Trần Nhân Tông với cảm hứng mùa xuân

   

1. Trong lịch sử của dân tộc ta có nhiều nhân vật được người đời tôn vinh với nhiều danh vị khác nhau mà những vinh danh đó đều rất xứng đáng cả dù chúng chưa thể hiện hết và đủ tầm vóc những gì mà người đó đã cống hiến cho đời. Trần Nhân Tông chính là một trong những danh nhân đó.

Ông tên thật laø Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258 và mất năm 1308, lên ngôi trị vì năm Kỷ Mão 1279 và nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng vào năm 1293, là vị vua thứ ba của triều nhà Trần. Ông là một vị minh quân, một vị anh hùng dân tộc bởi dưới triều đại do ông trị vì, nhà vua luôn chăm lo cho muôn dân, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc của một đời sống phong phú và thoải mái dễ chịu, rộng mở và dân chủ. Ông còn là người đã hai lần trực tiếp lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh tan tác đế quốc Nguyên Mông hùng hậu và hung hãn vào các năm 1285 và 1288. Những chiến thắng oai hùng đó không chỉ nâng vị thế của Đại Việt lên tầm cao mới trong khu vực mà còn góp phần giải phóng các nước Đông Nam Á thoát khỏi ách xâm lược của đế quốc Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII. Ông còn là một nhà tư tưởng, một vị giáo chủ, một đức Phật sống của đời Trần. Cũng như ông Nội của mình, trước đây khi còn ở ngôi, Nhân Tông vừa trị nước an dân, vừa tu Thiền thì sau khi nhường ngôi, ông càng có nhiều điều kiện để chuyên tâm nghiên cứu Phật điển, tu tập Thiền định và giáo hoá muôn dân, xoá bỏ các dâm từ mê tín dị đoan. Đến năm 1298, nhà vua - Thiền sư mới chính thức khoát áo cà sa đi hoá độ khắp nơi, có lần sang tận kinh đô Chiêm Thành vừa để bang giao vừa thuyết pháp giảng đạo. Sau đó về núi Yên Tử thành lập Thiền phái Trúc Lâm, một Phật giáo nhất tông của Đại Việt, lấy hiệu là Hương Vân Đại đầu đà (Trúc Lâm Đại đầu đà), được tôn là Sơ Tổ (Đệ nhất Tổ) của Thiền phái và được người đời tôn vinh là Điều ngự Giác hoàng, là đức Biến Chiếu Tôn Phật. Ông lại còn là một nhà văn hoá, một nhà văn nhà thơ lớn đời Trần. Thư tịch cổ như các sách Thánh đăng ngữ lục, Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn), Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) chép rằng Trần Nhân Tông đã để lại cho kho tàng văn hoá – tư tưởng, văn học dân tộc khá nhiều tác phẩm với nhiều thể loại mà chúng được viết bằng hai ngôn ngữ chữ Hán và chữ Nôm tiếng Việt như: Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Đại Hương Hải ấn thi tập, Trần Nhân Tông thi tập. Ông còn ban chiếu sai các văn thần biên soạn bộ Trung hưng thực lục. Rất tiếc là những tác phẩm kể trên đã mất gần hết, chỉ còn lại 31 bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh, một bài tán; đặc biệt một bài phú và một bài ca bằng chữ Nôm: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (hai tác phẩm Nôm này có in lại trong sách Thiền tông bản hạnh) mà xưa nay các học giả, các nhà nghiên cứu đều khẳng định đây là một vốn quý của dân tộc, là hai trong vài tác phẩm chữ Nôm xưa nhất hiện còn, chúng vừa có giá trị ngôn ngữ, giá trị văn chương lại vừa có giá trị tư tưởng Thiền học với chủ trương tuỳ tục, tuỳ duyên, ở cõi trần mà vẫn vui với đạo. Một điều khá thú vị mà chúng tôi muốn lưu ý ở đây là trong 31 bài thơ hiện còn được Lê Quý Đôn, nhà bác học của nửa cuối thế kỷ XVIII có chép lại trong bộ hợp tuyển Toàn Việt thi lục thì có đến 15 bài thơ trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện cảm hứng về mùa xuân. Tất cả được tác giả viết bằng chữ Hán, với thể thơ Đường luật tứ tuyệt hoặc bát cú mang phong cách trang nhã, tinh tế và tài hoa, được chuyển tải bởi một ngôn ngữ hàm súc và diễm lệ. Nhân mùa xuân vận hội mới của đất nước, xin mời quý độc giả hãy đọc lại những vần thơ xuân cách đây trên bảy trăm năm của nhà vua - Thiền sư - vị Phật Tổ đời Trần.

2. Trần Nhân Tông có nhiều bài thơ đạt đến trình độ kiệt tác, mà Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều ở Thiên Trường nhìn ra xa); Nguyệt (Trăng) là những ví dụ tiêu biểu. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng với bút pháp vừa thực vừa hư, vừa tĩnh vừa động đã giúp cho người đọc vừa hiểu được cái cụ thể, lại vừa cảm nhận sâu xa hơn cái cụ thể. Trong khung cảnh trời chiều nơi hành cung Thiên Trường, nhà vua - thiền sư nhìn ra xa thấy cảnh quê hương với đồng ruộng, xóm thôn yên ả thanh bình. Trên con đường làng, chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đang thổi sáo dẫn trâu về chuồng; dưới cánh đồng, có đôi cò trắng bay song song đáp xuống. Tác giả tự hỏi những thôn xóm trong màn sương mờ ảo kia là có hay không? Cuối cùng là cái không lời tan biến vào cõi hư không tịch mịch trong buổi chiều tàn. Bài thơ đạt đến mức “thi trung hữu hoạ” được viết dưới ánh sáng của Mỹ học Thiền tông, bởi trạng thái chập chờn giữa thực; giữa tĩnh với động; giữa hữu vô. Còn bài thơ Nguyệt như thi đề cho biết sẽ tả cảnh trăng, nhưng ba câu đầu không nói về trăng, mà là cảnh đêm tịch tĩnh. Chỉ có giọt sương rơi khẽ khàng trước sân cùng âm thanh của tiếng chày đập vải vang lên từ nơi nào, như là tiếng đồng vọng, âm hưởng trong đêm. Đây là cảnh thực. Đến câu cuối cảnh trăng mới xuất hiện, vừa thực lại vừa hư, tạo nên vẻ đẹp bừng sáng lung linh bởi ánh trăng hội tụ trên chùm hoa mộc tê vừa hé nở: Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ (Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương). Nhưng rất tiếc, đây không phải là những thi phẩm viết về mùa xuân. Mười lăm bài thơ trang nhã, diễm lệ trực tiếp tả cảnh mùa xuân bộc lộ tình xuân như Xuân nhật yết Chiêu Lăng; Xuân hiểu; Xuân cảnh; Xuân vãn; Mai; Tảo mai; Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính; Nhị nguyệt thập nhất dạ; hoặc gián tiếp vì có nhắc đến ý xuân, cảnh xuân, cảm xuân dù chỉ là bất chợt thoáng qua như Khuê oán; Đăng Bảo Đài sơn; Động Thiên hồ thượng; Thiên Trường phủ; Sơn phòng mạn hứng; Đề Cổ Châu hương thôn tự; Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai. (Để không phải chú thích dưới các trích dẫn, tất cả những thi phẩm nguyên tác và bản dịch được trích trong bài viết này, chúng tôi rút từ Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989 từ trang 451 đến trang 472).

Trước hết, xin điểm qua những ý xuân, cảm xuân bất chợt trong thơ Trần Nhân Tông. Bài Khuê oán (Niềm oán hận của khuê phụ) là lời tâm sự của thiếu phụ trong phòng khuê nuối tiếc bâng quơ về thời gian sau khi thức giấc:

Thuỵ khởi câu liêm khán truỵ hồng, (Tỉnh giấc, rèm nâng, ngó rụng hồng,

Hoàng ly bất ngữ oán Đông phong. Hoàng oanh im tiếng giận Đông phong.

Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,        Lầu Tây vô cớ, vầng dương lặn,

Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông.   Cả bóng hoa cành ngả hướng Đông.)

Sau một giấc dài, thiếu phụ thức dậy, cuốn rèm mở cửa ngắm nhìn những cánh hồng rụng rơi; trong khi chim hoàng oanh im bặt tiếng vì oán hận mùa xuân đã qua, gió xuân không tới nữa. Chim hoàng oanh là biểu tượng của mùa xuân; Đông phong là gió thổi từ phương Đông, theo Dịch học thì trong Ngũ hành, phương Đông thuộc Mộc, mà Mộc chỉ mùa xuân, nên Đông phong là gió xuân. Không có tiếng chim, chẳng có gió xuân, có lẽ lúc này tiết trời đã cuối xuân hoặc mới sang hè. Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn với mùa xuân, nên nàng mới nuối tiếc thời gian chóng qua, đời người chóng già. Một cảm thức đầy tính triết lý của tác giả về thời gian, nêu lên quy luật khắc nghiệt của tuần hoàn, qua mấy vần thơ hàm súc, ý tại ngôn ngoại.

Không hiểu sao trong nhiều bài thơ, Trần Nhân Tông hay nhắc đến gió xuân (Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai; Khuê oán; Mai; Tảo mai) hoặc cảnh xuân muộn, xuân tàn (Xuân vãn; Sơn phòng mạn hứng; Nhị nguyệt thập nhất dạ…), có lẽ là bắt nguồn từ cảm thức về thời gian như trên. Nhìn cảnh hoa rụng, mưa tạnh, thấy núi non tịch mịch, lại nghe một tiếng chim kêu nơi biên cương, nhà thơ - thiền sư mới biết mùa xuân đã qua: Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch; Nhất thanh đề điểu, hựu xuân tàn -  Sơn phòng mạn hứng, bài 2 (Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng; Xuân cỗi còn dư một tiếng chim). Cảnh xuân tàn ở đây có thể là hình ảnh biểu trưng cho tuổi già, cho con người đã sang bên kia dốc của cuộc đời? Có lần, tác giả lên chơi núi Bảo Đài, thấy cảnh núi mây như xa như gần; ngõ hoa nửa rợp nửa nắng, nhà thơ cảm thức về thời gian cứ tuần hoàn trôi nên không cất lời mà chỉ tựa lan can thổi sáo dưới ánh trăng sáng chan hoà trước ngực (Đăng Bảo Đài sơn). Cuối cùng là cái vô ngôn. Bài thơ mang cảm thức Thiền, và có lẽ lúc này nhà vua - thiền sư đang tu trên Yên Tử, bởi Bảo Đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử ở Đông Triều, Quảng Ninh.

3. Tiếp theo là những vần thơ trực tiếp tả cảnh mùa xuân bộc lộ tình xuân. Ngày xuân, nhà vua về quê hương Thiên Trường viếng lăng mộ ông Nội là Trần Thái Tông, lại nghĩ đến một thời hào hùng oanh liệt với chiến tích chống Nguyên Mông lần thứ nhất của dân tộc, làm nên hào khí Đông A bất diệt (1258), vì thế mà người lính già đầu bạc tham gia kháng chiến ngày nào giờ đang coi giữ lăng mộ vẫn mãi mãi kể chuyện về đời Nguyên Phong với niềm tự hào lớn (Nguyên Phong là niên hiệu lần thứ ba (từ 1251 đến 1258) của Trần Thái Tông (lên ngôi 1225 – nhường ngôi 1258) khi còn trị vì): Bạch đầu quân sĩ tại; Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. (Lính bạc đầu còn đó; Chuyện Nguyên Phong kể hoài – Bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng). Hay như ngày cuối xuân trong tiết hàn thực mùng ba tháng ba, sau khi thưởng thức các điệu múa cùng với sứ giả phương Bắc, nhà vua tặng bánh trôi, bánh chay, bánh rau cho sứ giả và bảo rằng đây là phong tục riêng của nước Nam. Lời thơ nói ít mà ý nhiều, thể hiện bản lĩnh vị hoàng đế nước Nam cùng bộc lộ niềm tự hào về văn hoá, văn hiến phương Nam trước sứ thần phương Bắc (Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính - Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh). Hai bài thơ Mai Tảo mai ngợi ca vẻ đẹp thanh cao, cốt cách chịu đựng sương tuyết của loài hoa đứng đầu trăm hoa, để trước gió xuân khoe sắc vàng rực rỡ, sắc trắng tinh khôi và toả hương làm cho lòng người ngây ngất. Có khi tả hoa mai nở sớm trong buổi đông tàn, để khi xuân sang chỉ còn loáng thoáng vài cánh thơm nhẹ mà nhà thơ lại nghĩ đến chị Hằng. Ý thơ thật lạ, giàu liên tưởng và sáng tạo: Hằng (Thường) Nga nhược thức hoa giai xứ; Quế lãnh, Thiềm hàn chỉ má hưu. (Hằng Nga như biết đây hoa đẹp; Quế lạnh, cung Thiềm há muốn ưa? - Tảo mai, bài 2). Vì thế mà Hồ Nguyên Trừng trong tác phẩm Nam ông mộng lục viết vào đầu thế kỷ XV, tại câu chuyện thứ 19 có nhan đề Thi ý thanh tân đã hạ bút khen rằng: “Kỳ thanh tân hùng kiện quýnh xuất nhân biểu. Thiên thặng chi quân thú hứng như thử, thuỳ vị nhân cùng thi nãi công hồ?” (Cái thanh tân hùng tráng vượt quá người thường. Thi hứng của vị vua một nước có nghìn cỗ xe như vậy, ai dám bảo người ta khi khốn cùng thì mới có thơ hay?).

Tôi xin giới thiệu ở đây ba bài thơ đặc sắc về mùa xuân: Xuân hiểu; Xuân cảnh Xuân vãn.

Xuân hiểu là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt xinh xắn, trong trẻo, hồn nhiên, thuần tuý tả cảnh buổi sớm mùa xuân thật thơ mộng. Bài thơ có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông còn trẻ, rất trẻ, đang yêu đời, lòng tràn trề lạc quan nên ý tứ trong bài dạt dào sức xuân, đầy tình yêu cuộc sống thông qua hình ảnh đôi bướm trắng tung tăng bay tới cành hoa mơn mởn toả nhuỵ thơm hương:

           Xuân hiểu (Buổi sớm mùa xuân)

Thuỵ khởi khải song phi,         (Ngủ dậy, ngỏ song mây,

Bất tri xuân dĩ quy.                   Xuân về, vẫn chửa hay.

Nhất song bạch hồ điệp,           Song song đôi bướm trắng,

Phách phách sấn hoa phi.         Phấp phới sấn hoa bay.)

Còn bài Xuân cảnh có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Thuyên - Trần Anh Tông (1293 – 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi am thanh chiền vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu nhẩn nha chậm rãi; trên bầu trời thì có áng mây chiều đang lướt bay nhẹ nhàng. Trong cảnh tịch tĩnh yên ắng ấy, có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về Thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với Thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhoà mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng. Cảnh vật và lòng người như hoà làm một. Chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị Thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát: 

Xuân cảnh (Cảnh mùa xuân)

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,     (Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,

Hoạ đường thiềm ảnh, mộ vân phi.   Thềm hoa chiều rợp, bóng  mây bay.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,       Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.        Cùng tựa lan can ngắm núi mây.)

Và bài thơ Xuân vãn có lẽ cũng được viết khi Trần Nhân Tông đã là vị giáo chủ Thiền phái Trúc Lâm. Lúc này tuổi đã cao, công phu Thiền định đạt chỗ liễu ngộ giải thoát, rõ lẽ “sắc” và “không” của kinh văn Bát nhã nên thiền sư nhìn cuộc đời như như tự tại, thản nhiên. Thiền sư có dịp hồi tưởng một thời tuổi trẻ của mình, lúc ấy mỗi khi xuân về thì lòng rộn ràng gởi ở trăm hoa. Còn bây giờ đã hiểu được, ngộ ra, tức khám phá được bộ mặt của chúa xuân (Đông hoàng diện), tức cũng có thể là thấy rõ chân như, tự tính, bản tâm thanh tịnh, bản lai diện mục nên dù đang ngồi Thiền, ngắm cảnh hoa rụng mà lòng vẫn nhất như, không xao động. Cái tâm thanh tịnh tuyệt đối. Đến đây Tâm và Pháp nhất như, hoà làm một, không phân biệt nội giới với ngoại cảnh. Bài thơ thể hiện tư tưởng Thiền học uyên áo, uyên nguyên, uẩn súc, chỉ có thể cảm nhận bằng trực cảm tâm linh chứ không thể luận bình:

Xuân vãn (Xuân muộn)

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,       (Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.        Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Như kim khám phá Đông hoàng diện,   Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.       Nệm cỏ ngồi Thiền ngó rụng hồng.)

4. Thơ là tiếng lòng, là tiếng nói cảm xúc của thi nhân trước hiện thực. Phan Phu Tiên trong lời tựa Việt âm thi tập (1433) có viết: “Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố thi dĩ ngôn chí dã.” (Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy). Chí ở đây cũng là tâm, là cảm xúc, là tấm lòng. Cảm hứng mùa xuân trong thơ của nhà vua - thi nhân - Thiền sư - vị Phật Tổ Trần Nhân Tông là như thế. Do khuôn khổ của một bài báo, tôi không thể viết dài và có thể chưa nói được, nói hết cái hay, cái sâu sắc trong thơ mùa xuân của vị thi nhân - thiền sư này. Nhưng thiết nghĩ, đây cũng là cách góp vui cho quý vị lúc nhàn rỗi trong buổi xuân về tết đến.

                                     Gò Vấp, gần Tết Mậu Tý (10 – 01 – 2008)

(Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2007, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,

 Hà Nội - tháng 01 năm 2008)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63544192
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2623
12828
63544192

Thành viên trực tuyến

Đang có 160 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website