Việt Đông: một cây bút văn xuôi tự sự đa năng

I. Việt Đông là bút danh. Ông tên thật là Lưu Thoại Khải. Hiện vẫn chưa biết năm sinh và mất, thân thế cùng quê quán của ông. Căn cứ vào tư liệu hiện còn thì Việt Đông bắt đầu viết văn từ năm 1930. Từ năm 1931 về sau, ông cùng Ellen Anh Hoa viết chung một loạt tác phẩm với độ dày mỗi cuốn 32 trang và dự định ra mắt bạn đọc mỗi tuần một cuốn. Những tác phẩm này, ông tập hợp trong bộ Việt Đông văn tập ký tên là Văn khoa học sĩ. Chi tiết trên được nhà văn ghi rõ ở trang cuối cuốn tiểu thuyết Tiếng súng lục liên, do nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, ấn hành năm 1931. Theo thông tin quảng cáo ở một số bìa sách thì rất có thể ông là chồng của nữ sĩ Ellen Anh Hoa, tức Huỳnh Thị Anh Hoa và hai người có viết chung một số tiểu thuyết như Ai người hẹn ngọc; Duyên chàng nợ thiếp; Thân gái dặm trường; Con ở chúa nhà ...

 

II. Kể cả những tác phẩm viết chung với Ellen Anh Hoa thì Việt Đông đã góp mặt cho văn xuôi Quốc ngữ Nam bộ hồi trước 1945 một khối lượng tác phẩm truyện và tiểu thuyết có thể nói là thật đáng kể, đồ sộ với 67 cuốn lớn nhỏ (có thể còn nhiều hơn, vì hiện chưa tìm được hết, bởi trên trang cuối các tiểu thuyết đã xuất bản, nhà văn có quảng cáo những tác phẩm sẽ xuất bản), với dung lượng ngắn nhất là 12 trang và dài nhất đến 116 trang. Những tác phẩm này thuộc nhiều thể loại khác nhau, được viết trong khoảng 08 năm, từ 1930 đến 1938. Do ông có dự định và bước đầu đã thực hiện được dự định ấy là ra bộ Việt Đông văn tập, mỗi tuần một cuốn, ký tên là Văn khoa học sĩ, nhằm đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của số đông công chúng độc giả bấy giờ nên có nhà nghiên cứu cho rằng ông là “nhà văn thị trường” (1).

Hiện tại bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh đã thống kê được những tác phẩm của ông như sau:

1. Hồn gửi nước non, tiểu thuyết, S, 1930.

2. Ai người hẹn ngọc, tiểu thuyết, viết chung với Ellen Anh Hoa, nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931, 18 trang.

3. Ai lỗi ba sinh (Tứ niên hải đảo), ly kỳ tiểu thuyết, 3 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931, 104 trang.

4. Nam nữ anh hùng (Diệt nha phiến), tiểu thuyết, nhà in Nguyễn Văn Viết, S, 1931, 37 trang.

5. Anh chàng cưỡi ngựa lên trời, truyện thần tiên Ấn Độ, Nhà in Đức Lưu Phương và Tín Đức thư xã, S, 1931, 39 trang.

6. Bể tình mê tỉnh, ái tình tiểu thuyết, Nhà in Tín Đức thư xã, S, 1931, 18 trang.

7. Bóng thuyền ai (Hai tay võ sĩ), tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931.

8. Con sư tử cưới vợ, truyện thần tiên Ấn Độ, Nhà in Nguyễn Văn Viết, S, 1931, 26 trang (còn nữa).

9. Để thảm cho hoa (Kiếp hồng nhan), tiểu thuyết, Nhà in Tín Đức thư xã, S, 1931, 16 trang.

10. Duyên chàng nợ thiếp, tiểu thuyết, viết chung với Ellen Anh Hoa, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931; S. Impr. Phạm Văn Thình, S, 1935, 03 cuốn, 93 trang.

11. Đường đi xuống địa ngục, truyện thần tiên Ấn Độ, Nhà in Tín Đức thư xã, S, 1931, 29 trang.

12. Tiếng súng lục liên, tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931, 31 trang.

13. Nam nữ anh hùng, tiểu thuyết, S, 1931.

14. Nết gái lòng trai, tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1931; Impr. Bảo Tồn, S, in lần 2, 1935, 24 trang.

15. Sống vì tình, tiểu thuyết, kiểu sách bỏ túi, Nhà in Tín Đức thư xã, S, 1931, 31 trang.

16. Thân gái dặm trường, tiểu thuyết, viết chung với Ellen Anh Hoa, Tín Đức thư xã, S, 1931, 32 trang.

17. Dưới bóng trăng khuya, tiểu thuyết, 03 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, 82 trang.

18. Bạc bẽo thì thôi, tiểu thuyết, Nhà in Huỳnh Kim Danh, S, 1932, 24 trang.

19. Chút phận thuyền quyên, tiếp tục Bạc bẽo thì thôi, tiểu thuyết chương hồi, Nhà in Tín Đức thư xã, S, 1932, 28 trang.

20. Văn minh quái gỡ, ký tên Lưu Thoại Khải, Nhà in Tín Đức thư xã, SG, 1931; Impr. Bảo Tồn, S, in lần 2, 1935, 24 trang.

21 Oan tình ly hận, tiểu thuyết chương hồi, 02 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932.

22. Trường huyết chiến, trinh thám tiểu thuyết chương hồi, 04 cuốn, tiếp theo bộ Oan tình ly hận,  Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, 96 trang.

23. Ngọc nát hoa tươi, trinh thám tiểu thuyết, 04 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, tiếp theo bộ Trường huyết chiến, 96 trang, từ trang 97 đến trang 192.

24. Gương kiên trinh, tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932.

25. Dâu hiền là gái, gia đình tiểu thuyết, Nhà in Xưa Nay, S, 1932, 26 trang.

26. Nơi biển tình trường (Cái án xã hội), tiểu thuyết, 4 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, 116 trang.

27. Trải mùi tân khổ, tiểu thuyết, 02 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, 50 trang (cuốn 2 từ tr 27 đến tr 50).

28. Trong ngọc trắng ngà, tiểu thuyết chương hồi, 4 cuốn, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 1932, 98 trang.

29. Từ mẹ theo chồng, tiểu thuyết, Nhà in Huỳnh Kim Danh, S, 1932.

30. Lỗi hẹn quên thề, tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, S, 193?.

31. Cậu Tư, tiểu thuyết, S, Impr. Bảo Tồn, 1935, 46 trang.

32. Tiếng sóng đêm khuya, ái tình tiểu thuyết, 3 cuốn, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1935, 46 trang; tái bản Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 48 trang;

33. Giọt máu ái tình, Impr. Bảo Tồn, S, 1935, 42 trang.

34. Ngọn lửa tình, S, Impr. Bảo Tồn, 1935, 34 trang.

35. Vì nước bạc tình, Impr. Bảo Tồn, S, 1935.

36. Non nước vì ai, Impr. Bảo Tồn in lần thứ nhất, S, 1935, 46 trang.

37. Để thẹn nghìn thu, Impr. Bảo Tồn, S, 1935, 50 trang.

38. Mặt trần ai, ký  tên Lưu Thoại Khải, Impr. Bảo Tồn, S, 1935, 24 trang.

39. Nghĩa tào khương, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, in lần thứ nhất, 1935, 48 trang.

40. Trăng thề, Impr. Phạm Văn Thình, S, 1935, 34 trang.

41. Không gặp mà thương, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, in lần thứ nhất, không rõ năm; Impr. Việt Nam, S, tái bản, 1935. 16 trang.

42.  Xứ lạ quê người, Impr. Bảo Tồn, S, 1935, 41 trang.

43. Tuổi xuân trời hận, Impr. Phạm Văn Thình, S, 1935, 34 trang.

44. Dặm khơi tìm bạn, tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 48 trang.

45. Nước chảy đá mòn, tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 32 trang.

46. Gió lay không chuyển, tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 40 trang.

47. Suối chảy bên mồ, tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 48 trang.

48. Bóng thuyền ai (Hai tay võ sĩ), tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 48 trang.

49. Trên đường gió bụi, tiểu thuyết, Impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1936, 48 trang.

50. Vân Tiên đời nay, Impr. Bảo Tồn, in lần thứ nhất, 1936, 12 trang.

51. Hai đoá hoa rơi, tiểu thuyết, in lần thứ ba, Phạm Văn Thình, S, 1937, 48 trang.

52. Vợ hiền của tôi, impr. Bảo Tồn, in lần thứ nhất, Nxb Phạm Văn Thình, S, tái bản, 1937, 48 trang.

53. Vạch trời kêu oan, võ hiệp tiểu thuyết, Phạm Văn Thình, S, 1937, 48 trang.

54. Nước xanh mây bạc, Impr. Bảo Tồn, S, 1937.

55. Tơ hồng trớ trêu, tập truyện ngắn, Impr. Phạm Văn Thình, S, 1937, 47 trang.

56. Tơ tình vương vấn, Impr. Bảo Tồn, S, 1937.

57. Quê cũ tình xưa, Impr. Bảo Tồn, S, 1937, 48 trang.

58. Mảnh hoa đào, trinh liệt thảm tình tiểu thuyết, 03 cuốn, Impr. Bảo Tồn, S, 1937, 48 trang.

59. Duyên xưa nghĩa cũ, Impr. Đức Lưu Phương, S, 1937, 48 trang.

60. Một khối u tình, võ hiệp bi tình tiểu thuyết, impr. Phạm Đình Khương, Chợ Lớn, 1937, 16 trang.

61. Máu ghen, tập truyện ngắn, Impr. Phạm Văn Thình, S, 1937, 48 trang.

62. Đôi uyên ương, ái tình tiểu thuyết, Impr. Đức Lưu Phương, S, 1937, 48 trang.

63. Trải gan nghĩa sĩ, Impr. Đức Lưu Phương, S, 1937.

64. Thanh gươm hiệp sĩ, võ hiệp tiểu thuyết, Impr. Phạm Văn Thình, S, 1938, 48 trang.

65. Nợ tình chưa trả, võ hiệp tiểu thuyết, Impr. Đức Lưu Phương, in lần thứ nhất, 1937; tái bản 1938, 48 trang.

66. Trăng tủi hoa sầu, Impr. Bảo Tồn, S, 1938, 48 trang.

67. Ai cướp công nương, truyện vui, 24 trang, không rõ nơi và năm xuất bản.  

 

III. Như trên đã nói, cho đến nay, mặc dù các nhà nghiên cứu đã có nhiều cố gắng kiếm tìm nhưng hiện vẫn chưa biết gì nhiều về thân thế, cuộc đời, quê quán của nhà văn Việt Đông, chỉ biết ông tên thật là Lưu Thoại Khải, bắt đầu viết văn từ năm 1930.

Về số lượng tác phẩm của Việt Đông, theo Cao Xuân Mỹ (2) thì ông viết đến 54 tác phẩm; trong công trình này người biên soạn và sưu tầm đã trích đăng 02 đoản thiên tiểu thuyết Văn minh quái gỡ; Ai người hẹn ngọc. Còn theo Nguyễn Kim Anh (3) thì Việt Đông đã viết đến 60 tác phẩm và người sưu tầm đã giới thiệu và tóm tắt 06 tác phẩm: Ai người hẹn ngọc; Lỗi hẹn quên thề; Dưới bóng trăng khuya; Nơi biển trường tình; Trường huyết chiến; Ngọc nát hoa tươi. Hiện chưa rõ các soạn giả của bộ sách Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có sưu tập đầy đủ văn bản tác phẩm của Việt Đông không? Riêng Bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thống kê được 67 tác phẩm của Việt Đông (xin xem mục Văn nghiệp) và sưu tầm được 23 văn bản tác phẩm của tác giả này.

Về thời gian sáng tác, 67 tác phẩm trên được Việt Đông viết và cho in trong khoảng 08 năm: tác phẩm đầu tiên là cuốn tiểu thuyết Hồn gửi nước non xuất bản năm 1930 và muộn nhất là 03 cuốn tiểu thuyết Thanh gươm hiệp sĩ, Nợ tình chưa trả, Trăng tủi hoa sầu  đều xuất bản năm 1938. Riêng trong hai năm 1931 và 1932 ông đã cho xuất bản đến 27 tác phẩm (năm 1931: 16 cuốn; năm 1932: 11 cuốn). Chưa nói đến chất lượng nghệ thuật, chỉ tính riêng về số lượng thì với con số 27 truyện và tiểu thuyết được in trong hai năm cũng đủ để nói rằng Việt Đông là cây bút văn xuôi có sức viết dồi dào hồi đầu giai đoạn 1930 – 1945 ở Nam bộ. Nếu so sánh với miền Bắc thì tại thời điểm này số lượng truyện và tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đã được xuất bản chưa có là bao!

Về thể loại, Việt Đông viết nhiều thể loại thuộc văn xuôi tự sự: Truyện thì có truyện ngắn, truyện thần tiên Ấn Độ, truyện vui; Tiểu thuyết Đoản thiên tiểu thuyết gồm: gia đình tiểu thuyết, xã hội tiểu thuyết, ái tình tiểu thuyết, trinh liệt thảm tình tiểu thuyết, lịch sử tiểu thuyết, trinh thám tiểu thuyết, võ hiệp tiểu thuyết, ly kỳ tiểu thuyết, trong đó có một số tiểu thuyết viết theo hình thức chương hồi. Những thể loại vừa nêu trên là theo như chính tác giả đã ghi rõ trên trang bìa mỗi tác phẩm. Ngoài ra, ông còn cùng Anh Hoa hợp tác ra Việt Đông văn tập. Việc này, trong “Mấy lời tâm huyết” in ở trang cuối tiểu thuyết Tiếng súng lục liên, tác giả đã cho biết rằng những tiểu thuyết của bộ Việt Đông văn tập ký tên là Văn khoa học sĩ sẽ in hàng tuần với dáng nhỏ gọn kiểu sách bỏ túi, mỗi tuần ra một cuốn, dày khoảng 32 trang. Có thể kể ra đây một vài cuốn trong bộ văn tập này như: Anh chàng cưỡi ngựa lên trời; Để thảm cho hoa (Kiếp hồng nhan); Đường đi xuống địa ngục; Một vị thần mặt trời…Điều đó có thể nói Việt Đông là cây bút văn xuôi đa năng.

Trước hết là truyện gồm truyện ngắn, truyện vui truyện thần tiên Ấn Độ. Hai tập truyện ngắn Tơ hồng trớ trêu Máu ghen đều do nhà in Phạm Văn Thình xuất bản năm 1937, (riêng tập Máu ghen viết chung với Bất Diệt Tử), hiện chưa tìm được văn bản nhưng qua nhan đề tập truyện và đặt chúng trong hệ thống tiểu thuyết của Việt Đông thì có thể nói đây là những truyện ngắn viết về đề tài xã hội tâm lý ái tình.

Truyện vui thì có Ai cướp công nương, nhưng thật ra chất hài trong tác phẩm này không thấy thể hiện, vì thế phải gọi đây là một chuyện cũ viết lại dựa theo truyện cổ nước ngoài mới đúng. Truyện có dung lượng 24 trang in, với kết cấu xâu chuỗi bởi có sự nối kết 4 chuyện nhỏ qua 4 tiêu đề: Cơ Rằn cờ bạc; La Anh xuống hang núi; La Anh muốn công chúa; Ai cướp công nương. Nhân vật chính là chàng La Anh, một chàng trai học hành ít ỏi, lại lười biếng và ham thích cờ bạc nhưng rất có hiếu với mẹ. Nhờ mẹo cờ bạc mà anh cũng có ít tiền để mẹ con đắp đổi qua ngày. Tình cờ nhờ gặp đạo sĩ Du Đạt đưa anh xuống hang núi tìm chiếc đèn thần, anh lại nhặt được nhẫn thần và đèn thần. sau đó, nhờ thần đèn giúp đỡ mà anh cưới được công chúa, nhưng cũng vì nó mà chàng lâm nạn, bởi tay đạo sĩ tìm cách lấy lại chiếc đèn thần và bắt công chúa. Nhưng may mắn chàng còn chiếc nhẫn thần với phép thuật cao cường mà trước đây chàng không biết, thần nhẫn đã giúp chàng thoát khỏi tai nạn, gặp được đạo sĩ Du Đạt, tìm được công chúa và họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Chuyện chỉ có thế, không có gì gọi là vui, dù một chi tiết nhỏ. Môtip truyện với kết cấu xâu chuỗi cùng thế lực siêu nhiên đầy thần thông biến hoá với thần đèn, thần nhẫn thường gặp trong nhiều câu chuyện cổ phương Đông. Ở đây, không phải ngẫu nhiên mà truyện này lại có nét gần gũi với câu chuyện Cây đèn thần ở đất nước Ba Tư khi xưa.   

Con sư tử cưới vợ cũng vậy, đó là câu chuyện được kể lại từ truyện cổ Ấn Độ. Con sư tử sống trên dãy Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya) nhờ tu luyện 500 năm mà có phép thuật thần thông, có thể biến thành người, xưng là đạo sĩ Bà la môn tên Đại La Ma. Con sư tử tức đạo sĩ đã dẫn vua Anh Mục Kiện nước Hữu Sĩ Ba đến gặp đức Phật Thích Ca để nhà vua xin ba điều ước cho dân trong nước. Nhờ thế mà con sư tử đã cưới được công chúa My Nga con vua. Còn Anh chàng cưỡi ngựa lên trời Đường đi xuống địa ngục theo Việt Đông là truyện thần tiên Ấn Độ. Đúng ra, những câu chuyện này đều được nhà văn kể lại trên cơ sở dựa vào Phật thoại, những lời thuyết giảng của đức Thích Ca bằng các thí dụ để minh giải tư tưởng, ý nghĩa của chân lý về nghiệp báo luân hồi để cho các vị đệ tử thấu rõ bằng các câu chuyện sinh động. Hai tập truyện thần tiên vừa nêu được nhà văn viết có chủ đích là khuyến thiện trừng ác, có tính giáo huấn rõ nét, mang màu sắc Phật giáo, thể hiện niềm tin của dân gian về quả báo, luân hồi. Con người sau khi chết, muốn thoát khỏi cảnh khổ ải cực hình, thì trong kiếp này, ở cảnh đời hiện tại cần phải ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, làm việc lương thiện.

 Thứ đến là tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Việt Đông gồm nhiều tiểu loại khác nhau mà ở trên có điểm qua. Tuy phong phú đa dạng về thể loại nhưng tiểu thuyết của nhà văn này lại ít có dấu ấn và chưa tạo ra một phong cách riêng. Hiện thực mà Việt Đông phản ánh trong nhiều tiểu thuyết của ông chủ yếu là bộ mặt xã hội cuộc sống con người nơi các phố thị Sài Gòn và miền Tây Nam bộ như Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Gò Công, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long Xuyên, Bạc Liêu  hồi mấy mươi năm đầu thế kỷ XX. Bức tranh xã hội Tây ta lẫn lộn ấy được Việt Đông tái hiện trong các tác phẩm với nhiều nét đậm nhạt khác nhau: đạo đức, luân lý, thuần phong mỹ tục bị băng hoại trước thế lực của đồng tiền (Dưới bóng trăng khuya); đạo đức gia đình truyền thống bị phá vỡ từ những vụ cưỡng hôn (Duyên chàng nợ thiếp), hôn nhân vì tiền (Văn minh quái gỡ); cưỡng bức, thông dâm ngoại tình (Tiếng súng lục liên, Để thảm cho hoa, Nết gái lòng trai); những lọc lừa, cướp của giết người, vua oan giá hoạ cho người hiền lương (Oan tình ly hận, Trường huyết chiến, Ngọc nát hoa tươi, Tiếng súng lục liên); những tệ nạn xã hội từ rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm (Ai lỗi ba sinh, Nơi biển tình trường); vì tiền bạc tài sản mà cháu giết chú, em hại anh (Ai lỗi ba sinh); lối sống văn minh rỡm đời, học đòi Âu hoá (Văn minh quái gỡ, Dưới bóng trăng khuya); lòng người tráo trở, thay trắng đổi đen (Ai người hẹn ngọc); mê đắm vì sắc dục (Bể tình mê tỉnh); chính xã hội ấy đã xô đẩy một số người vốn hiền lương vào con đường tha hoá (Để thảm cho hoa, Nơi biển tình trường)…

Trong xã hội ấy, có những con người với đầy đủ các thành phần được nhà văn ghi lại rõ nét. Họ là những tên quan lại cấp tỉnh, phủ, huyện đầy quyền thế; là những điền chủ, hội đồng tổng xã hương chức giàu có; là những tay công tử ăn chơi khét tiếng một thời; là những tiểu thương, tiểu chủ; những trí thức tân học với lối sống Tây hoá, văn minh quái gỡ, sống đời xa hoa, mê đắm ái tình, xem thường nhân nghĩa đạo đức. Họ còn những người dân bần cùng, thấp cổ bé miệng, bị quan lại địa chủ hà hiếp, áp bức, bóc lột kiệt cùng đến nỗi phải tứ cố vô thân… Tất cả đã góp phần tô đậm thêm sắc màu cho bức tranh hiện thực xã hội nơi thị thành trong tiểu thuyết của Việt Đông; để hoà cùng với nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn Nam bộ đương thời cất lên tiếng nói phản ánh hiện thực cuốc sống xã hội Nam bộ trong mấy mươi năm đầu thế kỷ XX, giúp cho người đọc hôm nay hiểu rõ hơn về xã hội con người và cuộc sống giai đoạn ấy.

Về nội dung cảm hứng, tác phẩm của Việt Đông thường đề cập về đạo lý nhân nghĩa ở đời, phê phán hiện thực xã hội, tình yêu và hôn nhân… để qua đó ít nhiều bộc lộ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của tác giả.

Nét nổi bật dễ nhận thấy trong nhiều tác phẩm văn học Nam bộ bấy giờ là các nhà văn thường nói về nhân nghĩa đạo lý của con người cần phải có trong đời sống. Việt Đông cũng vậy. Xã hội thị thành trong buổi giao thời với sức mạnh đồng tiền đã tác động lớn đến tâm lý và lối sống của con người, nhất là tầng lớp thanh niên Tây hóa và những người có quyền chức thế lực, giàu sang. Đồng tiền trở thành mối nguy hại làm băng hoại những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống. Trong xã hội ấy, những con người hiền lương giàu ân tình, nặng nhân nghĩa luôn bị cản trở, vùi dập bởi các thế lực hắc ám. Những thế lực này, theo Việt Đông, là “những con vi trùng độc của xã hội”, “đồ vô loài”, chúng luôn miệng nói nhân nghĩa đạo đức nhằm che đậy những dã tâm; chúng ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ giàu áp bức nghèo, mà nhà văn đã kịch liệt lên tiếng phê phán chúng. Vì thế, trong nhiều tiểu thuyết của ông, Việt Đông thường xây dựng nhân vật theo kết cấu song tuyến: nghèo - giàu; thiện - ác; tốt - xấu… rất rõ ràng. Ở đó có sự đấu tranh dai dẳng giữa hai đối cực trên. Để rồi, cái lương thiện, tốt đẹp chiến thắng cái độc ác, xấu xa. Những người hiền lương, người nghèo khổ, người giàu lòng nhân ái vị tha, tuy gặp nhiều trắc trở, có khi bất hạnh, nhưng cuối cùng cũng được sống hạnh phúc, êm ấm. Đây là phần thưởng thỏa đáng mà tạo hóa, trời phật đã ban cho họ. Trái lại, những thế lực hắc ám, xấu xa, độc ác, bất nhân, phi nghĩa… sẽ bị trừng trị đích đáng theo kiểu quả báo nhãn tiền, chứ không đợi ở kiếp sau. Kiểu kết cấu nhân vật này, người đọc thường bắt gặp trong truyện cổ dân gian, phù hợp với nguyện vọng tâm lý của quảng đại quần chúng.

Người đọc sẽ tìm thấy những con người trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng xả thân vì nghĩa, xem thường phú quý, giàu lòng độ lượng nhân ái vị tha; những con người làm việc nghĩa một cách vô tư trong nhiều tiểu thuyết của Việt Đông. Đó là chàng Hoàng Ngọc Phố trong Tiếng súng lục liên; là Phan Tấn Hóa trong Dưới bóng trăng khuya; bà huyện Bình trong Trong ngọc trắng ngà; bà Hộ Tâm trong Dưới bóng trăng khuya; Trần Công Cảnh trong Nơi biển tình trường. Hoàng Ngọc Phố bị kẻ xấu vu oan cho Kim Anh là vợ chưa cưới bị mất trinh tiết, có mang, nhưng chàng vẫn một lòng yêu thương và coi đó là một hành động vì nghĩa. Phan Tấn Hóa trong cảnh nhà khánh kiệt, mẹ mất, không tiền mai táng, nghe tin cha Quân Nữ gặp bệnh hiểm nghèo, cần máu, chàng đã tình nguyện hiến máu cứu người, được trả công 1000 đồng nhưng chàng chỉ nhận 20 đồng đủ để lo tang lễ cho mẹ. Bà huyện Bình gặp cảnh hai đứa trẻ mồ côi bơ vơ đã bỏ tiền chôn cất cha mẹ chúng rồi đưa chúng về nuôi dưỡng, cho ăn học thành tài. Bà Hộ Tâm gặp Quân Nữ bị nạn giữa đường, bà đưa nàng vào nhà thương chữa trị rồi nhận làm con nuôi. Đó còn là những con người với tấm gương ngời sáng về lòng hiếu nghĩa thảo hiền vẹn toàn như nàng Quân Nữ hết lòng phụng dưỡng cha già sau khi mẹ mất trong Dưới bóng trăng khuya; hay chàng Phan Tấn Hóa hiến máu lấy tiền lo ma chay cho mẹ cũng trong Dưới bóng trăng khuya; là những Đường Phong Kiếm (Trường huyết chiến; Ngọc nát hoa tươi), Trần Công Cảnh (Nơi biển tình trường), Chung Văn Thái (Ai người hẹn ngọc), Sĩ Văn (Bể tình mê tỉnh), Minh Chí (Chút phận thuyền quyên), Ngọc Lang (Nơi biển tình trường), Thái Liêu Kim (Duyên chàng nợ thiếp), Liêu Hà (Chút phận thuyền quyên), v.v.. Tất cả đều là những biểu trưng cho sự hiếu thảo của con người. Họ còn là những phụ nữ tiết hạnh, thủy chung như Thị Đây trong Trong ngọc trắng ngà, chồng chết, ở vậy nuôi con, thủ tiết thờ chồng, vì hoàn cảnh mẹ con phải đến tá túc nhà người chị, khi bị tên Ba Nhân (anh rễ) cưỡng ép, Thị Đây đã cắn lưỡi tự tử; là Hồ Kim Hương trong Ai lỗi ba sinh, chồng bị em trai của chồng vu oan tội giết người chú ruột, phải chịu cảnh tù đày 15 năm, thì trong ngần ấy thời gian, nàng thủ tiết, lập mưu cứu chồng; là Kim Anh trong Tiếng súng lục liên, bị Trần Hải Thoại hại chồng đi tù, hãm hiếp nàng, nhưng nàng vẫn một lòng một dạ với chồng, không ngại khó khăn để tìm cách minh oan cho chồng là Hoàng Ngọc Phố, mọi việc sáng tỏ thì nàng toan tự tử bởi nghĩ rằng mình đã bị kẻ xấu làm cho thất tiết; là Khan Nương với quyết tâm đi tìm chồng trong Mảnh hoa đào.     

Bên cạnh những nhân vật chính diện như trên, Việt Đông còn thể hiện rõ nét tính cách các nhân vật phản diện trong nhiều tiểu thuyết của ông. Đây là những con người có thật, tiêu biểu cho cái ác cái xấu trong xã hội lúc tranh tối tranh sáng mà nhà văn kịch liệt lên án. Đó là Trần Hải Thoại độc ác với mưu ma chước quỷ, vu oan kẻ khác, cưỡng hiếp vợ người, giết người chiếm đoạt tài sản trong Tiếng súng lục liên; là Cao Thanh Minh máu me cờ bạc, giết chú, hại anh, cướp đoạt gia tài, quyến rũ chị dâu trong Ai lỗi ba sinh; là Còm mi Nghĩa giết người cướp của trong Dưới bóng trăng khuya; là Cai Trọng bóc lột hà hiếp dân nghèo, dụ dỗ những phụ nữ thôn quê nhẹ dạ trong Nơi biển tình trường; là Thanh Khuẩn vì một gái điếm mà giết vợ, giết cha trong Nơi biển tình trường; là Châu Thảo Giai ỷ tiền để cướp lấy trinh tiết và hạnh phúc của một cô gái trong Duyên chàng nợ thiếp; là bác sĩ Tây y Đỗ Quang Trung được cha cho du học, hấp thu cái văn minh quái gỡ, trở thành con người thực dụng, mất nhân cách, ngỗ ngược với cha mẹ trong Văn minh quái gỡ. 

Viết về những con người trong xã hội ấy, Việt Đông nhằm mục đích phê phán hiện thực lúc bấy giờ. Trong một số tác phẩm, thông qua các nhân vật phản diện, nhà văn đã phê phán những thói hư tật xấu của con người. Những thanh niên hấp thu văn minh Thái Tây, những công tử con điền chủ giàu có chìm trong tình ái, ham mê nhục dục, ăn chơi trác táng, vung tiền qua cửa sổ như công tử Thanh Khuẩn con bá hộ Khải ở Cần Thơ vì mê nhan sắc gái điếm mà giết vợ, giết cha, rồi nướng hết gia tài (Nơi biển tình trường). Trong tác phẩm này còn có những tay công tử ăn chơi khác như Lý Chiêm Thành ở Bạc Liêu, Lưu Ngọc Hoàng ở Cần Thơ, Nguyễn Song Thiên ở Vĩnh Long, Lý Trường Khanh ở Trà Vinh vì mê đắm nàng Ngọc Lang mà đem vàng bạc, ngọc ngà, kể cả vật gia bảo để hiến cho nàng, rồi cuối cùng họ sát hại lẫn nhau, dù họ là những kẻ được học hành đến nơi đến chốn. Trước thực tế đó, Ngọc Lang trong tác phẩm Nơi biển tình trường phải thốt lên: “Gớm thay cho các loại người mê gái mà quên hết các điều nghĩa vụ, quân khốn nạn thay, chúng bay là quân thú vật chớ không phải người ta”… “đau đớn thay, thanh niên chỉ bấu vào bể ái thuyền tình, xen nhơn nghĩa như trò chơi, coi đạo đức như tiếng đờn qua buổi, chết cũng đáng đời”(4). Ở đây, có thể xem lời nói của nhân vật cũng chính là điều mà nhà văn muốn thổ lộ nhằm phê phán các tệ nạn của thanh niên bấy giờ. Hay như nhà văn phê phán bọn thanh niên trí thức học đòi văn minh Âu Tây một cách mù quáng qua nhân vật như Y khoa Tấn sĩ Đỗ Quang Trung trong Văn minh quái gỡ.

Trong xã hội giao thời ấy, đồng tiền đã thống trị tuyệt đối. Nó làm cho các mối quan hệ đạo đức cổ truyền bị lung lay, thay đổi, có khi tan rã. Chỉ vì tiền mà thân sinh nàng Liêu Kim gã bán nàng cho một lão già 60 tuổi, ép nàng phải rời xa mối tình đẹp đẽ của mình với chàng Phạm Tĩnh Cương (Duyên chàng nợ thiếp). Đồng tiền đã làm mờ mắt kẻ hám lợi u mê, làm đảo lộn các mối quan hệ máu mủ. Cao Thanh Minh giết chú là Cao Đại Trưởng để đoạt gia sản rồi vu cho anh ruột là Cao Thanh Bình phải tù tội đến 15 năm (Ai lỗi ba sinh). Đồng tiền lúc này có thế lực ghê gớm, là nguyên nhân của những tội ác. Những vụ cướp của giết người, chiếm đoạt tài sản là chuyện thường thấy, không chỉ được nhà văn tái hiện trong tác phẩm Ai lỗi ba sinh mà còn trong vài tác phẩm khác như Dưới bóng trăng khuya hay Tiếng súng lục liên. Nhân vật Còm mi Nghĩa trong Dưới bóng trăng khuya đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn và bất nhân nhất để chiếm đoạt Quân Nữ và gia tài của nàng bằng cách dùng bùa mê để ông huyện cha của Quân Nữ viết di chúc để lại gia tài, sau đó hắn giết chết ông huyện và đánh Quân Nữ đến bất tỉnh rồi vứt xác bên đường. Còn tên Trần Hải Thoại trong Tiếng súng lục liên thì thấy ông Xã Xến chết, để lại một gia nghiệp kếch xù cùng một cô vợ trẻ có nhan sắc với một bà mẹ già mù lòa nên hắn đã dụng tâm mê hoặc người vợ Xã Xến, dùng thuốc độc giết chết bà già rồi chiếm hết gia tài. Đó là những chuyện ở phố thị. Còn tại thôn quê xa xôi, đồng tiền cũng mò tới tác oai tác quái. Những tên trọc phú ỷ tiền mà áp bức, bóc lột tá điền như ông Hội đồng Phán, hoặc hãm hiếp dân nghèo đến có mang rồi bỏ như tên thầy cai Nguyễn Văn Trọng trong Nơi biển tình trường. Có những địa chủ “coi đồng bạc to như bánh xe trâu” như bà Hội đồng Mơ trong Trong ngọc trắng ngà. Vì tiền mà phụ rẫy, bội ước với người yêu như Loan Anh trong Ai người hẹn ngọc, khi thấy gia đình chàng Chung Văn Thái làm ăn suy sụp.

 Cùng với nhiều nhà văn khác ở Nam bộ bấy giờ, Việt Đông cũng đã đề cập đến đề tài tình yêu trong một số tiểu thuyết tâm lý xã hội – ái tình của ông. Ở đó, nhà văn đã đặt ra vấn đề xung đột giữa tình yêu, hôn nhân và bổn phận của cá nhân đối với gia đình. Tuy nhà văn có cái nhìn tương đối mới về vấn đề này nhưng ở vài tiểu thuyết của ông còn chịu ảnh hưởng sâu nặng  kiểu kết cấu hội ngộ - lưu lạc – đoàn viên tức kết thúc có hậu thường gặp trong truyện thơ Nôm thời trung đại. Tình yêu lứa đôi thủy chung trong sáng giữa trai tài gái sắc luôn gặp những trắc trở, thử thách, cuối cùng cũng được đoàn tụ như trong các tác phẩm: Duyên chàng nợ thiếp, Dưới bóng trăng khuya, Ai lỗi ba sinh, Tiếng súng lục liên, Tiếng sóng đêm khuya. Bên cạnh lối kết cấu trên, Việt Đông còn thể nghiệm lối kết cấ mở, bằng cách cho hai nhân vật bội tình rồi bắt gặp một tình yêu khác như trong Ai người hẹn ngọc, Bể tình mê tỉnh. Cũng có khi nhà văn kết thúc câu chuyện bằng cái chết của hai nhân vật yêu nhau như trong Chút phận thuyền quyên; hay gặp lại lúc họ đã gần đất xa trời trong Để thảm cho hoa. Trong khi đó, ở bộ ba tác phẩm Oan tình ly hận, Trường huyết chiến Ngọc nát hoa tươi thì nhà văn xây dựng hai nhân vật trai tài gái sắc yêu nhau, nhưng họ lại là con của hai gia đình với mối thù truyền kiếp, không đội trời chung. Vì chữ hiếu với cha mẹ, chàng Đường Phong Kiếm phải cắt đứt mối tình đẹp đẽ với Cao Xuân Thu, bởi trước đây vì ôm hận riêng mà cha của Xuân Thu là Cao Đoàn tức Cao Viên Hoành đã giết chết cha của Phong Kiếm là Đường Xuân Ngọc lúc chàng còn trong bụng mẹ. Không chỉ thế, Phong Kiếm còn giết chết Cao Đoàn và người yêu để trả thù cho gia đình, dòng họ.

Ở tiểu thuyết tâm lý xã hội – ái tình, Việt Đông thường ngợi ca những cuộc tình thủy chung son sắt, như mối tình giữa Phan Tấn Hóa và Quân Nữ (Dưới bóng trăng khuya). Chàng trai trọng nghĩa khinh tài, cô gái thùy mỵ đoan trang, hiếu nghĩa phải trải qua bao nhiêu gian khó, trắc trở, nhưng vẫn không hề thay đổi, để rồi cuối cùng họ gặp lại sống đời hạnh phúc bên nhau. Hay như mối tình giữa Liêu Kim và Phạm Tĩnh Cương trong Duyên chàng nợ thiếp cũng là một mối tình đẹp. Tĩnh Cương là một văn sĩ nghèo khó, Liêu Kim là một cô gái nhu mì, nết na, can đảm. Dù Liêu Kim bị cha ép gã cho ông Đốc phủ già giàu có và đầy thế lực, ngoài 60 tuổi, nhưng tình yêu của đôi trai gái này vẫn trong sáng, gắn bó thủy chung. Mặt khác, nhà văn còn lên án những cuộc tình vụ lợi, ép uổng, vì tiền như trong Chút phận thuyền quyên, Để thảm cho hoa… Ở đây, có tác phẩm, Việt Đông đã bước đầu thể hiện tình yêu vượt khỏi rào cản khắc khe của lễ giáo phong kiến, chỉ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối mà cha mẹ không chấp nhận. Nhưng giải pháp mà nhà văn vừa nêu ra là nửa vời, bởi cuối cùng, một trong hai nhân vật không vượt nổi rào cản khắc khe ấy. Đôi trẻ Trần Công Cảnh và Ngọc Lang đã tự ý làm đám cưới, với ý nghĩ giản đơn là chỉ cần họ có con với nhau thì hai bên cha mẹ sẽ bằng lòng. Nhưng sự đời không phải thế. Công Cảnh bị gia đình ép phải lấy Song Thu, trong khi Ngọc Lang đang có mang (Nơi biển tình trường), rồi sau khi sinh thì con chết, từ đó nàng bước vào chốn giang hồ nhằm trả thù bọn đàn ông lừa lọc. Tuy kết cục tình yêu không mấy tốt đẹp, nhưng dù sao sự thể nghiệm trên ít nhiều cũng là một tiếng trống báo hiệu cho một tình yêu tự do.    

Về cách dựng chuyện và kể chuyện trong tác phẩm của Việt Đông có thể nói là ít có gì đặc sắc; cốt truyện thường dung dị, giản đơn, có khi trơn tuột. Đây cũng là nét chung của nhiều ngòi bút văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ cho đến 1945. Bởi đối tượng tiếp nhận, người đọc phần đông là tầng lớp bình dân như phu xe, chị bán hàng… mà nhà văn có viết như thế thì mới phù hợp với thị hiếu công chúng. Việc xây dựng nhân vật và khắc hoạ tâm lý nhân vật trong nhiều tác phẩm cũng chưa được nhà văn chú tâm khai thác đúng mức. Đây là điểm hạn chế lớn nhất của ngòi bút Việt Đông. Ngôn ngữ kể chuyện trong nhiều tác phẩm thì thường kể với giọng văn không ổn định, mang nhiều giọng: lúc thì trơn tuột, mộc mạc, rất giản dị như lời nói thường ngày; lúc thì cầu kỳ gọt giũa, dùng nhiều điển cố, điển tích; câu văn có lúc viết theo lối biền ngẫu ngày xưa nên phần nào ít phù hợp với hiện thực và tính cách nhân vật được nhà văn phản ánh.

Riêng về đoản thiên tiểu thuyết và chuyện thần tiên thì tình tiết tưởng tượng ly kỳ, gay cấn, éo le, ít nhiều cũng gợi được sự tò mò và hấp dẫn cho người đọc.

Như trên đã giới thiệu, số lượng truyện và tiểu thuyết của Việt Đông thì nhiều, nếu không muốn nói là đồ sộ, nhưng tư duy nghệ thuật, bút pháp kể chuyện của ông thì không mấy nổi bật, chưa tạo được dấu ấn riêng. Đọc truyện và tiểu thuyết của ông, người đọc cảm thấy nhàn nhạt, có khi nhàm chán. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa tại sao tác phẩm và tên tuổi của Viết Đông chưa được người đọc nhắc đến nhiều và ít được các nhà văn học sử, các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu nếu so với các cây bút khác cùng thời như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, Tân Dân Tử chẳng hạn.

Nhìn chung, điều đáng quý là những tiểu thuyết của Việt Đông dù viết theo thể loại nào ít nhiều cũng đều có tính giáo dục, khuyến thiện trừng ác, sống đạo đức, khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào về quê hương với những truyền thống đạo lý tốt đẹp.

TP. Hồ Chí Minh, 2006-2011

NCL

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2011

 

 

 

CHÚ THÍCH:

(1) Chữ dùng của Đoàn Lê Giang. Xin xem: Đoàn Lê Giang: Văn học Quốc ngữ Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – Thành tựu và triển vọng nghiên cứu, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tập 9, số 10 – 2006, tr.12.

(2) xin xem: Cao Xuân Mỹ, Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000.

(3) xin xem: Nguyễn Kim Anh (chủ biên), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb ĐHQG TP. HCM, 2004.

(4) Việt Đông, Nơi biển tình trường (Cái án xã hội), tiểu thuyết, 4 cuốn (116 trang), Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1932, tr. 68 và 79.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63665987
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9705
17595
63665987

Thành viên trực tuyến

Đang có 779 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website