Nhà thơ kể : “Một buổi chiều mùa đông sương mù bảng lảng, chị thẫn thờ đi tìm cái giò đó trên cánh đồng vừa gặt còn trơ gốc rạ. Váy lụa Đình Bảng xếp nếp buông chùng, bắp chân thon thon. “Chị làm gì vậy ?”. “Tao tìm lá, đứa nào tím được lá ấy cho tao, tao sẽ lấy làm chồng”. Chị nói tên một thứ lá hiếm hoi nào đó rồi mỉm cười tinh nghịch. Đó là một kỷ niệm có thực trong đời tôi. Nó ám ảnh như một định mệnh khó gỡ. Hình ảnh “chị” người đẹp Bắc Ninh ấy đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của tôi (Lá diêu bông, Cây tam cúc, Qua vườn ổi...). Nhiều bạn thơ và bạn đọc thường hay chất vấn tôi : “Lá diêu bông là lá gì, mọc ở đâu, hình dạng gì ?”. Xin được trả lời rằng : đó là thứ lá chỉ có trong tưởng tượng của tôi. Lá diêu bông, Cỏ bồng thi, Cầu bà Sấm, Bến cô Mưa... những tên ấy vụt hiện trong thơ tôi như một điều kỳ lạ của tâm thức, có thật nhưng không sao cắt nghĩa được”(1).
Mùa đông 1959, từ ký ức xa xôi thời tuổi nhỏ cái không khí của một chiều đông thủa nào bỗng sống dậy trong lòng nhà thơ, bật lên thành những câu thơ của Lá diêu bông. Với Hoàng Cầm, Lá diêu bông là bi kịch ngàn đời của con người, là mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực”. Đấy là những mong ước mà con người suốt đời lặn lội kiếm tìm.
Lá diêu bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
cuống rạ
Chị bảo :
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị nhau mày :
- Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thủa ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
diêu bông hời !...
... ới diêu bông !
RÉT 1959
Thật khó mà cắt nghĩa cho thật rạch ròi từng câu, từng chữ của bài thơ. Nhưng đọc bài thơ dường như ta thấy hiện lên trước mắt mình cánh đồng quê một... chiều đông bảng lảng sương như trong huyền thoại. Trên cái nền chiều huyền ảo và xa xăm ấy như có bóng ai đang tìm kiếm một cái gì. Và dường như ta nghe âm vang một tiếng gọi, một âm vang mơ hồ đâu đó trong “gió quê vi vút”, một âm vang mơ hồ đâu đó trong tiềm thức mỗi người.
Diêu bông hỡi !...
... ới diêu bông !...
Cái lá diêu bông vô hình, vô ảnh và không có thật kia lại là cái mong ước có thật, sự tìm kiếm có thật của con người giữa cuộc đời.
Bài thơ mở đầu bằng nét chùng của tà “váy Đình Bảng” tạo nên nét đẹp duyên dáng của người con gái xứ Kinh Bắc.
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
cuống rạ
Người con gái xứ Kinh Bắc ấy đang tìm gì giữa cánh đồng mênh mông và lộng gió ? Chị đi tìm chiếc lá diêu bông hay tình yêu, hạnh phúc của đời mình ? Trời thì chiều rồi, cánh đồng mới gặt xong, còn trơ gốc rạ, dường như càng rộng ra. Trước một không gian mênh mông, một thời gian nhạt nhòa dần như thế sự kiếm tìm mới khó khăn làm sao !
Chị bảo :
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Nào mấy ai có thể tìm được cái lá không có thực ấy trong đời. Tình yêu, hạnh phúc mãi mãi như chiếc lá diêu bông vô hình kia, ẩn mình đâu đó giữa cánh đồng đời mênh mông để con người suốt đời đi tìm, suốt đời chiêm nghiệm vì sự kiếm tìm này. Những đoạn thơ nối nhau như những trang đời, như lời thủ thỉ và ẩn đọng trong đó là cảm hứng, suy tư về sự kiếm tìm của con người trong đời.
Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị nhau mày :
- Đâu phải lá diêu bông
Chao ơi, làm sao có thể tìm được chiếc lá mơ ước của một đời lại dễ dàng đến thế, chỉ “hai ngày” thôi ư ? Chị “chau mày” không tin đây là lá diêu bông, chiếc lá của một đời lặn lội, kiếm tìm cũng như không thể tin có thứ hạnh phúc nào lại đến quá dễ dàng. Thì đây :
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Dẫu thời gian đã nhiều ngày, nhiều tháng hơn (mùa đông sau) nhưng chị vẫn không tin có thể tìm được chiếc lá ấy giữa đời. Câu thơ thấm một nỗi buồn. Đấy là nỗi buồn lặng lẽ khi nghiệm ra rằng chiếc lá kia vẫn cứ là một ẩn số của đời người. Ánh nhìn gửi theo “nắng vãn bên sông” gợi lên nỗi buồn man mác, xa vắng. Vậy chẳng lẽ con người lại vô vọng trong sự kiếm tìm này ? Phải có một ngày, một lúc nào đó, người ta chợt nhận ra mình đã tìm được chiếc lá diêu bông của đời mình chứ ! Phải, đã có một ngày như thế :
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
“Ngày cưới” là ngày sung mãn, tròn đầy của hạnh phúc. Trong cái ngày ấy chị tưởng như đã chạm được vào chiếc lá diêu bông. Nụ cười chị e ấp, ấm áp và phảng phất cái tha thiết của dân ca quan họ : “Chị cười xe chỉ ấm trôn kim”. Nhưng rồi :
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
“Chị ba con” như là một sự trải nghiệm hết mọi lẽ buồn vui của cuộc đời. Với bấy nhiêu sự nếm trải, chị hiểu nào đâu có dễ dàng gì tìm được lá diêu bông hạnh phúc trên cánh đồng đời mình đã đi qua. Cho nên chị đã trốn chạy, trốn chạy ước mơ, khát vọng cháy bỏng của một thời, trốn chạy chính mình với bàn tay “phủ mặt” không nhìn. Nhưng cái bàn tay bé nhỏ kia dù cố “xòe” ra, dù cố “phủ mặt” cũng không thể che được cái nhìn hướng ra phía cuộc đời mênh mông. Chị bất lực với chính mình, bất lực với cả sự trốn chạy. Cái chiếc lá diêu bông dù không có thật ấy vẫn cứ hiển hiện, hiển hiện như một tiếng gọi, cố quên mà không quên được. Phải chăng đấy là cái bi kịch ngàn đời của con người mà Hoàng Cầm muốn nói đến :
Từ thủa ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
diêu bông hời !...
... ới diêu bông !
Đoạn thơ gợi lên cảm xúc bâng khuâng trước cái âm hưởng văng vẳng của một tiếng gọi đâu đây giữa cánh đồng quê một chiều đông. Tiếng gọi ấy như khát vọng ngàn đời của con người lẫn trong sương chiều, trong “gió quê” hay cất lên từ trong lòng mỗi người ? Nào ai đã tìm được lá diêu bông của đời mình giữa cánh đồng đời bao la ? Nào ai đang lặn lội nơi “đầu non cuối bể” ? Diêu bông hời !... Ới diêu bông !
Kiến thưc gia đình, số 37, 1997.
--------------------
(1) Theo Lưu Quỳnh Thơ, Tạp chí Văn học số 3 năm 1991.