Mấy nét đặc trưng về thời đại Lý – Trần

Với ý ngoan cường bền bỉ đấu tranh, với tinh thần độc lập tự chủ, tự cường của cộng đồng người Việt phương Nam nên trong hơn một nghìn năm nô lệ phương Bắc, nhân dân ta hễ có cơ hội thì vùng dậy kết đoàn để đánh đuổi giặc ngoại xâm và đã có lúc giành lại nền độc lập tự chủ dù tuy còn ngắn ngủi. Phát huy truyền thống ấy, mùa đông năm 938, bằng mưu lược tài ba, Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ. Từ cái mốc lịch sử này, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: Thời trung đại. Đây là thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập được xây dựng ngày càng hùng mạnh và phát triển mọi mặt qua các triều đại: Ngô (938-967), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1025), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), và mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống giặc Minh vào thời hậu Trần (1407-1413). Một giai đoạn lịch sử kéo dài ngót năm trăm năm ấy với những thành tựu tổng hợp của sáu triều đại, trong đó hai triều đại Lý và Trần là xứng đáng tiêu biểu hơn cả về nhiều phương diện nên GS Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản của bộ hợp tuyển Thơ văn Lý – Trần đã gọi tên chung cho cả giai đoạn lịch sử này là thời đại Lý – Trần ([i]). Có thể nói thời đại Lý – Trần là thời đại hào hùng, oanh liệt, rực rỡ, và đẹp đẽ nhất, còn là thời đại hoàng kim của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc trưng cơ bản của thời đại này có thể nêu lên những nét lớn như sau:

Trước hết, thời đại Lý – Trần là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng.

Đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; đấu tranh chống mọi sự chia rẽ nội bộ nhằm sớm đạt được một sự thống nhất, đoàn kết các lực lượng dân tộc để tạo nên một sức mạnh hùng hậu là yêu cầu bức xúc của thời đại, là yêu cầu sống còn của dân tộc. Với chiến thắng của Ngô Quyền, đất nước ta thật sự trở thành một đất nước độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Chiến thắng đó đã đánh bại mưu đồ xâm lược thống trị và ý đồ đồng hoá diệt chủng của bọn phong kiến Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự tồn tại vững chắc của một đất nước cần thống nhất và nâng cao thêm ý thức độc lập, làm chủ của dân tộc. Việc Ngô Quyền tự xưng vương và xây dựng một vương triều phong kiến độc lập với những nghi lễ riêng đã biểu thị ý chí quyết tâm giữ gìn nền độc lập vừa giành được sau hơn mười thế kỷ bền bỉ đấu tranh. Đáng tiếc là, công cuộc xây dựng đất nước chưa hoàn thiện thì ông mất (944). Tiếp theo là triều đình biến loạn, chính quyền trung ương còn non trẻ giờ suy yếu, các thế lực phong kiến cát cứ nổi dậy, đất nước bị chia xẻ bởi loạn Mười hai sứ quân. Đây là một hiểm hoạ lớn cho dân tộc. Nền độc lập của đất nước, sự sống còn của dân tộc đòi hỏi cần phải giữ gìn khối đoàn kết thống nhất, phải chấm dứt ngay nạn cát cứ phân quyền. Yêu cầu cấp thiết của lịch sử này đã được Đinh Bộ Lĩnh đáp ứng. Ông đã giương cao ngọn cờ thống nhất quốc gia, dẹp tan loạn lạc, đem lại hoà bình cho nhân dân, thống nhất cho đất nước. “Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân ta ([ii])”. Xuất phát từ nhu cầu thống nhất đất nước, độc lập dân tộc, thống nhất cộng đồng mà các vương triều phong kiến tiếp theo đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm đến từ phía Nam, phía Bắc: Lê Hoàn phá tan quân Tống (981); Lý Thường Kiệt bình định giặc Chiêm Thành (1069) và nhiều lần chiến thắng quân Tống (1075-1077), mà vang dội nhất là chiến thắng quân giặc trên sông Cầu; và trước đó, người anh hùng này còn đem quân sang đánh trên đất Trung Quốc như Châu Ung, Châu Khâm, làm cho nhà Tống khiếp sợ, phải công nhận Đại Việt là một vương quốc độc lập và từ đó về sau, trong khoảng hai trăm năm không dám xâm phạm nước ta. Ngay cả cách đặt tên nước Đại Việt cũng đã biểu lộ ý chí độc lập, bình đẳng với vương triều Trung Quốc. Cũng nhờ yêu cầu đoàn kết thống nhất cộng đồng, thống nhất các lực lượng dân tộc mà các triều vua Lý bằng chính sách khoan hoà, nhân thứ đã thu phục các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, phía Đông Bắc; đã động viên họ cùng với nhân dân Đại Việt chiến đấu và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sự thật là họ đã có những cống hiến lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giữ gìn non sông. Cũng nhờ yêu cầu đoàn kết thống nhất, ý thức độc lập mà đời Trần mới có một Hội nghị Bình Than (1282), Hội nghị Diên Hồng (1285) với tiếng hô đồng thanh “đánh” đầy quyết tâm, vang dội non sông, để làm nên những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu bằng ba lần đánh tan tác đạo quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới vào các năm 1258, 1285, 1288. Hào khí Đông A muôn đời bất diệt có được là nhờ âm hưởng của những chiến thắng trên và thắng lợi này là thành quả tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân.

Thứ đến, thời đại Lý Trần là thời đại phục hưng dân tộc.

Từ trong hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, từ nền kinh tế què quặt với cơ sở vật chất yếu kém, tài nguyên bị khánh kiệt bởi ngoại bang vơ vét, nên khi nước nhà vừa độc lập, trong điều kiện vừa hoà bình, nhân dân ta liền bước vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Nếu dưới triều Ngô, Đinh, công cuộc xây dựng này chưa đạt thành tựu là bao thì sang triều Lê, công cuộc xây dựng đó bước đầu được phục hồi, ít nhiều có sự phát triển. Từ triều Lý trở đi (1009 -1225), nhất là thế kỷ XI, công cuộc xây dựng đó thật sự có quy mô lớn, đặt nền tảng cho sự phát triển toàn diện và vững chắc. Việc vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La và đổi tên Thăng Long là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn với mục đích “đóng đô nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” (Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế ([iii])). Vì Thăng Long dưới cái nhìn của  vị vua anh minh, nhân từ là nơi có đủ điều kiện để thoả mãn mục đích trên “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi (…) Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” (Trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế (…) Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa, Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô ([iv])). Nhờ vậy mà kinh tế dưới triều Lý được phát triển: nông nghiệp được chú trọng; việc khẩn hoang và xây dựng những công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp với quy mô lớn đã được chú ý nhiều. Các ngành nghề thủ công như dệt, gốm, luyện kim, mỹ nghệ, chạm khắc, đúc đồng đã đạt đến trình độ cao về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Giao thông, thương mại không chỉ phát triển trong nước mà còn mở rộng sang các nước lân cận trong khu vực. Nhờ thành quả kinh tế mà tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hoá giáo dục. Việc học tập thi cử đào tạo nhân tài, xây dựng đất nước được các vua nhà Lý chăm lo. Nếu trước đó, theo lệ bảo cử và tiến cử người làm quan thì từ đời vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông về sau, bên cạnh các lệ trên còn có kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Vua nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu (1070), mở khoa thi tam giáo đầu tiên trong lịch sử giáo dục khoa cử nước ta (1075) rồi thành lập Quốc tử giám (1076) chính là cắm cái mốc cho sự nghiệp đại phục hưng đó. Nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc trên gỗ, trên đá, trên gốm thời này đã thể hiện một phong cách đặc sắc và đạt trình độ kỹ thuật cao. Đặc biệt hình tượng con rồng thời này – một vật linh của người Việt, với dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển  là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, phải chăng hình tượng này đã được nghệ nhân tài hoa thổi vào đó cái cốt lõi tinh thần, cái hồn của thời đại? Như vậy, về phương diện văn hoá, đời Lý đã đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hoá dân tộc mà các sử gia gọi đó là “Văn hoá Thăng Long ([v])” để các triều đại sau kế tục phát triển.

Sang thời Trần (1225-1400) trong vòng 30 năm (1258-1288) đất nước liên tục ba lần bị ngoại xâm. Kinh thành Thăng Long đã ba lần bị giặc chiếm đóng. Nơi phồn hoa đô hội bỗng chốc trở thành vườn không nhà trống. Nhiều cung điện, đền chùa, miếu mạo bị giặc thiêu huỷ, tàn phá. Chiến tranh vừa kết thúc, hoà bình vừa lập lại, triều đình đã động viên nhân dân phục hồi kinh tế và phát triển văn hoá một cách toàn diện trên cơ sở tinh thần độc lập mạnh mẽ và một ý thức tự hào dân tộc sâu sắc. Điều đáng lưu ý là chữ Nôm thời này đã được phổ biến và được sử dụng để sáng tác. Đây là một  biểu lộ ý thức độc lập trên lĩnh vực văn hoá.

Mặt khác, kho tàng thần thoại và truyện cổ dân gian cũng đã được thời này sưu tầm tập hợp thành sách. Việc học hành thi cử, so với đời Lý, giờ đây đã đi vào quy củ và được chính quy hoá. Nhà nước đã đặt ra lệ thi các kỳ thi và đặt ra các học vị chính thức trong thi cử để sĩ tử phấn đấu. Việc học không chỉ đóng khung ở kinh thành mà còn mở rộng ra các địa phương đến các lộ, các phủ, các châu. Thiên văn, lịch pháp, y học đã đạt trình độ cao với những nhân vật tên tuổi như Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán, Thái Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh). Nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ thuật tạo hình cũng có bước phát triển mới. Kịch hát cổ truyền (chèo, tuồng) được khôi phục và phát triển. Nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đã kế thừa những thành tựu có tính truyền thống từ đời Lý và phát triển thêm, mang tính phóng khoáng, khoẻ khoắn và hiện thực, đáp ứng được yêu cầu tinh thần của thời đại. Tiêu biểu nhất cho phong cách là hình tượng con rồng với dáng vẻ chắc nịch, khoẻ khoắn, hùng dũng, mang được hào khí của thời đại chiến đấu oai hùng, chiến thắng ngoại xâm.

Nhìn chung, thời Lý - Trần là thời đại phục hưng những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc. Chỉ tính riêng về kiến trúc, thời đại này đã để lại những công trình nổi tiếng như đời Lý có chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở Thăng Long, đời Trần có tháp Phổ Minh ở Nam Định, tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú và nhiều di tích chùa chiền, đền đài khác. Chỉ với chất liệu gạch và những tấm đất nung màu đỏ ghép lại mà hồi ấy nhân dân ta đã xây dựng được những ngọn tháp cao đến mười mấy tầng với bố cục chặt chẽ, cân xứng, chạm trổ công phu, sinh động. Điều đó đủ chứng tỏ nghệ thuật xây dựng, điêu khắc, kiến trúc lúc bấy giờ đã được phục hưng và phát triển đến đỉnh cao. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu quên kể ra đây bốn công trình nổi tiếng được mệnh danh là “An Nam tứ đại khí” của thời đại là tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền và đỉnh (vạc) chùa Phổ Minh. Thời ấy văn hoá văn nghệ dân gian với những lễ hội truyền thống đã chấn hưng và được mọi giai tầng xã hội từ vua chúa đến thứ dân đều ưa chuộng. Sử sách chép rằng trong một hội vật, một hoàng thượng đời Trần đang xem và hồi hộp theo dõi trận đấu chẳng kém gì mọi người, bởi một trong hai tay đấu để giành danh hiệu “đô vật” kia là con trai của mình.

Cuối cùng, thời đại Lý - Trần còn là thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ, nhân từ, rộng mở và dân chủ.

Nhờ phát triển kinh tế, phục hưng văn hoá mà thời đại ấy đã có một đời sống vật chất tương đối no đủ và một đời sống tinh thần tương đối dễ chịu trong không khí dân chủ và rộng mở. “Đời sống xã hội thời này còn có những ngày dễ chịu, vui vẻ, gần gũi với nhau… Hồi ấy người ta biết sống, biết sống vui trong tình thân, trong tin tưởng ([vi])”; “biết sống một đời sống cởi mở và phong phú, rộng rãi sâu sắc ([vii])”. Bởi vì thời ấy “con người chưa bị lễ giáo nhà Nho ràng buộc gây gắt và đạo Phật hồi này cũng lại có vẻ khoan dung hơn đời sau ([viii])”. Ý kiến đúc trên của GS Đặng Thai Mai chính là tinh thần đặc trưng của thời đại Lý - Trần. Chủ đề trung tâm của thời đại này là những con người tự tin, hào hùng, phóng khoáng, trong sáng, nhân ái, độ lượng và khoan dung mà khó lòng gặp lại những con người như thế ở các thời kỳ sau. Nhờ tinh thần thời đại với những nét đặc trưng như trên mà con người bấy giờ đã biết khôi phục những giá trị tinh thần truyền thống, đồng thời vừa khôn ngoan mở cửa đón nhận những tinh hoa văn hoá tư tưởng của người rồi tiếp thu, chuyển hoá và dung hợp nó trên cơ sở cốt lõi dân tộc vững chắc để làm nên một nền văn hoá phong phú có bản sắc riêng, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.

Cũng nhờ tinh thần của thời đại mà thời này đã sản sinh ra những con người có thể nói là rất lạ. Những con người với những nhân cách cao đẹp đáng kính, phản ánh đúng đặc trưng tinh thần của thời đại: nhân thứ, khoan dung, rộng mở, dân chủ mà dũng liệt. Đó là những ông vua anh minh như Lý Thái Tông không chỉ tha tội cha con Nùng Trí Cao làm phản mà còn phong chức tước cho để thu phục Cao, khiến Cao đem hết tài sức góp phần trấn giữ vùng đất biên thuỳ của Tổ quốc. Hay như vua Lý Thánh Tông đã tha tội chết cho vua nước Chiêm Thành là Chế Củ; đối với tù nhân trong nước, vua sai phát chăn chiếu và cho ăn uống đầy đủ trong những ngày đông giá rét với lòng thương dân như thương con; vua còn khuyên các quan nên xử án cần khoan dung và giảm nhẹ hình phạt. Lại có những ông vua chỉ cách chức và đày đi xa chứ không tử hình kẻ đã dùng pháp thuật để hại mình như Lý Nhân Tông đối với Lê Văn Thịnh. Có những ông vua dễ dàng “từ bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách ([ix])” như Trần Thái Tông lúc còn trẻ; và khi về già, nhà vua lại nhường ngôi cho con, làm thượng hoàng, sai đốt tráp đựng thư hàng giặc Nguyên Mông của một số quý tộc và quan lại chứ không chịu đọc chỉ vì để tránh hỏi tội họ. Vua còn tha tội chết cho Hoàng Cự Đà vì ông này trước đây không được vua cho ăn xoài nên đã bỏ vua giữa lúc quân giặc đang vây hãm, nhà vua đang tránh loạn. Còn ông vua Bồ tát Trần Nhân Tông thì nhường ngôi cho con rồi chống gậy đi hoá đạo, thuyết pháp trong nhân dân, truyền bá giáo lý từ bi của Đức Phật, khuyên nhân dân xoá bỏ những tập tục hủ lậu, mê tín dị đoan…

Thời đại ấy, cũng có những người phụ nữ với những việc làm đẹp, biết đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên quyền lợi của gia đình như Thái hậu Dương Vân Nga triều Đinh. Trước vận mệnh của đất nước có nguy cơ bị mất bởi giặc Tống xâm lược, bà đã dũng cảm đem chiếc hoàng bào và ngai vàng của con – tức giao phó vận mệnh của Tổ quốc – cho vị tướng anh dũng tài ba và cũng là người bà đem lòng yêu dấu là thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhờ thế mà Lê Hoàn lãnh đạo quân sĩ chiến thắng quân Tống xâm lược (981) lập nên triều đại mới: nhà Lê. Có những bà hoàng thay chồng cầm quyền nhiếp chính như nguyên phi Ỷ Lan lúc Lý Thánh Tông thống lĩnh ba quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Bà còn thương dân, chăm lo đời sống nhân dân lúc thiên tai bão lụt, và dạy dân nuôi tằm dệt vải, được nhân dân cảm phục tôn vinh là Quan Âm nữ.

Thời đại ấy có những vị tướng anh hùng không màng công danh phú quý, sẵn sàng nhường ngôi tể tướng triều đình cho người khác mà người đó lại là đối thủ bị mình đánh bại để cầm quân trấn giữ biên thuỳ như Lý Thường Kiệt. Có những ông tướng vì an nguy của xã tắc, sẵn sàng xoá bỏ những hiềm khích mâu thuẫn của gia tộc; ở ngôi cao chức trọng được ân sủng đặc biệt nhưng không lợi dụng chức quyền và vẫn giữ trọn đạo làm tôi như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Cũng có những vị tướng, những ông quan dũng cảm, thà chết chứ không đầu hàng, chịu khuất phục kẻ thù như Trần Bình Trọng, Nguyễn Đại Phạp. Và cũng có những nhà sư, những người con Phật lại khuyên người đời không nên dẫm theo vết của Như Lai đã đi như Quảng Nghiêm thiền sư.

Có thể nói chính tinh thần của thời đại đã sản sinh ra những nhân cách đẹp đẽ như trên. Những con người này đã góp phần tạo nên cái hào khí của thời đại. Có được những con người như thế là nhờ lòng yêu nước, nhờ bản lĩnh cùng ý thức độc lập tự cường của dân tộc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Một nhân tố quan trọng khác để làm nên diện mạo, làm nên cái “chất Đại Việt” của thời đại còn là nhờ ảnh hưởng giáo lý từ bi thấm đẫm tinh thần nhân văn của nhà Phật. Thời đại ấy từ thứ dân cho đến vua chúa đều sùng mộ đạo Phật. Chính giáo lý nhân từ của Đức Phật Thích Ca đã cảm hoá và ảnh hưởng tốt đẹp đến phong hoá, xã hội lẫn chính trị thời Lý - Trần, nên học giả Hoàng Xuân Hãn đã gọi đó là “đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta ([x])”.

Tháng 10 năm 1997.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, số 3 – 2000)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[i] Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb, KHXH, H, 1977, tr.49.

[ii] Viện sử học, Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb, KHXH, H, 1971, tr 144.

[iii] Lý Thái Tổ, Chiếu dời đô, trong Thơ văn Lý Trần, tlđd, tr.229.

[iv] Lý Thái Tổ, Chiếu dời đô, trong Thơ văn Lý Trần, tlđd, tr.229.

[v] Viện sử học, Lịch sử Việt Nam, tlđd, tr.166.

[vi] Đặng Thai Mai, Mấy điểm tâm đắc về thời đại văn học, trong Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb, KHXH, H, 1977, tr 38 – 42.

[vii] Đặng Thai Mai, Mấy điểm tâm đắc về thời đại văn học, trong Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb, KHXH, H, 1977, tr 38 – 42.

[viii] Đặng Thai Mai, Mấy điểm tâm đắc về thời đại văn học, trong Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb, KHXH, H, 1977, tr 38 – 42.

[ix] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Bd của Hội Nghiên cứu Văn hóa Á Châu, S, 1960.

[x] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý, Nxb Sông Nhị, H, 1949 – 1950. tr.429.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666730
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10448
17595
63666730

Thành viên trực tuyến

Đang có 971 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website