Trở lại vấn đề nguồn gốc "Truyện Kiều"

MỞ ĐẦU

Trong lời tựa bản dịch Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử 金雲翹青心才子của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm có đưa ra một nghi vấn là phải chăng Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử “là của một nhà nho Việt Nam về sau đã dựa theo cuốn thơ Đoạn trường tân thanh mà soạn thảo, chứ không phải gốc ở bên Tàu.” (Tô, 1971, tr.5). Với thành quả sưu tầm, khảo cứu các văn bản còn nằm trong các văn khố trong và ngoài nước suốt mấy chục năm qua, vấn đề tưởng đã được giải quyết xong. Thế nhưng vấn đề ấy lại được đặt ra gần đây. Báo Tuổi trẻ ngày 17 tháng 9 năm 2020 có tổng thuật ý kiến của ông Lê Nghị và nhóm trình bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vào đầu tháng 8 năm 2020 với ý tưởng chung là: “Dựa vào các văn bản, chúng tôi phát hiện ra rằng Truyện Kiều mới là gốc của Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam. Rồi từ Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam người ta mới phóng tác Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc.”

Để bác bỏ những quan điểm này, trong bài viết này chúng tôi sử dụng hai nguồn tư liệu:

- Một là những tư liệu Hán Nôm của Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX đã nhắc tới Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc từ sớm và liên tục;

- Hai là, các tư liệu Nhật Bản thế kỷ XVIII-XIX cho thấy Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc đã được truyền sang Nhật từ giữa thế kỷ XVIII, được dịch ra tiếng Nhật từ trước khi Nguyễn Du ra đời và được phóng tác sau đó.

Hai nguồn tư liệu ấy sẽ chứng minh vấn đề nguồn gốc Truyện Kiều như đại đa số độc giả hiểu trước nay: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có trước và Nguyễn Du đã dựa vào đó để sáng tác nên Truyện Kiều.

 

1. KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA TRUNG QUỐC TRONG CÁC TƯ LIỆU HÁN NÔM VIỆT NAM THẾ KỶ XIX  

1.1. Nhận diện một số bản Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam hiện nay

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bìa một số bản Kim Vân Kiều truyện hiện có ở Việt Nam để người đọc làm quen với các thông tin trên ấy.

Bản Kim Vân Kiều truyện A953

Bản chép tay, hiện lưu ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bản này đã có ở Thư viện Viện Viễn đông Bác cổ từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Sau này nó được chép lại và lưu ở Thư viện Đại học Yale, Hoa Kỳ. Đây cũng là bản được Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dùng để dịch ra tiếng Việt và in phía sau quyển sách Kim Vân Kiều do Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản ở Sài Gòn năm 1971. Trang bìa ghi: Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử 金雲翹傳青心才子. Bìa 2 ghi: Quán Hoa Đường luận, Kim Vân Kiều truyện mục lục貫華堂評論金雲翹傳目録; Thanh Tâm Tài Tử biên thứ 青心才子 編次.

Bản Kim Vân Kiều R966

Bản chép tay, hiện lưu ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. Trang bìa 1 ghi: Kim Vân Kiều金雲翹, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 青心才人 編次, Quán Hoa Đường tân hành貫華堂梓行. Trang bìa 2: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện mục lục貫華堂評論金雲翹傳目録; Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 青心才人 編次.  

“Tân hành” nghĩa là khắc bản (Tân) và ấn hành (Hành).

Bản Kim Vân Kiều Thư viện Đại học Tokyo Nhật Bản

Bản này hiện lưu ở Thư viện Đại học Tokyo, bản sao lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Bản này chúng tôi được TS.Nohira Munehiro, giảng viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo sao chép gửi tặng.   

Trang bìa 1: Kim Vân Kiều金雲翹. Bìa 2: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện mục lục貫華堂評論金雲翹傳目録; Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 青心才人 編次.

Trang đầu Hồi 1: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện quyển chi nhất貫華堂評論金雲翹傳卷之一; Thánh Thán ngoại thư 聖歎外書.

Bản Kim Vân Kiều truyện của Ngũ Vân Lâu五雲

Trong bài Vài mẩu hồi ức về việc nghiên cứu Nguyễn Du và truyện Kiều Lê Thước có nhắc đến một bản Kim Vân Kiều của nhà in Ngũ Vân Lâu như sau:

“Mùa hè năm 1923 chúng tôi đã tìm được cuốn Kim Vân Kiều truyện có đề: Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Xét theo nội dung của hai truyện, chúng tôi khẳng định được rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bắt nguồn từ quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và đã có căn cứ để bác cái giả thuyết của báo Nam phong cho rằng Nguyễn Du đã phỏng theo lời chép trong sách Ngu sơ tân chí. Cũng nên nói rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện mà chúng tôi đã tìm được hiện giờ ở Trung Quốc hầu như không có, khổ giấy 0m22x16, in hàng 10, mỗi dòng 25 chữ, chép bằng lối văn bạch thoại.” (trích trong Lê, 2007, tr.566)

Đi vào chi tiết từng quyển: Quyển 2, 3 đầu các quyển có ghi: “Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ”. Riêng quyển 4 đề: “Ngũ Vân Lâu五雲樓 bình luận, Kim Vân Kiều truyện, Quyển chi tứ, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ.” (Dương Quảng Hàm, trích trong Lê, 2007, tr.573)   

Trong một số bản Kim Vân Kiều truyện in ở Trung Quốc còn có bài tựa của Thiên Hoa Tàng chủ nhân天華蔵主人.

Trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn có 2 quyển Kim Vân Kiều truyện nữa ký hiệu VHv.1396/1-2, VHv.281/1-2 là hai bản sao lại từ sách của nhà in Khiếu Hoa Hiên嘯花軒 (Trung Quốc), quyển đầu do Nguyễn Đức Ngột Thái Phong sao, quyển sau không có tên người sao (Trần, 2004, tr.101), (Trần, 1990, tr.146-147). 

Từ các văn bản trên, ta có thể rút ra một số lưu ý:

- Nhan đề: Phổ biến nhất là Kim Vân Kiều truyện (bản A953, bản Ngũ Vân Lâu), Kim Vân Kiều (bản ký hiệu R966, bản Đại học Tokyo Nhật Bản)

- Vai trò của Thanh Tâm Tài Nhân: “Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ” cho thấy Kim Vân Kiều đã được sáng tác từ trước, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là người “biên thứ” nghĩa là diễn giải ý nghĩa (Biên) và trình bày thứ tự (Thứ), nói chung là việc biên tập chỉnh lý, chia ra 20 hồi. Quyển A953 đề là Thanh Tâm Tài Tử, có ý kiến nói là viết lầm (Dương, 1941, 24), nhưng theo tôi người Việt Nam đã đổi có chủ ý. Lý do: “Tài nhân” 才人có 2 nghĩa: một là Tài tử, hai là một chức vị của cung phi. Ở Trung Quốc đến đời Thanh nghĩa thứ hai không dùng nữa, trong khi ở Việt Nam đời Nguyễn nghĩa ấy vẫn còn, đó là cung phi bậc thứ 9/9. Để khỏi lầm với danh hiệu cung phi, người Việt đã đổi “Tài nhân” 才人thành “Tài tử” 才子 với nghĩa người làm văn chương nghệ thuật.

- Vai trò của Kim Thánh Thán: Các bìa đều đề “Quán Hoa Đường bình luận”, “Thánh Thán ngoại thư”. Quán Hoa Đường là tên thư viện Kim Thánh Thán (1608-1661), người thời Minh mạt Thanh sơ, người ta mặc nhiên coi Kim Thánh Thán là người phê bình, thậm chí coi đó là sách của Thánh Thán (Thánh Thán ngoại thư). Thực ra chuyện ấy không có thật, mà chỉ là mượn danh Thánh Thán để bán sách.

Xem 6 tập Kim Thánh Thán toàn tập 金聖嘆全集 (Kim, 2008) thì thấy trước tác của Kim Thánh Thán có 3 loại: (1) “Thánh Thán ngoại thư” tức là các sách bình luận văn chương tài tử và những tác phẩm kinh điển mà ông yêu thích, đó là: Đệ tứ tài tử thư (Đỗ thi giải), Đệ ngũ tài tử thư (Thủy hử truyện), Đệ lục tài tử thư (Tây sương ký), Đường tài tử thư, Tất độc tài tử thư, Tả truyện thích, Cổ truyện giải (20 bài), Thích Tiểu nhã (7 bài), Mạnh Tử giải, Âu Dương Vĩnh Thúc từ (20 bài). (2) “Thánh Thán nội thư” bao gồm các sách bình chú kinh Phật, kinh Dịch, sách Trang Tử như: Pháp hoa bách vấn, Tây vực phong tục ký, Pháp hoa tam muội, Chu dịch nghĩa lệ toàn sao, Nam hoa kinh sao... (3) “Thánh Thán tạp thiên” chủ yếu sưu tập các sáng tác của ông. Trong các trước tác của Thánh Thán không có quyển nào sáng tác, biên tập, bình luận Kim Vân Kiều truyện. Vì vậy hàng chữ “Kim Vân Kiều truyện, Quán Hoa Đường bình luận, Thánh Thán ngoại thư” chỉ là ngụy thư, tương tự như sách giả Tam quốc chí Thánh Thán bình luận (Thánh ).  

- Vai trò của Thiên Hoa Tàng chủ nhân天華蔵主人: Thiên Hoa Tàng chủ nhân là tác giả của tiểu thuyết thông tục rất nổi tiếng: Túy Bồ Đề toàn truyện 醉菩提全傳. Ông sống vào cuối đời Minh đầu đời Thanh, cùng thời với Thanh Tâm Tài Nhân - có thuyết nói ông chính là Thanh Tâm Tài Nhân (Charles, 2016, tr.269). Thiên Hoa Tàng chủ nhân là người đề tựa Kim Vân Kiều truyện (có một số truyền bản không có lời tựa này).

- Ngoài ra còn có tên nhà in, nhà bình luận là “Ngũ Vân Lâu” (bản Ngũ Vân Lâu mà Lê Thước - Phan Sĩ Bàng sử dụng), nhà in Khiếu Hoa Hiên嘯花軒 (in bản Kim Vân Kiều truyện lưu ở Thư viện Bắc Kinh, và bản sao có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1396/1-2, VHv.281/1-2 nói ở trên).

1.2. Các nhà nho Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX nói về Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều

(1) Vương Thúy Kiều truyện王翠翹傳, 1779

Theo lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, ở Viện Văn hóa Trung bộ có lưu một bản Vương Thúy Kiều truyện mà ông từng đọc ở thư viện nhà thờ Quận vương Tôn Thất Hân ở Huế. Ngoài bìa ghi: “Vương Thúy Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản - Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản”. Nguyễn Thạch Giang viết tiếp: “Bản này là bản sao lại bản gốc chép tay vào năm Long Phi, Kỷ hợi (1779), Cảnh Hưng thứ 40. Bản sao trên khổ giấy 14x24 gồm 67 tờ tóm tắt thật đầy đủ 20 hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, liền một mạch.” (Nguyễn&Trương, 2000, tr.16). Nhà nghiên cứu phỏng đoán: có lẽ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được Nguyễn Huy Oánh mang về cùng nhiều sách Trung Quốc khác trong chuyến đi sứ năm 1765-1766. Nếu tư liệu này chính xác thì có thể coi Vương Thúy Kiều truyện王翠翹傳 1779 là tư liệu Việt Nam sớm nhất nhắc đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

(2) Vũ Trinh 武楨 (1752-1827):

Vũ Trinh (1752-1827), tác giả Lan Trì Kiến văn lục, anh rể Nguyễn Du, đồng thời cũng là nhà bình điểm Truyện Kiều nổi tiếng. Trong bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện của Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập (1870), tờ 1a có nhắc đến Kim Thánh Thán phê bình Kim Vân Kiều truyện: “Đỗng khốc cổ nhân, lưu tặng hậu nhân - Thánh Thán bút dã  古人、留贈後人、聖嘆筆也” (Khóc thảm người xưa, để tặng người sau - Đó là lời phê bình của Thánh Thán). Tức là khi phê bình Truyện Kiều, Vũ Trinh đã trích dẫn sách Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Thánh Thán (Quán Hoa Đường) bình luận nói ở trên. Lời bình này cũng được nhóm tác giả Trần Thị Băng Thanh, Phạm Tú Châu, Phạm Ngọc Lan đưa vào sách Vũ Trinh và Lan Trí Kiến văn lục (Trần&Phạm, 2018, tr.319) 

(3) Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) :

Trong Bài tựa Truyện Kiều viết vào tháng 2 năm Canh thìn, niên hiệu Minh Mạng (1820), Mộng Liên Đường chủ nhân cho thấy người xưa coi chuyện Truyện Kiều sáng tác từ sách Trung Quốc là điều không phải bàn: Truyện Thúy Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không cần bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi, Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy.” (Trần, dịch, 1925, tr.48).

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy ở Trung Quốc có sách nào có tên “Phong tình lục”, nên cho rằng đây chỉ là danh từ chung gọi các sách về tình yêu nam nữ. Cũng có người gọi tắt Kim Vân Kiều truyện thành Phong tình lục (Trần, 2004, tr.105, 163-164).   

(4) Nguyễn Văn Thắng (? - 1835):

Nguyễn Văn Thắng đậu Tiến sĩ năm 1826, làm quan đến chức Tham hiệp tỉnh Thanh Hóa, sau bị vu oan mà bị cách chức và hạ ngục năm 1830. Trong tù ông làm Kim Vân Kiều án (xử án các nhân vật trong Truyện Kiều/ Kim Vân Kiều). Bài tựa sách ấy có đoạn:

“Ta sinh không đúng thời, không được học rộng. Từng nghe về truyện quốc ngữ Kim Vân Kiều, thì xưa ở Bắc quốc có nhà Ngũ Vân Lâu đã khắc bản thực lục mà ngày nay được thấy khắp nơi. Sách đến nước ta có quan Đông Các đã kể lại diễn ra quốc âm, truyền khắp trong nước, đọc lên như thấy nguyên truyện.” (Hoàng, 2016, tr.38, tham chiếu 金雲翹案 Kim Vân Kiều án, ký hiệu R.1856, Thư viện Quốc gia Việt Nam).

Như vậy từ năm 1830 Nguyễn Văn Thắng đã cho biết ngoài truyện quốc ngữ (Nôm) Kim Vân Kiều còn có bản Kim Vân Kiều của Trung Quốc do nhà Ngũ Vân Lâu khắc in (lưu ý: từ “thực lục” trong bài tựa trên, không nên hiểu là tên sách, mà có nghĩa là sách thực, sách gốc). Bản nhà in Ngũ Vân Lâu nói ở đây chính là bản “Kim Vân Kiều truyện, Quán Hoa Đường bình luận, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ”, đầu quyển 4: “Ngũ Vân Lâu五雲樓 bình luận, Kim Vân Kiều truyện, Quyển chi tứ, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ.” Quyển này Lê Thước - Phan Sĩ Bàng đã đọc từ năm 1923, Dương Quảng Hàm cũng từng đề cập đến, và chúng tôi đã liệt kê ở phần đầu bài viết này (Kim Vân Kiều truyện bản Ngũ Vân Lâu).

(5) Vua Minh Mạng (1791-1841):

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua mở cuộc bình Kiều quy mô đầu tiên quy tụ nhiều văn thần tài giỏi. Đích thân nhà vua viết bài Tổng thuyết. Bài viết được các quan thừa chỉ ở Viện Hàn lâm chép lại thành một tập thơ văn vào trung tuần tháng 8 năm Canh Thìn (1830). Đến đầu thế kỷ XX nó còn được chép lại trong tập Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề vịnh tập biên (Bản chép những bài của các vua sáng tôi hiền xưa nay đề vịnh Truyện Kiều/ hay truyện Thanh Tâm Tài Tử) sưu tập tác phẩm đề vịnh Kiều từ Minh Mạng, Hà Tông Quyền đến Nguyễn Khuyến. Như nhan đề tuyển tập, các nhà nho Việt Nam thời xưa không phân biệt kỹ lắm giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (hay Thanh Tâm Tài Tử như chúng tôi đã nói ở đầu). Bài Tổng thuyết viết theo thể phú, cuối bài có đoạn:  

     Thánh Thán bất phùng, hán yên tán mạn,

     Hoa Đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều.

     Sở đương mịch kỳ di biên, cáo chư đồng chí;

     Truyền thần tả chiếu, ly tảo trích hoa.

Dịch:

Thánh Thán đâu còn, khói tàn man mác;

Hoa Đường đã vắng, vách cũ tiêu điều.

Phải nên tìm lại sách xưa, tỏ cùng đồng chí;

Truyền thần tả ảnh, hoạ vẻ thêu hoa.

(Võ Khắc Triển và Lê Thước dịch) (Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2016: 46, 48)

“Thánh Thán” nói ở trên tức là cuốn Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Thánh Thán ngoại thư nói ở trên. “Hoa Đường” là bản Kim Vân Kiều tân truyện do Hoa Đường Phạm Quý Thích đề tựa và tương truyền do ông đưa đi khắc in ở phố Hàng Gai. Ý cả câu là các bản Kim Vân Kiều truyện Kim Vân Kiều tân truyện đã lâu không ai để ý nữa, đã mục nát, tàn khuyết, nên ta mới phải tìm lại sách xưa mà tô điểm, trang trí và cho khắc in lại.  

(6) Vua Tự Đức (1829-1883):

Cũng như vua Minh Mạng, Tự Đức thường mở các cuộc bình vịnh Kiều. Tháng 3 năm Tân mùi (1871) nhà vua mở một cuộc ngâm vịnh Kiều ở Phú Văn Lâu. Tại đây ông có công bố bài Tổng từ mà sau này có nhan đề chính thức là Dực Tông Anh Hoàng đế ngự chế Tổng từ:

1. Hương phố yên ba tam nguyệt thiên

Phần lô nhàn độc Thanh Tâm biên

Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước

Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền.

2. Cận lai danh sơn phong vũ thực,

Hoa Đường bình bản vô lưu truyền.

Thích Kim đài các thừa nhàn hạ

Bất nhẫn giai thoại không hàn yên.

3. Ngẫu ư cổ lục đắc toàn giản,

Truyền nhân tả chiếu tương trùng thuyên.

Trích ba li tảo phân đề vịnh

Nhị thập hồi trung mặc thái nghiên

(...)

15. Bình Khang ký hận Khốc Hoàng thiên

Phòng tống cầm thanh thư chẩm biên.

(…)

16. Mã Xương bất cập Hoa Dương trí

Từ hàng phong định độ mê xuyên.

(…)

Dịch:

1.  Trên sông Hương tháng Ba một buổi

Truyện Thanh Tâm ngồi rỗi ngâm nga

Truyện này Thánh Thán soạn ra

Diễn thơ lục bát nước ta Tiên Điền.

2. Trải lắm độ triền miên mưa gió,

Tập Hoa Đường còn có nữa đâu.

Gặp khi rỗi rãi trên lầu,

Truyện hay nhẽ để về sau tro tàn.

3. Xét tủ cũ may còn trọn tập,

Họa đồ hình định rắp đem in,

Gấm hoa đề vịnh từng thiên,

Hai mươi hồi nét mực tiên sáng ngời.

(...)

15. Xóm Bình Khang sớm trưa nuốt hận,

Tiếng thơm bay đến tận thư phòng.

(...)

16. Kém Hoa Dương mụ đành chịu thiệt,

Để thuyền từ giã biệt sông mê. (Nguyễn, 1973, tr.379-390)

Đoạn mở đầu bài Tổng từ, Tự Đức đã nói rõ: vào tháng 3 trên sông Hương tôi đọc sách “Thanh Tâm”, sách này do Thánh Thán viết ra (tức Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư, Thánh Thán (Quán Hoa Đường) bình luận), và Nguyễn Tiên Điền nước ta diễn âm. Qua thời gian, thời tiết mưa gió, hiện trong cung đình bản Kim Vân Kiều tân truyện do Phạm Quý Thích đề tựa và khắc in không còn nữa. Nhân lúc rỗi rãi tôi có lên lầu lục tủ cũ, may còn thấy một quyển còn trọn bộ, bèn cho họa sĩ vẽ lại, đem in. Có thơ đề vịnh 20 hồi rất đẹp. Như vậy 20 hồi thì không thể là Truyện Kiều của Nguyễn Du được mà là Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư.   

Khổ 15 viết “Bình Khang ký hận Khốc Hoàng thiên” (Ở lầu xanh gửi nỗi uất hận trong bài Khốc Hoàng thiên). Việc làm bài thơ Khốc Hoàng thiên (Khóc Trời cao) trong Truyện Kiều của Nguyễn Du hoàn toàn không có, nhưng trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì có, đó là hồi 11: “Khốc Hoàng thiên Bình khang ký hận; Tuý phong lưu Kim ốc mưu Kiều” (Khóc Hoàng thiên Bình Khang đành gửi hận; Say phong nguyệt nhà vàng mưu lấy Kiều). Trong hồi này có bài Khốc Hoàng thiên của Thúy Kiều dài gần 50 câu.

Khổ 16 viết: “Mã Xương bất cập Hoa Dương trí/ Từ hàng phong định độ mê xuyên” (Kém Hoa Dương mụ đành chịu thiệt/ Để thuyền từ giã biệt sông mê). Nếu chỉ đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du thì sẽ thấy rất lạ, không hiểu chuyện gì, nhưng nếu đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì sẽ thấy đó chính là hồi 12: “Vệ Hoa Dương trí phục Mã Xương; Thúc Sinh viên hỷ liên Vương mỹ” (Vệ Hoa Dương dùng trí lừa họ Mã; Thúc Kỳ Tâm vui mừng cưới nàng Vương). Nhân vật Vệ Hoa Dương đã giúp cho Thúc Sinh mưu kế kiện Mã Giám Sinh - Tú Bà tội lừa con gái nhà lành vào lầu xanh. Nhân vật này trong Truyện Kiều bị lược bỏ, Nguyễn Du cho Thúc Sinh sắp xếp kiện luôn. Diễn tiến hồi 12 Kim Vân Kiều truyện được Nguyễn Du tóm lại chỉ còn có mấy câu: 

Mượn điều trúc viện thừa lương,

Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.

Chiến hòa sắp sẵn hai bài,

Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.

Bắn tin đến mặt Tú bà,

Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.

Rõ ràng của dẫn tay trao,

Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.

Công tư đôi lẽ đều xong,

Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

Một nhà sum họp trúc mai,

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

(Nguyễn&Trương, 2000, tr.169-170)

Đọc bài Tổng từ của Tự Đức thì thấy rất rõ, mặc dù xuất phát từ yêu thích Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng vua Tự Đức viết về Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Thánh Thán ngoại thư 20 hồi.

Còn một số bài viết của các nhà nho nữa như Đào Nguyên Phổ, Chu Mạnh Trinh... cho thấy các vị đã đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và biết rõ Truyện Kiều được sáng tác từ bản nền này([1]).   

Qua các tư liệu của các nhà nho thế kỷ XVIII-XIX có thể nói: từ Vũ Trinh đến vua Tự Đức ai cũng đã biết đến một bản Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư với 20 hồi. Các vị ấy ai cũng yêu mến Truyện Kiều nôm của Nguyễn Du, nhưng khi thi vịnh Kiều, thì lại không phân biệt rõ bản chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân với bản chữ Nôm của Nguyễn Du.

 

2. KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA TRUNG QUỐC Ở NHẬT BẢN

2.1. Thông tin sớm nhất về Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản và “Thanh bản” Kim Vân Kiều truyện (1754)

Ở Nhật Bản Kim Vân Kiều được nhắc đến đầu tiên trong Thương bạc tải lai thư mục商舶載来書目(Mục lục sách được thương thuyền chở đến Nhật) vào năm Bảo Lịch thứ 4 (1754), như GS.Isobe Yuko viết: “Phong tục Kim ngư truyện là truyện phóng tác từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, người ta còn thấy tên cuốn sách này trong Thương bạc tải lai thư mục商舶載来書目(Mục lục sách được thương thuyền chở đến Nhật) vào năm Bảo Lịch thứ 4 (1754). (Isobe, 2004).

Chúng tôi muốn xem Thương bạc tải lai thư mục ghi tên sách Kim Vân Kiều cụ thể thế nào, bèn nhờ TS.Nohira Munehiro, Giảng viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo tìm thư mục ấy ở Nhật Bản. Sau một thời gian tìm tòi ở thư viện, TS.Nohira đã gửi cho chúng tôi bản thư mục trên. Trong bảng kê sách nhập khẩu vào Nhật Bản năm Giáp Tuất, Bảo Lịch thứ 4 (1754) có các sách sau: “Ngự toản tính lý tinh nghĩa 御纂性理精義- một bộ một bao ( sáo); Hạnh hoa thiên 杏花天- một bộ 4 quyển; Kim Vân Kiều 金雲翹- một bộ 4 quyển.” (Osamu, 1967, tr.717).

20210723

H1: Thương bạc tải lai thư mục, Hàng dưới cột 8 (phải qua trái) có nhan đề Kim Vân Kiều (Bảo Lịch năm 4 Giáp Tuất 1754)

 

Quyển Kim Vân Kiều này còn không?

Ở Thư viện Đông dương nghiên cứu sở, thuộc Đại học Tokyo còn lưu giữ bản Kim Vân Kiều cổ. Linh mục Vũ Đình Trác khi tiến hành làm luận án tiến sĩ Triết lý nhân bản Nguyễn Du ở Đại học Jochi, Tokyo, từ năm 1971-1973 cho biết ở Nhật Bản có lưu trữ một bản Kim Vân Kiều truyện cổ in mộc bản:

“Bản này chia thành 4 quyển, 20 hồi, 140 trang kép tức 240 trang đơn, mỗi trang trung bình 250 chữ. Trên đầu mỗi quyển có ghi: “Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 貫華堂評論, 金雲翹傳, 聖歎外書, 青心才人 編次. Nguyên ấn mộc bản đó hiện lưu tại Quốc lập công văn thư quán Nhật Bản Tokyo, tức Nội các văn khố hay Thư viện Quốc hội Nhật Bản và tại thư viện Đông dương nghiên cứu sở, thuộc Đại học đế quốc Đông Kinh. (…) Được biết tài liệu này du nhập vào Nhật Bản trên 200 năm nay, tức đầu niên hiệu Bửu Lịch Nhật Bản, cũng là đầu niên hiệu Cảnh Hưng tại Việt Nam. (…) Trong thư mục của văn khố, người ta ghi nhận: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc Thanh đại Trung Quốc” (Vũ, 1973, tr.578-579)

Bản Kim Vân Kiều ấy có thể chính là bản được nhập vào Nhật Bản năm 1754 mà Thương bạc tải lai thư mục đã ghi nhận, đó là một trong những quyển Kim Vân Kiều cổ nhất thế giới hiện còn.

Để tìm bản Kim Vân Kiều này, chúng tôi lại nhờ TS.Nohira. Một thời gian sau, TS.Nohira đã gửi chúng tôi bản sao quyển Kim Vân Kiều ấy. Thông tin thư mục sách trên có thể tra dễ dàng ở thư viện Đại học Tokyo: Đông dương văn hóa Nghiên cứu sở sở tàng Hán tịch mục lục東洋文化研究所所蔵漢籍目録: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện貫華堂評論金雲翹傳, 4 quyển 20 hồi. Bản in đời Thanh (Thanh san bản清刊本). (Đường link: http://www3.ioc.u-tokyo.ac.jp/kandb.html). Ngoài bìa đề: “Kim Vân Kiều”, Ký hiệu thư viện: Song Hồng Đường văn khố, Tiểu thuyết, 69. Trang 1: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện mục lục. Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Tên sách chỗ gấp tờ giấy chỉ có Kim Vân Kiều (không phải Kim Vân Kiều truyện).

20210723 2

H2: Trang đầu bản Kim Vân Kiều, Song Hồng Đường văn khố - 69, lưu ở Đông dương văn hóa Nghiên cứu sở, Thư viện Đại học Tokyo

Đầu hồi 1: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện quyển chi nhất. Thán Thán ngoại thư. Đệ nhất hồi: Vô tình hữu tình mạch lộ điếu Đạm Tiên; Hữu duyên vô duyên phách không ngộ Kim Trọng.

Toàn bộ có 147 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng, mỗi dòng 25 chữ. Sách in mộc bản, chữ khá vụng cho thấy đã được xuất bản vào những thế kỷ trước, không phải loại mộc bản khắc đẹp hay thạch bản sắc nét của giai đoạn sau. Sách mất tờ 2a và 2b. Sách có 4 quyển, 20 hồi. Tên cụ thể các hồi giống hệt như bản Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân biên thứ lưu ở Việt Nam đã nói ở mục 1.1.

2.2. Bản dịch Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện (1763) của Nishida Korenori

9 năm sau được nhập vào Nhật Bản như Thương bạc tải lai thư mục (1754) ghi nhận, năm 1763 Kim Vân Kiều truyện được dịch ra tiếng Nhật. Đó là bản Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện (Kim Kiều truyện thông tục có tranh minh họa), dịch giả là Nishida Korenori. Bản này hiện đang lưu giữ ở Thư viện Đại học Tenri天理図書館, tỉnh Nara.

20210723 3

H3-4: Hai trang mục lục “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện”, Nishida Korenori dịch (1763), ký hiệu: 923/369 Thư viện Đại học Tenri (tên các hồi y hệt như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân).

Đó là quyển sách đã rất cũ, bìa dạng như bằng giấy phất cậy của các sách Đông Á cổ, trong ruột là giấy bản của Nhật rất bền và đẹp. Sách photo khổ A3, 162 tờ, mỗi tờ 2 trang (kể cả trang nguyên tác trắng), vậy là 324 trang khổ 16 cm x 28 cm. Sách dịch ra tiếng Nhật dùng chữ Hán Nhật lẫn với chữ Katakana (chữ phiên âm cứng), in bằng mộc bản, mỗi trang 11 hàng, mỗi hàng 21 chữ. Tổng cộng có 20 tranh minh họa theo phong cách Trung Hoa cổ, mỗi hồi một bức.

Bìa ngoài đề “Thông tục Kim Kiều truyện” 通俗金翹傳, ký hiệu thư viện: 923/369.

Trang trong đề: “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện” 繡像通俗金翹傳(Kim Kiều truyện thông tục có tranh minh họa).

Toàn bộ tác phẩm chia ra làm 7 sách (tập sách) với 5 quyển (quyển 1 và 5 chia ra làm Thượng-Hạ nên thành 7 sách), tổng cộng 20 hồi.

Sách 1 (Quyển 1 thượng, gồm Hồi 1 và 2); Sách 2 (Quyển 1 hạ, gồm Hồi 3, 4):

Hồi 1: Vô tình hữu tình mạch lộ điếu Đạm Tiên; Hữu duyên vô duyên phách không ngộ; Hồi 2: Vương Thuý Kiều toạ si tưởng mộng đề đoạn trường từ; Kim Thiên Lý hễ đông tường dao định đồng tâm kết; Hồi 3: Lưỡng ý kiên, Lam kiều hữu lộ; Thông tiêu lạc, bạch bích vô hà; Hồi 4: Hiếu niệm thâm nhi thân khả xả, bất nhẫn tông luân; Nhân duyên đoạn nhi tình nan vong, do tư muội tục… 

Tờ 4b bắt đầu Hồi 1: Ở Bắc Kinh có người họ Vương tên Tùng, tự Tử Trinh. Vợ họ Hà. Gia tư thuộc hạng trung bình. Tính tình hiền lành. Có ba con, con gái đầu là Thúy Kiều, kế đến là con trai tên là Vương Quan; con gái út là Thúy Vân (…)”.

Sách 3 (Quyển 2), Sách 4 (Quyển 3), Sách 5 (Quyển 4), từ tờ 91, gồm 4 hồi từ hồi 13 đến hồi 16, Sách 6 (Quyển 5 - thượng), từ tờ 116, gồm 2 hồi từ hồi 17 đến hồi 18, Sách 7 (Quyển 5 - hạ), từ tờ 145, gồm 2 hồi từ hồi 19 đến hồi 20: Hồi 19: Giả chiêu an Minh Sơn vẫn mạng; Chân đoạn trường Thuý Kiều tiêu kiếp; Hồi 20: Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn; Vương Thuý Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện.

Mấy dòng cuối truyện:

“Thúy Kiều từ đấy có danh kết duyên vợ chồng với Kim Trọng, mà không kết mộng chung giường, giữ thân trong sạch. Đàn ca gia đình vui vẻ. Cho đến nay câu chuyện vẫn được lưu truyền.”

Trang cuối (tờ 161) ghi những thông tin xuất bản:

“Bảo Lịch thập tam niên, Quý Mùi chinh nguyệt cát 寶暦 十三年癸未正月吉

Nhiếp Giang Đằng Ốc Di Binh Vệ 摂江藤屋弥兵衛, đồng Cát Văn Tự Ốc Thị Binh Vệ Môn 吉文字屋市兵衛門, Đông Vũ Thứ Lang Binh Vệ 東武次郎兵衛”

(Dịch: Ngày tốt tháng Giêng năm Quý mùi, niên hiệu Bảo Lịch thứ mười ba (1763). Nhiếp Giang Đằng Ốc Di Binh Vệ cùng Cát Văn Tự Ốc Thị Binh Vệ Môn, Đông Vũ Thứ Lang Binh Vệ xuất bản).  

Trong một số công trình nghiên cứu khác cũng có nói đến cuốn sách này:     

Trước hết là Trần Ích Nguyên/ Chen Yi Yuan, GS.Đại học Cheng Kung (Thành Công), Đài Loan. Trong công trình Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, ông viết:

“Ở Nhật Bản sự truyền bá và ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện rất rõ rệt. Bách tải thư mục 舶載書目 (thư mục sách do thuyền chở sang) của Nhật Bản có ghi năm Mậu Tuất, năm thứ tư Bảo Lịch (năm 19 niên hiệu Càn Long đời Thanh, 1754) chở Kim Vân Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 1 bộ, gồm 4 quyển 4 bản. Mười năm sau (năm 13 Bảo Lịch, 1763) Tây Điền Duy Tắc (Nishida Korenori) đã dịch sang Nhật văn và xuất bản dưới tên Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện (Truyện Kim Kiều thông tục có tranh minh họa) gồm 5 quyển. Bản dịch ra tiếng Nhật này sau đó bị nhà văn lớn là Khúc Đình Mã Cầm (vốn tên là Long Trạch Hưng Bang, 1767-1848) phê bình là “có hiềm nghi truyền bá dâm phong, chiều theo thị hiếu đương thời, làm tổn thương giai nhân, xúc xiểm dâm dục”, thế là ông dựa vào quan niệm truyền thống của Nhật Bản bỏ đi những phần mà ông cho là có hại tới phong hóa, cải biên toàn diện thành bộ tiểu thuyết Nhật Bản Phong tục Kim ngư truyện.” (Trần, 2004, tr.258).

Isobe Yuko 磯部祐子, Giáo sư người Nhật chuyên nghiên cứu văn học cổ điển Đông Á, trong tham luận Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc - trường hợp K.Bakin 中国才子佳人小説の影響 - 馬琴の場合đăng Kỷ yếu của Đại học Takaoka, quyển 18 tháng 3 năm 2003 có viết: 

“Phong tục Kim ngư truyện là truyện phóng tác từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, người ta còn thấy tên cuốn sách này trong Thương bạc tải lai thư mục商舶載来書目(Mục lục sách được thương thuyền chở đến Nhật) vào năm Bảo Lịch thứ 4 (1754). Sau khi Kim Vân Kiều truyện đến thành phố Edo nó được dịch thành tiểu thuyết Thông tục Kim Kiều truyện通俗金翹伝. Sách do Thanh Tâm Tài Nhân người đời Thanh biên thuật, Nishida Korenori dịch, Nhiếp Giang Đằng Ốc Di Binh Vệ, cùng Cát Văn Tự Ốc Thị Binh Vệ Môn, Đông Vũ Thứ Lang Binh Vệ xuất bản vào năm Bảo Lịch thứ 13 (1763). Bên ngoài đề “Thông tục Kim Kiều truyện”, Mục lục đề “Tú tượng Thông tục Kim Kiều truyện”, có 5 quyển 6 sách.” (Isobe, 2003)       

Hiện nay thông tin về cuốn Thông tục Kim Kiều truyện có thể tìm dễ dàng trên mạng. Vào trang web Thư viện Tenri天理図書館 có thể thấy thông tin thư mục như sau:

通俗金翹傳 5巻 / [西田維則譯]

巻之1上 - 巻之5下. - 攝江 : 藤屋弥兵衛 : 吉文字屋市兵衛. - 東武 :            [吉文字屋]次郎兵衛 , 宝暦13 [1763]

(Dịch: Thông tục Kim Kiều truyện, 5 quyển, Nishida Korenori dịch, từ Quyển chi nhất thượng đến Quyển chi ngũ hạ; Nhiếp Giang Đằng Ốc Di Binh Vệ - Đông Vũ [Cát Văn Tự Ốc] Thứ Lang Binh Vệ, năm Bảo Lịch thứ 13 (1763)) (Nguồn: https://tclopac.tenri-u.ac.jp/opac/opac_search/).

Xem các thông tin về văn bản trên, ta thấy:

  1. Thông tục Kim Kiều truyện đúng là sách dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) thể hiện qua tên 20 hồi, do các đoạn mở đầu kết thúc mà chúng tôi đã giới thiệu (dù có chỉnh sửa chút ít theo quan niệm và sở thích của người Nhật).
  2. Năm xuất bản: 1763. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản thì đây là cuốn dịch đầu tiên Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hiện còn.

2.3. Bản phóng tác Phong tục Kim ngư truyện (1829) của Kyokutei Bakin  

Phong tục Kim ngư truyện 風俗金魚傳 (gọi tắt là Kim ngư truyện), tức Truyện cá vàng (phong tục) được Kyokutei Bakin 曲亭馬琴 (1767 – 1848), nhà văn của thể loại Yomihon (độc bản, truyện có kèm theo tranh) rất nổi tiếng thời Edo, sáng tác vào khoảng năm 1828 – 1829 và cho xuất bản một năm sau đó: năm 1829 – 1830 [H5]. Theo như trang bìa Quyển 3 (Thượng biên) Bakin đã phóng tác ra tác phẩm này từ Thông tục Kim Kiều truyện do Nishida Korenori (? – 1765), xuất bản vào năm 1763, chứ không phải trực tiếp từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lời tự đề tựa cuốn Kim ngư truyện xuất bản năm Văn chính thứ 12 (1829) cũng khẳng định như thế:

“Nhà xuất bản Cẩm Lâm (Sâm?)[2] Đường mới đây đề nghị tôi làm cuốn sách này vì rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện do người Thanh (Trung Quốc) viết thì có bản dịch thông tục ra đời vào năm Quý mùi Bảo Lịch triều đình nhà Tokugawa (năm 1763), và xem thì tốt nhưng chưa lưu hành trong giới đàn bà trẻ con, bởi vì bản dịch tiếng Nhật không hay, bị gò ép vào bản gốc chữ Hán, chưa có nét đặc sắc của mình. Bảo tôi cứ phỏng theo bản dịch này mà viết lại thành bản mới có nội dung về xứ này cũng như cuốn Khuynh thành Thủy hử của tôi, muốn nhờ tôi khắc gỗ làm sách, và muốn tôi nhận lời, vì lời nói đó có lý có lẽ nên tôi làm ra cuốn sách này” (Kawaguchi, 2015, tr.465-466).

20210723 4

H5: Bìa Phong tục Kim ngư truyện của K.Bakin, bản in của nhà Moriya, 1829 (Tư liệu Thư viện Đại học Waseda)

20210723 5

H6: Lời tự đề tựa cuốn Kim ngư truyện xuất bản năm Văn chính thứ 12 (1829) cho biết: Kim ngư truyện là tác phẩm phóng tác theo Thông tục Kim Kiều truyện (năm 1763) - bản dịch tiếng Nhật tác phẩm Kim Vân Kiều truyện do người Thanh (Trung Quốc) viết.

Về văn bản Kim ngư truyện, hiện nay có 2 loại văn bản: bản cổ thời Edo và bản in chữ rời từ thời Minh Trị trở đi.

Bản cổ thời Edo có 3 truyền bản: (1) Bản viết tay của Kyokutei Bakin ở Đông Dương văn khố (Tokyo); (2) Bản nhà in Moriya xuất bản lần thứ nhất. Sách do Utagawa Kuniyasu vẽ tranh, Moriya Jihee xuất bản, Văn chính 12-13 (1829-1830). Đây có lẽ là bản khắc in đầu tiên theo bản thảo thủ bút của Bakin (lưu ở Đông dương văn khố đã nói ở trên). Bản này hiện đang lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, có lẽ chỉ còn phần Thượng biên 8 quyển. (3) Bản nhà Moriya tái bản, nhà Daikokuya phát hành. Tái bản thành 5 quyển, in trong 3 năm Đinh dậu, Mậu tuất và Kỷ hợi (1837, 1838, 1839). Bản này hiện lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, Thư viện Đại học Waseda và nhiều thư viện khác.

Các bản in thời Minh Trị về sau: Hiện nay Thư viện Quốc hội Nhật Bản đang lưu giữ tất các các bản in Kim ngư truyện từ Minh Trị trở lại đây. Hiện tổng cộng có 3 bản in: (1) Bản 1886 của Nhà xuất bản Jiyukaku自由閣, dày 183 trang; (2) Bản 1888 của Nhà xuất bản Tokyoya東京, một năm sau (1889) sách này được Ngân Hoa Đường/ Ginkado銀花堂tái bản; (3) Bản 1900 - 1901 và 1998 của Nhà xuất bản Bác Văn quán博文館xuất bản, Tokyo, 1900 - 1901. Sách nằm trong bộ Tục Đế quốc văn khố. Bản này đã được tách riêng ra và in vào năm 1998. 

Kim ngư truyện là tác phẩm phóng tác nên chỉ giữ cốt truyện chính, còn bối cảnh câu chuyện, tên người, tên đất, được đổi hết từ Trung Hoa thành Nhật Bản. Những vấn đề này chúng tôi đã viết trong bài: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản (Tạp chí Văn học số 12 năm 1999), Bước đầu so sánh Kim ngư truyện của K.Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2016); Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 11/2020).

Nói thêm, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân còn được truyền đến Mãn Châu và dịch ra tiếng Mãn. Văn bản tiếng Mãn còn lưu ở Phân viện nghiên cứu các dân tộc châu Á ở Saint Petersburg, Liên bang Nga (Đặng, 1963). Kim Vân Kiều truyện cũng được truyền sang bán đảo Triều Tiên. Văn bản tiếng Triều Tiên chưa tìm được, mà chỉ được biết đến qua thư mục (Trần, 2001, tr.397-403).

 

KẾT LUẬN

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân được hoàn thành vào đầu đời Thanh, khoảng cuối thế kỷ XVII đến vài năm đầu thế kỷ XVIII. Nó được xuất khẩu sang các nước Đông Á và được đón nhận ở đó. Năm 1754 Kim Vân Kiều truyện được nhập vào Nhật Bản, năm 1763 được dịch sang tiếng Nhật, năm 1829 được phóng tác thành tiểu thuyết từ bản dịch tiếng Nhật. Kim Vân Kiều truyện cũng được du nhập vào Mãn Châu, Triều Tiên. Kim Vân Kiều truyện du nhập vào Việt Nam vào thời điểm nào, theo con đường nào, chưa có tài liệu chắc chắn. Nó có thể được du nhập theo chân các sứ bộ, nhưng cũng không loại trừ bằng tàu buôn nước ngoài, thời điểm đoán định vào khoảng thế kỷ XVIII. Sau đó được nhà thơ thiên tài Nguyễn Du dựa vào để sáng tác nên kiệt tác Truyện Kiều. Lời bình của Vũ Trinh có nhắc đến Kim Thánh Thán (ngụy thư) bình Kim Vân Kiều cho thấy nó đã được các nhà nho Việt Nam nhắc đến từ rất sớm (đầu thế kỷ XIX). Bài tựa của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển (1820), bài tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng (1830), bài Tổng thuyết của vua Minh Mạng (1830) cho thấy Kim Vân Kiều truyện được đương nhiên coi là bản nền chữ Hán để Nguyễn Du sáng tác nên bản Truyện Kiều Nôm. Và đến bài Tổng từ của vua Tự Đức (1871) thì thấy rõ nhà vua rất trân trọng Truyện Kiều, nhưng khi thuật lại thì thuật cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, kể cả những tên người, sự kiện mà Nguyễn Du đã lược đi. Vấn đề nguồn gốc Truyện Kiều từ Kim Vân Kiều truyện là đương nhiên đối với các nhà nho Việt Nam thế kỷ XIX. Vấn đề ấy được trình bày rõ ràng, thực chứng từ năm 1924 trong công trình của Phan Sĩ Bàng-Lê Thước, rồi Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm. Các nghiên cứu sau này chỉ là góp tư liệu để hiểu thêm về trường văn hóa Truyện Kiều- ở trong nước cũng như ở cả khu vực Đông Á. Như vậy nghi vấn mà Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đưa ra năm 1971, hay nhóm ông Lê Nghị trình bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp năm 2020: phải chăng Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử “là của một nhà nho Việt Nam về sau đã dựa theo cuốn thơ Đoạn trường tân thanh mà soạn thảo, chứ không phải gốc ở bên Tàu.” mà chúng tôi nói ở đầu bài chỉ là phỏng đoán do thiếu tư liệu mà thôi.           

Đoàn Lê Giang

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh,
Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Đà Lạt, tập 11, số 2 năm 2021.

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-18b-03

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Charles, Benoit. (2016). Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều: từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam, Nguyễn Nam, Trần Hải Yến và những người khác dịch. NXB.Thế giới. Hà Nội

Đặng, Thai Mai. (1963). Chung quanh Truyện Kiều: Một tài liệu mới bản dịch tiếng Mãn Châu. Tạp chí văn học. số 4 tháng 10/1963

Dương, Quảng Hàm. (1941). Nguồn gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tạp chí Tri tân. số 4/1941

Hoàng, Xuân Hãn. (2016). in trong Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Kiều học tinh hoa. NXB.Văn học. 2016. Tham chiếu 金 雲 翹 案 Kim Vân Kiều án. ký hiệu R.1856. Thư viện Quốc gia Việt Nam

Isobe, Yuko.磯部祐子.(2003). Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc - trường hợp K.Bakin (中国才子佳人小説の影響 - 馬琴の場合). Kỷ yếu của Đại học Takaoka. Quyển 18 tháng 3 năm 2003 (Tiếng Nhật). (https://ci.nii.ac.jp/naid/110000475021)

Kawaguchi, Kenichi. (2015). Truyện Kiều từ góc độ so sánh Đông Á. Viện Văn học. Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại. NXB. KHXH. Hà Nội

Kim, Thánh Thán. 金聖嘆.(2008). 金聖嘆全集Kim Thánh Thán toàn tập. 陸林輯校整理Lục Lâm tập hiệu chỉnh lý. 鳳凰出版傳媒集團鳳凰出版 Phượng Hoàng xuất bản truyền môi tập đoàn Phụng Hoàng xuất bản. 中國 Trung Quốc. (Tiếng Trung)

Lê, Thước. (1967). Vài mẩu hồi ức về việc nghiên cứu Nguyễn Du và truyện Kiều. Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. NXB.KHXH. 1967. tr.49; in lại trong Hai trăm năm nghiên cứu-bàn luận Truyện Kiều. Lê Xuân Lít tuyển chọn. NXB.Giáo dục. Hà Nội. 2007

Lê, Xuân Lít. (2010). 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều. NXB.Giáo dục

Nguyễn, Du. (1975). 金雲翹 Kim Vân Kiều. Takeuchi Yonosuke 竹内 与之助 dịch. 講談社 Kodansha (tiếng Nhật)

Nguyễn, Du. (1870). Kim Vân Kiều tân truyện. Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập chép (chữ Nôm).

Nguyễn, Thạch Giang. & Trương, Chính. (2000). Nguyễn Du - tác phẩm và lịch sử văn bản. NXB.TP.HCM

Nguyễn, Văn Y. (1973). Sưu tập thơ vịnh Kiều. Lạc Việt xuất bản. Sài Gòn

Osamu, Oba. 脩 大庭. (1967). 江戸時代における唐船持渡書の研究 (Nghiên cứu sách tàu thuyền Trung Quốc chở đến Nhật Bản thời Edo), 関西大学東西学術研究所研究叢刊 (Tùng san nghiên cứu của Sở Nghiên cứu học thuật Đông Tây- Đại học Kansai) (Tiếng Nhật)

Phạm, Tú Châu. (2015). Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục, NXB.Khoa học xã hội

Thái, Lộc & Sơn, Lâm. (2020). Thử “giải mã” lại Truyện Kiều. Báo Tuổi trẻ ngày 17 tháng 9 năm 2020

Tô, Nam. dịch. (1971). Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử. Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn

Trần, Trọng Kim. dịch. (1925). Truyện Thúy Kiều. Vĩnh Hưng Long thư quán. Hà Nội. Tân Việt tái bản lần thứ sáu

Trần, Ích Nguyên. (2004). Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều. Phạm Tú Châu dịch. NXB.Lao động. Hà Nội

Trần, Nghĩa. (2001). Một số thông tin mới về Vương Thúy Kiều góp phần tìm hiểu "Truyện Kiều" theo góc nhìn khu vực. Thông báo Hán Nôm học 2001

Trần, Thị Băng Thanh. Phạm, Tú Châu. & Phạm, Ngọc Lan. (2018). Vũ Trinh và Lan Trì Kiến văn lục. NXB.ĐHSP Hà Nội

Trần, Văn Giáp. (1990). Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. tập 2. NXB.Khoa học Xã hội

Trung tâm nghiên cứu Quốc học. (2016). Kiều học tinh hoa. NXB.Văn học. Hà Nội

Vũ, Đình Trác. (1973). Nguyên lai Kim Vân Kiều truyện. Nhiều tác giả, Lê Xuân Lít sưu tầm (2007), 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều. NXB.Giáo dục.


[1] Đào Nguyên Phổ viết trong Tựa Đoạn trường tân thanh (1896): “Một thiên tình sử tuyệt đỉnh nghìn xưa, diễn ra làm truyện, lâm ly đốn tỏa, thành một khúc tình từ tuyệt đỉnh nghìn thu, đem so sánh với bản của Thanh Tâm Tài Nhân lại càng hay hơn nhiều lắm” (Trần Lê Nhân dịch, in trong Kiều học tinh hoa, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, NXB.Văn học, 2016, tập 1, tr.36)

[2] Theo bản Phong tục Kim ngư truyện, bản thứ ba in phía sau Khuynh thành Thủy hử truyện (Biên thứ 26), Bác Văn quán/ Hakubunkan 博文館xuất bản, Tokyo, 1900-1901 sau này được tách riêng ra và in vào năm 1998), thì đề là “Cẩm Lâm Đường 錦林堂”. Viết vậy là lầm, vì bản gốc bài tựa này thời Edo viết là Cẩm Sâm Đường 錦森堂, trang bìa Quyển ba, trang cuối Quyển bảy cũng đề rõ là Cẩm Sâm Đường 錦森堂 như vậy.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website