Soạn giả Trần Hữu Trang (1906 -1966)
1. Trần Hữu Trang còn gọi là Tư Trang là một trong những soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Ông là người sớm gắn bó với cách mạng.
Ông sinh năm 1906 và mất ngày 1 tháng 10 năm 1966. Quê hương ông là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Đây cũng là quê hương của bao nghệ sĩ cải lương có tên tuổi như Hai Giỏi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Phùng Há, Năm Phỉ, Tư Chơi, Tư Anh, Hai Thông…Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông sa sút. Đời ông nội còn có căn nhà vào loại khá. Đến đời cha đã phải đi làm thuê. Bản thân ông đã phải làm thợ hớt tóc.
Sống ở Mỹ Tho, chiếc nôi của hoạt động văn hóa, nghệ thuật lúc bấy giờ, ông đã sớm bộc lộ một tinh thần yêu nước. Trong giai đoạn 1926-1928, ông “tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, dự các buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh” [5; tr.1788]. “Ông đã liên hệ với phong trào cộng sản ngay từ hồi 1930 – 1931” [3; tr.460]. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám bám riết, phải chạy vào hiệu hớt tóc của Trần Hữu Trang. Ông đã che giấu và còn tặng 20 đồng làm lộ phí [Theo 4; tr. 15]. Trong thời gian Trần Hữu Trang gắn bó với gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp ông để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội” [Theo 4; tr. 22]. Một khuynh hướng sáng tác mà thời bấy giờ viết bất cứ vở cải lương ông đều tuân theo.
Ngay từ nhỏ ông đã say mê đàn hát. Lúc đầu ông đi theo các gánh hát làm thư kí chép vở, sau đó được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn dạy dỗ. Ông cho ra mắt kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son vào năm 1928, tiếp theo đó là vở Tâm hồn nghệ sĩ. Những sáng tác này tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã có sự mới mẻ về hình thức lẫn nội dung, đặc biệt đã đưa cuộc sống đương thời vào trong sân khấu cải lương, làm cho sân khấu cải lương đậm chất tả thực xã hội.
Thời kì thập niên 1930, tài năng nghệ thuật của ông đã đạt được nhiều thành tựu. Những vở như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937) đã làm cho tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng. Những năm sau ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Những sáng tác sau đó gây tiếng vang như Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu (viết chung với Năm Châu, Lê Hoài Nở). Những sáng tác của ông không chỉ thành công ăn khách mà còn là những sáng tác xuất sắc của sân khấu cải lương trước Cách mạng. Những sáng tác của Trần Hữu Trang xoáy sâu vào hiện thực xã hội. Những sáng tác này đã phơi bày số phận những người dân bất hạnh hay đề cập đến những bi kịch của tình yêu và hôn nhân trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Các vở diễn của Trần Hữu Trang gợi lên giá trị tố cáo, vạch trần những tệ nạn và sự thối nát của xã hội, là khát vọng giải phóng con người thoát khỏi mọi dây trói của lễ giáo, hủ tục. Với gần 30 kịch bản mang nội dung tư tưởng tiến bộ và giá trị nhân văn sâu sắc, Trần Hữu Trang là một trong những soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Ở Trần Hữu Trang ngoài tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc, ông còn là một cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ông đã có lúc tạm rời sân khấu để trực tiếp tham gia kháng chiến cứu nước trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phú Kiết quê hương. Năm 1947, ông vào Sài Gòn làm công tác vận động văn nghệ sĩ, trí thức trong vỏ bọc của một nghệ sĩ Đoàn cải lương “Con tằm”.
Phục vụ sân khấu cải lương, Tư Trang là một trong những người sáng lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu và hoạt động trong Ban chấp hành. Sau Cách mạng tháng 8, do hoàn cảnh công việc nên ông không sáng tác nhiều. Năm 1946, ông cho ra vở Hậu chiến trường. Ðến 1960, phong trào Ðồng khởi nổi lên, ông vào khu và giữ chức chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Hai mươi năm sau (1966), ông mới bắt tay viết kịch bản mới về người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trỗi. Thế nhưng kịch bản đã không thể hoàn thành được. Năm 1966, lần đầu tiên máy bay B52 oanh kích vào Trung ương Cục miền Nam ở biên giới Việt Miên, Trần Hữu Trang thiệt mạng trong trận bom này.
Trần Hữu Trang đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng. Trong đợt 1 (1996) ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tên ông còn được đặt tên cho một con đường, một ngôi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được đặt cho tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và giải thưởng Trần Hữu Trang, một giải thưởng lớn mà nhiều nghệ sĩ ước ao.
Ông để lại gần chục vở cải lương trong số gần 30 vở. Trong đó có thể kể như các vở Tô Ánh Nguyệt (1934); Lan và Điệp (1936); Đời cô Lựu (1937); Tìm hạnh phúc; Mộng hoa vương;Chị chồng tôi; Tình lụy; Khi người điên biết yêu (viết chung với Năm Châu, Lê Hoài Nở); Hậu chiến trường (1946).
2. Người đương thời gọi Trần Hữu Trang là nghệ sĩ tả thực xã hội. Vở đầu tiên mang tên ông là Lửa đỏ lòng son sáng tác vào năm 1928 lúc mới 22 tuổi phải nói là rất trẻ. Chỉ một vài năm sau, hàng loạt vở diễn lần lượt ra đời như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), nhất là Đời cô Lựu (1937) được ghi nhận như là một trong những đỉnh cao của sân khấu cải lương trước Cách mạng tháng Tám. Các vở của soạn giả Trần Hữu Trang đều có giá trị tả thực xã hội sâu sắc. Ông là người luôn luôn theo nguyên tắc tả thực xã hội.
Đời cô Lựu là vở cải lương nổi tiếng nhất của soạn giả Trần Hữu Trang, soạn khoảng năm 1937, lúc này ông vừa tròn 31 tuổi, cũng là một trong những vở cải lương hay nhất trước năm 1945. Vở cải lương kể về số phận đau khổ và éo le của cô Lựu dưới xã hội phong kiến, thực dân và là một nạn nhân của xã hội lúc bấy giờ, cũng như nỗi khổ của người nông dân ở các vùng quê nói chung. Cô Lựu là vợ Hai Thành, một tá điền của Hội đồng Thăng. Thấy Lựu có nhan sắc nên Hội đồng muốn đoạt cô làm vợ. Hội đồng Thăng lập mưu bỏ súng lục vào nhà Hai Thành rồi báo cảnh sát đến bắt vì tội tàng trữ vũ khí. Kết cục Hai Thành bị án tù hai mươi năm, đày đi Côn Đảo, nhà cửa tài sản bị tịch thu và Lựu trở thành vợ Hội đồng Thăng.
Sở dĩ có cốt truyện này là vì đó một cốt chuyện có thực trong đời ông. Có người đã từng hỏi: “Ông chủ trương sân khấu hiện thực, nhưng suốt cuộc đời hầu như chẳng thấy ông yêu ai, ngoài tình nghĩa thủy chung với người vợ sống ở quê. Vậy thì cảm xúc nào đã thúc đẩy ông viết vở Ðời cô Lựu và Tô Ánh Nguyệt? Phải chăng, những hình tượng nữ của ông chỉ là kết quả của những suy tưởng lý trí?”. Trước những thắc mắc của bạn bè, ông luôn luôn im lặng, bởi ông là người kín đáo, ít khi tâm sự với ai chuyện tình cảm của mình. Nhưng có một lần vào năm 1955, trên một chuyến tàu đêm từ Sài Gòn đi miền Trung, Tư Trang đã tâm sự với một người bạn, là thời còn sống ở quê nhà, ông có yêu một cô gái quê nết na, xinh đẹp. Sau đó, vì hoàn cảnh, ông đã phải bỏ quê đi kiếm sống. Trước khi xa nhau, ông và người yêu cũng thề non hẹn biển như trong các tiểu thuyết. Thế rồi, người yêu của ông bị ép gả cho con một nhà giàu, một kẻ chơi bời, trác táng, bệnh hoạn... Người yêu của ông đã bị chính người chồng kia đổ bệnh...
Ðó là một vết thương quá khứ đã đeo đẳng ông trong suốt cuộc đời và cũng chính từ nỗi đau này, cộng thêm sự căm ghét bọn cường hào, địa chủ ở quê, đã giúp ông viết nên Tô Ánh Nguyệt và Ðời Cô Lựu [4; tr. 15].
Cái hiện thực trong Đời cô Lựu là hiện thực trong khi tác giả đang sống. Ông Hội đồng Thăng sẵn sàng vu oan, giáng họa cho người khác để rồi cướp vợ người ta là một hiện thực chua xót. Rồi số phận những người nông dân sẽ rơi vào cùng quẫn, bế tắc. Cái cách bỏ súng và truyền đơn vào nhà người ta rồi báo cảnh sát đến bắt thì thật là thô bạo. Còn mưu mô chiếm đoạt vợ người ta thì tinh vi hơn nhiều. Hội đồng Thăng giả nhân, giả nghĩa cùng cô Lựu đi hết nơi này sang nơi khác để tìm luật sư giỏi. Sự thật thì đúng như lời y nói trong vở cải lương: “Ông Hội đồng: Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật: cũng bởi tôi thương thiếm (thím) cho nên tôi mới bỏ phế cả công việc nhà mà đi lo lắng như vậy. Thiếm nghĩ coi từ hôm đó tới nay, tôi quên ăn, quên ngủ, nếu biết cái tình thương của tôi thì không bao giờ thiếm nỡ từ nan (kéo ghế lại giữa, Thị Lựu làm thinh), thiếm biểu một tiếng là bằng lòng thương tôi thì dầu hao tổn bao nhiêu tiền bạc nói cùng mà nghe, ví dù sản nghiệp của tôi có bị tiêu tan đi nữa, tôi cũng vui lòng. Tôi sẽ hết sức kêu oan cho chú Hai (Thành) thì may cho chú Hai còn có cơ khỏi tội” [Theo 4; tr. 104].
Như vậy với gần 30 vở cải lương Trần Hữu Trang đã miêu tả cái hiện thực xã hội mà ông sống cùng thời. Ông xoáy sâu trực diện vào hiện thực xã hội đó. Những sáng tác này đã phơi bày số phận những người dân bất hạnh hay đề cập đến những bi kịch của tình yêu và hôn nhân trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Các vở diễn của ông có giá trị tố cáo, vạch trần những tệ nạn và sự thối nát của xã hội. Và các vở cải lương đó cũng là tiếng nói của khát vọng giải phóng con người. Chúng ta hiểu vì sao mà những vở diễn của ông lại được đón nhận đến như vậy.
3. Trần Hữu Trang còn được gọi là nghệ sĩ của dân nghèo. Nhân vật trung tâm trong những vở diễn của ông bao giờ cũng là người dân nghèo thấp cổ bé họng bị hà hiếp nhưng vẫn ngời sáng những phẩm giá của mình. Đó là Lựu, Hai Thành, Minh Luân (Đời cô Lựu), Nguyệt, Minh, Tâm (Tô Ánh Nguyệt ), Lan, Điệp (Lan và Điệp), Oanh, Quý (Chị chồng tôi)… Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của Trần Hữu Trang đều viết về những thân phận bọt bèo, cay nghiệt của những người dân nghèo nông thôn miền Nam.
Tô Ánh Nguyệt là câu chuyện tình giữa Tô Ánh Nguyệt và Minh. Vốn là con gái của ông bà Hương Cả, gia đình thuộc hàng trung lưu ở làng nên Nguyệt được cha mẹ cho lên Châu Thành ăn học. Ở đây, Nguyệt gặp Minh nảy nở một tình yêu đẹp. Tình yêu của họ xuất phát từ trái tim và đã vượt khỏi vòng lễ giáo. Nhưng mối tình đó không được gia đình hai bên chấp thuận. Mối tình của họ tan vỡ. Mặc dù sau này, hai người đôi ngả với số phận khác nhau, tình yêu giữa họ vẫn tồn tại mãi mãi.
Công bằng mà nói, có lẽ không có vở tuồng nào được khán giả đi coi nhiều như tuồng Lan và Ðiệp, từ đoàn hát lớn cho đến gánh hát nhỏ ở xã ấp thôn quê, hễ có trình diễn là có người đi coi. Tuồng Lan và Ðiệp của soạn giả Trần Hữu Trang, phóng tác theo tác phẩm Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện nói về một mối tình lãng mạn giữa Lan và Điệp. Cũng như bao đôi trai gái khác, họ vun vén cho mối tình đầy hạnh phúc. Nhưng rồi do mắc mưu của một ông quan Phủ ở tỉnh lẻ, Điệp phải phụ tình vị hôn thê là Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng bỏ nhà đến chùa để cắt tóc đi tu. Khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan đang tá túc, thì cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng. Ở đây hai số phận nghèo bị xã hội đẩy xuống tận đáy. Mà xã hội đó là ai? Đó là những tập lạc hậu đang trói tay, bó chân những người có tư tưởng tiến bộ. Đó là những ông chủ mà ông quan Phủ đại diện cướp mất hạnh phúc của họ. Viết nên những vở cải lương như trên, Trần Hữu Trang muốn phơi bày cho mọi người thấy những số phận, những cuộc đời đắng cay. Ông bày tỏ nỗi cảm thông sâu sắc với những cảnh đời đó. Ngòi bút của ông thấm đẫm chất nhân đạo mà chúng ta không thể quên.
4. Ngoài hai mặt tả thực xã hội và số phận dân nghèo, ông còn chú ý đến sự phản kháng của họ.
Trong vở Đời cô Lựu sự phản kháng như là tất yếu. Sau 19 năm ở tù, Hai Thành vượt ngục về tìm vợ con. Căm giận vì cho rằng Lựu phụ bạc, anh viết một bức thư buộc Lựu trong vòng ba ngày phải lo 10 ngàn đồng để anh thu xếp việc học hành, sinh cơ lập nghiệp cho Minh Luân. Hai Thành trao thư cho Minh Luân đem tới cô Lựu. Nhận được thư, Lựu vừa mừng, vừa lo, vừa xót xa cho chồng cho con. Kim Anh thương mẹ nên đem đồ tư trang đi cầm. Để kín chuyện, Kim Anh mua đồ tư trang giả thay vào. Tới ngày hẹn, Minh Luân đến. Sau khi biết tình cảnh của mẹ và em, Minh Luân cự tuyệt, không nhận số tiền. Chẳng ngờ chồng Kim Anh đã biết chuyện vợ cầm đồ tư trang nên nghi vợ ngoại tình. Giờ thấy vợ nói năng thân mật với Minh Luân nên anh ta cho rằng Minh Luân là tình nhân của vợ. Thấy trong túi Luân có phong thư (của Lựu gửi cho Hai Thành) anh ta đòi xem. Luân không chịu đưa nên bị anh ta rút súng bắn trúng bắp chân. Minh Luân được đưa vào bệnh viện điều trị. Cô Lựu đến thăm con, gặp Hai Thành. Sau khi nghe Lựu giãi bày, Hai Thành hiểu được nỗi khổ tâm của vợ. Đúng lúc đó, Hội đồng Thăng cũng tới, nhận ra Hai Thành nên sai tài xế đi báo cảnh sát. Minh Luân căm thù, xông tới đâm chết Hội đồng Thăng. Chúng ta thử trich một đoạn trong màn 6 lớp 6 trong vở cải lương để thấy rõ điều này:
“Minh Luân: Ông Hội đồng, ông thật kêu lính tới đây bắt cha tôi phải không?
Ông Hội đồng: Tao sẽ cho cha con bay ở tù rục xương.
Minh Luân: Thì tôi cho ông một dao về châu diêm vương (đâm)”[Theo 4; tr. 135].
Hành động của Minh Luân là tự giác. Tự giác như trong câu nói của anh với nhân vật Kim Anh: “Em Kim Anh, người ta áp bức cha anh nên anh phải giết”. Rõ ràng có áp bức thì có đấu tranh. Việc Minh Luân đâm chết ông Hội đồng là lòng mong mỏi của của nhân dân ta, mà rõ hơn là khát vọng của người nghèo “ân đền, oán trả” đó thôi.
Đề tài về sự xung đột mới cũ cũng là đề tài chiếm phần lớn trang viết của Trần Hữu Trang như trong các vở Tô Ánh Nguyệt, Chị chồng tôi, Mộng Hoa Vương, Lan và Điệp… Chẳng hạn trong vở Tô Ánh Nguyệt tác giả xây dựng nên mối tình rất đẹp giữa Minh và Nguyệt. Nhưng gia đình không đồng ý, mà ép gả Nguyệt cho Bính, một người có địa vị xã hội hơn hẳn Minh. Nguyệt bỏ nhà trốn đi để giữ trọn mối tình với Minh, vì lúc đó Nguyệt đã có thai với Minh rồi. Minh đã vì sức ép của gia đình mà cưới vợ, tên là Thu Dung. Nguyệt sinh con, nghĩ mình khó bảo đảm cho đứa trẻ, đành đến giao cho vợ chồng Minh. Mười tám năm trôi qua đứa nhỏ vẫn không biết Nguyệt là ai. Theo dõi thấy mẹ là một người bị xã hội lên án. Tâm mắng nhiếc nặng lời. Nguyệt cắn răng chịu đựng tất cả. Minh biết chuyện, thương Nguyệt, giận mình nhu nhược, tâm trí bị dày vò, cuối cùng mang bệnh nặng. Trước khi chết, Minh nói hết mọi chuyện với mọi người. Đến khi ấy mọi người hiểu rõ sự hy sinh cao thượng của Nguyệt.
Trần Hữu Trang đã phê phán tập tục cũ, đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Đó là những tập tục nặng nề, bất công, bất nhân của chủ nghĩa gia đình.
5. Trần Hữu Trang viết cải lương với một tay nghề rất cao, phải nói là người có nghề. Nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai nhận xét rằng: “Trần Hữu Trang là một trong số rất ít soạn giả - nếu không muốn nói là soạn gia duy nhất – có ý thức, có lao động nghiêm túc trong công việc viết văn. Soạn giả viết kỹ, gọt rủa cẩn thận. Lời văn giản dị, tự nhiên”[4; tr. 95].
Tài nghệ của Trần Hữu Trang trước hết thể hiện ở ông đã xây một thế giới nhân vật rất thành công. Thế giới nhân vật của ông tuy còn ảnh hưởng của nhân vật trung đại, nhưng về cơ bản đã bước vào thế giới hiện đại. Nhân vật không còn là “cái loa” phát ngôn cho tác giả, mà nó có đường nét của “tính cách”, phát triển theo lối nội tại.
Nhân vật Lựu trong Đời cô Lựu là một nhân có tính cách rất rõ. Lựu bước vào đời với cảnh gia đình tan nát, bản thân phải “cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Lựu cắn răng chịu oan khuất trong lòng, mà bên ngoài ai cũng cô sung sướng lắm, nên càng tỏ ra khinh ghét. Cho đến khi gặp lại chồng con, mối oan này mới được lý giải. Dẫu vậy Lựu vẫn cho mình là người có lỗi, nhất là khi xảy ra án mạng, nên cô cắt tóc đi tu để ăn năn sám hối. Lựu bao giờ cũng đại diện cho đức tính vị tha cao cả, hy sinh tất cả cho chồng con, chịu đựng mọi nỗi đau. Lựu xứng đáng là hình tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Hay nhân vật Nguyệt trong vở cải lương Tô Ánh Nguyệt cũng như vậy.Tô Ánh Nguyệt yêu chồng, thương con bằng một mối tình sâu nặng. Nguyệt khuyên Minh nên lấy vợ, dù đó là người vợ bị ép gả. Nguyệt trao lại con cho Minh vì biết mình không nuôi nổi. Ngay đến cưới của con Nguyệt tặng quà mà cũng đành giấu mình đi…Bao nhiêu việc làm, bao nhiêu hành động đều là tình thương, sự gắn bó của Nguyệt với chồng con, là những hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Trần Hữu Trang căn dặn phải nâng cao nghệ thuật cải lương. Trong một bài báo ông viết: “Các bộ môn nghệ thuật phản ánh cuộc sống không thể đứng yên mà cần có sự phát triển, nhất là về hình thức để có thể bảo đảm thể hiện nội dung” [6]. Các tác phẩm của ông bao giờ chú ý đến hình thức nghệ thuật. Soạn giả, nhà thơ Kiên Giang bồi hồi nhớ lại: “Anh chú ý từng dấu chấm phẩy, nét chữ rõ ràng. Nhờ quá trình làm nghề chép vở nên anh là soạn giả nổi tiếng có bản thảo chu đáo và nét chữ đẹp. Đắt giá hơn là cách anh sử dụng bài bản cải lương đúng tình huống, đúng lớp lang”[Theo 2 ]. Trong các vở của ông để lại, chúng ta thấy vở nào giữa nói và ca cũng rất đúng điệu. Chẳng hạn trong vở Chị chồng tôi tác giả cho ai ca là đúng điệu của người đó. Đây là cảnh màn hai, lớp một:
“Quý: (ngắt lời) Không, em không có tội gì chỉ tại người ta làm em rối rắm..
Oanh: ( ngắt lời) Em không, em không làm gì nên tội, nhưng em phải nhận sự rối rắm đó cũng tại vì em, huống chi em ở lại đây, nếu anh cứ tuyệt ý định của mẹ và chị anh, nên nhận thấy trong gia đình này sẽ ra sao ! Còn cứ để cho anh cưới vợ, em đành tâm hưởng chút tình thừa thải của anh ban, luôn lụy cúi lòn, địa vị chính thức phải đề cho cái người tới sau em, phỏng anh có bằng lòng ưng chịu? Thôi cảnh đời bắt buộc như thế, thà một mình em cam chịu thiệt mà để cho cả gia đình anh được trong ấm ngoài êm, còn thân em dẫu cho (ca vọng cổ):
1. Phiêu bạt bốn phương trời, định mạng khắt khe, cảnh ngộ éo le, số kiếp đã ghi từ em 11 tuổi, lìa bỏ quê hương nương nấu đất bắc, buổi mới ra lạ lùng bỡ ngỡ nơi ăn chốn ở, vừa yên được chưa bao lâu, thì dè đâu xuôi cha mẹ vội qua đời. Còn gì đau đớn hơn là khách địa thọ đại tang, nước non muôn trùng xa thẳm, mỗi khi trông về chốn cũ, nhớ nơi làng mạc tủi thân, lưu lạc mà ngậm ngùi cho vật đổi sao dời.
4. Nếu lúc ấy không có anh thi tuổi ngây thơ em cũng đã bơ vơ xứ lạ, tạo hóa đang tâm đày đọa, thôi thì thôi tránh đi đâu? Em đã toan liều theo số phận vận thời” [4; tr. 161, 162].
Trần Hữu Trang đã cho các nhân mỗi người một vẻ, ai đáng ca thì ca, không đáng ca thì thôi. Những điều này làm cho vở cải lương thêm hấp dẫn, lôi cuốn được nhiều người.
Tài nghệ của Trần Hữu Trang là ông đã được một tiếng nói riêng, một phong cách riêng. Đọc xong hầu hết bản thảo của Trần Hữu Trang ta thấy hầu hết nhân vật của ông là những người quen biết. Ngay những nhân vật nổi tiếng như chị Lựu, cô Nguyệt, mà đến những người ít nổi tiếng hơn ta cũng thấy quen biết như vợ chồng bác Hương (Đời cô Lựu), Bà Bái (Chị chồng tôi), Huệ (Tô Ánh Nguyệt)…Vì đấy là những nhân vật được miêu tả theo tính cách.
Văn chương của Trần Hữu Trang có phong vị Nam Bộ. Cái phong vị đó bàng bạc khắp các tác phẩm. Từ ngôn ngữ, khung cảnh, sinh hoạt, phong tục đến diện mạo tính cách, tâm lý nhân vật đều thấm đẫm chất Nam bộ. Chúng ta hãy nghe mấy lời từ thiện chất phác rất tiêu biểu của người nông dân Nam bộ:
“Vọng cổ: (Nói với Hai Thành)
Câu 5: Cháu ơi! Lúc cháu ra đi, mấy tháng sau, bác hay tin vợ cháu sinh nở một đứa con trai, tao với bác gái mày chạy ngược chay xuôi, rồi thì những ngày đêm bác hằng lo cho bóng ác cận tà.
Câu 6: Vợ chồng bác ngày càng già, mà hai mươi qua dài đằng đẳng, bác ngại lo cho phong vũ bất kỳ, một mai hai bác đây trăm tuổi, chừng ấy cháu có về được rồi, cháu có biết ai đâu mà hỏi thăm và ai là người thuật lại cho cháu nghe mọi điều trước sau” [4; tr. 91].
Các nhân vật chính diện của Trần Hữu Trang thường có nét phẩm chất, tâm lý rất tiêu biểu cho bản sắc của người Nam Bộ: hào hiệp, phóng khoáng. Chẳng hạn như trong vở cải lương Tô Ánh Nguyệt, cặp Nguyệt – Minh, người muốn chắp tình xưa, kẻ không chịu. Họ đối xử với nhau rất mạch lạc, dứt khoát, mà vẫn không mất đi vẻ hào hiệp, phóng khoáng nơi họ. Xin trích vài câu trong đọan này:
“Minh: Tôi van em hãy sinh phúc cho nhờ, em kêu bằng tiếng khác.
Nguyệt: Thầy muốn tôi kêu bằng anh, hay ba thằng Tâm, hoặc bằng mình.
Minh: Tiếng mình thì tôi đâu dám trông mong, còn ba thằng Tâm, nếu tôi được phước mà nghe tiếng ấy thì tôi đâu có khổ ngần này, em hãy tha thứ tội lỗi cho nào, gay gắt với tôi làm chi.
Nguyệt: Thầy có tội lỗi chi mà bảo tôi tha thứ?
Minh: Tôi làm cho em khổ sở.
Nguyệt: Tôi nào có khổ sở bao giờ, mà ví dầu có khổ sở chăng nữa, cái tội ấy cũng chẳng tự ở nơi thầy.
Minh: Đành rằng tại cha mẹ tôi, song đối với em không thể nào tôi không nhận tội được, em có thương mà tha thứ tội tình cho tôi đỡ ân hận thì duy chỉ còn có cách này.
Nguyệt: Cách nào?
Minh: Em nhận lời yêu cầu của tôi.
Nguyệt: Nghĩa là, phải nghe lời thầy, mà nối lại mối tình xưa, bằng một cách lén lút âm thầm có phải chăng thưa thầy?
Minh: Không phải là lén lút âm thầm đâu.
Nguyệt: Nhưng không được tuyên bố một cách chính thức.
Minh: Nếu yêu thuong nhau thì cần gì có tuyên bố hay không tuyên bố, tôi yêu em là đủ, miễn chúng ta hiểu được tấm lòng nhau, tuy không đường hoàng nghi lễ mà với mối tình chung thủy khắng khít nhau để những lúc vui buồn có nhau san sẻ”[4; tr. 144, 145].
*
* *
Trần Hữu Trang tuy mất sớm, chỉ mới ở tuổi sáu mươi, nhưng sự nghiệp ông để lại mãi mãi vẫn còn. Người ta nhắc đến ông như nhắc đến tên tuổi hàng đầu của cải lương Việt Nam. Hãy nghe các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ trong giới cải lương nhắc đến ông.
NSND Bạch Tuyết nhận xét: “Soạn giả Trần Hữu Trang là một nghệ sĩ tài danh, là niềm tự hào cho nghệ thuật cải lương cách mạng Việt Nam. Nếu không có những vở diễn của ông, liệu khán giả mộ điệu có dành tình yêu nhiều đến như thế cho cải lương hay không? Tiếc là ông ra đi vì bị trúng bom Mỹ quá sớm trên đường công tác, nếu không sân khấu cải lương sẽ còn nhiều vở diễn đỉnh cao hơn nữa”.
Còn đây là ý kiến của GS.TS. Trần Văn Khê, người rất rành về ca nhạc cải lương khẳng định: “Tôi rất trân trọng tài năng và nhân cách của anh Tư Trang vì chính nhờ có anh, cải lương Việt Nam có được niềm tự hào khi đi ra với bạn bè thế giới. Những người Việt Nam xa xứ đã khóc, cười cùng nhau khi cùng ngồi xem “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” hay “Lan và Điệp”. Vốn văn hóa cha ông, tình yêu nghệ thuật của dân tộc vì thế mà chưa bao giờ phai nhạt trong họ”.
NSND Ngọc Giàu đúc kết: “Hầu hết các vở của soạn giả Trần Hữu Trang đều có giá trị “tả thực xã hội” sâu sắc. Ông là người giương cao ngọn cờ “tả thực xã hội” và kiên trì với đường lối sáng tác này, không bị ngả nghiêng trước những đợt gió đổi chiều trong xã hội. Những tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự”.
NSND soạn giả Viễn Châu nhớ lại: “Anh Tư Trang (soạn giả Trần Hữu Trang) là người có học, ham đọc sách, rành chữ nho. Từ thuở nhỏ, do đã có chí hướng thoát khỏi kiếp nông nô nên sau khi lập gia đình, anh rời quê ra tỉnh làm thợ hớt tóc. Ở Mỹ Tho, Tư Trang gặp Nguyễn Công Mạnh, người khuyến khích anh gắn với phong trào đờn ca tài tử. Từ phong trào này, anh đã đam mê cổ nhạc rồi từng bước dấn thân vào sự nghiệp sáng tác”[Theo 2].
Còn rất nhiều nghệ sĩ khác nữa nói về Trần Hữu Trang mà không thể trích hết ra đây. Chỉ có điều sống như thế nào mới được công chúng mến mộ, giới cải lương tâm phục, khẩu phục đến như vậy. Trần Hữu Trang sống xứng đáng với đồng nghiệp, bạn bè, với tuyệt đại quần chúng yêu ca nhạc cải lương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (2015), Trần Hữu Trang, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2015.
- Thanh Hiệp (2014), Những “thầy tuồng” lừng danh: Giương cao ngọn cờ tả thực xã hội! Báo Người lao động, số ra ngày 2/9/2014.
- Đinh Xuân Lâm- Trương Hữu Quýnh (2000), Mục từ Trần Hữu Trang, in trong sách Từ điển nhân vật lịch sử VN, Nxb Giáo dục, Hà Nội
- Hoàng Như Mai (1982), Trần Hữu Trang, soạn giả ca kịch cải lương, Nxb Tp. HCM.
- Nguyễn Trí (2004), Mục từ Trần Hữu Trang, in trong sách Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Trần Hữu Trang (1965), Vài ý kiến về nghệ thuật ca kịch cải lương, Văn nghệ giải phóng, số 9 năm 1965.
Nguồn: Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cuả Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, số 46/2016.