Vũ Trọng Phụng và nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị tư tưởng, nghệ thuật khác nhau của Vũ Trọng Phụng. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định tác phẩm của ông là "niềm căm uất không nguôi" cái xã hội "chó đểu" thời thuộc Pháp (Nguyễn Đăng Mạnh), là "ngón đòn đả kích cay độc cái xã hội tư sản bịp bợm" (Nguyễn Hoành Khung). Nhiều người cũng khẳng định ông là " một tài năng hiếm thấy" (Trần Hữu Tá), "một sức sáng tạo nhiệm màu" (Lưu Trọng Lư), có những trang viết có thể "làm vinh dự cho mọi nền văn học" (Nguyễn Khải) với một "bút lực ghê gớm và dữ dội" (Nguyễn Quang Sáng)... Nhưng còn có một phương diện khác trong tư tưởng - nghệ thuật của ông buộc chúng ta không thể không bàn đến. Đó là nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời.

 

Thật là lạ lùng, đọc Vũ Trọng Phụng, chúng ta thấy trong những trang viết của ông chốc chốc lại vang lên những nhận xét "đời là vô nghĩa lý", "tôi là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý", "thằng ấy nó vô nghĩa lý lắm", v.v... Ông cứ lặp đi, lặp lại cái cụm từ này trong hầu hết tác phẩm của mình, giống như cụ cố Hồng trong Số đỏ, lúc nào cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Phải trăn trở nhiều lắm, suy tư nhiều lắm về nghĩa lý cuộc đời như ông thì mới là lúc nào cũng chõ miệng ra giữa hai hàng chữ mà kêu lên “vô nghĩa lý” hay “có nghĩa lý” (1).

Sống ở trên đời vỏn vẹn có 27 năm (1912 – 1939), viết văn vỏn vẹn trong vòng 8, 9 năm. Vậy mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ khiến chúng ta phải kính nể : 9 tiểu thuyết, 31 truyện ngắn, 8 phóng sự và ký sự, 6 vở kịch, v.v... Trong cả từng ấy tác phẩm của ông đều âm vang một câu hỏi : đời có nghĩa lý không ? Đâu là nghĩa lý cuộc đời ? Ông đi sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc đời; từ cuộc đời của những kẻ dưới đáy xã hội như gái điếm, ma cô, du đãng cho đến những kẻ thuộc bậc thượng lưu, trí thức, nghị viên. Va rút cục, ông đau xót nhận ra ở đâu đời cũng là vô nghĩa lý. Ngay từ tác phẩm đầu tay, kịch Không một tiếng vang (1931) ông đã thấy cái vô nghĩa lý trước đồng tiền. Ông đau xót nhận ra, như nhân vật anh Ca trong vở kịch này đã thốt lên : “Không có Giời, Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à ? Còn thua đồng tiền. Luật pháp à ? Chưa bằng đồng tiền. Giời Phật à ? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai ai cũng phải kính thờ, chỉ có những cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm" (Không một tiếng vang).

Các tác phẩm tiếp theo của ông, từ Cạm bẫy người cho đến Kỹ nghệ lấy Tây, từ Dứt tình cho tới Giông tố, từ Số đỏ cho tới Vỡ đê, từ Làm đĩ cho tới Lấy nhau vì tình... đều âm vang một nỗi chua xót về cái vô nghĩa lý của cuộc đời. Tất cả sự đời bày ra trước mắt mới vô nghĩa làm sao. Từ “Bắc đầu bội tinh”, “Tiết hạnh khả phong” cho đến các danh xưng như “giáo sư”, “đốc tờ”, “anh hùng cứu quốc”, “nghị viện” đều vô nghĩa hết. Cái vô nghĩa đó khiến ông khinh bạc, châm biếm, diễu đời. Mọi cái đều được ông "nhìn ngược" này mà bản chất đích thực của các sự vật, hiện tượng lố lăng được bộc lộ ra : Hôn nhân là một cuộc "hiếp dâm đúng luật", "cải cách xã hội", "Âu hóa", "Văn minh" chẳng qua là "mấy cái thẹo lộn ngược, lộn xuôi". Đến như cái Hội Khai trí tiến đức, một nơi đáng ra là để nâng cao dân trí, thì lại là một nơi có “đánh tỏ tôm một cách bình dân”. Rồi những kẻ đứng ra “phát chẩn” như Nghị Hách để chứng tỏ lòng nhân ái, thực chất lạ là một kẻ hiếp dâm, bịp bợm, lừa đảo, giết người, vu oan giá họa cho người khác... Một cuộc đời như thế làm sao có nghĩa lý được. Một cuộc đời mà tất cả đều có thể “sắp xếp”, thật giả lẫn lộn; cái giả, cái rởm nghiễm nhiên trở thành “mốt”, thành “thời thượng”. Một cuộc đời mà mọi thước đo xã hội không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa thì làm sao nói lá có nghĩa lý được ? Đó là một xã hội vô nghĩa lý, một cuộc đời vô nghĩa lý.

Sự vô nghĩa lý thấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống : từ đạo lý cho tới nghĩa tình, từ tình yêu cho tới nghĩa vợ chồng. Có khi ông đã khinh bạc rút ra cái sự đời chỉ là : họ yêu nhau, say mê nhau, rồi họ chán nhau, rồi họ phụ nhau, hành hạ nhau, ấy sự đời chỉ có thế mà thôi” (Lấy nhau vì tình). Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật của Vũ Trọng Phụng hay triết lý về cái “vô nghĩa lý” của cuộc đời, của loài người nhiều như vậy. Dường như nhân vật nào cũng sẵn sàng buột miệng nói “vô nghĩa lý” : Huỳnh Đức : “cuộc đời vô nghĩa lý quá, vô vị quá” (Dứt tình); Liêm : “Chàng đã sống để mà không biết rằng đời là một sự vộ nghĩa lý” (Lấy nhau vì tình). Đến người có chí hướng, có lý tưởng như ông già Hải Vân cũng đã có lần thốt lên : “mà sự đời thật không có nghĩa lý gì cả” (Giông tố).

Một xã hội, một cuộc sống vô nghĩa lý như thế thì ắt hẳn phải  sản sinh ra những con người vô nghĩa lý. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nhan nhản những loại người này. Đó là những con người chẳng biết sống để làm gì, không tìm được nghĩa lý cuộc đời. Họ có thể là những người dưới đáy, mà cũng có thể là ở tầng lớp trên của xã hội. Ở họ, giống nhau một điểm : chán đời. Họ sống đấy không biết để làm gì. Cuối cùng chỉ lao vào ăn hút, nhảy đầm, bài bạc, trác táng. Ta thấy ở họ thấp thoáng bóng dáng “con người thừa” trong văn học Nga thế kỷ XIX. Cử Tân, trong Lấy nhau vì tình, là một giáo sư giàu có và danh tiếng, đi tìm cái nghĩa lý cuộc đời ở đàn bà, mà tìm mãi vẫn không thấy. Lời Cử Tân nói với Liêm : “Tao đã để gần nửa đời người tao vào sự tìm tòi cho ra một điều bí mât nó khiến tao hỏng cả một đời người rồi. Mà đến bây giờ tìm vẫn chưa ra ! Tao muốn hiểu rõ bụng dạ đàn bà nó là thế nào ! Tao đọc, tao đọc mãi, tìm vẫn không thấy. Tao chơi, tao chơi mãi, tìm vẫn không thấy” (Lấy nhau vì tình).

Việt Anh trong Dứt tình, một con người thông minh, có chí hướng nhưng chỉ vì thất tình mà đâm ra bê tha, hận đời. Cho đến cuối cùng vẫn cứ lửng lơ một câu hỏi không lời giải đáp : Sống để làm gì : “Tôi đã là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý”. “Hiện giờ tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi : Sống để làm gì ?” (Dứt tình).

Rồi đến Long trong Giông tố, một trí thức có học, có lòng tự  trọng, những mong vươn lên trong cuộc đời. Nhưng rồi sự đòi trớ trêu đã đẩy chàng đến chỗ tự tử. Vợ chưa cưới bị hiếp rồi trở thành vợ lẽ của kẻ hiếp dâm; bản thân chàng rơi vào cuộc chung đụng loạn luân với Tuyết, con gai Nghị Hách mà thực chất là em cùng cha khác mẹ với chàng. Long vung vãi tiền bạc ăn chơi, chán chường và tìm đến cái chết vì thấy rằng đời là vô nghĩa lý. Bức thư tuyệt mệnh của Long đã nói rõ sự tuyệt vọng đó : “Tôi tự tử vì tôi sung sướng quá, đến nỗi không thấy sinh thú gì nữa, và có lẽ tại tôi không tìm nổi cái nghĩa đời người” (Giông tố). Có quá nhiều nhân vật của Vũ Trọng Phụng không tìm nổi cái nghĩa lý của cuộc đời. Sự bế tắc, sự bi quan của chính ông : một người mang những trăn trở, những mong muốn sống cho có nghĩa lý, cuối cùng chỉ thấy đời là vô nghĩa lý.

Đến đây có thể đặt câu hỏi : Phải chăng toàn bộ sáng tác của ông Vũ Trọng Phụng chỉ toàn thấy cái “vô nghĩa lý” ? Có thể nói ngay rằng không hoàn toàn như  vậy. Đúng như Lưu Trọng Lư trong Điếu văn đọc bên mộ Vũ Trọng Phụng đã nói : “Người nào bảo không tìm được ở Phụng một lòng tin, kẻ ấy đã lầm”. Quả là những cái “có nghĩa lý” tuy không rõ lắm nhưng không phải không có trong những trang viết của Vũ Trọng Phụng. Chúng ta nhận thấy ông đã mơ hồ nhận ra trong cuộc đời có điều có nghĩa lý. Trong những tác phẩm như Người tù được tha, Vỡ đê và cả Giông tố nữa, ông đã phần nào hy vọng, tin vào cái nghĩa lý của cuộc đời. Trong thế giới đầy rẫy sự vô nghĩa lý, vẫn có lúc Vũ Trọng Phụng nhận ra “Hóa ra đời này cũng có người sống có nghĩa lý” (Lỡ lời, 1936). Cụ Phán Uyên trong Người tù được tha đã dám xem cái chết của con mình ở ngục tù Côn Đảo là một sự vinh hiển, đó là một cái chết có nghĩa lý, chết “vì Tổ quốc, vì giống nòi” chứ không phải “vì hóc xương gà”. Ngay cả trong thế giới của Giông tố, ông vẫn đặt nhiều hy vọng vào những người như Tú Anh, tri huyện Liêu, ông già Hải Vân. Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét : “Nhân loại trong Giông tố không chỉ toàn những kẻ “vô nghĩa lý”. Lẻ tẻ thấy xuất hiện trong tác phẩm một số nhân vật được tác giả miêu tả như những con người biết sống “có nghĩa lý” (2).

Cái hy vọng về những điều có nghĩa lý càng tăng khi ông nhận thấy sự  thắng thế của Mặt trận Bình dân lúc bấy giờ. Niềm hy vọng đó được ông gởi gắm qua những con người như Phú, như Minh, như những anh em trợ bút của tòa báo Lao động trong Vỡ đê. Con đường của những con người này là con đường thoát của lịch sử mà Vũ Trọng Phụng kỳ vọng, nhằm hướng đến một cuộc đời có nghĩa lý hơn. Không hẹn mà gặp, các nhân vật “có nghĩa lý” của Vũ Trọng Phụng từ Tú Anh, huyện Liêu, ông già Hải Vân, Phú, Minh... đều là những con người có chí hướng, có tư tưởng cải tạo xã hội, thay đổi xã hội, nghĩa là làm cách mạng. Tuy còn mơ hồ nhưng hình như Vũ Trọng Phụng đã cảm nhận được cái nghĩa lý đích thực của cuộc đời lúc bấy giờ với tư tưởng của những người cách mạng lúc đó. Có thể nói, nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời đã đưa Vũ Trọng Phụng đến chỗ bắt đầu cảm nhận ra và hy vọng vào nghĩa lý cuộc đời ở sự đổi thay, ở việc làm cách mạng xã hội. Tuy nhiên hình như cái hy vọng ấy mong manh quá, mơ hồ quá và dễ vỡ quá, cho nên vẫn chưa đủ xóa đi cái “vô nghĩa lý” đang bao trùm lên cuộc đời. Thành ra cái vô nghĩa lý vẫn đè nặng, trùm cái bóng bi quan và định mệnh xuống tác phẩm của ông.

Khép những trang văn của Vũ Trọng Phụng lại ta thấy ông vẫn bế tắc, vẫn thấy đời vô nghĩa lý. Ông chỉ cảm nhận cái nghĩa lý một cách mơ hồ, vô định như cảm nhận cái bóng mờ nhạt của con thuyền chờ ông già Hải Vân ra đi trong một đêm “giông tố” mờ mịt năm nào... Vũ Trọng Phụng có ngờ đâu, những trang viết của ông, những trang viết nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời mà ông để lại, lại là những trang viết có nghĩa lý thực sự, có thể “làm vinh dự cho mọi nền văn học”.

Đó là cái nghĩa lý mà ông để lại cho chúng ta hôm nay.

 

3.10.1992

Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh  số      năm 1992

 

 

-----------------

(1) Theo thống kê của chúng tôi, cụm từ “vô nghĩa lý” xuất hiện trong một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như sau : Không một tiếng vang (1931) : Không có; Dứt tình (1934) : 5 lần; Sư cụ triết lý (1935) : 15 lần; Số đỏ (1936) : 5 lần; Giông tố (1936) : 11 lần; Vỡ đê (1936) : 1 lần; Lấy nhau vì tình (1937) : 6 lần; Người tù được tha (di cảo) : Không có v.v...

(2) Nguyễn Đăng Mạnh – Lời giới thiệu Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập 1 – NXB Văn học, 1987, tr. 29.

 

 

Thông tin truy cập

60427954
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8929
6820
60427954

Thành viên trực tuyến

Đang có 238 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website