Làng ta, ngựa đá đã qua sông

 

Chỉ có những tư tưởng đến với chúng ta khi đang bước đi mới có giá trị mà thôi

Friedrich Nietzche

Không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng thi sỹ là một loài Volunteer – một kiểu người tình nguyện để nối liền các khoảng trời yêu thương và cay đắng vô hạn trên đời này gần lại với nhau. Không có bất kỳ một sự sinh lợi nào cho bản thân người ấy. Một sự liên tưởng thật ngẫu nhiên mà chẳng cần đến một nguyên cớ nào. Bỗng nhiên một lần ngẫu nhiên khác ta gặp nó trong đời sống hiện sinh mà lại hiện hình như ảo giác. Ta lại thấy nó có vẻ không giống như thế nữa.

Chuyến bay từ Nội Bài qua hai chặng đường dài và cả một đại dương lớn nhất quả đất của đoàn cán bộ tư pháp cao cấp Việt Nam bỗng nhiên gặp sự cố phải dừng lại ở sân bay Dallas, không chuyển kịp chặng thứ ba để về Washington. Đoàn tư pháp nhà ta xem chừng bị khám xét kỹ càng và lâu hơn mà vẫn chưa ra khỏi thủ tục an ninh. Thì ra một thành viên trong đoàn đã mang theo vài gói hàng đặc biệt mà bản thân ông cũng không để ý. Nó tròn và dài khoảng 25, 30 cm. Mỗi thứ nặng độ trên dưới một cân. Được gói giấy nhật trình nhiều lớp, phía ngoài buộc bằng lạt giang rất ngay ngắn và chắc chắn. Giữa lúc còn đang lúng túng thì bỗng nhiên có một người đàn ông châu Á bước tới. Ăn vận chỉnh tề. Tóc bạc trắng rẽ ngôi rõ ràng. Kính gọng vàng. Trắng trẻo. Nói tiếng Anh sõi. Thực là một tay công chức hạng sang. Và sự việc của đoàn tư pháp mau chóng được giải tỏa. Thì ra bà vợ vị khách tư pháp của nước Mỹ lần đầu tiên chuẩn bị cho chồng đến Hoa Kỳ kia sợ khó khăn về thực phẩm và cũng muốn để tiết kiệm một chút nữa. Theo phương châm “cơm nhà áo vợ - không sợ thằng nào” – đã chơi mấy đòn… bánh tét! Lúc này người đeo kính gọng vàng mới xưng danh là Việt kiều, trước là một công chức ở Sài Gòn, định cư sang đây đã hơn ba chục năm, nhà ở gần sân bay. Nhớ Việt Nam lắm, thường ra sân bay Dallas để tìm người Việt ở bển qua, gặp khó khăn gì thì giúp đỡ. Làm một volunteer mà! Vậy là cái ngẫu nhiên tôi gặp cho sự liên tưởng ấy đơn giản và nhẹ nhàng vậy thôi. Vâng, thi sỹ là một loài volunteer. Và một trong những người phù hợp với điều này có lẽ là nhà thơ Tô Thùy Yên.

Trước năm 1975, khi còn là sinh viên Đại học, tôi đã được đọc Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Thị Hoàng… qua các giáo trình và tài liệu in roneo về văn học đô thị miền Nam. Nhưng chưa đọc Tô Thùy Yên. Vả chăng thời đó thơ của ông cũng chưa được xuất bản thành sách. Gần đến và sau năm 2000, tôi mới đọc thơ ông qua văn chương mạng. Nhất là khi Thơ tuyển Tô Thùy Yên được tác giả xuất bản tại Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ mùa thu 1995. Tập thơ có 37 bài, tập trung từ bài Cánh đồng con ngựa chuyến tàu, viết khoảng tháng 4 – 1956 khi ông mới 18 tuổi, và bài cuối cùng của tập – Sáng nay ta còn đi bên nhau, viết tháng 6 – 1995 ở Hoa Kỳ. Vậy là 37 bài mà trọn vẹn gần một đời sáng tác 40 năm. Được biết, vào năm 2004, ông còn xuất bản tập Thắp tạ nữa. Đến bây giờ tôi vẫn chưa được gặp Tô Thùy Yên mặc dù đã đôi lần qua Mỹ công tác. Sau hòa bình năm 1975, ông đã qua các trại cải tạo cả trong Nam ngoài Bắc có nhẽ đến hơn 10 năm. Rồi năm 1993. HO cùng với cái hích của thượng đế đã đưa ông sang định cư ở Hoa Kỳ.

Tôi đọc Tô Thùy Yên trong tổng thể thế giới tính thần của ông trải dài đến 40 năm ấy. 40 năm đầy những biến cố khôn lường của đời sống, của thân phận con người mà theo ông gia tốc của lịch sử thật khắc nghiệt và nghiêm cẩn biết nhường nào đối với thân phận ấy. Tôi đi giữa thế giới tinh thần Tô Thùy Yên, cái thế giới thống nhất một tâm trạng nặng lòng với đất nước quê hương mà ẩn chứa bao điều thương yêu và trắc ẩn, day dứt của tình người. Mặc dầu cái cảm xúc của Nỗi đợi đầy buồn chán và bất lực bên ngôi nhà trăm năm cửa khép hờ mưa nắng, mãi chẳng ai về qua gọi cho hay Ánh tàn dư mỗi khi mặt trời xao xuyến mọc, một ngày nữa xuống với đời ta vui biết mấy mà cũng buồn biết mấy trong nỗi nhớ khôn nguôi mái nhà xưa khăng khít ngói âm dương để rồi Giã biệt trần trụi giữa vô cùng mà bởi vì thế muốn gom lại quá khứ của tình yêu làm đống lửa dỗ dành, kể cho nhau nghe về hoa gạo nở ban trưa, về đêm hoa sữa nở trong nỗi phụ tình đau đớn chẳng thể nào nguôi… Mặc dầu cái suy ngẫm về hai phía trong một không gian lịch sử như nỗi lòng uẩn khúc, đầy trắc ẩn và tan nát tâm can bắt đầu từ bài thơ có 3 trường đoạn Chiều trên phá Tam Giang, viết tháng 1 – 1972 về người lính Việt Cộng đến Thức giấc trong biệt giam, viết năm 1991 nặng gánh nỗi ưu phiền về lịch sử đổi phiên người gác ngục lúc giày đinh, lúc dép râu mà thôi… Mặc dầu… Và mặc dầu… Điều khó tránh khỏi của một người như Tô Thùy Yên và cả bao người khác nữa mà gia tốc lịch sử đã cuốn vào trong nó không sao cưỡng lại được những năm nửa sau thế kỷ 20. Nhưng cảm hứng chủ đạo trong thơ Tô Thùy Yên không phải sự mặc dầu đó. Cảm hứng chủ đạo cả một đời thơ ông là sự trở về trong yêu thương đầy nhân tính và dạt dào chủ nghĩa nhân văn. Một sự trở về với muôn sắc thái tình cảm đáng yêu, đáng trân trọng và cũng thật day dứt biết bao nhiêu. Cả một thân phận. Cả một đời thơ, Cả yêu thương và cay đắng. Cho sự trở về ấy.

Lớn lao và bao trùm tất cả là đất nước quê hương, là mỗi ngôi nhà mở cửa. Để từ chiến tranh đau thương và mất mát trở về với hòa bình trong hạnh phúc bình yên. Ít có nhà thơ đương đại nào nói được sự trở về ấy của hòa bình vừa giản dị mà xúc động, vừa trang trọng mà tràn ngập không khí cổ thi như Tô Thùy Yên.

                   Ta tưởng nhà nhà đang mở cửa

                   Làng ta, ngựa đá đã qua sông.

Đó là sự trở về theo và như là quy luật muôn đời của tự nhiên và khát vọng không bao giờ nguôi ngoai của loài người. Bóng tối rồi sẽ tan đi, đêm cũ cũng như quá khứ, cũng như trăng, tất cả sẽ lặn để chúng ta trở về trong ánh sáng ấm ấp mà chan hòa của dương thế.

                   Mãi rồi trời cũng sáng ra

                   Phần trăng, trăng lặn, phần ta ta về.

Đôi khi sự trở về trong sự an phận của một kiếp người. Một ngày kia trở lại cuộc sống cộng đồng như một ngôi nhà lớn, lòng ta trang trải với cuộc đời dù đã đi qua bao nhiêu lầm lẫn và cay đắng mà giờ yên tịnh trong sự thảnh thơi.

                   Ngày kia trở lại ngôi nhà lớn

                   Lòng những bằng lòng một kiếp chơi.

Cảm xúc trở về quê hương, trở lại gian nhà cỏ ngày xưa, trở về với dòng sông cũ, lạch nguồn xưa để chiêm nghiệm một đời vất vả, nghe tiếng đàn khuya nơi xử sở mà trải lòng với bản thân ta trong sự bình yên muôn thuở của một phận người

Như là,

                   Quê ta đâu cũng là sông nước

                   Phơi phới triều lên bát ngát bờ

                   Cuốn tiếng đàn khuya trên bến Bắc

                   Trải tình về lại lạch nguồn xưa.

Hay như là.

                   Ta về tắm lại dòng sông cũ

                   Luống những bình yên kiếp dã tràng.

Và trong dòng nước trở về tha thiết giống như một buổi sáng chợt nghe thấy tiếng sáo thướt tha đến bận lòng của James Galway, ta thấy long lanh như cuộc đời thi sỹ Tô Thùy Yên cùng với sự trở về của người em thương mến – Em trở về em chờ biến đổi. Sự trở về ấy đương nhiên chứng kiến sự đổi thay của cuộc đời, người xưa chợt gặp lại chính mình, không rõ là của ngày xưa hay của bây giờ vì cái tuổi lưng chừng không xác định

                   Em về vườn cũ thăm cây trái

                   Gặp tuổi lưng chừng khóc giữa hoa.

Tuổi lưng chừng thực là sự buông lơi ý vị riêng có mang tên hiệu thi ca Tô Thùy Yên.

Với Tô Thùy Yên, sự trở về không chỉ có nghĩa không gian và thời gian mà chính là sự trở về với bản thân mình và với ông, sự trở về này đã từ rất sớm, không phải đợi đến sự ngã ngũ của lịch sử, sự đi xa chốn cũ của đời người. Tô Thùy Yên đã từng viết đề tựa cho một bài thơ: Có một gã du hành muôn nơi muôn năm trở về kể chuyện. Ý chừng kể để Hư không nghe. Bài thơ nổi tiếng Chiều trên phá Tam Giang có 3 phân khúc lớn với 153 câu là minh chứng cho điều trở về với bản thân ấy. Khúc 1 ông bày tỏ dường như không hiểu được lý trí của người lính phía bên kia vừa sốt rét vừa đói nhưng lòng đã quyết với lời nguyền sinh Bắc tử Nam. Không hiểu được sứ mệnh của người ấy, Tô Thùy Yên ước ao nếu cả hai cùng gom góp lại thì mặt đất này sẽ đổi khác bao nhiêu? Ý nghĩ ấy hiện hình khi Chiều trên phá Tam Giang đang rộn ràng tiếng chiến trận mà lại im lìm trong sự cảm thông. Để từ đó trở về với người em gái đang rời thư viện dưới vòm cây yên tĩnh. Có thể lúc này trời đang mưa, người ấy đi nép vào hàng hiên, sướt mướt nhìn bong bóng nước như những đóa hoa nở gấp rút chảy trên hè phố Sài Gòn. Và dù như thế cũng không thể níu kéo được Tô Thùy Yên ở khúc 3 của bài thơ trở về với chính bản thân mình trên mịt mùng nghi hoặc, sự vô nghĩa của chiến tranh khi tuổi thanh xuân của ông mất tích giữa những tấn tuồng bần tiện của lịch sử… Tô Thùy Yên đã trở về với bản thân mình. Với xiết bao đau đớn. Lúc ấy vào tháng 6 – 1972, khi ông tròn 34 tuổi, ông đang ở phía bên kia và như thế vô hình chung ông đang làm tình nguyện viên tuyên truyền cho … Vietcong. Cũng như thế, bài Trường Sa hành dài tới 64 câu, viết tháng 3- 1974 mặc dù mang âm hưởng cổ thi mà bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và nó được xếp vào một trong những bài thơ hay viết về biển đảo.

Tôi nghĩ tất cả sự trở về bằng nhiều con đường và đa sắc ấy đều có bắt nguồn từ sự trở về với bản thân của Tô Thùy Yên – cái bản ngã của một thi sỹ hết lòng yêu thương trìu mến quê hương đất nước mình cả trong máu thịt lịch sử của nó. Bởi thế khi tôi đọc Làng ta, ngựa đá đã qua sông, thấy như đâu đây âm hưởng thơ của đấng quân vương thời Trần thuở trước.

Bài thơ Ta về dài tới 31 khổ đều đặn với 126 câu 7 chữ viết vào tháng 7/1985 như là một sự quy tụ thế giới tinh thần và tư tưởng cảm xúc của Tô Thùy Yên. Bài thơ như một bản hòa tấu trên dòng nhạc của những dòng bảy chữ nhịp điệu bình thản và êm ả kể về sự đoàn viên thanh thoát qua bao nhiêu cay đắng và mất mát để đến được với tin yêu, đồng điệu. Với 17 điệp khúc Ta Về. Như bóng đêm quá trễ, Như lá rơi về cội. Như hạt sương trên cỏ. Như sợi tơ trời nắng. Như ý thơ xiêu tán. Như đứa con phung phá. Như tiếng kêu đồng vọng. Như giấc mơ thần bí. Như nước Tào Khê chảy. Như bóng ma hờn tủi… Để cuối cùng là Ta về như hạc vàng thương nhớ, bao nhiêu nguồn cơn tâm trạng được dồn nén trong bài thơ ấy. Một tấm lòng. Một sự cảm nhận. Một sự cô đơn.

                   Ta về - một bóng trên đường lớn

                   Thơ chẳng ai đề vạt áo phai.

Tô Thùy Yên ơi! Thơ ông và đời ông không phải một bóng trên đường nữa. Biết bao người đã và đang tìm đến, tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn với ông. Đọc thơ ông mà đồng cảm, đồng vọng. Đất nước đã hòa bình rồi, hãy lật vạt áo lên mà xem cuộc đời đã đề thơ trên đó, sẽ thấy những vần thơ ông viết hiện ra trên đó bằng cả sự dạt dào cảm xúc với sự sâu lắng của trải nghiệm, cho dù vạt áo ấy đã tàn phai năm tháng và bao cung bậc buồn vui của cuộc đời.

Tôi không trở về câu chuyện của hơn 60 năm trước khi Tô Thùy Yên xuất hiện như một trong những thi sỹ có diện mạo riêng trong tạp chí văn nghệ Sáng tạo phát hành ở Sài Gòn số 1 vào tháng 10 – 1956 đến tháng 9 – 1959 thì dừng lại. Cả thảy được 31 số. Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyến muốn tìm một hướng phát triển mới của thơ Việt trên con đường tìm về thơ tự do. Gần giống với câu chuyện thơ tự do – thơ không vần của Nguyễn Đinh Thi ở núi rừng Việt Bắc hồi năm 1949. Nhưng dường như, bên cạnh các tên tuổi như Vũ Hoàng Chương thì Thanh Tâm Tuyến, Tô Thùy Yên,… được độc giá miền Bắc đọc nhiều hơn cả. Có thể cả Nguyên Sa, Bùi Giáng nữa. Sau năm 1975, có người nói rằng, thi ca miền Nam trước 1975 là sự kéo dài của thơ mới 30 – 45. Tôi không cùng quan điểm đó, mặc dù ngay cả đọc thơ Tô Thùy Yên đặc biệt thành công ở thể thơ bảy chữ trên những khổ bốn dòng đều đặn của ông, ta nghe như âm hưởng của thể thơ này rất thành công ở thời thơ mới được dóng dả lại với một nguồn cảm hứng đa thanh đa sắc. Và đôi khi tôi cũng có cảm giác mơ hồ như gặp lại Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, khi Tô Thùy Yên trở về ngôi nhà cũ trong hoài niệm tuổi hoa niên.

                   Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa

                   Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời

                   Ai đó trong hồn ta thổn thức

                   Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.

Hoặc tâm trạng đợi mà chẳng đợi như buổi sáng rừng vô minh thức giấc canh gà giữa miền ý thức mơ hồ không xác định bởi sự hoang sơ:

                   Ta đợi mơ hồ như chẳng đợi

                   Rừng vô minh chợt thức giấc canh gà.

Nhưng đọc thơ tuyển Tô Thùy Yên, cảm thấy dường như ông càng ngày càng đi xa hơn điểm xuất phát ban đầu – những năm cuối của thập niên 50 – Thơ tự do, để trở về với thơ trường thiên, chỉn chu và đều đặn 7 chữ 4 dòng thật quy cũ mà tạo ra sự khác biệt nổi trội, để thơ ông tràn ngập không khí cổ thi. Mọi người còn nhớ rõ, phong trào thơ mới (1930-1945) vắng bóng thơ trường thiên. Ngoại trừ trường hợp Phạm Huy Thông với Tiếng địch sông Ô và Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương Sơn Tinh Thủy Tinh. Trong những bài thơ nửa sau thế kỷ XX của Tô Thùy Yên, phần lớn là thơ trường thiên, thơ dài mà không phải truyện thơ. Ở đó, ông đã để chất tự sự vốn có và là thế mạnh của truyện thơ trung đại, nhường chỗ cho khoảng rộng mênh mông của cảm xúc và suy tưởng. Thơ ông là cả một miền bình nguyên của tâm trạng kết hợp với những hình tượng thơ độc đáo. Phải là những nhà thơ có tài năng mới viết hay được loại thơ này, Tô Thùy Yên đã làm được điều đó - điều mà không nhiều nhà thơ đương đại Việt Nam đã làm. Hoặc giả là họ không chuộng làm theo hướng đó. Hãy xem. Ta trở lại căn nhà cỏ, năm 1972 – 96 câu; Rồi tất cả sẽ nguôi ngoai – tháng 7/1972 – 68 câu; Chiều trên phá Tam Giang tháng 6/1972 – 153 câu; Trường Sa hành – tháng 3/1974 – 64 câu; Mùa hạn – 1979 – 188 câu; Tàu đêm – 1980 – 108 câu; Ta về - tháng 7/1985 – 124 câu; Ánh tàn dư – 166 câu; Giã biệt – 1993 – 225 câu… Trong số này, Trường Sa hành, Ta về… đã ghi danh tên tuổi Tô Thùy Yên trong gia phả thi ca Việt Nam hiện đại. Loạt bài này cũng thể hiện quan niệm đầy đủ của ông: “Thi ca là tiếng reo hứng khởi của cảm thức vừa bừng dậy của con người trước những huyền nhiệm thiên hình vạn trạng của sự sống.” Có điều lạ, tôi chưa tìm thấy dấu ấn Hòa Kỳ trong thơ ông.

Trở lại câu chuyện đến Hoa Kỳ ở Dallas. Tôi đã đi qua những thành phố Mỹ. Thường là rất ngắn: Washington. Newyork. Memphis. Boston. San Francisco. Los Angeles. Santa Clara. San Jose và cả thị trấn nhỏ thanh bình Alexandria - ở bờ tây sông Potomac. Rất gần với trung tâm Washington. Tôi không hiểu và không hình dung được chàng tình nguyện viên Tô Thủy Yên của chúng ta sẽ sống như thế nào, có bao nhiêu độc giả thơ ở cái đất nước rộng mênh mông mà đâu cũng hiện diện nét tài hoa hơn người này? Lịch sử đã sắp đặt Việt Nam và Hoa Kỳ có duyên nợ với nhau, kể từ khi Thomas Jefferson mang giống lúa từ Việt Nam về trồng ở các nông trại của ông ấy ở Virginia và hiện có hàng triệu đồng bào ta đang sinh sống ỏ Mỹ. Nhưng để hiểu được nước Mỹ không phải là điều dễ dàng. Thông tin từ Mỹ đến Việt Nam những năm 2000 trờ đi vô cùng thuận lợi. Nền  văn hóa Mỹ hàng ngày hàng giờ đến từng gia đình Việt Nam, nhiều hơn hẳn các quốc gia khác qua các kênh truyền hình HBO, Cinemax, Star Movies, CNN, Discovery, Sports, National Geographic ... và cả Internet nữa. Tuy vậy nước Mỹ rộng lớn vẫn là điều chưa được hiểu nhiều lắm? Cùng một thời gian, các nhà lãnh đạo Mỹ nghĩ gì? Nền khoa học và sản xuất Mỹ đang hướng tới điều gì cho hiện tại và tương lai? Nước Mỹ đang nghĩ gì? Hẳn là những điều ấy rất khác so với nhiều nơi trên thế giới. Khác không thể so sánh được. Một nhà thơ tài năng và trí giả vào bậc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại mà tôi vô cùng kính trọng và yêu mến, thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước có viết:

Ở nước Mỹ có cái dây thòng lọng 

Đi suốt đời vẫn thấy ở đằng sau.

Lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, trước khi gặp người bạn đeo kính gọng vàng ở Dallas kia, tôi vẫn bị ám ảnh câu thơ đó. Nhưng rồi một lần, bên dưới ngọn tháp bút chì trắng bạc uy nghiêm, đứng dưới trời xanh, tôi mải mê ngắm những cành anh đào đang độ nở rộ vào tháng 4 xung quanh hồ Tide cũng như khu công viên rộng lớn quanh đó, tôi nghĩ ngoài cái dây thòng lọng đó, nước Mỹ còn nhiều thứ vũ khí khác, mà một trong số chúng không phải là hoa anh đào. Khác với ở Cu Ba, ta cứ gặp 3 người một chỗ là y như là có cuộc mít tinh rồi. Còn ở Mỹ, có lẽ họ trầm lặng hơn. Tuy không giống như ở Nga và vùng Bắc Âu ta luôn nhìn thấy nét trầm buồn trên những cánh rừng và nóc các tòa pháo đài cổ xưa, trong khi đọc văn của L.Tonxtoi và H. Andersen tôi luôn có cảm tưởng lấp lánh đâu đây ánh mặt trời và sự tan chảy của những dòng nước mùa xuân. Dường như so với ở Australia và New Zealand, người Mỹ hay nói nhiều hơn hai từ “for what?” Để làm gì? Vì cái gì? Cho cái gì?... rất Mỹ. Tôi cố tìm một liên tưởng hay một ẩn dụ cho hai từ đó mà chưa tìm được. Bỗng đâu, trên chuyến bay nội địa từ San Jose đi Los Angeles hoặc từ Memphis đi San Francisco, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người tiếp viên hàng không là nam giới. Trạc độ tứ tuần. Béo. Thấp. Da bánh mật. Mặc quần sóoc. Áo thun cộc tay, để lộ hai vòng kìm cuồn cuộn cơ bắp. Đầu húi cua. Giống hệt một võ sỹ quyền anh. Anh ta lẳng lặng chẳng nói gì cầm cái rổ nhựa chìa ra trước mặt khách. Những chiếc khăn giấy như run rẩy trong rổ nhựa. Vâng, cần gì tiếp viên như ở những nơi khác là những cô gái xinh đẹp với những nụ cười và lời mời chào thân ái. Để làm gì kia chứ? Không cần thiết? For what? Nhưng cũng không ở đâu có óc tưởng tượng kỳ diệu như người Mỹ. Không có điều đó khoa học và nghệ thuật chẳng làm được điều gì nên chuyện.

Trong một lần du thuyết ở Memphis trước vài trăm cử tọa, phần đông là người Mỹ và cả một số bà con Việt kiều do đoàn luật sư Memphis tổ chức. Vào đêm hôm trước, ông thị trưởng thành phố đã mời tôi phát biểu tại hội trường Bảo tàng mục sư Luther King, ngay sát ban công tầng 2 nơi ông ấy bị bắn chết. Trước khi đăng đàn, để làm hài lòng chúng tôi, một vị luật sư còn đóng giả ca sỹ Elvis Presley rất giống. Tôi hăng hái vào cuộc. Các bạn hãy nhìn ra khung cửa kính của Tòa lâu đài này, phía xa kia là dòng sông Mississippi vĩ đại, có một cây cầu sắt hình cánh chim nối thành phố với bờ bên kia. Nơi đó là bang Arkansas, quê hương của tổng thống Bill Clinton. Ở Hà Nội, vào tháng 7 năm 2000, ông ấy đã nói: Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ. Cái mà chúng ta có thể thay đổi được chính là tương lai. Tôi đến với các bạn cũng với tinh thần đó,.v..v.. Khi kết thúc cuộc nói chuyện, hội trường đang vỗ tay rầm rập bỗng đột ngột dừng lại. Một bé gái chừng 7,8 tuổi chạy thẳng từ dưới lên và nói: “Ông ơi ông, em yêu ông lắm”. Mẹ cháu bé vội chạy lên và nói: “Cháu muốn nói, cháu kính yêu ông lắm”. Có lần ở Boston, trong một bữa cơm ở nhà riêng của một vị giáo sư già, ngay gần học viện Harvard. Đó là một tòa biệt thự cổ. Xung quanh vườn đang mùa tháng 4, hoa lê nở trắng muốt, thật tinh khiết. Một người bạn Mỹ hỏi: Vì sao trong lịch sử, người Việt Nam sau khi đánh thắng kẻ thù xâm lược lại chủ động cầu hòa và xin triều cống? – Đúng vậy, người Việt Nam đã chủ động cầu hòa, không phải vì sợ mà vì muốn hoa lê trong vườn kia không phải chỉ nở một lần rồi tắt bởi chiến tranh. Nó cần nở hai lần và mãi mãi mỗi khi mùa xuân đến… Chắc rằng Tô Thùy Yên khi nghe những chuyện này sẽ bảo tôi cũng như người đàn ông đeo kính gọng vàng ở Dallas – cũng chỉ là một tình nguyện viên của xứ sở mình mà thôi. Nhà văn Mỹ Mark Twain đã từng nói: “Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn vô cùng nếu chúng ta được sinh ra ở tuổi 80 và dần dần tiến đến tuổi 18”. Điều đó là đúng. Nhưng nếu xảy ra như vậy thì người ta sẽ ít có cơ hội hơn để trở thành một tình nguyện viên ngay từ lúc khởi đầu?

Bây giờ, làng ta, ngựa đá đã qua sông. Để có được điều tưởng chừng như đơn giản ấy, hàng triệu người Việt Nam đã phải ngã xuống trong thế kỷ 20. Bây giờ nhìn lại chúng ta mới thấy hết cái giá của chiến tranh. Cái giá của hòa bình. Đất nước đã yên hàn. Bây giờ là sự trở về. Đúng như điều Tô Thùy Yên thường tâm niệm và đau đáu cả một đời thơ. Giờ đây, người ta đã hát nhạc Văn Cao và Trịnh Công Sơn ở những giáo đường văn hóa lộng lẫy nhất của đất nước cũng như ở mọi làng quê xa xôi khắp Bắc Trung Nam, những khúc hát đoàn viên khao khát hòa bình, và nhân ái. Đó là điều mà Tô Thùy Yên đã ao ước và dự báo từ rất sớm, cách đây 30 năm – từ tháng 7 năm 1985, khi ông viết Ta về:

Ta gọi thời gian sau cánh cửa 
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu 
Ta nghe như máu ân tình chảy 
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

          Từ câu nói của F.Nietzche làm đề tựa cho bài viết này, tôi nhớ đến câu chuyện cháu bé nói tiếng Việt ở Memphis và trẻ con Việt Nam bây giờ ở các thành phố đô thị không biết cái đèn dầu Hoa kỳ là gì. Có chăng chỉ còn trong sách vở và trên những khám thờ heo hút ở làng quê xa xôi. Vậy mà nó đã từng là phương tiện thắp sáng chủ yếu trong bóng đêm ở thế kỷ 20. Nó ám ảnh đời sống đến nỗi danh họa Bùi Xuân Phái để tâm sức vẽ hàng trăm bức đèn dầu và cuốn nhật ký của ông có ghi dòng đầu tiên và là tên gọi của cuối sách: Viết dưới ánh đèn dầu. Hồi thập niên 50, Bùi Xuân Phái nói Tôi nghĩ mình là người có tài. Ba mươi năm sau, ông ấy lại nói: Tôi ngờ mình là người có tài. Chắc giờ ông lại nói như hồi 1950. Và nếu ai hỏi Tô Thùy Yên, có lẽ ông cũng trả lời tương tự như vậy.

                                                Mùa xuân, 2017, Hà Nội        

Nguồn: Văn nghệ, số 42, ngày 21/10/2017

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63742362
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5233
35223
63742362

Thành viên trực tuyến

Đang có 462 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website