhớ và tạ ơn các tiền hiền khai khẩn – hậu hiền khai cơ nơi miền sông nước này. Có thể thấy, tục thờ thần đất ở Nam Bộ đã chứa đựng giá trị lịch sử – văn hóa sâu sắc, là thể hiện của lòng biết ơn và truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân. Chính vì thế, trong tâm thức dân gian Nam Bộ, người dân trước đây tổ chức “cúng Thần đất” ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm khá quy mô, trong nghi lễ bao giờ cũng có cấu trúc trước tế tự thần đất sau tạ ơn tiền hậu hiền. Trong lễ lệ này, người Việt địa phương cung kính dâng cúng các món ăn mang dấu ấn thời khai khẩn, đa phần là những món dân dã mà lúc sinh thời các bậc tiền nhân đã trải nghiệm qua: cá lóc nướng trui, tôm cá có ngay trên sông-rạch, các loại rau vườn nhà, rau đồng nội luộc chín, tất cả chấm với muối ớt hay muối tiêu. Một số gia đình cúng thêm thịt gà luộc, thịt lợn quay hay bộ Tam sên (trứng, thịt lợn, tôm luộc) tùy điều kiện.

Sự phối thờ Thổ địa và Thần tài trong văn hóa người Việt

Khó có thể nói tâm thức thờ Thần tài đã có tự bao giờ trong văn hóa người Việt, song chắc chắn rằng nó có sau tục thờ Thần đất. Dân gian khẳng định chắc nịch rằng Thần tài bước ra từ các truyền thuyết Trung Hoa, thậm chí còn được phân loại thành “văn thần tài” và “võ thần tài”.

Tran thờ Thổ địa và Thần tài. Ảnh: hinhanhvietnam.com

Điều thú vị là kể cả trong văn hóa Trung Hoa, Thần tài vốn dĩ cũng “xuất thân” từ thần đất, thậm chí còn được các hoàng đế Minh – Thanh sắc phong thành vị “thiên quan”, phụng sự “thiên mệnh” của hoàng đế để thống nhất văn hóa và truyền bá quyền lực triều đình xuống từng thôn ấp, ngõ hẻm. Tuy nhiên, cũng trong thời kì này, ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến Trung Quốc phát triển đô thị và kinh tế hàng hải, nhiều danh gia vọng tộc giàu phất lên nhờ buôn bán chứ không phải từ sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh thần đất trong các cộng đồng này trở nên phai nhạt và trở thành hình ảnh Thần tài.

Càng về sau, một mặt vẫn duy trì hình ảnh Thần đất, nhưng mặt khác, Triều đình Trung Hoa còn công nhận và “chính thống hóa” hình ảnh Thần tài với các biểu tượng như sắc phong, truyền thuyết. Điều này nhằm tách hình tượng hai vị thần một cách “độc lập”, góp phần “làm lu mờ” sự thật khách quan rằng Thần tài được “phái sinh” từ hình ảnh Thần đất trong văn hóa Trung Hoa. Ngày vía Thần đất của họ là ngày 22 tháng 7 âm lịch. Mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm có thê lễ lệ “tống tiễn cùng thần, nghênh tiếp tài thần (tiễn thần nghèo khó, đón thần tài)”.

Nam Bộ thế kỷ 18, 19 dần nổi lên trở thành một “trọng điểm” kinh tế thương mại nông sản trên con đường hàng hải quốc tế Đông Á – Sài Gòn – Bangkok – Singapore. Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 20 về sau, truyền thống thờ cúng Thổ địa trong văn hóa địa phương có thêm một yếu tố mới: Thần tài. Tín ngưỡng này theo bước chân lưu dân người Hoa đến Việt Nam, bén rễ đất lành ở các đô thị lớn trong vùng, tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với quá trình phát triển thương mại, dịch vụ trong môi trường đô thị, đặc biệt là giao thương qua cảng Sài Gòn, hình ảnh Thần tài lớn mạnh dần, đọng lại trong tâm thức văn hóa một bộ phận dân chúng. Thần tài đã được hai cộng đồng Việt, Hoa tích hợp vào tục thờ ông Địa sẵn có của người Việt địa phương, được phối thờ chung trong một tran thờ đặt trên đất theo thứ tự chủ nhà (ông Địa) ngồi bên trái của chính mình, khách (Thần tài) ngồi bên phải ông Địa.

Hình ảnh phối thờ ông Địa – Thần tài này dần dà lan tỏa kháp các vùng thành thị và nông thôn Nam Bộ trước khi truyền bá đến các vùng khác trên cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân từ sau cải cách mở cửa, đặc biệt là các ngành hàng buôn bán, dịch vụ, đã thúc đẩy vai trò Thần tài vươn lên cao hơn, có phần lấn át Thần đất trong tâm thức không ít người. Lễ cúng Thần đất mồng 10 tháng Giêng dần dà cũng bị thay bằng lễ “vía Thần tài” (qua truyền miệng, qua mạng xã hội và một số báo chí). Đương nhiên, lễ phẩm cũng thay đổi theo, bao gồm bánh ngọt, xôi chè, heo quay, gà-vịt quay các loại. Thậm chí những năm gần đây nhiều người kéo nhau mua vàng ròng trong ngày mồng 10 tháng Giêng với hy vọng mang tài lộc đến nhà (?!). Tục cúng cá lóc nướng trui cúng thần đất có lịch sử mấy trăm năm qua còn được giữ lại, nhưng dường như lạc lõng trong bối cảnh này khi ý nghĩa lịch sử văn hóa đích thực của nó ít ai còn nhớ.

Sự “thay tên đổi họ” và phai nhạt kí ức

Sự xáo trộn “thay tên đổi họ này” trong những năm qua là một lời cảnh báo về ký ức tập thể của người Nam Bộ kéo dài hàng trăm năm lịch sử từ thời khai khẩn, thể hiện qua tín ngưỡng thờ Thổ địa, có nguy cơ phai nhạt, thậm chí rơi vào quên lãng.

Hiện tượng giao lưu văn hóa và biến đổi văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh văn hóa vùng đa dạng về tộc người và văn hóa như vùng văn hóa Nam Bộ. Thế nhưng, cộng đồng chủ thể với tư cách là chủ nhân văn hóa chịu trách nhiệm lớn với vận mệnh quốc gia dân tộc và phải trả lời với tiền nhân – hậu thế về bản sắc văn hóa, phải dùng trí lực của mình để chủ động ứng xử, thâu nạp, lên khuôn và chuyển hóa tinh hoa mới vào cuộc sống theo mô thức tích hợp chứ không phải cộng gộp và thay thế. Phương thức tích hợp văn hóa không nên cắt đứt sợi dây kết nối với những giá trị tốt đẹp của quá khứ.

Mặc dù việc thờ Thần đất, Thần tài không liên quan gì đến mua vàng, nhưng vài năm gần đây rộ lên tin đồn mua vàng lấy may ngày vía Thần tài. Ảnh: Xếp hàng từ 3h sáng mua vàng ngày vía Thần tưài/ Zing.

Trong mọi trường hợp, Thần đất (ông Địa) ở Nam Bộ, trong đó có cả hình ảnh và công lao các bậc tiền nhân mở đất phải giữ vị trí trụ cột (“chủ nhà”), có vai trò nòng cốt trong tín ngưỡng chung Thổ địa – Thần tài và trong lễ cúng mồng 10 tháng Giêng vốn dĩ là ngày cúng Thần đất (Thổ địa) theo truyền thống. Thần tài với vị trí là “khách” (xuất phát từ văn hóa Trung Hoa) được tích hợp vào tục thờ Thổ địa, đóng vai trò bổ trợ (trong đó lễ cúng Thần tài nguyên bản ngày mồng 5 tháng Giêng chỉ tồn tại trong một nhóm nhỏ cộng đồng người Hoa TP. Hồ Chí Minh hiện nay). Nên chăng lễ cúng mồng 10 thăng Giêng âm lịch hằng năm được gọi chung là ngày Vía Thổ địa – Thần tài, trong đó lễ phẩm phải ưu tiên cho lệ cúng Thổ địa có từ truyền thống (cá lóc nướng trui, cá tôm, trái cây địa phương, bộ Tam sên) và có thể bổ sung các lễ phẩm khác ứng với lệ cúng Thần tài.

Truyền thống làm nên linh hồn và nhân cách văn hóa một dân tộc, còn hơi thở thời đại làm chất xúc tác và kênh dẫn giúp phát huy các giá trị văn hóa ra ngoài xã hội và thúc đẩy tích hợp tinh hoa tha nhân, làm giàu truyền thống. Dẫu biết tín ngưỡng dân gian có quy luật vận hành tự thân nó và ít chịu tác động của nhu cầu gọt giũa văn hóa của giới trí thức; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giáo dục và truyền thông “chạy” theo những trào lưu nhất thời, từ chối cơ hội để diễn đạt và ghi lại đúng đắn một tín ngưỡng tốt đẹp, có giá trị văn hóa cao. Nếu ký ức lịch sử văn hóa bị đánh mất, các thế hệ trẻ khó có lòng tin, niềm tự hào về quê hương, về truyền thống tổ tiên mình, kéo theo đó là sẽ là sự hời hợt trong nhận thức về quyền và nghĩa vụ đối với văn hóa quê hương.

Quan điểm kiến tạo cùng với tâm thức tôn trọng đa văn hóa đòi hỏi chúng ta linh hoạt và cởi mở trong tiếp nhận văn hóa, song phải thể hiện tính chủ động và tư duy gọt giũa, tái cấu trúc và ‘lên khuôn’ các thực hành văn hóa mới cho phù hợp với thực tiễn gìn giữ truyền thống và phát triển tương lai. Sự tích hợp tục thờ Thần tài vào tín ngưỡng thần đất (Thổ địa) trong văn hóa Việt Nam vì thế là một trường hợp điển hình cần đến quá trình tư duy ấy.□

Nguyễn Ngọc Thơ

*PGS, TS tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tia sáng, ngày 03.03.2023.

—–

Tài liệu tham khảo

Cooke, Nola & Li Tana, eds. (2004), Water Frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750–1880, Lanham, MD: Rowman & Littlefield.

Connerton, Paul  (2009), How modernity forgets. Cambridge: Cambridge University Press.

Dinh Hong Hai (2015), “Kubera – the origin and changes in the culture of Vietnam”, Religious Studies 9(1): 117 136

Halbwachs, Maurice (1992), On collective memory. Chicago: University of Chicago Press

Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (1993), Văn hóa dân gian cổ truyền: Ông Địa, tín ngưỡng và tranh tượng, NXB Tp. Hồ Chí Minh.

Nora, Pierre. 1989. “Between memory and history: Les lieux de mémoire”. Representations, vol 26: 7-24.

Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, NXB Trẻ.

Nguyễn Ngọc Thơ (2023), “Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất”, Báo Pháp luật Online, https://plo.vn/mong-9-cung-troi-mong-10-cung-dat-post718369.html?gidzl=LVurRazJLqnLupreJ4jUIrhbDsbQGWfEJRbdQL553qj6wMPkK4057XthEZvLHbGPI-qtFcOkdbiIIbXQJm

Sutton, S. Donald (2007), “Introduction to the Special Issue: Ritual, Cultural Standardization, and Orthopraxy in China – reconsidering James L. Watson’s ideas”, Modern China, Vol 33: 1, 3-21.

Taylor, Phillip (2004), Goddess on the rise: pilgrimage and popular religion in Vietnam, University of Hawaii Press.

Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

Watson, L. James (1985), “Standardizing the gods: the promotion of Tien’hou (“Empress of Heaven”) along the South China coast, 960-1960.” In Johnson, Nathan and Rawski, 1985: Popular culture in late imperial China. Berkeley: University of California Press.

Weller, P. Robert (1987), Unities and Diversities in Chinese Religion. London: Macmillan/ Seattle: University of Washington Press.

Quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa và hội nhập đời sống hiện đại, nhiều phong tục của người Nùng tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có sự thay đổi theo hướng tối giản hơn, nhiều hủ tục được xóa bỏ.

20210809 3 Điệu múa ngựa giấy đặc sắc của dân tộc Nùng tại lễ hội

 

Tuy vậy, một số nghi thức truyền thống đẹp, độc đáo vẫn được cộng đồng nơi đây lưu giữ, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Nghi lễ trong khu rừng thiêng

Cách trung tâm thành phố Hà Giang 110km, Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, với 13 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Nùng chiếm gần 40% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/25 xã, thị trấn. Trong đời sống tín ngưỡng của người Nùng, tục cúng Thần rừng (Mo Đổng Trư) đã có từ lâu đời.

Theo truyền thống của người Nùng ở Hoàng Su Phì, tại mỗi thôn bản bao giờ cũng có ít nhất một khu rừng được người dân khoanh vùng để làm rừng cấm và lập miếu thờ của cộng đồng. Đây là nơi Thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn…

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì có cuộc sống yên bình. Một ngày, giặc phương Bắc đến xâm lược nhằm chiếm đất đai, của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để bảo toàn. Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến nhiều người và gia súc bị chết.

Thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng (tức Hoàng Văn Đồng) do chiến đấu quả cảm với quân địch đã bị thương và lâm bệnh chết. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc người thủ lĩnh quả cảm, các trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy tiết thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (tức vua trời) giúp đỡ. Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử quân xuống giúp dân trừ giặc.

Quân giặc tháo chạy, cuộc sống yên bình trở lại với các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp nhất trong bản để lập miếu thờ và tôn ông là Đổng Trư (tức Thần rừng).

Từ đó, cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm, các bản làng của người Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức Lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ. Họ dâng lên Thần rừng những lễ vật tốt nhất để tưởng nhớ đến ông và cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của người Nùng.


 Đàn ông người Nùng thịt trâu chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng.


Thầy cúng tiến hành nghi lễ tại miếu Thần rừng thuộc thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).

Để tạ ơn Thần rừng, lễ cúng sẽ được tổ chức ngay tại khu rừng thiêng. Trong khu rừng này, mọi người dân trong thôn bản đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong rừng... Những điều cấm kỵ đó cho dù không được quy định trong các hương ước của thôn bản nhưng mọi người đều biết rất rõ và có ý thức tuân thủ.

Theo thông lệ, cứ 3 năm, cộng đồng người Nùng sẽ tổ chức lễ cúng chính một lần. Năm đó, dân bản sẽ mổ trâu để cúng, các năm còn lại chỉ cúng gà và lợn. Lễ cúng được quy định luân phiên mỗi năm một thôn, bản sẽ góp 4 con gà trống thiến, rượu và một con lợn đen khoảng 50kg để mổ làm vật cúng.

Ngoài ra còn có thêm hương, tiền, bạc (hàng mã) được làm từ giấy dó và giấy rơm cùng các sản vật địa phương do người dân tự làm ra để làm lễ cúng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày, các hộ gia đình trong toàn xã cử một nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện nên không cần phải cân đong, đo đếm.

Vai trò, nhiệm vụ của thầy cúng là xuyên suốt quá trình cúng bản, khi trực tiếp tham gia làm cổng cấm và điều hành mọi công việc, lễ thức trong cả tiến trình cúng bản. Các mệnh lệnh, yêu cầu của thầy cúng đưa ra trong lễ cúng sẽ được mọi người tuân theo, thực hiện. Vì vậy, thầy cúng được chọn phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc.

Nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia lễ cúng Thần rừng trong khu rừng thiêng đều phải là nam giới, không phân biệt tuổi tác. Tham dự lễ cúng mọi người đều tự ý thức, không nói tục, mọi hành vi cử chỉ đều phải chuẩn mực, không đụng chạm đến các vị thần linh trong khu rừng.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường


Sau khi hoàn tất lễ cúng Thần rừng, số vật phẩm sẽ được chế biến cho mọi người thụ lộc.

Trong bài khấn, thầy cúng nói những lời tạ ơn công đức của Thần rừng (Hoàng Vần Thùng) quanh năm bao bọc, chở che và ban cho người Nùng nguồn sống. Lễ cúng Thần rừng còn có tính nhân văn sâu sắc thể hiện qua quyết tâm gìn giữ và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.

Thầy cúng thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng của bản, hằng ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây, con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng cũng mong Thần rừng trong năm mới sẽ ban cho dân làng nhiều hoa thơm, trái ngọt và cho mưa thuận gió hòa, cây rừng tốt tươi. Lời hứa ấy hướng đến những giá trị tốt đẹp cho mỗi gia đình, cho cộng đồng.

Từ những lễ thức độc đáo này cho ta thấy, ẩn chứa sâu trong đó những di vết của tín ngưỡng nông nghiệp canh tác nương rẫy, ngàn năm không thay đổi, đó là sự khẳng định rừng là người mẹ nuôi sống con người thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ nó. Và những thầy cúng, với sự hiểu biết của mình cùng góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và truyền thụ kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc trong cộng đồng người Nùng.

Sau khi kết thúc việc tế lễ trong khu rừng, thầy cúng và các bậc cao niên, các trưởng thôn, bản trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép. Còn toàn bộ số thịt sống được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người cùng hưởng thụ, riêng chiếc đầu trâu (nếu có) và chiếc thủ lợn thì để phần biếu thầy cúng (chủ tế). Hành động thể hiện sự tôn kính của cộng đồng cũng như vai trò vị trí của thầy cúng trong đời sống xã hội của các tộc họ người Nùng.

Nếu trong rừng cấm là không khí linh thiêng của núi rừng, thì phía ngoài rừng cấm lại là không khí của một ngày hội thực sự. Các hoạt động văn hóa, thể thao của dân tộc Nùng được tổ chức vô cùng đặc sắc. Trong đó không thể thiếu được điệu múa ngựa giấy – điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của người Nùng. Điệu múa ngựa giấy được coi là điệu múa thiêng, là nghi lễ hiến tế lễ vật trong đám hiếu, thể hiện nghĩa cử đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp.

Với tiết tấu sôi động, rộn ràng, điệu múa ngựa giấy bao giờ cũng gây được sự chú ý của người xem mỗi khi được trình diễn. Ngày nay, điệu múa ngựa độc đáo được đưa đi biểu diễn trong những hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng và cả những dịp vui như ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để gìn giữ điệu múa thiêng của dân tộc Nùng, các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho học sinh. Múa ngựa giấy và các nét đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian đang trở thành những giờ học bổ ích trong nhà trường.

Những quy ước cúng rừng của cộng đồng người Nùng đã trở thành thiết chế văn hóa trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2016, lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, chú trọng thành lập, khuyến khích hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian trong cộng đồng vừa để bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa là kênh để tập hợp những người am hiểu, đam mê làm đầu mối trong việc thực hành, truyền dạy, khi cần có thể tập hợp để phục vụ du lịch, phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng, địa phương.

Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Hoàng Su Phì luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu. Huyện đã xác định gắn những di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tạo nguồn lực vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa góp phần giúp cho người dân có thêm việc làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì.

Long Anh

Nguồn: Giáo dục và Thời đại, ngày 07.8.2021.

Tóm tắt: Bài viết được thực hiện dựa vào kết quả sưu tầm điền dã văn học dân gian tại tỉnh Vĩnh Long trong hai đợt (năm 2013 và 2014, mỗi đợt 2 tuần) của giảng viên và sinh viên Khoa Văn học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Tổng cộng số đơn vị tác phẩm mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến 2.750 đơn vị, số cộng tác viên các nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh 1.976 người. Sau khi lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý chúng tôi giữ lại được văn bản tác phẩm của các thể loại câu đố, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ma, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao và vè. Ở bài viết này, sau khi giới thiệu qua về quá trình sưu tầm thu thập tư liệu, chúng tôi tập trung giới thiệu những đặc trưng về diện mạo và số lượng, chất lượng các tác phẩm ở mỗi thể loại riêng biệt. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn của chúng tôi về việc cần phải kịp thời sưu tầm, lưu giữ và xuất bản nguồn tư liệu văn hóa quý báu này của dân tộc từ tất cả các địa phương khác ở vùng Nam Bộ.

Từ khóa: Văn học dân gian, Vĩnh Long, sưu tầm, điền dã


1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, việc sưu tầm, lưu giữ và nghiên cứu văn học dân gian luôn luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà folklore học, xuất phát từ nhiều quan điểm và những mục tiêu khác nhau qua các thời kỳ ở các quốc gia. Với anh em Grimm tại Đức vào thế kỷ XIX, đó là khơi dậy lòng tự tôn về ngôn ngữ và văn hóa của người Đức, như một sự tự vệ về mặt tinh thần trước sự chiếm đóng quân sự của nước Pháp tại Đức. Tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến các học giả lớn của Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Huyên … đã trưng dụng văn hóa, văn học dân gian để xây dựng một căn tính dân tộc, như một thứ đề kháng bằng học thuật trong hoàn cảnh thuộc địa của đất nước. Thế thì vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI này, mối quan tâm đến văn hóa dân gian cổ truyền có còn trở nên bức thiết nữa hay không? Câu trả lời là có; vì thế giới đang đứng trước một vấn đề mới: toàn cầu hóa. Sự xóa nhòa nhiều khoảng cách ngôn ngữ, địa lý, kinh tế, văn hóa đã dẫn giới trẻ Việt Nam đương đại đứng trước nỗi băn khoăn về bản sắc, hình thành một khuynh hướng về nguồn trong nhiều khía cạnh của đời sống như trang phục, phim ảnh, âm nhạc, sáng tạo nghệ thuật, v.v.. Ngay từ khi xuất phát, folklore học đã khai sinh một sự đề cao giá trị bản địa đối lập với sự thống trị của giá trị phổ quát đang lên ngôi; ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị bản địa lại dần phục sinh như một khát vọng cội nguồn và căn cước luôn ăn sâu trong bản tính người. 

Đối với nước ta, từ lâu văn học dân gian đã được xem là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, do đó những chuyến sưu tầm điền dã đã liên tục diễn ra từ vài mươi năm nay trên khắp mọi miền đất nước, tập trung mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng và miền núi Bắc Bộ, bằng chứng là các tuyển tập văn học dân gian đồ sộ của các tỉnh phía Bắc đã được công bố sau quá trình miệt mài sưu tầm của những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, văn học dân gian của vùng đất mới Nam Bộ thì lại chưa được quan tâm khai thác và lưu giữ nhiều như ở các vùng miền khác. Nhằm thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận lấy sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ và công bố phần di sản quý giá này của dân tộc. Đồng thời trên cơ sở tài liệu thu thập được, chúng tôi còn tiếp tục nghiên cứu và giáo dục sâu rộng cho sinh viên những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại qua những câu ca, điệu hát, qua những câu chuyện kể lịch sử, những bài vè, những câu tục ngữ, thành ngữ…

Kể từ năm 1999 đến nay, khoa Văn học đã liên tục thực hiện các đợt sưu tầm điền dã mỗi năm mỗi đợt từ hai đến ba tuần, mỗi tỉnh từ hai đến ba đợt, gồm các tỉnh thuộc hai vùng văn hóa Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là chương trình thực tập thực tế, một môn học bắt buộc, một kỹ năng cần có cho sinh viên ngành Văn học chính quy dưới sự hướng dẫn của giảng viên khoa Văn học. Chúng tôi đặt nhiệm vụ cho mình là phải triển khai sưu tầm tối đa vốn liếng văn học dân gian của toàn bộ các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Các đợt khảo sát thực tập thực tế về các tỉnh thành được triển khai vừa theo diện rộng vừa có trọng điểm nhằm mục đích sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu và đánh giá về vốn văn hóa truyền thống, cụ thể là trữ lượng văn học dân gian của các địa phương về phương diện số lượng, chất lượng văn bản, những đặc điểm đặc trưng có tính vùng miền trong tác phẩm cả về mặt nội dung lẫn đặc điểm nghệ thuật.

Vĩnh Long cũng là một trong những tỉnh trọng điểm của miền Tây Nam Bộ nằm trong kế hoạch sưu tầm và lưu giữ văn học dân gian Nam Bộ của chúng tôi. Do vậy, trong hai năm liên tiếp là 2013 và 2014, chúng tôi đã cho triển khai thực tập điền dã nhằm sưu tầm vốn liếng văn học dân gian của tỉnh nhà hiện còn tồn tại trong trí nhớ của người dân địa phương. Qua hai đợt sưu tầm điền dã trên diện rộng, phỏng vấn trực tiếp gần 2000 cộng tác viên, chúng tôi đã thu về số lượng tài liệu thô đáng kể với nhiều thể loại có nội dung tiêu biểu cho tính địa phương và tính vùng miền của văn học dân gian.

2. Tình hình sưu tầm điền dã và số lượng sản phẩm thu được

Kể từ khi anh em nhà Grimm đặt những nền móng đầu tiên và khai mở cho một ngành học thuật mà sau đó sẽ lan rộng trên toàn châu Âu nói riêng và nhiều vùng đất trên thế giới nói chung là folklore học, công tác sưu tầm, điền dã và nghiên cứu di sản dân gian đã thu về những thành tựu đáng kể cả về phương pháp luận lẫn khối lượng tư liệu khổng lồ. Công trình của chúng tôi tại Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung thừa hưởng những thành tựu về phương pháp sưu tầm điền dã theo định hướng dân tộc học đó, đồng thời công trình cũng có nhiều thuận lợi về quy mô, nhân lực, chuyên môn, sức bền… mà ít dự án sưu tầm văn hóa nào có được. 

Vào tháng 3 năm 2013 và tháng 2 năm 2014,  chúng tôi triển khai một đợt thực tập gồm hai tuần đến tỉnh Vĩnh Long với phương án chia nhỏ nhóm sinh viên, chia nhỏ địa bàn cho tiện đi lại và sưu tầm. Có lẽ do địa bàn tỉnh khá gần với Thành phố Hồ Chí Minh và điều kiện đi lại rất thuận lợi nên Vĩnh Long cũng là một tỉnh phát triển mạnh mẽ về kinh tế và hiện đại về văn hóa xã hội, do đó trữ lượng văn học dân gian mà chúng tôi sưu tầm được ở đây trong hai năm không dồi dào bằng những đợt điền dã mà chúng tôi tiến hành ở ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu hay An Giang.

Quá trình sưu tầm đợt 1 diễn ra từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2013, 163 sinh viên ngành Văn cùng với 10 cán bộ hướng dẫn là giảng viên trong Khoa chúng tôi chia làm 12 tổ tiến hành việc sưu tầm tại 12 xã trong tỉnh. Tại thành phố Vĩnh Long, sinh viên tập kết tại 3 xã: Tân Hòa, Tân Ngãi và xã Trường An, 4 tổ sinh viên ở huyện Long Hồ thì được chia về thị trấn Long Hồ và các xã Thanh Đức, Long Phước, Long An. Huyện Tam Bình, do tính chất địa bàn rộng và tương đối sâu hơn hai địa bàn còn lại nên hy vọng sẽ còn lưu trữ được nhiều tác phẩm, do vậy chúng tôi đưa về đây 5 tổ sinh viên ở tại thị trấn Tam Bình và các xã như Song Phú, Long Phú, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc. Quá trình sưu tầm đợt 2 từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 26 tháng 2 năm 2014 với 144 sinh viên chia làm 11 nhóm tập kết tại các xã Trung Thành, Trung Hiếu, Hiếu Phụng, và Tân An Luông thuộc huyện Vũng Liêm; các xã Mỹ Thiện, Lục Sĩ Thành và Phú Thành thuộc huyện Trà Ôn; các xã Tân Long và Chánh Hội thuộc huyện Mang Thít; Đông Thành và Đông Thuận thuộc thị xã Vĩnh Long. Qua hai đợt sưu tầm điền dã tại 23 xã và thị trấn của tỉnh Vĩnh Long, tổng cộng đơn vị tác phẩm văn học dân gian mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến 2.750 đơn vị, số cộng tác viên các nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh 1.976 người.

Về phương pháp xử lý tư liệu, chúng tôi chọn cách phân loại văn học dân gian Vĩnh Long theo ba loại hình cơ bản, đã được nhóm Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1977: tr.7-8) đề xuất, bao gồm: lời ăn tiếng nói dân gian; tự sự dân gian và trữ trình dân gian (riêng loại hình sân khấu dân gian chúng tôi không ghi nhận được trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong mỗi loại hình, chúng tôi tiếp tục phân loại theo các thể loại xuất hiện tại Vĩnh Long, gồm: tục ngữ, câu đố (loại hình lời ăn tiếng nói dân gian), truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện ma (loại hình tự sự dân gian), vè (giao thoa giữa tự sự và trữ tình dân gian, trong đó đặc trưng tự sự trội hơn), da dao (loại hình trữ tình dân gian). Việc tuyển chọn tác phẩm trải qua rất nhiều khâu, trước tiên chúng tôi loại bỏ số tác phẩm trùng nhau nhiều lần, chỉ giữ lại bản đầy đủ nhất, giữ lại những câu bài là dị bản của nhau, những tác phẩm chưa hoàn chỉnh nội dung hoặc nội dung và từ ngữ khó hiểu mà không thể làm rõ được thì chúng tôi cũng loại bỏ. Những tác phẩm thuộc vùng miền khác, tỉnh khác một cách rõ ràng (ví dụ cốt truyện liên quan đến lịch sử vùng đất, tên địa danh, nhân danh xuất hiện trong bài, tiếng địa phương, văn hóa đặc trưng của địa phương…) cũng được chúng tôi loại ra. Sau khi có được văn bản những tác phẩm đã được tinh chọn, chúng tôi mới bắt đầu phân loại theo nội dung, chủ đề của từng thể loại.

Ở mỗi thể loại, trước khi trình bày phần tác phẩm sưu tầm đã được chỉnh lý, chúng tôi có giới thiệu đôi nét về diện mạo chung của nội dung và số lượng đơn vị tác phẩm trong từng tiểu loại hoặc đề tài của thể loại đó. Cuối phần tác phẩm sưu tầm của mỗi thể loại, chúng tôi đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho chúng tôi những tác phẩm trên. Để có được thành phẩm cuối cùng là một tuyển tập văn học dân gian hoàn chỉnh của tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi phải trải qua rất nhiều khâu trong quá trình xử lý tư liệu và thường chỉ giữ lại khoảng 30 đến 50 phần trăm khối lượng tài liệu thô thu về ban đầu. Từ nguồn tài liệu sau khi chỉnh lý và phân loại, chúng tôi sẽ khái quát đôi nét về diện mạo văn học dân gian của vùng đất này.

3. Khái quát diện mạo văn học dân gian Vĩnh Long qua tài liệu sưu tầm điền dã 

3.1. Loại hình lời ăn tiếng nói dân gian: tục ngữ và câu đố

3.1.1. Thể loại tục ngữ

Sau khi chỉnh lý, chúng tôi phân loại và sắp xếp tục ngữ Vĩnh Long dựa vào cách phân loại tục ngữ của Nguyễn Xuân Kính và cộng sự (2002)[1]. Qua đó, tục ngữ Vĩnh Long có hầu như các đề tài cơ bản của tục ngữ cả nước, bao gồm bốn chủ đề lớn: Giới tự nhiên và quan hệ của con người với giới tự nhiên (56 câu, 3/4 tiểu chủ đề[2]); Con người - đời sống vật chất (45 câu, 8/9 tiểu chủ đề); Con người - đời sống xã hội (136 câu, 18/19 tiểu chủ đề); Con người - đời sống tinh thần  (254 câu, 38/43 tiểu chủ đề).

Có thể nói, tục ngữ là một thể loại khá phát triển ở Vĩnh Long với 494 đơn vị sưu tầm được từ 314 cộng tác viên. Trong đó, nhóm tục ngữ về “con người và đời sống xã hội” và “đời sống tinh thần, những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ” có số lượng cao hơn hẳn so với hai nhóm còn lại - “giới tự nhiên, quan hệ của con người với giới tự nhiên” và “con người - đời sống vật chất” (136 và 254 đơn vị so với 56 và 48 đơn vị). Hầu hết tục ngữ Vĩnh Long vẫn là những câu tục ngữ quen thuộc trên khắp mọi miền đất nước, đã xuất hiện nhiều trong các bộ sưu tập tục ngữ truyền thống. Điều này cho thấy một hiện tượng là: kho tàng tục ngữ truyền thống khi vận động đến thời hiện đại (thời điểm mà chúng tôi đi điền dã) thì các câu tục ngữ về mảng đời sống xã hội và đời sống tinh thần được giữ lại nhiều hơn mảng về tự nhiên và đời sống vật chất. Lý do nằm ở chỗ: nhu cầu về việc dự báo thời tiết bằng cách quan sát tự nhiên, hay nhu cầu về kinh nghiệm nông nghiệp qua tục ngữ ngày càng giảm cùng với sự đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sự đổi mới nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Các đồ dùng truyền thống thuộc về “đời sống vật chất” cũng ít trở nên quen thuộc hơn, nên sự sút giảm của mảng tục ngữ này cũng dễ hiểu. Trong khi đó, đời sống tinh thần và xã hội, những vấn đề mà con người phải đối diện với tha nhân, với cộng đồng, lại bền vững, ít thay đổi hơn theo thời gian.

Là “túi khôn” của dân gian, tục ngữ Vĩnh Long đúc rút những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nhìn người và xét đoán sự việc qua đó giúp người nghe hiểu đời hơn, có thái độ và cách ứng xử phù hợp hơn với các tình huống trong đời sống. Đó có thể là lời khuyên về giá trị của sức lao động (“Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”), về sự thận trọng trong nói năng (“Vàng thì thử lửa thử than; Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời”), về lối sống tử tế (“Nghèo không hèn, sang không lối”)… Ngoài ra, một bộ phận tục ngữ còn đề cập đến những “thói đời”: “Tham giàu phụ khó; Tham phú phụ bần”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Của người bồ tát, của mình lạt buộc”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”… Những câu tục ngữ trên chỉ ra những mặt tiêu cực trong đời sống, thoáng chút cảm thán, thở dài; song ở một khía cạnh khác lại có giá trị nhận thức, phê phán, qua đó giúp ta trải đời, hiểu đời hơn.

Tục ngữ phản ánh cách nghĩ, cách nhìn đời giản dị mà không kém phần sâu sắc của người bình dân. Đặc biệt, qua bộ phận tục ngữ về đời sống tinh thần, ta thấy toát lên một nhân sinh quan tích cực của con người Vĩnh Long: coi trọng con người (“Một mặt người bằng mười mặt của”), coi trọng học vấn và tri thức (“Một kho vàng không bằng một nang chữ”), quan tâm đến thể diện và giá trị đích thực của cá nhân (“Vàng thật không sợ lửa”), đề cao phẩm giá (“Lấy đức dụ người quân tử, lấy tiền dụ kẻ tiểu nhân”)

Trên phương diện hình thức biểu đạt, tục ngữ Vĩnh Long vẫn nằm trong những mô hình của tục ngữ truyền thống. Tồn tại nơi “cửa miệng”, gắn chặt với hoạt động giao tiếp, nói năng hằng ngày, tục ngữ có hình thức ngắn gọn, đăng đối, vần điệu nhịp nhàng, nhờ đó mà dễ ghi nhớ, dễ lưu truyền. Với độ dài co dãn từ tối thiểu là 4 chữ đến tối đa là 2 cặp lục bát, tục ngữ có sự súc tích của một thứ “chân lý” đã được đúc rút qua thời gian, gây nên ấn tượng về sự đáng tin cậy, vì vậy sẽ được người bình dân sử dụng để “viện dẫn” trong những lập luận của mình. Đa phần tục ngữ Vĩnh Long vẫn là những câu phổ biến trong cả nước, nhưng đâu đó vẫn có dáng dấp của cá tính Nam Bộ qua những cách diễn đạt có phần bộc trực, thô mộc của lời nói hàng ngày: “Chung nhau thì giàu, chia nhau thì khó”, “Hay thì khen, hèn thi chê”, “Ở xó chuồng heo hơn là theo phía vợ”…

3.1.2. Thể loại câu đố

Câu đố cũng là một thể loại khá phát triển tại Vĩnh Long với 591 đơn vị sưu tầm được từ 188 cộng tác viên. Lấy tiêu chí là đối tượng đố, chúng tôi phân loại câu đố Vĩnh Long thành các nhóm: câu đố về các hiện tượng tự nhiên (69 câu), về các công trình kiến trúc (11 câu), về loài vật (92 câu), về các loài cây (80 câu), về củ quả (67 câu), về các loài hoa (8 câu), về các loại bánh (13 câu), về địa danh (1 câu), về dụng cụ học tập (14 câu), về danh nhân (15 câu), về chữ nghĩa (5 câu), về con người (4 câu), về các đồ vật (176 câu), về các sự việc trong cuộc sống (36 câu). Như vậy, các câu đố về tự nhiên vẫn chiếm vị trí áp đảo phản ánh một cuộc sống lấy nông nghiệp và trồng trọt làm hình thức kinh tế chính của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Qua câu đố Vĩnh Long, ta thấy hiện lên một nếp sống dân dã, còn gần gũi với ruộng vườn, hoa trái, các loài vật nuôi, các món ăn và những sinh hoạt thôn quê.

Câu đố Vĩnh Long nằm trong khuôn khổ câu đố truyền thống không chỉ ở đối tượng mà còn ở hình thức thể hiện. Căn cứ theo sự phân loại của Nguyễn Văn Trung (1991: tr.95-106), câu đố Vĩnh Long bao hàm cả những câu đố trực tiếp và câu đố gián tiếp. Câu đố trực tiếp là những câu đố không sử dụng so sánh, ví, hay dùng hình ảnh, ẩn dụ, chẳng hạn như “Con gì bé tí/ Đi lại từng đàn/ Kiếm được mồi ngon/ Cùng tha về tổ” (Con kiến).

Loại đố gián tiếp sử dụng lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ được thể hiện đưới các hình thức là phạm trù nghịch lý, phạm trù quái dị và phạm trù cái tục. Phạm trù nghịch lý được sử dụng rất phổ biến, qua việc thể hiện những đặc điểm có vẻ mâu mẫu, đối chọi nhau của sự vật, chẳng hạn như “Con gì khi sống thì vô ích mà khi chết thì có ích” (Con tằm); “Đứng thì nằm, nằm thì đứng” (Cái chân); “Nắng ba năm ta không bỏ bạn/ Mưa một ngày bạn lại bỏ ta” (Cái bóng). Phạm trù quái dị được sử dụng là khi người nói biến đồ dùng thành con vật, con người và gán cho nó những bộ phận, hành động kì lạ. Chẳng hạn như câu đố “Đi le lưỡi, về le lưỡi” sử dụng biện pháp nhân hóa đã biến đối tượng “cái lưỡi cày” thành một sự vật lạ lùng làm thách thức tư duy người nghe. Hay như câu “Đầu thì trọc lóc/ Tóc thì mọc trong/ Hai dây thòng lòng/ Nhà nào cũng có” gợi đến một hình ảnh quái dị; song qua liên tưởng ẩn dụ thì đáp án là “cái bóng đèn”. Phạm trù cái tục được thể hiện qua những câu đố tục giảng thanh với sự miêu tả gợi liên tưởng đến các bộ phận hoặc hình vi tính dục, nhưng đáp án lại là những sự vật hoặc hành động khác, chẳng hạn như: “Trên lông dưới lông/ Chờ cho trời tối nằm chồng lên nhau” (Đôi mắt) hay “Manh manh muốt muốt/ Đút vào lỗ ngay/ Bên ngắn bên dài/ Cái cao cái thấp” (Xỏ kim).

Bên cạnh những câu đố hình thành từ sự quan sát, liên tưởng, câu đố Vĩnh Long còn có những câu đố gắn với các thể loại văn học dân gian khác như ca dao, thần thoại, và có cả hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương được vận dụng/ sử dụng để đố. Chẳng hạn như câu đố “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con vẽ mặt làm đào má coi” vốn là hai câu ca dao nay trở thành một câu đố về nghề nghiệp với đáp án là “Hát bội”. Câu đố “Quê em ở chốn đảo xa/ An Tiêm thuở ấy làm quà tặng vua?” đòi hỏi người nghe đố phải biết truyện thần thoại “Sự tích dưa hấu” để có đáp án chính xác. Câu thơ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” của Hồ Xuân Hương được dân gian vận dụng để đố về viên phấn trong câu “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Viết bao nhiêu chữ em mòn bấy nhiêu”. Bài thơ về trái mít của Hồ Xuân Hương được dùng lại với dạng rút gọn để đố: “Thân em mốc lại xù xì/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Đừng mân mó nhựa ra tay”… Với sự vận dụng linh hoạt trên, ta thấy sự giao thoa thể loại trong phạm vi văn học dân gian, sự ảnh hưởng qua lại giữa hai dòng văn học dân gian và văn học viết, cũng như chất trí tuệ, bác học của bộ phận câu đố dân gian cho thấy thành phần sáng tác của nó không chỉ gói gọn trong những người bình dân, nông dân mà cả những trí thức, những nhà Nho sống ở thôn quê.

Câu đố là một thể loại cận văn học, mục đích chính của nó không nhằm khơi dậy những hứng thú và cảm xúc thẩm mĩ qua việc phô diễn đời sống tâm hồn, tình cảm con người mà là nhằm mài dũa về mặt nhận thức, lí tính, trí tuệ - một dạng trí khôn bình dân hồn nhiên trong những liên tưởng thú vị, hài hước. Tuy nhiên với một số lượng khá dồi dào cho thấy nó đã từng là một sinh hoạt giải trí khá sôi nổi, lành mạnh, có tính gắn kết cộng đồng của người dân Vĩnh Long.

3.2. Loại hình trữ tình dân gian: thể loại ca dao

Sau khi chỉnh lý và phân loại, chúng tôi giữ lại được 1.156 câu ca dao Vĩnh Long, được cung cấp bởi 391 cộng tác viên. Có thể thấy nội dung ca dao Vĩnh Long cũng chứa đựng hầu hết các chủ đề chung của ca dao cả nước như tình yêu quê hương, yêu lao động, yêu đất nước, con người, tình yêu trai gái, tình cảm gia đình và những suy tư của người lao động về những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống. Ở đây chúng tôi tập trung giới thiệu những câu ca dao đặc sắc riêng có của Vĩnh Long với sự xuất hiện của các địa danh hay sản vật địa phương nơi này.

Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu với hàng vạn hecta đất phù sa ngọt ven hai con sông này. Cũng như tất cả các tỉnh khác thuộc miền Tây Nam Bộ, Vĩnh Long là vùng đất của sông suối ao hồ, của kênh rạch, của phù sa, của đất đai phì nhiêu màu mỡ và của cây cối tươi xanh. Đất sao thì người vậy, con người của vùng đất này cũng phóng khoáng, tươi tắn như đã được phù sa tưới tắm từ bao nhiêu đời nay. Cái phì nhiêu của đất, cái tươi xanh của cây cối, cái tươi vui hiền hòa của con người đất Vĩnh cứ thế mặc nhiên đi vào văn học, thành những câu hát dân gian được lưu đến muôn đời:

Vĩnh Long đất lịch người xinh

Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương.

     Hay

Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh

Quyện lòng du khách gợi tình nước non.

Vĩnh Long còn là vùng đất của cù lao do địa bàn bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch. Sông Tiền và sông Hậu chảy ra biển Đông qua vùng đất Vĩnh Long làm nổi lên nhiều cù lao lớn nhỏ như An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Quới Thiện, Lục Sĩ Thành… đây là những vùng trồng cây ăn trái trù phú, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Niềm tự hào về những sản vật thiên nhiên như các giống gạo ngon, những vườn cây trái và các loại hải sản cũng là một đề tài được ca dao Vĩnh Long thường xuyên nhắc đến:

Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh

Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm.

Dưới sông cá bạc, tôm vàng

Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui.

Trong số những cù lao ở Vĩnh Long, có lẽ An Bình là nơi được ca dao nhắc đến nhiều nhất và hiện nay cũng là một trong những cù lao thường xuyên đón khách du lịch từ nơi xa đến viếng thăm. Đây là một cù lao “nho nhỏ xinh xinh” theo cách nói của dân địa phương, gởi gắm trong đó là niềm yêu mến tự hào. Nhiều khu du lịch khang trang đã được xây dựng trên cù lao này và ngày càng triển khai thêm nhiều loại hình giải trí để phục vụ du khách được chu đáo hơn:

Bình Lương gió lộng về chiều,

Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.

Đò dọc rồi lại đò ngang,

Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình.

     Hay:

An Bình đất mẹ cù lao,

Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.

Khách về nhớ mãi trong lòng,

Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang.

Bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên, sản vật phong phú được tự nhiên trao tặng, Vĩnh Long còn là một tỉnh anh hùng với bề dày lịch sử đáng tự hào. Còn lưu lại ở các địa phương trong tỉnh là những di tích lịch sử như thành Long Hồ, Công Thần Miếu Vĩnh Long, đình Tân Giai, đình Tân Hoa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, hay mới nhất là khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng… Mỗi công trình kiến trúc này là một nốt son trong lịch sử với những chiến công của con người và vùng đất Vĩnh Long - xứ sở của địa linh nhân kiệt - đã ghi dấu công lao trong sự nghiệp đấu tranh và dựng xây nước nhà. Cho nên khi đến với Vĩnh Long ta vẫn được nghe người dân ở đây truyền nhau câu ca:

Long Hồ là xứ địa linh

Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng.

Khi nói về nhân vật lịch sử, ca dao Vĩnh Long thường hay nhắc đến “cặp rồng vàng” - là niềm tự hào của vùng đất hiếu học Vĩnh Long xưa:

Vĩnh Long có cặp rồng vàng,

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần.

Cụ Phan Thanh Giản (Phan Tuẫn Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long, về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa được sinh ra ở đất Vĩnh Long là một người có tài học cao và là một trong những người có nhiều đóng góp cho nền văn học miền sông Hậu.

Nếu có dịp về qua huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe nhân dân ở đây giới thiệu về một di tích lịch sử với thái độ đầy tôn kính, đó chính là đền thờ của một Ông Lớn (như cách gọi của nhân dân nơi đây) - là một người có nhiều công trạng với nhân dân và vùng đất này thời chúa Nguyễn:

Lịch thay địa phận Trà Ôn

Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay.

     Hay:

Đất Giồng Thanh Bạch xưa kia

Có đền Ông Lớn với bia lưu truyền.

Đó là miếu thờ Thạch Duồng - một người gốc Khmer, quê ở Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính họ Nguyễn, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Tồn. Ông được nhân dân Trà Ôn tôn kính như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi vùng đất này và được nhân dân lập miếu thờ để đời đời hương khói. Hằng năm, vào các ngày mồng 3 và mồng 4 tháng giêng âm lịch, người dân Trà Ôn đều tổ chức giỗ ông với nhiều nghi thức truyền thống độc đáo và long trọng.

Trong số những câu ca dao sưu tầm được ở Vĩnh Long, chúng tôi thấy nổi bật nhất là những câu ca dao viết về đề tài tình yêu nam nữ. Dường như tình yêu nam nữ luôn luôn là một đề tài lớn, là một lăng kính được chiếu soi qua tất cả những đề tài khác trong ca dao. Trong những câu ca tại vùng đất này, chúng tôi thấy niềm tự hào về những thắng cảnh của địa phương và những đặc sản thiên nhiên trù phú của người dân Vĩnh Long còn gắn liền với tình yêu trai gái:

Cù lao An Bình vườn cây xanh mát

Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông

Thương em chỉ để trong lòng

Biết bao ngày đợi, tháng trông mỏi mòn.

Bao giờ cũng vậy, yêu quê hương đất nước nghĩa là yêu cả những con người được sinh ra trên mảnh đất quê hương ấy. Cái bát ngát mênh mông của thiên nhiên xứ sở cũng như cái chứa chan tràn đầy trong tình yêu của trai gái dành cho nhau. Và cũng chẳng có cách ví von nào giản dị mộc mạc hơn ca dao khi nhung nhớ yêu thương trong tình lứa đôi được ví với sự ngọt ngào của vườn cam sai quả hay sự sung túc tràn trề của đàn cá đang bơi:

Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả

Rạch Cái Cá, cá lội thành đàn

Lòng tôi tha thiết yêu nàng

Như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi.

Hay đâu đó là những hình ảnh ví von tưởng chẳng ăn nhập gì với nhau giữa những chuyến đò đông với cái cô đơn trong tình yêu nam nữ. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể thấm thía hơn con người Vĩnh Long khi đứng trước cái nhộn nhịp tấp nập của quê hương từ đám lục bình trôi dưới sông đến những chuyến đò đưa người sang đất cù lao, để rồi gặm nhấm cái cô đơn trống trải trong lòng mình khi không còn người yêu thương bên cạnh:

Đò đưa mấy chuyến An Bình

Lục bình còn có bạn, sao chúng mình lẻ đôi?

Rồi cái tình yêu ấy mai này lớn lên như tình yêu xứ sở, lời thề thủy chung của những con người mộc mạc đất phương Nam cũng trở nên bất diệt trường tồn như phù sa cứ mãi đắp bồi, làm nên một vùng đất Vĩnh Long chan chứa tình yêu:

Sông Mang Thít có dòng nước xoáy

Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung

Người đi mang nỗi nhớ nhung

Sông nầy vẫn giữ thủy chung với người.

3.3. Loại hình tự sự dân gian: các thể loại truyện truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười và truyện ma

Truyện kể dân gian Vĩnh Long vào những năm đầu của thế kỷ 21 này được sưu tầm trong hai năm 2013 và 2014 có số lượng khá hạn chế, số truyện tuyển chọn được là 177 truyện. Nguyên nhân là từ các yếu tố địa-lịch sử, địa-kinh tế, địa-xã hội và địa-văn hóa của tiểu vùng văn hóa Sài Gòn Gia Định - Tân An - Mỹ Tho đã sớm phát triển từ trước và nay những vấn đề kinh tế xã hội văn hóa địa phương đã và đang được nhà nước đầu tư phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ về mọi mặt. Tiểu vùng văn hóa Tây Nam Nam Bộ này nằm ở thế đối xứng với tiểu vùng văn hóa Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - Tây Ninh, cả hai đều trực thuộc và bao quanh vùng đất của trấn Gia Định khi xưa. Thử làm một phép so sánh với thực trạng sưu tầm truyện kể dân gian cách đấy 10 năm (2004-2005) tại tỉnh An Giang là 621 truyện, thì con số 177 truyện tinh chọn được ở tỉnh Vĩnh Long (2013-2014) đã nói lên vấn đề mai một trầm trọng trữ lượng văn học dân gian địa phương / vùng, miền là đáng được các giới quan tâm lên tiếng báo động ở cấp cao nhất có thể. Về phân chia thể loại, trong 177 truyện này không có thể loại thần thoại, gồm các thể loại truyện kể dân gian chính yếu như sau:

+ Thể loại truyền thuyết có 25 truyện gồm đủ các nhóm: truyện về thời khai hoang mở đất, truyện về nhân vật anh hùng, truyện về địa danh lịch sử-văn hóa, truyện về tín ngưỡng-phong tục, và truyện về phong vật địa phương;

+ Thể loại truyện cổ tích thật ít ỏi với 35 truyện trong đó tiểu loại truyện cổ tích loài vật có 6 truyện, tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ có 4 truyện và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt có 25 truyện;

+ Nhóm truyện về thế giới ma quỷ có 16 truyện;

+ Thể loại truyện cười nhiều nhất với 94 truyện trong đó có 15 truyện cười kết chuỗi và 79  truyện cười không kết chuỗi;

+ Thể loại truyện ngụ ngôn có 7 truyện với hai chủ đề phổ biến.

Về 25 truyện truyền thuyết, đặc sắc nhất là nhóm 12 truyền thuyết địa danh như: gắn với thời khai hoang mở đất có các truyện Sự tích sông Bưng Trường và cầu Vỉ, Sự tích Bến Đổi, Sự tích vùng đất Nông Thành; gắn với thời Tây Sơn-Nguyễn Ánh có truyện Sự tích sông Mang Thít, Sự tích Gò Ân, Sự tích chùa Vĩnh Lạc; gắn với thời kháng chiến chống xâm lược Pháp-Mỹ có các truyện Sự tích các cây cầu, Sự tích cù lao Lục Sĩ Thành, Sự tích chợ Mã Tấu,…; nhóm truyền thuyết về tín ngưỡng phong tục có các truyện suy nguyên về lễ cúng trăng và tục đua ghe ngo của người Khmer, tục thờ Cá Ông và tục treo bùa nêu ngày Tết nguyên đán của người Việt; truyền thuyết về phong vật có 2 truyện về tên gọi hai đặc sản địa phương là bưởi Năm Roi và vú sữa Lò Rèn...      .  

Phần truyện cổ tích có 35 truyện cổ tích gồm đủ ba tiểu loại: 6 truyện cổ tích loài vật, 4 truyện cổ tích thần kỳ, và 25 truyện cổ tích sinh hoạt. Về tiểu loại truyện cổ tích loài vật, mặc dù chỉ có 6 truyện song nội dung lại bao gồm đủ hai nhóm truyện phổ biến là truyện về loài vật sống gần gũi với con người (2 truyện: Mèo và chuột, Con mèo tinh khôn), và truyện về loài vật sống nơi hoang dã (4 truyện). Hai truyện kể về sự tinh khôn của loài mèo sống bằng nghề bắt chuột phá hại trong nhà người đã không bị lũ chuột lừa gạt nên luôn được chủ nhà khen thưởng; các truyện có motif chủ đạo là “mẹo lừa” để tập khôn của loài thú sống nơi hoang dã với hình tượng nhân vật Thỏ nổi bật; 1 truyện kể về nhân vật Rồng được thần Trời phong cho chức thú vương dưới nước là nhờ Rồng nghe lời xui của Rết mượn sừng của Gà rồi không trả cho nên loài Rồng không dám trở lên mặt đất vì xấu hổ với loài Rết (truyện Rồng, Rết, Gà). Có 4 truyện cổ tích thần kỳ gồm 2 truyện có chủ đề về người nghèo khổ (Ba bà cháu và Hòn đá thần) và 2 truyện có nội dung mang thực tại để lý giải thiên nhiên (Sự tích con khỉ, Sự tích con muỗi). Sau cùng là 25 truyện cổ tích sinh hoạt gồm các nhóm truyện như: mang thực tại để lý giải thiên nhiên (Sự tích cá nược, Sự tích đôi sam), kiêu ngạo (Cụ Đôn), đầu thai (Đức Phật và con chó, Đức Phật và con nhện), duyên nợ (Đức Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu), tình anh em (Hai anh em), tình yêu chung thủy (Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, Người chồng thương vợ, Sự tích Táo Quân), xử kiện (Lá đơn đặc biệt), kẻ ngốc (Chàng ngốc), kén chọn (Kén chồng), thử lòng (Người vợ tham lam), người thông minh (Người vợ khôn ngoan), lựa chọn (Sự lựa chọn), máy móc nhầm lẫn (Sự tích cái gương),…    

Nhóm truyện về thế giới ma quỷ có 16 truyện trong đó có đến 13 truyện kể về nhân vật ma nữ (Soi cá, Cái áo mưa, Hồn ma linh ứng, Cái đầu ma, Ma nhà ông Cả Kiểu, Ma giấu người 2, Ma nhập hồn người, Ma làm mắm, Ma bồng con, Ma quái thai 1, Má quái thai 2, Hồn ma cô Tiên, Ma đẻ con), 2 truyện về ma nam và 1 truyện về con ma da nhớt. Về khía cạnh phân bổ thì 16 truyện ma quỷ ở Vĩnh Long được thấy lưu truyền tập trung ở hai địa phương huyện Vũng Liêm (8 truyện) và thành phố Vĩnh Long (5 truyện), còn lại 3 truyện được chúng tôi sưu tầm ở mỗi huyện 1 truyện trong ba huyện Tam Bình, Trà Ôn và Mang Thít.

Về thể loại truyện cười, có 94 truyện cười trong đó: 15 truyện cười kết chuỗi kể về các nhân vật như Ba Giai-Tú Xuất, bác Ba Phi, Bợm Bảy, Cụm Miêu, Trạng Quỳnh và 79 truyện cười không kết chuỗi gồm 31 đề tài và chủ đề phong phú như : (1) Khuyết tật bẩm sinh, (2) Hôn nhân, vợ chồng, gia đình, (3) Đối đáp, ứng xử,(4) Tình cờ, (5) Ngây thơ, (6) Thật thà, (7) Cảnh giác, (8) Nhắc nhở, (9) Giải tỏa, (10) Lãng tai, (11) Thề nguyền, (12) Hiểu lầm, (13) Máy móc, (14) Say xỉn, (15) Sốt sắng, (16) Thách đố, (17) Đố mẹo, (18) Suy đoán, (19) Lười biếng, (20) Tham ăn tham uống, (21) Sợ vợ, (22) Nói đùa, nói dối, nói láo, nói dóc, khoác lác, (23) Mẹo lừa, (24) Chơi khăm, (25) Thầy chùa, sư sãi. (26) Thầy bói, (27) Thầy giáo, học trò, (28) Ngốc nghếch, (29) Kén rể, ở rể, làm dâu, (30) Sui gia, (31) Tiếu lâm. Về khía cạnh phân bổ số truyện cười ở Vĩnh Long: đa số truyện cười được sưu tầm tập trung ở ba địa phương gồm huyện Vũng Liêm, huyện Tam Bình và thành phố Vĩnh Long, trong đó huyện Vũng Liêm được 36 truyện, huyện Tam Bình được 33 truyện và thành phố Vĩnh Long được 19 truyện. Điều này chứng minh văn học dân gian hiện đại đang tồn tại, phát triển và được lưu truyền khá bền chặt trong dân gian các địa phương này so với các địa phương khác. Bởi lẽ, xét đến hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích vốn dĩ thuộc dòng văn học truyền thống ra đời sớm tại địa phương hoặc lưu truyền sớm từ nơi khác đến đây thì truyện cười dân gian Nam Bộ nói chung và tại Vĩnh Long nói riêng là minh chứng nói lên sức sống vượt trội của văn học dân gian hiện đại của quê hương Vĩnh Long đáng được người dân địa phương quan tâm lưu giữ và phát huy lan tỏa hết mực.

Trở lên, dựa vào mật độ lưu truyền dày đặc hơn cả về truyện ma quỷ và truyện cười ở hai địa phương huyện Vũng Liêm và thành phố Vĩnh Long, có thể ghi nhận rằng có hai địa bàn huyện Vũng Liêm và thành phố Vĩnh Long của tỉnh Vĩnh Long đã / đang / sẽ lưu giữ, lan truyền và sáng tạo mới nguồn truyện kể dân gian này vừa mang tính truyền thống của quá khứ vừa mang tính hiện đại đầy chất tạo trong tương lai.  

Về thể loại truyện ngụ ngôn, có 7 truyện nói về hai chủ đề sau: Chế giễu các thói hư, tật xấu, sự ngu dốt, tính huyễn hoặc, khoe khoang, hợm mình, khoác lác (3 truyện: Dê trắng dê đen, Chuyện hai con ngựa, Khỉ và Sóc) và Triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan về xã hội (4 truyện: Bóng hình, Có còn hơn không. Con bò và con ếch, Hai con cò và con rùa)

3.4. Giao thoa giữa loại hình tự sự dân gian và trữ tình dân gian: thể loại vè

Nội dung của 79 bài vè mà chúng tôi giữ lại được sau khi chỉnh lý từ hơn 100 bài vè sưu tầm được ở Vĩnh Long đa số có nội dung miêu tả các sự vật trong thiên nhiên hay các sự kiện sinh hoạt xã hội gắn liền với nếp sống quen thuộc của nhân dân lao động Nam Bộ, chỉ có số rất ít gồm 4 bài vè có nội dung đề cập đến các vấn đề có liên quan đến các sự kiện lịch sử của cả nước.

 Những bài vè có nội dung kể vật trực tiếp cung cấp các tri thức khách quan về thế giới tự nhiên đồng thời thể hiện lòng mong muốn của người dân là được giới thiệu về tài nguyên, đặc sản của địa phương mình. Đó là những câu vần vè ngắn gọn liệt kê những sản vật của quê hương, ca ngợi sự trù phú của các loại sinh vật tự nhiên của vùng đất như các loại cây trái, các loài chim thú hay tôm cá… “Da thịt trắng tươiLà con thác lácĂn bùn ăn cátCon cá bống kèoĂn khổ ăn nghèoLà con cá cháo” (Vè cá)… Từ nội dung của các bài vè đó, ta có thể thấy được tình cảm của người Vĩnh Long đối với quê hương thân thuộc và là niềm tự hào về sự dồi dào của sản vật nơi vùng đất mình đang sinh sống: “Năm roi tên bưởiMắt đen nhanh nhánhLá trái nhãn lồngBuồn bực trong lòngVốn thiệt sầu riêng/ Danh tiếng ba miền/ Xoài cát Hòa Lộc”… (Vè trái cây).

Với tính thời sự và phản ánh cấp thời, những bài vè thế sự của nhân dân lao động Vĩnh Long tích cực phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, tập trung hơn cả là tệ cờ bạc và uống rượu. Bên cạnh đó còn có những bài vè hóm hỉnh phê phán những người phụ nữ nhiều chuyện hay ngồi lê đôi mách, những cô gái hư thân mất nết, những người chồng sợ vợ hay những anh chàng lười lao động chỉ biết nằm dài chờ thời…Vè thế sự còn kể lại những cảnh sinh hoạt truyền thống quen thuộc của người dân địa phương thông qua việc đi quán, đi chợ, sắm tết, tát cá…: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè tát cá/ Xúc được đầy rá/ Con cá rô phi/ Nhỏ tí nhỏ ti/ Một bầy cá trắng/ Đem phơi ngoài nắng/ Một nia lóc đồng”… (Vè tát cá)

Với tính chiến đấu và ghi chép sự kiện, vè lịch sử kể lại những cuộc đấu tranh lớn nhỏ, các sự kiện lịch sử có liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương, miêu tả lại một thời kỳ đấu tranh và hy sinh mất mát của nhân dân địa phương cùng với đồng bào cả nước trong công cuộc giành lại tự do độc lập cho nước nhà. Đồng thời vè còn tham gia tố cáo sự áp bức bóc lột của giới cầm quyền với tinh thần đả kích sâu cay và quyết liệt, do vậy vè cũng trở thành kẻ thù số một của giới cầm quyền hay cường hào ác bá của địa phương khi xưa: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè Tổng Diệm/ Côn đồ nham hiểm/ Nổi tiếng bạo tàn/ Chuyên bán giang san/ Cho quân xâm lược…” (Vè Tổng Diệm)

Ngôn ngữ trong vè Vĩnh Long giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân, không trau chuốt bóng bẩy mà tận dụng ngôn ngữ đời thường một cách hiệu quả. Nhìn chung, vè Vĩnh Long có nội dung phong phú vừa mang tính giáo dục vừa tái hiện lại một giai đoạn quá khứ, nhờ vậy mà người đương thời có thể nắm bắt được tình hình ở mỗi địa phương khi ấy. Bên cạnh đó, từ nội dung của những bài vè này, người đời nay có cơ hội nhìn lại người đời xưa để được tự đặt mình trong không khí đấu tranh hào hùng hay suy xét và nhìn lại chính mình trong những tệ nạn chung của địa phương khi xưa để sửa đổi, góp phần xây dựng quê hương, cộng đồng thêm giàu đẹp. Vè Vĩnh Long đã hòa chung vào dòng chảy thơ ca dân gian dân tộc, tạo nên tiếng nói tiêu biểu của con người và vùng đất Vĩnh Long trong kho tàng thơ ca dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam.

4. Kết luận

Nhìn chung, về mặt đơn vị thể loại thì trong số gần 3 ngàn đơn vị văn học dân gian thu được qua sưu tầm điền dã tại Vĩnh Long có thể thấy chiếm đa số là thể loại ca dao, hát ru, tục ngữ, câu đố, trong đó dồi dào nhất là thể loại ca dao với gần 50% tổng số đơn vị tác phẩm. Điều đáng ngạc nhiên là số đơn vị truyện kể dân gian bao gồm cả 4 thể loại là truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn có số lượng khá mỏng. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng: phải chăng chúng tôi đã đến với Vĩnh Long quá muộn, khi những người dân còn nhớ những câu chuyện dài, đầy đủ chi tiết về lịch sử vùng đất hay những truyện kể có cốt truyện thần kỳ hấp dẫn thì tuổi đã quá cao và đã qua đời? Còn các thế hệ sau này thì chỉ lưu lại được những câu hát, câu vè, câu đố… với không quá nhiều câu chữ và nội dung thì dễ nhớ, dễ truyền? Dù sao, theo chúng tôi, đây cũng là một điều hết sức đáng tiếc với những người làm công tác sưu tầm và biên soạn các công trình văn học dân gian ở các tỉnh thành. Vì nếu như được sưu tập sớm hơn, biết đâu tuyển tập Văn học dân gian Vĩnh Long sau này sẽ không quá mỏng trong phần truyện kể - một thể loại tự sự đặc sắc của văn học dân gian nói chung?

Về mặt nội dung thể hiện, qua số lượng tác phẩm dẫu không thật sự dồi dào, phong nhiêu như vài chục năm trở về trước, nhưng văn học dân gian Vĩnh Long cũng đã hiển lộ một chân dung khá trọn vẹn về một nền văn học cổ truyền với đầy đủ phương diện và đặc trưng thể loại cơ bản nhất. Việc làm của chúng tôi có thể được ví như một sự kiểm kê nghiêm túc về văn học dân gian truyền thống một cách kịp thời và đó cũng là một điều cần thiết để chúng ta có những kế hoạch cụ thể hơn cho việc sưu tầm và nghiên cứu trong tương lai. Đồng thời chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn của mình về việc cần phải kịp thời sưu tầm, lưu giữ và xuất bản nguồn tư liệu văn hóa quý báu này của dân tộc từ tất cả các địa phương khác ở vùng Nam Bộ./.

La Mai Thi Gia, Phan Xuân Viện, Lê Thị Thanh Vy

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, tập 7 số 04 (2021) 

Tài liệu tham khảo:

Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1977). Lịch sử văn học Việt Nam: Văn học dân gian (tập 2). Hà Nội, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tr.7-8.

Nguyễn Xuân Kính (chủ biên). Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân (2002). Kho tàng tục ngữ người Việt (tập 2). Hà Nội, Văn hóa - Thông tin, tr.2967-2968.

Nguyễn Văn Trung (1991). Câu đố Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.95-106. .


[1] Phân chia theo chủ đề và tiểu chủ đề trong công trình này của nhóm Nguyễn Xuân Kính là dựa vào kết quả phân chia của nhóm tác giả Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri trong công trình Tục ngữ Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 1975) có điều chỉnh đôi chút. 

[2] Theo số lượng tiểu chủ đề trong công trình Nguyễn Xuân Kính.

Có điều gì chung giữa Jesus, nàng tiên cá, Harry Potter và Tiger Woods? Giả như Joseph Campbell còn sống tới thời đại này, ông sẽ trả lời rằng: họ đều là những người hùng. Phải chăng vì con người, nói như Yuval Noah Harari, là những động vật kể chuyện bẩm sinh, dùng câu chuyện để cắt nghĩa thế giới và tin rằng vũ trụ là một tự sự trường thiên nên ta sẽ thấy dấu chân của Joseph Campbell ở bất cứ đâu, không chỉ trong "Chúa tể những chiếc nhẫn", mà còn trong kế hoạch quảng cáo của Nike, trong kiến giải về vụ mưu sát John F. Kennedy, trong loạt phim bom tấn "Chiến tranh giữa các vì sao" của Hollywood?

20210802

Ấn bản tiếng Việt "Người hùng mang ngàn gương mặt". Nguồn: Nhã Nam

Sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo sùng đạo, Joseph Campbell nói ông đã coi những câu chuyện về sáng thế, thiên đường, phán xét, tội lỗi như một điều hiển nhiên từ thời thơ bé. Đến khi được dẫn đi xem những buổi diễn tạp kỹ về người Anh-điêng, cậu bé Joseph Campbell bắt đầu mê mẩn thần thoại của những bộ tộc bản địa trên Bắc Mỹ. Cậu nhận ra có những từ vựng chung tồn tại trong cả hai kho huyền thoại. Và đến khi theo đuổi nghiên cứu Hindu giáo và lịch sử trung cổ thời vua Arthur, cậu một lần nữa thấy mình đang đọc lại những câu chuyện tuổi thơ, dù trong vỏ bọc khác. “Vì thế bạn không thể bảo tôi rằng những câu chuyện tôi đang đọc không phải là một.”, Joseph Campbell kết luận. Đó là khởi nguồn của Người hùng mang ngàn gương mặt, một công trình thần thoại so sánh đồ sộ và tráng lệ như một bản giao hưởng, nơi những điệu waltz của cổ tích châu Âu, điệu múa hủy diệt của Shiva, tiếng đàn lyre của Apollo, tiếng sáo tiêu dao của Lão Tử, khúc bình ca của Kinh Thánh, vũ khúc ngàn lẻ một đêm Ba Tư huyền diệu,… tất cả hòa làm một, trong bản tổng phổ duy nhất mang tên: monomyth, hay hành trình của người hùng.

Người hùng nghe theo tiếng gọi phiêu lưu, rời khỏi cuộc đời yên ấm để tiến vào một miền đất còn chưa biết. Trên con đường thụ giáo, người hùng vượt qua những  kẻ thù với sự trợ giúp của một vài thần bảo trợ, chiến đấu một phen sống mái trong trận chiến cuối cùng, và rồi thu được chiến lợi phẩm mà về bản chất là sự mở rộng hiện hữu và ý thức, để sau rốt, anh ta tìm cách trở về mang theo ân huệ và gây dựng lại thế giới hay một phần nhỏ của thế giới. Đó, Joseph Campbell tin rằng, là motif câu chuyện của cả Jesus và Đức Phật, của cả người hùng Gilgamesh và nữ thần mặt trời Amaterasu, của cả nàng công chúa lấy hoàng tử ếch và nàng Psyche đi xuống địa ngục hỏi xin chiếc hộp đựng sắc đẹp cho Venus.  

Triết gia Northrop Frye viết: “Không thể dạy hay học văn chương, chỉ có thể dạy và học cách phê bình.” [Giải phẫu phê bình]. Một trải nghiệm văn chương là một trải nghiệm tối mật, ta làm sao có thể hợp thức hóa cái rùng mình của riêng ta khi đọc tới đoạn Harry Potter nhận ra kẻ sát nhân bị truy nã là cha đỡ đầu bị hàm oan của cậu hay khi biết người phụ nữ da đen trong Beloved giết đàn con của mình để cứu lấy chúng, ta sẽ giữ những ngất ngây xúc động ấy như báu vật yên lặng của mình, trong khi thứ duy nhất ta có thể đem ra luận bàn khoa học là ngữ pháp của văn chương, cái hệ thống biểu tượng và mô hình làm nên nó. Trong ý nghĩa ấy, Người hùng mang ngàn gương mặt như cây búa quyền năng của Thor, ai cầm được lên sẽ có một vũ khí tuyệt vời để hiểu cách một văn bản văn chương hoạt động.

Nhưng nếu chỉ là một tập kinh kệ đắc lực cho những nhà phê bình nghệ thuật, triết gia và những nhà nghiên cứu tôn giáo thì có lẽ lý thuyết của Joseph Campbell đã không tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng tới thế. Lý thuyết của Campbell có thể gây háo hức với bất cứ ai bởi nói cho cùng, nó cho ta biết điều gì đó sâu kín về con người: đầy những điểm yếu chí tử, luôn bị kéo vào số phận không bằng phẳng, luôn bập bõm đi trên sợi dây căng qua vực thẳm của những nỗi đau, và sẽ chết. Thứ quan trọng nhất của hành trình người hùng trong thần thoại không phải đích đến sau chót, không phải vì bộ lông cừu vàng mà ta yêu thích Jason hay vì khả năng sống lại khiến ta muốn đọc thần thoại về nữ thần Inanna của người Lưỡng Hà. Ta yêu câu chuyện về Jason vì toàn bộ những thử thách mà chàng phải vượt qua và ta yêu Inanna nhất là khi nàng lìa khỏi cõi đời. Cái mà con người khao khát, nói như Joseph Campbell, không phải là một ý nghĩa, mà là được cảm nhận mình đang sống. Và ta chỉ cảm nhận được mình đang sống khi phần vỏ rỗng là trải nghiệm vật chất bên ngoài nhận được chỉ dẫn từ đời sống phi vật chất bên trong và ta không còn phải loay hoay với câu hỏi ta là ai nữa.

Vậy mà, ngay cả tuệ kiến uyên nguyên của Joseph Campbell về con người cũng không lọt khỏi đôi mắt háu đói của những nhà tư bản, những người quăng lưới bắt mọi thứ, từ phong trào chống biến đổi khí hậu đến chủ nghĩa nữ quyền, từ cộng đồng LGBTQ+ đến lối sống Zen. Từ một nỗ lực khôi phục phần ký ức đã mất về cách nhìn vũ trụ cổ xưa thời tiền máy móc, monomyth trở thành bài học vỡ lòng của những người xây dựng thương hiệu cho các đế chế hàng tỷ USD trên thế giới, những kẻ không thể kém tin hơn vào giấc mơ thần thoại và sự nhất thể giữa ta và Đại Ngã.

Có một huyền thoại của người pygmy về một cậu bé tìm thấy trong rừng một con chim với bài hát tuyệt hay, cậu đưa nó về nhà, nhưng vì cha cậu không muốn chia sẻ thức ăn cho con chim, ông giết nó. Nhưng khi giết nó, ông cũng giết luôn cả bài ca của nó, và khi giết bài ca của nó, ông đã tự giết chính mình. Ông ngã xuống và không bao giờ tỉnh lại nữa. Con chim thần thoại đã bặt tiếng ca, linh hồn của con người cũng tới phiên chờ chết. Con người ngày nay có nhiều câu chuyện hơn bao giờ hết, nhưng nếu như xưa kia những câu chuyện được kể trên môi những bậc hiền triết hay bên những đống lửa giữa đêm sâu khi con người ngước lên những vì sao và tự hỏi điều gì đã khai sinh ra vạn vật, giờ đây những câu chuyện là vị thần đèn tay sai cho chủ nghĩa tiêu dùng. Ta tin vào câu chuyện đằng sau một đôi giày mà Tiger Woods đã đi hơn là câu chuyện về Jesus hồi sinh hay Brahma tự tạo ra mình từ trong quả trứng vàng, ta biếm họa nhà tiên tri Muhammad như kẻ dối trá, ta thầm cười giễu nàng Lọ Lem khi đọc câu chuyện về chiếc giày thủy tinh cho lũ trẻ con nghe trước giờ đi ngủ, và tất cả những gì ta có thể làm sau khi một nữ diễn viên da màu được mời vào vai nàng tiên cá chỉ là nhạo báng chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và phân phe cánh tả hay cánh hữu. 

Không còn gì thiêng liêng, không còn gì bí nhiệm, không còn thánh tích hay nghi lễ, thế giới bị xẻ toạc từ bên trong, ta quan sát thế giới không còn như những vị quan tòa mà chỉ như những vụ án cần làm sáng tỏ. Vũ trụ giờ chỉ còn là cái hồ Loch Ness trống không, không một quái thú nào ẩn hiện dưới sương mờ gợi cho ta những sức mạnh kỳ khôi của màu nhiệm. Nhưng lạc quan mà nói, biết đâu nếu nhìn theo lý thuyết của Joseph Campbell, cách loài người bước ra khỏi thần thoại mẹ để dấn bước theo tiếng gọi của một cuộc phiêu lưu vào sự sáng rõ, đâu đó, cũng là một hành trình của người hùng? Và khi vũ trụ vén màn mở toang trong ánh chớp chói lòa của khoa học, con người tuy sẽ lao đao trước những con rồng thế tục, nhưng vì là người hùng, con người sẽ sống, kể cả nếu chết, con người cũng sẽ sống lại, nếu có ngủ trăm năm con người cũng sẽ tỉnh thức vào một ngày nào đó, và con người sẽ đánh được lửa trong bụng cá voi, để quay về, và lúc này, đã hòa giải với thần thoại của mình và đạt tới một nhận thức cao hơn về việc ta là ai.

Trong một bài tưởng nhớ tuyệt vời dành cho Joseph Campbell, người bạn, người cộng sự Bill Moyers nhớ lại một câu chuyện mà Campbell yêu thích nhất, một câu chuyện mà Campbell tình cờ nghe được ở Nhật Bản, khi một triết gia ở New York nói với một nhà sư theo đạo Shinto rằng ông đã tham gia rất nhiều những buổi lễ Thần đạo nhưng ông vẫn không hiểu nổi hệ tư tưởng của họ. Và nhà sư, chìm vào suy nghĩ của mình trong chốc lát, sau đó chậm rãi lắc đầu: “Tôi không nghĩ chúng tôi có hệ tư tưởng nào cả. Chúng tôi không có thần học. Chúng tôi chỉ nhảy múa”.

Joseph Campbell luôn nói rằng thần thoại là bài ca của vũ trụ. Sai lầm của chúng ta là đứng trước một bản nhạc mà ta lại lăm lăm dao nhọn thô lậu của lý trí những mong phẫu thuật được nó, tưởng rằng đó là cách tốt nhất để thấu hiểu được giai điệu thần kỳ. Không, cách tốt nhất để thấu hiểu một bản nhạc là hãy quên phứt đi những thuyết lý hàn lâm dông dài, hãy hòa mình vào nó, nhảy múa thật tưng bừng theo nó, như Shiva đã tạo ra mọi “sáng tạo, hủy diệt và những thử ở giữa hai điều đó” bằng cách nhảy, nhảy, nhảy nữa lên.□

Hiền Trang

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 24.7.2021.

Tóm tắt: Bài viết trình bày ba khái niệm cơ bản trong nghiên cứu văn học dân gian là truyền thống, dân gianthẩm mĩ, trong sự đối sánh giữa cách hiểu truyền thống và cách hiểu ít nhiều mang tính cách tân do các nhà folklore học thuộc trào lưu Bối cảnh trong folklore học Hoa Kỳ đề xướng và triển khai. Với khái niệm truyền thống, các nhà nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở sự kết nối có tính lịch sử của một đơn vị folklore với quá khứ, mà mở rộng sang sự truyền thống hóa, tức cách thức con người tác động và kiến tạo truyền thống cho chính mình. Với khái niệm dân gian, các nhà nghiên cứu này một mặt đề xuất khái niệm nhóm dân gian - những người cùng chia sẻ bất kỳ một bản sắc chung nào (thay cho một “dân gian” quá rộng và thiên về những người nông dân như trước đây); mặt khác, qua các nghiên cứu những tình huống sử dụng folklore cụ thể, họ cố gắng chứng minh folklore có thể đóng góp, dự phần vào các quan hệ xã hội. Với khái niệm thẩm mĩ, thay vì sử dụng mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa dân tộc, họ lại nhìn nhận cái đẹp của folklore trong sự phù hợp, tương thích với tình huống sử dụng, cũng như trong sự đồng thuận xã hội năng động của nó.

Từ khóa: văn học dân gian, folklore, truyền thống, dân gian, mỹ học, bối cảnh, trình diễn.

Hướng tiếp cận trình diễn (performance-centered approach) là một khuynh hướng nổi lên trong folklore học Hoa Kỳ vào những năm 1960. Ban đầu, hướng tiếp cận này được nhà folklore học uy tín là Richard M. Dorson đặt tên là hướng tiếp cận bối cảnh khi ông “tổng kết nóng” vào năm 1972 về một “trào lưu đang dần lớn mạnh”, do những nhà folklore học “trẻ tuổi và đầy năng lượng” đảm đương [7, tr.45]. Dù không hình thành một trường phái có sự cố kết chặt chẽ, nhưng những nhà folklore học trẻ tuổi được Dorson nhắc đến như Roger Abrahams, Dan Ben-Amos, Alan Dundes, Robert Georges… là thế hệ đầu tiên của folklore học Hoa Kỳ được đào tạo chuyên ngành chính về folklore học tại đại học Indiana và Pennsylvania vào năm 1960 và đặc biệt chia sẻ với nhau quan điểm: phản đối mạnh mẽ việc ghi chép văn bản folklore tách rời bối cảnh ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp, biểu đạt và diễn xướng của nó. Về sau, căn cứ vào những khái niệm trở đi trở lại trong các nghiên cứu của các nhà folklore học này, đã có một sự điều chỉnh về mặt tên gọi cho xác hợp hơn với bản chất của khuynh hướng học thuật đó như hướng tiếp cận lấy giao tiếp làm trung tâm, hướng tiếp cận lấy trình diễn làm trung tâm, trường phái trình diễn/ dân tộc học lời nói/ thi pháp dân tộc học trong nghiên cứu folklore [9, tr.xiii]. Tuy nhiên, tên gọi hướng tiếp cận bối cảnh/ trào lưu bối cảnh do Dorson đặt vẫn tiếp tục được sử dụng, trở thành một “điển phạm” dù ít nhiều gây ngộ nhận (vì hàm ý một sự đối lập/phân đôi giữa văn bản - bối cảnh). Ở đây chúng tôi chọn tên gọi là hướng tiếp cận trình diễn theo cách gọi của một nhà “bối cảnh luận” bền bỉ nhất là Richard Bauman trong các công trình của ông[1].

Xuất hiện vào bước ngoặt của folklore học Hoa Kỳ đang nỗ lực tách ra khỏi truyền thống folklore học châu Âu nhằm tương thích với tình hình tư liệu folklore tại Hoa Kỳ, phản ánh một trong những khủng hoảng trong nghiên cứu folklore học Hoa Kỳ với cuộc tranh luận “Văn bản - Bối cảnh” nổi tiếng trên tạp chí Western Folklore vào năm 1979-1980, hướng tiếp cận trình diễn góp phần thúc đẩy việc nhìn nhận lại nhiều khái niệm cơ bản trong nghiên cứu folklore học, từ đó mở đường cho folklore học Hoa Kỳ tiếp tục thích nghi với văn học dân gian đương đại, đô thị và kỹ thuật số. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về việc ba khái niệm then chốt trong nghiên cứu văn học dân gian là truyền thống, dân gianthẩm mĩ đã được cơi nới, mở rộng như thế nào qua những đóng góp cả về lý thuyết lẫn ứng dụng của các nhà folklore học theo đuổi hướng tiếp cận trình diễn.

1. Khái niệm truyền thống

Trong sự hứng khởi của tham vọng “tái định nghĩa” folklore và mở ra một định hướng nghiên cứu mới, một nhà “bối cảnh luận” được Dorson nhắc đến là Dan Ben-Amos từng tuyên bố loại bỏ khái niệm “truyền thống” ra khỏi cách hiểu về folklore trong bài viết nổi tiếng năm 1971 - “Tiến đến một định nghĩa về folklore trong bối cảnh” [4, tr.3-15]. Tuyên bố của Ben-Amos về sau thường được nhắc đến với ý vị hài hước, khi so sánh với một nhận định cũng của chính của ông vào năm 1984: “[Khái niệm] truyền thống đã sống sót sau rất nhiều lần bị phê phán và tiếp tục là một biểu tượng của folklore và dành cho folklore”[6, tr.124]. Tuy nhiên, xem xét lại ta thấy rằng quan niệm năm 1971 của Ben-Amos vẫn có nhiều chiều kích sâu sắc của nó:

“Sự thừa nhận [một hiện tượng, tác phẩm… nào đó là] truyền thống và sử dụng nó trong văn hóa thì không nhất thiết [là hiện tượng, tác phẩm… đó] phải gắn với một lịch sử được kiểm chứng. Chúng ta thường xuyên sử dụng truyền thống chỉ như một phương tiện tu từ, một thói quen chung của xã hội để nội dung được “vang vọng” hơn… Hơn nữa, trong những nền văn hóa lấy quá khứ làm chuẩn mực, người ta có thể viện đến sự chuẩn y của truyền thống để giới thiệu cái mới… Vì vậy, tính chất truyền thống của folklore là một phẩm chất tình cờ, liên quan đến folklore trong một số trường hợp, hơn là một thuộc tính nội tại khách quan của folklore. Thực tế cho thấy, một số nhóm còn đặc biệt ly khai với ý niệm về tính cổ xưa (antiquity) ra khỏi một số hình thức folklore, mà thay vào đó là trình bày chúng như là một điều mới lạ. Vì vậy, chẳng hạn như, folklore của trẻ em sở dĩ được sử dụng hiệu quả là vì người sử dụng cho rằng nó mới mẻ. Thường thì trẻ em sẽ cho rằng những bài vè là những sáng tạo tươi mới do chúng tự tạo ra. Tương tự như thế, câu đố phải là một cái gì đó xa lạ với người giải đố. “Một câu đố đã được biết” là một cách nói mâu thuẫn từ bên trong. Thực tế còn cho thấy, câu đố chắc chắn sẽ biến mất, không còn được lưu truyền nữa bởi vì chúng có “tính truyền thống” và được các thành viên trong nhóm nhận ra” [5, tr.14-15].

            Như vậy, sự ly khai của Ben-Amos là sự ly khai với tính truyền thống hiểu theo nghĩa truyền thống phải là “cái cổ xưa”, có một sự kết nối có thể kiểm chứng được với các sự thật lịch sử. Đây sẽ là tiền đề cơ bản để dẫn đến sự mở rộng quan niệm về truyền thống sẽ được một nhà “bối cảnh luận” khác là Richard Bauman phát biểu đầy đủ và vận dụng tích cực sau này. Quan niệm cổ điển về tính truyền thống của folklore (chủ yếu gắn với cái nhìn lãng mạn và cái nhìn duy lý thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) cơ bản là: một đơn vị được xem là folklore khi mà nó bắt nguồn từ trong quá khứ và vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng đến hiện tại[2]. Tuy nhiên, theo Bauman, hiện nay đã nổi lên một sự tái định hướng trong nghiên cứu truyền thống, “… không xem truyền thống như một sự kế thừa văn hóa của quá khứ nữa, mà hiểu truyền thống như một sự kiến tạo có tính biểu tượng trong hiện tại. Theo nghĩa đó thì truyền thống được nhìn nhận như một cấu trúc có tính chọn lọc và tính diễn giải, là một sự sáng tạo có tính biểu tượng và tính xã hội về sự kết nối giữa các phương diện của hiện tại và một sự diễn giải quá khứ” [2, tr.31-32].

Bauman tiếp tục đưa ra những triển vọng của quan niệm mới về truyền thống như trên: “Việc quan niệm truyền thống như là một ý nghĩa được ấn định có tính diễn giải không chỉ chung cấp cơ sở hữu ích cho sự hiểu biết sâu sắc về folklore tự thân nó cũng là một cấu trúc có tính biểu tượng, mà còn mở ra những cách thức để khám phá các phong trào phục hồi văn hóa dựa trên folklore, việc sử dụng truyền thống như một cơ chế để quản lý xã hội và các cấu trúc hiện đại của các truyền thống được tạo tác sau này” [2, tr.32].

Như vậy thì nghiên cứu truyền thống đã mở rộng sang nghiên cứu sự truyền thống hóa (traditionalization). Truyền thống cần được hiểu như là: Cái gì chúng tôi cho là/ muốn là (một cách ý thức/ vô ý thức) truyền thống thì đó là truyền thống. Và nghiên cứu truyền thống, bên cạnh nghiên cứu chiều kích lịch sử của hiện tượng, còn là sự nghiên cứu cách thức con người tác động vào việc kiến tạo truyền thống cho chính mình. Hoạt động kiến tạo này gắn với và xuất phát từ một nhu cầu tâm lý chung của nhân loại - tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống hiện tại của chúng ta như câu nói nổi tiếng của Merleau-Ponty “Con người bị kết án phải có ý nghĩa”. Cho nên, nếu chúng ta được kết nối với một quá khứ nhiều ý nghĩa (là truyền thống), thì hiện tại chúng ta đang sống là một hiện tại có ý nghĩa. Nếu hiểu như thế thì con người không phải chỉ là một đối tượng chịu sự áp đặt và quy định của “truyền thống”, thói quen, mà con người hiện ra trong tính năng động, chủ động và tích cực với không gian văn hóa của chính mình.

Với những nghiên cứu tập trung vào các tiết mục diễn xướng cụ thể, vào người nghệ nhân trình diễn có một tiểu sử và bản sắc xác định, hướng tiếp cận bối cảnh đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hiểu biết mới về truyền thống này. Truyền thống không chỉ hiện diện như một sản phẩm vô danh, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà truyền thống hiện ra trong một lần sử dụng thực tế của đời sống xã hội, trong đó truyền thống và cách tân, cá nhân và cộng đồng xuyên thấm và đan bện vào nhau trong một tương tác sinh động và có tính quá trình.

Xin dẫn ra một ví dụ của cách tiếp cận truyền thống như thế là bài viết của Richard Bauman (1992) - “Bối cảnh hóa, truyền thống và đối thoại thể loại: Những truyền thuyết Iceland về kraftaskáld” [3, tr.125-146]. Trong bài viết này, Bauman đã nghiên cứu một tình huống kể chuyện của ông Jon Nordmann ở Reykjavik được ghi âm vào năm 1968. Trong đó, Nordmann kể về một kraftaskáld - nhà thơ có năng lực ứng tác những câu thơ ma thuật để xử lý các tình huống khó khăn. Ở đây, kraftaskáld là một cha xứ tên là Páll, thường được gọi Cha Páll skádi hay Páll Nhà thơ. Câu chuyện kể về việc một lần Cha Páll đã xung đột với một ngư dân ở đảo Westman và ứng tác một đoạn thơ ma thuật, với bản dịch tiếng Anh như sau: “Should it turn out that in the end/ You get to fall into the sand,/ may it cut itself down in your throat/ out of you, the tongue-devil” (Ngươi biết chuyện gì sẽ xảy ra không/ Ngươi sẽ ngã vùi vào cát nóng/ và tự cắt phăng ra khỏi cuống họng của ngươi/ chiếc lưỡi đê hèn quỷ dữ). Và những gì Páll nguyền rủa và dự đoán đã xảy ra đối thủ của ông: ngư dân gây hấn với Páll đã bị một con tôm ăn mất lưỡi khi ngã vào bãi cát.

“Tính truyền thống” của câu chuyện được chứng minh qua việc người ta đã tìm thấy một dị bản khác của câu chuyện được lưu hành trong cộng đồng đó, với cốt truyện tương tự và những khác biệt không đáng kể về chi tiết: đối thủ của Páll không phải là ngư dân là một nhà thơ ma thuật khác tên Jon Torfabrodur, và bài thơ ma thuật của Páll có một số thay đổi về diễn đạt như sau: “It would be better for (all) your talk/ (if) you got to fall into the sand./ That may it cut itself up (out of) your throat/ out of you, the tounge-devil!” (Nếu ngươi mà còn nói thế/ thì ngươi sẽ ngã nhào vào cát/ và rơi ra khỏi cuống họng ngươi/ cái lưỡi ma quỷ đáng ghét). Đó chính là cách hiểu “tính truyền thống” theo quan niệm cổ điển: tác phẩm phải được lưu truyền bằng miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác và tồn tại với nhiều dị bản trong nhóm xã hội (social group) mà nó lưu truyền.

Tuy nhiên, theo Bauman, còn một chiều kích khác của tính truyền thống nữa, mà bằng sự khảo sát kỹ lưỡng diễn ngôn của người kể chuyện về mặt ngôn ngữ, nhà folklore học đã chỉ ra một cách xác đáng. Đó là, trong khi kể câu chuyện về Páll nhà thơ, người kể chuyện là ông Nordmannn, bằng các phương tiện ngôn từ, đã liên tục bối cảnh hóa bài thơ và câu chuyện của mình, và từ đó truyền thống hóa câu chuyện. Ông Nordmann đã đặt diễn ngôn của mình trong mối quan hệ với một chuỗi liên tiếp những diễn ngôn khác: ban đầu xảy xa với chính Páll, sau đó là em gái của Páll là Gudrún và diễn tiến xuyên qua cha của ông và ông. Sự truyền thống hóa này bắt đầu với dòng 5-6: “although it is connected with Gudrún, daughter of Reverend Páll the Poet in the Westman Islands.” (“mặc dù nó liên quan với Gudrún, em gái của Cha Páll nhà thơ ở Đảo Westman”) và kết thúc với dòng 25 - “Now Gudrún, his daughter, told my father this story” (Giờ thì đến lượt em gái ông là Gudrún kể với cha của tôi câu chuyện này”. Như vậy với sự kiện kể chuyện này, ông Nordmann đã trực tiếp tham gia vào một hành động của cấu trúc có tính biểu tượng, vẽ ra những kết nối liên tục mà nhờ đó, ông có thể neo buộc câu chuyện của mình vào những diễn ngôn của quá khứ như là một phần của sự tường thuật của chính ông, và đây chính là hành động truyền thống hóa, được thực hiện thông qua thao tác bối cảnh hóa, cấp cho câu chuyện một quyền lực của quá khứ - bằng cách chân xác hóa câu chuyện như một loại diễn ngôn xác định. “Truyền thống” không còn là một phẩm chất sẵn có trong đối tượng văn hóa, mà là một sự xây dựng năng động (active construction) những liên kết nối hiện tại với một quá khứ có ý nghĩa.

2. Khái niệm dân gian

Thuật ngữ “folk” (dân gian) lần đầu tiên được giới thiệu vào lý thuyết xã hội là vào thế kỷ 18 và trở thành một trong những khái niệm cơ sở cho sự phát triển của xã hội học thế kỷ 19, gắn với truyền thống lớn về tiến hóa luận và thuyết chủng loại. Trong bối cảnh folklore học Mỹ, quan niệm về “folk” truyền thống được thể hiện và củng cố với mô hình “xã hội dân gian” (folk society) của nhà nhân học Redfield trong công trình Xã hội dân gian (The Folk Society) xuất bản năm 1947. Khi nghiên cứu các xã hội nông dân (peasant society) ở Mexico, Redfield đã xây dựng một khái niệm có tính công cụ để phục vụ cho nghiên cứu là “folk society”. “Folk society” (“Xã hội dân gian”) là một xã hội có các đặc điểm như: ít có liên hệ với bên ngoài trong khi liên hệ giữa các thành viên lại sâu sắc; giữa các thành viên có những tương đồng lớn về hình thể, hành vi và ý thức hệ; có rất ít thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác; độc lập về kinh tế và tự cung tự cấp; hoàn toàn không có sách vở, con người giao tiếp và chuyển giao tri thức bằng đường truyền miệng; có ít những suy nghĩ trừu tượng hoặc nỗ lực hệ thống hóa kiến thức; thay vào đó, người ta sử dụng chủ yếu những cách suy nghĩ và diễn đạt có tính chất thần bí, nhân hình hóa và biểu tượng; có một sự phân công lao động đơn giản và hoàn toàn không có trao đổi thương mại bằng giá cả thị trường... [15, tr.234-247]. Redfield cũng tin rằng trong thực tế, không có một xã hội nào có thể đáp ứng được tất cả miêu tả trên, khái niệm “folk society” hoàn toàn là một ý tưởng mang tính công cụ phục vụ nghiên cứu, để đối lập với “xã hội đô thị” (“urban city”) [15, tr.231-232]. Từ đó ông thiết lập một thang đo để nghiên cứu các xã hội - có những xã hội gần hơn hoặc xa hơn với mô hình “folk society” lý tưởng và đầy tính “hư cấu” kia: xã hội nguyên thủy (primitive society) thì gần hơn với “folk society”, và những xã hội xa với “folk society” hơn là xã hội nông dân (peasant society) - đối tượng nghiên cứu của Redcliff - và xa hơn nữa, nằm ở đối cực phía bên kia chính là xã hội đô thị (urban city). Redcliff cũng nói rằng mình chọn “folk” để đặt tên cho xã hội lý tưởng này bởi vì ông cảm thấy rằng chính xã hội kiểu này sở hữu folklore và folksongs (dân ca). Ông xem folklore và folksongs là đặc trưng của xã hội dân gian thuần nhất, phân biệt (nằm ở thái cực bên kia) với văn học và âm nhạc đại chúng được sáng tạo bởi các chuyên gia trong thành phố [14, tr.1-2].

Về phương diện lịch sử, đường dây mà Redcliff nêu ra phản ánh một cái nhìn tiến hóa luận của xã hội đi từ tiền hiện đại đến hiện đại; và những cấu trúc mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tiễn như vậy đã tiếp tục củng cố cho quan điểm rằng “folk society” đang dần biến mất nhanh chóng để tiến đến hiện đại, và folklore sẽ rơi rớt dần trong bước tiến đó vì folklore không tương thích với xã hội hiện đại. Hệ quả là các nhà folklore học tiếp tục định hướng công việc sưu tầm và nghiên cứu của mình hướng về những người sống ở thôn quê, gắn bó với đồng ruộng, những nhóm người thiểu số, hơn là những người đã hoàn toàn dấn thân vào đời sống thành thị. Folklore Hoa Kỳ thời kỳ đầu cũng tập trung vào những nhóm người còn gần gũi với thiên nhiên như người thợ xẻ, thợ mỏ, cao bồi…

Hiện nay quan niệm này về “folk” vẫn tiếp diễn, song đã có những chuyển biến trong quan niệm về “folk” (hay nói rộng ra là quan niệm về nền tảng xã hội của folklore). Đáng kể nhất là bước chuyển được đề xuất bởi một trong những thành viên của hướng tiếp cận bối cảnh (vào thời kỳ đầu) là Alan Dundes. Trong Nghiên cứu folklore (The Study of Folklore) (1965) [8, tr.2][3], Alan Dundes có một đề xuất quan trọng trong quan niệm về “folk” mà sẽ bước đầu khơi mở cho hướng nghiên cứu folklore đồng đại và đương đại:

“Thuật ngữ “folk” (dân gian) có thể dùng để chỉ bất cứ nhóm người nào chia sẻ với nhau ít nhất một điểm chung. Không quan trọng điểm chung mang tính kết nối này là gì - nó có thể là nghề nghiệp, ngôn ngữ hay tôn giáo chung - mà điều quan trọng là một nhóm hình thành từ bất cứ nguyên do gì cũng có một số truyền thống mà nó tự nhận là thuộc về mình. Về mặt lý thuyết, một nhóm có thể bao gồm ít nhất hai thành viên, nhưng thường thì các nhóm sẽ có nhiều người. Một thành viên trong nhóm có thể không cần biết hết những người còn lại, nhưng anh ta phải biết điểm căn cốt chung của truyền thống thuộc về nhóm, những truyền thống giúp cho nhóm có một ý thức về bản sắc nhóm” [8, tr.2].

Sự tái định hướng lại khái niệm “folk” này được sự hưởng ứng rộng rãi của các nhà folklore học[4], mở ra chiều kích đương đại và đồng đại trong nghiên cứu folklore, khiến folklore học trở thành một ngành học triển vọng và đầy tương thích với xã hội hiện đại.

Hướng tiếp cận thứ hai này, dù khắc phục được hạn chế mang tính tiến hóa luận của hướng tiếp cận cổ điển, mở ra triển vọng cho việc nghiên cứu folklore đương đại, song nó vẫn có nhiều nét tương đồng với hướng tiếp cận thứ nhất. Cả hai hướng tiếp cận đều dựa trên sự đồng nhất (homogeneity): hướng tiếp cận cổ điển là sự đồng nhất tuyệt đối (complete homogeneity) trên phương diện xã hội, hướng tiếp cận thứ hai thu hẹp lại sự đồng nhất đó ở cấp độ nhóm (group) - là một sự đồng nhất giới hạn (limited homegeneity). Do cùng chú ý đến một sự đồng nhất nên hệ quả là, nghiên cứu folklore ở cấp độ xã hội hay cấp độ nhóm (hẹp hơn xã hội) thường tập trung vào phương diện phản ánh của folklore. Chẳng hạn như, khi nghiên cứu các folk group (nhóm dân gian) ở trường đại học (campus folk group) nơi mà thể loại truyền thuyết trường đại học (campus legend) chiếm ưu thế, nhà nghiên cứu có thể để từ đó thấy được những áp lực/ sự căng thẳng đến từ học tập, từ các mối quan hệ giữa sinh viên với giảng viên, với bạn bè, với khoa và phòng ban… được phản ánh thông qua folklore như thế nào; còn vai trò hiệu chỉnh những căng thẳng này của folklore sẽ khó lòng thấy được nếu chọn nghiên cứu trên diện rộng như vậy, hoặc nếu có, cũng sẽ dễ rơi vào võ đoán.

 Hướng tiếp cận trình với tính chất nghiên cứu thường nghiệm (impirical investigation), nghiên cứu sự sử dụng folklore trong các tình huống sử dụng có tính tương tác cụ thể sẽ làm sáng tỏ vấn đề folklore có thể đóng góp, dự phần vào các quan hệ xã hội như thế nào, tức nhìn folklore trong tính tích cực chủ động của nó, chứ không chỉ là tấm gương phản ánh xã hội, hay một công cụ giúp soi sáng các vấn đề xã hội.

Chẳng hạn như, trong công trình “Ngụ ngôn trong bối cảnh: Một phân tích tương tác xã hội của trình diễn kể chuyện” [10, tr.105-130], Barbara Kirshenblatt-Gimblett đã quan sát một tình huống sử dụng chuyện ngụ ngôn trong gia đình một cách hợp lý có thể giúp hòa giải căng thẳng giữa các thành viên như thế nào. Bối cảnh xảy ra sự trình diễn là một buổi tối tại gia đình của Max - em trai người kể chuyện, có mặt vợ cậu ta là Ruth và những đứa trẻ. Không khí gia đình khi đó đang rất căng thẳng vì Max đã hứa nhiều lần sẽ đưa những đứa trẻ đi xem phim nhưng rồi liên tục thất hứa - xin lỗi và được chấp nhận - lại thất hứa. Đến lần thứ năm, sự xin lỗi của Max không có tác dụng nữa, lũ trẻ khóc lóc và Ruth thì tức giận. Max đề nghị đi xem phim ngay, khi đó đã 9 giờ tối nên mọi người không ai hưởng ứng. Max không nhận ra lỗi của mình, liên tục bào chữa, biện minh, cho rằng mình không có gì sai cả khi đã cố cho gia đình đi xem phim ngay lúc đó. Trong tình huống đó, thay vì nói thẳng với Max rằng cậu sai - vốn rất có thể sẽ dẫn đến sự xin lỗi, giải thích vốn đã không đi đến đâu, người kể chuyện là Dvora đã kể một câu chuyện ngụ ngôn đại ý như sau:

Một người theo Do Thái giáo đến xưng tội với linh mục, vị linh mục hỏi anh ta đã phạm tội gì. Ban đầu anh ta nói mình đã phạm tội không cầu nguyện (vốn là một tội nhỏ), nhưng với sự chất vấn liên tục của linh mục, các tội của anh ta dần dần được lộ diện (mới mức độ nặng tăng dần) và cuối cùng là tội đích thực (mà anh ta đã cố tránh né): từ không cầu nguyện vì đã không rửa tay, không rửa tay vì đã ăn thức ăn không phải của đạo Do Thái, ăn thức ăn không phải của đạo Do Thái vì đó là ngày Yom Kippur nên các tiệm ăn Do Thái đều đóng cửa, và đến tội thực sự của anh là đã ăn đồ ăn không phù hợp (không phải đồ chay) vào ngày Yom Kipprur - ngày lễ rất quan trọng của đạo Do Thái và mọi người phải ăn chay.

Câu chuyện này cũng tương đồng với tình trạng của Max khi anh ta liên tục sử dụng những biện hộ/ thanh minh nhằm đánh lạc hướng vấn đề: “Dvora, hãy nói đi. Chị hãy nói cho tôi biết một ông bố muốn đưa con đi xem biểu diễn thì có gì sai? Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi muốn các con đi xem biểu diễn với mình. Tất cả chúng đều nói là tôi làm một việc không đúng. Không đúng cái gì?” [16, tr.669]. Những lời này cho thấy Max đã không nhận ra (hay cố ý lờ đi) lỗi thật sự của mình: thất hứa nhiều lần với vợ con. Và câu chuyện về anh chàng không thể “chạy tội” trước vị linh mục khôn ngoan đầy ý vị hài hước đã giúp Max nhìn ra vấn đề một cách ít thương tổn hơn, cả anh và vợ đều bật cười và không khí được xoa dịu, cả nhà chấp nhận lần sau sẽ đi xem phim sớm hơn. Tính thích hợp của câu chuyện được nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thông qua các phỏng vấn với Dvora - người kể chuyện: tại sao bà lại sử dụng dị bản này không không sử dụng một dị bản khác của câu chuyện, đánh giá cấu trúc logic được khái quát hóa của câu chuyện ngụ ngôn phù tương thích với tình huống của câu chuyện (một người đánh giá lỗi lầm của mình theo cách chỉ nhìn nhận riêng nó mà không để ý đến những lỗi trước đó - vốn là nguyên nhân thật sự gây căng thẳng), giải pháp của chuyện ngụ ngôn cũng chính là giải pháp của vấn đề đang diễn ra… Và ngay sau khi kể xong câu chuyện, Dvora không dừng lại vấn đề này quá lâu mà chuyển sang một chuyện khác. Có thể nói, qua đó ta thấy được sự sử dụng thông minh của một người giàu trải nghiệm sống lẫn trải nghiệm kể chuyện đã khiến một đơn vị folklore tham gia tích cực vào việc hiệu chỉnh và thiết lập sự cân bằng trong các tình huống căng thẳng và xung đột xã hội như thế nào. 

3. Khái niệm thẩm mĩ

Sự hấp dẫn về mặt thẩm mĩ là nguyên nhân đầu tiên khiến folklore được chú ý vào thế kỷ 18 và 19, thúc đẩy sự ra đời của những công trình kinh điển như Di sản thơ ca Anh cổ (1756) của Thomas Percy, Kalevala (1835) của Elias Lonnrot, Chuyện kể cho trẻ em và trong gia đình (1812-1857) của anh em nhà Grimm… Ngày nay, vẻ đẹp của văn học dân gian vẫn được nhìn nhận theo tiêu chuẩn thẩm mĩ của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa dân tộc thế kỷ 19 đó: văn học dân gian là “dấu chỉ” của tinh thần dân tộc, là suối nguồn thơ trẻ với những tình cảm hồn nhiên, thuần khiết vào thời kỳ con người còn gần gũi với thiên nhiên, chưa bị chủ nghĩa duy lý và sự phát triển công nghiệp làm cho xơ cứng, cằn cỗi. Việc thơ dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích… được nghiên cứu và giảng dạy trong các khoa văn học như là mở đầu cho tiến trình văn học càng củng cố cho luận điểm này. Tuy nhiên nhiều cuộc tranh luận khi khoan khi nhặt nổi lên trong xã hội và truyền thông của chúng ta cho thấy một sự khủng hoảng tất yếu xảy ra nếu chúng ta cứ tiếp tục sử dụng những tiêu chí của văn học viết để đánh giá văn học dân gian (hay chính xác hơn là tác phẩm folklore): Có nên bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi sách giáo khoa vì cái kết man rợ?, hiện tượng “chế” ca dao, tục ngữ trên mạng, hay cuốn sách gây xôn xao một thời “Sát thủ đầu mưng mủ”[5]… Phải chăng, văn học dân gian luôn phải nói cái hay, điều tốt, nhân văn thì mới “xứng đáng” là văn học? Thật ra, văn học dân gian, hay chính xác hơn là folklore ngôn từ, là một bộ phận của một thực thể rộng lớn hơn - folklore - theo cách hiểu hiện nay là những giá trị văn hóa truyền thống và phi chính thống, được học hỏi bằng đường truyền miệng hơn là từ các trường, viện chính thống [11, tr.16]. Như vậy thì, folklore bao hàm cả những điều tích cực lẫn tiêu cực, như Elliott Oring đã phát biểu rất khái quát:

“… folklore nói chung và truyện kể dân gian nói riêng, không nhất thiết phải diễn tả tất cả những gì là tốt lành, xinh đẹp hay cao thượng trong thế giới này. Các truyện kể dân gian phản ánh những xã hội và những cá nhân đã sáng tạo ra và lưu truyền chúng; và kết quả là, chúng phản ánh trên diện rộng tất cả những ý tưởng và cảm xúc con người. Chúng ta phải dần quen với sự thật là truyện kể dân gian không chỉ ghi lại chiến thắng của cái thiện trước cái ác và sự bất công, sự hy sinh quên mình trên hành trình theo đuổi lẽ phải, hay những hành động tốt đẹp sẽ được các lực lượng siêu nhiên ban thưởng, bù đắp. Chắc chắn là có những câu chuyện như vậy thật, nhưng chúng ta cũng cần nhớ là các truyện kể dân gian còn có những chủ đề về bạo lực, lòng căm thù, sự tàn bạo, sự phân biệt chủng tộc, thành kiến, bản năng giới tính, sự dâm ô và thậm chí tục tĩu nữa. Nếu chúng ta chỉ muốn được nghiên cứu một hay hai trong số các chủ đề này thì chúng ta đã không hiểu đúng đắn về folklore - sự biểu đạt của các điều kiện sống thuộc về con người, mà chỉ muốn biện bạch, hợp lý hóa hay minh họa cho triết lý sống hay thế giới quan mà chúng ta theo đuổi” [12, tr.133].

Lẽ dĩ nhiên, khi dùng tác phẩm folklore để đưa vào sách giáo khoa, gắn với công tác giáo dục thì người biên soạn phải lựa chọn những điều tích cực, phù hợp với lứa tuổi; tuy nhiên để nghiên cứu tác phẩm folklore như một ngành khoa học, thì chúng ta không thể chối từ hay phủ định những nội dung “không nhân văn” của tục ngữ, câu đố, truyện cười… Và như vậy thì, hệ thống mỹ học truyền thống sẽ không thể tương thích và lúng túng khi sử dụng để đánh giá nhiều hiện tượng folklore ngôn từ.

Các nhà “bối cảnh luận” đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm, và với những tuyên ngôn lý thuyết như “[folklore] là một quá trình hiện thực, nghệ thuật và giao tiếp” hay “[folklore] là giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ” [4, tr.9-10], cũng như những nghiên cứu các đơn vị folklore trong các tình huống sử dụng hàng ngày của họ, đã mở ra những chiều kích mới của một mỹ học folklore trong trình diễn, mà nếu được hiểu thấu đáo, có thể giải quyết những lúng túng của mỹ học truyền thống.

Tôi xin thử phác thảo hai đặc điểm của một mỹ học folklore trong trình diễn đó:

(a) Cái đẹp của folklore là cái đẹp của sự phù hợp (fitness). Phạm trù “cái đẹp” ở đây sẽ toát lên qua sự cân đối, hài hòa giữa tình huống/ hoàn cảnh với đơn vị folklore được sử dụng. Chẳng hạn với thể loại tục ngữ, cái “đúng” và “hay” của một câu tục ngữ phải được hiểu là sự “fitness” - sự hợp với hoàn cảnh sử dụng của nó. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không tiếp tục công việc tìm kiếm các giá trị (value) có tính phổ quát/ “quốc tính” qua tục ngữ, mà thường võ đoán, cảm tính và dẫn đến hai thái cực: hoặc là ca ngợi quốc tính (với việc dùng tuyền những câu tục ngữ về lòng yêu thương đồng loại, vị tha, bao dung, yêu lao động…), hoặc là phê phán quốc tính (với việc dùng tuyền những câu tục ngữ về sự ích kỷ, vụ lợi, lười biếng, vô trách nhiệm, khôn vặt…) (Dĩ nhiên, quốc tính là việc cần thiết đặt ra, nhưng phải với một cách tiếp cận tổng thể hơn). Tính tương hợp càng cao và tương hợp trên nhiều bình diện sẽ khiến chúng ta “trầm trồ”. Hãy thử xem qua một tình huống mà Sw. Anand Prahlad đã phân tích trong African - American Proverbs in Context [13, tr.177-178]. Theo giới thiệu của nhà nghiên cứu thì đoạn hội thoại sau được sưu tầm trong phòng billiard tại tòa nhà dịch vụ sinh viên của Virginia Commonwealth University ở Richmond, Virginia. Nhà nghiên cứu đã làm thêm ở đây vào chiều và tối. Hai nhân vật D. và R. khoảng 30 tuổi, là khách thường xuyên và thường chơi mỗi lần ít nhất vài giờ. R. là một kiểu “man-of-words” (người đàn ông hoạt ngôn) mà lời nói lúc nào cũng có nhịp điệu, trò cười, đệm rap, triết lý, và cả từ chửi thề “tục tĩu”. Cuộc nói chuyện của họ thường về đề tài phụ nữ. Nhà nghiên cứu vẫn tình cờ nghe các cuộc nói chuyện này, họ cũng thường nhắc đến ông để kéo ông vào cuộc nói chuyện. Một trong các sưu tầm tình huống của nhà nghiên cứu như sau:

“Ví dụ #86

Cuộc nói chuyện chuyển chủ đề sang một người phụ nữ nào đó mà cả hai cùng biết. D nói, làm mặt nhăn nhó như đang ăn đồ chua, “Mày thích nó hả, nhưng nó đen quá. Ý tao là, nó không phải đen thui, mà là xanh đen. Và quan trọng là nó xấu quá!” Rồi anh ta tự cười một lúc và tiếp tục đánh. R. nói một cách bình thản, “À, mày biết người ta nói gì không” - anh đặt phấn lên đầu gậy rồi tiếp - “the blacker the berry, the sweeter the juice” (dịch sát nghĩa là: trái berry càng đen thì nước ép càng ngọt).” [13, tr.177]

Tác giả phân tích câu tục ngữ trong bối cảnh như sau: Câu tục ngữ, với sự biểu lộ tương tự là người đàn ông sẽ thắng bạn anh ta tại bài billard hay có một cú đánh hiểm hóc, có chức năng biểu cảm và phản biện. Về chức năng biểu cảm, người đàn ông đang tán dương những đặc điểm của một người phụ nữ da đen. Ý nghĩa xã hội (social meaning) của câu tục ngữ là một người da càng đen thì càng hấp dẫn. Cấp độ nghĩa này có liên quan đến một hình ảnh thuộc về chủng tộc có tính tiêu cực về làn da đen tồn tại phổ biến trong đầu óc phương Tây và thường chứa đựng thái độ bác bỏ sự thành kiến đó. Vì vậy, câu tục ngữ có một lịch sử mang tính văn hóa, như là một phần của nghi thức “phòng vệ/ tấn công” và là một cú “trả đũa” ngôn ngữ khôn ngoan trong một sự kiện nói mà hao hao một cuộc đấu tay đôi… Trong sự kiện giao tiếp này, câu tục ngữ ẩn dụ cho không chỉ những thuộc tính về giới của người phụ nữ, mà cả những hấp dẫn về tính cách, hành vi và thể chất của cô ta. Rõ ràng, trái beery (trái mọng) là ẩn dụ cho người phụ nữ, và “nước ép” ẩn dụ cho hàng loạt những thuộc tính của cô ta. Về chức năng phản biện, hành động nói sử dụng tục ngữ xảy ra trong bối cảnh tức thời và bối cảnh khái quát của sự ganh đua và cạnh tranh tồn tại giữa hai người đàn ông. Tính chất cạnh tranh này biểu lộ thường xuyên trên bàn billiard và trong các cuộc trò chuyện qua lại. D có nước da sáng hơn, trong khi R. thì đen hơn, và một vấn đề mà tương tác giữa hai người phải giải quyết không chỉ nằm ở tinh thần cạnh tranh của nam giới nói chung, mà còn là sự trả đũa của R. trước lời tấn công về việc lựa chọn phụ nữ của anh ấy về màu da đen nói chung. Theo phương diện này, hành động nói sử dụng tục ngữ có chức năng như một đòn phủ đầu, một cú hồi mã thương thành công và khuất phục người nói trước. Bằng cách sử dụng tục ngữ để khẳng định vẻ đẹp của làn da đen, người nói đã đặt đối phương vào tình thế không thể công khai phản đối mà không thể hiện sự kỳ thị chủng tộc. Chúng ta cũng cần lưu ý là hành động nói là một phần quan trọng trong trận đấu thể chất đang diễn ra giữa hai người đàn ông, và nó cũng có tác động lên những gì đang diễn ra trên bàn billiard. Như thế, nghĩa tình huống bao hàm sự giao tiếp rằng “Tôi giỏi hơn anh”, và “Tôi là một tay chơi cừ hơn anh và sẽ đánh bại anh bất cứ lúc nào” [13, tr.178].

Với bối cảnh được tác giả bao quát, miêu tả và phân tích ở trên, ta thấy câu tục ngữ được đưa ra cực kỳ phù hợp với hoàn cảnh sử dụng: phù hợp về hình thức ban đầu (trái berry màu đen ẩn dụ cho nước da đen) đến những phù hợp sâu xa hơn (đáp trả với sự phân biệt chủng tộc, liên quan đến tính cạnh tranh trong lời nói, trong cuộc đấu billiard tay đôi, và trong sự ganh đua của những người nam nói chung). Vẻ đẹp của sự phù hợp (fitness) này liên quan mật thiết để sự lựa chọn của tác giả, và đến tính dị bản đa dạng của một đơn vị folklore.

(b) Triển khai từ (a), ta thấy cái đẹp của folklore còn là cái đẹp của sự hợp nhất giữa quá khứ và hiện tại vào trong một khoảng khắc của giao tiếp. Cũng trên bình diện của sự hài hòa, cân đối, nhưng lần này, đó là sự hài hòa giữa trải nghiệm số đông và trải nghiệm cá nhân, trải nghiệm có tính lịch sử và trải nghiệm nhất thời. Chẳng hạn như, cũng với thể loại tục ngữ, với việc định hình trong một khuôn mẫu ngắn gọn, cân đối, nhịp nhàng, quen thuộc như một “chân lý”, tục ngữ mang một sức nặng của quá khứ, khiến nó hiện hữu rất chắc chắn trong giao tiếp, mà người nghe rất khó để có thể “phản biện” lại ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo một nhà bối cảnh luận khác là Roger Abrahams, để có thể hiểu được một đơn vị folklore thì lúc nào cũng phải chỉ ra và hiểu được các “xung lực đối lập” (“opposing forces”) trong các nhóm sử dụng folklore để tương tác với nhau [1, tr.6]. Những dữ liệu nhân học được miêu tả đầy đủ, các mối bận tâm và vấn đề của nhóm đó sẽ cung cấp cho chúng ta những đối lập trong sự thống nhất biện chứng năng động. Như vậy, cái đẹp của folklore hiện ra trong tương tác nhóm là cái đẹp của sự đồng thuận (“unity”), nhưng đó không phải là một “unity” tĩnh tại, mà là một “sự đồng thuận năng động” (“dynamic unity”), - một sự thống nhất có được từ sự giằng co của các xung lực đối lập. Các xung lực đối lập đó không nằm ngoài những phạm trù phổ quát như truyền thống - cách tân, nam - nữ, già - trẻ,… nhưng trong mỗi tình huống cụ thể sẽ có các đối lập nổi trội. Vai trò folklore trong tác tương tác nhóm như vậy sẽ vừa phản ánh các xung đột (tức folklore đóng vai trò như một phương tiện biểu đạt), vừa hòa giải xung đột và thiết lập cân bằng.

Chuyên sâu hơn, hướng tiếp cận lấy trình diễn làm trung tâm được gợi cảm hứng và thu hút vào nó quan điểm và phương pháp của nhân học và ngôn ngữ học, đặc biệt là Thi pháp dân tộc học (ethnopoetics) và Mỹ học dân tộc học (athnoaesthetics). Thi pháp dân tộc học hướng đến xây dựng các mô hình mỹ học của các hình thức văn học truyền miệng và “phiên dịch liên ký hiệu” - chuyển các ghi âm trình diễn thành các văn bản in ấn - bằng cách nào để vẫn giữ được vẻ đẹp của trình diễn. Trong khi đó, mỹ học dân tộc học là sự vận dụng của điểm nhìn người trong cuộc (emic) của dân tộc học để vạch ra hệ thống mỹ học bản địa, sử dụng chính những thuật ngữ bản địa để khám phá vẻ đẹp của văn học dân gian từng địa phương, dân tộc khác nhau trên thế giới.

Có thể nói, với việc nhận thức lại/ chọn một hướng tiếp cận khác với truyền thống nghiên cứu folklore đối với các vấn đề cơ bản của folklore học, hướng tiếp cận trình diễn đã giúp tăng trưởng những nhận thức về vẻ đẹp của folklore ngôn từ, đồng thời mở rộng nhận thức về thể loại, sưu tầm và phân tích folklore. Đây là những vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết trong những bài viết sau. Sự tái định hướng này đã góp phần giúp folklore học Hoa Kỳ tháo gỡ những khủng hoảng trong nghiên cứu folklore vào bước ngoặt những năm 1960, mở đường cho folklore học trở thành một ngành học mạnh tại Hoa Kỳ ngày nay với vô số khoa, phân khoa tại các trường đại học lớn. Một sự tham khảo thích hợp cũng sẽ hữu ích trong việc tăng trưởng nhận thức về folklore ngôn từ hay văn học dân gian hiện nay tại Việt Nam.

               

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.            Abrahams, Roger (2006), Deep Down in the Jungle: Black American Folklore from the Streets of Philadelphia, Aldine Transaction Publisher, Chicago.

2.            Bauman, Richard (1992), “Folklore”, in trong Folklore, Cultural Performances, and Popular Entertainments: A Communications-Centered Handbook, Oxford University Press, New York.

3.            Bauman, Richard (1992), “Contextualization, traditional, and the dialogue of genres: Icelandic legends of kraftasskáld”, in trong Rethinking Context - Language as an Interactive Phenonmenon, Alessandro Duranti và Charles Goodwin (biên tập), Cambridge University Press, Cambridge.

4.            Ben-Amos, Dan (1971), “Toward a Definition of Folklore in Context”, Journal of American Folklore (84, 331).

5.            Ben-Amos, Dan (1982), “Toward a Definition of Folklore in Context”, in lần đầu năm 1971, in lại trong Folklore in Context Essays, South Asian Publisher, New Delhi, Madras.

6.            Ben-Amos, Dan (1984), “The Seven Strands of Tradition: Varieties in Its Meaning in American Folklore Society”, Journal of Folklore Research (21, 2/3).

7.            Dorson, Richard M. (biên tập) (1972), Folklore and Folklife, The University of Chicago Press, Chicago and London.

8.            Dundes, Alan (1980), Interpreting Folklore, Indiana University Press, Bloomington.

9.            Foley, John Miles (1995), The Singer of Tales in Performance, Indiana University Press, Bloomington.

10.          Kirshenblatt-Gimblett, Barbara (1975), “A Parable in Context: A Social Interaction Analysis of Storytelling Performance”, in trong Folklore: Performance and Communication, Dan Ben-Amos và Kenneth Goldstein biên tập, Mouton Publisher, The Hague.

11.          McNeill, Lynne S. (2013), Folklore Rules, Utah State University Press, Logan.

12.          Oring, Elliott (1986), Folk Groups and Folklore Genres, Utah State University Press, Logan, Utah.

13.          Prahlad, Sw. Anand (1996), African-American Proverbs in Context, University Press of Mississippi, Jackson.

14.          Redfield, Robert (1930), Tepoztlant, A Mexican Village: A Study of Folk Life, University of Chicago Press, Chicago.

15.          Redfield, Robert (1962), Human Nature and the Study of Human Society: The Papers of Robert Redfield (tập 1), Margaret Park Redfield biên tập, The University of Chicago Press, Chicago. 

16.          Ngô Đức Thịnh, Frank Froschan (2005), Folklore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9 (571), tháng 9-2019, trang 38-50.

Ảnh: Pinterest

 


[1] “Bộ ba” công trình liên quan đến hướng tiếp cận trình diễn này của Richard Bauman bao gồm: Verbal Art as Performance, Waveland Press, Inc, 1977; Story, Performance, and Event: Contextual Studies of Oral Narrative, Cambridge University Press, 1986; Folklore, Cultural Performances, and Popular Entertainments: A Communications-centered Handbook, Oxford University Press, 1992.

[2] Chủ nghĩa duy lý cho rằng con người cần vượt qua những truyền thống đã thành cũ kỹ, không phù hợp để tiến đến một tương lai văn minh, hiện đại trong tinh thần khoa học. Chủ nghĩa lãng mạn lại cho rằng quá khứ là đẹp đẽ, cần khôi phục lại quá khứ để đổi mới hiện tại (nên chủ nghĩa lãng mạn sẽ kết hợp với chủ nghĩa dân tộc: phục hưng các giá trị truyền thống tốt đẹp để khơi dậy sức mạnh nội tại của một quốc gia). Đây là hai cái nhìn tiêu biểu về folklore và truyền thống trong folklore học vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20: một mặt “hạ thấp” folklore như là di sản của thời kỳ tiền văn minh, mặt khác lại “tô vẽ” cho folklore như là dấu chỉ của tinh thần dân tộc, của cảm xúc thuần phát, tự nhiên.

[3] Bài viết này in lần đầu trong The Study of Folklore, Alan Dundes biên tập, Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall, Inc, 1965. Sau đó được tiếp tục mở rộng trong Alan Dundes, “Who are the Folk?”, Frontiers of Folklore, William Bascom biên tập, AAAS Selected Symposium No. 5, Westview Press, Boulder, Colorado, 1977; in lại trong Interpreting Folklore, Indiana University Press, 1980.

[4] Chẳng hạn như giáo trình Folklore Rules (Lynne S. McNeill, Utah State University Press, 2013) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu các “folk group” (nhóm dân gian) như folk group nghề nghiệp, folk group tôn giáo, folk group trường đại học, folk group trẻ em, folk group kỹ thuật số. Elliott Oring trong Các nhóm dân gian và thể loại dân gian (Folk Groups and Folklore Genres, Utah State University Press, 1986) cũng phân loại folklore theo tiêu chí “folk group”, để từ đó có folklore tộc người, folklore nghề nghiệp, folklore tôn giáo, folklore trẻ em.

[5] Sát thủ đầu mưng mủ (phụ đề: Thành ngữ sành điệu bằng tranh) là cuốn sách tập hợp những thành ngữ, tục ngữ dân gian đương đại, xuất bản năm 2011 của họa sĩ Thành Phong, gây nên nhiều tranh luận về giá trị giáo dục, thẩm mĩ, đạo đức và vấn đề sử dụng tiếng Việt. Sau đó, cuốn sách được tái bản có bổ sung, sửa chữa vào năm 2013 với tên gọi Phê như con tê tê.

Cuốn sách "Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai" (1), một trong hai tác phẩm quan trọng của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes (cùng với Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương (2)) vừa được dịch sang tiếng Việt (3).


Jacques Lucien Dournes (giữa) trong ảnh bìa cuốn sách "Nhà dân tộc học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes" của Andrew Hardy, Nguyên Trưởng đại diện Viện Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam (EFEO).

Yêu và hiểu Tây Nguyên

Jacques Lucien Dournes sinh năm 1922 ở Saint-Pol-sur-Ternoise (Pas-de-Calais), Pháp. Ông học triết học và thần học ở Đại chủng viện Versailles, thụ phong linh mục tháng 4/1945, tháng chín cùng năm được nhận vào Đoàn Truyền giáo hải ngoại Paris, và sau một năm thực tập, được phái sang tòa Khâm mạng Sài Gòn. Tháng 1/1947, ông được phái về vùng Kala, gần Djiring (Di Linh – Lâm Đồng), xứ đất của người Srê, tận tụy truyền đạo, học thành thạo tiếng của tộc người bản địa, dịch ra tiếng Srê Sách Giáo lý Cơ đốc và sách Kinh lễ, chăm chú ghi chép về đời sống của người Srê, sưu tập một bộ từ ngữ Srê phong phú. Ông cũng đã tham gia Hội nghị quan trọng ở Đà Lạt năm 1949 xác định cách phiên âm thống nhất phương ngữ của các tộc người Tây Nguyên.

Dù coi việc say mê nghiên cứu dân tộc học là một công cụ cần thiết và hữu ích cho sứ mệnh truyền giáo, Dournes vẫn bị cấp trên kết tội “xao lãng mục vụ” và triệu hồi trở về Pháp năm 1954.

Tổng cộng Dournes đã gắn bó với người Srê gần chín năm, đã thực hiện một số công trình nghiên cứu đáng kể về tộc người này, trong đó có tác phẩm Ngôn ngữ Srê, soạn và cho in bộ Từ điển Srê-Pháp, Chi Chê: thực vật học SrêCác loài cây có ích ở xứ SrêDanh mục các loài thực vật sưu tập được ở xứ Srê, Lễ hội theo mùa của người Srê… Nhóm tác phẩm này sớm cho thấy ý tưởng đã manh nha ở ông về xu hướng của người Tây Nguyên luôn xây dựng cấu trúc xã hội của mình trong đối chiếu với Tự nhiên qua mô hình của thế giới thực vật. Cũng trong thời gian này ông viết các tác phẩm bộc lộ một cách suy nghĩ khác của ông về phương pháp truyền bá đức tin, đặc biệt ở các vùng dân tộc ít người. Chính điều này khiến ông gần gũi và thân thiết với một nhân vật tôn giáo có thế lực, Giám mục Paul Seitz ở Kontum. Paul Seitz hiểu và quý Dournes, mời ông trở lại Tây Nguyên ngay từ năm 1955, đưa ông về vùng Jörai, tộc người đông nhất, cư trú trên bình nguyên rộng rãi nằm đúng ở trung tâm Tây Nguyên, trải dài từ Đông sang Tây (và cả một phần trên đất Campuchia), từ xưa vốn là vùng đệm và nối liền vương quốc Champa với vương quốc Khơme.

Dournes cắm mình ở vùng thực địa Jörai hơn 11 năm, vậy mà, như bạn đọc có thế thấy ngay trong cuốn sách này, ông viết “Tôi đã đến muộn quá!”, và ông đau đớn khi phải rời Việt Nam năm 1974 vì một số lý do khách quan.

Với công trình nghiên cứu phong phú về thực vật dân tộc học, năm 1968 Dournes nhận bằng tốt nghiệp của Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE) danh tiếng; năm 1971 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài tổ chức gia đình và xã hội Jörai; năm 1973 nhận bằng tiến sĩ quốc gia về văn chương và khoa học nhân văn với công trình về thế giới tâm linh và chính trị của người Jörai. Ông có làm việc một thời gian ở Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Theo một danh mục được thống kê, Dournes đã viết trên 250 công trình nghiên cứu lớn nhỏ về Tây Nguyên.

Dournes đơn giản là một nhà Tây Nguyên học, yêu Tây Nguyên bằng tình yêu lớn. Bởi thế, trong lời mào đầu cuốn sách Les populations montagnardes du Sud Indochinois, Dournes viết rằng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu [Tây Nguyên], thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.”4


"Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai", một trong hai tác phẩm quan trọng của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes.


Lắng nghe người bản xứ

Tọa độ được xuất bản năm 1972, tức Dournes đã viết cuốn sách này và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Jörai mà ông tiếp xúc hằng ngày và đang cố gắng xác nhận các “tọa độ” (xã hội) của họ, để nhận diện đúng bản nguyên, căn cốt hay “căn cước” (identité) riêng của họ giữa thế giới này. Và cuối cùng, để suy nghĩ về thực trạng và số phận của họ, những khả năng, những thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay.

Để làm được công việc khó khăn và tinh tế đó, ông đã tự tạo cho mình những điều kiện có thể gọi là lý tưởng.

Trước hết, Dournes tuyệt đối không dùng phiên dịch, điều ông cho là tối kỵ với nhà dân tộc học. Không chỉ vì người dịch, dù tuyệt đối vô tư và cố gắng trung thành đến tối đa, bao giờ cũng, một cách có thể hoàn toàn vô ý thức và thậm chí ngược lại với ý muốn tốt đẹp nhất của mình, đưa quan điểm của mình “thấm” vào và làm biến dạng ý nghĩa lời nói của người bản địa mà anh dịch cho ta. Bởi vì chính anh, từ trong sâu thẳm nhất của anh, do toàn bộ trải nghiệm mọi mặt suốt cuộc đời anh, đã thành thật hiểu như thế, chỉ có thể hiểu như thế. Hơn nữa, truyền thống văn hóa Jörai, cũng tức là toàn bộ cuộc sống Jörai trong chiều sâu nhất của nó, là văn hóa truyền khẩu. Và toàn bộ cấu trúc gia đình và xã hội hết sức phức tạp và tinh tế, được Dournes gọi là các “tọa độ”, lại nằm trong chính những lời nói truyền khẩu ấy. Dournes thông thạo tiếng Jörai, có thể còn hơn cả người Jörai chính cống, bởi ông phải tìm hiểu đến đáy từng từ ngữ Jörai, những biến dạng nhỏ nhất cùng vị trí của nó trong hệ thống cấu trúc Jörai 5. Đối với Dournes không gì bằng lắng nghe người Jörai nói, không phải khi họ trả lời phỏng vấn của ta – cái đó thường chẳng có giá trị mấy đâu, thậm chí rất có thể là thông tin giả, đánh lừa – mà là lúc họ trò chuyện bình thường cùng nhau hằng ngày, lúc họ đọc lời khấn, kể huyền thoại akhan cho nhau bên bếp lửa đêm nhà sàn, cả lúc họ nói nhịu hay vô tình nhớ nhầm… không hề biết và không quan tâm có một nhà dân tộc học đang chăm chú dõi theo từng lời của họ… Ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi có khi đến nhiều năm để tình cờ nghe được trong một cuộc trò chuyện bình thường, trong một đoạn một câu của một truyện kể, bỗng bất ngờ xuất hiện một thông tin quý mà ông còn thiếu.6

Tất nhiên ông còn nói thêm: cộng với lắng nghe, là một chút “trực cảm” của người đi tìm. Song trực cảm này nói cho cùng cũng do trải nghiệm lắng nghe trên thực địa lâu dài và tận tụy mà có.

 

Quyền lưu trú nơi thực địa

Trong nguyên bản tiếng Pháp của Tọa độ, ta gặp một cụm từ thoạt đầu hơi khó hiểu: Dournes viết lý thuyết của nhà dân tộc học cần có droit de séjour, dịch nguyên nghĩa là quyền lưu trú. Quyền ở lại, lưu lại lâu dài trên địa điểm nghiên cứu. Đương nhiên, nghiên cứu dân tộc học có phần đồng đại, chăm chú vào hiện tượng đang diễn ra và trong so sánh với hiện tượng đồng thời ở các tộc người hay các hoàn cảnh khác, nhưng Dournes luôn nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của phương pháp lịch đại, ở lại đủ lâu tại chỗ để theo dõi biến động của một sự kiện theo dòng thời gian, bởi như ta biết con người và tất cả những gì liên quan đến con người là luôn luôn động, dù sự động đó lắm khi chỉ bộc lộ cho ta có thể nhận ra qua cả một hay mấy thế hệ. Dournes đã lưu lại, mà là lưu lại một cách cực kỳ chăm chỉ và đầy ý thức trên thực địa Tây Nguyên trước sau 23 năm, và ông coi chừng đó là còn quá ít. (Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại một ý đã có lần nói ở nơi khác: dân tộc học, theo một cách hiểu nào đó, không phải là một nghề mà là một nghiệp, người ta không “làm” dân tộc học, người ta “sống” nó. Condominas nói: Dân tộc học là một “loại hình” sống.) Để hiểu về điều này, các bạn có thể đọc kỹ chẳng hạn đoạn Dournes viết về cô gái Jörai mà ông gọi là Hoa Lạc Tiên, từ một đứa bé còn ở truồng hoàn toàn tự nhiên, lớn dần lên thành một cô gái bắt đầu dậy thì, bắt đầu pöyu tức chơi trò tình nhân với cậu con trai láng giềng tên là Dế Mèn, hay qua những ghi chép dữ kiện của Dournes về kết cấu gia đình thu hẹp và gia đình mở rộng, về chức năng tự nhiên và cơ cấu phân chia lao động trong gia đình giữa đàn ông và đàn bà… ông bóc tách và chỉ ra rằng các cuộc tình, kể cả động tác tình dục là cái thuộc về Tự nhiên và không liên quan gì đến hôn nhân, cái thuộc về Văn hóa. Hôn nhân là thuộc bản chất khác, là một cuộc trao đổi, là việc một thị tộc này kết mối liên minh với một thị tộc khác, và qua đó tạo nên cái mà ta sẽ gọi là xã hội, là văn hóa. Mà mối quan hệ giữa Tự nhiên và Văn hóa là một phần quan trọng nhà nhân học của chúng ta cần giải quyết để đi đến cái đích cuối cùng của nghiên cứu nhân học xã hội này đó là cấu trúc gia đình và xã hội Jörai.

Trở lại với phương pháp làm việc của Dournes, có thể nói, ông đã tự tạo được cho mình một lợi thế làm việc tối ưu: dù có cố gắng đi lại nhiều nơi (trong điều kiện chiến tranh), ông chọn “định đô” chính ở Cöreo (tức Phú Bổn), nơi ông không bị hạn chế trong việc quan sát và mô tả chỉ một nhóm địa phương mà là tổng thể sự tương tác giữa nhiều nhóm người, qua đó nắm bắt được những gì diễn ra trên khắp địa bàn đi lại của người Jörai

Cũng nhờ cách làm việc và viết ngay công trình tại chỗ, Dournes đã không tự gò bó đi theo một chương trình định trước, mà để cho sự thực của thực địa dắt dẫn mình. Ông nói: “… Trước khi biết người Jörai gọi nhau như thế nào (hệ thống từ ngữ), tôi biết họ thuộc về làng nào, rồi thị tộc nào. Vậy nên tôi sẽ mô tả lần lượt: ngôi làng biểu kiến; thực tế về huyết thống (các tên gọi và các phả hệ); các từ ngữ và các mối quan hệ thân tộc; các liên minh (trao đổi phổ cập); gia đình thu hẹp và của cải; đàn bà và đàn ông, để bằng cách đó đi từ vẻ bên ngoài đến cốt lõi của sự vật… [Tôi] nghiên cứu tình hình dân cư trước khi đi vào phân loại, nối tiếp bằng việc tìm ra hệ thống và dừng lại trước điều bí ẩn. Tiến dần từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất, từ các cấu trúc yếu của xã hội đến các cấu trúc mạnh của gia đình, theo các quan hệ dòng máu và các liên minh, tôi tiến dần đến cái điển hình Jörai nhất mà tôi cho là khá độc đáo”.

20210531 3
Lễ bỏ mả ở huyện Chư Pah, Gia Lai, năm 2004. Nguồn ảnh : vietnam.vnanet.vn


Căn tính của người Jörai

Vậy Dournes đã nhận ra bản nguyên, hay căn tính của người Jörai như thế nào?

Dựa trên ba “tọa độ” được trình bày cụ thể trong sách, Dournes tìm thấy cấu trúc gia đình và xã hội Jörai xác định nên căn tính của người Jörai trong một tập hợp các tọa độ định vị họ từ mức độ biểu kiến nhất đến mức độ ngầm sâu nhất trong tương quan với cộng đồng địa phương, với thị tộc, với các họ hàng, các người liên minh, với con cái và với vợ/chồng của họ, về vai trò thực sự của người phụ nữ và đàn ông Jörai trong hệ “tọa độ” gia đình và xã hội đặc thù của họ, và ông thậm chí còn tranh luận về vấn đề “mẫu quyền” hay “mẫu hệ” trong đời sống tâm thức của xã hội Jörai ở một chiều kích sâu sắc hơn, v.v…
Và sau bao nhiêu tích lũy công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phân tích tinh vi, là một cái nhìn khá bi quan về hiện trạng và con đường phát triển của con người và xã hội Jörai. Dournes cho rằng căn nguyên có thể nằm ở phía sau rất xa, khi người Jörai còn đứng trước những khả thể phát triển phong phú khác nhau, họ đã chọn con đường dễ dãi, ít cản trở nhất, song là con đường bế tắc, cá nhân bị cái chuỗi, tức hệ thống lấn át, nhanh chóng lu mờ. Mà chỉ có hai cá nhân được phát triển tự do mới khớp khít được với nhau. Chính hệ thống cấu trúc được thiết kế và gìn giữ quá chặt do họ lựa chọn từ đầu đã kìm xã hội Jörai vào ngõ hẹp không có lối ra.

Dournes đề nghị một sự “quay về phía sau” để tìm lại những khả thể cho phép phát triển tốt hơn đã bị bỏ qua trong quá khứ xa.

Quay lại phía sau ư? Bằng cách nào?


Tượng khuôn mặt ở làng Chăm, huyện Ia Grai, Gia Lai, năm 1986. Nguồn ảnh: vietnam.vnanet.vn.


Quay lại phía sau để tìm về phía trước

Với Dournes, “quay về phía sau” lại có thể là tìm tới phía trước, bởi trong thực tế, như Dournes nói, ông muốn “chia sẻ (với họ) về việc thực hiện, làm sống dậy ngay hôm nay chính “những ‘khả thể’ chưa được khai thác” từ trước, do “niềm tin của tôi ở năng lượng tiềm ẩn của họ”.

Cuối Chương V của sách này, có một phần rất quan trọng, lấy đề mục là Quá trình đô thị hóa, mô tả việc người Jörai tham gia và thích ứng với đô thị hóa ở Cöreo (vào thời của Dournes) ra sao: “… Môi trường sống đã bị quá trình đô thị hóa thay đổi… Hình thức thì thay đổi nhưng hệ thống vẫn vẹn nguyên – điều này sẽ cho thấy người Jörai có thể tự chuyển biến mà vẫn giữ được mình là mình. Đời sống tâm linh thì bị xáo trộn sâu sắc hơn, bởi nghi thức cúng bái vốn gắn quá chặt với vùng đất họ sinh sống và tín ngưỡng thì quá đặc thù (yang của nơi ở); tín ngưỡng-ma thuật vẫn tồn tại, thậm chí dưới lớp vỏ của một chủ nghĩa vô thần thực dụng…” (tr. 375)

Đọc phần này của Dournes, ta sẽ nghĩ đến hai điều. Trước hết là một cảm giác. Cảm giác rằng chính ông biết con đường ông chỉ ra là một đánh đổi, có cái sẽ được, và có cái sẽ mất đi.

Thứ hai: thấm thoắt, đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuốn sách này lần đầu được xuất bản. Những nỗi âu lo của Dournes về việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Jörai quả thực có cơ sở. Hiện nay, mọi sự đã hoàn toàn đảo ngược, các tộc người Tây Nguyên đã thật sự là thiểu số tuyệt đối ở ngay tại chỗ, người Kinh đổ lên Tây Nguyên dày đặc – do chủ trương di dân của Nhà nước, và sau đó là di dân tự do. Bây giờ thì người thiểu số bản địa bị người mới đến với số lượng vừa đột ngột vừa áp đảo lớn, thật sự đẩy vào núi sâu và mất đất canh tác truyền thống và sinh tử. Từ là những tộc người không hề du canh du cư như ta đã từng hiểu lầm, nay họ đã chính thức phải du canh du cư do không còn đủ đất để trồng trọt theo lối “luân khoảnh”, và họ phải phá rừng để tìm cái sống qua ngày, một hành vi trái nghịch với bản chất sinh tồn lâu đời của họ. Họ làm sao còn có thể coi “giữ rừng như giữ sinh mạng của mình” theo lời Thủ tướng vừa nhấn mạnh. Và trong trường hợp cụ thể này, tiến sĩ chuyên gia hàng đầu về rừng Nguyễn Ngọc Lung đã đúng khi nói đến lúc “chính người dân phá rừng”…

Trong vấn đề này, cũng cần nói đến trách nhiệm của người Kinh vốn đến sau trên đất đai quê hương truyền thống của các tộc người bản địa. Chính họ cũng phải nghĩ và hiểu những vấn đề của người bản địa, để cố gắng tìm ra con đường phát triển cùng nhau. Cuốn sách này, vì vậy, cũng là viết cho chính người Kinh.

Tình hình thực tế ngày nay đã khác trước rất nhiều, song những tìm tòi tâm huyết, những suy nghiệm sâu sắc về con người và xã hội Jörai trong lựa chọn những khả thể phát triển khác nhau và hệ quả của lựa chọn ấy, cùng phong thái và phương pháp nghiên cứu dân tộc học độc đáo, đặc sắc của Jacques Dournes, vẫn rất đáng cho chúng ta hôm nay trân trọng chăm chú học hỏi và vận dụng, tất nhiên một cách có chọn lọc thích hợp, trong nỗ lực tìm đường tồn tại và phát triển trong điều kiện mới, và không chỉ cho tộc người Jörai, trên vùng cao nguyên vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước. Phát triển từ nay cần là cùng phát triển chung, Kinh và Thượng, nương vào nhau, tận dụng chỗ mạnh của nhau.□

Nguyên Ngọc

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 28.5.2021.

----------
Chú thích:

1 Nguyên bản tiếng Pháp: Coordonnées: structures Jörai familiales et sociales, Institut d’Ethnologie, Paris, 1972.

2 Nguyên bản tiếng Pháp: Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai, Flammarion, Paris, 1977. Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013; Omega+ tái bản năm 2018.

3 Nguyễn Phương Chi dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Omega+ và Nxb Thế giới, 2021.

Nghĩa là: Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, xuất bản ở Lyon năm 1950, Dournes ký bút danh Dam Bo. Cuốn sách đã được Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ với nhan đề Miền đất huyền ảo.

5 Ta nhớ Georges Condominas từng nói: Tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar!

6 Không hề ngẫu nhiên khi năm 1975, Jacques Dournes trở thành một thành viên sáng lập nhóm “Tính truyền khẩu và các lĩnh vực truyền khẩu” trong khuôn khổ trung tâm nghiên cứu “Văn học và lý thuyết văn học” của René Étiemble và René Sieffert, một năm sau nhóm của ông lại chính thức trở thành “Trung tâm nghiên cứu về tính truyền khẩu” do chính ông đứng đầu, là một bộ phận quan trọng của CeDRASEMI (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về vùng Đông Nam Á và thế giới Nam đảo).

Các môn chuyên về văn học dân gian luôn khiến TS La Mai Thi Gia (giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TPHCM) hứng thú và đam mê nhất.

20220103

TS La Mai Thi Gia.

Cũng từ đó nhiều công trình về văn học dân gian có giá trị của cô ra đời…

Không kém phần sôi động

Sinh ra và lớn lên tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, TS La Mai Thi Gia (1980) cho biết, cô thích văn học từ nhỏ, chịu đọc sách, nhất là truyện cổ tích, mặc dù thời ấy ở quê cũng không có mấy sách để đọc ngoài sách giáo khoa.

TS La Mai Thi Gia còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Dân tộc học TPHCM, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM. Một số công trình đáng chú của chị gồm: Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng (năm 2015, tái bản 2019, công trình đạt Giải Nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2014); 3 công trình VHDG được Giải Ba gồm: Văn học dân gian Tiền Giang (chủ biên, 2018); Văn học dân gian Vĩnh Long (chủ biên, 2019); Văn học dân gian Đồng Tháp (chủ biên, 2020).

“Lên THCS tôi được chọn đi thi Học sinh giỏi văn thị xã Tam Kỳ và được giải cao nhất rồi chọn thi cấp tỉnh và có thơ đăng báo cũng từ những năm cấp 2. Cũng có thể bắt đầu từ đây, tôi có ý thức đầu tư và phát triển theo con đường văn học.

Tới THPT, tôi được chọn tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Lên đại học thì các môn chuyên về văn học dân gian luôn làm tôi hứng thú nhất, và chọn làm khóa luận tốt nghiệp về văn học dân gian. Sau đó, tôi  được giữ lại Bộ môn văn học dân gian của khoa Văn học đến bây giờ”, TS La Mai Thi Gia chia sẻ.

Lẽ thường cái gì càng xưa cũ thì số lượng người quan tâm càng ít đi và  văn học dân gian cũng vậy. Một khi đã chọn thì người nghiên cứu chấp nhận thực tại của lĩnh vực mà mình theo đuổi. Tuy nhiên, TS Thi Gia cho rằng, lĩnh vực nào cũng có giảng viên và sinh viên quan tâm.

“Thời tôi học và liên tục nhiều năm sau khi ra trường thì khóa luận về đề tài văn học dân gian năm nào cũng 3 - 4 bạn chọn làm, mà số sinh viên đủ điểm được làm khóa luận đâu phải nhiều. Mấy năm gần đây quy chế thay đổi, chỉ có sinh viên hệ Cử nhân tài năng mới phải làm khóa luận nên số khóa luận của mỗi bộ môn đều ít đi.

Tuy nhiên năm nào cũng có sinh viên chọn đề tài về văn học dân gian. Chưa kể số sinh viên làm nghiên cứu khoa học mỗi năm về văn học dân gian cũng nhiều, chẳng hạn năm nay (2021) có đến 5 đề tài được chọn. Khoa Văn cũng đang có kế hoạch mở ngành Cao học Văn học dân gian vì số đăng ký làm nghiên cứu sinh và thạc sĩ về văn học dân gian năm nào cũng có”, nữ Tiến sĩ 8X cho biết.

Nói về mối quan hệ giữa văn học dân gian và cuộc sống đương đại ngày nay, TS La Mai Thi Gia cho rằng cụm từ văn học dân gian hiện đại, đương đại, đô thị mấy năm gần đây rất hay được nhắc đến, chưa bàn sâu về nội hàm của khái niệm này vì còn rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nói về mối quan hệ của văn học dân gian với đời sống thì không chỉ đến bây giờ mà thời nào cũng thế, khó có thể tách rời dù là trong xã hội truyền thống hay bây giờ.

“Còn dân gian là còn văn học dân gian, truyền thuyết đô thị vẫn cứ thế được sáng tạo, ca dao tục ngữ hiện đại vẫn cứ thế được sinh ra, các bài vè về các đề tài chính trị xã hội nóng hổi vẫn được lan truyền rầm rộ. Các thể loại văn vần dân gian ngắn gọn và dễ lưu truyền vẫn tiếp tục được sáng tạo, truyền… phím nhanh chóng bằng những thao tác “copy and paste” và “share”, sự bổ sung, nối dài, đáp ứng của những tri thức dân gian trên mạng xã hội với các thể loại này cũng rất đa dạng và sinh động…”, TS Thi Gia nhận định.

TS La Mai Thi Gia cùng với thầy cô trong Bộ môn VHDG nhân dịp gặp mặt ngày 20/11/2020.

Một góc đong đầy dành cho thơ

Ngoài việc gắn bó với giảng đường đại học, TS Thi Gia còn là một nhà thơ với 2 tập thơ in riêng (“Thơ Trắng”, “Gia ơi, đời xanh đấy!”) và nhiều thơ in chung. Chị vẫn thỉnh thoảng “khoe” có thơ đăng trên các báo và thường xuyên có thơ trên tường Facebook.

Khi được hỏi “việc làm thơ có liên quan gì với việc tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy về văn học dân gian”, chị chia sẻ “ngược lại thì đúng hơn, nghiên cứu văn học dân gian đã giúp tôi có thêm nhiều chất liệu cho sáng tác cả về nội dung lẫn thi pháp. Nếu các nhà phê bình chịu khó soi sẽ thấy thơ của tôi chịu ảnh hưởng văn học dân gian rất nhiều. Dự tính sang năm tôi sẽ in thêm một tập nữa”.

Chị cho rằng, mình thuộc tuýp truyền thống, lạc hậu và khó thay đổi nên quan niệm về thơ của mình cũng khá là cũ. Bên cạnh đó, dù muốn tân hình thức, hiện đại hay hậu hiện đại kiểu gì đi nữa thì thơ cứ phải là… thơ đã, nhìn thấy ngay là thơ, đọc lên biết ngay là thơ đã rồi muốn truyền tải các vấn đề to lớn gì đó thì tùy.

TS La Mai Thi Gia cùng với đại diện BCN khoa Văn học dự tổng kết Thực tập sưu tầm VHDG của sinh viên tại thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Triết học, nhân sinh, vũ trụ, đời sống chính trị xã hội hay tình bạn, tình yêu, tình gia đình, tình đồng bào, tình đồng loại… gì gì cũng được, cứ viết ra những điều khiến mình trăn trở bằng chính thứ ngôn ngữ của thi ca và phải khởi lên được niềm rung động của tâm hồn người đọc.

Mà muốn làm được vậy thì hãy viết vì chính sự rung động, đau đớn hay hạnh phúc của bản thân, vì bất kỳ điều gì mà mình cảm thấy, đọc và học cách viết của những tài năng văn chương khác để làm đầy đặn hơn khả năng diễn đạt của mình. Thi pháp thì có thể học nhưng cảm xúc thì không vay mượn được, cứ sống tràn đầy đi rồi hẳn sẽ có thơ”, TS Thi Gia quan niệm về thơ.

Và chị cũng tự họa chính mình trong thơ: “Những người đàn bà làm thơ chẳng dành để ngày sau/ Cứ sống và yêu thôi/ Tiêu đời mình vào trong mỗi khắc/ Lời lãi mang về là nhiều đêm chết lặng/ Buồn đau cũng chẳng phải riêng mình/ Những người đàn bà làm thơ/ Yêu thơ trước khi biết tự yêu mình…” (trích Những người đàn bà làm thơ - La Mai Thi Gia, 2017).

Nguyễn Minh Tiến (cựu sinh viên Khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM) từng đoạt giải Euréka về Văn học dân gian, đồng thời làm khóa luận tốt nghiệp về Văn học dân gian do TS Thi Gia hướng dẫn, đạt loại giỏi chia sẻ: “Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi cô Thi Gia đốc thúc tôi hoàn thành khóa luận cách đây một năm. Khi bày tỏ những mong muốn theo đuổi việc nghiên cứu, tôi nhận thấy mình còn thiếu khả năng làm việc độc lập và tự chủ trong công việc.

Mọi thứ gần như “nước đến chân mới nhảy”. Lẽ thường tình đây là điều một giảng viên hướng dẫn không cảm thấy hài lòng bởi sinh viên của mình. Nhưng cô Thi Gia vẫn có những cách để vừa tạo động lực cho tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và đồng thời biết được trách nhiệm của mình trong công việc nghiên cứu. Tôi trân quý điều đó, như một cách đưa mình vào kỷ luật trong làm việc và hoàn thành công việc nghiên cứu, vốn được cho là khô khan nhưng cũng thú vị theo cách riêng của nó…”.

Làm thơ, giảng dạy, nghiên cứu, tôi cũng không rõ cụ thể những việc đó có hỗ trợ gì cho nhau không nhưng chắc chắn các lĩnh vực đó đã làm nên con người và cuộc sống của tôi hiện tại. Tôi thích công việc của mình và cố gắng làm tốt nhất công việc giảng dạy trong khả năng có thể, đóng góp tốt nhất trong nghiên cứu chuyên môn, còn làm thơ thì đó là điều khiến tôi có cảm giác hạnh phúc nhất. Viết được một bài thơ ưng ý, cảm giác vẫn đã nhất, đã hơn cả việc hoàn thành một công trình nghiên cứu chuyên môn quá khó…”. - TS La Mai Thi Gia

Công Chương

Nguồn: Giáo dục và thời đại, ngày 26.12.2021.

Lâu nay, người ta vẫn tin rằng truyện cổ tích Grimm được anh em nhà Grimm thu thập từ lời kể của những người nông dân trên khắp nước Đức, và rằng những câu chuyện đó mang đậm tinh thần dân tộc Đức. Tuy đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng không phải thế, những giả thiết mới vẫn dấy lên và lan truyền. Trong nhiều bản dịch sang tiếng Anh hay các lời dẫn nhập, người ta rất ít đề cập đến cách thức hai anh em Grimm đã dùng để tập hợp những truyện cổ tích. Vậy anh em nhà Grimm là ai? Những câu chuyện cổ đó có xuất xứ từ đâu? Tại sao chúng lại nổi tiếng tới tận ngày nay?

Jacob Ludwig Karl Grimm (1785-1863) và Wilhelm Carl Grimm (1786-1859) sinh ra trong một gia đình khá giả có chín anh em. Cha của họ, Philipp Grimm, là một luật sư; còn mẹ, bà Dorothea, là con gái một viên chức thành phố Kassel. 

Từ nhỏ, hai anh em Grimm đã là những người con ngoan ngoãn và học rất giỏi. Tính tình của họ có đôi chút khác biệt: người anh Jacob khá hướng nội, nghiêm túc và kiên định; cậu em Wilhelm lại thân thiện và hòa đồng hơn. Dù vậy, hai anh em rất thân thiết với nhau.

20210429

Anh em nhà Grimm (Hình: Germanpulse.com)

Sau này, khi đã thành tài, hai anh em Grimm chuyên tâm tìm hiểu về lịch sử ngôn ngữ Đức và có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật, trong đó phải kể đến cuốn từ điển tiếng Đức đầu tiên, tuy nó mới chỉ dừng lại ở vần F.

Anh em Grimm không phải là những người viết truyện cổ tích đơn thuần, họ đều là những nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, dân tộc học, ngôn ngữ học và phê bình văn học. Mặc dù cả hai người đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu văn học cổ đại và các phong tục tập quán của nước Đức, họ không phải là những người đặt nền móng cho bộ môn nghiên cứu văn học dân gian tại nơi đây, cũng không phải là những người đầu tiên thu thập và xuất bản những tập truyện cổ. 

Biết được điều đó, chúng ta sẽ hiểu được hoàn cảnh ra đời của tập truyện này. Đôi khi những cơ hội nhỏ bé trong cuộc đời lại chính là ngã rẽ của định mệnh.

Năm 1806, Clemens Brentano, tác giả của một tuyển tập các bài hát dân gian với tựa đề Des Knaben Wunderhorn (tạm dịch: Những chiếc sừng diệu kỳ của chú bé), cùng với Achim von Arnim, một nhà văn, đã tìm tới sự giúp đỡ của Jacob và Wilhelm Grimm vì lúc đó hai anh em đang nghiên cứu văn học dân gian Đức. 

Brentano hi vọng anh em Grimm có thể giúp đỡ ông thu thập những mẩu truyện dân gian để phục vụ cho một cuốn sách sẽ xuất bản trong tương lai. Họ đã cùng nhau xuất bản thêm phần hai và phần ba của tuyển tập các bài hát dân gian vào năm 1808.

Anh em Grimm tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch đó và sẵn sàng chia sẻ những nghiên cứu của mình với các học giả trong ngành. Do vậy, từ năm 1807 đến năm 1812, họ đã thu thập các mẩu truyện cổ với mục đích gửi cho Brentano xuất bản, cũng như qua đó có thêm những bằng chứng lịch sử để hiểu sâu hơn về ngôn ngữ Đức.

 

 

BẤT NGỜ TỪ NHỮNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN

Trái ngược với điều mọi người vẫn tin, phương pháp đầu tiên họ dùng là mời người kể chuyện tới nhà và yêu cầu họ kể lại những câu chuyện, sau đó anh em Grimm ghi chép lại. 

Đa số những người kể chuyện thời đó là những phụ nữ được giáo dục đầy đủ, xuất thân từ các gia đình khá giả hoặc giới thượng lưu. Chúng ta có thể kể đến một nhóm các quý cô trẻ tới từ gia đình Wild ở Kassel (cô Dortchen, Gretchen, Lisette, Marie Elisabeth), mẹ của anh em Grimm - bà Dorothea, hay các quý cô nhà Hassenpflug (cô Amalie, Jeanette, Marie).

Họ gặp mặt thường xuyên tại nhà anh em Grimm và kể lại những mẩu chuyện họ nghe được từ những cô hầu gái, bà quản gia khi họ còn thơ bé. 

Năm 1808, Jacob kết bạn với Werner von Haxthausen đến từ vùng Westfalen; rồi năm 1811, Wilhelm đã đến thăm tư gia của Werner và kết thân với một nhóm các quý cô trẻ tuổi gồm Ludowine, Marianne, Jenny, Annette von Droste-Hulfshoff, từ đó ghi lại thêm các mẩu chuyện mới.

Trên tất cả, người đóng góp nhiều truyện cổ nhất là một người đến từ Hessen, bà Dorothea Viehmann - vợ của một bác thợ may, từng bán hoa quả tại Kassel.

Ngoài ra, Johann Krause, một sĩ quan về hưu, cũng thường tới nhà anh em Grimm kể chuyện; đổi lại, ông nhận một vài bộ quần áo cũ. Nhiều truyện cổ có nguồn gốc từ Pháp, do gia đình Hassenpflug xuất thân từ dòng người Huguenot di cư từ Pháp và họ sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính tại nhà.

Những người kể chuyện đó đều đã quen với các môtip lưu giữ các mẩu chuyện bằng cách truyền miệng và ghi chép văn bản, thế nên họ đã kết hợp cả hai phong cách khi thuật lại các câu chuyện. Anh em nhà Grimm cũng lấy những câu chuyện trong sách hay các tạp chí và chỉnh sửa lại cho phù hợp với văn phong của mình.

Năm 1810, khi Brentano yêu cầu anh em Grimm gửi cho ông những ghi chép về truyện cổ, anh em họ đã sao chép ra thành nhiều bản để giữ lại và gửi cho Brentano tổng cộng 49 mẩu truyện. 

Lý do của việc giữ lại các bản sao là vì họ sợ Brentano sẽ sửa chữa các mẩu truyện theo phong cách thơ mà ông vẫn quen thuộc, trong khi anh em Grimm lại muốn lưu giữ nguyên vẹn công lao sưu tầm của mình cho những nghiên cứu về ngôn ngữ, tập quán sau này và cũng là để gìn giữ một nét đặc thù của các câu chuyện truyền miệng.

Thực tế thì họ không cần lo lắng tới vậy, bởi Brentano đã chẳng hề đụng tới đống bản thảo đó và bỏ chúng tại tu viện Ölenberg ở Alsace. Chỉ tới năm 1920, khi bản thảo đó được tìm ra, các nhà khoa học mới có được những ghi chép bằng tay của anh em Grimm để so sánh, đối chiếu sự khác biệt với các bản in được chính Jacob và Wilhelm chỉnh sửa.

Chuyện gì đến cũng phải đến. Sau khi những bản thảo kia bị Brentano ngó lơ, anh em Grimm quyết định sẽ tự mình xuất bản một tập sách. Năm 1812, ấn bản đầu tiên của truyện cổ Grimm được mang tên Truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đìnhđược ra đời. 

 Ấn bản đầu tiên của truyện cổ Grimm năm 1812.

KHỞI ĐẦU NAN

Cuốn sách được ra mắt với mong muốn những câu chuyện dân gian sẽ tiếp cận được nhiều người hơn. Khía cạnh giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng, anh em Grimm muốn nó trở thành “một cuốn sổ tay giáo dục”, nhưng chính tựa đề của cuốn sách khiến nhiều người nhầm tưởng đối tượng chính là trẻ em. Hai anh em Grimm đã nhận được nhiều phản hồi, phàn nàn về nội dung các câu chuyện cũng như lối tự sự kỳ quặc của một số truyện.

Hậu quả là 900 bản in của lần ấn bản đầu tiên đã không bán được trong suốt vài năm.

Lúc đầu, Wilhelm và Jacob muốn trình bày những câu chuyện càng gần với truyện kể truyền khẩu càng tốt. Do đó, họ đã xuất bản một số dị bản của cùng một câu chuyện để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng. Tuy nhiên, với phản ứng không tốt của độc giả với ấn bản đầu tiên, hai anh em đã sử dụng một hệ thống chọn lọc và chỉnh sửa truyện mới.

Ấn bản thứ hai của họ chứa nhiều câu chuyện hơn từ giới quý tộc và từ đó thiết lập một hình thức truyện cổ tích lý tưởng. Wilhelm sẽ chịu trách nhiệm chính về việc chỉnh sửa các mẩu chuyện sao cho phù hợp với đối tượng trẻ em. 

Tất cả đều chung một chí hướng: nỗ lực cải biên để các mẩu chuyện trở nên uyển chuyển hơn, kết cấu truyện có đầu cuối rõ ràng, thổi hồn khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn bằng cách thêm các tính từ, ngạn ngữ, đối thoại trực tiếp, bám vào các môtip để cốt truyện mạch lạc hơn, loại bỏ các yếu tố khiến truyện mất đi tính nguyên bản.

 Minh họa truyện Hansel và Gretel trong cuốn Mein erstes Marchenbuch (Truyện Cổ tích đầu đời) của giáo sư Offterdinger và Leuterman, NXB Wilhelm Effenberger ấn hành. Bản in thứ 9 cuối thế kỷ 20.

 
Ba năm sau, năm 1815, phần hai được tiếp nối với tổng cộng 156 truyện cổ tích. Năm 1819, lần in thứ hai đã được gộp thành một tuyển tập với 170 truyện. Sau năm 1819, có thêm năm lần in tiếp nối với 69 truyện mới được thêm vào và 28 truyện bị bỏ ra.
Anh em Grimm cũng học hỏi nhiều từ hai câu chuyện được gửi đến bởi họa sĩ tài danh Philipp Otto Runge. Hai câu chuyện đó được viết bằng thổ ngữ phương Bắc với kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, được anh em Grimm coi như hình mẫu lý tưởng của văn học tự sự. Đó chính là truyện Ông lão đánh cá và bà vợ, cùng một truyện có yếu tố kinh dị là Dưới bóng cây bách xù.

Thành công chỉ thực sự đến với anh em Grimm khi họ cho ra mắt Phiên bản nhỏ (Kleine Ausgabe) lần đầu năm 1825, bao gồm 50 truyện chọn lọc hướng tới đối tượng trẻ em, có thêm 7 tranh minh họa của cậu em út Ludwig Emil.

 

Truyện "Những đồng tiền sao" trong cuốn Märchen-Strauß für Kind und Haus (Cổ tích cho trẻ em), minh họa Viktor Mohn, 1882, NXB Stilke

Phiên bản đầy đủ (Grosse Ausgabe)

Bước ngoặt này đã khiến cuốn sách bán rất chạy và được coi là “hoa tiêu dẫn đường” cho ) tiếp cận gần độc giả hơn. Ấn bản này cho thấy sự thành công của phong cách biên tập mà hai anh em đã tiếp thu. Họ đã rời xa những câu chuyện thô tục truyền thống truyền miệng và bắt đầu chọn những câu chuyện dễ hiểu hơn cho trẻ em và chứa đựng các “nguyên tắc văn học”.

Bộ sách tiếp tục được cải thiện cho tới bản in lần thứ bảy vào năm 1857, bao gồm 200 truyện cổ tích và 10 huyền thoại cho trẻ em. Đây được coi là bản in cuối cùng dưới sự giám sát của Jacob và Wilhelm, cũng là bản in được sử dụng chính thức sau này.

Minh họa truyện "Cô bé quàng khăn đỏ" của Viktor Mohn, 1882, NXB Stilke.

 

THẾ GIỚI LỘNG LẪY CỦA TRANH MINH HỌA

Thành công vượt bậc của những câu chuyện cổ tích Grimm phải kể đến khả năng kết hợp tài tình giữa văn bản và hình ảnh. Trong khi ấn bản đầu tiên xuất hiện vào năm 1812 và 1815 không có bất kỳ minh họa hay trang trí nào, thì ấn bản thứ hai năm 1819 và 1822 đã được tô điểm bằng hai minh họa của “cậu em họa sĩ” Ludwig Emil Grimm. 

Câu chuyện được chọn minh họa cho tập một là Anh trai và em gái, còn tập hai là chân dung của người phụ nữ kể chuyện cổ tích Dorothea Viehmann.

Sau đó, những ấn bản bên ngoài biên giới nước Đức đã tạo ra nguồn động lực then chốt cho các nhà xuất bản và họa sĩ trong việc đưa minh họa vào các câu chuyện cổ tích: Năm 1820, một bản dịch chọn lọc từ tuyển tập của anh em Grimm với tựa đề Truyện cổ tích cho trẻ em (Sprookjes-Boek voor Kinderen) xuất hiện ở Amsterdam, vào năm 1823 ở London là ấn bản Truyện kể dân gian Đức (German popular stories) dưới nét vẽ tài hoa của bậc thầy George Cruikshank.

Minh họa truyện "Công chúa ngủ trong rừng" của Angi Petrescu-Tiparescu (người Rumani), 1958, NXB Jugend, Bucarest.

 

Được khích lệ bởi sự thành công của ấn bản tiếng Anh, năm 1825 Jacob và Wilhelm Grimm đã cho ra mắt một ấn bản với bảy bức tranh minh họa, và người thực hiện không ai khác vẫn là Ludwig Emil Grimm.

 

 Minh họa truyện "Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi"

 

Trong những thập niên tiếp theo, nhiều nghệ sĩ ngày càng chuyển hướng quan tâm sang chủ đề truyện cổ tích, bao gồm Eugen Neureuther, Hermann Vogel, Moritz von Schwind, Carl Offterdinger và Philipp Grot Johann, từ đó cho ra đời vô số sách tranh minh họa lớn nhỏ, bao bì quảng cáo, tạp chí dành cho trẻ em với chất lượng in ấn lộng lẫy.

 

Tranh minh họa truyện cổ tích càng nở rộ trong ba thập niên cuối thế kỷ 19, trong đó nổi bật là họa sĩ người Anh Walter Crane, một trong những người tiên phong của phong trào Art Nouveau - Tân nghệ thuật, và kế đến là Arthur Rackham. 

Ở các nước nói tiếng Đức cũng vậy, nhiều họa sĩ lớn theo trường phái Tân nghệ thuật như Heinrich Lefler, Josef Urban hay Heinrich Vogeler đã đào sâu những góc nhìn mới mẻ cho những câu chuyện của anh em nhà Grimm.■

Bìa cuốn truyện cổ tích bằng tranh do họa sĩ Hohneck minh họa với truyện "Hansel và Gretel".

SỰ GẶP NHAU CỦA VẦN ĐIỆU

Khi bắt tay vào dịch, tôi tôn trọng phong cách ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo của mỗi câu chuyện, kèm theo chú thích để người đọc dễ hiểu hơn. Chính vì những đặc điểm tôn giáo đậm đặc trong các câu chuyện cổ này, tôi mong muốn người đọc hiểu được nhân vật đau khổ kia trong truyện đang cầu xin Chúa trời hay Đức mẹ Maria, thay vì đơn giản như trong các bản dịch cũ là kêu Trời.

Tôi nhận thấy nhiều mẩu đối thoại bằng thơ, nhưng có những bài thơ không có vần điệu. Tôi tìm cách chuyển thành thơ lục bát - thể thơ gần gũi với người Việt, dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là một việc tốn thời gian, bởi đôi khi vần điệu ra dễ dàng nhưng có lúc lại rất bí. Tôi lại cất đi và chờ lúc nào đó ý tứ đột nhiên hiện ra trong đầu. Đúng là một trò chơi câu chữ thú vị. Thỉnh thoảng tôi có chút hài lòng và cả bất ngờ, khi những câu lục bát Việt lại có vần điệu y hệt như bản gốc tiếng Đức, chẳng hạn:

“Männlein, Männlein, Timpe Te,

Buttje, Buttje in der See,

Meine Frau, die Ilsebill,

Will nicht so, wie ich wohl will”

“Tôi đây, lão chài, Tim-pe-te,

Hỡi cá thờn bơn, dưới thủy tề,

Vợ tôi, bà Il-se-bil,

Cứ đòi những điều, tôi chẳng muốn xin”

Hay những câu thơ gần với tục ngữ phong dao:

“deck dich zu, mein Schwesterlein,

daß Regen dich nicht näßt,

daß Wind dich nicht bestäubt,

daß du fein schön zum König kommst”

“Em ơi, che chắn lại đi,

để mưa không ướt một li áo quần,

để khỏi gió bụi phong trần,

thì em lại đẹp bội phần gặp Vua”

Những vần thơ lục bát gần gũi ấy, biết đâu sẽ khiến các độc giả nhỏ tuổi thêm yêu tiếng Việt, tôi hi vọng thế. Truyện cổ tích để lại những ấn tượng sâu sắc và lâu dài nhất trong cuộc đời mỗi con người. Thông qua truyện cổ tích, trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên với những bài học giúp phân biệt giữa thiện và ác một cách tình cảm và sâu sắc. Trẻ nhỏ học được rằng mọi hành động đều có hậu quả.

Những câu chuyện cổ tích thường đề cao công lý và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong một cộng đồng. Và những câu chuyện ấy cũng thúc đẩy sự sáng tạo, nơi trí tưởng tượng bay xa. Không có gì phù hợp hơn việc mang đến cho con cái chúng ta một khởi đầu tốt cho tương lai bằng những câu chuyện cổ tích, như Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn muốn con trẻ thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng; nếu bạn muốn chúng thông minh hơn nữa, hãy đọc nhiều truyện cổ tích hơn nữa”.

(Dịch giả Nhật Vương)

                                                            

MỘT CÂU CHUYỆN CỦA ẤN BẢN TIẾNG VIỆT

Cùng với Kinh thánh Luther, truyện cổ tích của anh em Grimm là những cuốn sách nổi tiếng nhất, được biết đến rộng rãi nhất về lịch sử, văn hóa Đức trên toàn thế giới. 

Bộ truyện cổ tích này quan trọng bởi nó là tài liệu khoa học và tóm tắt có hệ thống đầu tiên về toàn bộ truyền thống truyện cổ tích Đức nói riêng và cổ tích châu Âu nói chung. 

Việc được chuyển ngữ sang hơn 160 ngôn ngữ và phương ngữ văn hóa từ mọi nơi trên thế giới là một minh chứng cho điều này. 

Thêm vào đó, nhiều truyện cổ tích được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường tiểu học như một bài học giáo dục công dân nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Trong hồ sơ đệ trình lên ủy ban xét duyệt UNESCO, tiến sĩ Bernhard Lauer nhấn mạnh: “Việc phổ biến quốc tế các câu chuyện cổ tích của Grimm là bằng chứng về tính cách mẫu mực của nó - vốn bắt nguồn từ Chủ nghĩa lãng mạn Đức - đã nắm bắt và tạo dựng nên chất thơ trong trí tưởng tượng của con người dưới hình thức có giá trị toàn cầu. Tính độc đáo và hiệu ứng toàn cầu của bộ sưu tập này bắt nguồn từ việc anh em nhà Grimm đã vượt qua thế giới tham chiếu của Đức và châu Âu trong mã hóa văn học của truyền thống tiền văn học và tạo ra một khuôn mẫu phổ quát về truyền thống truyện cổ tích xuyên quốc gia”.

Để kỷ niệm 15 năm bộ sưu tập truyện cổ tích của anh em Grimm được công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”, một ấn bản tiếng Việt đã được Đinh Tị Books phát hành. 

Ấn bản này sử dụng văn bản gốc trong bản in năm 1857, minh họa của từng truyện được họa sĩ người Đức, Hermann Vogel - người theo trường phái Hậu lãng mạn, thể hiện từ cuối thế kỷ 19. Tài năng và khả năng quan sát của ông đã biến ông thành một trong những họa sĩ lớn theo trường phái lãng mạn.

 Điều làm nên tên tuổi của Hermann Vogel là những chi tiết tỉ mỉ, hài hước mà người xem khi để ý sẽ đôi lúc phải bật cười bởi những ý đồ dí dỏm mà họa sĩ gửi gắm. Tranh minh họa của Hermann Vogel luôn được nhận ra ngay tức khắc nhờ phong cách độc đáo của ông. 

Đối với trẻ em, truyện cổ tích là sợi dây liên hệ đầu tiên với văn học, khi lớn lên chúng ta đều nhớ những câu chuyện hồi nhỏ mình từng được nghe kể.

Nhật Vương

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 02.3.2021.

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về/ Nam Định có bến đò Chè/ Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.

Câu ca ấy nói về làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh – Nam Định) ở ven dòng Ninh Cơ với nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng từng đạt giải cao ở Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ.

20211209 4

Cổ Chất là một trong những làng cổ của Nam Định.

Nghề cũ làng xưa

Cụ Phạm Văn Đinh, một trong những người thợ lành nghề cuối cùng còn sót lại của làng Cổ Chất hay có một thói quen lạ. Mỗi lần ngồi quay tơ, cụ hay lẩm bẩm gì đó như là đọc thần chú. Hỏi mấy người con cháu của cụ, họ đều lắc đầu bảo không biết cụ đọc gì.

Cái thói quen này, cụ đã giữ mấy chục năm rồi. Bao nhiêu người tò mò, hỏi xem cụ đọc thần chú gì? Cụ chỉ cười, bảo là thần chú nghề.

Câu chuyện đã đến lúc thân tình, cụ Đinh mới bày hết tâm gan: “Có thần chú thần bác gì đâu. Tôi hay đọc nhẩm câu ca của làng “có tàu Ngô Khách, có làng ươm tơ”. Nó đã thành cái thói quen từ hồi trẻ. Khi ấy, các cụ dạy nghề kỹ lắm. Cứ phải thuộc làu những câu ca nói về nghề ươm tơ, dệt vải thì mới dạy tiếp đến những khâu khó hơn”.

Cụ Đinh cho biết, nghề dâu tằm Cổ Chất ngày xưa chỉ đơn giản lấy tơ đan lưới đánh bắt cá. Dòng sông Ninh Cơ, một nhánh lớn của sông Hồng chảy qua Cổ Chất đã cho làng một thứ nghề nuôi sống bao đời nay. Lúc ấy, những bãi dâu cho tằm ăn không phải để dệt lụa mà để dệt lưới. Cho nên, người Cổ Chất trước đây được gọi là vạn chài.

Lịch sử làng Cổ Chất ghi lại, từ thời Hậu Lê, vào đời vua Lê Tương Dực, có các cụ Phạm Tài Dũng, Đoàn Sùng Hưng, Nguyễn Chân Phúc, Nguyễn Tri Vinh đến gò Ma Sá bên dòng sông Đại Hà trú ngụ để làm nghề chài lưới.

Sau khi được một vị quan tên Phương Đình Công giúp đỡ, các cụ cùng gia đình con cháu nhập cư, giao đất rồi tạo dựng thành trang Cổ Hiền thuộc tổng Phương Để. Và cũng từ đó, các cụ còn phát triển thêm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén.

Với nhu cầu tiêu thụ mặt hàng vải lụa, làng Cổ Chất mới dần bỏ nghề vạn chài, chuyển sang ươm tơ dệt lụa. Vậy mà, mấy thế kỷ đã qua, cả đất Nam Định chỉ còn mình Cổ Chất còn giữ được nghề. Nghề có lúc lên lúc xuống, có lúc nghiệt ngã nữa, nhưng người Cổ Chất đã ăn đời ở kiếp với tơ tằm, với dệt lụa nên nghề vẫn ở với họ.

Luộc kén.

Kén trong nồi được khuấy liên tục để kéo tơ.

Cổ Chất là một làng cổ, tuy không thuộc hàng đẹp nhất của Nam Định, nhưng nhiều di tích còn giữ được nguyên vẹn. Và, nhiều tập tục xưa mà không cũ, cổ mà không hủ vẫn được dân làng duy trì. Nhiều khách thập phương về Cổ Chất, sẵn sàng bỏ ra một số tiền để được ở trong những ngôi nhà gỗ lợp rơm, nghe tiếng thoi đưa dệt cửi quê mùa.

Cụ Đinh nói rằng thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng nhất trong cả nước. Tuy số lượng không bằng làng Vạn Phúc (Hà Đông) và Nha Xá (Hà Nam), nhưng chất lượng và vẻ mịn đẹp thì lại hơn hẳn.

Người Pháp thường hay mua lụa Cổ Chất rồi chuyển theo đường tàu hỏa, hay theo đường thủy về nước. Đến thương nhân nổi tiếng Bạch Thái Bưởi cũng theo tàu thủy về đây khảo sát, đặt làng làm những tấm lụa mịn rồi chuyển bán bên Hồng Kông, Đài Loan.

Đầu thế kỉ XX, nhận thấy tơ Cổ Chất sánh được với tơ sợi Trung Hoa, Ấn Độ, giới tư bản Pháp đầu tư một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng. Từ đây, thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè.

Năm 1942, chính phủ phong kiến mở phiên đấu xảo ở Hà Nội thu hút tinh hoa làng nghề từ khắp các nơi. Năm ấy, cụ Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ lụa đi thi và đoạt giải cao (giải Nhất) của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ. Sau, vì chiến tranh tàn phá nương dâu, xưởng ươm sụp đổ, dịch bệnh hoành hành khiến dâu tằm sông Ninh trơ trụi.

Tơ vàng Cổ Chất

Phơi tơ thành phẩm.

Cái đận nghề ươm tơ dệt lụa thời chiến tranh của Cổ Chất như thế nào, lớp trẻ không ai biết rõ, và lớp cao niên như cụ Phạm Văn Đinh cũng không kể gì. Mãi đến thời bao cấp, nghề mới phục hồi nhờ mô hình hợp tác xã.

Nếu như các làng bên dựa vào lúa ngô khoai sắn thì Cổ Chất lại dựa vào bãi bồi trù phú ven sông. Những nương dâu xanh mướt màu ngọc nuôi nấng những kén tằm vàng tươi óng ánh.

Cho đến bây giờ, khách lạ đến làng Cổ Chất sẽ thấy một cảnh thanh bình hiếm thấy. Những tiếng lạch cạch, đều đều và chầm chậm từ những chiếc máy gỗ quay tơ nghe như tiếng nhạc. Ở những sân phơi ven đường, dải lụa vàng nhịp nhàng bay trong gió trông như một bức tranh phong cảnh.

Nghĩ, nếu anh chàng hay cô gái nào về đây ra mắt mà sẵn không ưng con người thì cũng phải ưng cái hồn làng Cổ Chất. Rồi lại ngẫm cái logic, làng là nơi nuôi dưỡng người ta. Chẳng có ai trở nên vô dụng nếu được ẩn náu dưỡng dục từ một ngôi làng tử tế. Làng, như một nghệ nhân đục đẽo ra tâm hồn người.

Người Cổ Chất, đúng như tên gọi của làng. Mỗi người đều mang trong mình những hoài cổ, những nếp sống mực thước của thời xửa xưa nên vô cùng chất phác. Không hẳn là cái nghề làm nên tính cách con người, mà chủ yếu ở cái nền nếp cũ dạy cho người ta giữ lấy thuần phong, mỹ tục.

Cái cách sống ấy làm cho những nghiệp đoàn xưa khi đặt hàng người Cổ Chất thì chẳng bao giờ lo ngại hàng hóa kém phẩm chất. Cho đến thời mới này, chưa thấy một lời phàn nàn của người làm nghề buôn bán khi hợp tác với Cổ Chất về giá cả lẫn chất lượng. “Ở làng tôi, người ta làm được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Không bao giờ có tính gian manh trong sản xuất tơ lụa, cũng không bao giờ tráo hàng”, cụ Đinh khẳng định như vậy.

Bà Chu Thị Thư, một gia đình làm tơ lụa có tiếng ở Cổ Chất nói rằng, bà đã ăn đời ở kiếp với nghề này. Ngồi bên lò ươm, bà Thư đang miệt mài kéo tơ trong khi cô con dâu đang hì hụi trong làn khói bốc lên từ nồi luộc kén. “Kén tằm cho vào nồi nước sôi thì phải được khuấy liên tục theo phương pháp “con khuôn lôi sợi”. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng quay”, bà Thư giải thích.

Vì coi đây là một nghề sống còn nên người Cổ Chất sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén. Cái câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là giãi bày về sự vất vả của nghề này.

Ở Cổ Chất, người ta không có khái niệm nghỉ trưa, cũng không có thói quen ngủ sớm dậy muộn. Đặc trưng nghề khiến người ta cứ lật đật suốt ngày. Hết ra bãi chăm dâu, hái lá lại đến chăm tằm, kéo tơ. 

Cách nào níu giữ nghề cổ?

Dệt lụa.

“Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày mới được đem đi kéo sợi. Kéo tơ xong còn phải chỉnh tơ. Nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, sao cho tơ được sạch sẽ. Sau đó những cuộn tơ được cuộn thành từng bó, phơi khô dưới nắng.

Từ những bó tơ này, thương lái đến thu mua để dệt thành lụa. Tơ thành phẩm được xuất đi các vùng dệt như Vạn Phúc và Nha Xá, hoặc sang các nước như Lào, Thái Lan”, bà Thư cho hay.

Theo chính quyền địa phương, trước đây thì cả làng Cổ Chất ít nhiều đều gắn bó với nghề tơ tằm. Bây giờ, chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề. Một trong những lý do khiến người dân bỏ nghề cổ truyền, vì ngoài lý do vất vả thì cũng nhiều rủi ro, giá thành lại thấp nên nhiều người buộc phải bỏ đi tìm nghề khác.

Theo ước tính của người dân làng nghề, để có thể duy trì được hoạt động của một hộ kinh doanh cần khoản vốn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc hỗ trợ vay vốn chỉ được khoảng 400 triệu đồng/năm đối với một hộ kinh doanh. Do đó, nguồn vốn cũng là một bài toán nan giải mà những người muốn giữ nghề truyền thống phải đối mặt.

Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là việc xây dựng thương hiệu cũng như hành lang pháp lý bảo vệ tơ Cổ Chất. Khó khăn nhất đối với những người làm nghề hiện nay là tìm đầu ra, bởi họ không có đơn vị thu mua ổn định. Một số hộ sản xuất phải tự tìm mối xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan hoặc Lào.

Ông Vũ Phi Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định cho biết, con tằm rất nhạy cảm với thời tiết, do đó việc chăm sóc và nuôi dưỡng vô cùng khó khăn và nhiều rủi ro. Hiện, 1kg tơ tằm người dân có thể bán với giá 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, các loại chi phí kéo theo như nhân công, vận chuyển... đều tăng nên khoản lãi thu lại chẳng đáng là bao. Đó cũng là lý do khiến nhiều gia đình bỏ nghề.

“Để giải quyết bài toán thu nhập cho người dân tiếp tục phát triển nghề ươm tơ, địa phương đã quy hoạch vùng dệt bông sợi với diện tích 25ha. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp dệt hoạt động trên địa bàn, sản xuất các sản phẩm khăn, màn bằng sợi bông thu hút hơn 2000 lao động địa phương”. Ông Vũ Phi Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định

Trần Siêu

Nguồn: Giáo dục và thời đại, ngày 16.7.2021.

Tây Nguyên - đại ngàn xanh thẳm của dãy Trường Sơn. Nơi những bản trường ca “chảy” bất tận qua thời gian, không gian. Đó là một ký ức huyền thoại. Ngày nay, trên quê hương Đam San, dấu chân còn ghi lại đó nhưng bản trường ca bên bếp lửa bập bùng nay đi về đâu?

Bến nước xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk tương truyền là nơi còn vết tích dấu chân Đam San - một nhân vật anh hùng trong bản trường ca bất tận của người Ê Đê. Nơi đó còn một tảng đá. Trên tảng đá có một dấu tích mờ như dấu chân của người khổng lồ. Dân gian tin rằng chàng Đam San là nhân vật có thật, từng sinh sống trên vùng đất xinh đẹp này. 

Lên Núi Hoa, tìm dấu chân Đam San

Cư M’Gar trong tiếng Ê Đê có nghĩa là Núi Hoa. Những ngày cuối năm, khi đồng bào các dân tộc bắt đầu lễ mừng cơm mới, cũng là thời điểm đất trời vùng này trở nên quyến rũ nhất. Trong cái nắng lạnh đặc trưng của cao nguyên, hoa dại cũng bùng dậy, đánh thức vẻ đẹp của vùng đất đỏ bazan từng đi vào những áng trường ca - sử thi huyền thoại. 

Huyện Cư M’Gar có 24 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong đó, nhóm cư dân bản địa người Ê Đê, Xê Đăng, M’Nông đều có trường ca - sử thi riêng của dân tộc mình. Ngày xưa, mỗi buôn có một, hai người biết hát. Giờ cả huyện chỉ còn năm người, được xem như “di sản sống”. Già làng Y Wang Hwing, người Ê Đê, ở buôn Tría, nổi tiếng hơn cả. Mười bảy năm trước, ông từng khiến những người tham dự Lễ hội Âm nhạc dân gian thế giới ở Phần Lan sửng sốt khi diễn xướng trường ca liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ. 

20210306 2

Hòn đá ở bến nước xã Ea Tul, nơi được cho là in dấu chân Đam San.


Buôn Tría ngày nay hiếm thấy nhà dài, nhà sàn. Chỉ có những ngôi nhà tường khang trang kiểu của người Kinh. Trước nhà luôn là một khoảng sân rộng để phơi cà phê. Nhà của già làng Y Wang Hwing cũng tương tự. Thứ duy nhất nhận ra đặc trưng của người Ê Đê là tấm ảnh ông mặc chiếc áo thổ cẩm được treo trong phòng khách bên cạnh bằng khen của Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

“Mấy năm trước đi suốt. Có thời gian tôi ở Hà Nội, biểu diễn ở các khu du lịch cho du khách nghe. Sau tôi thấy nhớ buôn làng quá nên về. Giờ về nhà phụ con cái trồng cà phê. Thỉnh thoảng địa phương có lễ hội này nọ mời thì mình mới đi hát thôi”, nghệ nhân trên 70 tuổi chia sẻ. 

Nổi tiếng thuộc nhiều, hát hay, chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc, ông được đưa đi biểu diễn khắp nơi, được nhiều công ty du lịch mời cộng tác. Có người gọi ông là “người hát trường ca ban ngày”. Tức là nếu có người cần nghe, ông sẽ hát phục vụ. “Không gian đúng chất để hát trường ca đâu còn nữa. Nên giờ ai muốn nghe thì mình hát thôi. Hát để người ta còn biết thế nào là trường ca, là sử thi”, ông trầm ngâm. 

Chiều cao nguyên buốt lạnh. Bên hiên nhà, người đàn ông quá 70 tuổi húng hắng ho. Rồi ông cất giọng hát một đoạn trong trường ca Đam San bằng tiếng Ê Đê. Tạm dịch: “Họ phóng tầm mắt ngắm làng Đam San. Nơi dựng làng trông như cái mai rùa. Rẫy giăng khắp núi. Trâu bò lúc nhúc như mối, như kiến… Dấu chân ngựa, chân voi như bện thừng. Nô lệ trai ngực đụng ngực. Nô lệ gái vú đụng vú… Dấu chân ngựa như chân rết, dấu chân voi như trôn cối giã gạo, nồi bung, nồi bảy như ốc sên rừng, nhà dài cả một hơi chiêng, sàn sân rộng cả một hơi chim bay…”. 

Ký ức đêm huyền thoại

Đoạn ca ngắt quãng đưa già Y Wang Hwing trở về những đêm trường ca huyền thoại của hơn nửa thế kỷ trước. Khi mà cả đại gia đình cùng sống trên một mái nhà dài. Bảy, tám gia đình, mấy chục con người cùng ăn, cùng ngủ, cùng thao thức trong một không gian. Đó là những lúc nông nhàn, đồng bào gọi là mùa “ăn năm uống tháng”. Bếp lửa ấm áp được nhen lên, người già bắt đầu hát trường ca - sử thi. 

Hát trường ca không chỉ là biểu diễn, mà đó là một hành trình thăng hoa sáng tạo. Cùng một cốt chuyện đó nhưng mỗi người có cách diễn xướng khác nhau. Mỗi lần kể là một lần xuất thần. Tiếng hát, tiếng kể không chỉ cất lên từ miệng, còn từ sâu thẳm trong tâm hồn những con người lãng mạn, phóng khoáng. Người hát say sưa. Người nghe cũng say sưa. Giữa đại ngàn, không sự ồn ào nào làm xao lãng tâm hồn phiêu bồng của họ. Củi cứ được tiếp thêm cho bếp lửa ấm áp bừng sáng. Câu chuyện cứ nối dài từ đêm này sang đêm khác. Cứ thế, trường ca - sử thi cũng như một dòng chảy triền miên, truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

“Mười tuổi, tôi đã nhớ vanh vách những bản trường ca. Mười lăm tuổi, tôi mạnh dạn đề nghị được hát. Nghe hát xong, ai cũng bất ngờ. Cái này là trời cho. Tôi cứ nghe qua vài ba lần là thuộc. Rồi từ đó, trường ca - sử thi như cuốn lấy đời mình. Tôi hát trên nhà dài. Hát ở lễ hội. Hát ở khu du lịch. Rồi đi ra quốc tế…”, ông nói. 

Già làng Y Wang Hwing - nghệ nhân ưu tú, một người hiếm hoi còn biết hát trường ca và sử thi

Ngoài trí nhớ đặc biệt để không quên những bản trường ca dài dằng dặc, người hát còn phải có một tâm hồn nghệ sĩ. Cho dù câu chuyện đã quen thuộc lắm. Nhưng mỗi lần kể là một lần rung động mới, một cảm xúc mới. Nếu hát bên bếp lửa trong nhà dài là sự ấm áp của nhiều thế hệ chung khát khao sự kết nối về một thế giới tốt đẹp thì hát trong lễ hội là sự tươi vui, tưng bừng. Hát trong đám tang lại giúp người ta vơi bớt nỗi buồn thương. 

Thế nhưng, dù hát trong hoàn cảnh nào, trường ca - sử thi vẫn luôn phản chiếu tâm hồn của người Tây Nguyên. Nhân vật trung tâm của các trường ca thường là những tù trưởng dũng cảm, hùng mạnh như Đam San, Đam Di, M’Trong Dam… Bên cạnh họ là những người con gái đẹp, thủy chung như những bông hoa giữa núi rừng hoang dại. Nội dung các trường ca xoay quanh chiến công của những người anh hùng. Đó là ước mơ về một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác. Hòa quyện trong đó là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn một thuở. 

Trường ca lạc nửa linh hồn

Chiều buông. Lạnh. Già Y Wang Hwing ngưng kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa. Ông lại cất giọng hát một đoạn về chàng dũng sĩ đi tìm nữ thần mặt trời. Trên hành trình của chàng băng qua đại ngàn. Nơi đó có cây rừng cổ thụ, có suối, có cá, có heo rừng, có con nai, con cáo… Nơi đó có sự sống chan hòa giữa con người và thiên nhiên rộng mở.  

“Từ xa xưa, trong trường ca - sử thi có nhiều đoạn nói về mối quan hệ giữa người với rừng. Ai phá rừng, phá nguồn nước là bị phạt nặng lắm. Phạt con trâu, con bò chứ không ít. Nói miệng thôi. Không giấy tờ gì cả. Nhưng quy ước bảo vệ rừng nghiêm ngặt lắm. Giờ rừng không còn. Cũng lấy đâu ra gỗ để làm nhà dài. Những đêm hát trường ca bên bếp lửa cũng không còn nữa…”, già Hwing ngậm ngùi.

Không còn không gian, trường ca cũng bơ vơ ngay trên buôn làng. Sau này, khi có danh hiệu nghệ nhân, ông được đưa đi biểu diễn khắp nơi. Mười bảy năm trước, ông tham dự Lễ hội Âm nhạc dân gian thế giới tại Phần Lan. Đó là dấu ấn được đưa trường ca - sử thi của Việt Nam ra giới thiệu với quốc tế. 

Nghệ nhân nhớ lại: “Lúc đó, tôi hát khỏe lắm. Hát liên tục. Vừa thổi các loại kèn, rồi lại hát, suốt 8 tiếng đồng hồ. Hôm đó, tất cả mọi người trong hội trường nhịn đói vì không muốn bỏ lỡ buổi diễn. Còn tôi thì như thăng hoa, không biết mệt mỏi là gì. Mình thổi những nhạc cụ bằng lồ ô, tre nứa của dân tộc mình. Mình mặc chiếc áo thổ cẩm. Hát bằng tiếng Ê Đê. Vậy mà mọi người nghe say sưa. Sau khi tôi hát, Tổng thống Phần Lan đứng dậy. Thông qua phiên dịch, tôi hiểu, ông nhận xét: “Chưa từng thấy. Chưa từng có. Rất đặc biệt!””. 

Ông kể trong ánh mắt tràn ngập tự hào, rồi giọng chùng lại nhắc chuyện sau đó đi biểu diễn trong khu du lịch ở thủ đô, nhưng nhớ buôn làng, nhớ những đêm hát bên bếp lửa bập bùng. Vì vậy, ông khăn gói trở về buôn. Nhưng buôn làng giờ cũng khác xưa. 

“Nhà dài như một tiếng chiêng ngân đâu còn. Rừng ngày xưa cũng không còn, đất không giữ được nước ngầm. Giờ lo cho rẫy cà phê. Mùa khô hạn lo đi tưới nước cho cà phê. Lâu lâu huyện hay tỉnh có lễ hội người ta mới mời đi hát trường ca mang tính chất biểu diễn. Tivi, điện thoại giờ đầy thứ giải trí. Mấy đứa trẻ giờ đâu có tâm trạng nghe trường ca như thời mình ngày trước nữa. Giờ mà nhà nước mở lớp dạy hát trường ca - sử thi, tôi tình nguyện đi dạy”, giọng già làng chậm rãi.

Chiều mùa đông, buôn làng lạnh se sắt. Phụ nữ trong buôn vẫn địu con ra bến tắm. Cạnh bến tắm là di tích dấu chân Đam San. Đó là “nhân chứng” về những bản trường ca huyền thoại thấm đẫm tâm hồn của người cao nguyên. 

Hay chỉ là một hòn đá vô tri mà nhân gian vốn lắm ước mơ và giàu tưởng tượng? 

Bài và ảnh: Yến Trinh

Nguồn: Người đô thị, ngày 28.02.2021.

Thông tin truy cập

63687358
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7650
23426
63687358

Thành viên trực tuyến

Đang có 1008 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website