Giao lưu văn học Việt - Nhật qua thể loại thơ Haiku Việt

             Assoc. Prof. Dr. Nguyen Cong Ly

Faculty of Literature and Linguistics

University of Social Sciences and Humanities –

Vienam National University HoChiMinh city

ABSTRACT: 

Haiku is one of the specially genre of Japanese poetry. This is a very short poem, with some sentence and over ten syllables but content thoughtful ideas and arts, it’s pregant with thoughts outside words.

In Vienamese literature contemporary, there is the movement compose Haiku genre in the club Haikư at HoChiMinh city and Hanoi, etc... and published some collected poems.

My acticle-paper will introduce this literal relationship movement in Vietnam through some Haiku collected poems were published recently.     

 

GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – NHẬT

QUA THỂ LOẠI THƠ HAIKU VIỆT

 

PGS.TS. Nguyễn Công Lý

Khoa Văn học và Ngôn ngữ

Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM

 

TÓM TẮT:

Haiku là một thể thơ đặc thù, thuần tuý của văn học Nhật Bản. Đây là một thể thơ rất ngắn, chỉ vỏn vẹn có ba câu với mười mấy âm tiết, nhưng lại mang một trữ lượng tư tưởng và nghệ thuật rất cao, thật hàm súc với “ý tại ngôn ngoại”.

Trong văn học Việt Nam đương đại, hiện có một phong trào sáng tác thơ Haiku có thể nói là khởi sắc qua Câu lạc bộ thơ Haikư ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, v.v.. và đã xuất bản nhiều tập thơ dày dặn.

Bài viết sẽ giới thiệu hiện tượng giao lưu văn học này ở Việt Nam qua một số tập thơ Haiku xuất bản gần đây.    

 

           

*

*      *

 

 

 

 

            1. ĐÔI NÉT VỀ THƠ HAIKU

Haiku là một thể thơ đặc thù, thuần tuý của văn học Nhật Bản. Đây là một thể thơ rất ngắn, chỉ vỏn vẹn có ba dòng (câu) với mười bảy âm tiết, nhưng lại mang một trữ lượng tư tưởng và nghệ thuật rất cao, thật hàm súc với “ý tại ngôn ngoại”.

Trong văn học Việt Nam đương đại, hiện có một phong trào sáng tác thơ Haiku có thể nói là khởi sắc qua Câu lạc bộ thơ Haiku ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, v.v.. và đã xuất bản nhiều tập thơ dày dặn, để tạo nên một dòng thơ riêng, có thể gọi đó là dòng thơ Haiku Việt.

Bài viết sẽ giới thiệu hiện tượng giao lưu văn học này ở Việt Nam qua một số tập thơ Haiku xuất bản gần đây.

Trước hết, xin điểm qua vài nét nguồn gốc và đặc trưng thi pháp thể loại thơ Haiku dù vấn đề này, các nhà nghiên cứu văn hóa - văn học Nhật Bản và những ai quan tâm đều đã quá rõ, mà tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ về lĩnh vực này.

1.1. Nguồn cội của thể thơ Haiku

Về từ nguyên, theo các nhà nghiên cứu thì “chữ Haiku (bài cú) kết hợp bởi Haikai (bài hài = thơ vui cười) và Hokku (phát cú = câu khởi đầu) mà thành, chứ còn dạng Haikai nguyên thủy hay Renku (liên cú) thì nay đã mai một. Dĩ nhiên, đó là chuyện xảy ra trước thời những nhà cải cách như Bashô”[1].

Thể thơ Haikai vốn xuất phát từ Renga (liên ca), một lối thơ dài trong dòng thơ quốc âm Waka (hòa ca) của Nhật Bản. Renga do nhiều người ngâm liên tiếp với nhau mà thành, nó mang tính dân gian, tự do, tùy hứng và cơ trí[2]. Còn Waka vốn là sản phẩm của văn chương cung đình, với động cơ sáng tác, xướng họa thường xoay quanh cái đẹp thuần túy nên lắm khi rơi vào sự giả tạo và lại bỏ qua thực tế, thực tại cuộc sống, vì thế thể Waka ít được phổ biến rộng rãi. Trong quá trình phát triển của lịch sử thơ ca Nhật Bản, thể Haikai được hình thành từ thể WakaRenga. Trong từ Haikai (bài hài) thì hai (bài) có nghĩa là “bày”, “dàn xếp”, tức nói xếp đặt việc dựng câu đặt chữ; kai (hài) mang nét nghĩa “hài hòa” và “hài hước”. Về tư tưởng, thể Haikai chịu ảnh hưởng sâu đậm ba luồng tư tưởng: Phật giáo Thiền tông, Lão - Trang và Khổng giáo. Về nghệ thuật, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng về thi pháp từ hai thể thơ tự thân (RengaWaka) và hội họa Nhật Bản, thì Haikai còn chịu ảnh hưởng hội họa Trung Quốc, thi ca Trung Quốc.

Từ thể Haikai đến thể Haiku lại là một bước phát triển tiếp theo của thể loại. Từ thể Renga Waka phát triển thành thể Tanka (đoản ca). Thể Tanka tức thể waka ngắn cũng là loại thơ xướng họa, xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ III, nhưng rút gọn hơn, chỉ với 31 âm tiết (onji) gồm 5 dòng, chia thành 2 vế: vế trên có 3 dòng với 17 âm tiết (5-7-5) do một người khởi xướng, tức phát cú; vế dưới có 2 dòng với 14 âm tiết (7-7) do người khác họa theo. Lối xướng họa hai vế (17+14) này được gọi là Tanrenga (đoản liên ca) hay Tanka (đoản ca) mà vế trên gọi là kami (phần thượng); vế dưới gọi là shimo (phần hạ). Từ đó, những người sau cứ thế mà nối tiếp như kiểu của hai người trước đã xướng và họa, nên có thể kéo dài đến cả trăm, cả ngàn dòng (câu) gọi là Chôrenga (trường liên ca) hay Kusari-renga (tỏa liên ca), tức là thể thơ Renga (liên ca). Ban đầu nó được sử dụng trong cung đình, thường để giải trí, mua vui; về sau mới được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp xã hội.

Trên cơ sở đó, các nhà thơ đã cách tân thể thơ này, bằng cách tách riêng vế đầu 3 dòng (câu) với 17 âm tiết của thể Tanka (đoản ca) để thành một bài thơ độc lập, nhằm chuyển tải một nội dung đậm chất triết lý, suy tư và trữ tình. Bài thơ Haiku đầu tiên được biết có 17 âm tiết với 3 dòng 5-7-5 là trong Tsukuba-Shuu (Thố Cữu Ba tập) vào thế kỷ XIV do Nijo Yoshimoto (1320-1388) soạn. Để đến thế kỷ XVII, Matsuo Basho (1644-1694) đã đưa thể thơ này lên đỉnh cao, nhờ thế, cả thế giới mới biết tiếng. Nhắc đến Matsuo Basho, các nhà nghiên cứu hay nhắc đến bài: “Ao xưa / ếch nhảy bõm / chỉ một tiếng nước xao.”[3] trong tập Haru No Hi (Ngày xuân, 1686), với lời thơ bình dị, giọng thơ êm đềm, gợi lên cảnh cô tịch của một viên đình, chỉ có tiếng con ếch nhảy bõm xuống ao nước đầy, một âm thanh rất khẽ khàng, thoáng chút xao động rồi trả tất cả về lại im lặng vốn có. Bài thơ đã tồn tại mấy thế kỷ mà vẫn còn thu hút nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và họ đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để luận bình!   

1.2. Đặc trưng thi pháp của thơ Haiku

So với nhiều thể thơ khác trên thế giới thì thơ Haiku là thể thơ ngắn nhất. Mỗi bài thơ Haiku thường có 17 âm tiết (5-7-5), đây là dạng phổ biến, mà tiếng Nhật là tiếng đa âm nên 17 âm tiết ấy chỉ vỏn vẹn trong vài ba từ. Điều kỳ lạ là chỉ có vài ba từ mà thành một bài thơ tuyệt diệu! Một thể thơ nhỏ bé nhưng lại chuyển tải được những điều to lớn như biển rộng, như núi cao. Nếu các nhà nghiên cứu trên thế giới đã tấm tắc hết lời ngợi khen thơ Tứ tuyệt (ngũ ngôn hoặc thất ngôn) của Trung Quốc, thì khi đến với thơ Haiku của Nhật Bản, họ sẽ nghĩ gì? Nếu thơ Tứ tuyệt với 20 hoặc 28 chữ / tiếng (cũng là 20 hoặc 28 âm tiết) với tư tưởng hàm súc, ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời) thì thơ Haiku chỉ vài ba chữ (với 17 âm tiết) mà chuyển tải được cái thâm thúy, uyên nguyên, cái rộng lớn mênh mông, thì thể thơ nào mang cái “ý tại ngôn ngoại” nhiều hơn, dù tôi vẫn biết “mọi so sánh đều khập khiễng cả” như ngạn ngữ Anh có nói. Có được điều đó là do đặc trưng thi pháp nghệ thuật của thể thơ Haiku quy định.

Về đặc trưng thi pháp thể loại, theo các nhà nghiên cứu, mỗi một bài Haiku thường mang những yếu tố sau:

- Nêu được cảm thức về thời gian qua các kigo (quý ngữ = từ chỉ mùa).

- Thể hiện cảm thức của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên vạn vật theo quan niệm “thiên nhân tương cảm”, “thiên nhân tương dữ”, “vạn vật nhất thể”, “tâm pháp nhất như” của triết học phương Đông, thường là Thiền vị, Thiền ý, Thiền đạo, ở đó, những hiện tượng của thế giới tự nhiên đều có mối quan hệ tương giao và chuyển hóa lẫn nhau, trong một quy luật lớn lao và bí ẩn.

- Về thẩm mỹ, thơ Haiku mang nét độc đáo riêng, thường đề cao cái vẻ u nhàn, đơn sơ, cao khiết (wabi); thể hiện cái đạm bạc bên ngoài, sâu lắng bên trong, cái vắng lặng tịch liêu (sabi); cái dư vị buồn thương nhè nhẹ (shiori); cái bi cảm vô thường (aware); cái u huyền trầm mặc (yùgen); cái nhạy cảm và tinh tế để bắt gặp đối tượng (hosomi); cách trình bày nhẹ nhàng thanh thoát, không nặng về kỹ xảo của câu thơ (karumi)…

- Về ngôn ngữ thơ, không dùng hoặc ít dùng nhiều tính từ, trạng từ để cụ thể hóa sự vật. Có thể ví một bài thơ Haiku như một bức tranh thủy mặc, chỉ dùng những nét chấm phá, gợi chứ không tả, chứa nhiều khoảng trống để kích thích trí tưởng tượng, sự liên tưởng của người đọc.

Thơ Haiku cùng với Hoa đạo, Trà đạo, Hội họa… của Nhật Bản đã góp phần vào kho tàng văn hóa nhân loại làm cho nền văn hóa nhân loại phong phú và đa dạng thêm.

2. THƠ HAIKU Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - MỘT HIỆN TƯỢNG SÁNG TẠO ĐỘC ĐÁO

Từ Nhật Bản, thơ Haiku làm một cuộc du hành sang trời Tây và đã được các nhà nghiên cứu, các độc giả nồng nhiệt đón nhận. Từ đó thơ Haiku quay về lại phương Đông, đến Việt Nam. Từ rất lâu ở ta đã tiếp nhận thơ Haiku, tìm hiểu thơ Haiku, nhưng dùng tiếng Việt để sáng tác thể thơ này thì gần đây mới có. Nếu ban đầu, thơ Haiku Việt còn lạ lẫm, còn bỡ ngỡ với bao người, bởi tâm lý chưa quen thưởng thức cái mới, cái lạ thì giờ đây, tiếng thơ Haiku đã gặp được nhiều người đồng cảm, nhanh chóng được cộng hưởng như tìm được tri kỷ tri âm. Câu lạc bộ thơ được thành lập, dù chưa đầy 5 năm, nhiều tập thơ được xuất bản, nhiều báo chí đăng tải sáng tác thơ Haiku, có nhà nghiên cứu viết bài giới thiệu về nó, về câu lạc bộ. Bây giờ thì nhiều bạn đọc đã quen với thơ Haiku Việt rồi. Có thể nói, đây là một hiện tượng văn học của đầu thế kỷ XXI mà rồi đây văn học sử nước nhà cần ghi nhận, chỉ mong sao phong trào sáng tác thơ Haiku Việt được nối tiếp và phát triển không ngừng để góp phần làm cho hình thức thơ ca Việt Nam thêm đa dạng và phong phú hơn.   

Xin được gọi đây là dòng thơ Haiku Việt để phân biệt với thơ Haiku Nhật. Bởi nó đã tiếp thu, kế thừa đặc trưng thi pháp của thơ Haiku Nhật rồi sáng tạo lại trên cơ sở đặc trưng ngữ âm và từ vựng - ngữ nghĩa của tiếng Việt, nên mỗi bài thơ Haiku Việt không nhất thiết phải có đủ 17 âm tiết (cũng là 17 tiếng hay 17 chữ, bởi tiếng Việt là tiếng đơn âm). Vấn đề sẽ được trở lại khi thống kê số lượng chữ  (tiếng) cụ thể trong từng bài ở mỗi tập thơ Haiku Việt.

Một trong những người khởi xướng dòng thơ Haiku Việt là PGS. NGƯT. Lưu Đức Trung. Ông là một trong số rất ít chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về văn học Phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Campuchia), từng giảng dạy suốt nửa thế kỷ tại trường ĐHSP Hà Nội và thỉnh giảng nhiều trường đại học khác trong nước[4]. Khi về hưu, ông chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống với con cháu, và tại nơi đây, ông sáng tác thể nghiệm thơ Haiku bằng tiếng Việt rồi khởi xướng thành lập Câu lạc bộ thơ Haiku Việt vào ngày 24 tháng 6 năm 2007, hiện ông là Chủ nhiệm; TS. Hóa học Vũ Tam Huề là Phó Chủ nhiệm; người cố vấn là nhà nghiên cứu - nhà văn Nhật Chiêu.

Nếu ban đầu chỉ có một nhóm khoảng dăm ba người thì đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, câu lạc bộ thơ Haiku đã thu hút đến hơn tám chục hội viên tham gia, rải khắp mọi miền của đất nước, nhiều nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (riêng tại TP. HCM có đến trên 50 hội viên). Câu lạc bộ đã cho xuất bản 2 tuyển tập thơ Haiku Việt vào các năm 2008, 2010 và 04 tập Nội san. Nhiều hội viên Câu lạc bộ cũng đã có tập thơ riêng được xuất bản. Bản thân vị Chủ nhiệm đã xuất bản đến mấy tập. Sau đây xin được giới thiệu danh mục các tập thơ Haiku đã xuất bản mà chúng tôi đã tiếp cận:  

- Nhiều tác giả, Tuyển tập thơ Haiku, Kỷ niệm một năm thành lập Câu lạc bộ thơ Haiku TP. HCM (24-6-2007 – 24-6-2008), Nxb Lao động, 2008.

- Nhiều tác giả, Thơ Haiku Việt tuyển chọn, Nxb Văn học, 2010.

            - 04 số Nội san của Câu lạc bộ thơ Haiku TP. HCM.

- Lưu Đức Trung, Phiến khúc “Tươi mãi với thời gian” (1, 2), Nxb Hội Nhà văn, 2007, 2008.

- Đông Tùng, Cúc rộ mùa hoa, Nxb Tôn giáo, 2009.

- Vũ Tam Huề, Khúc vô thanh, 2009.

- Nguyễn Thị Kim, Hương vương chiều tà, Nxb Văn học, 1010.

- Đông Tùng, Ngàn cánh mơ rơi, Nxb văn học, 2010.

- Hà Thiên Sơn, Chấm hoa vàng, Nxb Hội Nhà văn, 2010.

- Lưu Đức Trung, Bốn mùa hoa, Nxb Trẻ, 2010.

- Đỗ Thị Hồng Cúc, Thầm thì hương sen, Nxb Thanh niên, 1010.

- Lưu Đức Trung, Cảm hứng Haiku: Xuân Tân Mão; Du hành phương Bắc, CLB Haiku Việt, tháng 01-2011 (12 bài).

Sau nhiều lần trao đổi, thảo luận giữa các thành viên của Câu lạc bộ thơ Haiku Việt TP. HCM, cuối cùng đi đến thống nhất, tạm thời quy định 5 tiêu chí cho việc sáng tác thơ Haiku Việt như sau:

1. Một bài thơ không nên quá 12, 13 từ, xếp thành 3 dòng, có thể dùng các dấu chấm câu, cố gắng có vần điệu.

2. Đảm bảo tính cực ngắn, kiệm lời, hàm súc, giản dị. Gợi là chủ yếu, tránh miêu tả, tránh dùng trạng từ, tính từ.

3. Tùy theo hoàn cảnh mà dùng quý ngữ (từ chỉ mùa).

4. Nên vận dụng yếu tố Thiền.

5. Coi trọng đề tài thiên nhiên, thế sự và phát triển đề tài hiện đại.

Bàn về tiêu chí sáng tác thơ Haiku Việt, tác giả Lưu Đức Trung có lần tâm sự:

1. Coi trọng tính cực ngắn, cô đọng, hàm súc, ý tại ngôn ngoại của thơ Haiku truyền thống Nhật Bản. Nhưng tôi không theo cấu trúc 17 âm tiết (5-7-5) vì tiếng Nhật đa âm, chỉ cần chứng ấy âm tiết người Nhật đã có một câu thơ có nhịp điệu. Còn tiếng Việt đơn âm phải có từ 5 đến 12 chữ mới thành bài thơ 3 dòng với cấu trúc đa dạng: 1-1-3 (Đàn / đứt / một tiếng buồn), 3-2-3 (Mảnh ngói rơi / giật mình / ánh trăng soi) hoặc 4-4-4 (Dưới ánh trăng trong / bóng người lữ thứ / nhẹ bước vườn hồng). Nếu rập khuôn 17 âm tiết tiếng Nhật thành 17 chữ Việt thì bài thơ mất tính cực ngắn của nó.

2. Vận dụng thủ pháp gợi, tránh tả, hạn chế dùng tính từ, hình dung từ  tạo cho thơ giàu sức liên tưởng.

3. Thơ ca phương Đông không thể thiếu phong - hoa - tuyết - nguyệt, do vậy tùy theo môi trường thiên nhiên mà linh hoạt vận dụng quý ngữ (từ chỉ mùa).

4. Phát huy ưu thế giàu thanh điệu của tiếng Việt cho nên câu thơ cần có vần điệu làm cho thơ Haiku Việt dễ đọc, dễ nghe, tránh khô cứng đơn điệu.

5. Không nên bó hẹp trong phạm vi đề tài thiên nhiên, thế sự, thiền tính, mà cần phải đa dạng và hiện đại cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. [5]

Rồi ông nói tiếp: “Những tiêu chí trên tôi đã cố gắng thể nghiệm trong tập thơ này” [6] (tức tập Bốn mùa hoa – NCL chú thêm).    

Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là, qua các tiêu chí trên, bên cạnh tôn trọng cảm thức thẩm mỹ của thơ Haiku Nhật, đặc biệt là Thiền ý, Thiền vị và tính hàm súc, tính cực ngắn của thể loại của thơ Haiku Nhật, thì thơ Haiku Việt có nét đặc trưng riêng và đây cũng là cái mới của thơ Haiku Việt: thơ Haiku Việt trước hết phải phản ánh bản sắc, sắc thái văn hóa Việt, thể hiện nét đặc trưng của ngôn ngữ Việt. Thơ Haiku Việt không nhất thiết phải dùng quý ngữ (từ chỉ mùa), cũng không nhất thiết phải thuần túy gắn với thiên nhiên, mà nếu có thì thiên nhiên đó phải là của Việt Nam, mang cốt cách Việt, tâm hồn Việt, gắn với đời sống Việt như hoa mai vàng, như trái thanh long, sầu riêng – những thứ mà ở xứ sở mặt trời mọc không có, chứ không phải là hoa anh đào với tuyết trắng nơi Phú Sĩ sơn; về số lượng âm tiết (chữ, tiếng) trong thơ, cũng là 3 dòng nhưng thơ Haiku Việt không cần đến 17 âm tiết, và cũng không thể rập khuôn theo đúng số âm tiết trong mỗi dòng như thơ Haiku Nhật 5-7-5, bởi như thế là quá dài, quá nhiều (do đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt). Đặc biệt nhất là thanh điệu trong thơ Haiku Việt. Tiếng Nhật không có thanh điệu, trong khi tiếng Việt có đến 6 thanh (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng), còn trong phép làm thơ thì có đến 8 thanh: phù bình, trầm bình; phù thượng, trầm thượng; phù khứ, trầm khứ; phù nhập, trầm  nhập. Đó là nói về thanh điệu trong thơ Lục bát, Song thất lục bát, nhất là trong thơ Đường luật Hán Việt và Nôm. Do vậy, quy luật thanh điệu này cũng có thể vận dụng vào thơ Haiku Việt. Thêm vào đó, các nhà làm thơ Haiku Việt còn chủ trương trong ba dòng thơ nên gieo vần, có vần thì càng tốt, nhằm tạo âm điệu hài hòa cho thơ. Một điểm mới nữa của thơ Haiku Việt là còn chú trọng đề tài thế sự, hiện đại, đời sống hiện tại.   

Về các dạng thức thơ Haiku Việt, so với thơ Haiku Nhật thì thơ Haiku Việt cũng với 3 dòng, nhưng lại rất phong phú - vô cùng phong phú với nhiều dạng thức. Chúng tôi chỉ mới thống kê qua 5 tập thơ (756 bài), vậy mà đã thấy có trên 70 dạng thức, nếu có thì giờ thống kê tất cả những tập thơ đã xuất bản thì có thể có thêm vài dạng thức nữa. Xin xem bảng thống kê sau:

STT

Dạng thức thơ

Tuyển tập thơ Haiku Nhiều tác giả

Thơ Haiku Việt Nhiều tác giả

Bốn mùa hoa Lưu Đức Trung

Cảm hứng Haiku  Lưu Đức Trung

Chấm hoa vàng  Hà Thiên Sơn

Tổng số bài mỗi dạng thức

1

1-1-3

 

1 bài

1 bài

 

 

02 bài

2

2-1-4

1 bài

 

 

 

 

01 bài

3

1-2-2

 

1 bài

1 bài

 

 

02 bài

4

1-4-4

 

2 bài

 

 

 

02 bài

5

2-2-2

2 bài

4 bài

3 bài

 

 

09 bài

6

2-2-3

2 bài

9 bài

6 bài

 

 

17 bài

7

2-2-4

3 bài

9 bài

6 bài

 

 

18 bài

8

2-2-5

 

1 bài

2 bài

1 bài

 

04 bài

9

2-2-6

 

 

1 bài

 

 

01 bài

10

2-3-2

4 bài

2 bài

4 bài

 

 

10 bài

11

2-3-3

2 bài

8 bài

4 bài

 

 

14 bài

12

2-3-4

5 bài

12 bài

9 bài

 

197 bài

223 bài

13

2-3-5

4 bài

1 bài

 

 

2 bài

07 bài

14

2-4-2

3 bài

5 bài

 

1 bài

 

09 bài

15

2-4-3

2 bài

2 bài

2 bài

 

 

06 bài

16

2-4-4

10 bài

27 bài

4 bài

 

 

41 bài

17

2-4-5

2 bài

2 bài

 

1 bài

 

05 bài

18

2-4-6

1 bài

1 bài

 

 

 

02 bài

19

2-5-2

 

1 bài

 

 

 

01 bài

20

2-5-3

1 bài

 

 

 

 

01 bài

21

2-5-4

1 bài

3 bài

 

 

1 bài

05 bài

22

2-6-6

1 bài

 

 

 

 

01 bài

23

3-1-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

24

3-2-2

1 bài

5 bài

1 bài

 

 

07 bài

25

3-2-3

3 bài

4 bài

5 bài

 

 

12 bài

26

3-2-4

3 bài

6 bài

2 bài

 

 

11 bài

27

3-3-2

3 bài

7 bài

2 bài

 

 

12 bài

28

3-3-3

5 bài

11 bài

5 bài

1 bài

 

22 bài

29

3-3-4

4 bài

11 bài

7 bài

1 bài

 

23 bài

30

3-3-5

2 bài

 

 

 

 

02 bài

31

3-3-8

 

1 bài

 

 

 

01 bài

32

3-4-1

1 bài

 

 

 

 

01 bài

33

3-4-2

2 bài

3 bài

 

 

 

05 bài

34

3-4-3

3 bài

6 bài

2 bài

2 bài

 

13 bài

35

3-4-4

9 bài

14 bài

9 bài

 

 

32 bài

36

3-4-5

1 bài

 

1 bài

 

 

02 bài

37

3-4-6

 

1 bài

 

 

 

01 bài

38

3-4-7

1 bài

 

 

 

 

01 bài

39

3-5-2

 

1 bài

 

 

 

01 bài

40

3-5-4

 

2 bài

2 bài

 

 

04 bài

41

3-5-5

 

2 bài

 

 

 

02 bài

42

3-6-5

1 bài

 

 

 

 

01 bài

43

4-1-3

1 bài

 

 

 

 

01 bài

44

4-2-1

 

1 bài

 

 

 

01 bài

45

4-2-2

1 bài

8 bài

1 bài

 

 

12 bài

46

4-2-3

1 bài

4 bài

1 bài

 

 

06 bài

47

4-2-4

2 bài

7 bài

1 bài

 

 

10 bài

48

4-2-5

1 bài

1 bài

 

 

 

02 bài

49

4-3-1

 

1 bài

 

 

 

01 bài

50

4-3-2

2 bài

6 bài

1 bài

 

 

09 bài

51

4-3-3

2 bài

4 bài

/

1 bài

 

07 bài

52

4-3-4

1 bài

11 bài

 

 

 

12 bài

53

4-3-5

 

3 bài

1 bài

 

 

04 bài

54

4-4-1

 

1 bài

 

 

 

01 bài

55

4-4-2

5 bài

10 bài

 

 

 

15 bài

56

4-4-3

2 bài

4 bài

1 bài

 

 

07 bài

57

4-4-4

27 bài

57 bài

14 bài

4 bài

 

102 bài

58

4-4-5

 

3 bài

 

 

 

03 bài

59

4-4-7

1 bài

 

 

 

 

01 bài

60

4-5-2

 

2 bài

 

 

 

02 bài

61

4-5-4

1 bài

5 bài

 

 

 

06 bài

62

4-5-6

 

1 bài

 

 

 

01 bài

63

5-2-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

64

5-3-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

65

5-4-4

4 bài

3 bài

 

 

 

07 bài

66

5-5-5

 

3 bài

 

 

 

03 bài

67

5-5-6

 

1 bài

 

 

 

01 bài

68

5-6-3

1 bài

 

 

 

 

01 bài

69

5-6-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

70

6-3-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

71

7-4-4

 

1 bài

 

 

 

01 bài

TỔNG

CỘNG

71dạng / 756 bài

45dạng / 135 bài của 21 tác giả

59 dạng / 310 bài của 46 tác giả

29dạng / 99 bài của 01 tác giả

08dạng / 12 bài của 01 tác giả

03dạng / 200 bài của 01 tác giả

756 bài

 

Bản thân tôi không biết tiếng Nhật và cũng chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu về thơ Haiku Nhật nên không biết nơi bản quốc thể thơ này có mấy dạng thức. Riêng ở Việt Nam với dòng thơ Haiku Việt thì phong phú và đa dạng vô cùng. Nhìn bảng thống kê trên với 5 tập thơ được khảo sát đã có đến 71 dạng thức, nếu chỉ tính dạng thức nào có từ 10 bài trở lên, thì ta thấy có 18 dạng được các tác giả thơ Haiku Việt ưa sử dụng, cụ thể theo thứ tự như sau: Dạng 2-3-4 (223 bài), tuy số lượng bài chiếm vị trí cao nhất nhưng cũng nên lưu ý là chỉ riêng một tác giả như Hà Thiên Sơn trong tập Chấm hoa vàng có đến 197 bài. Dạng 4-4-4 (105 bài) được rất nhiều tác giả sử dụng. Dạng 2-4-4 (41 bài). Dạng 3-4-4 (32 bài). Dạng 3-3-4 (23 bài). Dạng 3-3-3 (22 bài). Dạng 2-2-4 (18 bài). Dạng 2-2-3 (17 bài). Dạng 4-4-2 (15 bài). Dạng 2-3-3 (14 bài). Dạng 3-4-3 (13 bài). Bốn dạng: 3-2-3, 3-3-2, 4-2-2, 4-3-4 (mỗi dạng đều có 12 bài). Dạng 3-2-4 (11 bài). Hai dạng 2-3-2 và 4-2-4 (mỗi dạng đều có 10 bài). Lý giải hiện tượng trên như thế nào, hãy để tự các nhà thơ Haiku Việt phát biểu mới chính xác, tuy nhiên có thể nói những dạng trên với số tiếng trong mỗi dòng thơ từ 2 đến 4 tiếng, tác giả dễ kiếm tìm và lựa chọn từ ngữ để diễn đạt tư tưởng tình cảm của mình hay dễ dàng tái hiện cái khoảnh khắc nhất thời rất mong manh và tinh tế mà họ vừa “chộp” được. Hơn nữa, nhìn vào các dạng thức được sử dụng nhiều như trên, mỗi bài thơ Haiku Việt ngắn nhất chỉ đến 7 tiếng (âm tiết) như dạng 2-2-3 và nhiều nhất chỉ có 12 tiếng (âm tiết) như dạng 4-4-4. Còn nếu nhìn tất cả các dạng trên bảng thống kê, thì cá biệt cũng có bài ngắn nhất với 5 tiếng (âm tiết) theo dạng 1-1-3 (có 02 bài), và dài nhất là 15, 16 tiếng (âm tiết) như các dạng: 4-4-7, 5-5-5, 5-5-6, 5-6-4, 7-4-4. Có trường hợp ở dòng thứ 3 có đến 8 tiếng (âm tiết) như dạng 3-3-8 (01 bài - số thứ tự 31). Thiết nghĩ, những trường hợp dùng nhiều tiếng (chữ) trong một bài hay trong một dòng (câu) ít nhiều sẽ làm mất đi hay phá vỡ tính cực ngắn, tính hàm súc của thể loại, nên nhớ là ở tiếng Nhật, 17 âm tiết ấy chỉ gói gọn trong vài ba chữ / từ, trong khi đó ở tiếng Việt, mỗi tiếng phát ra là một âm tiết và viết thành một chữ.

Đứng ở góc độ tác giả sử dụng các dạng trên để sáng tác, thì có thể thấy tác giả Lưu Đức Trung là người sử dụng nhiều dạng thức nhất. Trong tập Bốn mùa hoa có 99 bài, tác giả đã dùng 29 dạng thức; Còn trong phiến khúc Cảm hứng Haiku – Xuân Tân Mão chỉ có 12 bài mà tác giả đã dùng đến 8 dạng thức. Nếu so sánh với Hà Thiên Sơn trong tập Chấm hoa vàng thì dạng thức lại đơn điệu hơn, anh chỉ dùng 3 dạng thức để viết 200 bài, trong đó dạng 2-3-4 là nhiều nhất, viết đến 197 bài. Điều này phần nào cũng nói lên cái “gu”, cái sở thích của anh, bởi chỉ có 9 tiếng trong mỗi bài, mà anh gợi nhiều vấn đề cuộc sống, từ thiên nhiên đến thế sự, đến cả thời sự hiện tại cũng được phản ánh kịp thời, thể hiện một cái nhìn có chiều sâu, đậm tính trăn trở, đầy chất suy tư. Chẳng hạn, đây là làng chài miền Trung sau cơn bão Chenchu: Làng chài / người không về / lưới cá phơi sương. Còn đây là cái nhìn về chiến tranh một thời đã qua, dù bài này, theo tôi sức gợi của nó cũng chưa đạt nhiều, bởi tác giả nói rõ quá: Mũ sắt / cỏ xuyên qua / chiến tranh lùi xa. Trở lại với tác giả Lưu Đức Trung, bài thơ cực ngắn của ông chỉ có 5 tiếng, mà mỗi lần đọc lên nghe sao mà buồn đến nhức nhối, có cái gì đó uất nghẹn, không thốt thành lời, y như đàn đã bặt tiếng bởi đứt dây tơ: Đàn / đứt / một tiếng buồn (1-1-3); hay mùi thơm của hương bưởi quyện trên mái tóc giai nhân lan tỏa kéo dài trong thời gian (suốt cả đêm) và có thể trong không gian (căn phòng, nơi tác giả và “em” đang hiện diện): Đêm / hương bưởi / tóc em (1-2-2). Và bài dài nhất của ông cũng chỉ đến 12 tiếng, qua các dạng: 4-4-4 (14 bài), 3-4-5, 3-5-4, 4-3-5. Thử đọc lại vài bài thuộc dạng này: Dưới ánh trăng trong / bóng người lữ thứ / nhẹ bước vườn hồng. Và: Ngồi ngắm hoa hồng / chẳng thấy màu sắc / hướng vào hư không. Hay: Suối róc rách / sơn nữ hát đâu đây / ngủ mơ dưới cây. Hoặc: Hoa sen cuối hạ / sương trên lá / thu sớm trong chén trà. Tất cả đều là những bài thơ giàu sức gợi sự liên tưởng cho người đọc. Còn gì thú bằng một buổi sớm tinh mơ lúc giao mùa ngồi nhâm nhi thưởng thức tách trà sen ấm nóng, mà cảm thấy có cả một trời thu đến sớm với cái se lạnh đầu mùa!

            Về nội dung và cảm thức thẩm mỹ, qua các tập thơ Haiku Việt, có thể thấy các tác giả vẫn tuân thủ đặc trưng thi pháp nghệ thuật của thơ Haiku Nhật, nhưng lại có sáng tạo dựa trên ngôn ngữ Việt, để phù hợp với tâm lý người Việt.

            Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, để có một bài thơ Haiku, người viết cần nắm bắt được khoảnh khắc của một cảm nghiệm sống động, mà cảm nghiệm khoảnh khắc đó thường được hình thành từ sự hòa quyện của ba thứ mà K. Yasuda gọi là ba yếu tố, tương đương với 3 câu thơ Haiku:

Nơi nào            Trên cành khô

Chuyện nào      Cánh quạ đậu

Khi nào             Chiều thu

                                 (M. Basho)[7]

Từ đặc trưng thi pháp nghệ thuật ấy, thử nhìn vào các tập thơ Haiku Việt, các tác giả Việt Nam đã có những sáng tạo gì mới?

Ở trên, chúng tôi có nói những nét mới về hình thức, nhất là dạng thức và thanh điệu, vần nhịp, cũng như mở rộng đề tài của thơ Haiku Việt.

Thơ Haiku Việt không chỉ phong phú về dạng thức, mà còn đa dạng, mở rộng về đề tài. Xin đọc những dòng sau của nhà thơ Nguyễn Bao[8] ít nhiều sẽ thấy rõ điều vừa nêu: Hoa tặng người / sau bao năm tháng / hương còn vương tay[9]. Hương của hoa còn vương đọng trên tay thi nhân hay đó còn là hương vị của tình yêu vẫn không phai nhạt dẫu thời gian có trôi qua? Cái tứ của bài thơ cứ thế lan tỏa trong lòng người đọc chẳng khác nào hương của hoa còn vương quyện mãi. Còn đây là bước lãng du rong chơi nhàn nhã đến vô tâm, thanh thản của chú cò trắng trong thơ của Nhật Chiêu: Trên cánh bèo trôi / đậu con cò trắng / một mình rong chơi. Với Lưu Đức Trung, dường như ông đã hiểu tâm trạng của đóa hoa quỳnh, và đây là lời ông nói hộ cho loài hoa đến đêm về mới chịu khoe sắc tỏa hương ấy: Chiều hé nở / tối rạng rỡ / sáng rã rời – Quỳnh ơi!. Hay như hình ảnh con người đang dạo chơi dưới vầng trăng khuyết với lời tự vấn đầy nỗi ám ảnh trong thơ của Đoàn Thị Thu Vân: Tôi, bóng thành đôi / còn trăng khuyết nửa / ai đầy, ai vơi?.

Cũng như thơ Haiku Nhật, thơ Haiku Việt cũng thấm đẫm Thiền vị, Thiền ý. Tác giả Đông Tùng (tức Hiểu Đông Trần Ngọc Thảo) là một vị tỳ kheo, từng theo học tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ nơi tôi đang công tác, đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Ngữ văn cách đây vài năm. Trong những vần Haiku của anh, chất Thiền và chất thơ hòa quyện vào nhau với sự liên tưởng độc đáo thú vị. Nhìn hoa hướng dương khoe sắc dưới nắng, anh liên tưởng đến chiếc áo cà sa đang bay: Hướng dương nhà ai / trải dài sắc nắng / áo cà sa bay. Nhìn mây trắng nhởn nhơ, lại nghĩ đến ai phơi lụa là trên nền trời biếc: Ngang lưng trời / làn mây trắng / lụa là ai phơi. Nhìn vầng trăng tỏa chiếu trùm cả vũ trụ, anh nghĩ đến ánh sáng nhiệm mầu của Pháp Phật vô biên: Vầng trăng đêm nay / chiếu trùm pháp giới / sắc vàng Như lai.

Hình ảnh người mẹ hiền với lòng rộng mở, bao dung, độ lượng trong thơ haiku Việt không thiếu. Tác giả Lưu Đức Trung nhớ về mẹ, cất tiếng gọi mẹ qua hình ảnh ông nhặt cây kim khi áo bị rách vai: Nhặt cây kim rỉ / mẹ ơi! / áo con rách vai. Nhà thơ Nguyễn Thị Kim nhớ mẹ trên cánh đồng qua nhiều thời điểm khoảnh khắc khác nhau. Mùa đông với gió bấc cắt thịt da: Gió đông / lưng mẹ còng / che lúa; Hình ảnh mẹ già chẳng khác nào như cánh vạc trên cánh đồng khuya: Đồng khuya / cánh vạc / mẹ già; Gặt lúa lúc nắng gắt: Nắng gắt / lưng rang / mẹ gặt. Trong khi đó, tác giả Đoàn Thị Thu Vân nghẹn ngào khi mẹ hiền đã ra đi, trở về với Tổ tiên: Trái chín rụng rồi / bao giờ được gọi / má ơi! v.v..

Còn rất nhiều nữa những dòng thơ Haiku Việt, mà trên đây chỉ là mấy nét phác thảo bước đầu. Thiết nghĩ, sức gợi của thơ Haiku Việt đâu có kém gì thơ Haiku Nhật !

Rõ ràng, có thể xem thơ Haiku Việt như là loài hoa mới, lạ trong vườn hoa thơ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu ban đầu, người ta chưa quen ngắm nhìn loài hoa mới lạ này, thì giờ đây, người ta đã nhìn quen mắt, nhiều người ưa thích bởi cái chất sâu lắng mà kiệm lời của nó. Hy vọng rằng, dòng thơ Haiku Việt sẽ tồn tại và phát triển để góp phần bổ sung cho thơ ca Việt Nam hiện đại thêm đa dạng và phong phú hơn về hình thức.

Tháng 11 năm Tân Mão (2011)            

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb GD, HN, 2003.   

2. Nguyễn Nam Trân, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, chương XIII, Nxb GDVN, 2011.

3. Những tập thơ Haiku Việt đã thống kê trong bài viết.



[1] Nguyễn Nam Trân, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, chương XIII, Nxb GDVN, 2011, tr. 198.

[2] Nguyễn Nam Trân, sđd, tr. 197.

[3] Theo Nguyễn Nam Trân (dịch), sđd.

[4] Trước đây 35 năm, năm học 1976-1977, tôi có may mắn được là học trò của Thầy khi Thầy vào thỉnh giảng tại ĐHSP TP. HCM, từ đó đến nay, tình thầy trò ngày càng sâu đậm, cũng nhờ vậy, tôi có dịp đọc gần như tất cả các tập thơ Haiku Việt được xuất bản của các thành viên Câu lạc bộ (in chung), của Thầy và của các Hội viên (in riêng) do Thầy gởi tặng. Nhân đây xin kính lời tri ân đến Thầy.

[5] Lưu Đức Trung, Lời tác giả, trong tập Bốn mùa hoa, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2010, tr. 8-9.

[6] Lưu Đức Trung, Sđd, tr.9.

[7] Dẫn lại: Nhật Chiêu, Tại sao không? Lời giới thiệu Tuyển tập thơ Haiku, Nxb Lao động, HN, 2008, tr. 8-9.

[8] Nguyễn Bao vốn là nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, từng là Phó Giám đốc Nxb Văn học, hiện đã nghỉ hưu, mấy năm nay ông sáng tác thơ theo thể Haiku.

[9] Những trích dẫn thơ trong bài đều lấy từ các Tuyển tập thơ Haiku như danh mục ở trên có nêu.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63667360
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11078
17595
63667360

Thành viên trực tuyến

Đang có 792 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website