Thêm hai bài thơ chữ Hán của Ưc Trai tiên sinh

 (Kỷ niệm 630 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi 1380 – 1442)

 

            Sau vụ án Lệ Chi Viên oan nghiệt, thơ văn của Nguyễn Trãi hầu như bị thất lạc gần hết. Bốn năm sau khi lên ngôi (1460), Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, tiếp theo năm 1467, nhà vua ban chiếu sai văn thần sưu tầm thơ văn còn sót lại của Ức Trai. Trần Khắc Kiệm được nhà vua tin tưởng giao cho trọng trách này. Ròng rã hơn mười năm, Trần Khắc Kiệm hoàn thành bộ Ức Trai thi văn tập, viết lời Tựa năm 1480. Riêng về thơ chữ Hán, ông sưu tầm được 105 bài, mà sau này, giữa thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã chép lại trong bộ hợp tuyển đồ sộ Toàn Việt thi lục.

            Sang thế kỷ XIX, dưới triều vua Nguyễn Minh Mệnh (1820 – 1841), năm 1822, nhà vua đã ban chiếu truy tặng tước Khê Quân Công cho Nguyễn Trãi và sai văn thần sưu tầm thơ văn. Việc này, nhà vua giao cho Dương Bá Cung là người cùng làng Nhị Khê đảm nhiệm. Dương Bá Cung cũng đã bỏ công sức hơn mười năm để hoàn thành bộ Úc Trai di tập 7 cuốn, viết lời Tựa năm 1868, Phúc Khê Đường khắc in vào năm này, trong đó thơ chữ Hán chép đúng 105 bài.

            Đến nửa sau thế kỷ XX, sau hơn 50 năm nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt Nam, GS. Bùi Văn Nguyên đã bỏ tốn nhiều công sức để sưu tầm, phiên âm, phiên dịch, giới thiệu di sản văn chương của cha ông, trong đó có thơ văn Nguyễn Trãi. So với văn bản của Dương Bá Cung mà các cụ Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Văn Tân phiên âm, hiệu đính, chú giải, làm thành bộ Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, in lần đầu 1960, tái bản 1976, thì công trình Ức Trai di tập bổ sung – Phần văn chương của Bùi Văn Nguyên (Nxb KHXH HN và Nxb Mũi Cà Mau, 1994 (chỉ tiếc là công trình này không có in kèm nguyên tác chữ Hán, chữ Nôm, lại in ấn sai nhiều lỗi chính tả), có bổ sung thêm một số văn bản mới như: Văn cầu mộng ở đền Dạ Trạch, Thư của Nguyễn Trãi gởi trách Nguyễn Thị Lộ, Thư phúc đáp của Nguyễn Thị Lộ, v.v.. Đặc biệt, về thơ chữ Hán, GS. Bùi Văn Nguyên đã tìm thêm được 02 bài, thành ra Ức Trai thi tập hiện có 107 bài. Bài thứ nhất: Phúc đáp Đại Đô đốc Đinh công, lấy từ Ngọc phả họ Đinh, phần Di cảo Đinh Liệt ; bài thứ hai: Ngự chế Tao ngộ thi, phụng hoạ, lấy từ gia phả họ Nguyễn ở Chi Ngại và gia phả họ Nguyễn Nhữ ở Thanh Hoá. Cả hai bài đều thuộc loại thơ thù phụng, thù tạc, nhưng qua đó ít nhiều cũng đã thể hiện rõ tình cảm, tấm lòng của tác giả.

Điều cần lưu ý là, công trình của GS. Bùi Văn Nguyên đã xuất bản từ năm 1994, nhưng ít ai chú ý, bằng cứ là gần đây trong các tiểu luận, giáo trình văn học sử, sách giáo khoa Ngữ văn cũ và mới, khi viết về Nguyễn Trãi các nhà nghiên cứu lại không cập nhật thành tựu tư liệu. Chính vì thế, chúng tôi mới viết bài này. Sau đây xin được giới thiệu lại hai bài thơ trên.

Trước hết, để có bài Phúc đáp Đại Đô đốc Đinh công là bởi năm 1440, lúc này vua Thái Tông đã lớn, trực tiếp nắm quyền chính, và đó cũng là lúc bọn lộng quyền bè đãng Lê Sát đã bị tiêu diệt, nhà vua ban chiếu triệu Nguyễn Trãi về triều khôi phục chức vụ cũ, kiêm thêm vài chức vụ mới: phụ trách Tam quán (Tập hiền viện, Chiêu văn quán, Quốc sử quán) và Ngự sử Đông Bắc đạo (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay). Nhân dịp này, Đinh Liệt với tư cách là Thái sư, Đại Đô đốc có viết một bài thơ mừng. Nguyên tác bài thơ mừng của Đinh Liệt như sau:

     賀諫議大夫兼三館事阮先生

     順 天 遺 命 莫 遺 文,

     喜 日 太 宗 召 老 臣.

     忠 直 才 華 宜 善 制,

     張 經 振 紀 永 長 春.

HẠ GIÁN NGHỊ ĐẠI PHU KIÊM TAM QUÁN SỰ NGUYỄN TIÊN SINH

Thuận Thiên di mệnh, mạc di văn,

Hỉ nhật Thái Tông triệu lão thần.

Trung trực, tài hoa, nghi thiện chế,

Trương kinh, chấn kỷ, vĩnh trường xuân.

Dịch nghĩa:

MỪNG QUAN GIÁN NGHỊ ĐẠI PHU KIÊM TAM QUÁN SỰ NGUYỄN TRÃI

Niên hiệu Thuận Thiên, đức Tiên vương có trăng trối mà không có di chúc,

Mừng ngày vua Thái Tông vời lão thần về lại triều đình.

Mong ông trung trực, tài hoa, nhưng phải khéo biết nén mình, để chấn chỉnh chế độ cho tốt hơn,

Thì việc giúp rập nước nhà, sắp đặt lại kỷ cương, mới có cơ lâu dài hơn.

Dịch thơ:

Tiên vương trăng trối chẳng giấy tờ,

Mừng buổi Thái Tông triệu ông về.

Trung trực, tài hoa, nhưng phải khéo,

Lo đời, giúp nước, mới bền cơ!.

                                           (NCL tạm dịch)

Sau đây là bài thơ phúc đáp của Ức Trai:

覆 答 大 都 督 丁 公

太 宗 誤 認 德 才 人,

遺 落 君 家 舊 宰 臣.

自 不 識 丁 為 宰 相,

弄 權 危 世 害 朝 民.

Phiên âm: PHÚC ĐÁP ĐẠI ĐÔ ĐỐC ĐINH CÔNG

Thái Tông ngộ nhận đức tài nhân,

Di lạc quân gia, cựu Tể thần !

Tự bất thức “đinh” vi Tể tướng,

Lộng quyền nguy thế, hại triều dân.(1)

Dịch nghĩa: TRẢ LỜI ÔNG ĐẠI ĐÔ ĐỐC HỌ ĐINH

Vua Thái Tông đã sai lầm khi đánh giá người có tài có đức,

Nên đã bỏ sót nhà anh, một đại thần cũ cốt cán.

Lại đưa một người không biết một chữ “đinh” lên làm Tể tướng,

Tạo ra cái nguy cho nạn lộng quyền, làm hại nước hại dân.

Dịch thơ:

Thái Tông nhầm lẫn người tài đức,

Bỏ sót nhà ông, một lão thần.

Chẳng biết chữ “đinh” làm Tể tướng,

Cậy quyền, ỷ thế, hại nước dân.

                                             (NCL tạm dịch)

Nếu ở bài thơ chúc mừng, Đinh Liệt đã đánh giá cao tài năng, phẩm chất, khí tiết của Nguyễn Trãi, thì ở bài thơ phúc đáp, Nguyễn Trãi đã bộc lô tình cảm thân mật, chân tình của mình đối với vị Thái sư, Đại Đô đốc mới nhậm chức. Đinh Liệt là anh em con cô con cậu ruột với vua Lê Thái Tông, nên Nguyễn Trãi mới gọi Đinh Liệt là “quân gia”. Lúc này Đại Đô đốc Tể tướng Lê Sát cùng bè đãng bị bãi chức, nhà vua cử Đinh Liệt thay chức vụ này. Trong bài có nói cái ý không biết một chữ “đinh” tức chỉ sự ngu dốt, cũng như khi nói không biết một chữ “nhất”, tức “dốt đặc cán mai”; ý này để chỉ Đại Đô đốc Tể tướng Lê Sát, cha vợ của Lê Thái Tông, từng giữ chức Tể tướng triều đình, hắn là tay võ biền, dốt nát mà nắm chức quyền cao. Đồng thời, bài thơ còn thể hiện nhân cách và khí tiết của Ức Trai: trung trực, cứng cỏi. Cụ đã dám nói thẳng, nói thật khi phê bình vị hoàng đế đương triều “đã nhầm lẫn khi đánh giá con người, nên bỏ sót người tài đức”. Nói thẳng như thế, nếu có kẻ nào gièm pha, người nói lời trên bị kết tội khi quân, chắc sẽ bị bêu đầu! Và cụ còn thẳng thắn vạch cái dốt nát, cậy quyền ỷ thế, làm hại nước hại dân của cựu Tể tướng Lê Sát! Chỉ có cụ Ức Trai mới dám nói như thế mà thôi. Bản tính ấy thật đúng với cái tên của cụ mà ông ngoại Tư đồ Chương Túc Quốc Thượng hầu Trần Nguyên Đán và thân phụ đã đặt cho: “Trãi” () là tên một loài thú ăn cỏ, giống con dê, chỉ có một sừng, tính hiền lành, trung trực, chuyên húc những con thú khác lớn hơn khi chúng hiếp đáp những con thú nhỏ. Rõ ràng là cả cuộc đời cụ Ức Trai đã sống và cống hiến cho dân cho nước, luôn đứng về phía dân đen, bênh vực lẽ phải, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, phản nước hại dân.

Bài thơ không nhắc đến cái ý chúc mừng quan Đại Đô đốc Thái sư Đinh Liệt đã được nhà vua tin dùng và giao trọng trách, nhưng cái ý ấy hiện lên rất rõ, thể hiện niềm vui lớn của Ức Trai. Thật là “ý tại ngôn ngoại”.

Thứ đến là bài Ngự chế Tao ngộ thi, phụng hoạ.

Sau mấy năm lui về Côn Sơn vui với tùng trúc mai hạc, năm 1440, vua Lê Thái Tông ban chiếu vời Nguyễn Trãi ra làm quan, phục lại chức tước cũ, kiêm tri Tam quán sự. Dù lần này chức tước không cao, vẫn chỉ là vị quan văn lo việc đối nội và soạn thảo giấy tờ, chép sử, tiến cử hiền tài, nhưng Nguyễn Trãi vẫn hăm hở ra với khát vọng “trí quân trạch dân”, với niềm ưu ái không nguôi và viết bài Tạ ân biểu nổi tiếng, thể hiện tấm lòng vì dân vì nước. Tuy làm quan trở lại, nhưng cụ vẫn ở Côn Sơn, thi thoảng có việc mới về triều đình để chầu. Mùa thu năm Nhâm Tuất (1442), nhân đi tuần du và duyệt binh ở Chí Linh, nhà vua có ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ thực lục – quyển XI chép: Nhâm Tuất, năm thứ 3 (tức 1442), mùa thu, tháng 7, ngày 27, vua [Thái Tông] đi tuần về miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi (2). Nhân cuộc gặp gỡ này, vua Lê Thái Tông đã viết bài thơ tao ngộ:

     御  製  遭  遇  詩

  罷  摟  船  海  上  回,

崑  莊  得  得  六  飛  來.

只  今  綠  野  閒  雲  墅,

尚  憶  藍  山  負  鳳  才.

壺  裡  有  天  忘  甲  子,

山  中  無  地  起  樓  臺.

憑  誰  為  我  丹  青  手,

畫  出  湖  山  點  柳  梅.

NGỰ CHẾ TAO NGỘ THI                         

Duyệt bãi lâu thuyền hải thượng hồi,            

Côn trang đắc đắc lục phi lai.       

Chỉ kim Lục Dã (3) nhàn vân thự,               

Thượng ức Lam Sơn phụ phượng (4) tài.               

Hồ lý (5) hữu thiên vong giáp tý,                           

Sơn trung vô địa khởi lâu đài.                              

Bằng thùy vị ngã đan thanh thủ,              

Họa xuất hồ sơn điểm liễu mai.                

Dịch nghĩa: BÀI THƠ TÌNH CỜ GẶP GỠ DO NHÀ VUA LÀM RA

Từ thuyền lầu duyệt thủy trận xong, nhân lúc trở về,

Dùng xe sáu ngựa, bon bon đến [thăm tiên sinh ở] Côn Sơn.

Cũng là thăm biệt thự của Lục Dã để ngắm mây nhàn,

Nhớ lại thời ở Lam Sơn, [tiên sinh] đã trổ tài phượng hoàng giúp vua.

Trong bầu tiên, có riêng trời, quên tuổi tác,

Nơi núi non, không có đất để dựng lâu đài.

[Ta] muốn nhờ ai có tài dùng màu sắc vẽ khéo,

Tô điểm [cho ta] cảnh liễu mai nổi bật giữa núi hồ.

Bản dịch thơ của Vân Trình (Bùi Văn Nguyên):

Thuyền trận duyệt xong, buổi thoái hồi,

Côn Sơn xe ngựa ruổi qua chơi.            

Thăm nền Lục Dã nhìn mây rỗi,     

Nhớ thuở Lam Sơn trổ phượng tài.

Trong động riêng trời, quên tuổi giáp,

Bên non hiếm đất, dựng lâu đài. 

Đan thanh nét vẽ nhờ ai đó,        

Tô điểm núi hồ cảnh liễu mai. (6)                                        

Chúng tôi tạm dịch:

Duyệt xong thuỷ trận, buổi lui về,

Xa giá bon bon ghé núi Côn.

Được ngắm mây nhàn nhà Lục Dã,

Trổ tài rồng phụng chốn Lam Sơn.

Mảnh trời, bầu rượu, quên cao tuổi, 

Bên núi, đất đâu, dựng biệt đài.

Cảnh đẹp là đây ai khéo vẽ,

Điểm tô non nước, liễu cùng mai?

                                                    (NCL)

Nguyễn Trãi đã phụng mệnh nhà vua, họa lại bài thơ như sau:

御 製 遭 遇 詩,奉 和

仿 弗 鈞 天 夢 幾 回,

山 中 驚 喜 翠 華 來.

箴 深 感 先 朝 舊,

定 策 多 心 佐 治 財.

    閒 身 坵 壑 志,       

敢 言 無 地 起 樓 臺.

湖 山 遭 遇 宸 愉 樂,     

                春 潭 潤 柳 梅.                      

NGỰ CHẾ TAO NGỘ THI, PHỤNG HỌA

Phảng phất quân thiên mộng kỷ hồi,

Sơn trung kinh hỷ thúy hoa lai.                        

Di châm thâm cảm tiên triều cựu,

Định sách đa tâm tá trị tài.                                

Tự hạnh nhàn thân khâu hác chí,(7)                              

Cảm ngôn vô địa khởi lâu đài.                            

Hồ sơn tao ngộ thần du lạc,                                       

Vũ lộ xuân đầm nhuận liễu mai.                         

 Dịch nghĩa: KÍNH VÂNG HỌA BÀI THƠ TAO NGỘ CỦA NHÀ VUA

Đã bao lần trong mộng tưởng lòng hướng về ngôi cao,

Khắp vùng núi, vừa sợ vừa mừng thấy kiệu thúy hoa tới.

Khắc sâu lời thánh đế răn bầy tôi triều trước,

Lòng muốn định nhiều sách lược mà thẹn vì bất tài.

Riêng may được thân nhàn, chí ở nơi gò đống, hang động,

Đâu dám nghĩ đến việc không có đất để dựng lâu đài.

Núi hồ nhân gặp gỡ bất ngờ, nơi nơi vui vẻ đón chào nhà vua đến thăm,

Mưa móc ngày xuân thắm đầm đìa khóm liễu mai.

Bản dịch thơ của Vân Trình (Bùi Văn Nguyên):

Mộng tưởng ngôi cao biết mấy hồi, 

Cả mừng xe ngọc kíp lên chơi.        

Khắc lời thánh đế răn tôi cũ,           

Góp sức triều cương thẹn bất tài.    

May được nhàn thân bên suối động,

Dám đâu riêng đất dựng lâu đài.     

Nước non hội ngộ chào long giá,     

Mưa móc đầm đìa nhuận liễu mai. (8)    

Chúng tôi tạm dịch:

Bao lần trong mộng hướng ngôi cao,

Kiệu ngọc đến chơi vội đón chào.     

Thánh đế lời vàng khuyên tớ cũ,           

Định bang sách lược thẹn không tài.

Thân nhàn hạnh phúc nơi gò động,  

Đất chúa đâu mong dựng thự đài.

Núi hồ tao ngộ mừng ngọc giá,

Ngày xuân mưa móc: liễu cùng mai.

                                               (NCL)

Như vậy, bài thơ xướng của Lê Thái Tông và bài thơ hoạ của Nguyễn Trãi được viết vào ngày 27 tháng 7 Nhâm Tuất (tức ngày 31 - 8 - 1442), lúc Nguyễn Trãi đón nhà vua về nghỉ ở Côn Sơn, khi vua tuần du và duyệt binh ở gần đấy. Khoảng bảy ngày sau, trên đường về lại Thăng Long bằng thuyền, nhà vua mất đột ngột tại vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc (nay là Bắc Giang) vào đêm mồng 4 tháng 8 (tức 07 - 9 - 1442). Rồi 19 ngày sau, ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (tức ngày 19 - 9 - 1442)  thì Nguyễn Trãi và cả gia tộc bị tai họa “tru di tam tộc” với vụ án Lệ Chi viên thảm khốc như sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Sau đó, tháng 8 ngày mồng 4 (tức ngày 07 - 9 - 1442) vua về đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6, về đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua. (…) Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 đời. Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội ấy (9).

Đây là hai bài thơ cuối đời của Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi. Cả hai bài đều tái hiện rõ cảnh thực diễn ra ở Côn Sơn và tình cảm chân thật trong mối quan hệ vua - tôi nhân cuộc tao ngộ bất ngờ đầy thú vị.

Bài thơ xướng của Lê Thái Tông với ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, thể hiện rõ cái ý như lịch sử đã ghi: nhân duyệt binh ở Chí Linh xong, nhà vua ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Đến thăm Ức Trai ở nơi này chẳng khác nào như ngày xưa vua đời Đường đến thăm nhà riêng của Bùi Độ để được ngắm mây nhàn. Tiếp theo, nhà vua ca ngợi tài năng, đức độ, của Ức Trai đã quên mình, hết lòng vì dân, vì nước trong kháng chiến cũng như khi hoà bình lập lại để xây vương triều Hậu Lê sơ cường thịnh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Cuối cùng, nhà vua muốn nhờ hoạ sư nào đó để vẽ lại cảnh đẹp thơ mộng ở Côn Sơn.  

Đáp lại tấm lòng của nhà vua, bài thơ hoạ của Ức Trai cũng chân tình xúc động không kém, qua một hệ thống ngôn từ trong sáng. Từng câu, từng lời, từng ý cụ Ức Trai đã hoạ lại rất chỉnh với bài thơ xướng, mà vẫn không làm mất đi cái tính trang nhã, quy phạm của thi pháp thơ cách luật đòi hỏi.

Đối với Lê Thái Tông, thì dù gì Ức Trai cũng là một cựu tể thần, là bầy tôi của tiên triều, từng nằm gai nếm mật thời khởi nghĩa Lam Sơn. Dù có công to vào loại nhất nhì, nhưng khi đất nước được giải phóng, Lê Thái Tổ lại nghe lời dèm pha, nghi ngờ, ít tin dùng, có lúc bị tù (1429) nên Ức Trai khó lòng trổ hết tài năng trí tuệ của mình để kinh bang tế thế. Mười năm giữ chức “thanh quan”, lòng của cụ như băng trong hồ ngọc, tuy vậy tấm lòng son của cụ vẫn hừng hực như lửa trong lò luyện linh đơn: Nhất phiến đan tâm chân hống hoả, Thập niên thanh chức ngọc hồ băng – bài Mạn hứng, kỳ nhị. Thời gian ấy, Ức Trai là cô trung giữa chốn triều đình ! Để rồi, cụ đành phải ngậm ngùi lui về Côn Sơn vui với tùng trúc cúc mai, nhưng lòng vẫn hướng về nhân dân, đất nước với niềm “tiên ưu hậu lạc”, “ Bui một tấc lòng ưu ái cũ, Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” – bài Thuật hứng, số 5. Năm 1440, lúc vừa ngoài 60, được gọi ra làm quan trở lại, cụ vẫn hăm hở xông xáo như thời trai trẻ, dù lần này chức không cao không to và vẫn chỉ là nội quan lo việc từ hàn sử sách. Thời gian này cụ vẫn ở tại Côn Sơn, khi nào có việc mới về triều đình. Nay, nhà vua đương triều đến thăm, lại có thơ cho mình, với cụ, đây là một vinh hạnh lớn, là niềm xúc động khôn nguôi. Hai câu đề đã nói rõ cảm xúc tâm trạng này:

Phảng phất quân thiên mộng kỷ hồi,

Sơn trung kinh hỷ thúy hoa lai.                        

Hai cặp thực và luận, Ức Trai thẳng thắn thành thật tâu với vua nỗi niềm, khát vọng của mình với đất nước qua những lời thơ khiêm cung:

Di châm thâm cảm tiên triều cựu,

Định sách đa tâm tá trị tài.                                

Tự hạnh nhàn thân khâu hác chí,                             

Cảm ngôn vô địa khởi lâu đài.                           

Cuối cùng là cảm xúc, là niềm mong ước, cùng khẳng định việc nhà vua đến thăm mình chẳng khác nào như “ơn mưa móc”:

Hồ sơn tao ngộ thần du lạc,                                       

Vũ lộ xuân đầm nhuận liễu mai.

Bài thơ hoạ lại đúng niêm, luật và nguyên vận của bài xướng. Cái tình của vua - tôi thật đậm đà, tri kỷ.

            Trên đây, xin được giới thiệu lại hai bài thơ của Ức Trai. Công phát hiện hai bài này là của thầy tôi: GS. Bùi Văn Nguyên (1918-2004). Tôi chỉ là người nói lại, bàn thêm và điểm bình mà thôi, cùng phục hồi nguyên tác, chú thích thêm, đính chính một chi tiết. Viết bài này, với mong muốn là các nhà nghiên cứu cần cập nhật, xiển dương những thành tựu tư liệu mà người đi trước đã dày công tìm tòi. Đó cũng là cách bổ sung thêm cho nền văn học cổ điển của cha ông ngày càng phong phú hơn.

                                                                                    Gò Vấp, cuối tháng 9 năm 2010.

CHÚ THÍCH:

(1) Hai bài thơ tặng và đáp trên, GS Bùi Văn Nguyên đã tìm thấy trong phần Di cảo Đinh Liệt của cuốn Ngọc phả họ Đinh. Sách Ngọc phả này do người con trai trưởng của Đinh Liệt là Đinh Công Đột biên soạn, sau này người cháu trực hệ nhiều đời là Đinh Quốc Bảo dịch sang tiếng Việt chữ Quốc ngữ, và GS đã công bố trong Ức Trai di tập bổ sung, Nxb KHXH, HN, 1994, trang 192 – 193. Trong công trình này, GS Bùi Văn Nguyên đã ghi chú thích như sau: “Tháng tám mùa thu năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Phả Lại, huyện Chí Linh, rồi bất ngờ ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, nhân đó nhà vua làm bài thơ tao ngộ này và Nguyễn Trãi phụng mệnh đã hoạ lại bài thơ của nhà vua”. Ghi chú về thời điểm, ở đây GS Bùi Văn Nguyên đã nhầm, bởi Đại Việt sử ký toàn thư đã chép là Mùa thu tháng 7”.

 (2) Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, khảo chứng, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972, trang 131.

Tôi xin ghi chú thêm:

1. Chùa Côn Sơn tức chùa Tư Quốc, còn gọi là chùa Hun, do thiền sư Pháp Loa tạo dựng, lúc Tư đồ Trần Nguyên Đán về đây lập động Thanh Hư. Về sau, chùa được đổi tên là Tư Phúc, đến nay vẫn giữ cái tên ấy. Năm 1980, lần đầu đến Côn Sơn, tham quan nhà thờ Tổ của chùa, chúng tôi thấy có hai ban thờ: ban giữa thờ ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm: Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang; ban bên cạnh thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi. Trước sân nhà thờ Tổ, hiện còn mộ tháp của thiền sư Huyền Quang.

2. Trong thời gian trị vì 1433 – 1442, Lê Thái Tông đã đặt 2 niên hiệu: Thiệu Bình (1434 – 1439), Đại Bảo (1440 – 1442).

(3) Lục Dã là biệt hiệu của ông Bùi Độ sống vào đời Đường, Trung Quốc.

(4) Phượng tài: tức tài phượng hoàng, chỉ Nguyễn Trãi trổ hết tài sức viết thư thảo hịch giúp vua Thái Tổ dựng nước. Theo sử liệu phong kiến, các cơ quan văn phòng chuyên lo soạn thảo các văn từ giúp cho nhà vua, như Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Hàn lâm viện… thường ở khu vực hồ Phụng hoàng, gần cung vua, do đó “phụng hoàng” trong bài thơ được dùng theo ý nghĩa này.

(5) Câu này lấy tích ông Phí Trường Phòng đi theo Hồ Công tu tập theo Đạo giáo, chui vào bầu tiên (hồ lý).

(6)  dẫn theo Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Trãi danh nhân truyện ký, NXB Văn hóa, HN, 1980; Ức Trai di tập bổ sung, NXB KHXH, HN, 1994, trang 192 – 193; Tổng tập văn học Việt Nam, tập 4, Nxb KHXH, HN, 1995, trang 200 – 201.

(7) ba chữ cuối trong câu luận 1 (câu 5), trong Ức Trai di tập bổ sung và trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 4, GS Bùi văn Nguyên ghi là 志 坵 壑 chí khâu hác, theo thiển ý, đáng lẽ phải là  坵 壑 志 khâu hác chí (cái chí để ở nơi gò hang – khâu gò đống, hác hang, hốc chứa nước) thì mới đúng niêm theo thể thơ cách luật thất ngôn bát cú luật trắc vần bằng, chữ thứ 6 phải là thanh Trắc “hác”, mà ý thơ vẫn không thay đổi, đồng thời lại đối nhau với câu dưới, còn nếu viết là  志 坵 壑 chí khâu hác thì bài thơ sẽ bị thất niêm. Mấy chữ này trong công trình Ức Trai di tập bổ sung và trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 4, GS Bùi văn Nguyên dịch “chí ở bên suối động” là dịch thoát, chứ không dịch sát nghĩa văn bản (trong phần chữ Hán ở Tổng tập trang 442 chữ “chí” được viết là (đến), có lẽ do in nhầm tự dạng, vì đồng âm). Về hai bản dịch nghĩa, chúng tôi đã dựa vào bản dịch của GS Bùi Văn Nguyên, khi đối chiếu nguyên tác, chúng tôi có sửa đổi mấy chỗ cho sát hợp với nguyên tác.

(8) dẫn theo Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Trãi danh nhân truyện ký, NXB Văn hóa, HN, 1980; Ức Trai di tập bổ sung, NXB KHXH, HN, 1994, trang 297-298-299; Tổng tập văn học Việt Nam, tập 4, Nxb KHXH, HN, 1995, trang 199-200.

(9) Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, khảo chứng, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972, trang 131.

 

 Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 5 - 2011

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666448
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10166
17595
63666448

Thành viên trực tuyến

Đang có 897 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website