Vàng lửa

Sống đi Thiệp ơi! Đó là câu nói cuối cùng của Thiệp mà tôi nghe được, như là khát vọng sống gào thét mà không thành tiếng khi thần chết đang phủ vẻ u ám trên khuôn mặt tiều tụy của ông vào quá trưa hôm 15 tháng giêng 2021, hôm mà con trai Thiệp làm mấy mâm cúng 49 ngày cho vợ ông. Thời gian chưa đủ nguôi ngoai. Xịch một cái, hôm nay đã là mồng 8 tháng 5 rồi. Các con ông lại làm lễ cúng 49 ngày cho cha, cho con người cách đó 5 tháng đã âm ỉ gọi cho trần gian nghe thấy điều giản dị mà quan yếu nhất của đời người là được sống. Dịch Covid lúc này vào đợt thứ 4 trầm trọng nên không được tụ tập đông người. Cơm cúng chỉ có đĩa khoai lang luộc bóc vỏ, sắt ngang từng miếng tròn mỏng và đĩa củ lạc luộc. Rất nhiều hoa loa kèn phơn phớt vàng tháng 4 trên hai bàn thờ. Sau ngày 15 tháng giêng độ 2 tháng – nhằm ngày 20 tháng 3, Nguyễn Huy Thiệp cũng về trời bằng cách cùng vợ Sang sông. Hồi 2012 có lần tôi hỏi Thiệp. Tại sao truyện Sang Sông ông cho tất cả mọi người lên bờ, chỉ để riêng nhà sư một mình quay trở lại? Thiệp bảo. Sang sông dự thi báo Văn Nghệ hồi 1991. Đầu 1992 được đăng. Các ông Nguyên Ngọc và nhất là Nguyễn Khải trong Ban Giám khảo thích lắm. Nhưng lại bảo. Hay thì hay thật, chỉ tội cái khó hiểu quá. Cho nên hai mexừ cho điểm 5/10. Nghĩa là chẳng vào được cái giải nào cả. Ấy vậy mà tướng Trần Độ lúc đó đang cầm quân ở mặt trận văn hóa cho người gọi lên khen. Lại bảo chắc có kẻ nào khác viết hộ. Tài bằng cái đấu như Thiệp… Giỏi thì viết truyện khác. Thế là chừng một tháng sau, truyện Thiên văn ra đời cũng là chuyện một người một mình sang sông bởi định mệnh cồng kềnh và thô lậu xô sóng vận hạn vào người vị khách không có tên. Còn khó hiểu hơn cả Sang sông bởi 7 đoạn thơ ương như ổi thỉnh thoảng chen vào giữa hơi văn. Tôi giải thích hộ Thiệp theo kiểu … con nhà có học. Nhà sư không lên bờ là phải. Nói chung các tôn giáo và học thuyết chính trị cải lương thường nửa vời trong khi tiếp cận chân lý. Có khi gần đến nơi rồi lại quay trở lại từ đầu để tìm cách giải thích  khác hoặc đang lúc cao trào của hành động thì lại bảo dừng ngay để chờ xem thế nào đã. Bây giờ thì tôi hiểu truyện Sang sông có lẽ Nguyễn Huy Thiệp cho nhà sư ấy quay trở lại để đón vợ chồng ông trong một chuyến đò khác. Chuyến đò định mệnh, chỉ trong vòng vài tuần trăng đã đưa ông và bà vợ cùng sang cõi bên kia của thế giới. Đời văn Thiệp đã 7 lần sang sông. Chạy đi sông ơi. Sang sông. Thiên văn. Một thoáng Xuân Hương. Con gái thủy thần. Hạc vừa bay vừa thảng thốt. Trương Chi. Và theo lời mẹ cả hiện hình trong bức tượng ngồi ở sân nhà Khương Hạ thì lần sang sông này là lần cuối cùng họ không bao giờ quay trở lại được nữa. Thế là hết một đời người. Ngày 24 tháng 3 năm 2021 giới văn nghệ sỹ nước nhà tập trung đông đảo ở nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội, nơi nếu là nhà văn, chỉ những người nổi tiếng như Thiệp mới được vào. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đọc lời điếu. Đó đúng hơn là bản tuyên ngôn của một thế hệ nhà văn trước Tổ quốc và Nhân dân. Nhắc nhở bi thiết lẽ sống của những người cầm bút. Cả phòng tang lễ im phăng phắc. Bỗng đâu đột khởi vang lên da diết tiếng Saxophone Một cõi đi về. Tất cả tưởng như lạnh ngắt. Lẫn trong nhạc run rẩy tiếng nói của người nằm trong quan tài Sống đi Thiệp ơi

Ở ngoài sân, không hiểu ai cho đậu chiếc xe bán tải hiệu Ford màu gụ sáng đợi sẵn. Thùng xe có 7 con ngựa giấy đỏ vàng đen tím – mắt đen viền trắng thật nghi lễ. Khoảng 3 can nhựa to nhỏ - chừng trên dưới 20 lít rượu trắng đổ lại. Một bó hoa cúc đại đóa vàng. Chắc là đợt này sang sông rồi, vợ chồng Thiệp phải dùng ngựa đi tiếp. Còn như rượu trắng để mời các quan thành hoàng và phi lộ mấy tay phu trạm trên đường thiên lý tới âm ty. Saxophone Một cõi đi về đã tắt mà vẫn run rẩy đâu đây, nửa như tất tưởi, nửa như níu kéo Thiệp trở lại một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa. Con tim yêu thương của Thiệp vô tình chợt gọi bóng dáng một con người khổ đau mang tước hiệu nhà văn, tiếng gọi vô biên như chưa từng hội ngộ ở chốn quê nhà Khương Hạ bởi ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì từ dạo tết 2020 khi mẹ cả bắt ông đổ bệnh đến nay tròn 12 tháng. Khi cưỡi trên mình ngựa giấy, chắc Thiệp không khỏi nhớ lại nghiệp chướng văn chương thời 21 tuổi bị cô gái Thái lừa giữ hộ ngựa ở chợ Mường La, khi ngựa và người lộc cộc đi trong sương mù dày đặc Truyện tình kể trong đêm mưa. Thiệp và vợ cưỡi chung một con ngựa giấy hẳn gặp lại một đêm mưa tạnh trăng sáng tựa gương giống hệt như quan Đề Thám cùng cô Xoan đi ngựa xuyên rừng mênh mông mà lóng lánh những hạt mưa đầu mùa tháng 4 Nhã Nam cách đây hơn 100 năm. Đêm đó Đề Thám khóc sụt sùi như một người thường, khóc vì bổn phận người làm tướng buộc phải rời xa cô Xoan yêu dấu. Thiệp không khóc bởi vì ông không phải là tướng mà chỉ là một nhà văn quê mùa mà thôi. Vang lên trong rừng lời quan Đề nói Sợ nhất là không chết được, là không bao giờ chết.

Bình sinh Thiệp là người thật thà. Giản dị đến mức xuề xòa. Còn nhớ hồi mùa thu u ẩn năm 2012, có 4 chàng văn nghệ và một vị như là mõ tòa mới giải nghệ hẹn nhau cơm cháy dưa chua xào ở số 2 Lê Thạch. Thấm thoát thế mà đã 10 năm. Thiệp góp vui thường chỉ là khoai lang, lạc củ luộc. Thỉnh thoảng một nắm cơm bé bằng cái đĩa nhỏ và túi muối vừng. Thức dùng cho người ăn kiêng và thế thủ sức khỏe. Sau khi Thiệp mất, tôi đọc ở đâu đó, bạn văn ví Thiệp như ngọn hỏa diệm sơn trên cánh đồng văn chương. Kể cũng mạnh văn đấy nhỉ. Nhưng không hiểu sao tôi thấy xa xôi quá. Chẳng biết có phải gần chùa gọi bụt bằng anh hay không; Nhưng tôi quý ông trước hết vì là một người thường trung thực, không làm hại ai bao giờ. Tôi không phải dè chừng điều gì, vốn là một tật xấu của những ai đã có thâm niên thâm hậu trong nghề tư pháp.

Từ 1970 – 1980, chàng sinh viên khoa Sử của Đại học sư phạm Hà Nội lên vùng cao Hát Lót – Cò Nòi làm nghề giáo học cho trường văn hóa Tây Bắc. Sau 10 năm ăn măng rừng và xem hoa ban nở, tài sản mang về Hà Nội chỉ một vài truyện ngắn. Thiệp ta mon men đến cửa làm văn lúc 30 tuổi. Bản thảo được gửi cho một tờ báo nọ. Ba tháng sau không thấy trả lời đăng hay không. Thiệp sốt ruột quá nhiều lần mò đến và trở nên quen theo kiểu … chơi trèo … làm bạn với một vị biên tập. Vị này cũng là người thật thà mũi thẳng như ống bương nhẹ nhàng bảo. Chú ở rừng về chắc có gỗ. Kiếm đâu cho anh cái giường đôi. Gỗ dẻ cũng được. Thế là một giường đôi gỗ dẻ được chuyển đến đền thờ văn chương. Vì tình bạn thôi mà. Sau đấy, không biết vì lý do gì, truyện của Thiệp được đăng. Về được Hà Nội là ổn rồi. Phải tính đưa bà vợ từ Bắc Giang cũng đang làm giáo viên về thủ đô. Lang thang nhiều cửa xin vào người ta đều lắc đầu ngoảnh mặt. Cuối cùng phải nhờ đến tư tưởng triết học của Bảo Sinh, một người bạn mà Thiệp tặng cho cái hỗn danh là Sinh chó. Trong mê tiền tưởng là tiền. Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm. Với số lượng 7 cây vàng thời 1980 to lắm, chàng đã đưa được nàng lên ngựa về dinh. Rồi nhập cuộc thị trường khá nhanh để trang trải cuộc đời cho việc viết văn. Thiệp đi buôn giấy từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Ông biết một tay giang hồ xách 2 vai li tiền từ Đông Âu về. Thằng cha muốn làm cuộc cách mạng màu. Thiệp định phanh phui, nhưng nghĩ mình buôn giấy sợ hắn ta trả thù nên đành bỏ cuộc. Nhưng rồi hắn cũng chẳng làm được gì. Và cũng chẳng ra gì.

Khi đã nổi tiếng rồi lại nảy sinh chuyện các fan hâm mộ. Người ta kéo đến xem mặt. Có ngày đông tới 60 người. Nhà 71 ngõ 77 Bùi Xương Trạch ngoắt ngoéo là thế mà vẫn tìm ra. Phải dựng rạp ở sân và đun nồi nước vối lớn cho khách thập phương. Đủ hạng tình nguyện làm fan. Fan nữ cũng nhiều. Quãng từ 2012 giở đi, cứ thưa thớt dần. Chỉ còn lại đám chí cốt mà Thiệp thường đặt cho những hỗn danh Khánh nhọ, Sinh chó v.v.. Họ không phải ai khác đã ở lại cho đến ngày cuối khi Thiệp ra đi. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Huy Thiệp lại giành ưu ái gọi Sinh chó là nhà thơ dân gian và đồng tình với ông ấy khi gọi thơ Bảo Sinh là Huyền Thi. Họ cũng dính vào chuyện Sang sông. Thiệp bày tỏ sự tâm đắc mấy vần lục bát của cái ông hay đi bát phố mà ở tuổi 80 vẫn được nhiều thiếu nữ Hà Thành yêu mến. Cùng chung một chuyến đò ngang. Kẻ thì sang bến người đang trở về. Lái đò lái mãi thành mê. Sang về chẳng biết mình về hay sang. Cài tứ này trùng với truyện của Thiệp. Trời đã trao cho Bảo Sinh cái vinh dự là người loan tin đầu tiên trên mạng việc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp băng hà. Có lần Thiệp khoe đi ăn bò bít tết trên phố cổ với Bảo Sinh. Lại chạnh nhớ. Vũ Bằng trong 40 năm nói láo viết. Người ta thường kể một câu nói của Vũ Trọng Phụng: giá mỗi ngày được miếng bít tết để ăn thì đâu phải chết non thế này. Năm ấy Phụng mới 27 tuổi. Một lần nhà Bảo Sinh ở số 30 ngõ 167 Trương Định có việc. Ông ấy khai trương một giáo đường thờ chó bên cạnh nghĩa trang chó. Vợ chồng Thiệp muốn nhân cơ hội này mang đĩa gốm vẽ hình của Thiệp ngồi ở cổng để bán cho khách đến như những người nô bộc của Bảo Sinh. Thiệp đau chân, phải chống nạng, nên rủ tôi đến giúp một tay bán đĩa nghệ thuật. Bao nhiêu tài tử phong lưu trai tài gái sắc lũ lượt vào giáo đường thiêng thờ chó. Nhưng suốt cả một buổi không ai bỏ một cắc nào mua đĩa cho Thiệp. Một tay kịch sỹ đứng tuổi mặc cả đến mòn cả đĩa mà cuối cùng lại thôi. Tôi chỉ sợ người ở cơ quan cũ đến đây nhận ra mặt thì khốn. Bảo Sinh bận tiếp khách không ra. Rõ thật Ai công hầu, ai khanh tướng trên trần ai ai đã biết ai.

Ngày thường Thiệp hay nói đến Đạo đến Thiền một cách cung kính. Lắm khi cả sex nữa. Một bận cùng nhau lên thắp hương đền Hùng, Thiệp thuê thầy làm hẳn ba bộ sớ viết đầy chữ nho trên giấy vàng mã khổ lớn để hóa vàng đủ trước cửa cả 3 đền. Buổi trưa dừng lại khách sạn dùng cơm. Một kẻ khiêu khích đến. Thiệp mắng thẳng vào mặt. Bố láo! Chúng ông vừa đi lễ về … Rồi lần đi lễ phật chùa Keo, có ghé nhà Nguyễn Khuyến ở Bình Lục, Hà Nam thắp hương. Làng ấy có nhiều ao nước trong vắt. Y như là ao Thu của ông ấy, đặc biệt là hồ sen trắng trong vườn Nguyễn Khuyến tĩnh lặng thiền lắng lại cái buồn muôn thuở đìu hiu của cánh đồng lách qua lũy tre làng vào ẩn ở đây. Chúng tôi bàn về chuyện Bài học nông thôn – Diều nào mà chẳng đứt dây một lần. Tôi hỏi. Thiệp có phải là Hiếu nằm úp mặt trên đống cá ướt dưới trời mưa mồm ngoặm đầy cát không? Thiệp đánh trống lảng. Ông có biết gì về Rocket một giờ không? Văn chương Thiệp thường có những đoạn sex vừa phải, ông đã viết 3 bài nghị luận về tính dục trong văn học hôm nay. Thiệp cho tôi cuốn Nhục bồ đoàn của Lý Ngư và lý luận theo kiểu tam đoạn luận: Văn học là nhân học nên dục tính là nhân tính. Không gì dạy cho người ta “giỏi chính trị” như dục vọng. Nhân tính và phi nhân tính cũng là đây. Thiệp khẳng định điều sau đây là đúng Viết về sex có tính chất thiền không phải ai cũng đủ sức làm được. Đủ sức để vượt qua cái giới hạn mong manh. Kiếm sắc, Phẩm tiết… đã vượt qua được cái giới hạn mong manh giữa sex và thiền. Dường như cả Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp đều thành công việc đối mặt với sex trong văn chương. Chưa thấy họ lõa lồ trên bức trướng sang trọng của chữ nghĩa. Nhưng có lẽ họ Vũ vừa bạo liệt lại vừa mộc mạc hơn. Thiệp đôi khi cũng bị chữ thiền níu lại. Phẩm tiết khi mới ra đời có đoạn miêu tả Vinh Hoa bị trói. Thân thể tỏa ra mùi hoa sữa. Sau này in sách Thiệp bỏ hẳn cái đoạn ấy. Nhưng vẫn để chi tiết Gia Long nhìn thấy thì xây xẩm mặt mày, ngã quay ra đất ngất lịm đi. Vua muốn lấy làm vợ. Vinh Hoa tâu. Bệ hạ muốn làm vua gà vua vịt hay sao. Gia Long thở dài… Đế vương không được quyền đê tiện. Đoạn Nguyễn Trãi động phòng. Thị Lộ hổn hển thở dốc. Nguyễn thì thật cao sang. Thiền hiện hình thành ngọn nến kiên nhẫn cháy ở góc phòng. Nguyễn cũng kiên nhẫn cháy như thế. Đôi lúc Nguyễn Huy Thiệp nhạy bén vấn đề này lắm. Một lần nhà văn Lê Ngọc Minh ở trong Thanh ra đưa cho tôi và Thiệp 2 quyển thơ Đường loại bỏ túi. Tôi thì mở Vương Xương Linh ra đọc. Còn Thiệp đánh đoành một cái, lật ngay Thu Ý Nương của Võ Tắc Thiên xem liền. Nhìn xanh hóa đỏ lạ thay. Xác thân tiều tụy vì ai võ vàng. Chẳng tin thiếp khóc nhớ chàng. Mở rương xem, lệ thấm loang quần hồng. Sex 100%. Thiền cũng như thế.

Văn Thiệp vẽ nhiều bức chân dung nhân vật lịch sử. Nguyễn Trãi. Quang Trung. Gia Long. Đề Thám. Các văn sỹ có Hồ Xuân Hương. Tú Xương. Nguyễn Bính. Bút pháp đặc tả nhân vật lịch sử của Thiệp thường đặt họ từ vĩ nhân làm một người thường. Thiệp không phải là nhà viết sử. Ông là nhà văn. Ông được quyền như vậy. Chả thế mà có lần Phạm Tiến Duật… xui dại Thiệp: Hãy đốt quyển lịch sử đương đại. Sẽ thấy miếng giấy hình hoa thị. Hòa vào nước uống. Văn sẽ đam mê. Cả 4 vĩ nhân của Thiệp trong vai người thường gây được sự chấn động văn chương. Có điều viết về Nguyễn Trãi, Đề Thám trữ tình và lãng mạn. Với Quang Trung, Gia Long, Thiệp xuống tay sử dụng chữ phũ hết cỡ. Chân dung Hồ Xuân Hương. Tú Xương. Nguyễn Bính ý tưởng chưa có gì đặc sắc. Nhạt.

Ở Phương Tây, có người đội cho Thiệp cái mũ Hậu hiện đại. Tôi thì nghĩ chẳng có tiền, có hậu chi cả. Thiệp ảnh hưởng nặng lối dẫn chuyện, lối khắc họa nhân vật của tiểu thuyết và văn xuôi cổ điển phương Đông. Đôi khi yếu tố huyền thoại huyễn hoặc xen vào cũng từ nguồn gốc ấy. Nhà văn thường nói Văn học phải chân, thiện, mỹ. Ba cái đó phải dựa vào nhau. Nhưng quan trọng nhất là chân. Muốn biết chân phải biết giả. Yến Thanh trong Thủy Hử giống như anh giữ xe ngoài quán Karaoke. Biết đủ thứ cả chân lẫn giả. Còn ông tướng Lư Tuấn Nghĩa đã không biết giả nên mới để thằng cha quản gia Lý Cố ẵm nhẹ bà vợ bé mà Ngọc Kỳ Lân họ Lư không biết. Có vẻ ở phương Tây, Nguyễn Huy Thiệp thích Friedrich Nietzsche hơn cả. Thiệp chỉ đọc ông ấy qua 3 bản dịch tiếng Việt. Buổi hoàng hôn của những thần tượng, Tarathustra đã nói như thế Schopenhauer nhà giáo dục. Đặc biệt khoái Buổi hoàng  hôn của những thần tượng có những bức biếm họa về các văn nghệ sỹ như Victo Huygo hay đại dương phi lý. Zola hay thú phóng uế. Geoger Sand hay Con bò sữa đẹp mã v.v.. Tôi thường bảo Thiệp. Ông không biết một ngoại ngữ Âu Tây nào dành dọt mà chửi đám nhà thơ ghê quá! Dường như con người truyện ngắn và con người phê bình trong Thiệp có một khoảng cách khá xa. Lắm khi còn cãi lộn nhau nữa. Thiệp bảo tôi: phê bình văn học phải tự cao một tí mới hay. Phải cưỡi lên đối tượng. Không thể làm trung vệ được. Phải làm tiền vệ đá thẳng vào ngực như Messy ấy… Dường như trong Giăng lưới bắt chim, Thiệp bộc lộ con người bản năng của ông nhiều nhất.

Lịch sử văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ thế kỷ 20 thực sự là một bước tiến vượt bậc so cả với 9 thế kỷ trước. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19, thành tựu văn xuôi chưa có gì thật đáng kể so với sự huy hoàng của thi ca. 50 năm đầu tiên của thế kỷ 20, bên cạnh các nhà văn tài năng, Vũ Trọng Phụng nổi lên như là một trong những người tiêu biểu nhất. Chỉ trong khoảng 10 năm, Vũ Trọng Phụng để lại nhiều tiểu thuyết và phóng sự bất hủ cho văn học nước nhà. Số đỏ, Giống tố, Vỡ đê cùng sinh năm 1936 đến Cạm bẫy người 1933, Kỹ nghệ lấy Tây 1934. Cơm thầy cơm cô. 1936. Lục xì 1938. Nửa sau thế kỷ 20, bên cạnh các nhà văn tên tuổi khác; có một Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn ra đời trong khoảng 10 năm cuối những năm 1980 và 1990. Tướng về hưu. Vàng lửa. Kiếm sắc. Phẩm tiết. Muối của rừng. Thương nhớ đồng quê. Sang sông. Chảy đi sông ơi. Mưa Nhã Nam. Huyền thoại phố phường v.v.. đã làm rung chuyển cả văn đàn. Văn chương của Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp có một điểm chung cùng cảnh báo về sự sa đọa của con người và thức tỉnh con người hướng tới điều thiện. Không chỉ vấn đề thân phận mà hơn thế nữa là phẩm giá của con người trong tiếng kêu thét quằn quại và đau đớn. Văn chương tả thực của các ông chạm tới đáy niềm trắc ẩn của mọi lớp người đều bình đẳng trong kiếp người thường. Họ đều khẩn thiết kêu gọi văn học chớ nên vì lý tưởng hóa con người mà quên mất hiện thực vốn diễn ra như quy luật muôn đời của cuộc sống. Cả hai ông đều đưa văn học sang sông đến bến bờ mới ở những giai đoạn đầy thách thức của văn chương. Sau họ. Không thấy ai làm giống họ.

Bây giờ Thiệp đã sang sông và đang cưỡi ngựa rong chơi cõi Vĩnh Hằng. Làm được như Thiệp trong văn chương không phải là điều dễ dàng. Đó là điều mà Nietzsche đã nói Thế giới được tô điểm phải chăng bởi tại chính con người cho nó là đẹp. Con người đã nhân loại hóa thế giới. Và để làm được điều đó, theo Nietzsche có một trong số những con đường là Trong những thời đại như thời đại của chúng ta, nghệ thuật có quyền hoàn toàn điên khùng. Thiệp đã điên khùng như vậy trong nhiều truyện ngắn của ông. Lạ thay chính con người điên khùng đó đã khẩn thiết xin những người cầm bút đừng bao giờ huyền thoại hóa con người. Hãy để cho họ tự nhiên như những người thường sống với quy luật muôn đời của trần thế hiện còn đầy rẫy những đắng cay, cô đơn và thật dễ tổn thương trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Thiệp đang ngồi trên mình ngựa giấy mà lưng rất thẳng giống như Gia Long Nguyễn Ánh hồi mới về lại Phú Xuân. Chợt nghe Vinh Hoa ôm đàn hát bài Sang sông theo điệu Triều Thiên Tử

Thiếp là dòng sông

Định mệnh cuồn cuộn chảy

Mắc vào lưới tình

Mắc vào đôi mắt

Ngẫm nghĩ về mẻ lưới người.

Hoa ban khắc khoải

Một nghìn năm còn trắng nữa không?

Phẩm tiết đời ta

Chỉ nhà vua và trăng kia mới biết

Chuyện tình kể còn chưa hết

Hoa Tử Huyền

Muối của rừng ba năm rồi có nở?

Kiếm sắc mài mòn đuôi mắt

Trăng Nhã Nam lướt thướt phận người

Nhìn giọt đồng hồ rơi

Không còn sợ nữa

Kiếp trăm năm tài mệnh là gì?

Thiếp là dòng sông

Chàng cuồn cuộn chảy

Hoa loa kèn bỡ ngỡ

Vàng lửa vàng tháng tư…

Truyện Vàng lửa có 3 đoạn kết khác nhau. Bây giờ có lẽ Thiệp chỉ dùng một trong 3 cái kết ấy. Như là chiêm nghiệm của cuộc đời ông:

“Tất cả những cố gắng của con người hướng về điều thiện đều là những cố gắng đau đớn, nhọc lòng. Điều thiện hiếm như vàng và sau đó phải được vàng bảo đảm mới có giá trị thực” – Vàng lửa.

Hà Nội tháng 5. 2021

Nguồn:  Báo Văn nghệ ngày 26/6/2021

  

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63670604
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14322
17595
63670604

Thành viên trực tuyến

Đang có 629 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website