Man goes to the noisy crowd to
drown his own clamour of silence.
R.Tagore
Mùa thu này gấp lại cuốn tiểu luận và phê bình văn học có tiêu đề: Bến văn và những vòng sóng với 454 trang, tập hợp 57 bài viết trong khoảng 15 năm trở lại đây. Phát hành quý 1 năm 2020. Điều hiện ra trước tiên với tôi là diện mạo người đã sinh nở quặn đau ra nó. Đó là hồi 1956, 1957. Có cậu bé còn đang học cấp 1 tại một trường làng trung du hẻo lánh bạo hổ bằng hà viết một truyện ngắn để giữa trưa tháng 6 nắng bỏng rát một mình nón lá chân đất đi bộ lên bưu điện huyện Tam Dương gửi về một nhà xuất bản ở Hà Nội- gây cho sự thấp thỏm chờ đợi bỗng dưng mấy năm trời không nhận được hồi âm. Đó là năm 1963. Có anh lính binh nhì ở trung đoàn xe tăng 202 đêm khuya chờ anh em ngủ cả mới chùm chăn bí mật bằng ánh sáng của ngọn đèn tự chế đọc chuyện Cô Nhụy của Lưu Trọng Lư đã bị lộ vì không kìm được nước mắt khóc nức nở, vì thương cô Nhụy quá. Đó là hồi mùa đông rét mướt cuối những năm đầu 80, chàng sinh viên của trường viết văn Nguyễn Du đã chia nửa niêu cơm bé nhỏ, chia nửa tấm chăn chiên mỏng dính với người đã viết Hai nửa vầng trăng. Đó là một ngày tháng 7-2017, cựu học trò của trường viết cư ngụ ở Vân Hồ, xúc động với thơ và đời Chính Hữu đã không ngần ngại hô lớn: Hỡi anh em Vân Hồ! Nếu không có anh Chính Hữu hồi đó thì chúng mình tan tác chim muông từ khuya rồi.
Vài nét chấm phá như thế, tôi hình dung ra nhà phê bình Hữu Thỉnh trong thế giới văn chương của ông.
Những năm 60, Hữu Thỉnh bước vào làng văn trên cương vị là một người lính và một thi sỹ. Cùng với Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo... làm thành một lực lượng đông đảo đóng vai trò lĩnh xướng của phong trào thi ca chống Mỹ cứu nước. Gần hết cuộc đời chìm nổi trong thơ. Thế kỷ 21. Nhà thơ Hữu Thỉnh làm một cuộc phục sinh - Ông đặt chân vào lĩnh vực phê bình văn học bằng việc đi tìm Lý do của Hy Vọng. Xuất hiện năm 2010. Mười năm sau thì đến Bến Văn và những vòng sóng. Dường như ngay cả những điều đó cũng để thể hiện một tâm hồn văn chương, một cách cảm cách nghĩ của một thi sỹ lúc nào cũng biển bạc đầu nông nổi tuổi đôi mươi hơn là một nhà lý luận thâm trầm trong hệ thống cấu trúc dày đặc điển cố văn chương. Gần đây trong một cuộc đến thăm nhà 49 Hàng Bạc, nơi cách đây 110 năm, Nguyễn Tuân cất tiếng khóc chào đời ở đấy mà tôi không hình dung được Nguyễn khóc ra sao, một vị giáo sư đại học khả kính bảo tôi rằng: Hữu Thỉnh làm lý luận cũng sắc nước đấy. Sắc chứ! Vào phê bình văn học, Hữu Thỉnh tiềm ẩn những lợi thế để tạo ra văn chương phê bình có phong vị riêng. Từ một thi sỹ, mang theo lối tư duy hình tượng và lời văn giàu cảm xúc; kết hợp với người giữ cương vị chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam 4 khóa liền đặt người viết vào trách nhiệm ở tầm bao quát những vấn đề của thời cuộc văn chương cùng với sứ mệnh và phẩm giá của người cầm bút cũng như trang trải những điều tâm sự với nhiều thế hệ nhà văn từ người nổi tiếng đến những người còn lẩn khuất, thậm chí cả một vài người vì một lý do nào đó của cuộc đời đã đi qua cửa việc làm văn trong cuộc bể dâu dữ dội của thời cuộc. Dường như muốn không quên một ai, không trừ một ai, có khi chỉ nhắc đến tên một lần, để nghe họ thở và ca hát trên những trang văn và cả những lúc họ sắp cũng như đã lìa xa cõi dương thế đầy bất trắc này với tư cách một người bạn như Bạch Cư Dị đã viết: Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân. Tương phùng hà tất tằng tương thức.** Làm nên sắc thái đa dạng, đa chiều với khoảng không trùm phủ của văn chương phê bình.
Bến văn và những vòng sóng đặc biệt quan tâm đến sứ mệnh của văn chương và nhân cách của người nghệ sỹ. Theo đó, văn học có vai trò lĩnh xướng của lịch sử trong chặng đường đồng hành cùng lịch sử và cuộc sống của dân tộc. Vai trò của văn học rất cần thiết cho đời sống xã hội và cá nhân mỗi con người như là một tự nhiên nhân. Văn học có nhiệm vụ đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống từ đó góp phần nhân đạo hóa các mối quan hệ xã hội. Trong điều kiện một xã hội đang đổi mới, sứ mệnh của văn học tạo ra các giá trị mới như là một trong những nguồn cung cấp năng lượng cho tiến trình đổi mới, làm sâu sắc thêm những quan hệ mới đang được hình thành. Một vấn đề mới mẻ của đời sống văn học trong thời kỳ kinh tế thị trường ở đó văn học bằng sự nhạy cảm và tinh tế vốn có đã sớm nhận ra vấn đề muôn thuở mà có lúc chúng ta xem nhẹ. Việc chăm lo đến lợi ích là một tiến bộ xã hội và là những bước đi bão táp trong việc nhân đạo hóa các quyền con người. Mặt khác, không thể không thừa nhận sự ngông cuồng đến ngạo mạn của cơ chế kinh tế thị trường với cỗ xe săn lùng lợi ích bất chính vào sâu ngõ ngách của đời sống con người, đe dọa mọi thành trì vốn đã được vun đắp từ truyền thống và hiện đại của đạo đức xã hội - Điều mà các nhà chính trị khắp nơi trên thế giới gọi là mặt trái của thị trường. Hơn bao giờ hết, văn học phải đứng vào một trong những vị trí tiên phong là thức tỉnh lương tâm con người bằng vũ khí của chính nó là cái đẹp và sự thật để cảm hóa con người. Ôn lại và ngợi ca giá trị văn học của gần hết một thế kỷ chiến tranh khi mà một nhà lãnh đạo đã nói không một gia đình Việt Nam nào không phải chít khăn tang, văn học đã được viết trong máu và nước mắt, đã phát đi và lan tỏa khắp sông núi ruộng vườn của xứ sở này thông điệp nóng bỏng về lòng yêu nước và ý chí bất khuất của toàn dân tộc trong cuộc chiến vĩ đại vì độc lập, tự do của nhân dân và đức tin của cái thiện, giờ vẫn như vang vọng ở khắp mọi nơi trong thành phố sáng ngời ánh điện cũng như trên những khám thờ heo hút ở những miền quê xa xôi. Nhưng ngày nay, không thể chối bỏ một thực tế: thị trường nếu không được kiểm soát sẽ dễ dàng lu mờ các giá trị người Việt Nam phải trả bằng máu, kéo xã hội lùi về thời hoang dại. Nhưng Hữu Thỉnh tin rằng văn học của chúng ta còn đủ sức và tỉnh táo vươn tới việc nắm bắt đời sống ở thế vận động toàn vẹn của nó. Ba đặc điểm của xã hội hiện đại là thị trường, dân chủ và vai trò cá nhân tác động mạnh mẽ đến nỗi mọi khuôn thước bị tháo tung ra, mở đầu cho một cuộc trở dạ về văn hóa vô cùng nhọc nhằn, phức tạp... Viết được những vấn đề có tính tổng kết và định hướng như thế trong xúc cảm trào lên của một thi sỹ, tôi hiểu Hữu Thỉnh không phải là không cân nhắc trong sự cẩn trọng của tư duy trừu tượng mà còn là sự tan chảy của những dòng cảm xúc mạnh mẽ với sự tỉnh táo của một người lãnh đạo Hội nhà Văn. Tỉnh táo để nhận biết nguy cơ và áp lực đối với văn học. Áp lực đó là thị trường bao hiểm họa luôn muốn biến văn học nghệ thuật thành hàng hóa trao tay. Xu hướng toàn cầu hóa tiềm ẩn lâu dài nguy cơ đồng phục hóa văn hóa. Bởi thế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc chưa bao giờ gay gắt và bức thiết như hiện nay. Nhưng sự tỉnh táo còn nhìn ra cơ hội vàng khi nói thị trường văn học nghệ thuật cũng đồng thời thừa nhận văn học nghệ thuật là một loại hàng hóa đặc biệt phải trả công đặc biệt cho nó, nhưng nó dứt khoát không thể là tay sai của thị trường. Cơ chế kinh tế thị trường, người bạn cũ hàng thế kỷ của nhân loại còn là cơ hội cho sự bùng cháy của văn chương là nhờ quyền năng của công chúng nghệ thuật chờ đợi sự bứt phá đau đớn của con người cũng là của người nghệ sỹ trong quá trình vươn tới cái thiện. Hữu Thỉnh viết: Họ đóng vai trò thượng đế luôn được xu nịnh để tỏ ra có quyền trượng hơn bao giờ hết. Phải chấp nhận thượng đế của thị trường ấy. Và ông lý giải một cách hợp lý đòi hỏi của công chúng ấy như sau: Họ vừa muốn thấy một con người xã hội, vừa khát khao chia sẻ với con người cá nhân, vừa chấp nhận con người lý tưởng nhưng cũng dành mọi sự ưu ái cho sự tồn tại của con người bản năng với sự sục sôi gào thét của dục vọng, thậm chí vô cùng thầm kín. Những cung bậc phức hợp trong yêu cầu của độc giả thật là một thách thức lớn đối với nhà văn. Nhưng cũng vì nó, vì chính những yêu cầu tưởng như phi lý ấy đã là lý do cho những Fedor Dostoyevky, những Garcia Marquez... xuất hiện.
Bến Văn và những vòng sóng thường gắn sứ mệnh của văn học với nhân cách của nhà văn mà tiêu điểm là vấn đề tài năng của người cầm bút.
Trong khi đòi hỏi nhà văn phải dấn thân và nhập cuộc vào cuộc sống của nhân dân để có những tác phẩm có sức khái quát cao và sức sống lâu bền, bên cạnh việc phát hiện, ủng hộ cái mới, cái tích cực phải thích ứng mau lẹ với vai trò phê phán cảnh tỉnh và luôn luôn sáng tạo trong quỹ đạo của sự thật thì Hữu Thỉnh cũng nhìn nhận một cách công bằng đối với lao động riêng có của nhà văn. Ông bộc bạch: Nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích. Tác phẩm văn học là sản phẩm của cá nhân, cho nên cần tôn trọng sự sáng tạo độc lập mang dấu ấn cá nhân. Trong văn học, không ai thay thế được ai. Cái độc đáo, cái dị biệt, cái không thể thay được không thể trong xiêm áo của cái tầm thường mà phải là của những tài năng. Văn chương là câu chuyện của tài năng. Nhiều nhà văn lão thành đã nói điều này. Nhưng ít có ai dằn vặt, trở đi trở lại việc này như trong Bến Văn và những vòng sóng. Một nền văn học được làm giàu bởi tài năng của các thế hệ, đó là sự đòi hỏi của cuộc sống và nhu cầu nội sinh của văn học. Hữu Thỉnh nêu câu hỏi: Những người viết văn trẻ, bạn từ đâu đến? và ông tự trả lời: đến từ miền tài năng. Tài năng ấy đi liền với sự trải nghiệm, một quá trình từ đam mê trở thành bản lĩnh làm nên sức khỏe của một tài năng. Con đường sáng tạo văn học của các tài năng là con đường đi tìm cái mới trong nỗi khổ tâm không dứt, một sự đeo đẳng suốt đời. Và cái mới đáng đi tìm nhất là triết lý nghệ thuật hiểu theo nghĩa: Văn học là triết học trong trạng thái loãng của một nhà văn phương Tây. Và cũng vì vậy, câu chuyện tuyệt đối hóa phương pháp sáng tác, lấy thi pháp thay cho tài năng, tuyệt đối hóa hình thức thì dù nhân danh cái gì, dù có thiện ý và không thiếu say mê thì lịch sử văn học cho thấy không mấy sáng sủa, chưa kể những cuộc trống dong cờ mở, bóp nặn... cũng một sớm một chiều bị người đọc lãng quên.
Nói đến tài năng văn chương lại liên quan đến một thế hệ những người cầm bút, đến thực trạng chung của một nền văn học. Nhiều đầy tràn nhưng ít sâu lắng. Dàn đồng ca khá mạnh nhưng ít giọng lĩnh xướng vang xa. Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công. Câu chuyện không phải của riêng ai. Đôi khi một khuynh hướng sáng tác đã đưa nhiều cá nhân vào một đội ngũ thăng hoa khởi sắc. Ví như cảm hứng phê phán đã làm thơ bớt bằng phẳng một chiều. Đọc những sáng tác mà Hữu Thỉnh đã lựa chọn của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Việt Phương, Phạm Tiến Duật, Phùng Quán, thường là những sáng tác cuối đời, không phải xám hối, không phải lạc lõng, tôi gặp được nỗi đau và lòng trắc ẩn, gặp cái lan tỏa của nhân cách nhà văn trước những biến thiên của thời cuộc, những giây phút xót lòng của đời sống cộng sinh cùng với sự nhọc lòng đau đớn của Chế Lan Viên, tự chảy một cách diết dóng trong bài thơ Cách mạng của Nguyễn Đình Thi; cái rẽ qua những tranh cãi ồn ào để trở về cái vĩnh hằng ở cuộc đời thường của Chính Hữu; cái đoạn trường dư ba đủ vị khi bản thể của ta chỉ là cây thông thương nhớ hoàng hôn mà lòng ta tin cậy ở con người của Việt Phương... Tôi nhận ra một thi sĩ Hữu Thỉnh trong khi nói về vấn đề lý luận.
Nhưng câu chuyện văn chương lớn nhất và có nhiều tâm trạng nhất của Bến Văn và những vòng sóng lại là chân dung của các nhà văn Việt Nam hiện đại. Khoảng 50 nhân vật văn chương được vẽ lên bởi nhiều thể tài: diễn văn kỷ niệm, tùy bút và bút ký văn học, lý luận phê bình văn học v.v... Đầy đặn và sắc nét hơn cả là các bài về các nhà thơ. Chớp cánh Nguyễn Đình Thi. Làm mới thơ - phương án Nguyễn Đình Thi. Chính Hữu - một nhịp lắc lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Một vỉa Lưu Trọng Lư. Hoàng Hữu và Thơ Hoàng Hữu. Ấn tượng Nguyễn Quang Thiều. Phát hiện Võ Thanh An. Thanh Thảo người đem đến những giá trị bổ xung. Huy Cận với tâm nguyện làm bục nhảy đưa sự sống lên cao...
Trong các chân dung văn học, thường thấy những kỷ niệm riêng của người viết và thường sử dụng nhiều mệnh đề khẳng định để soi chiếu, làm rạng lên hình nét của những khoảng sáng rộng lớn một khuôn mặt văn chương rồi đi đến cái nét chủ yếu của diện mạo đó. Với hai bài viết về Nguyễn Đình Thi có tới 12 mệnh đề như vậy. Như là sự hò hẹn tiền định với văn chương. Sự bừng sáng của trí tuệ. Hay như là: Lời thơ thi nhã mà ý thơ đậm, rất đời mà rất Việt Nam. Hoặc giả: thuộc số những người vượt qua giới hạn của cái chết. Hoặc một cỗ máy chưa được sử dụng hết công suất. Hay một thi sỹ đủ tài năng để cất lên tiếng nói của thời đại v.v... Tôi chờ đợi cái mệnh đề, cái kết luận cuối cùng về con người này. Không phải sự vàng son của một pho tượng hay một nóc nhà thờ ảo vọng mà lại là chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người, lại là vấn đề rất gần gũi với chúng ta: Vấn đề nhân phẩm con người - Một cống hiến quan trọng của Nguyễn Đình Thi vào tiến trình hiện đại thơ ca.
Với Chính Hữu, là tiếng hát của tâm hồn người lính trải qua những biến cố của lịch sử, những chấn động của thời cuộc với vang vọng nội tâm. Lưu Trọng Lư là dòng sông hợp lưu rạo rực của tuôn chảy lãng mạn, hiện thực và yêu nước v.v…
Mỗi chân dung văn học là một lần trân trọng lao động của nhà văn, đồng thời như một lần phát hiện ra sự reo vang của tâm hồn bản thân người viết. Chan chứa yêu thương mà tưởng như mềm yếu với Hoàng Hữu; chân chất kỷ niệm mà tỏa ấm với thương quá mười Thanh khi gặp lại mưa lưa thưa vừa đủ thương nhau ở đất mũi Cà Mau; Trang trọng mà chân thành với Nguyễn Quang Thiều, Thanh Tịnh... Phát hiện Võ Thanh An như phát hiện ra cả hai người... Đó là người đàn ông có trái tim đa cảm, có lúc mềm yếu, hào hiệp và khoan dung, hai người cùng một tâm trạng với nỗi buồn nhân thế, sự xấp ngửa ở đời, nỗi cô đơn, sự mất mát trong tình yêu, sự rợn ngợp trước cái thoáng chốc và cái vĩnh cửu. Những thi nhân đã tan biến vào nhau rồi chăng để người đọc chỉ thấy sự cảm thông, đồng điệu và tình thương mến?
Một cuốn sách bao phủ nhiều vấn đề như Bến Văn và những vòng sóng không phải không có những điểm cần bàn luận thêm như vấn đề kế tiếp của Thơ Mới, thơ kháng chiến chống Pháp, thơ thời chống Mỹ và thơ của bây giờ; Hay như tiến trình La tinh hóa tiếng Việt và giá trị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam v.v... là những vấn đề phải có cả một chuyên luận mới giải quyết đầy đủ. Một cuốn sách phê bình văn học gợi mở cho người đọc tiếp tục mở mang ý nghĩa đa chiều của nó cũng là điều cần thiết.
Ở thế kỷ trước, các thi sỹ tài danh Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... và nhất là Chế Lan Viên sau khi tỏa sáng trên thi đàn họ tìm đến phê bình văn học như là lý do bù đắp lại cái ý tại ngôn ngoại của thơ nhằm giãi bày nét gãy khúc vô tận của chân trời văn học và nỗi tiềm ẩn thăm thẳm số phận con người qua những đời văn khát khao, dằn vặt trong cuộc bể dâu văn chương xem chừng chẳng bao giờ cạn. Xót xa, đau đớn và sâu sắc hơn cả là tâm sự của Chế Lan Viên về nhà phê bình vừa khóc vừa ôm lấy thi sỹ để cùng uống rượu và hát ở chợ danh vọng cũng là chợ văn chương rồi rút nắm tranh trên lều chợ ấy đốt lên để đọc trang thơ hay đến nỗi chẳng thể phê bình được nữa. Kỳ lạ thay, ngọn lửa đốt lều ấy cứ ám ảnh tôi bao lâu rồi như thể ngọn lửa của trí tuệ, lòng tin, danh dự và trách nhiệm của người được gọi là thi sỹ. Sau khi Thương lượng với thời gian, Hữu Thỉnh đã lên đường tìm kiếm Lý do của hy vọng để đến được Bến văn và những vòng sóng năm 2020, cho lan tỏa những trang trải và dư ba của một đời văn. Vì thế tôi không gặp lại nhà phê bình và thi sỹ đã đốt lều tranh ở thế kỷ trước để cùng đọc trang thơ ấy nữa suốt 454 trang sách của Hữu Thỉnh. Bởi vì như Hữu Thỉnh nói Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng và:
Có gì trời đất mang theo
Thế gian muôn nỗi cánh diều mong manh
Rút từ tập Thương lượng với thời gian, nơi Hữu Thỉnh đã từng Sống một ngày lội qua cả kiếp người ./.
Nguồn: Báo Văn nghệ ngày 17/10/2020
Chú thích:
* Thơ Tagore:
Con người đi vào đám đông sôi động để nhấn chìm sự im lặng gào thét của chính mình.
** Thơ bạch Cư Dị
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau nào sẵn quen nhau.