Thuộc những câu ca, điệu hát của ông cha để hiểu được tâm tình của người dân xứ sở, để mai này có đi xa cũng vẫn mãi mang theo trong tim mình những ký ức ấm áp và đầy yêu thương về quê cha đất mẹ.
Kề từ năm 1999 đến nay, sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP.HCM, khóa nào cũng được tham gia chương trình thực tập thực tế sưu tầm văn học dân gian trong khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Sinh viên mỗi khóa sẽ được điền dã một đợt từ 2 đến 3 tuần tại một địa bàn nào đó trong một tỉnh.
Nhiệm vụ gìn giữ di sản tinh thần của cha ông
Mục đích của chương trình thực tập thực tế này là nhằm trang bị cho sinh viên phương pháp nghiên cứu điền dã, kĩ năng phỏng vấn và khai thác tư liệu qua tiếp xúc với dân, kỹ năng tạo quan hệ trong ăn ở cùng dân. Qua mỗi đợt điền dã, sinh viên không chỉ nâng cao được kĩ năng giao tiếp với nhân dân và chính quyền địa phương nơi mình đến mà còn phát triển được năng lực làm việc nhóm, biết phân công trách nhiệm để cùng nhau hoàn thành việc học và biết chia sẻ với nhau trong sinh hoạt chung hàng ngày, trong thời gian từ 14 đến 21 ngày ăn ở cùng nhau trong các địa bàn nông thôn khá là khó khăn về cơ sở vật chất.
Khi kết thúc mỗi đợt thực tập, các nhóm sinh viên được phát triển về nhiều mặt và trưởng thành hơn, sẵn sàng cho việc hòa nhập với môi trường công việc mới mẻ sau khi tốt nghiệp. Và quan trọng hơn cả là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một ngành Khoa học xã hội, sưu tầm và công bố kho tàng văn học dân gian truyền thống của dân tộc đang ngày càng mai một, nhằm góp phần vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Các đợt khảo sát điền dã thực tế về các tỉnh thành được triển khai vừa theo diện rộng vừa có trọng điểm nhằm mục đích sưu tầm được triệt để tư liệu thô, sau đó sẽ tổ chức chỉnh lý, nghiên cứu và đánh giá về vốn văn hóa truyền thống, cụ thể là trữ lượng văn học dân gian của các địa phương về phương diện số lượng, chất lượng văn bản, những đặc điểm đặc trưng có tính vùng miền trong các tác phẩm cả về mặt nội dung lẫn đặc điểm nghệ thuật.
Là một nhánh trong dòng chảy văn học dân gian của cả dân tộc, văn học dân gian Nam Bộ đóng góp vào đó những sắc thái riêng, phản ánh tâm hồn, tính cách, đời sống sinh hoạt và lao động của cư dân miền Nam. Vì lẽ đó, việc khai thác, tìm hiểu văn học dân gian Nam Bộ đang trở nên cấp thiết, nhằm lưu giữ lại những vẻ đẹp dân dã, truyền thống đang dần mai một bởi sự chuyển mình của xã hội nông thôn Nam Bộ dưới ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thêm hiểu, thêm yêu người dân và văn hóa nước mình
Sau khi các tuyển tập Văn học dân gian địa phương được công bố, nhiều tác phẩm trong các tuyển tập này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh chọn đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương cho học sinh các cấp. Điều này thực sự có ý nghĩa trong việc giáo dục các thế hệ trẻ em tại địa phương, thông qua văn học dân gian, có thể biết thêm và yêu thêm văn hóa và lịch sử của quê hương, để thêm tự hào và yêu quý nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thuộc những câu ca điệu hát của ông cha để hiểu được tâm tình của người dân xứ sở, để mai này có đi xa cũng vẫn mãi mang theo trong tim mình những ký ức ấm áp và đầy yêu thương về quê cha đất mẹ.
Năm vừa qua, khoa Văn học cũng vừa kết thúc chương trình đưa sinh viên đi thực tập thực tế trong hai năm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gần 150 em sinh viên tham gia trong hai đợt thực tập thực tế này cũng đã tốt nghiệp ra trường và công tác ở nhiều cơ quan khác nhau. Nhưng khi được hỏi đến, các bạn đều cho rằng những dấu ấn của 14 ngày ăn ở cùng dân và lang thang khắp mọi nẻo đường điền dã ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn như còn mới nguyên trong kí ức của các bạn.
Bạn Cẩm Tú, nhóm trưởng của một nhóm gồm 14 sinh viên điền dã tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bồi hồi nhớ lại: “Hành trình thực tập thực tế của em và cả nhóm trong 14 ngày ở xã Kim Long có rất là nhiều cảm xúc và dấu ấn đặc biệt. Nhóm tụi em đã được các thầy cô trong khoa hướng dẫn tận tình và thường xuyên thăm nom tụi em, địa phương thì hỗ trợ cực kỳ nhiệt tình trong vấn đề chỗ ở, ăn uống và sinh hoạt. Chúng em phân nhau nấu những bữa cơm như một gia đình. Chúng em cùng nhau làm việc và chia sẻ những khó khăn, rồi bao nhiêu kỉ niệm đã được tạo nên trong quá trình đi sưu tầm. Đối với em và các bạn trong nhóm thì đây là một phần tuổi trẻ sôi nổi và hạnh phúc nhất trong suốt 4 năm học tại trường mà chúng em sẽ mãi mãi chẳng thể nào quên được”.
“Từ chuyến đi, mà chúng em học hỏi được nhiều thứ, sưu tầm được nhiều tư liệu quý giá. Đặc biệt là tiếp xúc với những người dân vô cùng gần gũi, hòa đồng và luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ tụi em. Nhóm trải qua những ngày tại Côn Đảo thật gian nan nhưng cũng rất ấm áp và hạnh phúc. Những giây phút nấu ăn cùng nhau, cùng đi sưu tầm tư liệu, trò chuyện với những người dân dễ mến, hay cả những giờ rảnh rỗi lúc chiều chạy xe vòng quanh bờ biển để hít thở không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên, thậm chí có lần cả nhóm ra cảng Bến Đầm để tiếp xúc với những ngư dân gần đó, tìm hiểu về đời sống và sinh hoạt của người dân...” Sinh viên Nguyễn Thanh Phú (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhóm Côn Đảo. |
La Mai Thi Gia
Nguồn: Khoa học phổ thông, ngày 7.8.2023.