Linh Giang là sông Gianh hay là sông Hương?

         Trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết: “Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại.” [dẫn lại: Ngữ văn 12, tập 1, Nxb GDVN, 2010, tr.201]. Tập bút ký trên của Hoàng Phủ Ngọc Tường do Nxb Thuận Hoá in lần đầu vào năm 2002.

Sau đó, trên Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại số 341 tháng 10 năm 2009 đã đăng bài viết của Tôn Thất Thọ: “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO?. Trong bài viết, ông Tôn Thất Thọ đã viện dẫn đến bốn tư liệu xưa như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, để lý giải rồi đi đến kết luận với sự khẳng định như đinh đóng cột: “Linh Giang là tên cũ của sông Hương Thừa Thiên Huế, chứ không phải tên cũ của sông Gianh ở Quảng Bình

         Thế thì tên chữ Hán “Linh Giang” dùng để gọi sông Gianh hay là sông Hương?

Qua khảo lại tư liệu xưa hiện còn, chúng tôi thấy hai ý kiến khác nhau về dòng Linh Giang: một ở Quảng Bình và một ở Thừa Thiên – Huế.

Muốn biết cụ thể, hãy trở lại sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, mục Dư địa chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì sẽ rõ.

1. Trước hết là thông tin về Linh Giang trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi.

Dư địa chí được Nguyễn Trãi viết trong 8 tháng, hoàn thành vào năm 1435 theo lệnh của vua Lê Thái Tông, nội dung chép về các đạo (vùng miền) ở trong nước, được khắc in vào năm 1442, nhưng cũng năm này, cụ Nguyễn bị bản án Lệ Chi viên oan nghiệt nên triều đình ra lệnh hủy mộc bản, may mà còn bản viết tay lưu ở Bí thư các, để sau đó vua Lê Nhân Tông đến xem và đánh giá cao, đem về “để sách ở ngự tẩm, dùng làm chính thư”, mà sau này, hai người bạn đồng khoa, đồng liêu của cụ Nguyễn đã biên tập là Lý Tử Tấn viết lời Thông luận (Lý thị viết) và Nguyễn Thiên Tích viết lời Tập chú, lời Cẩn án. Hiện có 5 bản chép tay Dư địa chí đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội mang ký hiệu và nhan đề sau: A.2815 Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí 55 tờ, khổ 28,5 x 16,5 cm; A.1900 Đại Việt dư địa chí 123 tờ, khổ 25 x 14 cm; A.830 Nam Quốc Vũ cống 60 tờ, khổ 30 x 20 cm; A.2251 An Nam Vũ cống 50 tờ, khổ 26,2 x 15,4 cm; A.53 Lê triều cống pháp 158 tờ, khổ 32 x 22 cm, và một bản của Dương Bá Cung - bộ Ức Trai di tập 7 quyển, Dư địa chí thuộc quyển thứ 6 với tên là An Nam Vũ cống (vì cụ Nguyễn Trãi đã viết sách này theo thể văn của thiên Vũ cống trong Kinh Thư của Trung Quốc), do Phúc Khê đường khắc in vào năm 1868 dưới triều Tự Đức Nguyễn Dực Tông (1847-1883). Đây là bản in Dư địa chí xưa nhất hiện còn. Tại tờ 22b, 23a của sách có chép về vùng Thuận Hóa, nơi có dòng Linh Giang, với nguyên văn như sau:

海及雲,靈惟順化.

 

,南海也.,隘山也.,水名.順化古越裳氏部.趙越改為北景州內伴.東北通乂安.西南連牢廣.路府凡二,屬縣凡八,州凡四,里社凡六百五十八.南方之第四藩也.

謹按:新平府,二縣,二州,二百二十四社:康祿七十,七冊,四源;麗水二十九社;布政州六十三社,一村,二十四庄,二冊,三源;明靈(古麻靈,李常傑征占取其地)六十四社,二源;肇豊府六縣,二州,四百四十四社;海陵五十四社,八村,二十八峒;武昌九十五社,三村,五冊;丹田六十三社,九村,六冊;金茶七十三社,二村,二州,十三冊,三源;思榮四十四社,十八村,一庄;奠盤九十五社;順平州八峒,二十一冊;沙盃州六峒,十五庄,六十八冊.

Phiên âm: [tờ 22b] Hải cập Vân, Linh duy Thuận Hóa.

Hải, Nam Hải dã. Vân, ải sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hoá cổ Việt Thường thị bộ. Triệu Việt cải vi Bắc Cảnh châu nội bạn. Đông Bắc thông Nghệ An. Tây Nam liên Lao, Quảng. Lộ phủ phàm nhị, thuộc huyện phàm bát, châu phàm tứ, lý xã phàm lục bách ngũ thập bát. Nam phương chi đệ tứ phiên dã.

Cẩn án: Tân Bình phủ, nhị huyện, nhị châu, nhị bách nhị thập tứ xã: Khang Lộc thất thập bát xã, thất sách, tứ nguyên; Lệ Thủy nhị thập cửu xã; Bố Chính châu lục thập tam xã, nhất thôn, nhị thập tứ trang, nhị sách, tam nguyên; Minh Linh (cổ Ma Linh, Lý Thường Kiệt chinh chiếm thủ kỳ địa) lục thập tứ xã, nhị nguyên. Triệu Phong phủ lục huyện nhị châu [tờ 23a] tứ bách tứ thập tứ xã: Hải Lăng ngũ thập tứ xã, bát thôn, nhị thập bát động; Vũ Xương cửu thập ngũ xã, tam thôn, ngũ sách; Đan Điền lục thập tam xã, cửu thôn, lục sách; Kim Trà thất thập tam xã, nhị thôn, nhị châu, thập tam sách, tam nguyên; Tư Vinh tứ thập tứ xã thập bát thôn, nhất trang; Điện Bàn cửu thập ngũ xã; Thuận Bình châu bát động, nhị thập nhất sách; Sa Bôi châu lục động, thập ngũ trang, lục thập bát sách. 

 

Dịch: [tờ 22b] Biển cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa.

Biển là biển Nam Hải. Vân là núi ở cửa ải. Linh là tên sông. Vùng Thuận Hoá xưa là bộ của họ Việt Thường. Triệu Việt đổi làm nội bạn của châu Bắc Cảnh. Phía Đông Bắc thông với Nghệ An. Phía Tây Nam giáp liền với Lào, Quảng. Có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 4 châu, 658 làng xã. Đấy là phên giậu thứ tư về phương Nam vậy.

Cẩn án: Phủ Tân Bình có 2 huyện, 2 châu, 224 xã: huyện Khang Lộc có 78 xã , 07 sách, 04 nguyên; Lệ Thủy 29 xã; châu Bố Chính 63 xã, 01 thôn, 24 trang, 02 sách, 03 nguyên; Minh Linh (Xưa có tên là Ma Linh, Lý Thường Kiệt đã đánh chiếm giữ đất này) có 64 xã, 02 nguyên. Phủ Triệu Phong có 06 huyện, 02 châu, [tờ 23a] 444 xã: Hải Lăng 54 xã, 08 thôn, 28 động; Vũ Xương có 95 xã, 03 thôn, 05 sách; Đan Điền có 63 xã, 09 thôn, 06 sách; Kim Trà có 73 xã, 02 thôn, 02 châu, 13 sách, 03 nguyên; Tư Vinh có 44 xã, 18 thôn, 01 trang; Điện Bàn có 95 xã; châu Thuận Bình có 08 động, 21 sách; châu Sa Bôi có 06 động, 15 trang, 68 sách. [NCL dịch]

Trong Dư địa chí, phần trên là văn của Nguyễn Trãi, phần dưới (Cẩn án) là văn của Nguyễn Thiên Tích. Cần lưu ý là các đơn vị hành chính khi xưa: huyện, xã, thôn là những đơn vị ở đồng bằng; châu, sách, nguyên, động, trang là những đơn vị ở vùng cao, miền núi.

Ngày ấy, đất Thuận Hoá rất rộng, bao gồm cả các tỉnh: Quảng Bỉnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và một phần phía bắc Quảng Nam hiện nay, mà khi xưa Thuận Hóa chỉ có hai phủ: Tân Bình và Triệu Phong. Phủ Tân Bình xưa là đất của 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính của Chiêm Thành, nay là đất Quảng Bình và 2 huyện của Quảng Trị, gồm: Khang Lộc (nay là Quảng Ninh), Lệ Thuỷ (nay vẫn là Lệ Thuỷ), Bố Chính (nay là Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá); Minh Linh (nay là Vĩnh Linh, Do Linh). Phủ Triệu Phong xưa là đất Châu Ô, Châu Lý của Chiêm Thành, gồm 6 huyện: Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Điện Bàn và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi. Hiện tại, Hải Lăng, Vũ Xương (nay là Triệu Phong), Thuận Bình (nay là Cam Lộ), Sa Bôi (nay là Cam Lộ) thuộc tỉnh Quảng Trị; Đan Điền (nay là Quảng Điền, Phong Điền), Kim Trà (nay là Hương Thuỷ, Phú Lộc và một phần Hương Điền), Tư Vinh (nay là Phú Vang, một phần Hương Thuỷ, Phú Lộc) thuộc đất Thừa Thiên; còn Điện Bàn thuộc phía bắc đất Quảng Nam.

Như vậy, vùng Thuận Hoá giáp biển Đông (Nam Hải); cửa ải đây là núi/đèo Hải Vân; Linh là tên sông: Linh Giang, mà theo hiệu đính, chú thích của GS Hà Văn Tấn; sau đó được GS học giả Đào Duy Anh chỉnh lý trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập thì Linh Giang tức Sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Cũng trong Dư địa chí, trước đó mấy tờ, tại tờ 20a, Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến Linh Giang, khi viết về dòng Lam giang có khởi nguồn từ Linh Giang: 麒麟山名,在永江之右.藍水名,其源出自靈江. “Kỳ Lân sơn danh, tại Vĩnh Giang chi hữu. Lam thuỷ danh, kỳ nguyên xuất tự Linh Giang.” (Kỳ Lân là tên núi, nằm bên hữu sông Vĩnh Giang. Lam là tên sông, phát nguyên từ Linh Giang – xin nói thêm: chỗ này có lẽ các cụ đã nhầm về nơi phát nguyên của dòng Lam Giang, bởi Lam Giang ở Nghệ An, còn Linh Giang ở Quảng Bình thì làm sao Lam Giang khởi nguồn từ Linh Giang được? – NCL chú) và cũng theo chú thích của GS Hà Văn Tấn, GS Đào Duy Anh trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập thì một lần nữa các cụ khẳng định Linh Giang chính là sông Gianh ở Quảng Bình.

Trên đây là tên Linh Giang trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã được biên tập sau đó bởi Lý Tử Tấn và Nguyễn Thiên Tích, mà theo các cụ ngày xưa cùng người dịch chú thời nay thì dòng Linh Giang nằm ở Quảng Bình hiện nay. Điều này đủ để chứng minh là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhầm khi viết rằngtrong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang. Có nhầm lẫn này cũng dễ hiểu thôi là bởi tuy nhà văn có đọc sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi nhưng không ngẫm kỹ nên chưa hiểu ý văn của người xưa. Trong sách của mình, cụ Nguyễn Trãi chỉ giới thiệu chung chung “Linh: tên sông ở Thuận Hoá”, mà đất Thuận Hoá khi xưa rất rộng như trên tôi có nêu và trích dẫn lại phần Cẩn án của sách, chứ cụ đâu có nói Linh Giang là dòng sông nằm ở Thừa Thiên như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định đó là sông Hương!

2. Còn đây là lời của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục (sách này được bắt đầu nhuận sắc năm 1553, hoàn thành năm 1555) có chép về Linh Giang như sau (Lưu ý: Ô Châu cận lục hiện có đến bốn bản dịch: bản dịch của Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu, SG, 1960; bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm; bản dịch của Trần Đại Vinh; và bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần - bản này không khác với bản dịch của Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu ở Sài Gòn là mấy ?!!. So sánh các bản dịch thì chúng tôi thấy, ba bản dịch của: Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Khắc Thuần có nhiều nhầm lẫn về địa danh, bởi những người dịch không phải là “Thổ công, Thổ địa” ở đây; chỉ có bản dịch của Trần Đại Vinh là rất đáng tin cậy, có sách dẫn đối sánh về địa danh cùng chú thích cụ thể rõ ràng, bởi ông là người gốc Huế, nay đã 70 tuổi, giảng dạy Hán Nôm tại trường Đại học Sư phạm Huế từ năm 1970, hiện ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn được mời giảng.

- Quyển 1. Núi sông: “Linh Giang: sông do hai nhánh sông Đan Điền và Kim Trà hợp lưu, sâu rộng vô ngần, quanh co hữu tình. Phía tây nam có đền thờ Tứ vị Thánh nương, có trạm Địa Linh; phía đông bắc có chùa Sùng Hóa, có bia Hoằng Phúc. Còn như nha thự hiến ty, phủ huyện, vệ sở đều nối liền đối nhau hai bên tả hữu” [Bản dịch của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hoá, 2001, tr. 26].

Tiếp theo, tác giả viết về sông Đan Điền “là dòng sông lớn của huyện Đan Điền, có nguồn rất xa và dòng rất dài” mà dịch giả chú thích là sông Bồ [ÔCCL, bd, tr. 26].

Cũng tại sách này, một chỗ khác có ghi chú sông Kim Trà chính là sông Hương.

- Quyển 5. Đền chùa: “Chùa Sùng Hóa tại làng Lại Ân huyện Tư Vinh. Phía trước có sông Linh uốn quanh. Phái sau có đầm lớn vây bọc. Sông Hòa Tài ôm ở phía nam, bia Sùng Phúc trổi cao ở phía bắc (…) Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu” [ÔCCL, bd, tr. 94].

Như vậy, theo Dương Văn An thì dòng Linh Giang ở Hoá Châu, tức ở Thừa Thiên - Huế hiện nay. Còn Linh Giang có phải là Hương Giang hay không thì trong nguyên tác không thấy ghi chú; trong bản dịch của Trần Đại Vinh cũng không thấy ghi chú thích, dù vậy người đọc vẫn có thể suy đoán Linh Giang chính là sông Hương, vì nó là hợp lưu của sông Kim Trà và sông Đan Điền, mà hai sông này đều ở Thừa Thiên - Huế, hơn nữa, sông Kim Trà có nơi ghi chú đó chính là sông Hương. Như vậy, nếu giả dụ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết “Trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An có nói dòng Linh Giang xưa chính là dòng Hương Giang ngày nay” thì có lẽ sẽ không ai tranh luận!  

3. Sách Phủ Biên tạp lục của cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn soạn năm 1776 đã chép: “Sông cái Đan Điền nguồn ở rất xa, bờ nam bờ bắc sông đều có dân cư, thành lớn Thuận Hóa ở về hạ lưu. Huyện Kim Trà ở ngả Ba sông Kim Trà ...” [PBTL, bd, tr.96] ...

Một chỗ khác trong sách cụ lại viết: “Từ bến các xã phường Lộc Điền Lũ Đăng đi thuyền theo sông Đại Linh là phía hữu sông, Đại Linh tức sông Gianh, qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngả ba là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” [PBTL, bd, tr.101].

Ở đây, cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã ghi chép không nhất quán, khi thì cụ nói đó là sông cái Đan Điền hợp lưu với sông Kim Trà; khi thì nói đó là sông Đại Linh tức sông Gianh. Mà sông Đan Điền hợp với sông Kim Trà (nay là sông Hương) thì thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn sông Đại Linh hay sông Gianh thì thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.

4. Bộ bách khoa thư đầu thế kỷ XIX: Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú, mục Dư địa chí, quyển 5, có viết về ngọn nguồn gốc gác của vùng đất Thuận Hoá như sau:

“Đời thượng cổ là nước Việt Thường. Tần, Hán là huyện Tượng Châu. Tấn là nước Lâm Ấp. Đến đời Đường mới đặt ra châu Lâm, châu Cảnh, rồi lại lọt vào nước Lâm Ấp. Thời Tống là Chiêm Thành. Khoảng đầu đời Lý Thánh Tông [1069] vua thân chinh đi đánh, chúa Chiêm Thành dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố chính để chuộc tội.

Vua Nhân Tông, Thái Ninh năm thứ 4 [1075] sai Lý Thường Kiệt đi tuần hành ở biên thuỳ, vẽ đồ bản núi sông của hai châu, rồi đổi châu Địa Lý gọi là châu Lâm Bình, châu Ma Linh gọi là châu Minh Linh, chiêu tập nhân dân đến ở. Từ đó, từ huyện Kỳ Hoa trở vào nam, một dải Hoành Sơn đều thuộc về bản đồ nước Việt ta.

Năm Long phù thứ 3 [1103] chúa Chiêm Thành là Chế Ma Na lại ra đánh lấy lại ba châu. Năm thứ 4 [1104] Lý Thường Kiệt đi đánh, bình được. Chúa Ma Na lại đem nộp trả đất 3 châu. Từ đó vẫn triều cống luôn.

Đến năm Hưng Long thứ 14 [1304], Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, chúa Chiêm dâng hai châu Ô, Lý làm lễ dẫn cưới, mới đổi thành Thuận [châu và] Hoá châu.

Cuối đời Trần, đổi Lâm Bình thành Tân Bình, cùng với trấn Thanh Hoa và 2 lộ Nghệ An, Diễn Châu đều là trọng trấn. Thời thuộc Minh, đặt làm hai phủ Tân Bình và Thuận Hoá. Buổi đầu đời Lê, Thái Tổ cũng theo thế, đặt ra chức Lộ tổng quân và Tri phủ. Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 7 [1466] đặt Thừa tuyên Thuận Hoá thống thuộc các phủ huyện” [LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.130].

Cũng theo Lịch triều hiến chương loại chí, mục Dư địa chí, đất Thuận Hoá có 2 phủ là Triệu Phong và Tân Bình. Phủ Triệu Phong có 5 huyện là Đan Điền, Kim Trà, Ân Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương và 2 châu là Thuận Bình, Sa Bôi. Phủ Tân Bình có 2 huyện là Khang Lộc, Lệ Thuỷ và 2 châu là Minh Linh, Bố Chính.

Theo Phan Huy Chú, phủ Triệu Phong ở giữa Thuận Hoá, phía nam giáp Quảng Nam. Về núi sông ở phủ này thì có Thương Sơn, núi Hương Uyển ở huyện Kim Trà, Quy Sơn ở huyện Ân Vinh, núi Hải Vân ở ải Ải Vân thuộc huyện Ân Vinh; dốc Hải Lăng ở huyện Hải Lăng, sông Linh do hai nguồn nước Kim Trà và Đan Điền chảy vào, sông rất sâu và rộng. Phía tây nam có chùa Tứ Vị, phía đông bắc có chùa Đường Hoa, phía tây bắc sông đều là dân cư. Thành lớn Thuận Hoá ở về hạ lưu sông; nguồn Kim Trà ở chỗ ngả ba sông thuộc huyện Kim Trà; cửa Việt ở huyện Vũ Xương do hai nguuồn sông Quá Nguyên và Viên Kiều đổ vào; cửa Nhuyễn ở huyện Kim Trà do các nguồn nước Kim Trà, Đan Điền đổ đến. Từ cửa Việt đến cửa Tư Dung gọi là Đại trường sa, cửa Bắc Hải gọi là Tiểu trường sa [theo: LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.131-132].

Lưu ý về địa danh, phủ Triệu Phong ngày xưa nay là đất của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; còn tên Triệu Phong ngày nay là tên huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Ở đây, có chi tiết cần lưu ý là địa danh sông Linh. Dòng sông này là hợp lưu của dòng Kim Trà và Đan Điền, mà sau này có tên gọi là sông Hương (tên chữ Hán là Hương Giang). Theo tôi, đó là lý do để Dương Văn An và Lê Quý Đôn ghi chép như trên. Đây cũng chính là căn cứ để ông Tôn Thất Thọ khẳng định Linh Giang (sông Linh) là tên gọi ngày xưa của dòng sông Hương ngày nay.

Cũng theo Phan Huy Chú, phủ Tân Bình ở phía bắc trấn Thuận Hoá, giáp với trấn Nghệ An, lấy sông Gianh làm giới hạn phía nam [LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.133]. Về núi ở phủ này thì có: Hoành sơn (ở châu Bố Chính, giáp trấn Nghệ An), Đâu Mâu (ở địa giới huyện Khang Lộc), núi Thần Dinh (cũng ở huyện Khang Lộc), núi Lỗi Lôi (ở châu Bố Chính), núi Mã An và Liên Sơn đều ở huyện Lệ Thuỷ, Linh Sơn ở châu Minh Linh. Về sông đầm phá thì có: sông Đại Linh (sông Gianh), đầm Nhật Lệ ở cửa biển Nhật Lệ thuộc huyện Khang Lộc, phá Thiên Hải, vực An Sinh, và sông Bình đều thuộc huyện Lệ Thuỷ [theo: LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.134].

Như vậy, theo ghi chép trên thì sông Gianh tức là Đại Linh giang thuộc huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình, tức tỉnh Quảng Bình ngày nay. 

5. Bộ chính sử Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) được biên soạn trước năm Tự Đức 29 (1875) viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà[ĐNNTC, T.2, tr 40].

Như vậy, thông tin này khẳng định Linh Giang là tên gọi con sông ở huyện Bình chánh, còn khi chảy qua huyện Bố Trạch thì dân ở đây gọi là Thanh Hà, đều thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.

Tóm lại: 

1. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã nhầm lẫn khi khẳng định trong sách Dư địa chí Nguyễn Trãi đã viết Linh Giang là sông Hương.

2. Ông Tôn Thất Thọ trong bài viết “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO? trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam số 341 tháng 10 năm 2009, sau khi cố công trích dẫn các sách: Đại Nam nhất thống chí, Dư địa chí, Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục rồi khẳng định “Linh Giang là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa Thiên – Huế”, thì tôi xin thưa rằng:

Trong Dư địa chí, cụ Nguyễn Trãi không có nói Linh Giang là sông Hương, một con sông ở Thừa Thiên mà ở trên tôi có nêu.

Còn trong sách của Dương Văn An thì đúng là theo cách ghi chép của cụ, ta có thể suy đoán để hiểu Linh Giang là tên khi xưa dùng để gọi sông Hương ngày nay.

Còn trong sách của Lê Quý Đôn và của Phan Huy Chú thì có ghi đến hai con sông: Linh Giang ở Thừa Thiên và Đại Linh Giang ở Quảng Bình. Linh Giang ở Thừa Thiên nay chính là sông Hương (chữ Hán là Hương Giang); còn Đại Linh Giang ở Quảng Bình nay chính là sông Gianh, mà cái tên Đại Linh Giang giờ chỉ còn trong tư liệu xưa hồi đầu thế kỷ XIX trở về trước; từ thế kỷ XIX về sau các tư liệu đều ghi là Linh Giang. Cư dân ở vùng Quảng Bình từ bao đời nay cũng tự hào về dòng sông quê hương của mình, đều gọi nó là Linh Giang hay sông Gianh. 

3. Đặc biệt, bộ chính sử của triều Nguyễn đã khẳng định Linh Giang dòng sông thuộc tỉnh Quảng Bình, đó chính là sông Gianh như trên tôi đã dẫn chứng.

Theo tôi, Linh Giang trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có nhắc đến chính là sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Trong tâm thức của người dân Quảng Bình nói riêng, những người Việt Nam nói chung, hiện nay, ai ai cũng nghĩ Linh Giang chính là sông Gianh ở Quảng Bình; trong khi đó, dòng sông Hương thì được gọi tên chữ Hán là Hương Giang, chứ không có ai gọi nó là Linh Giang như lúc sinh thời cụ Dương Văn An đã gọi!     

Sở dĩ tôi viết bài này là bởi:

Một là, tại Hội thảo khoa học dành cho cán bộ trẻ của Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG HCM vào cuối tháng 11-2011, có một học viên Cao học đã viết báo cáo về bút ký này của Hoàng Phủ Ngọc Tường; sau đó lại có ý kiến thắc mắc của một học viên Cao học khác về tên gọi Linh Giang là sông Gianh hay sông Hương.

Hai là, quan trọng hơn, vì bài bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được chọn đưa vào học trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12, lại là chương trình thi tốt nghiệp phổ thông (Tú tài), trong đó có một chi tiết nhầm lẫn, khẳng định vội vã, mà ở trên tôi có nêu. Sách giáo khoa dùng để dạy các thế hệ học sinh mà sai một chi tiết dù rất nhỏ đi nữa nhưng cũng có thể có tác hại rất lớn, không thể lường hết được, bởi người xưa có câu: “Đừng coi thường việc nhỏ, lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền”!

Ba là, nhận dịp này, xin có vài lời trao đổi lại với tác giả bài viết “Linh Giang là sông nào?”. Theo tôi, dù ông Tôn Thất Thọ đã cố công trích dẫn nhiều tư liệu xưa (nhưng lại trích thiếu bộ sách của Phan Huy Chú!), mà việc trích dẫn để minh chứng này là rất đáng quý, thể hiện sự cẩn trọng và nghiêm túc, nhưng rất tiếc là trong bài viết có chỗ tác giả chưa hiểu hết ý văn, nhất là văn của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí, mà đây là bộ sách viết về dư địa chí xưa nhất hiện còn, nó ra đời trước bộ sách của Dương văn An đến 120 năm! Điều đáng tiếc nữa là dù ông có dẫn dụ nhiều sách nhưng ông lại lờ đi một vài chi tiết quan trọng, mà theo ông là để nhằm đi đến kết luận: Linh Giang là sông Hương. Theo tôi, kết luận này không sai, bởi cụ Dương Văn An, Lê Quý Đôn có nói mà người đọc có thể suy ra để hiểu Linh Giang là sông Hương. Nhưng kết luận này của ông cũng chưa kín kẽ, bởi như trên tôi có nêu Linh Giang hay Đại Linh Giang còn là tên của dòng sông Gianh ở Quảng Bình, mà cái tên sông này rất phổ biến trong tâm thức của người dân Quảng Bình nói riêng, người dân Việt nói chung, tên của dòng sông này đã được xác định trong sách của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và bộ chính sử của triều Nguyễn.

Tháng 12-2011

NCL

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, trong Ức Trai di tập, Phúc Khê đường tàng bản, 1868.

2. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, bd của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hoá, 2001.

3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bd của Viện Sử học, HN, 1977.

4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Dư địa chí, bd của Viện Sử học, tập 1, Nxb Sử học, 1961.

5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, quyển 2, bd của Viện Sử học, HN.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 412 (tháng 9-2012) và số 413 (tháng 10-2012).  

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63665789
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9507
17595
63665789

Thành viên trực tuyến

Đang có 679 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website