Mỗi năm hoa đào nở

Nếu như con sống Vũ Đình Liên năm nay vừa tròn trăm tuổi (1913– 2013). Vũ Đình Liên sinh ngày 12.11.1913 (nhằm ngày 15.10 năm Quý Sửu) ở Hà Nội. Quê gốc của ông ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Hưng với dòng họ Vũ giàu truyền thống văn hiến. Thuở ấu thơ, ông là một học trò giỏi có tiếng ở đất Hà thành. Đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, ông dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, trường nữ sinh Hoài Đức vừa để kiếm sống vừa có điều kiện học Đại học Luật. Thời gian này, Vũ Đình Liên cũng bắt đầu xuất hiện như một nhà thơ, nhà báo trên báo Phong hoá của Đoàn Phú Tứ, và một số báo khác như Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa... Ông chủ trương mở Tạp chí Giáo dục bằng tiếng Pháp Revue Pédagogique.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông đã giữ nhiều chức vụ. Năm 1946 - 1948, ông làm Uỷ viên Uỷ ban Hành chính - Kháng chiến huyện Ân Thi (Hải Hưng). Năm 1948 - 1950 là Hội trưởng Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu III. Từ năm 1950 đến năm 1953, ông trở lại với nghề sư phạm, làm giảng viên Trường Trung cấp Sư phạm. Năm 1953 đến 1956, ông được cử giữ chức Trưởng Phòng Huấn học Nha giáo dục phổ thông. Năm 1956 đến 1957, ông giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Văn học - Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1957, ông được bầu làm Tổ trưởng Tổ Giáo học pháp Khoa Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1962 ông làm Chủ nhiệm khoa Pháp để đào tạo giáo viên làm chuyên gia tiếng Pháp cho các nước châu Phi, châu Mỹ - Latinh, châu Đại Dương. Từ năm 1969, ông được điều động làm cán bộ nghiên cứu khoa học cho đến ngày về hưu.

Mặc dù được biết đến trong phong trào Thơ mới (năm 1936, bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh Hoa), nhưng Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết: "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu Vũ Đình Liên. Năm đó, Vũ Đình Liên mới có 23 tuổi. 23 tuổi còn quá trẻ, chưa đủ sức nghĩ tới những cái gì xa hơn, rộng lớn hơn.

Một số bài thơ của Vũ Đình Liên mà bạn đọc biết đến là Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu Xá... Cả đời mình Vũ Đình Liên có mấy tập sách như Đôi mắt (1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn-1957), Nguyễn Đình Chiểu (1957), Những bông hoa ác, (“Les fleurs du Mal" ), thơ Baudelaire (dịch-1995).

Trong khoảng hơn một nghìn bài thơ viết tay của ông để lại cho con cháu, có rất nhiều bài thơ biểu lộ tình thương đồng loại. Đó là những bài mới đọc đầu đề ta đã thấy nhà thơ hướng đến những số phận không may. Đó là những kẻ "Thân tàn ma dại", "Người đàn bà điên", "Người kỹ nữ cầu Trò", "Đứa trẻ ăn mày”... Vũ Đình Liên, ngay từ buổi đầu làm thơ, đã tự nhận là nhà thơ của những người lao khổ. Trên báo Phong Hóa, số ngày 18-8-1934, ông đã viết:

            Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết
           Như những tiếng kêu than của người đói rét

Trong một chuyến về quê, nhà thơ Vũ Đình Liên cùng người bạn địa phương đi qua cái cầu xi măng, cầu khá dài. Nhà thơ hỏi người bạn và được biết cầu tên là cầu Trò và lai lịch của cái tên. Nguyên ngày xưa có cô nhà trò đi hát đêm, sáng sớm về qua lạch nước con thì gặp mưa gió, bị cảm lạnh và chết. Dân làng đem chôn trên bờ ngòi và lập miếu thờ. Câu chuyện này đã để lại cho Vũ Đình Liên niềm xúc động, nỗi xót thương khôn cùng. Ông nghĩ đến số phận đáng thương của những người phụ nữ nghèo khổ, có nhan sắc, có tài hoa đã phải mang tài sắc ấy mua vui cho những kẻ quyền quí giàu sang, cuối cùng phải chết một cách đau thương. Nhà thơ Vũ Đình Liên bị ám ảnh khôn nguôi đã làm bài thơ Người kỹ nữ cầu Trò:

Đường về Hà Nội, cầu Trò qua
Nghe chuyện người xưa, dạ xót xa
Đêm tiệc ai say làm phách đổ
Mai sương người thấm lớp mưa sa
Hai manh xiêm áo, khôn ngăn giá
Nửa kiếp phong trần luống rụng hoa
Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ
Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca

 Vũ Đình Liên vẫn nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia sẻ tê tái với những người kém may mắn đó. Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một ví dụ. Ông đã gặp người đàn bà rách rưới, bẩn thỉu trên sân ga. Mọi người trên toa tàu xa lánh, chỉ có ông,  nhà thơ có cái nhìn xót thương, đầy cảm thông với người đàn bà điên đó. Tứ  thơ vụt đến trong tâm hồn ông, một tâm hồn nhạy cảm trước bất hạnh của người khác:

Tôi với người điên ngồi không nói
Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau.

Nhà thơ nhận ra giữa mình và người điên kia như được trời xếp đặt để thương cảm, xếp đặt số phận bên cạnh nhau-  nhà thơ và người điên, người điên và nhà thơ:

Ai xui khiến và ai xếp đặt
Một nhà thơ với một người điên

Lời thơ Vũ Đình Liên không diễn được hết ý ở lòng ông. Nhưng vẫn đủ để ta nhận ra chất tâm hồn ông. Thương người nghèo khổ không chỉ là cái tứ của thơ ông mà là cách sống của đời ông. Mồng một Tết, ông gói đôi bánh chưng, mứt, trái cây …lần ra bến tàu xe ăn Tết cùng với những người thân tàn ma dại, tứ cố vô thân. Ông ăn uống kham khổ, mặc áo vải thô, đi bộ... dành tiền tặng những người nghèo khó. Tiền thưởng danh hiệu giáo viên nhân dân, nghe đâu được 10 triệu đồng, ông ủng hộ cho sinh viên nghèo.

Nhà thơ Vũ Đình Liên hễ làm được bài thơ nào hay là ông đến gặp Bùi Xuân Phái để đọc thơ và sau đó, nhà thơ khẩn khoản nhờ bạn vẽ minh họa bài thơ đó. Ban đầu nhà thơ Vũ Đình Liên và nhà Nhiếp ảnh Trần Văn Lưu có ý muốn đặt tên cho căn gác xép là "Đền Văn Hóa". Sau vì Bùi Xuân Phái nhận thấy có vẻ to tát quá, ngại, ông lắc đầu cười hiền lành: "Thôi các ông ạ!". Chắc là Bùi Xuân Phái ngại, không muốn gặp những rắc rối. Sau đó "Đền Văn Hóa" được đặt tên cho căn gác xép của cụ Trần Văn Lưu ở 11 Hàng Bông.

             Nhà thơ Vũ Đình Liên cũng có làm một số bài thơ về Bùi Xuân Phái, sau lần nhà thơ hỏi Bùi Xuân Phái, lý tưởng sống là gì. Bùi Xuân Phái cười, đáp: “Lý tưởng sống của tôi là làm cho mọi người vui”. Nghe họa sĩ trả lời, nhà thơ lấy làm tâm đắc và làm bài "Gửi Bùi Xuân Phái":

Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
Anh, tôi đâu phải không vui lắm
Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn
Còn lẽ loài người da bọc thịt
Há như giống sói mõm phanh sườn
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
Đốt trái tim trầm gửi gió hương

Tranh "Ông đồ" của danh họa Bùi Xuân Phái.

Ông là bạn thân với Bùi Xuân Phái. Như lẽ thường tình, Bùi Xuân Phái đọc thơ ông, còn ông ngắm tranh  Bùi Xuân Phái. Thơ  ông có bài nêu lên cảm xúc đó, bài thơ Ngắm tranh:

Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ,
Cả hồn quá khứ xót ông đồ.
Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ,
Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.
Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ
Ảnh hình thẫm đượm mối thương xưa
Hồn người nghiên bút nghìn năm trước
Khối hận đến giờ đã nhẹ chưa …

*

*              *

Bài thơ "Ông đồ" và tác giả đã được các báo chí nước ngoài giới thiệu qua gần 10 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ả Rập... Thật là một bài thơ bất hủ của nhà thơ Vũ Đình Liên! Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Đình Liên chỉ được chọn vẻn vẹn có hai bài, thua cả những tác giả hiện tên tuổi đã mờ dần đi theo thời gian. Trong phong trào Thơ mới, không phải ai cũng có được bài thơ nổi tiếng như "Ông đồ" của Vũ Đình Liên. Cùng với "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Tống biệt hành" của Thâm Tâm, "Ông đồ" của Vũ Đình Liên nổi bật trong rừng thơ tiền chiến. Nó thuộc trong số những thi phẩm người yêu thơ nào cũng biết, cho dù họ có thể quên tên tác giả.

Hình như trong mỗi chúng ta ai cũng có một cõi để nhớ về. Một chiều đồng nội nơi quê nhà. Một trưa hè trên sông. Một tiếng gõ chào buổi sáng. Những trò chơi tuổi thơ. Một thoáng buồn đau... Rồi những tháng ngày trôi qua, những cái ngày xưa ấy không còn nữa. Một lúc nào đó, những cái ngày xưa ấy vụt trở lại trong ta, hiện lên mồn một trong ký ức, khiến cho chúng ta bâng khuâng man mác. Không hiểu sao, đọc ông đồ của Vũ Đình Liên, tôi cứ nghĩ rằng nhà thơ viết bài thơ này đang ở trong tâm thế ấy.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ gi

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Ở đây có cảnh phố phường ngày Tết, có hoa đào, giấy đỏ nhưng dường như tác giả không dừng lại để tả cảnh mà chủ yếu bộc lộ một nỗi niềm. Tác giả không vẽ tranh, mà sống lại với bức tranh xưa, với những người, những cảnh của ngày xưa mỗi khi Tết đến hoa đào nở. Nỗi lòng nhà thơ càng da diết thì cảnh sắc, con người hiện ra càng rõ nét. Ông đồ trong bức tranh này là ông đồ trong ký ức của nỗi hoài niệm và lòng thương mênh mang của nhà thơ.

Trong ký ức của mình, nhà thơ còn lưu giữ lại hình ảnh ông đồ viết câu đối ngày Tết thật đẹp :

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”.

Cũng trong ký ức mình, nhà thơ vẫn lưu giữ  một nỗi buồn u tịch trước cảnh ngày một vắng vẻ của những người viết câu đối Tết. Nỗi buồn của tác giả vẫn nguyên vẹn như ngày nào trước cảnh người thuê viết mỗi năm mỗi vắng. Câu thơ cũng vì thế mà như lắng lại, cảnh sắc cũng ngưng đọng lại, nhòa đi. Câu thơ xa vắng một nỗi buồn mênh mang, xa xót :

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

Hình ảnh ông đồ ngồi một mình không ai hay, lá vàng cứ hờ hững rơi, mưa bụi cứ hờ hững bay đọng lại trong ký ức nhà thơ một nỗi niềm thương cảm, day dứt không đành :

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Câu thơ có nỗi buồn man mác, có nỗi lòng thương yêu tha thiết mà hình như cũng có cả lời sám hối với những gì của ngày xưa bỗng chốc bị thờ ơ, bị lãng quên ngay trong hiện tai.

Sau khi sống lại với hồi ức của ngày xưa, nhà thơ quay về với hiện tại, bâng khuâng tự hỏi :

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Cả bài thơ đọng lại trĩu nặng trong câu hỏi này. Đấy không phải là câu hỏi để trả lời, mà để bộc lộ, để giải bày một nỗi niềm. Đó là nỗi hoài niệm trước những gì xưa cũ không còn nữa, và cũng là nỗi lòng thương cảm trước “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Lời Vũ Đình Liên). Chính nỗi u hoài man mác và lòng thương mênh mang này đã làm cho bài thơ Ông đồ đọng lại được với thời gian.

TP. Hồ Chí Minh, cuối năm Tân Mão

                        L.T.D

 

            Tài liệu tham khảo

  1. Huy Cận – Hà Minh Đức (Chủ biên) (1993), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo duc, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Long – Đỗ Đức Hiểu (2004), Vũ Đình Liên, trong sách Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
  3. Vũ Quần Phương (1995), Thơ với lời bình, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Hoài Thanh – Hoài Chân (1941), Thi nhân Việt Nam, Nxb Hoa Tiên, Sài  Gòn,1967.
  5. Vũ Đình Liên (1957), Đôi mắt, Nxb Văn nghệ, Hà Nội.

 Nguồn: Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Du lịch số 8 tháng 1.2013

Thông tin truy cập

63585631
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3858
8664
63585631

Thành viên trực tuyến

Đang có 376 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website