"Chuyện tình cây táo gai": Thanh âm tình yêu vĩnh cửu

Bàn tay tài hoa của Trương Nghệ Mưu cũng như màn trình diễn nhiều cảm xúc của đôi diễn viên chính biến "Chuyện tình cây táo gai" thành tác phẩm không thể bỏ qua trong danh sách các phim về tình yêu thuần khiết.

Trong hai thập niên qua, tên tuổi đạo diễn gạo cội Trương Nghệ Mưu thường gắn liền với những bộ phim quy mô sản xuất lớn, nhiều cảnh hành động, như Anh hùng (2002), Thập diện mai phục (2004), Hoàng Kim Giáp (2006) hay Vô ảnh (2018); kể những câu chuyện rất lớn theo kiểu “đại tự sự”. Thế nhưng, ông vẫn giữ khoảng lặng cho một số tác phẩm mang nhiều tự sự cá nhân như Chuyện tình cây táo gai (2010) - bộ phim đến nay vẫn gây thổn thức cho khán giả.

Tình yêu thời biến động

Chuyện tình cây táo gai (còn gọi là Chuyện tình cây sơn tra) được chuyển thể từ một tiểu thuyết nổi tiếng năm 2007. Phim lấy bối cảnh thời Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc vào thập niên 1960, 1970. Cô bé 16 tuổi Tịnh Thu (Châu Đông Vũ) đang học trung học, có bố phải đi học tập cải tạo. Từ chỗ là giáo viên, mẹ cô phải xuống làm lao công. Tịnh Thu về nông thôn sống cùng người dân theo định hướng lao động và rèn luyện thời đó.

20210816

Chuyện tình cây táo gai (2010) đến nay vẫn gây thổn thức cho khán giả vì câu chuyện tình đẹp và nên thơ

Tịnh Thu quen “lão Tam” Kiến Tân (Đậu Kiêu), chàng trai 24 tuổi xuất thân gia đình có địa vị, bố là cán bộ cao cấp. Anh được mọi người mến mộ vì gia cảnh cũng như tinh thần hoạt bát, tích cực trong ngành địa chất. Từ lần đầu gặp gỡ, đôi trẻ đã thân thiết và dần trao gửi tình cảm son sắt. Song, mối tình đó đứng trước vô vàn thử thách từ xã hội lẫn gia đình.

Bối cảnh Cách mạng văn hóa tạo ra sự đặc biệt cho bộ phim. Trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn này mang đến những thay đổi lớn về quan niệm xã hội và đạo đức. Nó cũng được nhớ đến vì sự hỗn loạn, bạo động và xung đột. Hàng triệu người bị kết tội là “phần tử cánh hữu”, bị tịch thu tài sản, sỉ nhục, thậm chí xử tử. Nhiều thanh niên trí thức ở thành thị, như Tịnh Thu trong phim, phải về nông thôn lao động và cải tạo.

Dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu, thời kỳ Cách mạng văn hóa tái hiện sống động qua các cảnh lao động, tuyên truyền, phần thoại của các nhân vật. Có lẽ đây là bộ phim mà đạo diễn dành nhiều tình cảm cá nhân vì chính cha ông từng bị xem là thành phần phản cách mạng vào thời kỳ này, khiến gia đình ông bị coi thường. Trương Nghệ Mưu cũng nhập học điện ảnh trễ hơn quy định đến bảy năm và mất nhiều thời gian để khẳng định tên tuổi.

Trong phim, Kiến Tân có bố là sĩ quan quân đội cao cấp trong khi bố cô gái là tù nhân chính trị. Sự gắn kết của họ bị xem là không “môn đăng hộ đối” và dẫn đến nhiều rắc rối. Sự phân tách “chúng ta” và “chúng nó” đã vô tình dẫn đến nhiều chuyện đau lòng cho thế hệ trẻ. Phảng phất trong phim là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tự do và quan điểm khắc nghiệt thời đó. Kiến Tân và Tịnh Thu đến với nhau hoàn toàn vì tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, dưới mắt người khác, mối tình ấy bị soi dưới lăng kính về địa vị hay quan điểm xã hội.

 

Câu chuyện tình yêu thuần khiết

Đối lập với sự nặng nề của thời cuộc, chuyện tình của hai nhân vật chính hiện lên đầy trong trẻo. Kiến Tân và Tịnh Thu đến với nhau bằng những cảm xúc chân thật đầu đời. Họ yêu nhau nhưng vẫn giữ khoảng cách theo đúng lễ nghĩa. Bên dòng suối, họ chẳng dám nắm tay mà chỉ dắt nhau bằng một cành cây khô. Chàng cũng lẳng lặng ở bên nàng cả đêm dài mà không xâm phạm thân thể.

Dưới mắt người trẻ hiện đại, mối tình này dễ bị phán xét là thiếu thực tế khi hai bên đặt niềm tin tuyệt đối vào nhau. Nhiều người không tin có thứ tình yêu mà vắng bóng nhục dục như vậy. Nhưng, bối cảnh phim là nhiều thập niên trước - thời đại mà con người chưa phải tiếp nhận quá nhiều thông tin gây nhiễu như hiện nay. Ở đâu đó hẳn cũng còn những tâm hồn thuần khiết như đôi trẻ trong phim. Có khán giả sẽ chê bai bộ đôi đó khờ khạo nhưng cũng có người sẽ cảm phục và muốn đắm chìm trong thứ tình yêu đó.

Chàng trai đợi cô gái lớn lên, đợi cô hoàn thành tâm nguyện của mẹ cô, đợi cô đến năm 25 tuổi vì mẹ cô nói không được kết hôn trước thời điểm đó. Anh đợi cô mặc chiếc áo đỏ anh tặng để đi ngắm hoa. Anh đã chờ đợi cô cả một cuộc đời. Có lẽ bất kỳ ai trải qua tình yêu như thế cũng là một sự may mắn trong đời. Cái kết của phim thật sự để lại day dứt cho người xem, như chính cái cây thấm máu anh hùng mà chỉ nở hoa màu trắng, chứ không thể có hoa đỏ.

Ở tác phẩm này, Trương Nghệ Mưu hướng đến sự nhẹ nhàng mà nên thơ về mặt hình ảnh. Phong cách này rất khác với sự phô trương thiếu hiệu quả của ông trong Trường thành hay cái đẹp sắp đặt trau chuốt trong Vô ảnh. Những gam màu ấm, cảnh sắc thiên nhiên; sự mềm mại, thậm chí nữ tính và trẻ trung được đạo diễn truyền tải trong các khung hình.

Nhiều phân cảnh của Trương Nghệ Mưu đầy chất tự sự, như khi Tịnh Thu ngồi bên dòng nước hay đẩy cao giằng xé như khi đôi tình nhân chia tay. Những cảnh nhỏ được ông trau chuốt khiến người xem nhớ rất lâu sau khi phim kết thúc. Một trong những phân đoạn để lại nhiều cảm xúc là khi chàng trai băng bó chân cho cô gái trong lúc nước mắt rơi vì xót thương cho tình yêu của họ.

Cảm xúc trong phim sẽ không thể được đẩy cao đến thế nếu không có màn phối hợp tài tình của hai nhân vật chính. Trương Nghệ Mưu nổi tiếng có biệt tài phát hiện các hoa đán trẻ tuổi (thường gọi là Mưu nữ lang), như Củng Lợi hay Chương Tử Di. Ở Chuyện tình cây táo gai, ông tổ chức cuộc tuyển chọn lên đến 6.000 thí sinh. Cuối cùng, đạo diễn trao vai chính cho Châu Đông Vũ, cô gái mới 18 tuổi khi đó, không có kinh nghiệm, cũng không phải dạng sắc nước hương trời như nhiều minh tinh đương thời.

Châu Đông Vũ đã không phụ lòng đạo diễn với màn thể hiện chinh phục người xem. Với dáng vẻ mong manh, cô hoàn toàn phù hợp cho mẫu vai trong sáng, dễ bị tổn thương. Tịnh Thu như một cô gái bé nhỏ mà anh chàng nào cũng muốn che chở. Những cảnh khóc luôn là điểm đặc biệt của Châu Đông Vũ bởi sự chân thật, nét mặt khi khóc vẫn đáng yêu.

Ngôi sao trẻ tuổi còn thể hiện tinh tế nhiều cung bậc cảm xúc của người con gái mới lớn đang yêu. Ở một cảnh, Tịnh Thu bẽn lẽn lùi lại khi Kiến Tân muốn nắm tay. Có lúc, cô bộc lộ những giận hờn rất con gái khi nghe đồn anh có người yêu. Sau bộ phim, Châu Đông Vũ nổi như diều gặp gió, tham gia nhiều bộ phim thành công như Chúng ta của sau này, Em của thời niên thiếu, gặt hái hàng loạt giải thưởng.

Vai nam chính, Đậu Kiêu chiếm thiện cảm nhờ gương mặt nhiệt thành, nụ cười ấm áp. Nhân vật Kiến Tân luôn là chỗ dựa tinh thần cho bạn gái, nuôi dưỡng thứ tình yêu không vụ lợi, sẵn sàng chờ đợi nhau cả đời. Đó là mẫu bạn trai mà cô gái nào cũng thấy hạnh phúc khi ở bên. Ở những cảnh chung, đôi diễn viên chính thể hiện ăn ý và đưa người xem trải qua đủ loại cảm xúc, từ dễ thương theo kiểu tình yêu thời “ông bà anh” đến sự đau đớn về sau. Bộ phim này cũng chắp cánh cho Đậu Kiêu đến nhiều vai diễn điện ảnh và truyền hình trong mười năm qua.

Trên hết, trong Chuyện tình cây táo gai, tình yêu thuần thành, không vụ lợi giống như một sợi chỉ chạy xuyên suốt bộ phim, tưởng mảnh mai mà không thể cắt đứt. Thời cuộc càng đảo điên, biến loạn thì sự giản đơn, nguyên vẹn của mối tình này lại càng thêm phần tinh tế. 

Ân Nguyễn

Nguồn: Phụ nữ, ngày 08.8.2021.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694154
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14446
23426
63694154

Thành viên trực tuyến

Đang có 489 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website