Thơ đi sứ trung đại Việt Nam viết về danh thắng ở Hồ Nam - Trung Hoa và trường hợp Nguyễn Trung Ngạn

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP HCM

Tóm tắt:

Bài viết giới thiệu diện mạo thơ sứ trình trung đại Việt Nam viết về những di tích văn hoá, thắng cảnh ở Hồ Nam, Trung Quốc, mà theo thống kê chưa đầy đủ, thơ trung đại viết về đề tài này hiện có đến trăm bài. Từ diện, bài viết đi sâu vào điểm, bằng cách phân tích giới thiệu thơ của Nguyễn Trung Ngạn viết về Hồ Nam. Theo tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói Nguyễn Trung Ngạn là nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết về Hồ Nam, lúc ông đi sứ Trung Quốc năm 26 tuổi, hiện còn 13 bài có chép trong Giới Hiên thi tập, với ngôn ngữ bình dị, trong sáng mà tinh tế, tài hoa; lời thơ hùng hồn mạnh mẽ; chất thơ phóng khoáng với bút pháp hiện thực trữ tình.

Summary:

THE POETRY OF TO GO AS ENVOY OF THE MIDDLE AGES VIETNAMESE LITERATURE WROTE ABOUT THE FAMOS SITE AT HO NAM, IN CHINA AND NGUYEN TRUNG NGAN’S POEMS

Assoc. Prof. Dr. Nguyen Cong Ly

 

My newspaper article introduce the poetry of the ambassadors to go as envoy of the Middle ages Vietnamese literature wrote about the cultural vestiges and the beautiful landscapes at Ho Nam provence, in China, with hundred poems (number statistics to be not full). From that, the newspaper article analyse and introduce Nguyen Trung Ngan’s poems wrote about Ho Nam. Maybe, he was the first Vietnamese poet wrote poetry about Ho Nam, with thirteen poems in Giới Hiên thi tập, his selected poems, while he was 26 years old, he went as envoy to China, with languistic poetry are plain, cleary that discerning and refined talent; poetry inspitation are eloquent and vigorous; characteristic poetry are liberal with real - lyrical style.   

*

*    *

1. Vài nét về thơ đi sứ của Việt Nam thời trung đại

Do vị trí địa lý và do hoàn cảnh lịch sử, từ lâu đời, Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ bang giao hết sức mật thiết gắn bó kéo dài đến vài ngàn năm. Do vậy, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm và nặng nề văn hoá Hán, văn học Hán. Riêng ở lĩnh vực chính trị và ngoại giao, các vương triều hai nước có nhiều lúc căng thẳng xung đột, nhiều cuộc chiến thảm khốc đẫm máu đã diễn ra, Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng phương Bắc xâm lược, nhưng vì nhân nghĩa, hoà hiếu, để nhân dân nghỉ sức và xây dựng đất nước nên Việt Nam đã phải nhún nhường chịu thần phục trước “thiên triều” Trung Quốc.

Để công cuộc bang giao diễn ra thuận lợi, tốt đẹp, suốt cả thời trung đại, các vương triều hai nước rất nhiều lần đã cử nhiều đoàn sứ bộ qua lại, nhất là phía Việt Nam (1). Chính mối quan hệ bang giao này đã hình thành dòng thơ bang giao trong văn chương trung đại Việt Nam, trong đó có thơ sứ trình (thơ đi sứ). Các sứ thần Việt Nam không chỉ là nhà ngoại giao kiệt xuất với vốn văn hoá uyên bác mà còn là nhà thơ tài hoa. Trên hành trình nghìn trùng diệu vợi, để đến được kinh đô của “thiên triều”, bắt đầu từ Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) trở đi, phương tiện giao thông chủ yếu mà các đoàn sứ bộ ngoại giao thường dùng là đường thuỷ, theo dòng Trường Giang. Từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh) hay Phú Xuân đến Bắc Kinh, thông thường, các sứ đoàn hay đi theo lộ trình: Thăng Long – Quảng Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc – An Huy – Giang Tô – Sơn Đông – Hà Bắc – Yên Kinh (Bắc Kinh). Những chuyến đi, về trên đất nước Trung Quốc rộng lớn ấy, các sứ giả - nhà thơ có dịp tận mắt thưởng ngoạn nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, nhiều danh lam nổi tiếng. Chẳng hạn, sứ đoàn sẽ ngang qua Toàn Châu – chùa Tương Sơn (cuối Quảng Tây); Hành Sơn, Hành Dương, Hồi Nhạn phong, chùa Nhạc Lộc, hồ Động Đình, sông Tiêu Tương, lầu Nhạc Dương, Trường Sa... (Hồ Nam); Xích Bích, lầu Hoàng Hạc... (Hồ Bắc); Bồn Phố, Thái Thạch.. (An Huy); Kim Lăng, Dương Châu... (Giang Nam - Giang Tô), hồ Vi Sơn... (Sơn Đông), v.v..  Các danh thắng hữu tình đó đã gợi thi hứng cho các vị đã cất bút đề thơ ghi lại cảm xúc, nỗi niềm. Bên cạnh, khi đến trạm dịch ở các địa phương hay tại kinh đô, tiếp xúc với quan lại “thiên triều”, các vị thường dùng bút đàm chữ Hán và dùng văn chương để xướng hoạ thù tạc thể hiện thâm tình giao hảo.  Do vậy, đường đi sứ trở thành đường thơ. Từ đó, có rất nhiều tập thơ đi sứ nổi tiếng được hoàn thành.

Về vị trí địa lý, tỉnh Hồ Nam khi xưa vốn là vùng đất của Bách Việt cổ, toạ lạc bên bờ Trường Giang, phía bắc giáp tỉnh Hồ Bắc; phía phía tây giáp hai tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu; phía tây nam giáp tỉnh Quảng Tây; phía nam giáp tỉnh Quảng Đông và phía đông giáp tỉnh Giang Tây. Hồ Nam có tên cũ là Tương, nằm ở miền trung đất Trung Hoa, phần lớn đất đai của tỉnh nằm ở phía nam hồ Động Đình nên gọi là Hồ Nam. Hồ Nam có nhiều di tích văn hoá và thắng cảnh nổi tiếng, đơn cử như: Lầu Nhạc Dương ở phía tây thành huyện Nhạc Dương; Động Đình hồ mênh mông với nhiều truyền thuyết sinh động kỳ thú mang khí vị thần tiên; những dòng sông thơ mộng như Tương giang, Tiêu giang, rồi gộp thành Tiêu Tương với tám cảnh đẹp nổi tiếng, dòng Trường giang ngút ngàn như từ lưng chừng trời tuôn xuống; núi Hành Dương cao ngất trời với đỉnh Hồi Nhạn phong mà nhạn không bay qua nổi; Hành Sơn; chùa cổ Nhạc Lộc ở trên núi thuộc Trường Sa với thư viện cổ nổi tiếng, thủ phủ Trường Sa trung tâm của tỉnh Hồ Nam. Vùng đất này cũng là nơi trích địa của hai nhà thơ nổi danh thời cổ đại Trung Hoa: Khuất Nguyên bị đày ở vùng Tương giang; Giả Nghị bị đi đày ở Trường Sa. Điều này để giải thích tại sao, thơ đi sứ của nhiều tác giả Việt Nam đã viết nhiều về hồ Động Đình, lầu Nhạc Dương, dòng Tiêu Tương, núi Nhạc Lộc, núi Hành Dương... ở Hồ Nam, và có những vần thơ hoài cổ cảm khái về Khuất Nguyên, về Giả Nghị khi các vị đi qua Tương Đàm, Tương Âm, Trường Sa chẳng khác nào như trò chuyện với tri kỷ cố nhân; hay ca ngợi thiên nhiên hữu tình thơ mộng nơi lầu Hoàng Hạc khi các vị ngang qua Hồ Bắc v.v..

Về thơ sứ trình trung đại Việt Nam, sơ bộ có thể nêu tên những tác giả với những tác phẩm theo thứ tự niên đại như sau (2):

- Đời Trần (1225-1400) có Đinh Củng Viên, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn với Giới Hiên thi tập, Phạm Sư Mạnh với Hiệp Thạch tập, Phạm Tông Mại, Doãn Ân Phủ.

- Đời Hậu Lê sơ (1428-1527): Nguyễn Đình Mỹ, Đỗ Cận, Trần Lô, Đào Nghiễm với Nghĩa Xuyên quan quang tập.

- Đời Mạc (1527-1667): Giáp Hải có Tuỳ bang tập, Vũ Cận có Tinh thiều kỷ hành, Hoàng Sĩ Khải Bắc sứ quốc ngữ thi tập, Sứ trình khúc (cả hai bằng chữ Nôm), Đỗ Cận có Kim Lăng ký (chữ Nôm, viết về cảnh vật ở Nam Kinh).

- Đời Lê trung hưng (1533-1788) thơ đi sứ được mùa: Phùng Khắc Khoan có Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập, Đào Công Chính, Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Tiến (Đình) Sách có Hoa trình thi tập, Đặng Đình Tướng có Chúc Ông phụng sứ tập, Nguyễn Đăng Đạo có Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập, Nguyễn Công Kháng có Tinh sà thi tập, Phạm Khiêm Ích viết Kính Trai sứ tập, Nguyễn Kiều có Hạo Hiên sứ vịnh, Sứ Hoa tùng vịnh (viết chung với Nguyễn Tông Quai), Nguyễn Tông Quai có Sứ Hoa tùng vịnh (viết chung với Nguyễn Kiều) và Sứ trình tân truyện (chữ Nôm), Đinh Nho Hoàn có Mặc Ông sứ tập, Nguyễn Công Hãng có Tinh sà thi tập, Nguyễn Công Cơ có Sứ Hoa tập, Ngô Đình Thạc có Hoàng Hoa nhã vịnh, Lê Hữu Kiều Bắc sứ hiệu tần thi, Lê Quý Đôn ngoài văn chép về thông lệ ứng đáp bang giao khi đi sứ (Bắc sứ thông lục, Tục ứng đáp bang giao lục) còn có Liên châu thi tập trong đó có phần Tiêu Tương bách vịnh với một trăm bài, Nguyễn Huy Oánh viết Nguyễn Thám hoa thi tập, Yên đài tổng ca, Đoàn Nguyễn Thục có Hải An sứ vịnh (Đoàn Hoàng giáp phụng sứ tập), Hồ Sĩ Đống viết Hoa trình khiển hứng tập (Dao Đình sứ tập), Lê Quang Viện Hoa trình ngẫu bút lục, Trịnh Xuân Chú viết Sứ Hoa học bộ thi tập.     

- Đời Tây Sơn (1789-1802): Đoàn Nguyễn Tuấn có Hải Ông thi tập, Nguyễn Đề có Hoa trình tiêu khiển tập, Ngô Thì Nhậm có Yên đài thu vịnh (Hoa trình thi phú sao), Hoàng Hoa đồ phả, Phan Huy Ích có Tinh sà kỷ hành, Bang giao tập, Vũ Huy Tấn có Hoa nguyên tuỳ bộ tập.

- Đời Nguyễn (1802-1945) cũng được mùa về thơ đi sứ với nhiều thi sĩ tài danh: Trịnh Hoài Đức có Cấn Trai quan quang tập (Bắc sứ thi tập), Lê Quang Định có Hoa nguyên thi thảo, Ngô Nhân Tĩnh có Thập Anh Đường thi tập, Nguyễn Gia Cát có Hoa trình thi tập, Ngô Thì Vị có Mai dịch xu dư, Nguyễn Du có Bắc hành tạp lục, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức có  Sứ trình chí lược thảo, Sứ trình tiện lãm khúc (Nôm), Tùng Thiện vương Nguyễn Miên Thẩm có Bắc hành thi tập, Hà Tông Quyền, Trương Hảo Hiệp có Mộng Mai đình, Phan Thanh Giản có Sứ Thanh thi tập, Sứ trình thi, Phạm Chi Hương có Mã Xuyên thi tập, Bùi Quỹ có Yên đài anh thoại, Sứ trình anh thoại khúc, Yên hành khúc, Nguyễn Văn Siêu có Phương Đình vạn lý tập, Đặng Huy Trứ có Đặng Hoàng Trung thi sao, Bùi Dị có Vạn lý hành ngâm, Phạm Phú Thứ có Giá Viên thi tập, Nguyễn Tư Giản có Yên thiều thi văn tập, Yên thiều bút lục, Yên thiều văn thảo, Trung ngoại quỳnh giao tập, Như Thanh nhật ký, Nguyễn Thục có Mỗi hoài ngâm thảo, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký.

Với con số thống kê như trên có thể là chưa đầy đủ (3), nhưng cũng đã có đến trên 50 tác giả với khoảng 60 tác phẩm dày dặn gồm cả chục ngàn bài thơ (có một số là văn).

Nhìn chung, về nội dung của thơ đi sứ, các vị sứ thần - nhà thơ thường gởi gắm nỗi niềm tâm tư tình cảm của mình trên hành trình đi sứ xa xôi, đầy khó khăn gian khổ, với trọng trách lớn lao đối với đất nước, nhân dân mà triều đình đã giao phó. Bên cạnh những bài thơ mang tính xã giao, thù tạc khi xướng hoạ, đối đáp, đề tặng thì số còn lại đa phần là thơ tả cảnh, vịnh cảnh vừa thể hiện nét tài hoa tinh tế, bộc lộ cảm hứng dạt dào yêu mến trước thiên nhiên tạo vật, vừa bộc lộ tâm sự nhớ quê hương, lại vừa phản ánh trách nhiệm đối với đất nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc, văn hoá văn hiến Việt Nam. Điều tôi muốn lưu ý đặc biệt là, trong các thi tập trên, hầu hết được viết bằng chữ Hán thì lại có đến mấy tác phẩm bằng chữ Nôm của Hoàng Sĩ Khải với Bắc sứ quốc ngữ thi tập Sứ trình khúc (rất tiếc là đã thất truyền); của Nguyễn Tông Quai ngoài tập Sứ Hoa tùng vịnh bằng chữ Hán, ông còn có Sứ trình tân truyện mà có thể xem đây là một truyện thơ đầu tiên về đề tài đi sứ; Hoàng Sĩ Khải và Nguyễn Tông Quai là hai người đầu tiên khai sáng dòng thơ Nôm sứ trình vào giữa thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII; của Đỗ Cận với Kim Lăng ký (chữ Nôm, viết về cảnh vật ở Nam Kinh); của Lý Văn Phức với Sứ trình tiện lãm khúc bằng chữ Nôm. Chuyện đi sứ là trọng trách, mang tính quốc gia đại sự, chính thống của triều đình, vậy mà các tác giả đã vượt khỏi những quy phạm ràng buộc chính thống ấy, để ghi lại cảm xúc, tả lại những gì mắt thấy tai nghe bằng chữ Nôm tiếng Việt, chúng tỏ các vị đã tự hào và yêu quý tiếng nói của dân tộc đến dường nào!

 

2. Diện mạo thơ đi sứ trung đại Việt Nam viết về danh thắng Hồ Nam

Hiện chúng tôi chưa thống kê đầy đủ thơ đi sứ trung đại Việt Nam viết về danh thắng ở Hồ Nam. Nếu có điều kiện tiếp xúc toàn bộ thơ đi sứ của các sứ thần Việt Nam (mà vừa qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm kết hợp với các học giả Đài Loan sưu tầm, biên soạn cho xuất bản đến mấy chục tập dày dặn) thì có thể có đến vài ba trăm bài thơ viết về Hồ Nam. Hiện tại, chúng tôi chỉ mới tiếp cận được vài tư liệu cần thiết, vậy mà đã thấy có gần trăm bài thơ viết về di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh ở Hồ Nam (4). Đó là chưa kể một số bài thơ của các tác giả khác không đi sứ, không đến Hồ Nam mà sáng tác ngâm vịnh theo bút pháp ước lệ thời trung đại khi vịnh về Tiêu Tương bát cảnh.

Sau đây xin liệt kê tên những bài thơ của các tác giả trung đại Việt Nam viết về Hồ Nam mà chúng tôi đã được đọc:

- Nguyễn Trung Ngạn (13 bài) sẽ nêu cụ thể ở mục sau.

- Phạm Sư Mạnh (01 bài): Sứ Hoa quá Tiêu Tương giang.

- Nguyễn Đình Sách (01 bài): trong Hoàng hoa thập vịnh gồm 10 bài vịnh lúc đi sứ, có bài Động Đình tú sắc.

- Nguyễn Danh Dự (01 bài): Tương giang thất tịch.

- Nguyễn Quý Đức (02 bài): Động Đình tú sắc, Vũ Xương giai cảnh.

- Nguyễn Mậu Áng (01 bài): Quá Động Đình hồ.

- Nguyễn Kiều (02 bài): Tiêu Tương vãn cảnh, Động Đình hồ,

- Nguyễn Tông Quai (03 bài): Tiêu Tương vãn diếu; Hành Sơn lữ thứ; Trường Sa vãn diếu. Và trong Sứ trình tân truyện (truyện thơ Nôm đi sứ) có mấy đoạn viết về Hồ Nam.

- Đinh Nho Hoàn (01 bài): Đề Nam Nhạc Hành Sơn.

- Lê Quý Đôn trong Liên châu thi tập có phần Tiêu Tương bách vịnh gồm tăm bài, chúng tôi chỉ mới tiếp cận được 01 bài: Hồ Nam tảo phát trình Hỗ Trai.

- Nguyễn Huy Oánh (01 bài): Quá La Sơn phố cảm tác.

- Đoàn Nguyễn Thục (01 bài): Động Đình hồ.

- Hồ Sĩ Đống (01 bài): Nhạc Dương lâu.

- Đoàn Nguyễn Tuấn (01 bài): Nhạc Dương lâu phú.

- Ngô Thì Nhậm (01 bài): Tương Âm dạ phát.

- Vũ Huy Tấn (01 bài): Vọng Động Đình hồ ngẫu hứng.

- Nguyễn Gia Cát (02 bài): Phiếm Động Đình hồ, Vũ Thắng quan,

- Ngô Thì Vị (01 bài): Đăng Nhạc Dương lâu.

- Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục (08 bài): Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch; Tương giang dạ bạc; Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (02 bài); Phản chiêu hồn; Biện Giả; Trường Sa Giả Thái phó; Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ (mộ Đỗ Phủ nằm ở đông nam huyện Hành Dương, Hồ Nam).

- Phan Huy Chú (05 bài): Nhị Phi miếu; Tam Lư đại phu miếu; Hành Châu dạ vũ văn chung; Để Trường Sa vãn bạc; Hiểu phát quá Động Đình hồ.

Ba vị trong Gia Định tam gia đều có đi sứ sang Trung Quốc, có viết nhiều về Hồ Nam:

- Trịnh Hoài Đức (26 bài): Hoạ Phó sứ Nguyễn Địch Cát, Tương hành tạp vịnh (4 bài); Du Tương sơn Quang Hiểu tự, Hồ Nam đạo trung chu hành tạp vịnh (8 bài), Hành giang hiểu phiếm, Vị đề Tương Âm Lục Tri huyện mai cúc phiến diện (2 bài), Sở trung; Thạch Cổ sơn nạp lương; Hoạ Lê Tấn Trai Thạch Cổ sơn thư viện nguyên vận; Đề Trường Sa Triệu Tri huyện phiến diện Lý Hàn lâm hoạ mai; Đăng Trường Sa Củng Cực lâu lưu đề; Củng Cực lâu đối vũ; Quá Động Đình hồ hữu cảm; Đề Nhạc Dương lâu.

- Lê Quang Định (14 bài): Đề Tương Sơn tự; Đề Ngô Khê tự; Tiêu Tương chu hành tạp hứng tứ thủ: Dạ tửu hứng, Triêu hoạ hứng, Ngọ trà hứng, Vãn thi hứng; Đề Thạch Cổ sơn thư viện; Đề phiến tặng Từ sư gia; Đề phiến tặng Tương Đàm Lăng Dự Tri huyện; Đề phiến tặng Thông thủ Trường Sa phủ Đường Cảnh; Đăng Củng Cực lâu; Quá Động Đình hồ; Ngẫu tác; Sở trung.

- Ngô Nhân Tĩnh (01 bài): Đăng Nhạc Dương lâu vọng Động Đình hồ.

- Bùi Quỹ (02 bài): Quá Tương Âm điếu Khuất Nguyên; Quá Trường Sa hoài cảm Giả Nghị.

- Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình vạn lý tập có 182 bài, trong đó viết về Hồ Nam có 06 bài: Bắc phong hàn vũ Tĩnh Cảng đình chu nhị nhật muộn tác; Ư Tương Giang ngũ nhật tiền quan cạnh chu; Tương Đàm trở phong; Thừa nguyệt chí Tương Đàm huyện thành; Lạp nguyệt lập xuân tiên nhất nhật tạp vịnh tam thủ di Vấn Mai; Phát Hành Dương đoản ca.

- Nguyễn Địch Cát (01 bài): Tương giang vãn phiếm.

- Phan Thanh Giản (01 bài): Nhạc Dương dạ bạc.

Qua những bài thơ trên, có thể thấy tần số xuất hiện nhiều nhất là đề tài viết về hồ Động Đình, lầu Nhạc Dương, sông Tiêu Tương (bao gồm cả Tiêu Giang và Tương Giang), Tương Đàm (với Khuất Nguyên), Trường Sa (với Giả Nghị). Điều đó cho phép kết luận đấy không chỉ là những danh thắng mà còn là những địa - văn hoá, địa - lịch sử nữa, những địa danh ấy luôn tồn tại và sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Để thấy rõ hơn về bút pháp tài hoa, nỗi niềm cảm xúc cùng liên tưởng tinh tế của các vị sứ thần - thi nhân ngày xưa, trước hết, xin hãy đọc lại dòng thơ Nôm sứ trình của Nguyễn Tông Quai (1693-1767) viết về Hồ Nam. Bài Chiều mùa xuân trên sông Tiêu Tương trong Sứ trình tân truyện viết lúc đi sứ năm 1741-1742: “Chín mươi xuân sắc vẫn còn dư,/Cây rợp ngàn Tương bóng phất phơ./Sóng dợn duềnh xanh sông muốn gió,/Mây êm thức bạc núi hầu mưa./Dăng văng mặt nước vài con én,/ Đủng đỉnh bên giang mấy chiếc ngư./Tai khách ghẹo thêm con mắt khách,/Chuông chùa văng vẳng khói thưa thưa”. Nếu bài thơ trên viết theo thể Đường luật chữ Nôm thì sau đây là một đoạn thơ lục bát chữ Nôm cũng trong Sứ trình tân truyện, và cả hai đều viết về một thời điểm: lúc chiều tà; cùng một không gian: đất Hồ Nam: “Sụt sùi bóng ngả tịch dương,/Bên trời cái nhạn pha sương bay về./Thớt thưa bến liễu làng hoè,/Vàng gieo dãy lá, bạc khoe đầy cành./Tiếng thu xào xạc trên xanh,/Một đèn hãy tỏ, ba canh chưa nằm”. Rõ ràng là ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nôm sứ trình của Nguyễn Tông Quai đã đạt đến trình độ nhuần nhuỵ và trong sáng, chuẩn mực, thể hiện cái đẹp hài hoà giữa thơ và hoạ. Đúng là “thi trung hữu hoạ”, bởi màu sắc và đường nét hiện rõ mồn một trong bức tranh ngôn ngữ. Trong hai trích đoạn trên còn có một nét đẹp khác nữa: đó là sự cân đối, nét thanh nhã giữa tình và ý, giữa cách đặt lời và sự phối hợp các hình ảnh thơ, nhờ thế mà đoạn thơ, bài thơ mang nét đẹp chẳng khác nào như một bức tranh lụa mềm mại, thướt tha.

Và đây là cảnh đẹp nơi hồ Động Đình qua bài thơ của Nguyễn Quý Đức (1646-1720). Cảnh hồ Động Đình với trời nước một màu lung linh như ngọc. Hồ rộng thênh thang, mây mờ cánh nhạn, bầu trời trong, nước lô xô sóng như đang đùa giỡn với con thuyền. Để rồi nhà thơ tự hỏi dòng nào phân chia nước Ngô và nước Thục (thời Tam Quốc), khi tất cả các dòng đều tuôn trôi về biển lớn? Bài Động đình tú sắc trong Hoa trình thi tập chữ Hán, viết trong chuyến đi sứ năm 1676: Ngọc kính dung dung, thuỷ nhất hồ,/Vực trung giai cảnh: Động Đình hồ./Đông tây viễn phố, vân mê nhạn,/Thượng hạ quang thiên, thuỷ lộng châu./Quế khách tam thu tranh hiệu khiết,/Cẩm lân vạn khoảng nhậm hoan ngu!/Thao thao chúng thuỷ trường lưu hải,/Nguyên phái hề phân Thục dữ Ngô? (Gương ngọc rung rinh nước một bầu,/Động Đình nổi tiếng đẹp từ lâu./Đông tây bến thẳm mây mờ nhạn,/Trên dưới trời quang nước giỡn châu./Muôn khoảnh vãy rồng bày lớp lớp,/Ba thu phách quế trắng phau phau./Bao dòng cuồn cuộn đều ra bể,/Nguồn Thục, dòng Ngô khác biệt đâu?) [Theo Thơ đi sứ, sđd, xin xem chú thích số (4) ở cuối bài].

Còn đây là tấm lòng của thi hào Nguyễn Du khi đến viếng mộ vị thi Thánh Đỗ Phủ ở Lỗi Dương, nằm ở phía đông nam huyện Hàm Dương, tỉnh Hồ Nam (đời Thanh, địa danh này thuộc phủ Hàng Châu). Bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ gồm hai bài bát cú trong Bắc hành tạp lục, viết lúc đi sứ năm 1813-1814. Ở bài 1, Nguyễn Du đã tỏ lòng khâm phục và ngợi ca văn chương của Đỗ Phủ lưu truyền muôn đời và vị thi Thánh cũng là bậc thầy muôn đời. Đến viếng mộ vị thi Thánh, nhà thơ Việt Nam đã rơi lệ luống thương và tự hỏi rằng: phải chăng người cùng khổ là bởi thơ hay?: “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư,/Bình sinh bội phục vị thường ly” “Dị đại tương liên không sái lệ,/Nhất cùng chí thử khởi công thi?”. Đến bài 2, một lần nữa, Nguyễn Du nói lại ý trên qua cách biểu đạt khác: “Cộng tiễn thi danh sư bách thế,/Độc bi dị vực ký cô phần.” (Ai cũng khen tài thơ đáng bậc thầy muôn thuở,/Riêng ta buồn thương [ông] nơi đất khách gởi nấm mồ cô đơn). Tấm lòng tri kỷ tri âm của hai vị thi hào thi Thánh sống cách nhau đúng một nghìn năm mươi năm thật đáng quý biết dường bao! Trên cõi đời này, có được mấy tấm lòng như thế?   

Thơ đi sứ trung đại viết về Hồ Nam như trên đã thống kê sơ bộ có thể nói là rất nhiều, không thể nói hết trong một vài trang giấy, nên xin được dừng lại để giới thiệu về thơ Nguyễn Trung Ngạn đời Trần.

 

3. Thơ Nguyễn Trung Ngạn viết về danh thắng Hồ Nam

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự Băng Trực, hiệu Giới Hiên, vốn thuộc dòng tộc nhà Lý, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên, năm 12 tuổi dự Thái học sinh, 16 tuổi thi Đình đậu Hoàng giáp (1304), khoa này Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, từ 1304 đến 1311 ông không chịu ra làm quan, mãi đến năm 1312 mới nhận chức Gián quan, năm 26 tuổi (1314) phụng mệnh vua Trần Minh Tông đi sứ Yên Kinh (Bắc Kinh), mà có lần ông tự hào về mình qua bài thơ thể lục cú, Phan Huy Chú có chép lại trong Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,

Diệu linh dĩ hữu thốn ngưu chí.

Niên phương thập nhị Thái học sinh,

Tài đăng thập lục sung Đình thí.

Nhị thập hựu tứ nhập Gián quan,

Nhị thập hựu lục Yên Kinh sứ. (5)

Dịch:  Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu,

Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.

Tuổi mười hai dự Thái học sinh,

Vừa đến mưới sáu đỗ thi Đình.

Hai mươi bốn tuổi làm Gián quan,

Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh.

Ông làm quan nhà Trần trải qua 5 đời: Anh Tông (1293-1314), Minh Tông (1314-1329), Hiến Tông (1329-1341), Dụ Tông (1341-1369), Dương Nhật Lễ (1369-1370), chức vụ cao nhất (được thăng năm 1355) là Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Đại hành khiển, Thương thư hữu bật, kiêm tri Khu mật viện, Đại học sĩ toà Kinh duyên Trụ quốc, Khai huyện bá, gia Thân quốc công, thọ 82 tuổi.

Tác phẩm có Giới Hiên thi tập, cả tập không còn đủ, hiện chỉ còn 81 đầu đề (với 84 bài) là do công của Phan Huy Ôn (chú ruột của Phan Huy Chú) nhặt nhạnh sao chép, trong đó có thơ đi sứ nhà Nguyên vào năm Giáp Dần (1314). Đây là năm mà Trần Mạnh (tức Trần Minh Tông) được vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho, đặt niên hiệu Đại Khánh năm thứ nhất (1314) [nhà Nguyên, Diên Hựu năm thứ nhất], nhân đó, nhà Nguyên sai sứ sang tuyên đọc quốc thư, khi sứ Nguyên về, triều đình cử Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Mại sang nhà Nguyên đáp lễ, lúc này Nguyễn Trung Ngạn mới 26 tuổi! Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Khi sứ Nguyên sang nước ta làm lễ tuyên đọc quốc thư xong, hôm sau ban yến, vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen là “nhẹ nhõm người như tiên”. Đến khi sứ giả về nước, kể lại vẻ người thanh tú của vua. Về sau, khi sứ giả nước ta sang [tức Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Mại – NCL chú thêm], triều đình nhà Nguyên có người hỏi rằng: “Tôi nghe đồn rằng thế tử có vẻ người thanh tú nhẹ nhõm như thần tiên, có phải không?”. Sứ giả nước ta trả lời rằng: “Đúng như thế, song cũng là tiêu biểu cho phong thái cả nước vậy!” (6). Rõ ràng, câu trả lời của sứ thần nước ta (có thể là của chánh sứ Nguyễn Trung Ngạn) đã khẳng định vị thế và thể hiện niềm tự hào về văn hoá, văn hiến của dân tộc Đại Việt trước “thiên triều”!, phong cách của tân vương nước Đại Việt cũng chính là phong thái chung của cả dân tộc Việt.

Hành trình đi sứ năm ấy, theo tư hiệu hiện còn, Nguyễn Trung Ngạn đã viết đến 53 bài thơ, mà như trên có nói, chép chung trong 介軒詩集Giới Hiên thi tập. Chuyến đi ấy, ông viết nhiều về những danh thắng Trung Hoa ở các vùng miền đã đi qua như chùa Tương Sơn (Quảng Tây), lầu Hoàng Hạc (Hồ Bắc), thành Dương Châu, đài Ca Phong (Sơn Đông), miếu Nhạc Vũ Mục, Tiểu Cô sơn (An Huy), đến sông Thái Thạch nhớ Lý Bạch (thuộc An Huy), sông Xích Bích (Hồ Bắc), thành Cô Tô, núi Mã Đầu, đền Phục Ba tướng quân, Hoành Châu, Ung Châu, Nam Ninh, Ninh Giang v.v.., (chưa kể thơ viết về Hồ Nam) để qua đó gởi gắm nỗi niềm hay bộc lộ xúc cảm về cảnh vật hoặc nhận xét đánh giá về con người lịch sử xa xưa... Xin dẫn ra đây vài bài để quý độc giả thấy rõ tâm hồn thơ cùng bút pháp tài hoa, phóng khoáng, có khí cốt của Giới Hiên tiên sinh:

Bài Ung Châu

Hào kiệt tiêu ma oán vị hưu,/Đại giang y cựu thuỷ đông lưu.

Quảng Tây hình thắng vô đa cảnh,/Lĩnh ngoại phồn hoa độc thử châu.

Cố luỹ vân yên quy tịch chiếu,/Viễn sơn cổ giác tống thâm thu.

Chúng quân lão thú tằng kinh chiến,/Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu.

邕州

豪傑消磨怨未休, 大江依舊水東流.

廣西形勝無多景, 嶺外繁華獨此州.

故壘雲煙歸夕照, 遠山鼓角送深秋.

眾軍老戌曾經戰, 說到南征各自愁.

Dịch:  Hào kiệt tiêu ma, hận vẫn còn,/Sông dài nước vẫn hướng đông tuôn.

Quảng Tây toàn tỉnh thưa nơi đẹp,/Lãnh ngoại riêng châu nức tiếng đồn.

Luỹ cổ nắng tàn mây khói tụ,/Non xa thu muộn trống còi dồn.

Lính già đồn thú từng tham chiến,/Hễ nhắc Nam chinh: lặng lẽ buồn.

(Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 211).   

Đến thành Ung Châu, nơi nổi tiếng là phồn hoa ở tỉnh Quảng Tây, trong cảnh nắng tàn, mây tụ với tiếng trống tiếng tù và trong buổi thu muộn nơi non xa, nhà thơ nhìn những người lính già đồn trú mà năm xưa họ đã từng tham chiến, ông hiểu rõ tâm trạng run sợ cùng với nỗi buồn lặng lẽ của họ khi nhắc chuyện Nam chinh. Lòng yêu nước, niềm tự hào về đất nước, về chiến tích oai hùng của quân dân Đại Việt đã ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông trước đó không lâu, nhưng quan trọng hơn, nhắc đến Ung Châu là nhắc đến chiến công của quân dân nhà Lý mà vị tướng lỗi lạc Lý Thường Kiệt với chủ trương “tiên phát chế nhân” đã tiến binh vào đất Tống, đánh chiếm ba châu (Khâm, Liêm, Ung) và bốn động, đốt kho lương thảo nhằm ngăn chặn ý đồ xâm chiếm Đại Việt của giặc Tống, rồi rút quân về trấn giữ phòng tuyến Như Nguyệt vào năm 1075. Cho nên niềm tự hào ấy tuy không nói ra trong bài thơ nhưng lại hiện rõ mồn một, thật là “ý tại ngôn ngoại”!

Còn đây là bài Ca phong đài. Trên đường đi sứ Yên Kinh, Nguyễn Trung Ngạn có ngang qua đất Bái Trung, nơi ngày xưa Lưu Bang khởi binh thống nhất Trung Hoa lập nên nhà Hán. Hai câu sau của bài, tác giả ngầm ý đánh giá, chê trách Hán Cao Tổ Lưu Bang rằng sau khi diệt xong Tần, Sở, đáng lý ra nhà vua phải nghĩ đến chuyện “Trạm lộ” (hạt móc trong trẻo) tức ban ơn xuống cho dân; đằng này, Lưu Bang chỉ muốn có nhiều dũng sĩ nữa để gìn giữ bốn phương, tức nghĩ tiếp về chiến tranh, không nghĩ đến chuyện dựng xây đất nước và vỗ về yên dân (7). Bài thơ tuy nhắc chuyện xưa qua một nhân vật lịch sử cổ đại Trung Hoa nhưng lại mang tư tưởng thân dân, lo cho dân đậm nét:

Bài Ca phong đài

Thủ đề tam xích ngự quần hùng,/Bát loạn công thành khởi Bái Trung.

Khả tích diệt Tần, bình Sở hậu,/Bất ca Trạm lộ, chỉ ca Phong.

歌風臺

手提三尺馭群雄, 撥亂功成起沛中.

可惜滅秦平楚後, 不歌湛露只歌風.

Dịch:  Tay ba thước kiếm đấu quần hùng,/Dẹp loạn công thành, nổi Bái Trung.

Chỉ tiếc diệt xong Tần với Sở,/Không ca Trạm lộ, chỉ ca Phong.

(Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 201).

Bài Dạ bạc Giang Lăng thành夜泊江陵城 (8) lại thể hiện nột nét khác trong tâm hồn của nhà thơ: nét đẹp tài hoa tinh tế giàu cảm xúc trước vẻ hữu tình của đêm trăng thu thơ mộng trên sông nước Trường Giang mênh mang, nhưng khói sóng kỳ ảo kia vẫn không làm vơi hồn mộng nhớ quê, lòng muốn về nhà của thi nhân - sứ giả: 

Nhân tại biển chu, nguyệt tại hà,/Động Đình thu hứng hạo vô nha (nhai).

Mộng hồn bất quản yên ba cách,/Nhất dạ đông phong tống đáo gia.

人在扁舟月在河, 洞庭秋興浩無涯.

夢魂不管煙波隔, 一夜東風送到家.

Dịch:   Người ở thuyền con, trăng ở sông,/Động Đình thu hứng thật mênh mông.

Yên ba khó nỗi ngăn hồn mộng,/Đêm tiễn về nhà có gió đông.

(Vương Lộc dịch trong: Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 211)

Khi nhắc đến thơ Nguyễn Trung Ngạn, các nhà nghiên cứu thường trích dẫn bài thơ Quy hứng歸興. Bài thơ được viết lúc sứ đoàn hoàn thành công việc bang giao, chuyến về đang trên đường Yên Kinh – Nam Ninh, sứ đoàn dừng nghỉ tại trạm dịch Giang Nam lúc đất trời bước vào cuối xuân. Nơi đây vốn từ lâu nổi tiếng là phồn hoa đô hội, lại cảnh trí nên thơ với kỳ hoa dị thảo. Cảnh thiên nhiên hữu tình là thế, nhưng vị sứ giả - nhà thơ Đại Việt của chúng ta vẫn cứ muốn về nhà với nỗi nhớ quê da diết, với lòng yêu phong vị quê hương đất nước đến thiết tha. Lòng nhớ quê, yêu quê ấy thể hiện qua nỗi thèm nhớ cái hương vị béo ngậy của con cua đồng trong mùa lúa sớm vừa trổ bông, qua một ngôn ngữ bình dị, trong sáng mà tinh tế, ý nhị:

老桑, 早稻花香蟹正肥.

見說在家亦好, 江南雖樂不如.

Lão tang diệp lạc tàm phương tận,/Tảo đạo hoa hương giải chính phì.

Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,/Giang Nam tuy lạc bất như quy.

   Dịch 1: Dâu già, lá rụng tằm vừa chín,/Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê.

     Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,/Giang Nam vui mấy chẳng bằng về.

 (Bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyển, Nxb Văn hoá, HN, 1957)

   Dịch 2: Dâu già, lá rụng, tằm xong,/Bông thơm lúa sớm béo mòng con cua.

                Quê nhà nghèo thế mà ưa,/Giang Nam vui mấy cũng thua về nhà.

                                       (Xuân Thuỷ dịch, đầu năm 1973)

Riêng thơ của ông viết về Hồ Nam có đến 13 bài: Tương giang thu hoài, Hồ Nam, Du Nhạc Lộc tự, Nhạc Dương lâu (kỳ nhất), Nhạc Dương lâu (kỳ nhị), Tương Trung tức sự, Tương Trung tống biệt, Động Đình hồ, Kinh Nam tình vọng, Đàm Châu Hùng Tương dịch, Hồi Nhạn phong, Hoài Giả Nghị, Dạ bạc Giang Lăng thành. Con số 13 bài (với 12 đầu đề) trên 53 bài thơ đi sứ hiện còn, tỷ lệ đó ít nhiều cũng đã nói lên tình cảm sâu đậm mà Nguyễn Trung Ngạn đã dành cho đất Hồ Nam. Điều này cũng chứng tỏ Hồ Nam là nơi có nhiều danh thắng kỳ thú, và chính phong cảnh hữu tình ấy đã gợi cảm hứng cho thi nhân - sứ giả không thể không cất bút ghi lại những gì mắt thấy tai nghe cùng cảm xúc tuôn trào của mình!

Trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói Nguyễn Trung Ngạn là nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết về danh thắng đất Hồ Nam, Trung Quốc.

Trước hết là bài Hồ Nam湖南. Có thể xem đây là bài thơ giới thiệu tổng quan về cảnh vật vùng đất hữu tình thơ mộng này:

世 途 役 役 趁 風 埃, 一 到 湖 南 俗 眼開.

十 里 帆 檣 通 舸 艦, 半 江 風 雨 ()簇 樓 臺.

雲 藏 岳 麓 疏 鐘 遠, 天 近 衡 陽 獨 雁 來.

極 目 長 沙 成 吊 古, 飄 零 空 憶 賈 生 才.

Thế đồ dịch dịch sấn phong ai, Nhất đáo Hồ Nam tục nhãn khai.

Thập lý phàm tường thông khả hạm, Bán giang phong vũ  thốc lâu đài.

Vân tàng Nhạc Lộc sơ chung viễn, Thiên cận Hành Dương độc nhạn lai.

Cực mục Trường Sa thành điếu cổ, Phiêu linh sinh ức Giả sinh tài.

(Đường đời vất vả theo làn gió bụi, Một lần đến Hồ Nam được mở con mắt tục [vì phong cảnh nơi đây]. Cột buồm của những thuyền lớn neo dưới bến sông dài hàng chục dặm, Những lâu đài ven sông trải qua mưa gió. Vài tiếng chuông chùa Nhạc Lộc khuất trong làn mây xa vọng tới, Núi Hành Dương cao gần trời [hoạ chăng] chỉ có một con chim nhạn [chim nhạn lẻ] bay qua được. Mút tầm mắt nhìn Trường Sa thương xót người xưa, Thương ông Giả Nghị có tài mà bị đày vất vả ở nơi này.)

Chỉ cần đọc bài thơ này, người đọc sẽ nhận biết ở Hồ Nam có dòng sông ngút ngàn, có hồ rộng mênh mông với thuyền buồm trải dài đến mười dặm, có chùa Nhạc Lộc trên núi cao với tiếng chuông ngân vang, có núi Hành Dương với bóng nhạn ở chừng trời, có đất Trường Sa, mà xưa kia ông Giả Nghị có tài năng đã bị vua Hán đày xuống nơi này.

Từ cái nhìn tổng quan ấy, dần dà Nguyễn Trung Ngạn đưa người đọc, người ngắm cảnh đi dần vào từng địa danh cụ thể: lúc thì trên dòng Tương Giang, khi thì lên chùa Nhạc Lộc nơi núi cao, có lúc lên đến đỉnh Hồi Nhạn phong, khi lại về lầu Nhạc Dương, lúc thì bồng bềnh trên Động Đình hồ, rồi về thành Giang Lăng, hay ra thăm Đàm Châu Hùng Tương (Trường Sa), lại về ngắm cảnh Tương Trung, sau đó chia tay tiễn biệt cũng ở Tương Trung (xin xem nguyên tác ở phần phụ lục).

Đến Tương Giang lúc đất trời vào thu (Tương Giang thu hoài湘 江 秋 懷), thấy cây cỏ đã tàn tạ, mà mình thì còn đang ở đất khách quê người, nhà thơ nhìn dáng núi xa xa mà liên tưởng, ví nó như vóc thơ gầy, trên không thì cánh nhạn lướt theo làn khói trắng, dưới đất thì con thuyền đang khua mái chèo bơi dưới ánh trăng trong. Cảnh thật thơ mộng, nhưng dường như nhà thơ - sứ giả vẫn cứ buồn, nằm trong thuyền thao thức, phải bịt tại vì sợ nghe tiếng thác nước ầm ầm đổ xiết:   

草 木 已 凋 零, 他 鄉 尚 客 程.

晚 山 吟 骨 瘐, 秋 水 道 心 清.

落 雁 衝 煙 下, 歸 舟 背 月 撐.

枕 邊 重 掩 耳, 二 十 四 灘 聲.

Thảo mộc dĩ điêu linh, Tha hương thượng khách trình.

Vãn sơn ngâm cốt sấu, Thu thuỷ đạo tâm thanh.

Lạc nhạn xung yên hạ, Quy châu bối nguyệt xanh.

Chẩm biên trùng yểm nhĩ, Nhị thập tứ than thanh.

Đến chùa Nhạc Lộc trên núi Hành Dương, thuộc phủ Trường Sa, nhà thơ nhận ra cảnh núi sông nơi đây thật chẳng khác nào như cảnh thần tiên: 曲 欄 干 外 白 雲 飛, 上 界 樓 臺 瞰 水 湄. Khúc lan can ngoại bạch vân phi, Thượng giới lâu đài khám thuỷ mi. (Ngoài vòng lan can mây trắng đang bay, Lâu đài nơi cõi trên [cảnh chùa] trông ra bến nước.), nhưng ông vẫn buồn, bởi đâu phải là cảnh quê nhà của mình: “Giang sơn tín mỹ phi ngô thổ”!

Còn đây là cảnh lầu Nhạc Dương (bài Nhạc Dương lâu, 2 bài) được nhìn từ con thuyền nhỏ của sứ bộ: nhà thơ thấy lầu cao ngất dựa vào thành Nhạc Dương, dưới thành là hồ Động Đình với làn nước trong veo như tấm gương trắng, núi điểm màu như con ốc xanh, nổi bồng bềnh như lưng cá Ngao nơi cung Bồng. Nhìn cảnh, nhà thơ hoài cổ, nhớ chuyện phân Ngô, Sở khi xưa, còn mình thì chỉ riêng ôm một tấm lòng “tiên ưu hậu lạc” rồi mơ ước được như cánh chim bằng theo giáo bay về quê hương phương Nam:

...山 浮 鼇 背 蓬 宮 杳, 水 接 龍 堆 海 藏 深.

景 物 莫 窮 千 變 態, 人 生 能 得 幾 登 臨.

江 湖 滿 目 孤 舟 在, 獨 抱 先 憂 後 樂 心.

...Sơn phù Ngao Bối, Bồng cung diểu,/ Thuỷ tiếp Long Đôi, Hải tạng thâm.

Cảnh vật mạc cùng thiên biến thái,/ Nhân sinh năng đắc kỷ đăng lâm.

Giang hồ mãn mục cô châu tại,/ Độc bão tiên ưu hậu lạc tâm.

(Núi nổi như lưng cá Ngao [mà] cung Bồng [thì] mờ mịt, Nước tiếp giáp với cồn Rồng [mà] kho báu Long cung thì sâu thăm thẳm. Cảnh vật biến hoá nghìn trạng không biết đâu mà dò, Người đời được đã bao lần lên lầu này? Cảnh sông nước đầy trước mắt [mà] chỉ có mỗi chiếc thuyền nhỏ [của sứ thần] ở đây, [Sứ giả chỉ] riêng ôm một nỗi lòng lo trước vui sau.)

Và:

...危 樓 高 枕 岳 陽 城, 城 下 扁 舟 泛 洞 庭.

湖 水 展 開 圓 鏡 , 君 山 點 出 一 螺 青.

伯 圖 空 闊 分 吳 楚, 元 氣 淋 漓 浸 日 星.

安 得 南 枝 今 有 便, 鵬 風 萬 里 過 南 溟.

Hồ thuỷ triển khai viên kính bạch,/ Quân sơn điểm xuất nhất loa thanh.

Bá đồ không khoát phân Ngô Sở,/ Nguyên khí lâm ly tẩm nhật tinh.

An đắc nam chi kim hữu tiện,/ Bằng phong vạn lý quá Nam minh.

(Nước hồ Động Đình trải rộng sáng trắng như gương tròn, Núi Quân nhô vượt lên màu xanh tựa con ốc. Việc tranh bá đồ vương rộng lớn phân chia Ngô và Sở, Nguyên khí đầm đìa thấm cả mặt trời và sao. Giá có được cành nam, nay thật tiện, Theo gió chim bằng muôn dặm đến biển Nam.)

Hồ Động Đình với cảnh đẹp như cõi Bồng lai:  

雲 濤 雪 浪 四 謾 漫, 氐 柱 中 流 此 一 山.

鶴 跡 不 來 松 歲 老, 妃 魂 猶 在 竹 痕 斑.

乾 坤 卵 破 鴻 蒙 後, 日 月 萍 浮 浩 渺 間.

渚 蓼 汀 蘭 無 限 興, 片 心 空 羡 白 鷗 閒.

Vân đào tuyết lãng tứ man man, Để trụ trung lưu thử nhất san.

Hạc tích bất lai tùng tuế lão, Phi hồn do tại trúc ngân ban.

Càn khôn noãn phá hồng mông hậu, Nhật nguyệt bình phù hạo diểu gian,

Chử liệu đinh lan vô hạn hứng, Phiến tâm không tiện bạch âu nhàn. 

(Sóng mây sóng tuyết bốn bề tràn trề, Như ngọn núi dựng thành trụ giữa dòng sông này. Dấu vết chim hạc không thấy đến, cây tùng đã già rồi [còn in dấu chim],

Hồn của hai bà phi [vợ vua Thuấn] như hãy còn, thân trúc đã lốm đốm [do lệ của hai bà]. Đất trời như thuở hồng hoang sau khi mới phá vỏ trứng mà ra, Mặt trời mặt trăng thì nổi bồng bềnh giữa khoảng không bao la. Ở bến có cỏ liễu, ở bãi có lan, hứng thú vô hạn, Tấm lòng mơ hão cảnh nhàn nhã của chim âu trắng).

Thơ đi sứ viết về hồ Động Đình như trên đã thống kê ít ra cũng có trên mười bài, mỗi bài mang một vẻ đẹp riêng, thể hiện cách nhìn cách cảm của mỗi thi nhân, bộc lộ từng cá tính sáng tạo riêng. Nếu so sánh bài thơ này của Nguyễn Trung Ngạn với bài Động Đình tú sắc (Vẻ đẹp của hồ Động Đình) của Nguyễn Quý Đức (ở trên đã dẫn), thì có thể thấy cách chọn lựa hình ảnh khi miêu tả của Giới Hiên thật là đắc địa, đúng như cảnh thần tiên!

Hồi Nhạn, một ngọn núi có đỉnh cao nhất của dãy Hành Dương, cao đến nỗi tương truyền chim nhạn không thể bay qua. Nhìn cảnh quê người mà lòng của vị sứ thần lại nghĩ về quê nhà, qua bài Hồi nhạn phong回 鴈 峰:

, .

, .

Trúc lộ tùng yên hiểu thuý nham,/ Sâm si đình hạ xuất thanh lam.

Sơn đầu hồi khứ thu phong nhạn,/ Thuỳ vị truyền thư đáo Lĩnh Nam.

(Sương móc ở tre trúc, khói ở rừng tùng, những mõm núi đá xanh xanh buổi sớm, Dưới những ngôi đình xen kẽ so le nhau đã bốc ra hơi núi biêng biếc. Đầu ghềnh núi đã bay mất rồi những con chim nhạn quen với gió thu, Ai sẽ vì ta mà chuyển thư về cõi Lĩnh Nam).

Đến trạm dịch Hùng Tương ở Đàm Châu, nay là Trường Sa (Đàm Châu Hùng Tương dịch潭 州 熊 湘 驛), thấy núi chen núi trải dài về bắc, sông thì cuồn cuộn tuôn chảy về đông. Phong cảnh kỳ vĩ đã thôi thúc thi hứng, nhà thơ không thể chợp mắt, bởi tiếng thu ở Nhai Khẩu vọng đến; ánh trăng toả chiếu trên chiếc thuyền nhỏ của sứ thần trên dòng sông ở Hành Dương. Nhìn khói sóng trên sông, nhà thơ ngậm ngùi nhớ đến nỗi sầu hận của hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khi xưa lúc vua Thuấn ra đi, rồi lại nhớ đến nỗi buồn của Tống Ngọc khi ngâm bài Sở tá:  

山 北 去 水 , 景 物 推 人 不 自 由.

涯 口 秋 聲 來 半 枕, 衡 陽 月 色 上 孤 舟.

滿 江 煙 浪 湘 妃 恨, 兩 鬢 風 霜 宋 玉 愁.

試 摘 黃 花 吟 楚 些, 一 盃 聊 為 醉 南 樓.

Loạn sơn bắc khứ thuỷ đông lưu,/ Cảnh vật thôi nhân bất tự do.

Nhai Khẩu thu thanh lai bán chẩm,/ Hành Dương nguyệt sắc thướng cô châu.

Mãn giang yên lãng Tương Phi hận,/ Lưỡng mấn phong sương Tống Ngọc sầu.

Thí trích hoàng hoa ngâm Sở tá,/ Nhất bôi liêu vị tuý Nam lâu.

(Núi chen chúc chạy về phía bắc, sông chảy về phía đông, Phong cảnh thôi thúc người không thể rảnh rang. Tiếng thu ở Nhai Khẩu đến bên nửa gối, Ánh trăng Hành Dương chiếu chiếc thuyền cô quạnh. Khói sóng đầy sông, nhớ nỗi hận của Tương Phi, Gió sương cả hai phía tóc thái dương, nghĩ đến nỗi buồn của Tống Ngọc. Thử ngắt bông hoa cúc, ngâm bài Sở tá, Một chén tiêu sầu say trên lầu Nam).

Còn đây là cảnh chiều tà nơi vùng Tương Trung với tiếng vượn kêu gào, với dáng trúc núi buồn lặng lẽ, ánh nắng chiều rọi xuống dòng sông, rồi màu nước sông trong nắng phản chiếu vào chiếc thuyền con. Tất cả được Nguyễn Trung Ngạn tái hiện lại chẳng khác nào như một bức tranh có màu sắc, âm thanh, ánh sáng. Bài Tương Trung tức sự 湘 中 即 事: 隔 岸 湘 猿 叫, 臨 山 楚 竹 幽. 夕 陽 晴 景 好, 水 色 滿 孤 舟. Cách ngạn Tương viên khiếu, Lâm sơn Sở trúc u. Tịch dương tình cảnh hảo, Thuỷ sắc mãn cô châu. (Cách đồi, vượn vùng Tương Trung đang gào, Lên núi, trúc nước Sở lặng lẽ thâm u. Chiều tà cảnh có nắng rất đẹp, Màu sắc của nước sông vào đầy trong chiếc thuyền cô đơn).

Nhìn chung, thơ Nguyễn Trung Ngạn viết về Hồ Nam một mặt ca ngợi cảnh đẹp thơ mộng thần tiên, hay kỳ vĩ của các danh thắng, mặt khác, qua những cảnh thiên nhiên tạo vật ấy, nhà thơ bày tỏ suy tư của mình về người xưa tích cũ, có chút mang tư tưởng thân dân, lo cho dân, lại vừa bộc lộ nỗi niềm nhớ quê, mong ước muốn sớm về quê nhà, nên ít nhiều phảng phất một nỗi buồn - buồn mà đẹp.

 

4. Lời kết

Trên đây là diện mạo thơ sứ trình trung đại Việt Nam nói chung, diện mạo cùng nội dung cơ bản của thơ sứ trình trung đại và thơ của Nguyễn Trung Ngạn viết về Hồ Nam nói riêng. Có thể còn nhiều điều cụ thể cần bàn thêm nữa, nhưng bài đã dài, xin được tạm dừng ở đây.

Như đã trình bày, Hồ Nam là vùng đất có nhiều danh thắng hữu tình thơ mộng, vì thế nên có nhiều sứ giả - thi nhân Đại Việt trên đường đi sứ đã viết nhiều về vùng đất này, nếu so với những danh thắng của các tỉnh khác ở đất nước Trung Quốc rộng lớn, mà các đoàn sứ bộ phải ngang qua, với niềm thi hứng dạt dào và đã để lại nhiều thi phẩm nổi tiếng.

Riêng trường hợp Nguyễn Trung Ngạn, trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể khẳng định ông nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết nhiều và viết rất hay về những danh thắng ở Hồ Nam, với một phong cách thơ hào mại phóng khoáng, hùng hồn mạnh mẽ, có khí cốt, pha lẫn chút suy tư cảm khái.

Để kết thúc bài viết, xin được mượn lời của Sử gia Phan Huy Chú đầu thế kỷ XIX, khi ông đã hạ bút đánh giá về Nguyễn Trung Ngạn như sau: “Bình sinh ông thích ngâm vịnh, lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng” (9), “Lời thơ phần nhiều hào mại phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng. Những bài làm trong khi sang sứ Trung Quốc, như các bài thơ luật “Động Đình hồ”, “Nhạc Dương lâu”, “Hùng Tương dịch”, “Ung châu”, bài nào lời thơ cũng mạnh mẽ, phóng khoáng khác thường” (10), và “ Ngoài ra, những câu thơ hay rất nhiều, không thể kể hết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì đời Thịnh Đường” (11).  

Thiết nghĩ, tôi cũng không thể nói thêm được gì hơn ngoài ý kiến của nhà bác học Phan Huy Chú đã nói cách đây khoảng hai thế kỷ.

Thượng tuần tháng Tám 2011

 

CHÚ THÍCH:

(1) Chẳng hạn, theo các bộ sử Việt Nam thời phong kiến: Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí (mục Bang giao chí), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chúng tôi thống kê sơ bộ có thể thấy các triều đại phong kiến Việt Nam đã cử nhiều đoàn sứ bộ đi sang Trung Quốc để bang giao, cầu phong, triều cống, dâng sản vật quý lạ hiếm, báo tin hiếu hỷ, thỉnh kinh sách hoặc sang đáp trả lễ sau khi sứ bộ Trung Quốc đã sang nước ta trước đó, như: nhà Đinh (968-980) đã cử sứ bộ sang 3 lần vào các năm: 972, 976, 977; nhà Tiền Lê (981-1009) đã cử sứ bộ sang 10 lần vào các năm: 983, 985, 987, 991, 993, 996, 997, 1004, 1007, 1009; nhà Lý (1009-1225) đã cử nhiều sứ đoàn sang Trung Quốc bang giao kết hảo. Chỉ tính riêng từ năm 1010 đến năm 1073, triều đình Đại Việt đã cử đến 27 lượt sứ bộ sang nhà Tống Trung Quốc; nhà Trần (1225-1400) các đoàn sứ giả hai nước qua lại rất nhiều lần, tính từ năm 1262 (năm thứ 3 niên hiệu Trung Thống nhà Nguyên) đến năm 1334 (năm thứ 2 niên hiệu Nguyên Thống nhà Nguyên) ta đã cử đến 47 đoàn sứ bộ sang; nhà Hậu Lê (Lê sơ 1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1788), nhà Tây Sơn (1789-1802); nhà Nguyễn (1802-1945), tương ứng với nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc, thì số lượt các đoàn sứ bộ của hai nước qua lại có thể nói là rất nhiều, đến vài trăm lượt, khó đếm hết. Chẳng hạn, nhà Minh (1368-1644) triều đình Trung Quốc đã cử hơn 30 đoàn sứ bộ sang nước ta, và triều đình Đại Việt thời Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng (đến thời điểm năm 1644) cũng đã cử hơn 100 lượt sứ bộ sang Trung Quốc. Còn dưới thời nhà Thanh, trong khoảng gần 3 thế kỷ (1644-1911), tương ứng với các triều đại: Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn của ta, triều đình cũng đã cử hàng trăm đoàn sứ bộ sang Trung Quốc bang giao.

(2) Ở đây, chúng tôi chỉ ghi lại các tác giả có tập thơ để lại. Còn những tác giả có đi sứ, nhưng hiện chỉ còn một vài bài và không có tập thơ riêng, hoặc có thể có nhưng bị thất lạc thì chúng tôi không ghi tên tác phẩm.

(3) Nói là chưa đầy đủ, vì gần đây, các học giả Đài Loan phối hợp với các học giả Việt Nam ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã biên soạn và xuất bản về Thơ đi sứ Việt Nam với gần ba chục tập dày dặn bằng chữ Hán (Trung văn), nhưng hiện tại chúng tôi chưa có thì giờ để đọc và thống kê.

(4) Tư liệu mà chúng tôi dùng để tra cứu và thống kê khi viết bài này:

1. Ngô Sĩ Liên và..., Đại Việt sử ký toàn thư, 4 tập, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, HN, 1967.

2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, mục Văn tịch chí, mục Bang giao chí, bản dịch, Nxb Sử học, HN, 1961.

3. Nguyễn Trung Ngạn, Giới Hiên thi tập.

4. Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai quan quang tập (Bắc sứ thi tập).

5. Ngô Nhân Tĩnh, Thập Anh đường thi tập.

6. Lê Quang Định, Hoa Nguyên thi thảo.

7. Nguyễn Du, Bắc hành tạp lục.

8. Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình vạn lý tập.

9. Nhiều tác giả, Tổng tập Văn học Việt Nam, từ tập 1 đến tập 19, Nxb KHXH, HN, 1995 – 2000.

10. Nhiều tác giả, Thơ đi sứ, Phạm Thiều, Đào Phương Bình (chủ biên), Nxb KHXH, HN, 1993.

(5) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, mục Nhân vật chí, bản dịch, Nxb Sử học, HN, 1961, tr. 187.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập 2, Kỷ nhà Trần, Nxb KHXH, HN, 1971, trang 114.

(7) Trạm lộ: hạt móc trong trẻo, cũng như nói “vũ lộ” (mưa và móc). Ý này lấy từ một thiên trong Kinh Thi, để chỉ việc vua ban ơn mưa móc xuống cho dân chúng được nhờ. Ca phong: gọi tắt bài Đại phong ca của Lưu Bang. Bài ca có ba câu. Hai câu đầu nói mình có sức mạnh, thành công trong việc bình định thiên hạ. Câu cuối thể hiện ước muốn có được nhiều dũng sĩ để giữ được bốn phương. Nguyên văn bài ca như sau: “Đại phong khởi hề, vân phi dương. Uy gia hải nội hề, quy cố hương. An đắc mãnh sĩ hề, thủ tứ phương” (Gió lớn nổi lên rồi, mây bay vút. Uy thanh tăng lên trong bốn biển rồi, về cố hương. Làm sao có được dũng sĩ để giữ được bốn phương?).

(8) bản chép tay chữ Hán Giới Hiên thi tập ghi đầu đề là “Dạ bạc Kim Lăng thành”. Nhưng Kim Lăng tức Nam Kinh thì ở quá xa hồ Động Đình. Bản chép của Hoàng Đức Lương: Trích diễm thi tập; của Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục có lẽ vì thấy nghi ngờ nên hai cụ ghi đầu đề là Dạ bạc Lăng thành. Theo Nguyễn Tài Cẩn thì tên địa danh phải là Giang Lăng mới đúng, bởi Giang Lăng ở phía thượng lưu sông Xích Bích, gần với Tương Giang và hồ Động Đình, cho nên đầu đề phải là “Dạ bạc Giang lăng thành”. Chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Tài Cẩn trong công trình: Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998. Và như vậy địa danh này, có lẽ cũng thuộc tỉnh Hồ Nam.

(9) Đỗ Thiếu Lăng hay Đỗ Lăng, tức Đỗ Phủ vì ông làm nhà ở đất Đỗ lăng (NCL chú thêm). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, mục Nhân vật chí, bản dịch, Nxb Sử học, HN, 1961, tr. 187.

(10) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, mục Văn tịch chí, bản dịch, Nxb Sử học, HN, 1961, tr. 65.

(11) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, mục Văn tịch chí, bản dịch, Nxb Sử học, HN, 1961, tr. 66.

***

PHỤ LỤC: THƠ CỦA NGUYỄN TRUNG NGẠN VIẾT VỀ HỒ NAM

 

1. 湘 江 秋 懷

草 木 已 凋 零, 他 鄉 尚 客 程.

晚 山 吟 骨 瘐, 秋 水 道 心 清.

落 雁 衝 煙 下, 歸 舟 背 月 撐.

枕 邊 重 掩 耳, 二 十 四 灘 聲.

Tương giang thu hoài

Thảo mộc dĩ điêu linh, Tha hương thượng khách trình.

Vãn sơn ngâm cốt sấu, Thu thuỷ đạo tâm thanh.

Lạc nhạn xung yên hạ, Quy châu bối nguyệt xanh.

Chẩm biên trùng yểm nhĩ, Nhị thập tứ than thanh.

Hoài cảm cảnh thu ở Tương giang

Cỏ cây đã tàn tạ,

[Mà mình] vẫn lẩn thẩn trên đường nơi đất khách quê người.

Vóc thơ gầy như dáng núi buổi chiều muộn,

Lòng đạo vẫn trong trẻo như nước mùa thu.

Đàn nhạn lướt qua làn khói bay xuống,

Thuyền khách theo bóng trăng chèo về.

[Ta] nằm bên gối phải bịt tai lại,

[Vì không dám] nghe tiếng 24 thác nước ầm ầm chảy xiết.

Ghi chú:

Nhị thập tứ than: theo sử nhà Trần, về đời Cao Tổ, huyện Nam Khang, huyện Cống Thạch trước kia có thác nước gọi là Nhị thập tứ than. “Than” có nghĩa là nước nông, nước cạn, lòng sông có nhiều đá, nước chảy xiết. Đấy là nơi rất nguy hiểm cho các thuyền bè qua lại.

Hoài cảm cảnh thu ở Tương giang

Cỏ cây vàng héo tơi bời,/ Thân còn lận đận quê người đăm chiêu.

Vóc thơ gầy quá non chiều,/ Sông thu lòng đạo trong veo một màu.

Nhạn sa lướt khói xuống lầu,/ Thuyền về ngược bóng trăng thâu buông chèo.

Bưng tai dựa gối nằm khèo,/ Thác hai mươi bốn nước reo ầm ầm.

(Bản dịch, Hoàng Việt thi văn tuyển của nhóm Lê Quý Đôn, Nxb Văn hoá, HN, 1957)

 

2. 湖 南

世 途 役 役 趁 風 埃, 一 到 湖 南 俗 眼開.

十 里 帆 檣 通 舸 艦, 半 江 風 雨 ()簇 樓 臺.

雲 藏 岳 麓 疏 鐘 遠, 天 近 衡 陽 獨 雁 來.

極 目 長 沙 成 吊 古, 飄 零 空 憶 賈 生 才.

Hồ Nam

Thế đồ dịch dịch sấn phong ai,/ Nhất đáo Hồ Nam tục nhãn khai.

Thập lý phàm tường thông khả hạm,/ Bán giang phong vũ  thốc lâu đài.

Vân tàng Nhạc Lộc sơ chung viễn,/ Thiên cận Hành Dương độc nhạn lai.

Cực mục Trường Sa thành điếu cổ,/ Phiêu linh sinh ức Giả sinh tài.

Tỉnh Hồ Nam

Đường đời vất vả theo làn gió bụi,

Một lần đến Hồ Nam được mở con mắt tục [vì phong cảnh nơi đây].

Cột buồm của những thuyền lớn neo dưới bến sông dài hàng chục dặm,

Những lâu đài ven sông trải qua mưa gió.

Vài tiếng chuông chùa Nhạc Lộc khuất trong làn mây xa vọng tới,

Núi Hành Dương cao gần trời [hoạ chăng] chỉ có một con chim nhạn [chim nhạn lẻ] bay qua được.

Mút tầm mắt nhìn Trường Sa thương xót người xưa,

Thương ông Giả Nghị có tài mà bị đày vất vả ở nơi này.

Ghi chú:

Trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn ghi: 半 江 風 月簇 樓 臺 Bán giang phong nguyệt thốc lâu đài (Nửa sông gió trăng tụ lại nơi lâu đài).

Tỉnh Hồ Nam

Xông pha gió bụi quãng đường đời,/ Thăm cảnh Hồ Nam liếc mắt coi.

Mười dặm cột buồm, thuyền mặt nước,/ Đầy sông mưa gió, gác lưng trời.

Mây che Nhạc Lộc hồi chuông vẳng,/ Núi ngất Hành Dương chiếc nhạn rời.

Viếng khách Trường Sa tầm mắt mỏi,/ Giả sinh gặp rủi bước chơi vơi.

(Vũ Huy Chiểu, Hoàng Việt thi văn tuyển trích dịch, in rônéo, ĐHSP SG, 1972)

Ngán nỗi lao đao giữa bụi hồng,/ Hồ Nam thử mở mắt trần trông.

Buồm đưa thuyền tới chừng mười dặm,/ Mưa vượt lần qua độ nửa sông.

Nhạc Lộc tầng mây chuông cửa Phật,/ Hành Dương chiếc bóng nhạn trên không.

Trường Sa quạnh cõi trông càng nhớ,/ Tiếc Giả sinh xưa gặp vận cùng.

(Đinh Văn Chấp dịch, Nam Phong tạp chí,1927)

 

3. 遊 岳 麓 寺

曲 欄 干 外 白 雲 飛, 上 界 樓 臺 瞰 水 湄.

香 篆 忽 殘 僧 定 罷, 鐘 聲 不 動 鶴 眠 遲.

江 山 信 美 非 吾 土, 扙 屨 重 來 又 幾 時.

虎 嘯 龍 吟 渾 寂 寞, 遊 人 空 打 李 邕 碑.

Du Nhạc Lộc tự

Khúc lan can ngoại bạch vân phi,/ Thượng giới lâu đài khám thuỷ mi.

Hương triện hốt tàn tăng định bãi,/ Chung thanh bất động hạc miên trì.

Giang sơn tín mỹ phi ngô thổ,/ Trượng lũ trùng lai hựu kỷ thì.

Hổ khiếu long ngâm hồn tịch mịch,/ Du nhân không đả Lý Ung bi.

Chơi chùa Nhạc Lộc

Ngoài vòng lan can mây trắng đang bay,

Lâu đài nơi cõi trên [cảnh chùa] trông ra bến nước.

Khói hương đã tàn [là lúc] nhà sư đang nhập định,

Tiếng chuông không làm lay động giấc ngủ muộn của chim hạc.

Cảnh núi sông thì đẹp, nhưng đâu phải là đất của quê mình,

Biết lúc nào [mình] chống gậy lê dép đến đây [thăm cảnh] một lần nữa.

Tiếng hổ kêu rồng ngâm, hết thảy [bốn bề] đều vắng vẻ,

Du khách đành tìm đến văn bia của Lý Ung [mà] rập, đọc [mấy chữ] cho đỡ buồn. 

Chơi chùa Nhạc Lộc

Bao lan mây trắng bay qua,/ Lâu đài thượng giới trông ra bến ngòi.

Hương tàn, sư nhập định rồi,/ Chưa yên giấc hạc, vẳng hồi chuông xa.

Giang san đâu phải nước nhà,/ Bao giờ dép gậy lại qua cảnh này?

Rồng ngâm hổ thét vắng thay,/ Khách chơi lần rập bia thầy Lý Ung.

(Vũ Huy Chiểu, Hoàng Việt thi văn tuyển trích dịch, in rônéo, ĐHSP SG, 1972) 

Ghi chú:

- Chùa Nhạc Lộc tại núi Hành Dương ở huyện Hành Sơn, phủ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (còn gọi là thư viện Nhạc Lộc).

- Hành Dương: một ngọn núi rất cao ở Hồ Nam, nhạn không bay qua nổi. Cổ thi có câu: Nhạn phi ưng bất đáo Hành Dương (Nhạn không bao giờ bay qua được núi Hành Dương), có ngọn Hồi Nhạn phong.

- Hổ kêu (Hổ khiếu): theo truyện ông Trương Đình Hoà ở Bắc sử: mỗi lần hổ kêu thì tự nhiên gió thổi lên; rồng hiện ra thì có mây bay theo; cũng như các bậc anh tài lúc gặp thời thì cũng tuỳ vận hội, ví như: hổ khiếu, long ngâm vậy: Hổ khiếu phong sinh, long đằng vân chí; Anh hùng phấn phát diệc các nhân thì.

- Rồng ngâm (Long ngâm): theo sách Linh quái lục: ông Phòng Quán Tu đọc sách ở trong núi Nam Sơn, chợt nghe có tiếng kêu như tiếng đồng, tiếng sắt va vào nhau, giật mình hỏi các cụ già ở đó. Họ bảo: đó là tiếng rồng ngâm. Ở xứ này, hễ khi nào nghe thấy tiếng rềnh là lúc trời sắp mưa.

Theo sử Bắc Tề: ông Trâu (Trịnh?) Thuật Tổ gảy đàn rất giỏi. Ông soạn ra 10 khúc nhạc gọi là Long ngâm khúc (nói rằng thường nằm mộng thấy người gảy đàn, vừa ngủ vừa viết lại, người đương thời cho là cách tuyệt diệu). Như vậy, Long ngâm còn có thể là tên một khúc đàn của Thuật Tổ.

- Lý Ung: người huyện Giang Đô, đời Đường, triều Huyền Tông, từng làm Thái Thú ở Bắc Hải, tài văn chương vang tiếng khắp thiên hạ, viết chữ rất đẹp, Lý Dương Băng xưng tụng ông là “thư trung tiên phủ”, tính tình ông cương trực thẳng thắng và khá phóng túng. Sau ông bị Lý Lâm Phủ mưu hại.

 

4. 岳 陽 樓 (其 一)

猛 拍 欄 干 一 浪 吟, 悽 然 感 古 又 懷 今.

山 浮 鼇 背 蓬 宮 杳, 水 接 龍 堆 海 藏 深.

景 物 莫 窮 千 變 態, 人 生 能 得 幾 登 臨.

江 湖 滿 目 孤 舟 在, 獨 抱 先 憂 後 樂 心.

Nhạc Dương lâu – kỳ nhất

Mãnh phách lan can nhất lãng ngâm,/ Thê nhiên cảm cổ hựu hoài câm.

Sơn phù Ngao Bối, Bồng cung diểu,/ Thuỷ tiếp Long Đôi, Hải tạng thâm.

Cảnh vật mạc cùng thiên biến thái,/ Nhân sinh năng đắc kỷ đăng lâm.

Giang hồ mãn mục cô châu tại,/ Độc bão tiên ưu hậu lạc tâm.

Lầu Nhạc Dương – bài 1

Gõ mạnh vào lan can ngâm to lên một tiếng,

Tự nhiên lòng bùi ngùi cảm người xưa nhớ đời nay.

Núi nổi như lưng cá Ngao [mà] cung Bồng [thì] mờ mịt,

Nước tiếp giáp với cồn Rồng [mà] kho báu Long cung thì sâu thăm thẳm.

Cảnh vật biến hoá nghìn trạng không biết đâu mà dò,

Người đời được đã bao lần lên lầu này?

Cảnh sông nước đầy trước mắt [mà] chỉ có mỗi chiếc thuyền nhỏ [của sứ thần] ở đây,

[Sứ giả chỉ] riêng ôm một nỗi lòng lo trước vui sau.

 

5. 岳 陽 樓 (其 二)

危 樓 高 枕 岳 陽 城, 城 下 扁 舟 泛 洞 庭.

湖 水 展 開 圓 鏡 , 君 山 點 出 一 螺 青.

伯 圖 空 闊 分 吳 楚, 元 氣 淋 漓 浸 日 星.

安 得 南 枝 今 有 便, 鵬 風 萬 里 過 南 溟.

Nhạc Dương lâu – kỳ nhị

Nguy lâu cao chẩm Nhạc Dương thành,/ Thành hạ biển châu phiếm Động Đình.

Hồ thuỷ triển khai viên kính bạch,/ Quân sơn điểm xuất nhất loa thanh.

Bá đồ không khoát phân Ngô Sở,/ Nguyên khí lâm ly tẩm nhật tinh.

An đắc nam chi kim hữu tiện,/ Bằng phong vạn lý quá Nam minh.

Lầu Nhạc Dương – bài 2

Lầu cao ngất gối vào thành Nhạc Dương,

Dưới thành thả chiếc thuyền con đến chơi hồ Động Đình.

Nước hồ Động Đình trải rộng sáng trắng như gương tròn,

Núi Quân nhô vượt lên màu xanh tựa con ốc.

Việc tranh bá đồ vương rộng lớn phân chia Ngô và Sở,

Nguyên khí đầm đìa thấm cả mặt trời và sao.

Giá có được cành nam, nay thật tiện,

Theo gió chim bằng muôn dặm đến biển Nam.

Lầu Nhạc Dương

Bài 1. Miệng ngâm tay gõ bao lan,/ Thương nay, nhớ trước chứa chan bên lòng.

Lưng rùa khuất núi Bồng cung,/ Bể sâu, nước láng cồn Rồng mấp mê.

Đổi thay cảnh vật khôn dò,/ Đời người mấy độ hẹn hò lên chơi.

Giang hồ đẩy chiếc thuyền vơi,/ Tấm lòng ưu lạc dám rời trước sau.

(Vũ Huy Chiểu, Hoàng Việt thi văn tuyển trích dịch, in rônéo, ĐHSP SG, 1972)

Bài 1. Vỗ mạnh lan can cất tiếng ngâm,/ Lòng đà cảm cổ lại hoài kim.

Ngao trườn thế núi tiên cung nổi,/ Rồng cuốn mạch sông thuỷ điện ngầm.

Cảnh vật khôn lường nhiều biến diễn,/ Đời người khó tính một lần thăm.

Thuyền con một lá mênh mông nước,/ Lo trước vui sau đã quyết tâm.

(Trần Lê sáng dịch,Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 2, tr 600)

Bài 2. Lầu cao vòi vọi gối lên thành,/ Thuyền dưới thành buông lướt Động Đình.

Hồ nước vành gương loà ánh bạc,/ Non Quân chiếc ốc nhuộm màu xanh.

Bá đồ rộng lớn chia Ngô Sở,/ Nguyên khí đầm đìa thấm nhật tinh.

Sao được cành nam giành thuận lợi,/ Cánh bằng muôn dặm vượt Nam minh.

(Ngô Linh Ngọc dịch, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 2, tr 600)

Ghi chú:

- Núi Quân còn có tên là núi Tương, núi Động Đình, núi Biên thuộc huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Ngày trước hai nước Ngô và Sở đánh nhau ở vùng Nhạc Dương.

- Lầu Nhạc Dương nổi tiếng ở huyện Nhạc Dương, nằm trên cửa Tây thành, do ông Trương Thuyết, quan Thái thú ở đây xây dựng từ đời Đường (618-907). Sang đời Tống: Bắc Tống (960-1160) Nam Tống (1161-1279), ông Đặng Tử Kính trùng tu lầu và ông Phạm Trọng Yêm viết bài ký.

- Ngao bối: lưng con cá Ngao. Điển cố lấy từ bài Khải của Dữu Tín tạ Triệu Vương, khi được Triệu Vương tặng ngựa, có câu: “Tại mệnh chi khinh, hồng mao phù ư Nhược thuỷ; chi ân chi trọng, Ngao bối phụ ư Linh sơn” (Số mệnh nhẹ như lông hồng thả trên dòng nước Nhược; mà ơn thì nặng như lưng con rùa lớn đội núi Linh sơn). Nhược thuỷ là dòng nước yếu không thể mang một cái lông trên mặt nước, dù thả lông chim hồng rất nhẹ cũng chìm.

- Ngao sơn: điển cố lấy từ thơ của Vương Kỳ Công. Đêm Nguyên tiêu, niên hiệu Tuyên Hoà, vua ngự chơi ở Đoan môn, các cận thần đều phải dâng thơ mừng. Có người hỏi Vương Kỳ Công nên dùng điển nào để chúc vua, ông nói chỉ quanh quẩn hai chữ “phượng liễn”, “ngao sơn”. Người hỏi có ý không bằng lòng, cho rằng ông nói xược, đến khi xem thơ của ông thì thấy là thật: “Song phượng vân trung phù liễn hạ; Lục ngao hải thượng giá sơn lai.” (Trên tầng mây có đôi chim phượng đến phò nơi ngọc liễn; Ngoài biển thì có sáu con rùa lớn đội sáu quả núi đến mừng). Thơ chúc vua như thế là tuyệt, ai cũng khâm phục.

- Long Đôi: Theo sử nhà Hán thì nước Lâu Lan ở về phía cực đông, giáp với đất Hán, nước này nằm trên cái cồn Rồng, nơi này thiếu nước thiếu cỏ. Thơ Thẩm Ước đời Lục triều có câu: “Giới mã độ Long đôi” (Cưỡi ngựa mặc áo giáp ra xứ Long Đôi).

- Bồng cung: Cung Bồng Lai. Cung này nằm ở phía đông huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây, do vua Đường Cao Tông dựng lên, còn gọi là Đại Minh cung.

Bồng Lai còn là tên núi thần ở ngoài biển, cùng với Doanh Châu, Phương Trượng, để chỉ nơi Tiên ở.   

- Hải tạng: kho chứa đồ quý báu ở Long cung. Bài minh trên bia Đại Thông thiền sư do Trương Thuyết đời Đường viết, có câu: “Hải tạng an tĩnh, phong thức khiên lạc, bất nhập độ môn, thục tham pháp yếu” (nơi hải tạng yên tĩnh, gió hoà vui vẻ, nếu không vào nơi tế độ thì làm sao biết được phép màu).

- Tiên ưu hậu lạc: Bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm có câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Ý nói, bậc chính nhân quân tử bao giờ cũng lo việc nước việc dân trước, dân có vui thì mình mới vui.

 

6. 湘 中 即 事

隔 岸[1] 湘 猿 叫, 臨 山 楚 竹 幽.

夕 陽 晴 景 好, 水 色 滿 孤 舟.   

Tương Trung tức sự

Cách hộ Tương viên khiếu,/ Lâm sơn Sở trúc u.

Tịch dương tình cảnh hảo,/ Thuỷ sắc mãn cô châu.

Tả cảnh Tương Trung

Cách đồi, vượn vùng Tương Trung đang gào,

Lên núi, trúc nước Sở lặng lẽ thâm u.

Chiều tà cảnh có nắng rất đẹp,

Màu sắc của nước sông vào đầy trong chiếc thuyền cô đơn.

Tả cảnh Tương Trung

Cách đồi, tiếng vượn Tương Trung,/ Tre um núi Sở một vùng tĩnh yên.

Chiều vui giọt nắng chiếu xiên,/ Ngợp trong sắc nắng, một thuyền lẻ loi.

(Nguyễn Tài Cẩn dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 193)

Vượn Tương kêu cách núi,/ Tre Sở rợp sườn non.

Chiều hôm trời nắng đẹp,/ Sắc nước đầy thuyền đơn.

(Vương Lộc dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 193) 

Dị bản:

Theo Hoàng Đức Lương trong Trích diễm thi tập và Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục thì có khác mấy chữ như sau:

湘 中 即 事

隔 岸 湘 猿 叫, 楚 竹 幽 ( 楚 竹 愁)

夕 陽 晴 景 好, 山 色 滿 扁 舟.

Cách ngạn Tương viên khiếu,/ Lâm giang Sở trúc u (Lâm giang Sở trúc sầu).

Tịch dương tình cảnh hảo,/ Sơn sắc mãn biển châu.

Tả cảnh Tương Trung

Bên bờ, vượn vùng Tương Trung đang kêu gào,

Cạnh sông, trúc nước Sở lặng lẽ thâm u (Cạnh sông, trúc nước Sở lặng lẽ buồn).

Chiều tà cảnh có nắng rất đẹp,

Màu sắc của núi vào đầy trong chiếc thuyền nhỏ bé.

Tả cảnh Tương Trung

Bên bờ vượn Tương hú,/ Cạnh sông trúc Sở buồn.

Chiều hôm trời hửng đẹp,/ Ánh núi đầy thuyền con.

                                        (Nguyễn Công Lý dịch)

7. 湘 中 送 別

數 盃 別 酒 驛 亭 邊, 君 上 征 鞍 我 上 船.

 獨 倚 蓬 窻 愁 不 語, 一 江 湘 水 碧 連 天.

Tương Trung tống biệt

Sổ bôi biệt tửu dịch đình biên,/ Quân thượng chinh an, ngã thượng thuyền.

Độc ỷ bồng song sầu bất ngữ,/ Nhất giang Tương thuỷ bích liên thiên.

Tiễn biệt ở Tương Trung

Vài chén rượu tiễn biệt bên trạm dịch,

Anh lên yên ngựa đi xa, tôi lên thuyền.

Một mình dựa vào cửa sổ mui thuyền, buồn chẳng muốn nói,

Một dòng sông Tương, màu nước sông xanh tiếp liền với trời.

Ghi chú:

Về nhan đề bài thơ, Hoàng Đức Lương trong Trích diễm thi tập ghi là “Tương giang tặng hứng” 湘 江 贈 興, Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục thì ghi “Tương giang tặng biệt” 湘 江 贈 .

Bên đình vài chén chia tay,/ Anh lên yên ngựa, tôi quay xuống thuyền.

Riêng buồm tựa cửa lặng yên,/ Sông Tương một dải xanh lên tận trời.

(Nguyễn Tài Cẩn dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 194)

Bên trạm chia tay chén rượu mời,/ Bác thì lên ngựa, tôi thuyền xuôi.

Cửa bồng riêng tựa, buồn không nói,/ Xanh dải sông Tương nước lẫn trời.

(Vương Lộc dịch, trong sách: Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 194) 

 

8. 洞 庭 湖

雲 濤 雪 浪 四 謾 漫, 氐 柱 中 流 此 一 山.

鶴 跡 不 來 松 歲 老, 妃 魂 猶 在 竹 痕 斑.

乾 坤 卵 破 鴻 蒙 後, 日 月 萍 浮 浩 渺 間.

渚 蓼 汀 蘭 無 限 興, 片 心 空 羡 白 鷗 閒.

Động Đình hồ

Vân đào tuyết lãng tứ man man (mạn mạn),/ Để trụ trung lưu thử nhất san (sơn).

Hạc tích bất lai tùng tuế lão,/ Phi hồn do tại trúc ngân ban.

Càn khôn noãn phá hồng mông hậu,/ Nhật nguyệt bình phù hạo diểu gian,

Chử liệu (liễu) đinh lan vô hạn hứng,/ Phiến tâm không tiện (tiển) bạch âu nhàn. 

Dị bản:

Phan Phu Tiên trong Việt âm thi tập, Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục, Phan Huy Chú trong mục Văn tịch chí sách Lịch triều hiến chương loại chí ở câu hai đều ghi “ngật nhất san” 屹一山 (một ngọn núi cao chót vót, trơ trọi); câu bảy thì ghi “Ngạn chỉ đinh lan” 岸芷汀蘭 (cỏ chỉ bên bờ, lan bên bãi).

Hồ Động Đình

Sóng mây sóng tuyết bốn bề tràn trề,

Như ngọn núi dựng thành trụ giữa dòng sông này.

Dấu vết chim hạc không thấy đến, cây tùng đã già rồi [còn in dấu chim],

Hồn của hai bà phi [vợ vua Thuấn] như hãy còn, thân trúc đã lốm đốm [do lệ của hai bà].

Đất trời như thuở hồng hoang sau khi mới phá vỏ trứng mà ra,

Mặt trời mặt trăng thì nổi bồng bềnh giữa khoảng không bao la.

Ở bến có cỏ liễu, ở bãi có lan, hứng thú vô hạn,

Tấm lòng mơ hão cảnh nhàn nhã của chim âu trắng.

Dịch thơ:

Bốn bề sóng tuyết, mù mây,/ Giữa dòng sừng sững núi xây một toà.

Hạc xưa vắng bóng, thông già,/ Hồn xưa còn đấy, lệ nhoà trúc xanh.

Càn khôn như mới tạo thành,/ Trăng sao nối giữa bồng bềnh không gian.

Say sưa bãi biểu bờ lan,/ Lòng thêm mơ hão cánh nhàn chim âu.

(Nguyễn Tài Cẩn dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 196)

Tựa mây tựa tuyết sóng mênh mông,/ Một núi nhô cao đứng giữa dòng.

Dấu hạc chẳng còn tùng cỗi lão, /Vết người khóc để trúc tươi ròng.

Cảnh như trời đất hồi phôi nở,/ Tượng giống trăng sao buổi kết đông.

Lan ngát đầy bờ bao hứng thú,/ Muốn thành nhạn biển để nhàn lòng.

(Trần Lê Sáng dịch, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 2, KHXH, HN, 1997, tr 596)

Ghi chú: Theo truyền thuyết Trung Hoa, ở Tương Giang, lúc vua Thuấn mất, hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh (tức Tương Phi) khóc, nước mắt chảy xuống đất mọc lên thành một loại trúc, thân có đốm, gọi là Tương Phi trúc. 

 

9. 荆 南 晴 望

早 角 吹 霜 日 影 紅, 浮 浮 畫 織 水 天 中.

湘 波 遠 接 長 空 勢, 楚 色 摇 分 嫩 柳 風.

漁 網 曬 雲 驚 斷 鴈, 益 帆 織 浦 亂 征 鴻.

景 臺 牢 落 乾 坤 晩, 何 處 鐘 聲 隔 岸 東.

Kinh Nam tình vọng

Tảo giác xuy sương nhật ảnh hồng,/ Phù phù hoạ chức thuỷ thiên trung.

Tương ba viễn tiếp trường không thế,/ Sở sắc dao phân nộn liễu phong.

Ngư võng sái vân kinh đoạn nhạn,/ Ích phàm chức phố loạn chinh hồng.

Cảnh đài lao lạc càn khôn vãn,/ Hà xứ chung thanh cách ngạn đông.

Trời hửng, ngắm Kinh Nam

Còi sáng rúc sương ánh mặt trời đã hồng,

Nổi lên một bức tranh dệt giữa nước và trời.

Sóng sông ở thế tiếp nối đằng xa với khoảng không trung dằng dặc,

Cảnh sắc nước Sở là gió đang lách vào làm lay động liễu non.

Lưới chài phơi dưới mây [ngoài trời] làm cho chim nhạn đứt đàn phải khiếp,

Buồm thuyền chen nhau như dệt ở bãi làm cho chim hồng đang bay xa phải rối loạn.

Ngắm cảnh mãi ở đài vắng lặng lạc lõng giữa đất trời đã về chiều,

Tiếng chuông từ nơi nào vọng lại, ở cách bờ từ phía đông [bên kia].

Dịch thơ:

Còi sương rúc sáng rạng hồng,/ Tranh ai dệt nổi giữa vùng nước mây.

Liễu non nước Sở lách lay,/ Sông Tương sóng đuồi tít ngay tận trời.

Nhạn lao, khiếp lưới chài phơi,/ Buồm chen chật bãi, ngỗng trời loạn tung.

Đất trời mãi cuốn tấc lòng,/ Chuông đâu tiếng đổ đằng đông cách bờ.

(Nguyễn Tài Cẩn dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, HN, 1998, tr 197)

Ghi chú: Kinh Nam giáp Hồ Nam và Hồ Bắc, thời phong kiến nó thuộc đất Hồ Nam, nên chúng tôi tạm xếp vùng này thuộc Hồ Nam.

 

10. 潭 州 熊 湘 驛

山 北 去 水 , 景 物 推 人 不 自 由.

涯 口 秋 聲 來 半 枕, 衡 陽 月 色 上 孤 舟.

滿 江 煙 浪 湘 妃 恨, 兩 鬢 風 霜 宋 玉 愁.

試 摘 黃 花 吟 楚 些, 一 盃 聊 為 醉 南 樓.

Đàm Châu Hùng Tương dịch

Loạn sơn bắc khứ thuỷ đông lưu,/ Cảnh vật thôi nhân bất tự do.

Nhai Khẩu thu thanh lai bán chẩm,/ Hành Dương nguyệt sắc thướng cô châu.

Mãn giang yên lãng Tương Phi hận,/ Lưỡng mấn phong sương Tống Ngọc sầu.

Thí trích hoàng hoa ngâm Sở tá,/ Nhất bôi liêu vị tuý Nam lâu.

Dịch: Trạm Hùng Tương ở Đàm Châu

Núi chen chúc chạy về phía bắc, sông chảy về phía đông,

Phong cảnh thôi thúc người không thể rảnh rang.

Tiếng thu ở Nhai Khẩu đến bên nửa gối,

Ánh trăng Hành Dương chiếu chiếc thuyền cô quạnh.

Khói sóng đầy sông, nhớ nỗi hận của Tương Phi,

Gió sương cả hai phía tóc thái dương, nghĩ đến nỗi buồn của Tống Ngọc.

Thử ngắt bông hoa cúc, ngâm bài Sở tá,

Một chén tiêu sầu say trên lầu Nam.

Dịch thơ:

Núi bắc sông đông hướng nỗi niềm,/ Giục người phong cảnh những triền miên.

Tiếng thu Nha Khẩu gieo lưng gối,/ Sắc nguyệt Hành Dương trải khắp thuyền.

Sông gợn sóng, Tương Phi oán hận,/ Tóc pha sương, Tống Ngọc ưu phiền,

Hoàng hoa, Sở tá, ngâm cùng chuốc,/ Một chén lầu Nam cứ bốc men.

(Đào Phương Bình dịch, Thơ đi sứ, Nxb KHXH, HN, 1993)

Ghi chú:

- Đàm Châu là tên cũ ngày xưa của thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.

- Hùng Tương nguyên là tên núi Hùng, núi Tương, còn gọi là Quân sơn, thuộc Trường Sa, sau Hùng Tương thành tên đất.

- Tương Phi: chỉ hai bà vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh. Sau này Khuất Nguyên đã lấy tên Tương Phi đặt tên cho một bài ca trong Cửu ca, Sở từ.

- Tống Ngọc: người nước Sở, thời Chiến Quốc, học trò của Khuất Nguyên, tác phẩm của ông thể hiện nỗi buồn vì thời cuộc đường thời.

- Sở tá: chỉ bài Chiêu hồn trong Sở từ. Về sau, các bài văn chiêu hồn đều được gọi là Sở tá.

 

11. 回 鴈 峰

, .

, .

Hồi Nhạn phong

Trúc lộ tùng yên hiểu thuý nham,/ Sâm si đình hạ xuất thanh lam.

Sơn đầu hồi khứ thu phong nhạn,/ Thuỳ vị truyền thư đáo Lĩnh Nam.

Dịch: Núi Hồi Nhạn

Sương móc ở tre trúc, khói ở rừng tùng, những mõm núi đá xanh xanh buổi sớm,

Dưới những ngôi đình xen kẽ so le nhau đã bốc ra hơi núi biêng biếc.

Đầu ghềnh núi đã bay mất rồi những con chim nhạn quen với gió thu,

Ai sẽ vì ta mà chuyển thư về cõi Lĩnh Nam.

Dịch thơ: Núi Hồi Nhạn

Non mai, sơn trúc, khói tùng,/ Xóm đình hơi núi mịt mùng bốc xanh.

Nhạn thu đỉnh gió vắng tanh,/ Có ai chuyển hộ thư mình về Nam?

(Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 213)

 

12. 懷 賈 誼

Hoài Giả Nghị (Nhớ ông Giả Nghị)

Giả Nghị, tên một kẻ sĩ nổi tiếng đời Hán, từng làm quan đến chức Đại trung đại phu (200-168 TCN), sau bị đi đày ở vùng Trường Sa, Hồ Nam.

Rất tiếc, hiện chúng tôi chưa có văn bản gốc bài thơ này. Trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm chép lại, sẽ công bố sau. Rất mong được bạn đọc cảm thông.

 

13.

, 無涯.

, .

Dạ bạc Giang Lăng thành

Nhân tại biển chu, nguyệt tại hà,/ Động Đình thu hứng hạo vô nha (nhai).

Mộng hồn bất quản yên ba cách,/ Nhất dạ đông phong tống đáo gia.

Dịch: Đêm đâu thuyền ở thành Giang Lăng

Người thì ở trong chiếc thuyền con, trăng thì ở trên sông,

Thu hứng ở hồ Động Đình thật mênh mông không bờ bến.

Hồn mộng không kể gì khói sóng xa cách,

Trong một đêm ngọn gió hướng đông có thể đưa [mình] về đến nhà.

Dịch thơ: Đêm đâu thuyền ở thành Giang Lăng

Người ở thuyền con, trăng ở sông,/ Động Đình thu hứng thật mênh mông.

Yên ba khó nỗi ngăn hồn mộng,/ Đêm tiễn về nhà có gió đông.

(Vương Lộc dịch trong Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 211)

 



[1] chữ đọc là “ngạn”, không hiểu tại sao cụ Nguyễn Tài Cẩn phiên âm đọc là “hộ”.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63667424
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11142
17595
63667424

Thành viên trực tuyến

Đang có 755 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website