Bậc sư biểu bên bờ Tuyết Giang

 

Tuyết Giang phu tử, Bạch Vân tiên sinh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là một nhân vật kiệt xuất mà uy tín và đức độ của cụ tỏa sáng, chẳng khác nào như cây đại thụ tỏa bóng gần trọn thế kỷ XVI, nhân cách ấy đã khiến cho các tập đoàn phong kiến lúc bấy giờ (Lê - Mạc; Trịnh - Nguyễn) đều trọng vọng, nể vì. Tiên sinh không chỉ là một danh nhân văn hóa lỗi lạc, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài, mà còn là một nhà giáo vĩ đại, một bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong lúc nhà Lê sơ phát triển cực thịnh (1491) dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), xuất thân trong một gia đình nhà Nho bình dân, quê ở làng Trung Am[1], Vĩnh Bảo, Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), cụ thân sinh là Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ nhưng không đỗ đạt gì, cụ thân mẫu Nhữ Thị Thục là con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan triều vua Lê Thánh Tông, bà là người phụ nữ học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số, nên muốn chọn một người chồng có tài năng để sinh ra người con có thể làm nên nghiệp lớn, nhưng kén chọn mãi đến khi luống tuổi bà nghe lời cha mới lấy ông Nguyễn Văn Định là người có tướng sinh ra quý tử. Nhưng cuộc hôn nhân ấy không trọn vẹn, khi con trai Văn Đạt (Bỉnh Khiêm) vừa được 4, 5 tuổi, bà chê ông Nguyễn Văn Định không biết dạy con nên bỏ về nhà cha mẹ đẻ ở An Tử Hạ, Tiên Minh, Hải Dương (nay là xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) được một thời gian rồi mất.

 

Tuổi ấu thơ, tiên sinh đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Thuở nhỏ chịu sự giáo huấn của cha mẹ và đặc biệt là của người thầy lỗi lạc: Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Quan Bảng nhãn không chỉ truyền dạy Thánh kinh hiền truyện mà còn truyền tinh yếu của bộ Thái Ất thần kinh, nên cụ rất giỏi lý học, độn số, có thể đoán biết trước sự việc sẽ diễn ra. Đây cũng là nguyên do để hiểu tại sao nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chần chừ, nấn ná không chịu đi thi để có dịp thực hiện mơ ước “trí quân trạch dân” như bao kẻ sĩ khác, bởi cụ lớn lên trong buổi nhà Lê sơ đang bước vào suy thoái (hai mươi năm đầu thế kỷ XVI) với những hôn quân “vua lợn”, “vua quỷ” Uy Mục, Tương Dực…, rồi Mạc cướp ngôi (1527), tiếp theo là nội chiến dai dẳng: Nam - Bắc triều (từ 1533 đến 1592); Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt (từ sau 1558 trở đi, kéo dài mãi đến thế kỷ XVIII). Đây cũng là giai đoạn mà thuyền buôn phương Tây tìm kiếm thị trường mới ở phương Đông, gắn liền với kinh tế hàng hóa tư bản là thế lực của đồng tiền. Lúc này đạo Gia Tô đã theo thuyền buôn bắt đầu xâm nhập vào nước ta, truyền giáo cho cư dân ở ven biển. Hiện thực đó đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm phản ánh đậm nét trong văn chương, cả Hán lẫn Nôm.

 

Sau khi soán ngôi nhà Lê, thời gian đầu nhà Mạc đã tạo được thế ổn định và phát triển đất nước, chính sách có nhiều tiến bộ nếu so với nhà Lê sơ hồi mấy chục năm đầu thế kỷ XVI, vì thế tiên sinh mới chịu đi thi và đã đỗ đầu kỳ thi Hương (1534), Hội và Đình (1535) đậu Trạng nguyên, dưới triều Mạc Đăng Doanh (1530-1540), lúc này đã 45 tuổi. Sau 8 năm làm quan, dù được các vua nhà Mạc trọng vọng, ban chức và phong tước rất cao (Hữu Thị lang bộ Hình, Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông Các đại học sĩ, tước Trình Tuyền hầu; rồi Thượng thư bộ Lại, tước Trình Quốc công; ông nội và cha dù đã mất vẫn được nhà Mạc vinh phong: ông nội hàm Thiếu bảo, thân phụ hàm Thái bảo, cả hai đều được phong tước Quận công; bà nội và mẹ được phong là phu nhân), nhưng khi nhận ra bản chất của vương triều nhà Mạc, tiên sinh dâng sớ xin chém đầu 18 đại thần ỷ thế lộng hành, trong đó có ông sui gia và Phạm Dao (con rể của cụ), nhưng Mạc Phúc Hải (1540-1546) không nghe, cụ liền cáo quan về quê năm 1542. Về lại Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho dựng am Bạch Vân để dạy học, lập quán Trung Tân để bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp người cơ nhỡ, làm cầu Nghinh Phong, Trường Tân (Xuân) vừa để hóng mát, vừa để bà con qua lại dòng Tuyết Giang (sông Hàn, bến Hàn) cho thuận lợi.

 

Việc Tuyết Giang phu tử mở trường Bạch Vân am dạy học có thể là từ sau khi cáo quan, chắc là năm 1543, mà thế hệ học trò đầu tiên của trường là Lương Hữu Khánh[2], Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử[3], v.v.. về sau các vị này đều là những nhân vật lịch sử nổi tiếng có đóng góp lớn cho vương triều nhà Lê trung hưng hồi đầu Lê - Trịnh.

 

Điều mà chúng tôi muốn lưu ý ở đây là cách ứng xử, là thái độ lựa chọn giữa “xuất” và “xử”, “hành” và “tàng” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Là nhà Nho ai cũng mơ ước có được chúa thánh minh để mà tôn thờ, giúp vua trị nước an dân, để đem cái sở học của mình ra “kinh bang tế thế”, lại hiểu sâu lẽ biến dịch huyền vi, chắc chắn Bạch Vân tiên sinh rất rõ lúc nào nên “xuất”, nên “hành” và lúc nào nên “xử”, “tàng”. Đây là cái lẽ “tùy thời” mà đức Khổng Tử đã dạy. Nhà Nho khi “ngộ biến” thì phải “tòng quyền”. Nhà Nho thường quan niệm “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (dùng thì hoạt động, mà bỏ thì ẩn giấu mình). Việc tiên sinh ra làm quan cho nhà Mạc chẳng khác nào như Khổng Tử ngày xưa muốn vào yết kiến Công Sơn Phất Nhiễu, nhưng sự đời không như mong muốn, cụ đành lui về để giữ tròn khí tiết, phẩm hạnh chẳng khác nào như trí sáng của Trương Lương đi theo Xích Tùng Tử, mà Vũ Khâm Lân đã từng so sánh[4]. Việc cụ ra làm quan, người khen cũng nhiều mà người chê cũng không ít. Nhưng khi cụ treo ấn từ quan về vườn thì không một ý kiến nào bình luận, ngoài những lời khen. Cuộc rút lui của Bạch Vân tiên sinh thật quyết liệt, dứt khoát chẳng khác nào như Tiều Ẩn Chu An ngày xưa. Cả hai cụ đều bất lực trước hiện tình, không muốn dính líu đến cái xấu, cái ác. Thấy cái xấu giữa triều mà làm ngơ thì không được, mà nói ra lại càng khó khăn, nên chỉ có một lựa chọn là rút lui để bảo toàn khí tiết, phẩm hạnh. Có điều sau khi dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần, vua không nghe, Văn Trinh Chu An bỏ về núi Phượng Hoàng với tâm trạng đầy buồn phiền u uất, lòng muốn quên đi bao nhiễu nhương nơi triều đình thời vãn Trần (nửa cuối thế kỷ XIV) mà trong thơ chữ Hán có đề cập, như bài Xuân đán chẳng hạn; còn tâm sự Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc lui về có khác. Về vườn hưởng nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn sống ung dung, lạc quan, gắn bó với quê hương, với bà con khốn khó nơi quê nhà, vẫn quan tâm với đời: dạy học, làm thuốc giúp người cơ nhỡ, làm cầu, như trên có nói. Ở chỗ này chữ “nhàn”, chữ “tàng”, chữ “xử” của Nguyễn Bỉnh Khiêm có khác với các bậc cao sĩ ngày xưa, tức ở ẩn mà vẫn lo cho đời. Đặc biệt là mở trường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước, nói bóng gió để học trò vào Nam giúp nhà Lê trung hưng. Một cựu quan nhà Mạc mà bảo học trò của mình ra giúp nhà Lê. Việc này, với chữ “trung” Nguyễn Bỉnh Khiêm có lối ứng xử thật uyển chuyển và mềm dẻo, chứ không cứng nhắc, bảo thủ như các vị hủ Nho! Cuộc rút lui để về vườn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đem lại cho cụ ba cái được: một là, khỏi phải chứng kiến những việc “trái đạo lý” (theo cụ nghĩ) đang diễn ra trong triều; hai là, về nhà vẫn có thể đem tài năng và nhân cách của mình để cứu đời, giúp đời, cảm hóa con người hướng về cõi “chí thiện”; ba là, về với dòng Tuyết Giang, với am Bạch Vân và quán Trung Tân để tỉnh táo mà suy ngẫm lẽ đời, sự vần xoay của Tạo hóa, và cũng là để thực hiện cái ước vọng được tắm nước sông Nghi, chơi lầu Vũ Vu mà khi xưa đức Khổng Tử không thực hiện được[5]!

 

Hơn bốn mươi năm lui về nơi Bạch Vân am có thể nói đó là thời gian dài đắc ý nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi ông làm được rất nhiều việc có ích cho đời, trong đó có việc dạy học đào tạo được nhiều trí thức lớn cho đất nước. Về những năm tháng dạy học nơi quê nhà, tư liệu xưa ghi chép về việc này hiện còn rất ít, một bài văn tế của môn sinh “Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn” do trưởng tràng Đinh Thì Trung viết năm 1585; một bài phả ký (đã dẫn) của Vũ Khâm Lân viết năm 1743, trong đó có đoạn nói về chuyện dạy học; vài đoạn viết về ông trong các sách của Lê Quý Đôn (giữa thế kỷ XVIII), của Phan Huy Chú (đầu thế kỷ XIX), v.v..

 

 Trong bài văn tế Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn, Đinh Thì Trung đã thay mặt các đồng môn để tế viếng ngợi ca người thầy vĩ đại - vị Sư biểu Việt Nam thế kỷ XVI. Ở đoạn kể lại đức tính công trạng của Thầy, bài văn tế đã khẳng định rằng tài năng, đức độ và phẩm cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự hun đúc những gì tinh hoa nhất, đẹp đẽ nhất của khí thiêng sông núi: Đông hải chung anh; Nam sơn dục tú, và chẳng chịu thua nhường người xưa. Về văn chương và học tài chẳng kém gì Lý Bạch, Đỗ Phủ đời Đường; Âu Dương Tu, Tô Đông Pha đời Tống; Lý học thông suốt như Chu Hy đời Tống; hiểu rõ lẽ huyền vi của bộ “Thái ất” như Dương Hùng đời Hán; cứu đời giúp nước chẳng khác nào như Chu Công Đán làm phụ chính cho Chu Thành Vương, Chu Vũ Vương đời Chu; suy trước biết sau thật thần diệu chẳng khác nào như Nghiêu Phu (Thiệu Ung) nhà Lý học nổi tiếng đời Tống, v.v..:

Mắt tai sáng suốt, thiên nhiên vun tưới vốn không nghèo;

Lòng dạ thênh thang, đạo lớn thấm nhuần nguyên sẵn có.

Muôn chương đọc khắp, học tài chẳng kém Âu, Tô;

Bảy bước thành thơ, văn lực không nhường Lý, Đỗ.

Đạo từng vang chính đại quang minh;

Nghề vốn sẵn từ chương huấn hỗ.

Sáu bộ Thi, Thư suốt nghĩa, bơi thuyền đến bến thầy Chu;

Một kinh “Thái ất” thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương Tử.

Ngang trời dọc đất, cùng lòng Chu tể tâm tư;

Suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ.

Đạo chứa chan một bụng kinh luân;

Văn tô điểm đầy mình cẩm tú.

             (theo Vân Trình chỉnh lý dựa trên bản dịch của Chu Thiên)

Và đương thời khó có người nào vượt qua tiên sinh:

Ba đợt Vũ môn bay nhảy, năm trường sĩ tử thảy tri danh;

Một mình Lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ.

Văn chương rực rỡ, như núi sông ở dưới đất, như tinh tú ở trên trời;

Phẩm chất tót vời, như phượng hoàng trong loài chim, như kỳ lân trong giống thú.

Về thể, chẳng gì là không nên;

Về dụng, không gì là chẳng đủ.

Giềng mối thánh nhân, tự tiên sinh truyền ra;

Cõi bờ thánh nhân, duy tiên sinh thấu tỏ.

(theo Vân Trình chỉnh lý dựa trên bản dịch của Chu Thiên)

Những ngày dạy học ở quê, đạo của tiên sinh ngày càng sáng tỏ chẳng khác nào ngày xưa đức Thánh Khổng Tử dạy học ở nước Lỗ, bậc Á Thánh Mạnh Tử dạy học ở nước Trâu. Có điều cụ Trạng Trình sinh bất phùng thời, cái thời cụ hành đạo đâu phải là thái bình thịnh trị thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, nên cụ đành ngậm ngùi giữ “khí tiết với tấc lòng son”, giữ “vững chí thà ôm tay trắng”, tiên sinh chẳng khác nào “như khu rừng lớn”, như “núi Thái Sơn”.

 

Nhân cách của tiên sinh, người đương thời là Giáp Hải - vị Trạng nguyên nhà Mạc khoa thi Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính năm thứ 9 (1538); người phò tá có công dưới triều Mạc (theo Phan Huy Chú), sau làm đến chức Tể tướng tước Luân Quốc công - đã viết thơ ngợi ca như sau:

Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên,

Lý học vu kim hữu chính truyền.

Danh quán nho khoa lôi chấn địa,

Lực phù nhật cốc trụ kình thiên.

Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt,

Cửu lão quang nghi thế thượng tiên.

Ký thủ huyền xa vinh lý hậu,

Thanh phong thác hứng nhập ngâm biên.

(Giáp Hải: Hậu học Lễ Khê bá sung Đông Các đại học sĩ, Lại bộ Thượng thư, Trạng nguyên Giáp Trừng (cựu danh Hải) tặng)     

            Tạm dịch:

                        Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên,

                        Lý học ngày nay bậc chính truyền.

                        Long bảng đứng đầu, tên sấm dậy,

                        Chống trời cột vững, sức cường kiên.

                        Bốn triều nghiệp lớn, tay anh kiệt,

                        Chín lão dung nghi, dáng khách tiên.

                        Xe đã treo về, vinh xóm cũ,

                        Thảnh thơi gió mát, hứng thơ nhàn.

Liêm Khê tức Chu Đôn Di (1017-1073), tác giả hai quyển Thái cực đồ thuyếtThông thư, là sách bàn về Lý học, người khởi xướng thuyết Lý học. Y Xuyên tức Trình Di (1033-1107), cùng anh là Minh Đạo Trình Hạo (cả hai là học trò của Chu Đôn Di) đã phát triển Lý học của thầy đến chỗ tinh vi thâm diệu hơn. Những vị này là người đời Tống, làm cho Tống Nho phát triển thịnh đạt. Bài thơ đã nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt đến lẽ huyền vi của Lý học chẳng kém gì các bậc lập thuyết khi xưa, đồng thời ca ngợi cốt cách thanh cao của tiên sinh lúc về Bạch Vân am chẳng khác nào như Bạch Cư Dị (772-846) đời Đường cáo quan về núi Hương Sơn ở ẩn, kết bạn cùng tám vị cao niên khác (Cửu lão) hưởng thú thanh nhàn.

 

Theo Tiến sĩ Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân trong bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký viết năm 1743 thì những năm tháng dạy học ở Bạch Vân am, dù đã từ quan, nhưng các vua nhà Mạc vẫn cho người đến tham vấn, thỉnh thoảng tiên sinh lại về triều hiến kế cho nhà Mạc, việc nhà Mạc chạy lên đất Cao Bằng từ sau khi thất thủ Thăng Long (1592) để kéo dài thêm 85 năm (1677) với 5 đời là một trong vài ví dụ. Hay như các tập đoàn Trịnh, Nguyễn đều trọng vọng nể vì cho người đến cầu kiến tiên sinh, như việc bảo “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” và Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng hiểu ý, đã xin vào Nam trấn nhậm đất Thuận Hóa năm 1558, làm tiền đề để sau này các chúa Nguyễn mở đường vào phương Nam; hay nói bóng gió “vụ này lúa không được mấy… các ngươi hãy đi tìm giống cũ để gieo mạ”; “cứ việc thờ Phật giữ chùa thì được ăn oản” để Thế Tổ Trịnh Kiểm (1545-1569) không dám soán ngôi vua Lê khi Lê Trung Tông (1548-1556) mất không có con nối dõi, mà phải tìm con cháu nhà Lê là Lê Duy Bang, cháu năm đời của Lê Trừ, mà Lê Trừ là anh ruột của Thái Tổ Lê Lợi để nối ngôi, tức vua Lê Anh Tông (1556-1573), v.v..; hoặc  kín đáo bảo các học trò vào Thanh Hóa giúp nhà Lê trung hưng, chẳng hạn đến chỗ trọ của Phùng Khắc Khoan gõ cửa nói rằng: “Gà gáy rồi đấy, sao anh chưa dậy nấu ăn, mà còn nằm ỳ ở đó”, v.v.. mà theo tôi những lời mách bảo có tính tiên tri ấy của tiên sinh đều xuất phát vì đại cuộc, vì tương lai đất nước, dân tộc, mang tư tưởng thân dân chứ không dành riêng cho một thế lực phong kiến nào lúc bấy giờ.

 

Về phẩm cách của tiên sinh, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân cho rằng “Tiên sinh thực là người có tâm hồn khoáng đạt, tư chất cao siêu, xử sự hồn nhiên không hề có chút cạnh góc, ai hỏi thì nói, không hỏi thì thôi, mà đã nói ra câu gì thực là bất di bất dịch”[6]; còn nhà bác học Sử gia Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí mục Nhân vật chí đã tôn vinh Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Nhà Nho có đức nghiệp”[7] (là một trong 29 vị thời phong kiến: 01 người đời Trần, 10 người đời Lê, 04 người đời Mạc, 14 người đời Lê trung hưng). Bàn về tấm lòng và văn chương của tiên sinh đối với đời, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân đã viết: “ở nơi thôn dã vui cảnh cúc tùng hơn 40 năm mà lòng vẫn không quên nước, tấc dạ ưu thời mẫn thế thường thấy chan chứa trong văn thơ. Văn chương của tiên sinh rất tự nhiên, không cần điêu luyện, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà nhiều ý vị, câu nào cũng có quan hệ đến sự dạy đời” “toàn những thể gió mát trăng thanh, dẫu ngàn năm sau vẫn còn tưởng thấy”[8]. Ý này về sau được Sử gia Phan Huy Chú chép lại trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí[9]. Và trong mục Văn tịch chí, sử gia có nhận định về thơ của tiên sinh: “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”[10]. Còn Chu Xán Nhiên, một sứ giả nhà Thanh khi sang nước ta có thơ khen: An Nam Lý học hữu Trình Tuyền (Lý học ở nước Nam chỉ có ông Trình Tuyền hầu). Thế mới biết không chỉ ở nước ta xưa và nay, mà ngay cả ở “thiên triều” Trung Quốc, các bậc quan lại trí thức cũng đã ngưỡng mộ, đề cao Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đến dường nào!

 

Tuyết Giang phu tử, Bạch Vân tiên sinh đúng là một bậc Sư biểu rất đáng để muôn đời lịch sử nước nhà và ngành giáo dục Việt Nam tôn vinh, kính trọng.

 

Tháng 11 – 2011, gần ngày Nhà Giáo Việt Nam

NCL

Nguồn: Bản tin Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM, số 41 (tháng 11-2011).



[1] Làng Trung Am từ xa xưa có tên là Trình Tuyền, sau đó đổi thành Cổ Am, cuối cùng là Trung Am. Vì thế, khi làm quan cho nhà Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền hầu, rồi Trình Quốc công, tức ông quan được phong tước hầu, tước công ở làng Trình Tuyền, chứ không phải là “người hiểu rõ suối nguồn Lý học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hạo) đời Tống” như lâu nay các nhà nghiên cứu đã giải thích. Lưu ý là, khi phong tước cho các quan lại có công, các triều đại phong kiến thường lấy tên đất tên làng, tên hiệu, tên tộc… của người có công để phong. Ví dụ: Phùng Khắc Khoan hiệu là Mai Lĩnh nên nhà Lê trung hưng phong tước Mai Lĩnh hầu, rồi Mai Quận công (ông tước hầu, tước Quận công hiệu Mai Lĩnh); Nguyễn Gia Thiều hiệu là Ôn Như nên chúa Trịnh Sâm phong tước Ôn Như hầu (ông tước hầu hiệu Ôn Như); Nguyễn Du được vua Gia Long phong tước Du Đức hầu (ông tước hầu có đức độ tên là Du), Nguyễn Công Trứ ở làng Uy Viễn nên sử sách tôn vinh gọi ông là Uy Viễn tướng công, v.v..

[2] Lương Hữu Khánh là con trai của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Cụ Bảng nhãn là thầy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước khi mất có ủy thác con trai mình cho Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ.

[3] Vũ Khâm Lân trong bài Bạch Vân am cư sĩ  Nguyễn công Văn Đạt phả ký đã dựa theo lời truyền của dân gian mà viết, cho rằng Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng học với các vị trên. Chi tiết Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó được Lê Quý Đôn (giữa thế kỷ XVIII), Phan Huy Chú (đầu thế kỷ XIX), Dương Quảng Hàm (nửa đầu thế kỷ XX), Bùi Văn Nguyên, Đinh Gia Khánh và Bùi Duy Tân, Lê Trí Viễn (nửa sau thế kỷ XX) và gần đây (đầu thế kỷ XXI) Nguyễn Đăng Na, Đoàn Thị Thu Vân đều ghi lại trong các công trình của các vị. Nhưng theo tôi, Nguyễn Dữ không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi tuổi tác của hai ông suýt soát nhau; Nguyễn Dữ là con quan Thượng thư Tiến sĩ đời Lê Thánh Tông, đỗ thi Hương, thi Hội nhiều lần chỉ trúng tam trường, có ra làm quan dưới triều Lê sơ một vài năm, rồi cáo quan về nhà trước năm 1527; trong khi đó Nguyễn Bỉnh Khiêm là con nhà Nho bình dân, mãi đến năm 1535 mới thi đỗ Trạng nguyên và làm quan dưới triều Mạc. Chuyện dạy học chỉ có thể diễn ra từ sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về vườn, tức sau năm 1542, bởi Phùng Khắc Khoan theo học ở trường Bạch Vân đến 10 năm (1543-1552), năm 1552 nghe lời thầy, họ Phùng mới tìm vào Thanh Hóa để giúp nhà Lê trung hưng, và lúc này Nguyễn Dữ đã già rồi, đang ẩn cư tại núi rừng Thanh Hóa. Xin xem những bài viết của chúng tôi về vấn đề này: Bàn lại mối quan hệ giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Dữ - Phùng Khắc Khoan, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 tại Hà Nội, tháng 12 năm 2008; và: Nguyễn Dữ không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 4 (tháng 9-2010). 

[4] Xin xem: Tiến sĩ Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân, Bạch Vâm am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký, viết vào mùa đông năm Quý Hợi (1743).

[5] Sách Luận ngữ chép: Khổng Tử hỏi chí hướng của học trò, ông Tăng Điểm trình bày rằng: Chí của tôi muốn ngày ngày “tắm ở sông Nghi, rồi lên hóng mát ở suối Vũ Vu” (dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu); Khổng Tử than rằng: Ta cũng hợp ý với Tăng Điểm. 

[6] Vũ Khâm Lân, Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký, bản dịch Tô Nam Nguyễn Đình Diệm trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Bộ quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.139-160.

[7] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch, Tập 1, quyển XI, Nxb Sử học, HN, 1961, tr 298.

[8] Vũ Khâm Lân, Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký, tài liệu đã dẫn.

[9] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tlđd, tr. 300.

[10] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Văn tịch chí, bản dịch, Tập 4, quyển XLII, Nxb Sử học, HN, 1961, tr 90.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63667658
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11376
17595
63667658

Thành viên trực tuyến

Đang có 695 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website