Gần đầy một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây ra tranh luận khác nhau. Nhiều ý kiến khen anh có cách viết khác lạ, độc đáo, tài hoa. Có người đã khẳng định rằng “ Mặc dầu với tất cả sự e dè cố hữu, người ra cũng không thể không khen rằng ông đã mang cho văn xuôi Việt Nam một cuộc cách tân” (Diệp Minh Tuyền – Văn nghệ số 37 – 38 năm 1988). Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến phê phán thật nặng nề dữ dội, nhất là khi tuần báo Văn nghệ đăng hai truyện : Vàng lửa và Phẩm tiết. Có người xem Vàng lửa “ không phải là sự suy tưởng của của mộ đầu óc lành mạnh, khỏe khoắn” (Tạ Ngọc Liễn – Văn nghệ số 26 năm 1988). Có người cho Phẩm tiết không chỉ bắn súng lục mà là “bắc đại bác vào quá khứ” , là “ quả bom phá tan tành hình ảnh cao đẹp của người anh hùng áo vải” (Vũ Phan Nguyễn- Văn nghệ số 35 – 36 năm 1988) là “xúc phạm nghiêm trọng với lịch sử và người đọc” ( Nguyễn Thúy Ai – Văn nghệ số 35 – 36 năm 1988), là lọai truyện “viết qua bôi bác, tùy tiện rối rắm và không trong sáng, vừa khi nhân ngạo vật, vừa xuyên tạc lịch sử” (Nguyễn Thanh – Tạp chí Văn số 1 năm 1988)…
Viết về những con người, người sự liên quan đến lịch sử không phải là điều gì mới lạ trong văn học ta cũng như văn học nhân loại. Và ngay bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng đã có truyện về đề tài này (Một thoáng Xuân Hương). Thế nhưng tại sao Vàng lửa và Phẩm tiết lại gây tranh luận khác nhau như vậy? Phải chăng vì bạn đọc đã không phân biệt văn và sử? Hay chính trong sáng tác của mình Nguyễn Huy Thiệp đã không nhìn nhận lịch sử như vốn có.
Trên báo Văn nghệ số 29 – 30 năm 1988, có bài Đọc văn phải khác với đọc sử nhằm lưu ý bạn đọc những truyện anh Thiệp viết không phải là chính sử mà là văn học hư cấu do đó phải đọc nó khác với đọc sử. Nhưng nói như vậy chúng tôi nghĩ rằng chỉ mới nói một nửa vấn đề. Đành rằng Vàng lửa cũng như Phẩm tiết không phải là chính sử, hay truyện danh nhân, ký sự lịch sự màlà văn học hư cấu, nhưng đấy là sự hư cấu dựa trên nhiều con người, nhiều sự kiện lịch sử có thật, do đó một mặt là đọc nó phải khác với đọc sử, nhưng mặt khác cũng không thể đọc nó như đọc văn xuôi nghệ thuật thuần túy. Lọai truyện này, dù nhà văn hư cấu thêm nhiều tình tiết, nhiều con người nhằm thế hiện một tư tưởng nào đi nữa, vẫn mang lại cho chúng ta một ý niệm lịch sử rõ ràng. Nghĩa là ở đây chúng ta không buộc nhà văn đồ lại lịch sử, nhưng cũng không chấp nhận sự xuyên tạc lịch sử, dù là để thể hiện một tư tưởng nào đó. Ai cũng biết rằng chân lý nghệ thuật không đồng nhất với chân lý đời sống, nhưng chân lý nghệ thuật phải thống nhất với chân lý đời sống. Họa sĩ Trung Quốc Tế Bạch Thạch (1863 – 1957) đã nói rất đúng rằng nghệ thuật hay ở chỗ vừa giống, vừa không giống, không giống quá thì dối đời, giống quá thì mị đời” (Tựa tập tranh Tế Bạch Thạch – Bắc Kinh 1962 -, tr.9 – trích lại). Viết về các nhân vật lịch sự dù ở thể loại nào vẫn phải làm cho hiện lên đúng cái cốt cách thần thái của họ đã thể hiện diện trong lịch sử. Do đó đọc văn khác đọc sử, nhưng không đối lập mà thống nhất với nhau. Đọc văn không chỉ khác mà còn phải thấy được cả sự thống nhất ấy nữa, nếu chỉ thấy văn khác sử thì dể tùy tiện trong hư cấu, xây dựng hình tượng cũng như tiếp nhận hình tượng. Còn thấy văn chỉ giống sử đọc văn giống đọc sử, thì phải thấy nhà văn xuyên tạc lịch sử, mà thực chất là tước mất sự sáng tạo của nhà văn.
Với quan niệm này chúng tôi đọc Phẩm tiết, một truyện đang được bàn cãi với những ý kiến khác nhau, và xin được nêu lên ý kiến của mình về cách hiểu truyện này.
Đọc Phẩm tiết nhiều người băn khoăn không biết Nguyễn Huy Thiệp nói gì ? Vũ Phan Nguyễn cho rằng “ Anh viết theo bản năng, không hề biết chủ đề tác phẩm của mình là gì”(Văn nghệ số 35 – 36 năm 1988). Còn Nguyễn Thanh thì nhận xét “ Hư cấu lẫn vào lịch sử một cách khó chịu, việc thật xen việc giả không biết đâu mà lần. Truyện viết không đầy một trang rưỡi in trên báo nhưng rắc rối, lộn xộn, đọc xong không biết tác giả biêu riếu vua Quang Trung hay mượn tên Quang Trung để nói cái gì?”(Tạp chí Văn số 1 năm 1988).
Quả thật Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp không phải là truyện dễ hiểu, nhưng vẫn chưa đến mức nằm trong nguy cơ không biết nói gì. Có lần trong thư gửi của cho Min na Cauxky và Macgarit Haccơnetxơ, K. Mác đã từng nhấn mạnh rằng “khuynh hướng phải tóat ra từ tình thế và hành động”, “ quan niệm của tác giả càng kín đáo bao nhiêu càng tốt cho tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu”. Có lẽ cũng nên quan niệm như thế khi xét đến Phẩm tiết. Đúng là ở Phẩm tiết có nhiều người nhận xét, có nhiều sự kiện, nhiều con người thực ảo xen lẫn vào nhau khiến cho chúng ta có cảm tưởng rối, nhưng đọc kỹ có thể hiểu được.
Trong Phẩm tiết dẫu có những con người, những sự kiện lịch sử nhưng hình như mục đích chính của Nguyễn Huy Thiệp không nhằm mục tái tại lại một giai đọan lịch sử. Mà chính yếu hơn, anh muốn suy gẫm về các số phận, phẩm tiết của mỗi con người trước những biến cố lịch sử trọng đại.
Muốn hiểu Phẩm tiết, trước hết cần hiểu Ngô Thị Vinh Hoa, nhân vật chính xuyên xuyên suốt các biến cố của truyện. Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả Vinh Hoa như là hiện thân của cái đẹp, của sự hoàn thiện, hòan mỹ. Để thể hiện điều này tác giả miêu tả Vinh Hoa như là một cái gì đó hết sức huyền ảo, từ lúc “đẻ ra Vinh Hoa trên nóc nhà có đám mây ngũ sắc bay đến, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt”, “ trên cổ có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng bàn tay ra thấy có viên ngọc ở trong trên khắc ba chữ “chi thiện mệnh”… đến lúc lớn lên”hát hay đàn giỏi, đẹp lồ lộ, nói câu nào thiêng câu ấy”… rồi đến khi chết, hay lúc cải táng mấy trăm năm sau, nàng hiện lên một cách đầy huyền diệu. Hiện hữu đấy màkhông dễ gì nắm bắt được. Phải chăng đấy cũng là quan niệm của tác giả về cái đẹp ? Chi tiết cuối truyện, Vinh Hoa không kết hôn với ai cả mà vẫn có con, có lẽ không phải là một kết thúc gượng ép như có người băn khoăn. Ở đây tác giả muốn nói rằng cái đẹp vẫn cứ sinh sôi nảy nở mà không cần kết hôn với bất kỳ bậc đế vương nào cả. Qua hình ảnh đứa bé, con Vinh Hoa được “những người dân Mường ở đây đón về nuôi” tác giả muốn nói rằng nhân dân là người nuôi dưỡng cái đẹp của muôn đời. Và cái đẹp sẽ vĩnh hằng bất tử trong vòng tay nhân dân.
Nếu hiểu Vinh Hoa như hiện thân của cái đẹp thì chúng ta sẽ không quy cho Quang Trung là mê gái, Gia Long là hiếu sắc khi mà lần đầu thấy Vinh Hoa, Quang Trung thì “ thốt nhiên rùng mình hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay”, còn Gia Long thì “ bỗng nhiên xây xẩm mặt mày”, “ngã lăn quay ra đất, ngất lịm đi”. Trước cái đẹp, trước sự hòan mỹ con người ta đều có trạng thái “run rẫy”này, chỉ có chăng gỗ đá mới dửng dưng. Xuân Diệu đã từng có lầ viết rằng : “ Khi cái đẹp mở cửa đón ta thì ta thấy không thỏa với mình”, và mỗi lần đứng trước cái đẹp dường như chúng ta lại cảm thấy “ có lỗi với đời, với trời, với đất” đấy thôi (xin xem bày Có lỗi của Xuân Diệu). Hiểu Vinh Hoa là hiện hữu củacái đẹp, của sự hòan thiện, hòan mỹ thì cái thời điểm mà mà Nguyễn Huy Thiệp cho Quang Trung gặp Vinh Hoa thật có ý nghĩa. Đó là “Năm kỷ dậu(1789) Quang Trung, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, diệt mãn Thanh xong, tìm cách an dân”. Phải chăng đây cũng chình là thời điểm mà tài năng và vinh quang của Quang Trung lên đến đỉnh cao. Rồi "Vinh Hoa ở trong cung”, “có ý kiến của Vinh Hoa thì làm gì cũng thành”…khiến cho chúng ta có cảm giác rằng Vinh Hoa là hiện thân của tài năng được tác giả khách quan hóa trong hiện hữu một người con gái bên cạnh nhà vua. Chi tiết Quang Trung có Vinh Hoa đấy mà không thành thân được như muốn nêu lên một nhận xét khác, ấy là sự nghiệp Quang Trung đạt đến đỉnh cao chói lọi mà vẫn chưa đạt đến sự viên mãn. Thành ra Quang Trung chết mà không nhắm mắt, không ai vuốt được mắt cho ông, dù là Quang Toản con ông hay Ngọc Hân, vợ ông. Mà phải chính là Vinh Hoa, chỉ có tài năng và vinh quang của ông mới an ủi được ông, một trái tim lớn đã ngừng đập khi sự nghiệp phục hưng đất nước đang còn dang dở. Và có phải vết chàm nơi bàn tay Vinh Hoa chính là nỗi đau của Quang Trung trước sự nghiệp chưa thành. Gần đây đọc lại một số sử sách nói đến cái chết đột ngột của ông, tôi lại mường tượng ra cái vết chàm đầy nổi niềm này của tâm sự Quang Trung. Quả là ma lực ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp thật dễ sợ.
Trong Phẩm tiết còn có hai nhân vật không thể không nói đến là Quang Trung và Gia Long. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng băn khoăn vấn đề không biết có phải là Nguyễn Huy Thiệp đánh đồng hai con người này không? Ong cho rằng hình như Nguyễn Văn Thiệp “không định viết truyện ký danh nhân lịch sử. Anh không định qua các nhân vật ấy đánh giá lại lịch sử, đánh giá lại bản thân các nhân vật ấy… Anh chỉ mượn các nhân vật và hòan cảnh lịch sử để nói chuyện khác với quan niệm cho rằng: danh nhân, anh hùng hoặc kẻ có tội, đó là đối với lịch sử, với dân tộc, còn trong đời sống cá nhân thì mọi người đều đánh đồng, ai cũng như ai, anh hùng dân tộc cũng như kẻ bán nước” (Văn nghệ số 37 – 38 năm 1988 – Chúng tôi nhấn mạnh).
Quả thật, trong truyện Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả Quang Trung và Gia Long ở một vài hành vi không có gì khác nhau, chẳng hạn Quang Trung trừng trị Khải “nhà vua cầm phất trần quật ngang miệng Khải, quát tả hữu nọc ra đánh, nhét cứt vào mồm, lột truồng đuôi Khải về nhà” và trừng trị Phương: “nhà vuasai lột da, tuốt xương, vứt cho chó gặm”. Còn Gia Long trừng trị: “ Nhà vua sai cắt dái Thi, nhét cứt vào mồm, đuổi về quê quán”. Nhưng trong truyện, ngọai trừ chi tiết trên mà chúng tôi không hề bị đánh đồng “ai cũng như ai, anh hùng dân tộc cũng như kẻ bán nước”. Cùng làm nên sự nghiệp ấy như lời ông nói trong bữa tiệc với mấy trăm gia đình giàu có ở Kẻ Chợ là : “ Ta xuất thân áo vải cờ đào, vì nước xả thân dẹp yên bốn cõi. Thời chiến ta lấy kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa. Nay các ông đến đây, đều có những người có của tức là những người có trị lực cả, ta cho ăn cho uống, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ buôn bán, làm cho nước giàu, dân mạnh”(Chúng tôi nhấn mạnh – LTD). Như vậy trước sau làm nên nghiệp đế vương, Quang Trung vẫn một lòng vì nước, vì dân. Gia Long cũng làm nên nghiệp đế vương, nhưng xem nó như một trò chơi phục vụ cho mình mà tnôi. Nhà vua nói với Trương Viết Thi “Mày tưởng công này to ư? Mày ở gần ta mà không biết ta, mày kể công với ta làm gì? Mày chỉ dự vào trò chơi của ta. Trò chơi nào chẳng vô công? Mày phạm luật thì mày chịu. Đừng trách ta ác”. Thi lại van lạy:” Bệ hạ! Bệ hạ!Bệ hạ nói gì vậy? Đẩy vạn con người vào cuộc binh đao là trò chơi sao?”Nhà vua bảo: "Binh đao là trò chơi của Trời, sao mày hỏi ta? Ta chơi trò khác, chơi trò đế vương!”(Chúng tôi nhấn mạnh – LTD). Tự đọan đối thọai ấy cũng đủ vạch ra phẩm cách của Gia Long, hay nói như Făng, một nhân vật trong Vàng lửa, Gia Long chính là kẻ "dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình”.
Xin nêu thêm hai dẫn chứng khác. Khi trừng trị Khải, nhà vua hối lại hỏi Trần Văn Kỷ: ta nóng nảy đã đành ta có lý của ta, còn cái lũ nhà giàu khốn nạn chỉ biết mỗi thân mình. Khải bị nạn sao không đứa nào đứng ra kêu hộ một tiếng?” Trần Văn Kỷ tâu : “ Bệ hạ không hiểu bọn nhà giàu, chúng có thương xót ai bao giờ? Ta có câu: có độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu!…” Nhà vua lại hỏi: “Khải khôn khéo thế, bình sinh cẩn thận sao đến nỗi bị tên đầy tớ kia lừa?” Trần Văn Kỳ tâu : “Đời người ta có vận hạn, Khải không sợ trời, tính ích kỷ , giàu có mà đóng cửa ăn một mình, không biết giúp ai, không biết làm điều phúc, điều thiện, không biết chia lộc cho thiên hạ, trông thấy người hiền ngoảnh mặt đi, khi hạn đến trách sao kịp được? Nói chi đến mưu thằng buôn bò. Có khi chỉ con ruồi cũng làm tan cơ nghiệp. Nhà vua gật đầu cho làm ma Khải rất hậu, rồi ra lệnh truy nã tên Phương” (Chúng tôi nhấn mạnh - LTD). Lời tâu của Trần Văn Kỷ cùng với cái gật đầu của nhà vua cho chúng ta thấy ý hướng luôn luôn “làm điều phúc, điều thiện” của Quang Trung. Cũng hỏi ý kiến bề dưới, nhưng Gia Long bộc lộ ra khía cạnh tính cách khác. Đó là con người luôn luôn mang tính thực dụng. Gia Long hỏi Nguyễn Văn Thành về việc lấy Vinh Hoa làm vợ. Nguyễn Văn Thành can: “Bệ hạ!Bệ hạ! Vinh Hoa ở với Huệ bao năm mà Huệ không dám đụng vào thân thể. Thần xin bệ hạ giữ lấy mình rồng!”, thì Gia Long bảo : “Thế là Huệ dại, Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác”. Thành hỏi : “Bệ hạ muốn dùng Vinh Hoa ở phần tinh thần hay phần thể xác?” Nhà vua bảo : “Làm đến đại tướng mà còn ngu, bệ hạ giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác”.
Trong quan hệ với Vinh Hoa cũng vậy, tuy cả hai đều hoặc là “rùng mình hoa mắt”hay “xây xẩm mặt mày” trước sắc đẹp rực rở của nàng, nhưng đó là hai quan hệ khác nhau. Quang Trung thì “ân cần thương xót, hết lòng yêu thương chiều chuộng” Vinh Hoa và cho rằng “Ta được Vinh Hoa như được báu vật”. Còn Gia Long thì khác, Gia Long cũng yêu Vinh Hoa, nhưng đó là “nhà vua hết sức yêu chiều”, “nhà vua thích lắm”. Nếu Quang Trung xem Vinh Hoa như báu vật, thì Gia Long tuyên bố: “Ta muốn sở hựu nàng như con gà, con vịt trong nhà”… Những quan hệ ấy đãbộc lộ cho chúng ta thấy những phẩm cách khác nhau giữa Quang Trung và Gia Long. Rõ ràng trong Phẩm tiết không hề có sự đánh đồng giữa Gia Long và Quang Trung. Tuy nhiên cũng có những nét khác với sự đánh giá Quang Trung và Gia Long so với trước đây. Và trong nhiều khía cạnh, thần thái của những nhân vật lịch sự đã hiện lên đúng với bản chất của họ.
Trong phẩm tiết ngòai những nét như chúng ta đã biết về Quang Trung còn có những nét dường như ngược với điều chúng ta đã biết. Và có phải những nét này đã làm biến dạng hình ảnh Quang Trung? Từ trước đến nay, mỗi lần nhắc đến Quang Trung là chúng ta hình dung với những nét hào quang chói lọi, đến đâu cũng văng vẵng tiếng hò ba quân. Cho nên thật khó mà hình dung một Quang Trung “cầm phất trần quật ngang miệng Khải, quát tả hữu nọc ra đánh, nhét cứt vào mồm, lột truồng đuổi Khải về nhà”. Cũng thật khó quen với hình ảnh vị anh hùng dân tộc ấy khi trừng trị kẻ phản trắc lại “sai lột da tuốt xương vứt cho chó gặm”. Có phải vì những chi tiết này mà Quang Trung hiện lên tàn ác, khác với Quang Trung trong lịch sử? Thật ra ở đây kết luận rằng Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên một Quang Trung tàn ác thì chưa đủ căn cứ. Dịu hiền như cô Tấm khi trừng trị Cám còn bưng cả nồi nước sôi dội lên đầu mà ngừơi đời nay có ai bảo cô Tấm ác đâu?. Ơ đây ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp có chỗ hơi quá đà, nhưng cái chính là anh muốn nói rằng với cái lũ phản trắc thì phải trừng trị đích đáng. Có người nói rằng, giá như chỗ này mà Nguyễn Huy Thiệp miêu tả Quang Trung sai đánh một trăm trượng thì chắc chẳng ai bắt bẻ gì. Nhưng tôi lại cho rằng, với quân phản trắc mà chỉ đánh một trăm trượng, chúng lại nhởn nhơ sống, nhởn nhơ phản trắc. Cho nên phải làm như Quang Trung thì thôi, với cái ác thì phải triệt từ tận gốc (tất nhiên đây là Quang Trung của Nguyễn Huy Thiệp).
Trong truyện, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng chi tiết xa lạ với môi trường văn hóa dân tộc, khiến cho nhiều bạn đọc bất bình và phẫn nộ. Tạ Ngọc Liễn nhận xét : “Tác giả không chỉ làm biếng dạng hình ảnh anh hùng dân tộc Quang Trung mà còn truyền bá những hình tượng ngôn ngữ phản thẩm mỹ tới mức có người phải cấm con mình đọc truyện này” (Nhân dân, ngày 28 tháng 8 năm 1988). Kể ra những chi tiết lọai này không hiếm trong văn chươngthế giới, nhưng đó là ở một môi trường văn khác. Trong tiếp nhận văn học, môi trường là một yếu tố quan trọng. Anh viết thế nào mà tự tách ra khỏi nó, thì tác phẩm của anh không được tiếp nhận.
Bạn Nguyễn Thúy Ai đã có lý cho rằng : “Viết thế nào là quyền của nhà văn, cũng như trang phục thế nào là tùy ở mỗi người , nhưng anh không thể theo mốt lập dị tới mức trần truồng ra trước mắt mọi người” (Văn nghệ số 35 – 36 năm 1988). Loại chi tiết này, dù ít, đã làm người đọc không đủ bình tĩnh và khiên nhẫn nhận ra những thông điệp nơi anh gởi tới mà chỉ thường phán một câu : "viết bậy bạ”. Đấy là một điều đáng tiếc cho anh. Nhưng nói cho công bằng, viết theo kiểu này anh không phải là anh Thiệp là người đầu tiên. Hồ Xuân Hương cũng đã viết khá nhiều bài cũng không kém dữ dội như thế (Chẳng hạn : “Quân tử có thương thì đóng cọc, Đừng có mân mó nhựa ra tay,v.v…). nhưng chính Xuân Hương đã phải chịu đựng cái bản án là "dâm thư” rồi mới được thừa nhận là “Bà chúa thơ Nôm”(Chữ dùng của Xuân Diệu ).
Nguyễn Huy Thiệp là ngòi bút đang hẹn tài năng. Tài năng bao giờ cũng quý và hiếm. Trân trọng tài năng ấy, chúng tôi xin góp một ý kiến thảo luận, ngõ hầu mong muốn nhà văn viết ngày một tốt hơn. Nếu có gì chủ quan và áp đặt, mong bạn đọc gần xa chỉ giáo thêm.
TP. Hồ Chí Minh, 14.9.1988
Nguồn: Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1988