Tư tưởng kinh văn hệ bát nhã trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

20201213 3

Tranh: Lê Lựu 

Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) tuy được đào luyện trong cửa Khổng sân Trình nhưng trong tư tưởng của nhà thơ, bên cạnh tư tưởng của Nho gia thì còn có nhiều luồng tư tưởng khác mà thi hào đã từng tìm hiểu và chịu ảnh hưởng. Vì thế, văn chương của thi hào không chỉ thể hiện tư tưởng Nho gia mà còn là sự dung hợp các nguồn văn hóa tư tưởng khác, trong đó có thể nói Phật giáo Thiền tông là tư tưởng mà thi hào chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất, đặc biệt là tư tưởng triết học trong kinh văn hệ Bát nhã với giáo lý Tính không, Vô tướng, Vô trụ, Siêu việt Hữu - Vô. Bài viết này sẽ trình bày rõ vấn đề vừa nêu để khẳng định Nguyễn Du là một thiện tri thức am hiểu sâu sắc Thiền Phật, một cư sĩ thiền gia ngộ đạo.

1. Sơ lược về kinh văn hệ Bát nhã và tư tưởng kinh văn hệ Bát nhã

Trong hệ thống tam tạng kinh điển (kinh, luật và luận) của Đạo Phật thì kinh văn hệ Bát nhã (Pràjna) còn gọi là Bát nhã bộ là tên gọi dùng để chỉ chung tất cả kinh văn hệ Bát nhã, để phân biệt với các hệ kinh văn khác, như hệ Nikàya (Pàli tạng) hay hệ A hàm (Sankrit tạng, Hán tạng), hệ Phương quảng, hệ Bảo tích, v.v. Trong Đại tạng kinh Hán tạng, theo chúng tôi đã thống kê thì kinh văn hệ Bát nhã có đến 41 bộ kinh, chia làm 777 quyển (1).

Trong tất cả kinh văn hệ Bát nhã thì Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh hay Kim cang Năng đoạn Bát nhã Ba la mật kinh hoặc kinh Năng đoạn Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh hay Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh thường gọi tắt là Bát nhã tâm kinh (kinh Bát nhã) là hai kinh văn được phổ biến sâu rộng nhất ở nước ta và ở Trung Quốc mà người học Phật, tu Thiền nào cũng đọc tụng thuộc lòng.

Nói đến tư tưởng Đại thừa trong Phật giáo là nói đến kinh văn hệ Bát nhã, vì lẽ, nếu không có kinh văn Bát nhã thì không có tư tưởng Đại thừa. Cũng bắt nguồn từ đây mà manh nha là từ lần kết tập thứ 2 trở về sau (khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, tức khoảng thế kỷ thứ IV TCN), Phật giáo lại phân chia thành các bộ phái, các tông phái, trong đó có Phật giáo Đại thừa, là một vấn đề phức tạp khác, dù rằng vấn đề này có liên quan sâu sắc đến kinh văn hệ Bát nhã và các kinh văn Đại thừa khác. Ở đây, Bát nhã là mạch nguồn đầu mối để từ đó các trào lưu tư tưởng Đại thừa, trong đó có Mật giáo/Mật tông phát khởi. Bát nhã là danh xưng của Hán ngữ phiên âm chữ Prajnà trong Phạn ngữ, với nghĩa là Tuệ, Trí tuệ, Không trí. Nhưng dùng từ ngữ nào để dịch đi nữa thì cũng không một từ ngữ nào có thể lột tả hết ý nghĩa hàm ẩn uyên áo của Prajnà trong Phạn ngữ, bởi đây là từ ngữ chỉ loại Trí tuệ đặc biệt. Chỉ có trí tuệ đặc biệt này mới có thể thoát khỏi mọi ngộ nhận sai lạc.

Trong kinh văn hệ Bát nhã, Đức Thế tôn đã trình bày về ý nghĩa của Lý Không, tức giáo lý của Tính không. Chẳng hạn đọc Pháp Ấn kinh, bản dịch của ngài Thi Hộ, trong Tạp A Hàm, Bản Đại Chính Tân Tu 02, Đức Phật đã trình bày giáo lý về Không một cách thú vị như sau:

“Hỡi các Tỷ khưu! Tính không không có sở hữu, không có vọng tưởng, không có khởi điểm, không có kết thúc, siêu việt mọi quan hệ nhận thức.

Vì sao? Vì Tính không, không lệ thuộc không gian, không lệ thuộc sắc tướng, vượt ra ngoài tưởng uẩn, nó vốn không lệ thuộc vào điểm khởi sinh, vượt ra ngoài sự hiểu biết đối chiếu và siêu việt mọi vướng mắc. Vì do nó siêu việt mọi vướng mắc, nên hết thảy pháp nó đều dung nhiếp…” (2).

Và ở trong Tiểu Không kinh thuộc kinh tạng Pàli, Trung bộ kinh 3, Đức Phật đã nói về sự an trú đối với Tính không như sau:

“Này Ananda, sau khi chứng đạt, ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng Không tính. Như vậy, này Ananda, các ông cần phải học tập” (3).

Vấn đề này, người đọc còn bắt gặp trong Tương ưng bộ kinh 2. Trong bộ kinh này, gần hai phần nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Duyên khởi và Vô ngã; và trong Tương ưng bộ kinh 3, hết một nửa nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Ngũ uẩn và Vô ngã. Như vậy, những giáo lý này đã được các kinh điển thuộc văn hệ Bát Nhã khai triển một cách triệt để về mặt chiều sâu cũng như chiều rộng đối với ý nghĩa Không của nó, mà điển hình là Đại Bát nhã Ba la mật đa kinh 5, bản dịch của ngài Huyền Trang, trong Đại Chính Tân Tu 5, đã đề cập đến hai mươi loại ý nghĩa của Không, mà trong đó Nhất thiết pháp không là Tính không của hết thảy pháp; Bất khả đắc không là Tính không của cái không thể ý niệm, không thể nắm bắt; Vô tính không là Tính không của cái vô thể; Tự tính không là Tính không của tự tính; Vô tính tự tính không là Tính không của vô tính và tự tính. Đây là những loại Tính không mà kinh văn hệ Bát Nhã đã khai triển một cách sâu rộng và triệt để từ nơi nghĩa Không của giáo lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã đã được diễn tả ở trong các văn hệ thuộc kinh tạng A Hàm và Nikàya.

Giáo lý được trình bày ở trong văn hệ A Hàm và Nikàya rất chú ý đến Ngã Không; nhưng giáo lý được trình bày ở trong văn hệ Bát Nhã không những chỉ trình bày Ngã Không mà còn trình bày đến Tướng Không của Ngã và Pháp một cách triệt để nữa.

Ngã Không hay Ngã thể tức Không hay còn gọi là Nhân không, nghĩa là ngũ uẩn tạo nên thân tâm con người hay chúng sinh, trong đó chúng hoàn toàn không có Ngã thể, nên gọi là Ngã thể tức Không.

Pháp Không hay Pháp thể tức Không, nghĩa là trong năm uẩn không có Ngã thể đã đành, mà ngay trong mỗi Uẩn cũng không có Ngã thể. Cực vi hay vi trần là đơn vị cực tiểu của sắc uẩn, chính nó cũng tương tác Duyên khởi, nên chúng hoàn toàn không có pháp thể tồn tại cá biệt; và ý niệm là đơn vị cực tiểu của tâm ý, nó cũng tương tác Duyên khởi, nên tâm cũng không có pháp thể tồn tại cá biệt, bởi vậy mà gọi là Pháp thể tức Không.

Như vậy, tư tưởng chung của kinh văn hệ Bát nhã là bàn về triết lý của Tính không. Tính không ở đây cần được nhận thức là cái trống rỗng (Emptiness), cái không chân thật vốn có (The Untrue), tức chân không diệu hữu (Organic outstanding vacuum). Cái không này vượt lên trên sắckhông, hữu , tức siêu - việt hữu vô, thể hiện tự tính, bản thể chân như vốn có, thường hằng, bất biến của vạn pháp.

Kinh Kim cang Bát nhã Ba la mật được Đức Thế tôn giảng sau cùng trong hệ thống kinh văn này. Theo ngài Thế Thân (Vasubandhu, 316-396), một luận sư Phật học hết sức uyên áo của phái Nhất thiết hữu bộ và Duy thức tông của Phật giáo Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ IV, ngài là tác giả bộ A tì đạt ma câu xá luậnDuy thức nhị thập luận, Duy thức tam thập tụng thì ngài cho rằng, pháp tạng này đã được Đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương Xá, bắt đầu từ năm thứ năm, kể từ khi Đức Thế tôn thành đạo và kinh Kim cang Bát nhã đã được Đức Phật giảng dạy sau cùng trong các kinh văn hệ Bát nhã. Cũng theo Thế Thân, trong các kinh thuộc văn hệ Bát nhã trước kinh Kim cang, Đức Phật đã dạy cách loại trừ “tướng” nhưng chưa triệt để, phải đợi đến khi Đức Phật dạy Kim cang Bát nhã thì vấn đề này mới được loại trừ hết thảy. Ở đây, Đức Phật muốn dùng thanh gươm báu của trí tuệ bát nhã để chặt đứt mọi sự mắc kẹt, chấp trước vào các tướng của tâm một cách triệt để. Đó là lý do để khẳng định kinh Kim cang Bát nhã Ba la mật là kinh văn được giảng dạy cuối cùng trong kinh văn hệ bát nhã(4).

Trong Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh (Vajracchedikā-Prajñāpāramitā sūtra), thông qua đối thoại với ngài Tu Bồ Đề, Đức Thế tôn đã giảng thuyết cho Tu Bồ Đề và đại chúng về Tính không của các pháp, sau đó Ngài tóm lược lại bằng một bài kệ ngắn: Nhất thiết hữu vi pháp,/Như mộng huyễn bào ảnh./ Như lộ diệc như điện,/ Ưng tác như thị quán. (Tất cả các pháp hữu vi,/ Như giấc mộng, không có thật, như bóng nổi, như ảnh tượng,/ Như giọt sương và như ánh chớp,/ [Các ông] nên xem xét như thế).

Mỗi khi đã thấu rõ cái lý của Tính không thì hành giả sẽ nhận thức tất cả vạn pháp đều vô thường, vô ngã, sẽ đạt được tinh thần vô úy, vô ngại, tự tại, như thiền sư Vạn Hạnh (938-1025) đời Tiền Lê, đời Lý đã đạt được. Chính Vạn Hạnh đã nêu tư tưởng này trong bài kệ dặn dò đồ chúng trước khi ngài tịch diệt, mà tư tưởng trong bài kệ thị tịch này lại bắt nguồn từ bài kệ trong kinh Kim cang vừa trích dẫn. Thiền sư Vạn Hạnh bảo rằng: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,/ Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô./ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.” (Thân người như bóng chớp, có rồi không,/ Như cây cối mùa xuân thì tốt tươi, mùa thu thì khô héo./ Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi,/ Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương [đọng] trên đầu ngọn cỏ.) (5).

Giác ngộ được cái lý của Tính không, thì hành giả sẽ thấu triệt tinh thần Vô trụ. Lúc này cái tâm của hành giả sẽ buông xả hết tất cả, không vướng mắc, không câu chấp, không bám víu, không phân biệt vào bất cứ điều gì, vật gì. Câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” đã được Đức Thế tôn lặp lại đến vài ba lần trong kinh văn khi Ngài đối thoại với Tu Bồ Đề, chứng tỏ vai trò và vị trí quan trọng của tư tưởng Vô trụ mà Đức Phật muốn nhấn mạnh. Tinh thần này, ngài Huệ Năng đã thấu hiểu khi ngài còn là một người tiều phu nghèo khổ, nhân lúc đang bán củi, nghe ông phú hộ đọc kinh Kim cang đến câu này thì bằng trực cảm tâm linh, ngài đã nhận chân ra bản chất của vấn đề, tiếp theo đó, sau khi ngài được ông phú hộ trả lời và chỉ dẫn vị Tổ sư truyền giảng kinh này, thì ngài về nhà sắp xếp chuyện gia đình, nhờ hàng xóm chăm sóc cha mẹ già, để tìm đến núi Hoàng Mai cầu kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Cuộc đối thoại trong buổi sơ kiến với Ngũ Tổ, khi Ngũ Tổ nói: “Ông là người ở xứ Lĩnh Nam quê mùa, mà cũng đến đây cầu Phật ư?” thì Huệ Năng liền đáp lại: “Con người có nam, có bắc nhưng Phật Tính không bắc không nam. Thân kẻ quê mùa này với thân Hòa thượng không giống nhau nhưng Phật Tính không hề sai biệt”. Đặc biệt, qua bài kệ của ngài nhờ người chép lại trên vách bên cạnh bài kệ của ngài Thần Tú thì người đọc càng nhận chân được ngài Huệ Năng đã giác ngộ tuyệt đối về tư tưởng Vô trụ, Vô tướng, siêu việt Hữu – Vô, phá chấp triệt để.

Chuyện này được Pháp bảo đàn kinh ghi lại như sau: Khi Ngũ Tổ biết mình sắp tịch diệt, ngài đã truyền bảo đồ chúng hãy trình kệ để ngài ấn chứng truyền thừa y bát, kế nghiệp tông phong, thì ngài Thần Tú đã trình bài kệ sau: Thân thị bồ đề thụ,/ Tâm như minh kính đài./ Thời thời cần phất thức,/ Mạc sử nhá trần ai. (Thân như cây bồ đề,/ Tâm như đài gương sáng./ Lúc nào cũng lau chùi,/ Đừng để bám bụi nhơ). Ngũ Tổ nhận xét: Nếu y theo bài kệ này mà tu thì đến một lúc nào đó sẽ thấy được Tự tính, tức sẽ giác ngộ. Cả đại chúng ở núi Hoàng Mai đọc tụng thuộc lòng. Sau đó, trong lúc đang giã thóc sàng gạo ở nhà bếp để phục vụ tăng chúng, Huệ Năng đã nghe được bài kệ của Thần Tú, ngài đã nhờ người dẫn lên chính điện chiêm bái bài kệ. Rồi nhờ người đó chép giúp bài kệ của mình lên vách (bởi ngài không biết chữ). Bài kệ của Huệ Năng như sau: Bồ đề bổn vô thụ,/ Minh kính diệc phi đài./ Bổn lai vô nhất vật,/ Hà xứ nhá trần a ? (Bồ đề vốn chẳng phải là cây,/ Gương sáng cũng chẳng phải là đài./ Nếu xưa nay không có vật gì,/ Thì bụi nhơ bám vào chỗ nào?). Nhờ bài kệ này mà Huệ Năng đã được Ngũ Tổ trao truyền tâm ấn, y bát để nối tiếp ngọn đèn tông phong làm vị Tổ sư thứ sáu dòng Thiền của ngài Bồ Đề Đạt Ma. Lúc trao truyền y bát, tâm ấn, Ngũ Tổ đã giảng kinh Kim cang cho ngài Huệ Năng nghe. Lần thứ hai khi nghe đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thì Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ, rồi trình lên Ngũ Tổ một bài kệ nữa(6).

Tư tưởng Vô trụ của kinh Kim cang cũng đã được hoàng đế - thiền gia Trần Thái Tông thấu triệt. Nghe lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm” (Trong núi không có Phật, Phật chỉ có trong tâm mình), Trần Thái Tông từ giã Yên Tử, trở về lại ngôi, vừa trị nước an dân, vừa tu thiền, nghiên cứu kinh điển, nhất là nghiền ngẫm kinh Kim cang và được liễu ngộ cũng nhờ kinh này. Việc này nhà vua có ghi lại trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam (Thiền tông chỉ nam tự): “Trẫm thường độc Kim cang chí ư “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” chi cú phương nhĩ phế quyển trường ngâm gian, khoát nhiên tự ngộ. Dĩ kỳ sở ngộ nhi tác thị ca, mục viết “Thiền tông chỉ nam”.” (Trẫm thường đọc kinh Kim cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm – đừng nên sinh tâm vào chỗ định sẵn”, vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được làm bài ca này, đặt tên là “Thiền tông chỉ nam”)(7).     

Nếu Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh, Đức Phật giảng sâu về tư tưởng Vô trụ, Vô tướng, Tính không thì ở kinh Bát nhã Tâm kinh, Ngài chỉ giảng riêng về cái lý của Tính không, thông qua cuộc đối thoại giữa Ngài với ngài Xá Lợi Phất khi thuật lại việc ngài Quán Tự Tại Bồ tát trong lúc thực hành sâu Bát nhã trí tuệ giải thoát mới soi thấy tất cả đều không.

Bát nhã Tâm kinh hay Ma ha Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh (Prajñāpāramitāhridaya sùtra - kinh nói về cốt tủy tinh yếu của trí tuệ giác ngộ rộng lớn) là một bản văn ngắn nhất, thể hiện cốt lõi tinh yếu nhất về Bát nhã Ba la mật (Prajñāpāramitā). Bản kinh này chỉ vỏn vẹn có 262 chữ, kể cả nhan đề bài kinh, mà đã thâu tóm được tư tưởng cốt yếu của 41 bộ kinh văn hệ Bát nhã gồm 777 quyển, mà trong các thời khóa tụng trì, hành giả nhà Phật thường đọc tụng, bởi đây là kinh bổ khuyết các kinh. 

Trong kinh, Đức Thế tôn đã dạy rằng: Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. (Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành sâu Bát nhã Ba la mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là không, liền qua hết thảy các khổ ách).

 Như vậy, theo lời kinh văn, nếu hành giả nào khi thiền định quán chiếu đã nhận thức được ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là Không như ngài Quán Tự Tại đã quán chiếu, thì sẽ đoạn diệt các chấp thủ, và do vậy sẽ giác ngộ, hiển lộ Phật tính, tức đạt đến cứu cánh Niết bàn. Vì sao? Để đễ hiểu, có lẽ cần bắt đầu từ khái niệm “ngũ uẩn”.

Ngũ uẩn (năm uẩn) là năm nhóm họp thành một thực thể con người. Chữ “uẩn” là do ngài Huyền Trang dịch từ chữ “kiền độ” (skandha) trong tiếng Phạn. Trước đó, ngài La Thập dịch là “ấm” với nghĩa là che phủ. Các dịch giả về trước nữa thì dịch là “chúng” tức tập hợp nhiều yếu tố lại. Sản phẩm do năm uẩn giả hợp lại mà thành thì gọi là chúng sinh. Nói cách khác, con người là sản phẩm của năm uẩn. Trong các bộ kinh văn nguyên thủy, Phật giáo đã xác nhận tính chất vô ngã của tập hợp năm uẩn này rồi. Riêng từng uẩn có vô ngã hay không, thì đây chính là đối tượng khảo sát của kinh văn hệ Bát nhã. Theo tư tưởng Bát nhã thì không một uẩn nào trong năm uẩn là có tự thể/tự ngã, mà không có tự thể/tự ngã tức là vô ngã. Tập hợp của năm uẩn là vô ngã, tức nhân không; từng uẩn một trong tập hợp ấy cũng vô ngã, tức pháp không. Cả nhân lẫn pháp đều không, đó là nội dung trong nghĩa Không của Bát nhã.

Trong năm uẩn, thì sắc uẩn chỉ nhóm vật chất bao gồm bốn đại (đất, nước, gió, lửa) kết hợp với thập nhị nhân duyên để tạo nên xác thân con người. Thọ uẩn chỉ nhóm cảm giác, bao gồm mọi khía cạnh sinh hoạt tâm lý hạ đẳng nơi con người. Tưởng uẩn, chỉ nhóm suy tư bao gồm mọi khía cạnh sinh hoạt tâm lý cao cấp. Hành uẩn chỉ nhóm ý chí bao gồm những sinh hoạt có tính chất bản năng và ý chí. Hành là dấu vết của nghiệp cũ đang tạo tác và dìu kéo các sinh hoạt nơi con người, nó đóng một vai trò quyết định trong suốt đời người. Thức uẩn chỉ nhóm tri giác bao gồm mọi kiến thức trong việc nhận diện sự vật bên trong và bên ngoài con người. Trong số năm uẩn vừa nêu, sắc uẩn thuộc sắc pháp, bốn uẩn kia thuộc tâm pháp. Sắc pháp và tâm pháp hòa hợp tạo nên con người, vì thế con người được mệnh danh là thân năm uẩn.

Trong cái thân ngũ uẩn, theo quan niệm của các thần giáo và triết học Ấn Độ cổ đại thì tất cả đều cho rằng có một thần ngã/tự ngã (atman) ngự trị bên trong bất di bất dịch, không chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Nhưng Phật giáo lại có giải thích khác. Tư tưởng Phật giáo vốn xây dựng trên lý Duyên khởi triệt để phủ nhận cái lý thuyết thần ngã/tự ngã ấy, để khẳng định lý thuyết vô ngã. Về sau, khi các trường phái A-tỳ-đàm vốn thuộc Thượng tọa bộ xuất hiện, giáo lý vô ngã tuy càng ngày càng thêm bền gốc chắc rễ, nhưng lại bị giới hạn trong phạm vi của lý thuyết Nhân vô ngã. Đến khi vấn đề được giải thích bằng giáo nghĩa Bát nhã của tư tưởng Đại thừa, thì vô ngã mới bao trùm lên hết thảy, đó là Pháp vô ngã.

Tinh hoa của Pháp mà Phật dạy chỉ kết lại một vấn đề, đó là lý Duyên khởi, cũng gọi là lý Duyên sinh. Phật giáo sở dĩ khác với các thần giáo, tôn giáo khác là ở một điểm này. Con người ta một khi đã thừa nhận luật Duyên khởi thì không thể nào thừa nhận có một đấng tạo hóa sáng thế sáng tạo ra con người và vạn vật nữa. Lý thuyết Duyên khởi có vai trò rất đặc biệt trong tư tưởng triết học Phật giáo, lý thuyết này bao trùm toàn bộ những lời giảng của Đức Thế tôn. Không có thuyết Duyên khởi thì không có Phật giáo, cũng như không có Bát nhã thì không có Đại thừa như trên đã khẳng định. Phật giáo với quan niệm vô thần là bắt nguồn từ cái lý Duyên khởi này.

Khi đã thừa nhận lý thuyết Duyên khởi thì tất nhiên là phải thừa nhận hai hệ luận gắn liền với Duyên khởi, đó là vô ngã và vô thường. Đã là vô thường thì tác dụng do nó gây ra là khổ. Còn vô ngã thì đương nhiên các sự kiện tự nó là không. Không, đây cần nhắc lại, là không có tự thể. Từ những cái mắt thấy tai nghe, cho đến những cái ý thức suy nghĩ, hết thảy đều không có tự thể dù chúng đang hiện hữu trước mặt mà con người đã thấy, nghe, nhận thức và nắm bắt được. Sự hiện hữu ấy do các duyên (pratìtyasamutpda) tức các điều kiện giả hợp mà thành, không có ngã thể, dù đó là ngã thể của hữu tình hay ngã thể của vô tình. Vô ngã của hữu tình thì gọi là Nhân vô ngã; vô ngã của vô tình thì gọi là Pháp vô ngã. Nói cách khác, tất cả mọi sự vật trong đó có con người, đều là vô ngã. Trường phái Bát nhã triển khai lý luận về hai thứ vô ngã này, tức vô ngã về con người, vô ngã về sự vật, mà thành lập thuyết Tính không, chứng minh cho triết học luận lý Bát nhã là thành tựu bằng đạo học của phương pháp hành trì thực tế để giải quyết khổ đau.

Đoạn kinh trên nói tới việc năm uẩn đều không, tức đề cập đến vấn đề này, bởi vì vô ngã cả nhân lẫn pháp chính là nội dung của giáo nghĩa Tính không Bát nhã. Với giáo nghĩa Tính không, thuyết vô ngã như một trong hai hệ luận của Duyên khởi đã được triển khai, thuyết minh đến mức tuyệt đối cùng tột của nó. Thuyết vô ngã này không chỉ thuần túy là một khái niệm triết học tinh ròng, mà còn là sự thể hiện một thực tế sống động tạo thành nhờ phương pháp trực quán tổng hợp, nghĩa là bằng hành trì mà chứng đắc. Do đó, nói soi thấy (chiếu kiến) năm uẩn đều không chính là như vậy.

Trong quá trình hành trì tu tập thiền định, hành giả đã quán tỏ tất cả đều vô thường, vô ngã tức là đã giải thoát giác ngộ, đạt đến cứu cánh niết bàn. Lúc này, hành giả sẽ nhận ra tinh thần Bất nhị giữa Uẩn và Không, trong đó sắc và không như nhau, thống nhất, và bốn uẩn còn lại cũng y như vậy, không khác, tức cùng một thể, chứ không có hai: “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như thế). Tính thống nhất này xác định sự thật tuy hai mà một, tuy một mà hai, vừa nói lên được tính vô ngã vừa xác định được tính vô thường của nó. Nói cách khác, tính thống nhất ấy thể hiện được bản chất vô thường biến hành nhưng độc đáo của mỗi hiện tượng. Đây là nguyên lý bất nhị. Do gọi tập hợp năm uẩn tức con người là vô ngã (nhân không), mà từng uẩn một trong tập hợp ấy cũng vô ngã (pháp không). Với quan niệm ngã và pháp đều không, tư tưởng Bát nhã của Đại thừa đã triển khai thuyết vô ngã đến mức cùng tột triệt để và hoàn thành giáo nghĩa/tư tưởng/triết lý Tính không. Giáo nghĩa này mở đầu cho nhiều trào lưu tư tưởng khác tiếp nối và dấy khởi bất tận. Cho nên có thể kết luận, tư tưởng Bát nhã là cội nguồn để sản sinh ra tất cả các kinh văn Đại thừa.

Theo tinh thần Bát nhã thì “chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” (Tất cả các pháp, tức tất cả các hiện tượng trong thế giới khách quan, đều không có tướng, không sinh ra, không mất đi, không dơ bẩn, không trong sạch, không thêm, không bớt). Và: “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc.” (Cho nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệc, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc). Tư tưởng Tính không đã lý giải một cách triệt để ngọn nguồn của vấn đề, phủ nhận tất cả, bởi tất cả đều vô thường, vô ngã, vô tướng. Ngã và pháp đều Không.

Bài kinh được kết thúc bằng câu thần chú: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (Phạn ngữ: Gate, gate, paragate, parasamgate; Bodhi-svāha! - Vượt qua, vượt qua, cứ vượt qua, hãy vượt qua một cách trọn vẹn; chào mừng sự bừng vỡ của tuệ giác!). Vấn đề không thể lý giải và luận bàn, mỗi người chúng ta chỉ có thể đạt được/chứng đắc thông qua chiêm nghiệm, suy tư và hành trì tu tập của từng cá nhân thì mới có thể lĩnh hội được chân lý và sẽ đến bến bờ giải thoát.

2. Trong thơ chữ Hán, Đại thi hào Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng tư tưởng kinh văn hệ Bát nhã như thế nào?

Nếu ở Truyện Kiều, thông qua thân phận, cuộc đời truân chuyên lưu lạc của Thúy Kiều tài hoa mà bạc phận, Nguyễn Du đã đổ lỗi cho mệnh trời, cho nghiệp báo, nhân quả,… mà cách hiểu của nhà thơ về vấn đề này là theo cách hiểu đơn giản của quần chúng nhân dân, chứ chưa hiểu sâu như trong giáo lý Phật giáo. Ngay cả giải pháp tu tâm và vấn đề thiện căn cũng hiểu như thế. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là niềm cảm thông con người đau khổ nói chung, những phụ nữ tài hoa mà bạc phận như Thuý Kiều, như Đạm Tiên trong Truyện Kiều, như người ca kỹ đất Long Thành hay nàng Tiểu Thanh trong thơ chữ Hán nói riêng… thì tình yêu thương, niềm cảm thông này phải xuất phát từ tư tưởng nhân ái của dân tộc Việt và tư tưởng từ bi bao dung của nhà Phật, chứ dứt khoát không thể có từ nhà Nho, bởi tư tưởng Nho gia chính thống thì coi thường phụ nữ, với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, hay “Phụ nhi nan hóa” (đàn bà, con trẻ khó dạy bảo). Thì sang thơ chữ Hán, có thể thấy Nguyễn Du đã nhận thức về Phật, về Thiền sâu sắc hơn, nhất là chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của kinh văn hệ Bát nhã, cụ thể là tư tưởng triết lý về Tính không, về Vô trụ, Chân không diệu hữu. Ở đây, có thể nói Nguyễn Du là một cư sĩ, một thiền gia đã ngộ được Thiền lý. Để đến Văn tế thập loại chúng sinh thì tư tưởng của thi hào, cái tâm - tấm lòng của thi hào là tấm lòng của một vị Bồ tát. Đó là tấm lòng vô ngã vị tha, bao dung, nhân ái mênh mông đối với tất cả mọi kiếp người cùng khổ trên thế gian. Ở đây, xin được đi sâu tìm hiểu thơ chữ Hán để khẳng định Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng triết lý Tính không, Vô tướng, Vô trụ của kinh văn hệ Bát nhã, đặc biệt là Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh Bát nhã tâm kinh.

Bài Đề Nhị Thanh động trong tập Thanh Hiên tiền hậu thi tập, nhà thơ thông qua việc tả cảnh sắp đặt khéo léo như một cảnh trời nhỏ, để từ đó tác giả biểu lộ nhận thức của mình về ngoại cảnh theo cái nhìn của Phật giáo Thiền tông:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,

Thử tâm thường định bất ly Thiền.

Đại sư vô ý diệc vô tận,

Phủ thán thành trung đa biến thiên.

(Khắp tất cả các cảnh đều là không, thì làm gì có tướng?

Lòng này thường tĩnh lặng, không xa lìa Thiền.

Đức Phật vô ý cũng vô tận,

Nhìn xuống thấy trong thành có nhiều đổi thay mà ngậm ngùi.)

Hai câu thơ “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, Thử tâm thường định bất ly Thiền.” chứng tỏ thi hào Nguyễn Du đã thấu triệt và thông tỏ cái lý của Vô tướng, của Tính không, đạt đến cái Chân Không Diệu Hữu của kinh văn hệ Bát nhã. Rõ ràng rằng ,nếu tất cả các ngoại cảnh đều là không thì làm gì có hình tướng để người ta có thể nhìn thấy và nhận biết! Tư tưởng này của thi hào ít nhiều đã gặp gỡ với tư tưởng trong bài kệ ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng: Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhá trần ai? Nếu trong hiện thực thế giới khách quan này không có vật gì thì bụi nhơ sẽ bám vào chỗ nào! Tiếp theo, Nguyễn Du khẳng định cái tâm của mình thường định, tức luôn luôn lắng yên, tĩnh lặng, không lúc nào xa lìa Thiền, mà Thiền là một pháp môn hành trì tu tập nhằm làm cho cái tâm luôn ở trạng thái tĩnh lặng, hư tịch, trống rỗng. Cái tâm tĩnh lặng ấy, người đọc sẽ bắt gặp lại một lần nữa trong bài Đạo ý.

Trong bài thơ này, nhà thơ nói cái tâm của mình luôn lặng lẽ, tịch tĩnh như mặt nước giếng xưa, tấm lòng của mình luôn vằng vặc như ánh trăng sáng, tấm lòng ấy, cái tâm ấy không lay chuyển, cho dù có người khuấy lên thì một lúc sau sẽ yên lặng trở lại. Cái tâm không động, tâm lặng lẽ tịch tĩnh, đó là tâm Phật, như thiền sư Viên Chứng đã dạy nhà vua Trần Thái Tông, lúc nhà vua bỏ ngôi lên núi Yên Tử để cầu Phật: “Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (Lòng lặng mà biết, đó là Phật vậy). Cái Tâm của thi hào Nguyễn Du cũng vậy:

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,/ Tỉnh thủy vô ba đào.

Bất bị khiên nhân xả,/ Thử tâm chung bất dao.

Túng bị khiên nhân xả,/ Nhất dao hoàn phục chỉ.

Trạm trạm nhất phiến tâm,/ Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.

(Trăng sáng chiếu giếng xưa,/ Nước giếng không nổi sóng.

Không bị người khuấy lên,/ Lòng này không lay chuyển.

Dù bị người khuấy lên,/ Lay chuyển một lúc lại lặng.

Tấm lòng trong vằng vặc,/ Như ánh trăng sáng, như nước giếng xưa.)

Trong bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh Phật đài ở tập Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã nhận thức rất sâu về kinh văn hệ Bát nhã, đặc biệt là kinh Kim cang Bát nhã Ba la mật, dù nhà thơ cho rằng mình đã đọc cả ngàn lần nhưng không thể hiểu hết áo nghĩa vi diệu của kinh, đồng thời, nhà thơ còn nhắc lại tư tưởng trong bài kệ ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng. Cuối cùng, nhà thơ nghiệm ra rằng, chỉ có cái Tâm rỗng lặng mới thấu triệt cái lý của vạn pháp, bởi “kinh không chữ mới là chân kinh”:

Ngô văn Thế tôn tại Linh Sơn,

Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số.

Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Minh kính diệc phi đài,

Bồ đề bản vô thụ.

Ngã độc Kim cang thiên biến linh,

Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh.

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,

Tài tri vô tự thị chân kinh.

(Ta nghe nói Đức Thế tôn ở núi Linh Thứu,

Thuyết pháp hóa độ người như số cát ở sông Hằng.

Người mà hiểu được tâm, tức là đã tự độ rồi,

Núi Linh Thứu chỉ ở trong lòng người.

Gương sáng cũng không phải là đài,

Bồ đề vốn không phải là cây.

Khi đến dưới dài phân kinh này,

(Ta) mới biết kinh không chữ mới là chân kinh.

Lời kết

Dù thi hào Nguyễn Du đã khiêm tốn thừa nhận mình đọc kinh Kim cang cả ngàn lần nhưng vẫn chưa thể hiểu được những nghĩa lý uyên áo của kinh “Ngã độc Kim cang thiên biến linh / Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh”, nhưng những lời thơ mà thi hào thể hiện trong một số thi phẩm như đã nêu thì có thể khẳng định Nguyễn Du đã nhận thức rất sâu về Thiền Phật, đặc biệt là về tư tưởng của kinh văn hệ Bát nhã. Điều này có thể nói Nguyễn Du không chỉ là một nhà Nho mà còn là một cư sĩ ít nhiều đã ngộ được Thiền đạo, thông tỏ được Thiền lý.

Thiền tông Đông độ từ ngài Bồ Đề Đạt Ma đến đời thứ tư là ngài Đạo Tín thì thường chuyên về kinh Lăng già với tư tưởng đề cao hư tịch, tĩnh lặng, nhưng kể từ đời thứ năm với ngài Hoằng Nhẫn thì bên cạnh kinh Lăng già, Ngũ Tổ còn truyền giảng tư tưởng kinh Kim cang, để đến Lục Tổ Huệ Năng thì hầu như ngài chỉ chú trọng truyền giảng tinh thần của kinh Kim cang mà thôi, đề cao tư tưởng Vô tướng, Vô trụ, phá chấp tuyệt đối. 

Thiền đạo vốn không chú trọng ngôn ngữ, bởi chủ trương “bất lập văn tự”, chỉ chú trọng đến Tâm: “dĩ tâm truyền tâm”, bằng tư duy và phương pháp “trực cảm tâm linh” để thể nhập chân lý tối thượng. Vì thế, Thiền tông thường đề cao sự im lặng, không lời, tức “vô ngôn” là do vậy. Nhưng nếu chư Phật Tổ không dùng ngôn ngữ để diễn giải thì làm sao có thể dẫn dắt người học đạo đi đến bến bờ giải thoát, an lạc tự tại?

Bài viết này đã dùng nhiều lời để biện giải và phân tích nhằm chứng minh Đại thi hào Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của kinh văn hệ Bát nhã, như thế là đã trái với tinh thần của Thiền đạo, nên đành tạm khép lại ở đây, chỉ mong rằng bằng trực cảm tâm linh, quý vị độc giả sẽ thông tỏ Thiền lý trong thơ Nguyễn Du một cách sâu sắc hơn. 

Tháng 11/2015

Nguyễn Công Lý

Đã in trong sách: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Đại thi hào dân tộc Danh nhân văn hóa Nguyễn Du - Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 75-87.

 

Chú thích:

(1) Xin được thống kê bộ kinh văn hệ Bát nhã trong Đại tạng kinh Hán tạng như sau:

- Đại Bát nhã Ba la mật kinh, 600 quyển, chia là 3 phần (mỗi phần 200 quyển), trong Đại tạng kinh Hán tạng ghi ký hiệu 0220, bản Hán tạng do ngài Huyền Trang đời Đường dịch. Hòa thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch sang tiếng Việt được 11 quyển.

- Phóng quang Bát nhã kinh, 20 quyển, ký hiệu 0221, bản Hán tạng do ngài Vô La Xoa đời Tây Tấn dịch.

- Quang tán kinh, 10 quyển, ký hiệu 0222, bản Hán tạng do ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch.

- Ma ha Bát nhã Ba la mật kinh, 27 quyển, ký hiệu 0223, bản Hán tạng do ngài Cưu Ma La Thập đời Hậu Tần dịch. Bản Việt dịch đủ bộ do Hòa thượng Thích Trí Tịnh thực hiện.

- Đạo hành Bát nhã kinh, 10 quyển, ký hiệu 0224, bản Hán tạng do ngài Chi Lâu Ca Sấm đời Hậu Hán dịch.

v.v.

 (2) Pháp Ấn kinh, trong Tạp A Hàm, Bản Đại Chính Tân Tu 02, bản dịch của ngài Thi Hộ, trang 500.

(3) Trung bộ kinh 3, bản dịch của ngài Minh Châu, Tu thư Vạn Hạnh xuất bản năm 1975, trang 252 – 259.

(4) Thế Thân, Kim cang tiên luận 1, bản Hán dịch của Bồ Đề Lưu Chi, tr. 798a, Đại Chính Tân Tu 25.

(5) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, Tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr. 218.   

(6) Lược thuật từ Pháp bảo đàn kinh của Huệ Năng giảng thuyết tại chùa Nam Hoa (chùa Bảo Lâm) ở Tào Khê, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Văn bản dịch giảng của HT. Thích Thiện Hòa.

(7) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1988, tr. 27.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Tổng mục lục Đại tạng kinh Hán tạng, Trang Web phathoc.org
  2. Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, Truyện Kiều, NXB ĐH và THCN, HN, 1973.
  3. Đào Duy Anh và Trương Chính biên soạn, Trương Chính giới thiệu, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, Hà Nội, tái bản, 1970.
  4. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – NXB Văn học, chi nhánh TP HCM, 2001.
  5. Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh, in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 12, NXB KHXH, Hà Nội, 1997.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website