Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận dân tộc ta vốn có tinh thần dân chủ và sống phóng khoáng nên từ khi Tam giáo vào Việt Nam, cha ông ta đã biết tự mở cửa đón nhận những tinh hoa của hệ tư tưởng ấy, chọn lọc, dung hợp và biến chúng thành cái của mình, phù hợp với điều hiện và hoàn cảnh sống của mình, phục vụ cho mình.
Đọc kỹ các tác phẩm văn học Phật giáo Lý – Trần, chúng ta sẽ dễ nhận thấy tinh thần điều hoà, dung hợp này. Có khi là sự phân công hợp tác giữa Phật và Thánh (Nho); có khi là sự kết hợp rất uyển chuyển giữa Phật với Lão – Trang để đi đến sự thống nhất: Tam giáo đồng nguyên. Tư tưởng Phật giáo không phải là hệ tư tưởng đóng kín trong khuôn khổ, trong quy tắc giáo điều mà là tư tưởng mở, đầy khai phóng. Nhờ thế mà các nhà tu hành có cái nhìn thông thoáng, có thái độ sống cởi mở, phá chấp. Người tu hành không bắt buộc phải cạo đầu xuất gia, phải từ giã gia đình vào chùa mà họ có thể tụ tập trong gia đình, giữa cuộc đời và cũng có thể chứng ngộ, giải thoát. Điều này thực tế lịch sử đã chứng minh: Một Trần Thái Tông, một Trần Tung (Tuệ Tung), một Trần Nhân Tông… Đó là chưa kể các Thiền sư vào đời giúp vua trị nước an dân mà vẫn làm tròn bổn phận của người tu hành. Chất rộng mở phóng khoáng này còn thể hiện qua hệ thống kiến trúc nhà chùa. Nhà chùa không chỉ là chốn thâm nghiêm huyền diệu mà ngược lại cửa từ bi luôn rộng mở đón nhận khách thập phương, sẵn sàng cứu vớt kẻ trầm luân. Cảnh Bụt bao giờ cũng hữu tình kỳ thú, luôn là chốn đi về của những ai muốn quên đi bao nỗi phiền muộn, bao điều trắc trở nhọc nhằn của cuộc đời. Họ đến viếng cảnh già lam để tìm sự thư thái, sự thanh thản của tâm hồn. Chất dân chủ rộng mở ấy còn biểu hiện qua hệ thống triết lý kinh điển với chủ trương tâm không phân biệt. Tất cả đều sẽ giác ngộ. Cơ sở của tinh thần dung hợp là vậy. Tinh thần dung hợp này được biểu hiện ở các khía cạnh sau:
1. PHẬT – NHO PHÂN CÔNG HỢP TÁC.
Qua các tác phẩm, các Thiền sư Lý – Trần đã thừa nhận tư tưởng của đất Thánh cần thiết cho sự duy trì trật tự của xã hội cũng như giáo lý của Đức Phật cần thiết cho sự giải thoát tâm linh con người. Lời sư Trí Thiền sau đây có thể nói lên tinh thần vừa phân biệt lại vừa hoà đồng giữa Phật và Nho:
“Như Lai lục ngữ cái bất hư thiết. Thế gian chư pháp hư huyễn bất thực, duy đạo vi thực, ngã phục hà cầu. Thả Nho gia khả thuyết quân thần phụ tử chi đạo, Phật pháp khả ngôn Bồ tát, Thanh văn chi công. Nhị giáo tuy thủ, kỳ quy tắc nhất. Nhiêm, xuất sinh tử, nhược đoạn hữu vô kế phi Thích tắc bất năng dã”.
(Mấy lời nói kia của Như Lai chẳng phải là lời nói suông. Các phép ở trên thế gian này đều là hư ảo, không thực, chỉ có đạo mới là thực, ta còn cần gì nữa; vả lại, Nho gia thì nói đạo vua tôi, cha con. Phật pháp thì nói về công đức của các bậc Thánh văn, Bồ tát. Hai giáo tuy có khác nhưng quy về chỉ một mối mà thôi. Nhưng muốn vượt qua nỗi khổ sinh tử, dứt khỏi sự cố chấp hữu vô, ngoài Phật giáo thì không thể đạt được) (Thiền uyển tập anh, bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A3144).
Nho và Phật tuy khác nhau ở thực hiện giáo lý nhưng cũng cần thiết như nhau. Sự phân biệt chẳng qua là một sự phân công để cùng giúp ích cho đời. Bàn về sự khác nhau ấy, Viên Chiếu đã cho rằng Phật và Thánh như ánh sáng rực rỡ của trời soi tỏ khắp nơi, đem lại sự sống cho vạn vật; như bóng trăng êm dịu mang đến sự thanh tĩnh cho con người; như mùa xuân ấm áp thì chim oanh hót líu lo; như mùa thu về thì cúc vàng rực rỡ:
Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh
(Trùng dương đến, cúc vàng dưới giậu
Xuân ấm về oanh náu đầu cành)
(Thơ văn Lý – Trần, tập 1, nxb. KHXH, 1977, Tr. 274)
Đệ tử vẫn chưa hiểu, sư đáp tiếp:
Trúc tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh.
(Ngày vầng ô chiếu sáng,
Đêm bóng thỏ rạng soi)
(Thơ văn Lý – Trần, tập 1, nxb. KHXH, 1977, Tr. 274)
Trên bình diện tư tưởng, các Thiền sư thường kết hợp vũ trụ quan biến động của Dịch, tư tưởng nhất quán của Khổng Tử với tư tưởng “Nhất như” cùng chủ trương tất cả quy về tâm của Phật để phát biểu một vấn đề hiện thực. Đoạn mở đầu của bài bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn Thanh Hoá của Pháp Bảo (Giác Tính Hải Chiếu) là một minh chứng cho khuynh hướng kết hợp này:
Phù! Thiền tổ hiển thực nhi trực chỉ nhất tâm; Thánh nhân thích thời nhi thông hồ vạn biến. Vạn giả nhất chi tán; nhất nãi vạn chi tông. Chí ư hiền trí gián xuất: quỹ phạm điệt hưng. Tụ kỳ tán dĩ quy tông; bão ư nhất dĩ thống vạn. Lập trượng tướng nhi thị hữu sở thống; sùng thác miếu nhi linh hữu sở quy…
(Phật tổ soi tỏ cái thực mà chỉ thẳng chữ tâm; Thánh nhân thích ứng theo thời mà thông suốt muôn biến. “Muôn” là sự phân tán của “một”. “Một” là cội gốc của “muôn”. Đến như các bậc hiển Thánh thỉnh thoảng ra đời, khuôn phép thay nhau dấy lên. Nhóm cái đã phân tán để đưa nó về cội gốc, ôm cái “một” để thâu tóm cái “muôn”. Tạc nên hình tượng để biểu thị sự thâu tóm; dựng lên đền tháp để có sự hướng về). (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb. KHXH, 1977, Tr. 358).
Cuối bài bia có bài minh ca tụng chân như với đức tính “hoá dục vạn vật” của Thái cực:
“Chí tai chân như,
Thể thưởng Thái hư.
Thần như bất trắc,
Hoá nhi hữu dư.
Nhất vũ bái nhuận,
Tam thảo tam thư.
Pháp chàng đại thụ,
Tà võng đốn trừ.
(Cùng tột chân như!
Thể lượng Thái hư.
Khôn lường linh diệu,
Biến hoá có thừa.
Mưa nhuần thấm đượm,
Cây cỏ sởn sơ.
Giương cao cờ phướn,
Dẹp hết tà nhơ.)
(Thơ văn Lý – Trần, Tập 1, nxb. KHXH, 1977, Tr. 360)
Sang đời Trần, Trần Thái Tông đã trình bày rõ nhiệm vụ của Phật và Thánh trong bài tựa “Thiền tông chỉ nam”. Phật: “Thị dĩ dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kính giả, ngã Phật chi đại giáo dã”. (Vì vậy, phương tiện dẫn dụ người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật) (Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, 1989, Tr. 26).
Thánh: “Nhiệm thuỳ thế chi quyền hành, tác tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chi trọng trách dã” (Đặt mực thước cho hậu thế. Làm khuôn khổ cho tương lai, ấy là trách nhiệm của bậc tiên thánh) (Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, 1989, Tr. 27).
Một bên là đạo, một bên là đời. Một đằng là thoả mãn giải thoát tâm linh của cá nhân, một đằng là đáp ứng yêu cầu tổ chức của đời sống xã hội. Sự phân công hợp tác giữa Phật và Nho kể trên đã đưa tới kết quả tốt đẹp trong đời sống của một dân tộc vừa phục hưng, đó là sự tương trợ giữa tôn giáo và chính trị. Điều đó rất cần thiết cho đất nước vừa độc lập đang trên đà phát triển như nước ta.
Ngay từ ngày giành độc lập, Nho học đã nhờ Phật giáo mà phát triển. Trí thức Nho học ngày ấy chắc đã được sự dạy dỗ bởi những ông thầy ở chùa. Khi khoa cử chưa tổ chức, nhiều trí thức Nho học được triều đình bổ nhiệm làm quan là nhờ sự bảo cử, tiến cử của các nhà sư. Trong “Văn học đời Lý”, Ngô Tất Tố đã dẫn lại câu nói xưa: “Trước Nhân Tông, chưa có khoa cử, những kẻ thông minh nhanh nhẹn đều phải lo dọn Thích đạo lựa chọn và cất nhắc cho([1])” là minh chứng cho ý kiến trên. Ngày ấy, chính quyền rất cần đến tôn giáo và phải nhờ đến sự giúp đỡ, cố vấn của các nhà sư. Đời Đinh, Tiền Lê, Lý đều nhờ đến các vị Khuông Việt, Vạn Hạnh, Đỗ Pháp Thuận… để ổn định chính trị, Nhà nước. Các đời vua Trần vừa trị nước vừa tu Thiền cũng đã thể hiện rõ mối quan hệ này. Trong khi Nho phải nhờ Phật để phát triển, chính trị cần sự giúp đỡ của tôn giáo thì ngược lại, Phật cũng nhờ Nho, tôn giáo cũng phải nhờ đến phương tiện vật chất dồi dào của chính quyền để hoằng dương Phật pháp. Trong bài văn bia chùa Linh Xứng, Pháp Bảo đã thừa nhận:
“Tự Phật giáo dĩ lai, đãi kim nhị thiên dư tải, nhi kính phụng ích tân. Phàm hữu danh sơn thắng cảnh, mạc bất khải thác dĩ kiến giác trường. Nhiên nhi vương công đại nhân, hoằng lộ khuông duy tắc mạc năng thành yên.”
“Từ khi có Phật giáo tới nay đã hơn 2000 năm, mà sự thờ phụng ngày càng thêm mới. Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền, nhưng không có bậc vương công đại nhân giúp đỡ thì làm sao mà nên được) (Thơ văn Lý – Trần, Tập 1, Tr. 361).
Mặt khác, lớp văn hoá Phật giáo sau này từ đường bộ Trung Quốc truyền xuống với hệ kinh sách đã dịch sang Hán văn, nên các nhà sư muốn học kinh Phật phải có chữ Hán của nhà Nho và thực tế các vị đều uyên thâm Hán học. Đều đó có nghĩa là giáo lý từ bi của nhà Phật phải nhờ đến Hán tự của Nho gia làm phương tiện truyền bá. Câu nói của Trần Thái Tông đã giải thích thêm lời của Lục tổ Huệ Năng là Phật và Thánh không khác gì nhau:
“Cố Lục tổ hữu vân: Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt. Tắc tri ngã Phật chi giáo, hữu giả tiên thánh dĩ truyền ư thế dã” (cho nên Lục tổ có nói: bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau. Như thế là đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời) (Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Tr. 26)
Mặt khác, chúng ta không lấy làm lạ nhiều người xuất thân từ Nho học nhưng đến khi về già lòng lại hướng về Phật về Thiền. Nhiều sáng tác thơ văn ca ngợi cảnh già lam với lời thơ đầy ý vị Thiền đạo mà có nhà nghiên cứu gọi đó là “dòng thơ Thiền thế sự”([2]).
Từ giữa đời Trần về sau, Nho giáo thịnh dần, Phật giáo suy yếu; nhiều nhà Nho trước đây đã từng lên án chỉ trích giáo hội Phật giáo, tăng đồ gay gắt như lợi dụng tôn giáo để gieo rắc điều mê tín dị đoan, không chịu giữ gìn giới răn… vậy mà cuối đời chính họ lại vào chùa sống đời tương dưa thanh đạm, làm thơ như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh với Cam Lộ tự, Đăng Dục Thuý sơn lưu đề, Du Phật Tích sơn ngẫu đề ca ngợi cảnh đẹp già lam, ca ngợi đức độ danh tăng và trong bài văn viết về việc chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi thờ Đại Bi, ông đã ca ngợi công đức nhà sư xây chùa, tạo danh thắng cho đất nước và chùa thờ Phật để cầu nguyện cho quốc thái dân an; Trần Nguyên Đán với Sơn trung khiển hứng, Ngẫu đề; Chu Văn An đã làm thơ ca ngợi vị sư đạo cao đức trọng, tán dương tư cách thanh cao của các nhà sư như tư cách của một nhà Nho quân tử sống ẩn dật chịu ảnh hưởng Lão – Trang trong bài Đề Dương công Thuỷ Hoa đình(*); Phạm Nhân Khanh thì ca ngợi đức độ cùng tài thơ của Thiền sư Lãm Sơn trong bài Tống Lãm Sơn Quốc Sư hoàn sơn([3]).
Nhìn chung, sự kết hợp vừa dung hợp vừa điều hoà có phân biệt giữa tư tưởng Nho, Phật vào thời Lý – Trần đã tạo nên một lý tưởng cao đẹp với cuộc đời từ lý tưởng của con người cá nhân vừa lập công giúp nước để sau đó khi xong nhiệm vụ về nghỉ ngơi vui với thiên nhiên, tâm hướng về Phật. Sự kết hợp ấy còn biểu tượng cho nếp sống của dân tộc. Hình ảnh chùa tháp nguy nga tráng lệ chứng tỏ quốc gia ấy thanh bình, xã hội ấy thịnh vượng và con người trong xã hội đã biết tôn trọng, giữ gìn những giá trị văn hoá tinh thần, do vậy mới có những tác phẩm ca ngợi đạo lý cao thâm huyền diệu.
2. PHẬT – LÃO KẾT HỢP TỊNH HÀNH.
Văn học Phật giáo Lý – Trần đã có nhiều tác phẩm mang tư tưởng siêu thoát nửa Phật, nửa Lão – Trang như thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung. Bài Phóng cuồng ngâm của ông là sự kết hợp của hai luồng tư tưởng Phật giáo và Lão – Trang, có pha chút ngông nghênh, ngang tàng của nhà Nho trong một con ngời vừa là Thiền sư, vừa là quý tộc:
“Thiên địa điếu vọng hề hà mang mang,
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương…
Quy sơn tác lân hề mục thuỷ cổ
Tạ Tam đồng chu hề ca Thương Lương.
Phỏng Tào Khê hề ấp Lư thị
Yết Thạch Đầu hề sái Lão Bàng
Lạc ngô lạc hề Bố Đại lạc,
Cuồng ngô cuồng hề Phổ Hoá cuồng.
đốt đốt phù vân hề phú quý,
hu hu quá khích hề niên quang…
… thâm đắc lệ hề thiển tắc kệ,
Dụng tắc hành hề xã tắc tàng.”
(Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mang!
Chống gậy nhởn nhơ chừ, phương ngoài phương!...
… Láng giềng cùng Quy Sơn chừ, hát khúc Thương Lương.
Thăm Tào Khê chừ, vái chào Lư thị,
Viếng Thạch Đầu chừ, sánh vai Lão Bàng.
Vui cái ta vui chừ, Bố Đại vui,
Cuồng cái ta cuồng chừ, Phổ Hoá cuồng!
ối ối! giàu sang chừ, lưng trời mây nổi,
Chà chà! năm tháng, bóng ngựa lướt ngang!
… sâu thì dấn chừ, nông thì sắn vén,
dùng thì làm chừ, bỏ thì ẩn táng)
(Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, quyển thượng, Tr.279).
Chất phiêu diêu này còn gặp nhiều trong bài thơ của ông như Phỏng Tăng Điền đại sư, Xuất trần, Tự tại, Giang hồ tự thích, Phúc đường cảnh vật, Thoái cư…
Sự ưa thích cảnh sống phóng khoáng, phiêu diêu thoát tục dường như là cái chất của trí thức thời Lý Trần thơ văn các vị thiền sư Lý Trần cũng mang chất phiêu diêu lãng đãng này. Chẳng hạn, hai câu thơ của Thiền Lão trả lời Lý Thái Tông mà luận án đã dẫn ở trên lại man mác phong vị tiêu dao thoát tục kiểu Lão – Trang của một thiền sư ẩn mình tu luyện nơi thiên nhiên u tịch, thoát khỏi hồng trần.
Những bài thơ của nhóm Bích Động thi xã chủ yếu là những dòng thơ ca ngợi thú vui nhàn tản, ca ngợi thiên nhiên, xem thường danh lợi, vừa mang ý vị Thiền đạo, vừa mang chất phóng nhiệm của Lão Trang. Trần Quang Triều với những bài thơ “thanh thoát, đáng ưa”([4]); “giàu tình cảm, tinh tế, phóng khoáng tài hoa([5])” như Ngư điếu, Mai thôn phế tự, Hoàng châu đạo thượng tác, Đề gia lâm tự([6]). Những bài thơ như Xuân nhật thôn cư, Nguyên nhật yết kiến Diên Quang tự, Nguyệt Đàm thượng nhân của Nguyễn Ức([7]), Nguyễn Sưởng với bài thơ ca ngợi cảnh già lam Phả lại sơn tự, Tiên Du Vạn Phúc tự, Túc Thứu thượng nhân Thiền phòng, Trùng đáo Quỳnh Lâm Bích Động am lưu đề(*). Tất cả đều mang đậm nội dung vừa nêu. Nhà Nho Chu Văn An khi lui về quê cũng đã viết những vần thơ ca ngợi thiên nhiên, bộc lộ tâm tình tiêu dao, phóng khoáng tự tại, mang cốt cách của thiền sư, của đạo sĩ:
“Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
Phật giới thanh u, trần giới viễn,
Đình tiền phún huyết nhất oanh minh”.
(Thân nhàn tựa áng mây trôi,
Gió trăng nửa gối việc đời nhẹ tênh.
Cõi trần xa, cõi Phật thanh,
Sân hoa máu đỏ, chim oanh líu lường)
(Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr.57)
Ngay cả trong dân gian sự kết hợp trên cũng được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện lưu truyền mà sau này có chép lại trong Lĩnh Nam chích quái. Có điều, trong những câu chuyện ấy, tính chất thần bí thần thuật lộ rõ nét ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông hoặc của Đạo giáo phù phép. Bên cạnh đó còn có sự kết hợp tư tưởng của Tam giáo với tín ngưỡng vật linh của quần chúng. Truyện Man Nương nói về nguồn gốc Phật giáo vào Việt Nam. Lúc ấy Phật giáo đã pha lẫn tín ngưỡng Bàlamôn tạo thành một biến thái phù hợp với tín ngưỡng vật linh chất phác của người Việt cổ. Việc sư Già La Đồ Lê cho Man Nương chiếc gậy thần làm nước suối chảy cứu dân khỏi cảnh hạn hán; việc đặt tên cho bốn tượng Phật tạc từ cây có giấu đứa bé con của Man Nương là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là kết quả Phật hoá các hiện tượng thiên nhiên: mây, mưa, sấm, chớp vốn được người Việt cổ tin sùng. Cây đổ trôi đến trước chùa, trăm người không kéo được, Man Nương đụng vào, cây di chuyển theo vào bờ cho thấy những người tin Phật vẫn còn mang trong người niềm tin về sự liên lạc của tình cảm huyết thống. Truyện Thông Huyền, Giác Hải, Không Lộ cho thấy bấy giờ nhà nước coi Phật và Đạo ngang nhau. Chính vua Lý đã có thơ ca ngợi:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền.
Thần thông kiêm biến hoá,
Nhất Phật nhất thần tiên.
(Giác Hải lòng như biển
Thông Huyền đạo rất huyền.
Thần thông kiêm biến hoá,
Một Phật một thần tiên.)
(Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr.434)
Truyện về Từ Đạo Hạnh, Nguyên Minh Không với pháp thuật phù chú giải quyết tranh chấp, trả thù; dùng pháp thuật để trị bệnh, để hoá kiếp đầu thai, thể hiện đức tin của quần chúng, chứng tỏ sức mạnh của uy linh huyền bí. Tất cả là sự kết hợp tịnh hành giữ Phật với Lão – Trang và Đạo giáo.
3. QUAN NIỆM TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN
Tinh thần Phật – Nho hợp tác, Phật – Lão kết hợp như trên là bắt nguồn từ quan niệm Tam giáo đồng nguyên. Vấn đề Tam giáo đồng nguyên không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam mà là hiện tượng chung của lịch sử tư tưởng Đông Á: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Xét về cội nguồn, quan niệm tam giáo đồng nguyên đã xuất hiện từ thời Nguỵ – Tấn Nam Bắc Triều ở Trung Quốc mà người đầu tiên đề xuất là Đạo sĩ Cát Hồng (284-364), sau đó được Đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh (456-536) sống đời Tiền Lương phát triển thêm. Từ đó, quan niệm này đã ảnh hưởng đến các nhà sư phái Hoa Nghiêm tông, Phái Thiền tông, Mật tông, vị tổ thứ 5 phái Hoa Nghiêm tông đã phát biểu Thiền đạo nhất trí, Nho thích nhất gia trong sách Hoa Nghiêm nguyên nhân luận: “Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca đều là bậc chí thánh, tuỳ thời đem ứng dụng vào vật, giáo lý tuy khác nhau nhưng nội ngoại đều có thể hỗ trợ cho nhau, cùng có lợi cho quần sinh. Muôn việc cần đến đều có thể dựa vào Tam giáo([8])”. Tư tưởng quan niệm này còn ảnh hường đến các nhà Nho. Các Nho sĩ đời Tống như Chu Đôn Di, người đặt nền tảng cho Lý học, tuy bề ngoài đã phê phán Phật – Lão nhưng thực chất bên trong lại kế thừa và phát huy tư tưởng của Phật – Lão. Ông còn chủ trương Tam giáo dung hợp. Trong lịch sử Trung Quốc có ghi những câu chuyện về sự dung hợp này như chuyện Phó Ông, một nhân vật sống thời Nam Bắc triều, đầu đội mũ nhà Nho, thân mặc áo nhà sư, châm đi dép đạo sĩ. Hình ảnh này để nói cái ý Tam giáo nhất gia. Còn chuyện Hổ Khê tam tiếu với việc sư Tuệ Viễn mãi vui chuyện đã đi quá Hổ Khê để tiễn nhà Nho Đào Uyên Minh và đạo sĩ Lục Tu Tỉnh khiến con hổ sống ở đó thấy lạ mà gầm lên, với ý nghĩa là ba đạo cần hòa hợp với nhau. Quan niệm Tam giáo đồng nguyên ngay từ thời Bắc thuộc đã xâm nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng suốt thời Trung đại.
Về mặt cơ sở khách quan của quan niệm này có thể có hai căn cứ. Một là cơ sở văn hóa – văn tự: Phật vào Việt Nam giai đoạn sau phải qua văn tự Hán và văn hóa Hán: văn hóa Nho ở phương Bắc, văn hóa Lão ở phương Nam. Các nhà sư đọc kinh từ văn bản Hán, thường chịu ảnh hưởng của tri thức văn hóa Hán, văn tự Hán, nhất là hồi ấy trong tình trạng hỗn dung văn hóa, ít có sự đối cực. Hai là cơ sở thực tiễn tâm lý xã hội, đời sống xã hội: như đã nêu, người Việt phương Nam sống linh hoạt, rộng mở, dân chủ nên dễ dàng tiếp thu cái của người, miễn là cái đó phù hợp với mình, có lợi cho mình rồi dung hợp để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của dân tộc mình mà ở trước chúng tôi có điểm qua.
Văn học Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện tinh thần của quan niệm trên. Sở dĩ ở Việt Nam chưa bao giờ có sự xung đột Tam giáo như ở Trung Quốc là nhờ sự dung hợp linh hoạt này của người Việt. Quan niệm Tam giáo đồng nguyên đã thể hiện qua lời vua Lý Nhân Tông nói với Mãn Giác: “Chí nhân thị hiện, tất vụ tế sinh, vô hạnh bất cụ, vô sự bất tu, phỉ duy thả kính thậm chi” (Bậc trí nhân thị hiện tất phải làm việc cứu giúp chúng sinh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì là không phải chăm lo, chẳng phải chỉ sức đinh tuệ mà cũng có công giúp ích nên phải kính nhận nó) (Thiền uyển tập anh, bản in đời Vĩnh Thịnh năm thứ 11, ký hiệu A 3144).
Lời nói trên nêu rõ quan niệm về con người lý tưởng của xã hội. Đó là con người có trí tuệ sáng suốt của bậc giác giả (tri), lại biết đem đức hạnh và tài sức ra cứu dân giúp nước (hành); con người ấy, xong việc rồi lại tự tại tiêu dao như bậc “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh” kiểu Trang Tử. Cho nên, lời của vua Lý Nhân Tông đã thể hiện Tam giáo kết hợp, tịnh hành. Sử sách cũng cho biết rằng nhà vua tuy là người sùng mộ đạo Phật nhưng lại chú trọng đến Nho. Chính vua đã thiết lập chế độ khoa cử đầu tiên ở Việt Nam để chọn nhân tài (năm 1075) và cũng là người mở trường đại học đầu tiên (Quốc Tử Giám) để đào tạo trí thức Nho học (năm 1076) cho nước nhà.
Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã đưa ra phương pháp sám hối của nhà Phật chẳng khác nào phép tự tu tự tỉnh của Nho gia” Mỗi ngày ta phải tự xét mình ba lần (Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân) mà Khổng Tử đã dạy trong thiên Học Nhi, sách Luận Ngữ. Ở bài Phổ khuyến phát bồ đề tâm, nhà vua cho rằng Khổng Tử, Thích Ca, Lão Tử đều như nhau với những tư tưởng, hoạt động gần nhau, bởi đạo chỉ một mà thôi: Tuy ngôn thân mệnh chi chí trọng, do vị túc trọng ư chí đạo dã. Cố Khổng Tử viết: Triệu văn đạo, tịch tử khả hỷ. Lão Tử viết: Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Thế Tôn cầu đạo xả thân cứu hổ. Khởi phi tam thánh nhân khinh thân nhi trọng đạo giả tai (TVLT, tập 2, tr.61) (Tuy nhiên nói thân mệnh là đáng trọng nhưng cũng còn chưa trọng bằng cái đạo tối cao. Cho nên, Khổng Tử nói: Sớm nghe đạo, chiều có thể chết được rồi. Lão Tử nói: ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân. Đức Thế Tôn cầu đạo, quên mình cứu hổ. Há chẳng phải ba bậc thánh nhân khinh thân mình mà trọng đạo đó sao? Chính vì thế, Nguyễn Đăng Thục đã phát biểu thú vị rằng: “Phật giáo là một tôn giáo mở cửa độc nhất trong các tôn giáo thế giới, không tự khẳng định mình là thật mà phủ định cả Ngã và Pháp, siệu việt cả có lẫn không, mới có thể cống hiến cho dân tộc Việt Nam đất Giao Chỉ cái nhựa sống thiết yếu để hợp nhất các khuynh hướng tư tưởng, tín ngưỡng giao lưu xung khắc thành cái ý thức hệ khai phóng của địa lý đòi hỏi”([9]).
Tóm lại, văn học Phật giáo Lý – Trần có được tinh thần trên là nhờ chất cởi mở phóng khoáng, dân chủ nên dân tộc ta sẵn sàng mở cửa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng nước ngoài rồi dung hợp để tạo nên nét độc đáo riêng, phù hợp với điều kiện của một dân tộc vừa mới phục hưng, một đất nước vừa phát triển mà phần nào đã trình bày ở trên.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, số 2, 2002
[1] Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Nxb, Mai Lĩnh, Hà Nội, 1942, tr.22.
[2] Nguyễn Phạm Hùng, Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lý – Trần, luận án PTS khoa học Ngữ van, Viện văn học, tháng 7 – 1995.
[3] (*) và (1) Xin xem thơ văn Lý Trần, tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, các trang 51, 315.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, bd, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.71.
[5] Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb, KHXH, Hà Nội, 1989, tr.608.
[6] Xin xem nguyên văn các bài thơ trong Thơ văn Lý Trần, tập 3, tr.609 – 614.
[7] (3) và (*) Xin xem nguyên văn các bài thơ trong Thơ văn Lý Trần,t ập 2, quyển thượng, tr.43 -46 và 760 -775.
[8] Thiền sư Mật tông, Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, dẫn lại Nguyễn Tài Thư, “Tam giáo đồng nguyên” – hiện tượng tư tưởng chung của các nước Đông Á, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (40) năm 1999, tr.12.
[9] Nguyễn Đăng Thục, Phật giáo Việt Nam, Nxb Mặt đất, Sài Gòn, 1974.