Đức Tăng thống Khuông Việt Thái sư Ngô Chân Lưu sinh năm 932 [i] và tịch ngày rằm tháng 2 năm Tân Hợi (1011), là đệ tử truyền thừa của thiền sư Vân Phong (? – 957), thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông, trụ trì chùa Phật Đà, hương Cát Lợi, Thường Lạc [ii], thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế [iii]. Ngài có tướng mạo khôi ngô, chí chuộng phóng khoáng, thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên quy y Phật, thọ Cụ túc giới [iv] với thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc. Năm 40 tuổi danh tiếng vang tới triều đình, được vua Đinh Tiên Hoàng mời về, bái làm Tăng thống, ban hiệu Khuông Việt Thái sư. Sau khi giúp các vương triều nhà Đinh (968 – 980) và nhà Tiền Lê (981 – 1009) ổn định đất nước trong buổi đầu kỷ nguyên độc lập thì thiền sư lấy cớ già yếu, từ giã triều đình, trở về núi Du Hý ở quê nhà Thường Lạc lập chùa trụ trì, rồi truyền tâm ấn cho đệ tử là Đa Bảo. Thiền sư tịch năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên triều Lý Thái Tổ (1011) nhằm ngày rằm tháng hai.
Ở trên là những thông tin sơ lược về tiểu sử, hành trạng của thiền sư Khuông Việt có chép trong sách 禪 苑 集 英 Thiền uyển tập anh. Tiếp sau đây là ý chỉ của đoạn ngữ lục vấn đáp giữa thầy và trò mà thiền sư đã khai thị cho Đa Bảo:
一 日, 入 室 弟 子 多 寶 問 云: 如 何 是 學 道 始 終 ?
師 云: 始 終 無 物 妙 虛 空, 會 得 真 如 体 自 同.
寶 云: 如 何 保 任 ?
師 云: 無 汝 下 手 處.
進 云: 和 尚 道 了 也 ?
師 云: 汝 作 麼 生 會.
寶 便 喝 [v].
“Nhất nhật, nhập thất đệ tử Đa Bảo vấn vân: Như hà thị học đạo thuỷ chung?
Sư vân: Thuỷ chung vô vật diệu hư không, Hội đắc chân như thể tự đồng.
Bảo vân: Như hà bảo nhậm?
Sư vân: Vô nhữ hạ thủ xứ.
Tiến vân: Hoà thượng đạo liễu dã?
Sư vân: Nhữ tác ma sinh hội.
Bảo tiện hát”.
Dịch: Một hôm đệ tử nhập thất là Đa Bảo hỏi: Thế nào là học đạo thuỷ chung?
Thiền sư trả lời: Thuỷ chung không vật diệu hư không,
Hiểu được chân như, thể tự đồng.
Đa Bảo hỏi tiếp: Làm sao giữ được?
Thiền sư đáp: Không có chỗ cho ông xuống tay.
Đa Bảo lại hỏi: Hoà thượng nói xong rồi?
Thiền sư trả lời: Ông làm sao hiểu.
Đa Bảo bèn hét lên.
Ở đây, học trò hỏi về cái lẽ rốt ráo của đạo thuỷ chung, tức trò muốn thấu triệt ngọn nguồn của đạo, thì được thầy trả lời: 始 終 無 物 妙 虛 空, 會 得 真 如 体 自 同. “Thuỷ chung không vật diệu hư không, Hiểu được chân như, thể tự đồng”. Câu trả lời của thầy đã thể hiện tư tưởng chân không diệu hữu, tâm pháp nhất như, vạn vật nhất thể, tâm vô phân biệt, chúng sinh dữ Phật đồng, tất cả cùng một bản thể chân như đồng nhất, mà kinh văn hệ Bát nhã, cụ thể là tư tưởng cốt tuỷ của kinh Hoa nghiêm, kinh Kim cương Bát nhã ba la mật đã nêu, để khai thị cho đệ tử. Trong 金 剛 般 若 波 羅 蜜 經 Kim cương Bát nhã ba la mật kinh, đức Thế tôn có dạy: 若 以 色 見 我, 以 音 聲 求 我, 是 人 行 邪 道, 不 能 見 如 來. “Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như lai” - Nếu dùng sắc tướng thấy ta, Dùng âm thanh cầu ta, Chẳng khác nào người làm theo tà đạo, Không bao giờ thấy được Như lai. Và đức Phật dạy tiếp: 知 我 說 法, 如 筏 喻 者. 法 尚 應 捨, 何 況 非 法. “Tri ngã thuyết pháp, Như phiệt dụ giả, Pháp thượng ưng xả, Hà huống phi pháp” - Biết ta nói pháp, Như thuyền bè đưa người sang sông. Chánh pháp còn phải bỏ đi, Huống hồ là phi pháp. Bởi vì: 凡 所 有 相 皆 是 虛 妄. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” - Phàm những gì có hình tướng đều không có thật (ảo). Cũng trong kinh văn trên, hai lần đức Thế tôn còn khuyên các đại đệ tử: 不 應 住 色 生 心, 不 應 住 聲 香 味 觸 法 生 心. “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sinh tâm” - Đừng bám vào sắc mà sinh tâm, đứng bám vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm. Cuối cùng, Ngài khuyên: 應 無 所 住 而 生 其 心. “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” - Đừng bám vào bất kỳ chỗ nào thì mới sinh tâm. Những lời dạy trên của Đức Thế tôn đã thể hiện tư tưởng vô trụ, phá chấp triệt để, nhằm giúp người học đạo thấu rõ bản thể chân như, đạt được Phật tính.
Đồng thời, theo tinh thần của kinh Hoa nghiêm thì: Thế giới bản thể là lý pháp giới, thế giới hiện tượng là sự pháp giới, với quan niệm: 一 多 相 容, 理 事 無 礙, 相 入 相 即. “Nhất đa tương dung, lý sự vô ngại, tương nhập tương tức” - Một và nhiều dung hợp nhau, nguyên lý và sự vật, cũng như vạn sự vạn vật không có gì làm ngăn trở nhau, cái này thể nhập vào cái kia, cái kia cũng tức là cái này. Đây chính là quan niệm “đồng nhất trong sai biệt”.
Trong đoạn Ngữ lục vấn đáp trên, Thầy biết học trò của mình còn chấp pháp, tức còn bám víu vào hình tượng, vào hiện hữu - thực tướng, nên thầy muốn trò thoát ra khỏi cái sở kiến, thủ chấp ấy bằng cách nói thẳng là: không có vật, thuỷ chung (trước và sau) đều như nhau, tất cả đều là “diệu hư không”, nó có đó nhưng cũng không có đó, nó cùng một bản thể chân như, cùng một bản lai diện mục, không nên phân biệt, đối đãi. Nếu người học đạo thấu triệt cái lý của bản thể chân như, tức thông tỏ cái đạo thuỷ chung, thì lập tức sẽ giác ngộ. Nhưng học trò vẫn chưa rõ nên mới hỏi lại: “Làm sao giữ được?”, nghĩa là, lúc này trò vẫn còn bám vào, muốn giữ lấy (thủ chấp) cái sở kiến (điều đã biết, đã thấy), thì thầy mới gợi mở thêm: “Không có chỗ cho ông xuống tay”, tức thầy lại phủ nhận một lần nữa, bằng cách đánh mạnh vào tâm thức của trò, buộc trò phải xa lìa, buông xả cái đã thấy, điều đang truy tìm, với tinh thần “vô trụ” (không bám vào chỗ nào), “siêu việt hữu vô” (vượt lên trên giữa có và không), ý của thầy là muốn trò đừng bám víu, đừng cố giữ lấy mà phải buông xả tất cả, có như thế thì mới có thể vượt lên trên hữu - vô, nên mới bảo: “Không có chỗ cho ông xuống tay”. Đến đây, học trò đã thức tỉnh, vì thế mới hỏi lại: “Hoà thượng nói xong rồi à?”. Và lúc này, thầy đã biết rõ tâm của trò, nhận thấy căn cơ của trò đã chín muồi, nên một lần nữa, thầy đã dồn ép trò vào cái thế tận cùng, để trò bứt phá triệt để ra khỏi cái tư duy phân biệt đối đãi, thoát ra khỏi chỗ đang bám víu, để đạt đến chỗ liễu ngộ, vô trụ, siêu thoát qua câu trả lời: “Ông làm sao hiểu”. Chính lúc đó, trò mới hét lên một tiếng. Tiếng hét ấy là tiếng kêu biểu đạt trạng thái bừng vỡ, đốn ngộ, triệt ngộ, thấu rõ tất cả đều là không: “萬 法 皆 空 vạn pháp giai không”, chủ trương không phân biệt “心 法 一 如 tâm pháp nhất như”, biểu hiện tư tưởng “真 空 妙 有 chân không diệu hữu”, mang tinh thần “理 事 容 通 lý sự dung thông” của kinh Hoa nghiêm.
Còn đây là ý chỉ của bài kệ Thị tịch mà thiền sư truyền thừa cho Đa Bảo:
Sách Thiền uyển tập anh 禪 苑 集 英, ở đoạn cuối tiểu truyện về Khuông Việt có chép:
李 朝 順 天 二 年 二 月 十 五 日, 將 告 寂, 示 寶 偈 云: 木 中 原 有 火, 有 火 火 還 生. 若 謂 木 無 火, 鑽 遂 何 由 萌. 偈 畢, 趺 跏 而 逝. 壽 五 十 有 二 (或 云 壽 七 十 九) [vi].
“Lý triều Thuận Thiên nhị niên nhị nguyệt thập ngũ nhật, tương cáo tịch, thị Bảo kệ vân: ‘Mộc trung nguyên hữu hoả, Hữu hoả hoả hoàn sinh. Nhược vị vô mộc hoả. Toản toại hà do manh’. Kệ tất, phu già nhi thệ, thọ ngũ thập hữu nhị (hoặc vân thọ thất thập cửu)”.
Dịch: Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2, triều Lý, khai sắp tịch. thiền sư dạy Đa Bảo một bài kệ: ‘Trong cây sẵn có lửa, Có lửa, lửa lại sinh. Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát do đâu sinh’. Nói xong, thiền sư ngồi kiết già mà hoá, thọ 52 tuổi (hoặc nói thọ 79 tuổi).
Bài kệ Thị tịch đọc trước phút lâm chung, thiền sư truyền dạy cho Đa Bảo đã thể hiện tinh thần biện chứng nhân quả, ngài đã khuyên đồ đệ cần thấy rõ uyên nguyên các pháp. Đây không chỉ là tư tưởng thâm diệu của nhà Phật mà còn là tư tưởng biện chứng của Nho gia. Điều này cho phép ta khẳng định Khuông Việt thiền sư không chỉ là vị cao tăng đắc đạo uyên thâm về Phật Thiền mà còn là người hiểu biết sâu sắc về Nho học. Có thể xem bài Kệ trên là một sự dung hợp giữa Phật và Nho.
Theo nguyên lý ngũ hành tương sinh, thì các hành được Hà đồ sắp xếp theo thứ tự như sau: Thuỷ, Hoả, Mộc, Kim, Thổ (trong khi đó, lâu nay người đời vẫn quen kể theo thứ tự Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). Giữa các hành trong quan hệ tương sinh, tức hành này hỗ trợ, giúp đỡ hành kia, và quan hệ này được xác định theo trật tự thuận chiều từng cặp một, mà theo Hà đồ thì: “Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ” và năm yếu tố - năm sự vận động ấy cứ thế biện chứng luân hồi. Xét đến cùng, ngũ hành tương sinh chính là một sự chi tiết hoá của quan hệ âm dương chuyển hoá. Nước giúp cho cây cối tươi tốt; cây (gỗ) là nhiên liệu để đốt lên làm cho lửa cháy; lửa đốt thành tro bụi làm cho đất đai màu mỡ; trong lòng đất sản sinh ra những thứ kim loại; kim loại khi bị nung nóng chảy thì trở về thể lỏng.
Lại nữa, bàn về âm dương ngũ hành, Đổng Trọng Thư - một vị đại biểu xuất sắc của Hán Nho - trong sách 春 秋 繁 露 Xuân thu phồn lộ có viết:
天 有 五 行, 一 曰 木 , 二 曰 火, 三 曰 土, 四 曰 金, 五 曰 水. 木, 五 行 之 始 也; 水, 五 行 之 終 也; 土, 五 行 之 中 也. 此 其 天 賜 之 序 也. 木 生 火, 火 生 土, 土 生 金, 金 生 水, 水 生 木. 此 其 父 子 也.
“Thiên hữu ngũ hành, nhất viết mộc, nhị viết hoả, tam viết thổ, tứ viết kim, ngũ viết thuỷ. Mộc, ngũ hành chi thuỷ dã; thuỷ, ngũ hành chi chung dã; thổ, ngũ hành chi trung dã. Thử kỳ thiên tứ chi tự dã. Mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc. Thử kỳ phụ tử dã”.
Như vậy, sự sắp xếp thứ tự Ngũ hành theo tư tưởng Kinh học thời Hán Nho, mà Đổng Trọng Thư là đại diện, có khác với Hà đồ. Ở đây, Mộc là yếu tố đầu tiên, Thuỷ là yếu tố cuối cùng, Thổ là yếu tố trung tâm (ở chính giữa). Yếu tố này sinh ra yếu tố kia, là cha con với nhau, cứ thế vận động liên tục, biện chứng luân hồi.
Cho nên, trong cây vốn sẵn có lửa, khi cọ xát thì lửa mới bùng phát cháy. Đúng vậy. Cây khô, nếu ta dùng phương tiện kéo lửa để cọ xát mạnh vào thân cây liên tục thì một lúc sau cây nóng, khói bốc lên, sẽ phát ra lửa. Vì thế, thiền sư mới khẳng định: “Mộc trung nguyên hữu hoả, Hữu hoả hoả hoàn sinh”. Và: “Nhược vị vô mộc hoả. Toản toại hà do manh”. Nếu trong cây không có lửa thì khi cọ xát làm sao lửa lại bùng phát ra được! Một tư tưởng uyên nguyên luận về bản thể của vũ trụ được thiền sư Khuông Việt thể hiện bằng một bài thi - kệ với ngôn từ dung dị mà hàm nghiã uẩn súc, để qua ngôn từ giàu hình ảnh ấy, người học, người nghe có thể hội nhập được chân lý cứu cánh. Chân lý này là nói theo tinh thần biện chứng của tư tưởng Nho gia mà ở trên có nêu.
Còn nói theo nhà Phật với tinh thần biện chứng nhân quả, uyên nguyên của các pháp thì sự vận động của Mộc và Hoả trong bài kệ Thị tịch của thiền sư Khuông Việt đều là những hình ảnh dụ để nhằm gợi mở tâm thức cùng phương pháp tu tập cho hành giả - người học đạo. Mà dụ là phương pháp mà khi Đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài thường dùng để giảng thuyết cho chư đệ tử, bởi tư tưởng - giáo lý nhà Phật là giáo lý Khế cơ, nên với việc sử dụng hình thức dụ sẽ dễ dàng phù hợp với căn cơ trình độ của từng người, ai cũng có thể hiểu được, nhận thức rồi vận dụng được với từng mức độ khác nhau. Dụ 喻 (Thí dụ 譬 喻) là Hán dịch, còn Phạn ngữ là Apadana (A-ba-đà-na). Đây là một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh này nêu ra những thí dụ, nhờ chúng mà người học đạo, nghe kinh sẽ hiểu được rõ ý nghĩa của giáo lý - tư tưởng của kinh. Thí dụ chính là lấy cái pháp mình đã biết để làm sáng tỏ cái pháp chưa được biết. Kinh Pháp hoa văn cú quyển thứ 5 có giải thích như sau: “Thí là so sánh, dụ là nói cho hiểu rõ, bằng cách dựa vào cái này để so sánh với cái kia, dùng cái nông cạn để nói cái sâu sắc… Chẳng hạn, nói cây đang lay động để cho biết là có gió; làm quạt hình tròn để ví với mặt trăng. Cho nên gọi là thí dụ”. Trong kinh văn nhà Phật, cụ thể là kinh Niết bàn quyển thứ 29 có chỉ ra 8 cách thức dụ: 1. Thuận dụ (thuận theo lẽ thường, đi từ nhỏ đến lớn mà nói ra cho rõ ý); 2. Nghịch dụ (đi từ lớn đến nhỏ để nói cho rõ ý); 3. Hiện dụ (lấy việc thường thấy trước mắt để ví dụ. Chẳng hạn, dùng hình ảnh “tâm viên ý mã” để chỉ tâm con người luôn động, không tĩnh, chẳng khác nào con ngựa giong ruỗi, con khỉ chuyền cành); 4. Phi dụ (nêu lên giả thiết không có thật để thí dụ, chẳng hạn nêu bốn quả núi để chỉ bốn nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người); 5. Tiên dụ (nêu thí dụ trước, sau đó mới giảng giáo lý thích hợp. Chẳng hạn, nói rằng có người thích hoa lan bên dòng suối muốn hái lấy nó nên bị dòng nước cuốn đi. Cũng thế, chúng sinh luôn mãi theo lắm điều ham muốn nên bị dòng nước tử sinh dìm chết); 6. Hậu dụ (thuyết giảng giáo lý trước, sau đó mới dùng thí dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa của giáo lý đó); 7. Tiên hậu dụ (trong khi giảng thuyết, cả trước và sau đều dùng thí dụ. Chẳng hạn nói: cây chuối sau khi sinh ra quả rồi thì chết, người ngu cứ nuôi dưỡng cái ngu thì cũng sẽ như vậy); 8. Biến dụ (từ đầu đến cuối đều dùng thí dụ để làm sáng tỏ điều muốn nói). Trong kinh tạng nhà Phật, hiện có 6 bộ kinh mang tên Thí dụ, đó là: Tạp thí dụ kinh, 01 quyển, Đạo Lược sưu tập; Chúng sinh tạp tuyển thí dụ kinh, 01 quyển, hiện chưa rõ tên người người dịch; Cựu tạp thí dụ kinh, 02 quyển, Khương Tăng Hội dịch; Tạp thí dụ kinh, 02 quyển, không rõ tên người dịch; Tạp thí dụ kinh, 01 quyển, Chi Câu La đời Hậu Hán dịch; Phật thuyết thí dụ kinh, 01 quyển, Nghĩa Tịnh đời Đường dịch. Đó là chưa kể đến trong Diệu pháp Liên hoa kinh còn có riêng một phẩm mang tên “Phẩm Thí dụ”.
Hình ảnh (yếu tố) Mộc và Hoả trong bài kệ của ngài Khuông Việt thiền sư là Hiện dụ. Cây và Lửa là hình ảnh thường thấy trước mắt mỗi người. “Lửa” hay “Ánh sáng” (bởi có lửa thì mới phát ra ánh sáng) là hình ảnh chỉ sự khai thông trí tuệ, sự giác ngộ rốt ráo, tức Niết bàn, Bát nhã, Phật tính. Lửa luôn có sẵn trong thân cây khô là hình ảnh để chỉ tất cả chúng sinh ai ai cũng có sẵn tính Phật. Nói cách khác, Phật tính luôn luôn hiện hữu trong tâm mỗi người chúng ta. Khi cây khô được cọ xát thì lửa sẽ bùng cháy lên là hình ảnh dụ cho người nào nếu khéo biết tu tập thì Phật tính sẽ hiển hiện, sẽ giác ngộ thành Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy các vị đại đệ tử: 一 切 眾 生 皆 有 佛 性 “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” - Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, và “Ta là Phật đã thành; Các ông là Phật sẽ thành”. Mà Phật tính là gì ? Phật tính chính là cái tâm thanh tĩnh, lặng lẽ, tự tại, nhất như. Cái tâm ấy, trong mỗi người chúng ta, dù ít dù nhiều, ai ai cũng có. Tư tưởng này đã được các vị thiền sư Việt Nam thời Lý – Trần tiếp thu, rồi vận dụng vào thực tiễn thiền định. Các vị thường hay phát biểu về vấn đề này. Chẳng hạn, khi vua Trần Thái Tông buồn vì chuyện gia đình, đã bỏ ngôi lên núi Yên Tử để cầu Phật, thì được Quốc sư Viên Chứng Trúc Lâm đại sa môn khuyên rằng: 山 本 無 佛, 惟 存 乎 心, 心 寂 而 知, 是 名 真 佛 “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật.” - Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong lòng, lòng lặng lẽ tịch tĩnh mà biết, đó chính là chân Phật mà nhà vua – thiền sư Trần Thái Tông có ghi lại trong bài Tựa của sách Thiền tông chỉ nam. Đây cũng là quan điểm tư tưởng của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuy bản nên ta tìm Bụt; Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.” - (Cư trần lạc đạo phú). Ở cuối bài phú chữ Nôm này, vị Phật hoàng Trần Nhân Tông còn viết một bài kệ chữ Hán, trong đó, có hai câu cuối cũng mang nội dung tư tưởng trên: 家 中 有 寶 休 尋 覓, 對 境 無 心 莫 問 禪.“Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. - Trong nhà có sẵn của báu đừng tìm ở đâu khác, Đối diện với cảnh mà vô tâm [tức lòng lặng lẽ, tịch tĩnh, trống không] thì không cần hỏi Thiền nữa. Đó chính là quan điểm Phật tại tâm, Tâm tức Phật, Phật tức tâm, Bụt là lòng, Bụt ở trong nhà mà Thiền học Việt Nam thời Lý – Trần đã tiếp thu rồi vận dụng. Để sau này, trong bài thơ Nôm mang tên Mộc cận – Quốc âm thi tập, thi hào Ức Trai cũng phát biểu: Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng [vii].
Tóm lại, bài kệ thị tịch của Khuông Việt thiền sư muốn dặn dò đệ tử rằng: Người học đạo, tu Thiền cần thấy rõ uyên uyên các pháp. Trong mỗi người chúng ta đều có sẵn trí tuệ Bát nhã, Phật tính, nếu chúng ta biết khéo tu thì sẽ thấy được tự tâm, hiểu rõ bản tính chân như, sẽ đạt chánh quả, sẽ thấy được Như lai, sẽ giác ngộ thành Phật; còn nếu vụng tu hoặc không có sẵn tính Phật thì không bao giờ thấy và đến được Như lai, Niết bàn, Phật tính. Cho dù người đó có tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền suốt đời vẫn không bao giờ đi đến cái đích cứu cánh để đạt được chân lý màu nhiệm; sẽ không thấy rõ bản tính chân tâm và do vậy sẽ không đạt được tự tại, chân như, giác ngộ. Nội dung ấy đã được thiền sư chuyển tải bằng một bài kệ thị tịch với ngôn ngữ biểu đạt dung hợp tư tưởng Phật và Nho uyên nguyên, hàm súc.
Gần Tết Tân Mão (2011) - NCL
Nguồn: Hội thảo Quốc tế: Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập – ĐHQG HN và Học viện PGVN tại HN, ngày 18 và 19-3-2011, tr. 121-128.
Đăng lại trên Nguyệt san Giác Ngộ, số 180, tháng 3-2011, tr. 53-63.
Tài liệu tham khảo:
1. 禪 苑 集 英, 黎 朝 永 盛 十 一 年 四 月 穀 日 重 刊 (Thiền uyển tập anh, Lê triều Vĩnh Thịnh thập nhất niên tứ nguyệt cốc nhật trùng san), ký hiệu A3144, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, Nxb KHXH, HN, 1967.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1972; Nxb Văn học, HN, tái bản, 1994.
4. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999; Nxb Phương Đông, in lần thứ tư, TP. HCM, 2005.
5. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, [từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054)], Nxb TP. HCM, 2001.
6. Thích Thanh Từ, Tham đồ hiển quyết và thi tụng các thiền sư đời Lý giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, Nxb TP HCM, 1997.
7. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1977.
8. Nguyễn Công Lý, Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền tông thời Lý – Trần, Nxb Văn hoá Thông tin, HN, 1997.
9. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb ĐHQG TP HCM, 2002.
-----------------------------------------
[i] Về năm sinh của ngài Khuông Việt, xin xem bài “Khuông Việt Thái sư với vương triều Đinh, Lê” tham luận của chúng tôi tại Hội thảo khoa học “Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập” do Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Sóc Sơn ngày 19-20 tháng 3 năm 2011.
[ii] Các khu vực hành chính thời Lý – Trần, dưới quận, huyện vừa có hương hay giáp, vừa có làng hay xã. Hương thường lớn hơn xã. Huyện Thường Lạc, theo sách Thái bình hoàn vũ ký 太 平 寰 宇 記 thì huyện Thường Lạc sau đổi thành huyện An Lạc. Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Sử học, HN, 1964, thì căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư, ông cho rằng Thường Lạc thuộc khoảng huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá ngày nay (dẫn lại: Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1977, trang 208). Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Tp. HCM, 1999; Nxb Phương Đông, tái bản, 2005, thì ông căn cứ vào các sách: Tây hồ chí, Đại Nam nhất thống chí mà cho rằng đất Cát Lợi, Thường Lạc nay thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (tlđd, trang 365-366). Bản dịch Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga, Nxb VH và Phân viện Nghiên cứu Phật học, HN, 1995, ghi chú là hương Cát Lợi ở Bắc Giang, hiện chưa rõ ở đâu (tlđd, trang 42). Hiện tại, chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu lại để xác định cụ thể về vị trí địa danh.
[iii] Theo Ngô Đức Thọ thì Ngô Thuận Đế là thuỵ hiệu của Ngô Quyền. Theo gia phả họ Ngô thì Khuông Việt Ngô Chân Lưu là con của Ngô Xương Tỷ, là cháu của Ngô Xương Sắc (dẫn lại bản dịch Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ, tlđd, trang 42). Gần đây, Trần Trọng Dương trong bài viết Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hội Nho – Phật trong sách Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, (Học viện Phật giáo TP HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP HCM), Nxb VHTT, 2010 cũng nói như thế và có bổ sung rõ hơn về dòng dõi của thiền sư. Nhưng khi chúng tôi tra cứu lại trong các bộ chính sử như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư thì không thấy ghi thuỵ hiệu của Ngô Quyền là Ngô Thuận Đế.
[iv] Cụ túc giới: giới hạnh đầy đủ, một tên gọi khác của Tỳ kheo giới. Người tu hành thọ giới này là người đã đạt đầy đủ giới hạnh, chính thức trở thành một vị sa môn (đại đức).
[v] Thiền uyển tập anh bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A3144, tờ 9a9-9b1.
[vi] Thiền uyển tập anh bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A3144, tờ 9b2-9b4.
[vii] văn bản bài thơ này trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, HN, tb, 1976, trang 471, cụ Đào Duy Anh ghi đầu đề là Cây mộc cận và phiên âm câu này là: Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng. Trong khi đó, ở Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 3, Nxb VH – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 1160 ghi là Vện nhơ chẳng bén, Bụt là lòng. Ở đây, chúng tôi ghi theo văn bản của cụ Bùi Văn Nguyên phiên âm câu này là: Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng trong Ức Trai di tập bổ sung – Phần văn chương, Nxb KHXH – Nxb Mũi Cà Mau, 1994, trang 484.