Một lần hoa Xoan nở

Bài thơ Mộ Xuân tức sự - Tức cảnh cuối Xuân được Nguyễn Trãi (1380-1442) viết bằng chữ Hán là một trong số 73 bài của Ức Trai thi tập được người đời sau thu thập lại. Nguyên văn bài thơ đó được phiên âm như sau, có kèm theo lời đề tựa.

Nhĩ Nhã: khổ luyện tam nguyệt khai hoa, phương hương mãn đình.

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão,

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

Dịch nghĩa là:

            Sách Nhĩ Nhã nói: Tháng 3 cây xoan nở hoa, mùi hương thơm đầy sân.

                        Trong lúc nhàn nhã suốt ngày khép cửa phòng Văn,

                        Ngoài cửa không có một khách tục nào tới.

                        Trong tiếng Cuốc kêu, Xuân sắp tàn

                        Đầy sân mưa phùn nhẹ rơi khi hoa Xoan đang nở.

            Mộ Xuân tức sự mô tả cảnh cuối Xuân thật bình yên mà thanh tao. Chủ nhân nhàn tản và thư thái trong phòng văn suốt ngày khép cửa. Làm bạn với thánh hiền ẩn dật nơi trang sách. Tuyệt nhiên không có một người khách tục nào đến được nơi đây, cái phong cảnh mà có lần thơ Quốc âm của Ức Trai nói là không có khách đường trần nên chỉ làm bạn với thiên nhiên Láng giềng một đám mây bạc, khách khứa hai nghìn núi xanh thôi. Trong vắng lặng như tờ ấy, chợt nghe tiếng Cuốc kêu, người hiền sỹ mới biết ngày tháng đã qua đi và mùa Xuân sắp tàn. Như một lời nhắc nhở từ trong sâu thẳm của thiên nhiên với bậc cao nhân đã lâu ngày không nhuốm vào cõi tục. Lúc nghe tiếng chim mà ở đâu người Việt Nam ta đều cảm thấy có cái gì đó giục giã đến nao lòng và như nhắn nhủ phận người phiêu bạt nhớ về cố quốc quê hương ấy, người như mới thấy mưa phùn đang nhẹ rơi khi hoa Xoan đang nở. Bài thơ ẩn hiện thâm trầm chữ Hòa  和 trong tư tưởng người Phương Đông. Hòa là chuẩn tắc phổ biến nhất. Bức tranh chỉ nói đến phong cảnh mà ta thấy người ở đó. Thấy tâm trạng của thi nhân không thể không nói là không buồn trong sự thanh khiết của tâm hồn. Đáng chú ý nhất là cảnh hoa Xoan đang nở - Một loài hoa chẳng có gì rực rỡ hay quyến rũ tức thì. Người phương Bắc có danh từ để chỉ hoa Xoan. Nhưng hoa Xoan có nhiều loại. Thứ hoa Xoan mà Ức Trai tả ở đây là một loài hoa bình dân. Thường nở vào cuối Xuân. Cũng là lúc mùa Hạ sắp đến. Một loài hoa riêng có của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ bờ khoai ruộng mật của sông Hồng. Điều kỳ lạ ở chỗ. Dường như đó là lần đầu tiên, hoa Xoan nở trong thơ trung đại và cũng là lần đầu tiên trong thơ Nguyễn Trãi. Sau đó không thấy lặp lại một lần nào nữa trong thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông. Hiện tượng ấy có thể lấy ý tưởng của bài thứ 33 phần Bảo Kính Cảnh Giới của Quốc Âm Thi Tập để so sánh. Bảo Kính Cảnh Giới thứ 33 lấy hình tượng “giới tử đầu châm” nghĩa là hạt cải rơi xuống đầu kim trong Đại Niết Bàn Kinh của Phật giáo để nói về cái kỳ lạ không gặp lại ấy. Sự xuất hiện một lần của hoa Xoan nở trong thơ Ức Trai không phải là duyên phận tình cờ của tích Phật kia. Đó là sự mở đường cho thơ Việt Nam, tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam với loài hoa dân dã này. Nó nhu mì và thuần phác, nín lặng nhường nhịn nhiều hơn nói của người nhà quê, nó khe khẽ báo hiệu rằng không phải mùa Xuân đến mau đây mà là mùa Xuân sắp tàn. Mùa Xuân sắp ra đi.

            Ức Trai Thi Tập có hẳn 73 bài thơ chữ Hán. Theo truyền thống thơ Phương Đông cổ điển thường mô tả Tùng, Cúc, Trúc, Mai như là biểu hiện của người quân tử. Tập thơ này có 12 lần nói đến Trúc, 7 lần nói đến Cúc, 10 lần nói đến Mai. Và như đã nói, không thấy Nguyễn Trãi gặp lại hoa Xoan một lần nào nữa. Quốc Âm Thi Tập với 254 bài thơ chữ Nôm có 33 bài trong mục Hoa Mộc Môn – Tức là thơ về các loài hoa có tới 9 loài hoa từ các loại hoa được coi là quý phái đến dân dã như Mai (5 lần), Cúc (2 lần), Đào, Mẫu Đơn và các loại hoa dân dã như hoa Dâm Bụt, hoa Mộc, hoa Nhài, hoa Sen mỗi thứ một lần xuất hiện; Cũng như thế với các loài cây Tùng, Trúc, cây Chuối, cây Đa cổ, cây Hòe, cây Mía, cây Dương Liễu … Cả 210 bài thơ thế sự khác của Thơ quốc âm Nguyễn Trãi không một lần nói đến hoa Xoan.

            Các nhà thơ cổ điển Phương Đông coi Tùng, Cúc, Trúc, Mai là biểu hiện cốt cách của Người quân tử nên thường có thơ về chúng. Còn lại họ để cho mùa Xuân hoa Đào nở, mùa Thu lá vàng bay. Ít ai như Nguyễn Trãi lại để tâm đến hoa Xoan nở vào lúc Xuân tàn.

            Các nhà thơ Trung Đại dường như không nói đến hoa Xoan. Xem thơ của 134 nhà thơ từ thế kỷ thứ 10 đến nửa đầu thế kỷ 19 trong hợp tuyển thơ văn Việt Nam in hồi năm 1976, tôi chưa tìm thấy một lần hoa Xoan xuất hiện. Ngay như Nguyễn Du (1765- 1820) sinh sau Nguyễn Trãi khoảng 400 năm, cũng thấy chưa một lần cho hoa Xoan nở trong các thi phẩm của mình qua ba tập thơ chữ Hán. Thanh Hiên Thi Tập viết từ 1786 đến 1804 – những năm gió bụi đường trường vất vả. Có khi đến 6, 7 năm, từ 1789 đên 1795 phải về quê vợ ở Thái Bình để ẩn thân. Thanh Hiên Thi Tập cả thảy 78 bài phần nhiều nói về sông Lam núi Hồng và một ít bài viết ở Lạng Sơn. Về các loài hoa có ba lần tả Cúc, hai lần tả Đào. Còn lại là Lan, Lựu, Đường Lê, Mai mỗi thứ một lần. 40 bài của tập Nam Trung Tạp Ngâm  viết khoảng 1804 đến 1812 khi nhà thơ thụ chức Đông Các học sĩ tước Du đức hầu và làm cai bạ ở Quảng Bình. Thơ Nam Trung Tạp Ngâm đặc biệt tâm sự hướng về sông Lam núi Hồng, nhớ về gia đình – Nơi ở Tiên Điền ông có người thiếp với 10 người con trai và 6 người con gái. Cảnh nhà quan lương thấp đông con nghèo túng, chỉ thấy đôi lần nói đến Trúc, đến Mai và một loạt năm bài viết về hoa Sen. Nguyễn Du thương cho bản thân mình khi đường về nhà chỉ mất có 3 ngày mà ôm lòng nhớ nó đến 4 năm, thẹn mình với làn mây trên đỉnh núi Hồng. Tập Bắc Hành Tạp Lục viết từ 1813 – 1814 thời gian đi sứ ở Trung Quốc. Tập thơ có tới 15 bài thơ dài. Trong đó có những bài thơ dài đặc sắc hơn cả như Long Thành Cầm Giả Ca, Phản Chiêu Hồn, Lương Chiêu Minh Thái tphân kim thạch đài, Sở Kiến Hành… là điều chưa gặp trong Thanh Hiên Thi TậpNam Trung Tạp Ngâm. Chuyến đi sứ phương Bắc kéo dài 12 tháng gối đầu từ tháng 4 – 1813 đến cuối tháng 3 – 1814 đã chứng tỏ sự am hiểu uyên bác lịch sử văn hóa Trung Hoa mà Nguyễn Du đã cảm nhận. Có lẽ cũng là một trong nhiều yếu tố giúp ông nhập hồn vào cảnh vào người của Kim Vân Kiều Truyện  đề viết ra những áng văn chương trác tuyệt của Đoạn Trường Tân Thanh mà chính trong bản nguyên gốc không hề có được. Nhưng tiếc thay, đó không phải là nơi để ông cảm hứng dù chỉ một lần trong hoài vọng về loài hoa Xoan quê kiểng. Đất Bắc, cái xứ sở mà ngay từ thời đó Nguyễn Du đã nhận ra sự suy tàn Đại thế của Trung Nguyên đã sụp đổ rồi. Tông miếu xã tắc của nhà Minh suy tàn đầy cỏ thu, về hoa trong tập thơ đồ sộ 120 bài, Nguyễn Du chỉ nhận ra có mỗi ba điều. Đó là cốt cách của cây Liễu khi đẹp nhất là lúc nó điên cuồng trong bão tố: tối điên cuồng xứ tối phong lưu. Đó là đất đai còn tỏa mùi hương thơm của hoa Lan, hoa Chỉ Thử địa do văn lan chỉ hương để Sở từ vạn cổ thử văn chương. Từ nỗi đau lòng, đau đời mà ông viết Phản Chiêu Hồn để khuyên Khuất Nguyên đừng bao giờ trở lại. Ngay cả hoa Mai mà Nguyễn Du chỉ thấy có hai lần khi 3 tháng chống chọi gió rét trên đường Từ Châu; một lần khác trên đường An Huy và biết loài hoa đó đâu phải giành cho người lữ khách xa lạ. Chỉ một lần nghĩ là tháng 3 sẽ về đến nơi quê nhà để thấy hoa Tường Vi nở. Tôi nín thở theo dõi ông trên đường thiên lý ấy, có một lần ông nghe tiếng Cuốc kêu: Nhất đái đề quyên triệt Vị Thành – tiếng chim Cuốc kêu suốt một dải Vị Thành, nhưng hôm ấy ở phương Bắc cánh đồng mùa Thu rất rộng, có hoa Xoan nào nở được ở đây. Cũng như có lần trong thơ Quốc Âm có bài Vãn Xuân – Xuân Muộn chỉ thấy tiết dương hòa ấm áp, cầm đuốc chơi đêm nghe tiếng chuông chùa chưa gióng mà biết mùa Xuân chưa hết và bài Hạ Cảnh Tuyệt Cú – Cảnh Mùa Hạ chẳng hiểu vì ai mà con Cuốc nó kêu để tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu mà không thấy vế đối của tiếng chim Đỗ Quyên là hoa Xoan nở. Một lần thôi không gặp lại.

            Lịch sử thi ca Việt Nam ghi nhận, Nguyễn Trãi như là thi sỹ đầu tiên xúc động trước vẻ đẹp bình dị và quê mùa của hoa Xoan nở trong thơ và xem đó như là một trang thơ hoa thuần Việt khiêm nhường mà đầy ẩn ức. Bẵng đi mấy trăm năm, đến thế kỷ 20, điều mà Nguyễn Trãi mở đầu, hoa Xoan lại hiện về trong thơ như xốn xang nhắc nhở một thời rất xa đã trở lại. Nguyễn Trãi không chỉ sống trong lòng xã hội mới bằng những thiên cổ hùng văn mà cả những tâm sự đời thường như hoa Đào kín tiễn mùi hương dễ động người hay tàu lá chuối non chưa mở mà như tình thư một bức phong còn kín cùng với hoa Xoan như là những điều giản dị hàng ngày bước vào trong thơ mà có người nói nó đã mở ra một bước ngoặt cho cảm hứng sáng tạo giàu sức sống của thi ca Việt Nam gắn liền với quá khứ và hiện tại. Trên nhiều phương diện, Thơ Nguyễn Trãi là cầu nối giữa thơ ca bác học và thơ ca dân gian.

Phong trào thơ Mới 1930 -1945 được thế kỷ 20 gọi là một thời đại mới trong Thơ. Lạ thay nhiều thi sỹ bao duyên nợ đa đoan với làng quê như Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân … Thơ hay của họ chưa một lần có hình bóng hoa Xoan. Nhưng bức tranh quê thùy mị mà yên tĩnh của nữ sỹ Anh Thơ đã nhắc nhở người ta rằng thiên nhiên tĩnh tại là giá trị muôn thủa của hồn quê. Hoài Thanh cho rằng: Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh. Song đúng như ông ấy nói: Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: Có lẽ là hồn thi nhân. Chiều Xuân của Anh Thơ cũng có mưa bụi êm êm trên một bến đò vắng lặng và tôi như thấy hoa Xoan của ngày xưa đã hiện trở về cũng như thấy hình bóng chữ Hòa 和 trong thơ Nguyễn Trãi lan tỏa ở đây.

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm Xoan hoa tím rụng tơi bời.

Nguyễn Bính là thi sỹ nhà quê nhất trong số các nhà thơ nhà quê thời 1930 – 1945. Hoài Thanh nói Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng chúng ta, nhưng tiếc thay ông ấy quá say sưa với hoa Chanh, hoa Bưởi, hoa Cam của Nguyễn Bính mà đã quên hẳn không đưa vào Thi Nhân Việt Nam hoa Xoan của thi sỹ nhà quê ấy. Mãi đến năm 1990, khi đã sau gần suýt soát một nửa thế kỷ, những người làm Tổng tập văn học Việt Nam tập 27 về Thơ 1930 – 1945, khi mà họ đã mất cái lợi thế anh hùng đoán giữa trần ai mới già của Hoài Thanh, lại không mấy thành công và được hoan nghênh bằng việc đưa thêm nhiều tác giả khác không thật tiêu biểu cho Thơ thời kỳ đó. Mặc dầu vậy, bài thơ hay nhất về hoa Xoan của thi ca Việt Nam hiện đại với vẻ đẹp sung mãn rồi tàn tạ của nó gắn với thân phận không may của người con gái làng Đặng đã được lựa chọn – Bài Mưa Xuân của Nguyễn Bính mở đầu bằng màn giới thiệu. Em là em gái trong khung cửi, dệt lụa quanh năm với mẹ già. Hoa Xoan ở đây không trầm tư như Nguyễn Trãi hay thùy mị như Anh Thơ. Nó ẩn chứa đầy dự báo không ngờ về thân phận con người.

                        Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay

                        Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy.

Người con gái nghe lời mẹ ngừng thoi dệt lụa để đi dự hội chèo làng Đặng; Mặc dù và có lẽ mưa bụi không ướt áo nên chàng lỗi hẹn không sang. Để cả mùa Xuân cũng lỡ làng. Kết cục duyên phận con người đã để hoa Xoan lúc mùa Xuân tàn tạ nói thay lời.

                        Bữa ấy mưa Xuân đã ngại bay

                        Hoa Xoan đã nát dưới chân giày.

Gần 40 năm sau kể từ Mưa Xuân của Nguyễn Bính, vào năm 1957, thi sỹ Trở Về Quê Cũ. Tôi ái ngại vẩn vơ với một người có lúc hay quên như ông, có lẽ sẽ quên mất hoa Xoan nở mất rồi. Nhưng không. Hoa Xoan một lần nữa lại nở trong ngập tràn hy vọng của nắng vàng và màu tím của hoa giữa buổi bồi hồi nơi chốn cũ.

                        Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng

                        Bồi hồi ngõ cũ tím hoa Xoan.

Giống như Nguyễn Bính, nữ sỹ Xuân Quỳnh cũng ươm được hai bài thơ hoa Xoan nở thật xuất sắc. Bài thơ Mùa Hoa Xoan N. Tháng 3 khi mưa phùn, chiều dạo qua ngang cửa, hoa tím rụng đầy sân. Có một người thiếu nữ nhặt cánh hoa cài lên tóc. Người ấy đã sớm nhận biết sự tàn tạ của mùa Xuân. Nhớ lại thời xưa yêu dấu khi biết làm duyên ở tuổi trăng tròn. Hoa Xoan gợi lại thời khắc đẹp nhất ấy, dù đó là xưa cũ chẳng bao giờ trở lại.

Hoa Xoan tàn mùa Xuân tàn rồi đó

                        Xưa, mười lăm em đã biết điệu đàng.

            Mùa xuân năm 1976, khi Xuân Quỳnh đã 34 tuổi, có viết bài thơ Gửi Mẹ, kể về làng dệt La Khê ngoại thành Hà Đông với sông Nhuệ đò sang hoa Xoan tím ngát; Hoài niệm về người mẹ, ngỡ như mẹ trở về vào dịp hoa Xoan: Mẹ ạ, hoa Xoan bay đầy ngõ.

Hồi 1969-1970, tôi đã thấy hoa Xoan của Xuân Quỳnh bên bờ sông ấy và trong sân các ngôi chùa cổ ở xứ Đoài. Không hiểu sao lúc đó lại nghĩ loài hoa đó dành riêng cho người già thanh bạch, nhiều ẩn ức và những cô thôn nữ đã mơ hồ nhận biết được mình là ai. Đôi khi liên tưởng hoa Xoan trầm lắng kia cũng yên lặng giống như một hoài niệm hay lý thuyết của đạo Phật mà có lần Nguyễn Du đã nói: Phật vốn là không, không dính gì đến muôn vật. Mỗi lần đi xa, ngoảnh lại quê hương xứ Đoài lần nào cũng thấy hoa Xoan ấy im lặng như bóng người mẹ hiền thầm nhắn nhủ một điều gì và chờ đợi một điều gì ở đứa trẻ xa quê.

            Khoảng 20 năm gần đây có tới hơn 20 bài thơ viết về hoa Xoan. Phần nhiều được đăng trên văn học mạng. Ít bài có tứ thơ khác lạ. Phần nhiều nói hoa Xoan cùng với các loài hoa khác và nhiều khi với tâm trạng của người thành thị. Cái nhu mì mà ẩn ức của hoa Xoan Nguyễn Trãi đã không còn nữa. Cây Xoan người nhà quê trồng để lấy gỗ làm nhà. Không phải để lấy hoa. Hoa Xoan theo chân Xuân cuối mùa để trầm lắng một niềm tâm sự những gì chưa nói hết của mùa Xuân ở thôn quê.

Trở lại bài Mộ Xuân Tức Sự, người ta cho là được Nguyễn Trãi viết ở Côn Sơn. Tôi đã xem Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi viết vào thời đó và đã đi theo Côn Sơn Hành của thiên tài Cao Bá Quát (1808-1855) xem ngày xưa cho đến bây giờ có hoa Xoan nở vào dịp cuối Xuân không? Chỉ thấy Cao Chu Thần miêu tả tiếng thông reo làm khuây cả nỗi lòng xa xôi, chỉ thấy bên cầu Thấu Ngọc dưới động Thanh Hư hoa dại lăn tăn nở và tiếng chim ríu rít, Danh cao tự nghìn xưa phó mặc cho vòm trời xanh ngát. Phía xa bến sông Lục Đầu từng trải qua trăm trận đánh mà nay Cao Bá Quát chỉ thấy một chiếc thuyền câu. Trong bài thơ dài Tiễn ông Nguyễn Trúc Khê Ra Nhậm Chức ở Phủ Thường Tín, Cao Bá Quát có dặn bạn nhớ về làng Nhị Khê mà vái lạy nhân vật tuyệt vời ấy. Có lẽ hình bóng của hoa Xoan nở vào thơ Ức Trai là đi từ ký ức của ông về loài hoa đó ở Nhị Khê chăng?

Nguyễn Trãi sinh năm 1380 ở kinh thành Thăng Long. Năm 1385 bà Trần Thị Thái, con gái quan tư đồ Trần Nguyên Đán - đã từng ở Côn Sơn mượn lửa thuyền chài đọc sách xưa - là mẹ của Nguyễn Trãi mất, Nguyễn Trãi theo cha về sống ở Nhị Khê. Không biết kéo dài bao lâu cho đến 1400, ông thi đỗ Thái Học Sinh và ra làm quan với chức Ngự Sử Đài Chánh Chưởng. Cha ông Nguyễn Ứng Long đổi tên Nguyễn Phi Khanh làm Hàn Lâm Học Sỹ kiêm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám dưới triều Hồ Quý Ly. Trong Quốc Âm Thi Tập, có tới 5 lần ông nhắc tới quê  hương Nhị Khê. Khi thì Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân (Mạn thuật bài số 11). Khi thì quê cũ chẳng về nỡ bỏ hoang (Tự thuật bài số 6). Khi thì quê cũ tìm về cảnh cũ thanh (Bảo kính cảnh giới - bài số 31). Rồi Một cày một cuốc thú nhà quê (Thuật hứng bài số 3). Hoặc là trong Bảo kính cảnh giới bài số 28.

Nghìn dặm xem mây nhớ quê

Chẳng chờ cởi ấn guợng xin về.

Ức Trai Thi Tập có bài Tặng hữu nhân, Nguyễn Trãi giải bày tâm sự thương người bạn vừa nghèo vừa bệnh, cùng ngông cuồng và cùng ông làm khách xa nghìn dặm, cùng biết đọc mấy hàng chữ sách… không biết người này là ai. Lý Tử Tấn? Vũ Mộng Nguyên? Cùng đỗ Thái học sinh. Ông hẹn người đó về quê làm ruộng.

                        Năm nào hẹn về Nhị Khê

                        Đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ Xuân.

Tôi nhớ có lần Lý Tử Tấn (1378-1454) người cùng phủ Thường Tín với Nguyễn Trãi, cùng đỗ Thái học sinh, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn làm bài thơ Đế vách nhà Ức Trai có câu: Khi việc đã xong, lui về đốt hương ngồi một mình. Theo những dòng tâm sự ấy, vào năm 2000 tôi về làng Nhị Khê viếng Nguyễn Trãi. Đúng vào dịp Mộ Xuân. Qua khỏi Quán Gánh, rẽ tay phải là đến nơi. Thật là bất ngờ. Hoa Xoan nở vào thơ Ức Trai ở xóm Nhị Khê. Tháng 3 năm nay loài hoa tím chốn thôn quê lại rải đầy mặt đất. Tưởng năm trăm qua chẳng có chuyện gì. Loài hoa nhỏ nhập vào hồn thi nhân nhập vào hồn đất Việt. Năm trăm năm qua ông vẫn trở về nhà. Đội nón lá, vác cuốc đi làm trên cánh đồng mùa Xuân. Hoa Xoan nhỏ như những hạt mưa tím rắc đầy trong ngõ. Đó là đoạn thơ trong bài Về Nhị Khê, nhớ Nguyễn Trãi, tôi viết vào năm 2000, khi vừa được trên bổ nhiệm một… chức quan nhỏ, gần giống như Ngự Sử Đài ngày xưa. Chuyến đi ấy, tôi đã nhìn thấy những khoảng đất trong làng Nhị Khê trồng Xoan đang mùa hoa nở. Có lẽ nó đã ở đây từ 500 năm trước rồi sao?

Nguyễn Trãi đã tự buộc phận mình vào lịch sử. Như buộc sợi cỏ bồng vào một chiều đất Việt đầy mây. Không có ai khen Nguyễn Trãi hay như vua Lê Thánh Tông. Ức Trai lòng sáng tựa sao khuê. Vâng, Nguyễn Trãi sáng như sao khuê trong lịch sử Việt Nam không phải chỉ bằng Bình Ngô Đại Cáo thiên cổ hùng văn ngợi ca sự chiến thắng của nhân nghĩa mà còn bằng Mộ Xuân tức sự nhu mì một chữ Hòa với hoa Xuân nở trong làng quê Việt Nam nghìn năm bình dị.

Sự liên hệ của một lần hoa Xoan xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi và sự tiếp nối của loài hoa ấy trong thơ hiện đại phải chăng như kinh Phật đã nói: Một là tất cả, tất cả là một. Đó là lẽ sống của thi ca Việt Nam mọi thời đại cùng yêu mến và nâng niu cảnh sắc đất nước quê hương mình dù đó chỉ là điều bình dị nhất như hoa Xoan nở mà thôi.

                                                                                                            Mộ Xuân 3-2020.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63674895
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18613
17595
63674895

Thành viên trực tuyến

Đang có 486 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website