Thanh Hải, nhà thơ như tôi từng biết

Một ngày cuối thu tháng Mười năm 1965 tôi nghe qua Đài Tiếng nói VN một tin quan trọng: Hội Văn nghệ Giải phóng công bố Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Có cả thảy 54 tác phẩm được tặng thưởng. Văn học chiếm 17 giải. Có hai giải đặc biệt là Từ tuyến đầu Tổ quốc, tập thư của nhân dân miền Nam gửi cho người thân tập kết ra Bắc; Sống như anh (Phan Thị Quyên kể, Trần Đình ghi) kể về cuộc đời anh Nguyễn Văn Trỗi. Trong 15 giải chính thức về thơ có 4 giải chính. Đó là tập Quê hương của Giang Nam, Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn, Những đồng chí kiên của Thanh Hải, và Tập thơ của nhiều tác giả. Thế là từ Thanh Hải bắt đầu được khẳng định.

Nhà thơ Mai Văn Hoan nhớ lại: “Từ những năm 1960 đến 1965 hầu như những người yêu thơ ở miền Bắc ai cũng biết và thuộc lòng một số bài “vượt tuyến” của nhà thơ Thanh Hải. Cùng với Giang Nam, Thanh Hải là một hiện tượng rất được chú ý lúc bấy giờ. Nếu Giang Nam nổi tiếng với thơ Quê hương thì Thanh Hải được mọi người biết đến với bài Mồ anh hoa nở”(Mai Văn Hoan-Đọc & suy ngẫm, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2010, tr. 5).

Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930. Quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên nay thuộc Thừa Thiên Huế. Thanh Hải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.                 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nghèo, Thanh Hải sớm nhận biết xã hội. Cha làm nghề dạy học, mẹ là một phụ nữ nông dân chân chất, thật thà. Thanh Hải cũng như bao đứa trẻ khác, sinh ra, lớn lên và đi học ở nông thôn. Ông đã thừa hưởng được những nét trí thức ở người cha và nét chân chất, thật thà, đôn hậu, dung dị ở người mẹ nông dân của mình.

Ảnh hưởng của quê hương Thừa Thiên Huế cũng rất lớn đối với Thanh Hải. Một trong những trung tâm dân ca của cả nước, là quê hương của những câu hò mái đẩy, hò mái nhì, sông Hương trong lành, thơ mộng và những khu vườn xanh tươi bốn mùa cây lành trái ngọt đã đi vào thơ văn của bao thế hệ nhà thơ trước Thanh Hải. Hơn nữa, gia đình Thanh Hải tuy nghèo nhưng thường xuyên đón tiếp các vị văn thân cũ trong phong trào Cần Vương lui tới để ngâm vịnh thơ ca yêu nước với ông cụ thân sinh. Bên cạnh việc tiếp thu những truyền thống và khí chất của gia đình, Thanh Hải còn được lớn lên trong môi trường đó nên đã sớm tiếp thu hai nguồn văn học tích cực kể trên: Nền văn học của quê hương và nền văn học yêu nước. Chính những yếu tố, những nguồn văn học này đã tạo nên một nhà thơ Thanh Hải với những bài thơ hồn nhiên, chân thành, mộc mạc, trong sáng nhưng thấm đẫm tình yêu quê hương và tình yêu đất nước.

Thanh Hải tham gia cách mạng từ rất sớm. Mười lăm tuổi (1945) làm Chủ tịch Nhi đồng cứu quốc xã Phong Hanh, Phong Điền, Thừa Thiên.

Từ tháng 5 năm 1946, lúc này Thanh Hải mới 16 tuổi, ông đã là liên lạc viên của xã Phong Hanh.  Cuối năm đó cho đến đầu năm đầu năm 1947 ông cán bộ Tuyên huấn xã.

Tháng  7 năm 1947 đến tháng 10 năm 1947 ông là liên lạc viên công an chiến khu Hoà Mỹ và công an Trung Bộ. Vào năm sau, một vinh dự lớn đến với ông. Ông được kết nạp vào Đảng (6/01/1948). Lúc này ông mới 18 tuổi.

 Ông đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc chiến đấu chống Mỹ thống nhất đất nước của dân tộc, trở thành một trong những cây bút có nhiều đóng góp nhất trong những năm đầu (1954-1962) đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam.

Năm 1952 làm Trưởng đoàn kiêm chính trị viên đoàn Văn công Thừa Thiên. Trong những năm tháng làm chính trị viên cho đoàn văn công Thừa Thiên, Thanh Hải cũng đã có sáng tác thơ và trong thơ Thanh Hải thời kỳ này cũng đã có một sự kết hợp nhất định giữa truyền thống thơ ca dân tộc với sự rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh. Thế nhưng những bài thơ ấy vẫn chưa gây được xúc động cho người đọc, chưa được độc giả quan tâm, tìm đọc và phổ biến, công chúng độc giả vẫn chưa biết đến Thanh Hải với tư cách một nhà thơ.

Năm 1954, cũng như Giang Nam, Thanh Hải đã không đi tập kết ra Bắc như hầu hết những nhà thơ, nhà văn cùng thời mà ở lại quê hương, hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, trực tiếp lăn lộn với phong trào cách mạng, hòa mình trong quần chúng và đi sâu vào phong trào đấu tranh của quần chúng.

Cũng chính trong thời kỳ này, từ 1954 đến 1967, Thanh Hải đã có rất nhiều những bài thơ hay, ông viết với tư cách một nhà thơ chiến sĩ, phản ánh chân thực hiện thực cuộc chiến đấu và cuộc sống của cán bộ, nhân dân miền Nam anh hùng, bất khuất. Những bài thơ hay của Thanh Hải trong thời kỳ này đã được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến và công chúng đã thừa nhận ông là một nhà thơ của cách mạng miền Nam. Nhà thơ Vũ Quân Phương nhớ lại: “Thơ Thanh Hải được đông đảo bạn đọc biết đến từ năm 1962…Thơ Thanh Hải khi ấy được cả miền Bắc  nâng niu, coi đó là tiếng nói nhớ thương, niềm khát khao đoàn tụ của miền Nam xa cách. Từ đó, những bài thơ Thanh Hải liên tục được giới thiệu trên báo chí miền Bắc”(Lời Tựa tập Thanh Hải-Thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, H. 2001, tr. 3].

Tháng 7 năm 1967 ông làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ khu Trị Thiên. Chi hội phó kiêm Tổng thư ký chi hội Văn nghệ Trị Thiên. Năm 1960 với bài thơMồ anh hoa nở, Thanh Hải đã giành giải nhất cuộc thi thơ báo Thống Nhất. Nhà phê bình Hoài Thanh nhân sự kiện này đã có đôi lời viết về Thanh Hải: “Năm năm trước, khi chúng tôi trong ban chấm giải văn học của báo Thống Nhất lần đầu tiên được đọc một số bài thơ của Thanh Hải và của đồng bào Tây Nguyên, chúng tôi thấy sung sướng quá. Không phải trước đó chúng tôi không biết gì về miền Nam. Nhưng trong nhận thức của chúng tôi về miền Nam, nhất là trong tình cảm của chúng tôi đối với miền Nam vẫn thấy thiếu một cái gì. Thiếu những nhịp cầu, thiếu những cánh chim? Vẫn có gì như nghẹn ngào chưa nói lên được. Thực ra trước đó chúng tôi cũng đã đọc một ít thơ miền Nam. Song thơ chưa hay thì có cũng bằng không có. Cho nên chúng tôi rất sung sướng khi bắt gặp những bài thơ ấy của Thanh Hải và khi thơ Thanh Hải được giới thiệu qua trong buổi công bố giải thưởng ở câu lạc bộ Thống Nhất thì mọi người cũng thấy sung sướng như chúng tôi. Thanh Hải chưa phải là một nhà thơ lớn. Nhưng một khi tiếng nói của cách mạng vút lên được thành thơ thì dẫu chưa phải một nhà thơ lớn vẫn rất quý” (Hoài Thanh, Thơ Thanh Hải, một lời ca chân thật bình dị của miền Nam bất khuất kiên cường, Tạp chí Văn học, số 7, năm 1964). Lời nhận xét ấy của Hoài Thanh đã một lần nữa chứng minh Thanh Hải là một nhà thơ chiến sĩ, nhà thơ cách mạng. Nhiều bài thơ của ông đã được bạn đọc nhớ tới như các bài Tấm băng vẫn đi đầu, A Vầu không chết, Mồ anh hoa nở, Núi vẫn nhớ người vẫn thương…Sau này tập hợp in thành tập thơ Những đồng chí trung kiên (Nxb Văn học, Hà Nội, 1962). Tập thơ Những đồng chí trung kiên gồm những bài thơ được viết trong một thời kỳ gian khổ của cách mạng miền Nam (giai đoạn 1954-1960). Những bài thơ kể lại một cách bình dị mà sâu sắc tội ác của kẻ thù, tình cảm xót xa của sự chia cắt và cách biệt, niềm khát khao Bắc Nam thống nhất đồng thời nêu cao tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam.

Tập thơ mỏng mà chứa một lượng thông tin không nhỏ. Thanh Hải đã đưa vào đó bao nhiêu là chuyện: Chuyện đồng bào biểu tình bãi chợ (Chợ ta ngày ấy).Chuyện những người chiến sĩ trung kiên, bị giặc bắt, tra tấn, biết mình phải chết mà vẫn mỉm cười chấp nhận, không khai một lời vì cách mạng, vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì cuộc sống ấm no của đồng bào(A Vầu không chết, Núi vẫn nhớ người vẫn thương).Chuyện tình cảm yêu mến của đồng bào với những người chiến sĩ trung kiên ấy (Mồ anh nở hoa). Chuyện người mẹ khẳng khái tiễn con đi làm nhiệm vụ cách mạng (Con đi, con cứ đi), người mẹ dầm mưa để chèo đò đưa người chiến sĩ qua sông (Sang đò đêm mưa).Rồi chuyện người vợ đêm đêm qua chiêm bao đã vượt tuyến ra thăm chồng (Vượt tuyến), người vợ kiên quyết không gọi chồng ra đầu hàng, dù bị kìm kẹp, tra tấn (Chồng tôi không thể về). Chuyện em bé đêm đêm qua chiêm bao thấy Bác vào thăm miền Nam (Cháu nhớ Bác Hồ). Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác nữa đã gây xúc động sâu sắc cho đồng bào miền Bắc nói riêng và đồng bào cả nước nói chung lúc bấy giờ. Với tập thơ này, Thanh Hải đã có đóng góp rất lớn vào nền thơ chống Mỹ của dân tộc, cổ vũ, động viên quần chúng đứng lên làm cách mạng. Đây cũng là tập thơ được bạn đọc yêu mến nhất trong các tác phẩm của ông.

Năm 1962, Thanh Hải đi cùng phái đoàn mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Thanh Hải từ chiến khu Thừa Thiên-Huế đi chưa đầy trăm cây số thì ra đến cầu Hiền Lương. Thế mà nhà thơ phải vượt qua bao hiểm nguy, cuốc bộ vào Tây Ninh, rồi cùng phái đoàn đi sang Campuchia, mới bay tàu bay ra Hà Nội. Nhờ thế mà chúng ta đã có và được đọc bài thơ xúc động mà đầy xót xa Tám năm nay mới gặp nhau.  Giặc chiếm đánh miền Nam chia đôi đất nước. Chỉ cách nhau có một con sông thôi mà muốn gặp nhau cũng phải trải qua bao khó khăn, vất vả, bao gian khổ, hiểm nguy. Để rồi khi gặp được nhau, nghẹn ngào không nói nên lời, mừng đến rơi nước mắt. Thanh Hải đã thể hiện tình cảnh ấy trong những câu thơ lục bát đầy xúc động:

“Xa nhau chỉ một mái chèo

Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây

Xiết tay ôm chặt lấy tay

Nói gì, nước mắt tràn đầy đôi môi”

Tám năm nay mới gặp nhau

 

Chính nhờ những sáng tác xúc động và đậm chất anh hùng cách mạng ấy, Thanh Hải đã có rất nhiều đóng góp cho thơ ca miền Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Và do những đóng góp đầy ý nghĩa ấy, ông đã được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1965) của Hội đồng giải thưởng văn học nghệ thuật miền Nam.

Năm 1967, thành lập khu Trị Thiên, Thanh Hải ra làm công tác văn nghệ ở khu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Thời kỳ này ông giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ khu Trị Thiên. Rồi làm Chi hội phó kiêm Tổng thư ký Chi hội Văn  nghệ Trị Thiên. Thời kỳ này ông có hai tập thơ Huế mùa xuân (Nxb Văn nghệ Giải phóng, 2 tập, 1970, 1975). Trong tập thơ này nổi bật hình tượng Bác Hồ. Thanh Hải viết bài thơ đầu tiên về Bác Hồ là năm 1956. Lúc này nhà thơ đã 26 tuổi. Thế mà đọc thơ ta thấy chân thật, gần gũi xiết bao. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật đẹp:

Đêm nay bên bến Ô Lâu

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ

Nhớ hình Bác giữa bóng cờ

Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu.

......

Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn

Cháu nhớ Bác Hồ

 

Nhà thơ Thanh Hải kể lại rằng trong chuyến ra thăm miền Bắc anh có đọc bài thơ Cháu nhớ Bác Hồcho Bác nghe, đến câu Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn, anh xúc động, bèn dừng nửa chừng. Bác bèn ôm lấy anh, vừa hôn vừa nói: “Đây, hôm nay Bác hôn thật đấy”. Đó kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời ông.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975 Huế được giải phóng, tiếp quản cơ sở 26 Lê Lợi - Huế làm trụ sở Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Thanh Hải làm thủ trưởng cơ quan Hội. Ông là một trong những người phụ trách chính của Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, là Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Ông cũng là ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Thời kỳ này ông viết Dấu võng Trường Sơn (Nxb Văn học, Hà Nội, 1977). Bên cạnh hình ảnh Bác Hồ, anh cán bộ, người chiến sĩ trung kiên và người mẹ, người vợ là những hình ảnh quen thuộc đã từng xuất hiện trong “Những đồng chí trung kiên”, hai tập thơ này đã có thêm nhiều khuôn mặt khác, đó là khuôn mặt của những o du kích (O du kích Triệu Phong, Bến đò du kích), khuôn mặt chị dân công (Chào o dân công), anh giải phóng quân (Một đêm với anh giải phóng quân Huế), người vót chông mù (Người mù vót chông), chuyện dựng cầu và những người làm cầu (Những chiếc cầu, Người thợ làm cầu trên Trường Sơn),…và rất nhiều những khuôn mặt khác.

            Năm 1980, nhà thơ Thanh Hải tham gia công tác phát động phong trào sáng tác phục vụ chiến đấu ở Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tiếp đó,nhà thơ cùng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên xuống đường đọc thơ, ca hát, động viên thanh niên nhập ngũ đi chiến đấu thì bất ngờ bệnh cũ của ông tái phát, phải đưa vào bệnh viện. Gần như suốt năm 1980, Thanh Hải phải khóa mình trong chiếc phòng nhỏ ở tầng bốn khoa nội bệnh viện Trung ương Huế.

            Ngày 15 tháng 12 năm 1980 trái tim ông ngừng đập, kết thúc một cuộc đời gắn bó với cách mạng. Bạn bè, đồng chí lặng lẽ đưa linh cữu nhà thơ Thanh Hải về nơi an nghỉ tại vườn cụ Phan Bội Châu ở dốc Nam Giao. Cụ Phan Bội Châu đã tuyên bố khu vườn sẽ dành làm nơi an nghỉ cho các nhà yêu nước và cách mạng ở Huế. Ở đây bây giờ có mộ của nữ sĩ Đạm Phương ( Bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nhà cách mạng Nguyễn Chí Diễu, Lê Tự Nhiên,…và bây giờ có thêm nhà thơ Thanh Hải-một người con cách mạng của quê hương Huế mến thương.

Hai năm sau ngày ông mất tập thơ cuối mới được xuất bản. Đó là tập thơ Mưa xuân đất này (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1982). “Mưa xuân đất này” là tập thơ cuối cùng của Thanh Hải. Tập thơ được ông viết vào những năm cuối cùng của cuộc đời, khi Thanh Hải biết mình bị bệnh nặng và không thể nào qua khỏi được. Thanh Hải đã viết, ông viết vì sự thôi thúc bên trong, vì tình nghĩa sâu nặng với cuộc sống mà càng cảm thấy quý giá.

            Nằm trên giường bệnh, nhớ về những ngày tháng hoạt động cách mạng, trong Thanh Hải hiện lên những kỉ niệm sâu sắc. Ông viết trường ca “Hành khúc người ở lại” nói về những năm tháng gian khổ thời chống Mỹ. Chưa cảm thấy nói được hết, ông viết một tổ khúc thơ bốn đoạn khác: Bài ca từ một vùng địa đạo. Trong lúc ốm đau mà Thanh Hải vẫn hoàn thành được trường ca dài như thế, thật không phải là nhẹ nhàng. Đặc biệt tình yêu cuộc sống thúc đẩy có một bài thơ hay. Trước khi mất, ông để lại bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Chúng ta có thể coi bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là món quà cuối cùng mà Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc về cõi vĩnh hằng.

 

 

 

Thông tin truy cập

60423644
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4619
6820
60423644

Thành viên trực tuyến

Đang có 162 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website