Lê Văn Thảo: nhà văn của xứ sở Nam Bộ

Lê Tiến Dũng, "Lê Văn Thảo: nhà văn của xứ sở Nam Bộ", tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 207, 21-6-2012 

Tôi không quen Lê Văn Thảo. Vài dịp gặp anh ở Hội Nhà văn  thành phố, anh bắt tay, nói năm điều ba chuyện chứ không có gì gọi là sâu sắc. Thế nhưngkhông hiểu sao tôi cứ bị cái tạng của con người Nam Bộ ở nhà văn này cuốn hút tôi.

 

Trước hết đó là nhà văn không định làm văn. Nhà văn Anh Đức nói về điều này rất đúng như sau: “Ông viết thong dong, tự nhiên, hồn nhiên, không gò gẫm. Nhiều khi đọc truyện của Lê Văn Thảo, Phạm Trung Khâu, Dương Minh Tâm, Nguyển Linh, dường như họ không quan tâm mấy tới kỹ thuật, kỹ xảo. Đó là mặt mạnh, một mặt mạnh mà có khi chính họ không biết”. ( Anh Đức).

Còn Triệu Xuân nhà văn trưởng thành Hà Nội cũng tỏ ra mến mộ những trang văn của Lê Văn Thảo. Ông viết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng, nhưng sau khi tốt nghiệp Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào làm phóng viên chiến trường ở miền nam; sống gắn bó với đất và người Nam Bộ suốt hơn ba chục năm qua. Đọc văn Lê Văn Thảo, tôi càng thêm tha thiết tin yêu đất và người xứ này: người Nam Bộ có tình cảm trong sáng, chân chất, mộc mạc nhưng mãnh liệt, ý chí và nghị lực phi thường, bản tánh ngang tàng, khảng khái, chỉ tôn thờ sự thật và coi trọng nghĩa tình” (Triệu Xuân).

Con người không định làm văn đó cuối cùng lại là viết nhiều nhất. Đến 1959 ông học năm đệ nhất (lớp 12 bây giờ) ở trường Chu Văn An, rồi học ĐH Khoa học Sài Gòn, ban toán. Ông hết năm thứ hai, sang năm thứ ba, năm 1962 thì vào chiến khu.

Suốt 13 năm kháng chiến ở bưng biền, ông có dịp đi sâu vào đời sống của người dân  đồng bằng sông Cửu Long. Lê Văn Thảo bắt đầu viết về họ. Năm 1965 Lê Văn Thảo có truyện ngắn đăng trên Văn nghệ giải phóng. Sau đó gởi ra miền Bắc, được đăng báo và đọc trên đài phát thanh. Năm 1969, nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng tập họp in thành tập sách đầu tiên Ngoài mặt trận.

Từ đó đến nay ngót 40 năm. Số đầu sách ông viết đã lên đến hàng chục. Xin kể tên các đầu sách mà ông đã viết: Ngoài mặt trận (Truyện và ký, NXB Văn nghệ giải phóng, 1969); Từ thế cao (Ký sự, NXB Giải phóng, 1970); Đêm Tháp Mười (Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ giải phóng, 1972); Bên lở bên bồi (Tập truyện ngắn, NXB TP HCM, 1978); Chuyện xã tôi ( Truyện vừa, NXB Kim Đồng, 1980); Cửa sổ màu xanh (Tập truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1981); Câu chuyện hai mươi năm (Tập truyện ngắn, NXB Mũi Cà Mau,1985); Buổi chiều và sáng hôm sau (Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP HCM, 1986); Ngôi nhà có hàng rào song sắt (Tiểu thuyết, NXB Tác phẩm mới, 1988); Chuyện nhỏ tình yêu (Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP HCM, 1992); Con đường xuyên rừng (Tiểu thuyết, NXB Văn nghệ TP HCM, 1995); Ông cá hô (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1995); Một ngày và một đời (tiểu thuyêt, NXB Trẻ, 1997); Con mèo (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 1999); Cơn giông (Tiểu thuyết, NXB Trẻ, 2002); Truyện ngắn chọn lọc (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2003); Lên núi thả mây, (Tuyển tập truyện  ngắn, NXB Văn học & Nhã Nam, 2011).

Nhưng ông vẫn còn viết. Nghe đâu tập tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn của ông sắp ra mắt bạn đọc. Người ta bảo đừng vội tổng kết sự nghiệp của một nhà văn đang sống. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng nhìn vào đời ông có mấy con số mà mình phải nhớ: hơn 40 năm cầm bút, 18 tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký…Quả thực là không nhỏ. Không trách, chính ông, chứ không phải ai khác đã xem nghề văn cũng vất vả như những nghề khác. Ông viết: “Tôi không có giáo huấn gì trong sáng tác văn học, không chỉ dạy ai trong các trang viết. Tôi ít tranh cãi, nhưng cũng không chiều chuộng. Văn học đối với tôi là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những tháng sống lặn lội. Tôi viết từ những  thực tế đã sống qua, đồng hành với  nhân dân mình trong công cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh. Tôi viết chậm rãi, tự nhiên, coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc sống” (Lê Văn Thảo- Kỷ yếu 2005, NXB Hội Nhà văn, 2005, tr. 340).

Trong những tác phẩm của Lê Văn Thảo đã dành trọn tình cảm trân trọng yêu thương người dân Nam Bộ. Ông coi họ như một phần máu thịt của mình. Những người Nam Bộ hiện lên trong tác phẩm của ông làm đủ ngành nghề, từ người chân lấm tay bùn với ruộng đồng đến những người tiểu thương buôn bán nhỏ, thậm có cả những làm thuê mà sống… Nhưng ở họ đều có tấm lòng đáng trọng. Họ  đã sống và làm việc bằng tấm lòng trung thực và lương thiện đến mức đáng yêu.

Trong truyện ngắn Hai ông cháu và con người chủ xưa, Lê Văn Thảo đã nêu bật hình ảnh người nông dân Nam Bộ rất giàu tình nghĩa. Truyện kể về ông già Nam Bộ tên là Tư Quới. Ông đi ở đợ cho một điền chủ giàu có từ hơn hai mươi năm trước.  Vợ chồng ông chủ di cư sang ngoài, sinh sống  và sinh con đẻ cái bên đó rồi qua đời. Ông vẫn cày cấy trên mảnh đất xưa và giữ đất cho chủ. Nghe tin con của ông chủ tù ngoài về, ông bán đất mang tiền lên trả cho con ông chủ. Rồi cùng với đứa cháu nội sống bằng cách lượm rác bán cho cơ sở chế biến rác. Ông nói với con người chủ cũ đến tìm ông: “Tôi ở dưới quê hơn năm mươi năm, nhờ ông chủ cho ở giữ đất, giờ tôi lên đây may có được bãi rác, như trời luôn cho tôi có được chỗ ở vậy. Và cái chính tôi được tin cậu chú à, chưa chi tôi đã được làm người chỉ huy, người công an khu vực nói tốt với tôi. Rồi thằng cháu của tôi cũng chỉ huy được một nhóm, nó còn nhỏ tuổi, còn tiến xa tôi mong nữa cậu. Cậu chủ uống với tôi chai bia nghen? Mợ chủ uống chai nước ngọt nghen?...” Qua câu chuyện Lê Văn Thảo đã để lại hình ảnh người dân Nam Bộ không thể quên. Hình tượng ông già sống trên bãi rác mà không hôi mùi rác.

Truyện ngắn Ông cá hô, Lê Văn Thảo đã dựng nên chân dung người Nam Bộ tinh thần phóng khoáng , giàu niềm tin. Đó là những người nông dân chân lấm, tay bùn, nhưng họ hiền lành, mộc mạc như củ khoai, như cây lúa. Đó là những nhân vật chú Sáu Dương, cô đào Hồng Điệp, bà Ba… đã phải trải một cuộc đời đầy gian truân, phải chịu bao cay đắng để tồn tại trên mảnh đất này. Viết Ông cá hô Lê Văn Thảo cất lên một triết lý về tình yêu: có sự dâng hiến cho tình yêu, hy sinh cho nó thì có sự bất tử. Xây dựng hình tượng con cá hô, nhà văn miêu tả nó như một huyền thoại. Khó khăn đến mấy thì Hoàng Dương vẫn bắt được cá hô.Cá thì bắt được, nhưng trái tim nghệ sĩ thì quá xa vời. Anh không chuộc được Hồng Điệp, không cưới được nàng, thậm chí chưa hề một lần được yêu nàng. Nhưng Hồng Điệp đã đạt được những gì nàng mong muốn. Tính cách của Hoàng Dương chính là một nét đẹp của người dân Nam Bộ. Yêu gì, muốn gì sẵn sàng làm cho bằng được, dù phải đổi bằng cả mạng sống của mình.

Tôi không thể quên chân dung người Nam Bộ trong tiểu thuyết Cơn giông của ông. Tiểu thuyết này được nhà xuất bản Trẻ in năm 2002. Tôi muốn nhắc tới con số nói tác phẩm của ông là mới, song cũng đã cách xa đến mười năm. Mười năm là rất ngắn so với cả một dân tộc. Nhưng mười năm cũng là quá dài so với một đời người. Nhưng thật là lạ, ta tưởng câu chuyện của ngày hôm qua, thậm chí là mới đây thôi. Cơn giông đưa người đọc vào một thế giới thiên nhiên hoang dã, những sự kiện thực tế hòa quyện với ký ức của một đứa trẻ đẹp như bài thơ. Bằng, nhân vật chính của truyện, đã sống những ngày đói khổ, nhoc nhằn ở Cà Mau. Tháng 4 năm 1975 anh đi mua lông vịt ở mạn Bắc thành phố, nghe súng nổ quân giải phóng tràn vào, một toán quân đánh vào một tòa nhà, anh ham vui chạy theo coi, xung kích chiếm lầu một, anh leo lên tới sân thượng, người cầm cờ ngã xuống, anh cầm lấy cờ giương cao lên. Sau giải phóng anh tiếp tục đi mua lông vịt. Một hôm, thấy có tờ báo đăng hình anh cầm lá cờ, phường khóm kêu lên khen ngợi, cho anh đi học bổ túc rồi làm thư ký phường. Anh lấy vợ con nhà giàu. Ông bố vợ cho anh tiền để anh lập công ty. Rồi vay tiền ngân hàng để buôn trầm, đá gà, thua độ cá ngựa hết. Anh vào tù. Hết hạn ba năm tù, vợ anh ly hôn với anh. Anh làm nhà một mình nơi hẻo lánh không khai hộ khẩu, lại một lần anh từng chở một toán công an đi làm việc, người trưởng công an bị bắn chết, anh bị hiềm nghi lại bị bắt đi cải tạo trồng rừng. Rồi nhân đánh một cô gái ăn cắp tiền của anh, anh bị tăng thêm thời hạn cải tạo…Nhưng giông bão cuộc đời không thể làm anh mất đi lòng thương người nơi anh. Xung quanh còn bao con người tốt khác mà anh biết. Một ông già trăm tuổi vẫn cứu người trôi dạt. Một ông Sáu Thiên về hưu vẫn lo chạy giấy tờ cho những có công với cách mạng. Cô gái làm thuê cho mụ chủ mập, từng bị anh đánh gần chết, không chủ tâm ăn cắp tiền của anh mà chỉ mượn số tiền đó để thanh lập trại tôm cho anh…Còn biết bao con người khác nữa. Qua tiểu thuyết này ta nhận ra một điều: qua giông bão trời lại sáng. Trong thế giới đầy những âm mưu, lừa đảo, mánh khóe, vẫn ánh lên những nét nhân bản như ánh nắng hiện lên sau giông bão của thiên nhiên, của cuộc đời.

Là nhà văn của Nam Bộ, Lê Văn Thảo cũng giữ cho mình hào khí của mảnh đất đó. Ông vẫn giữ cho mình từ phong thái tới lời ăn tiếng nói, từ diện mao chân chất bình dị, đến tâm hồn phóng khoáng…Tất cả đều rất Nam Bộ. Lê Văn Thảo có thói quen sống rất giản dị, sống gần dân nhất là với những người nghèo. Buổi sáng ông thường dậy sớm và đi chợ. Ông đi chợ Đa Kao. Không biết ông có giỏi kỳ kèo không, nhưng chắc chắn một điều đấy là những “mối ruột”. Trong giao tiếp hàng ngày Lê Văn Thảo thích cái gì bình đẳng, cởi mở, không ưa sự cao đạo, lễ nghi. Ông tâm sự: “Tôi ít chọn đề tài để viết, các đề tài thường tự đến và cũng chỉ là những chuyện thông thường trong cuộc sống. Tôi kém hẳn trong việc xây dựng những cốt truyện éo le, gay cấn và thường khâm phục những nhà văn có được khả năng ấy. Tôi quan tâm nhiều hơn đến cách viết, nghĩ rằng trong dân gian cũng thế thôi, chuyện tục như chuyện tiếu lâm, nhưng nói khéo cũng thành thanh tao duyên dáng. Và điều tôi quan tâm hơn cả là tính chân thực của chuyện kể, nghĩ rằng người không tin chuyện của mình thà nghe chuyện hớt tóc còn hơn”.(Lê Văn Thảo – Đôi điều cảm nhận, Tạp chí Nhà văn, số tháng 5/2002).

Trong toàn bộ tác phẩm, có lẽ không một tác phẩm nào lại không viết về đề tài Nam Bộ. Ông yêu mảnh đất này như máu thịt của chính mình. Dù sáng tác ở đâu, từ khi viết những bài phóng sự đến khi viết được những truyện ngắn, tiểu thuyết tất cả đều nói về Nam Bộ. Nhà thơ Hoài Anh đã nói về ông như sau: “Cái màu sắc của miền Tây Nam Bộ đó được biểu hiện một cách xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của Lê Văn Thảo. Có thể xem ông là người đã mang hương sắc phương Nam đến với mọi người, đem cái mênh mông của sông Cửu Long “hội ngộ” với dòng Đà Giang của vùng Tây Bắc, kéo những rừng đước bạt ngàn của phương Nam “hợp thế” với những rừng xà nu ở Tây Nguyên, cùng nhau gọi nắng gió của đất trời, hòa hương tràm của U Minh vào muôn rừng hương sắc của Cúc Phương. Chúng ta tìm thấy ở trong đó hình ảnh những con người lam lũ, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình. Chúng ta cũng tìm thấy trong đó những tấm lòng trượng nghĩa, cái ào ạt, mạnh mẽ sống hết mình của con người phương Nam. Và cả Nam Bộ cuộn mình đứng dậy trong lịch sử. Nghĩa là ông là một trong những người “phát hiện” ra Nam Bộ, mang vẻ đẹp của Nam Bộ đến với thế giới” (Hoài Anh- Lê Văn Thảo, người nói thơ bằng văn xuôi của Nam Bộ, Báo Văn học nghệ thuật, ra ngày 17/1/2007).

Viết về vùng đất Nam Bộ, ông  không dấu niềm tự hào, kiêu hãnh  khi tả thiên nhiên mà mình đã sống, chiến đấu trên mảnh đất này. Một anh bạn tôi nhận xét : đọc Lê Văn Thảo như đi trong rừng tràm, ra khỏi rừng mà vẫn còn nghe phảng phất mùi tràm. Bạn tôi nói đúng. Đi ra khỏi trang văn của ông mà ta vẫn nghe mùi đất, mùi nước, mùi thiên nhiên Nam Bộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

1.                           Hoài Anh – Lê Văn Thảo, người nói thơ bằng văn xuôi của Nam Bộ, Văn học, nghệ thuật, ngày 17/ 01/2007.

2.                           Huỳnh Như Phương – Truyện ngắn Lê Văn Thảo: cái lạ, cái nhạt và cái thật, lời bạt cho tuyển tập truyện ngắn của Lê Văn Thảo, Lên núi thả mây, NXB Văn học & Nhã Nam, 2011.

3.                           Lê Văn Thảo - Ngoài mặt trận, Truyện và ký, NXB Văn nghệ giải phóng, 1969.

4.                           Lê Văn Thảo - Từ thế cao, Ký sự, NXB Giải phóng, 1970.

5.                           Lê Văn Thảo - Đêm Tháp Mười, Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ giải phóng, 1972.

6.                           Lê Văn Thảo - Bên lở bên bồi, Tập truyện ngắn, NXB TP HCM, 1978.

7.                           Lê Văn Thảo -  Chuyện xã tôi, Truyện vừa, NXB Kim Đồng, 1980.

8.                           Lê Văn Thảo - Cửa sổ màu xanh, Tập truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1981.

9.                           Lê Văn Thảo - Câu chuyện hai mươi năm, Tập truyện ngắn, NXB Mũi Cà Mau,1985.

10.                       Lê Văn Thảo -  Buổi chiều và sáng hôm sau, Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP HCM, 1986.

11.                       Lê Văn Thảo -  Ngôi nhà có hang rào song sắt, Tiểu thuyết, NXB Tác phẩm mới, 1988.

12.                       Lê Văn Thảo - Chuyện nhỏ tình yêu, Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP HCM, 1992.

13.                        Lê Văn Thảo - Con đường xuyên rừng, Tiểu thuyết, NXB Văn nghệ TP HCM, 1995.

14.                       Lê Văn Thảo - Ông cá hô, Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1995.

15.                       Lê Văn Thảo - Một ngày và một đời, Tiểu thuyêt, NXB Trẻ, 1997.

16.                       Lê Văn Thảo - Con mèo, Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 1999.

17.                       Lê Văn Thảo - Cơn giông, Tiểu thuyết, NXB Trẻ, 2002.

18.                       Lê Văn Thảo - Truyện ngắn chọn lọc, Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2003.

19.                       Lê Văn Thảo – Lên núi thả mây, Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học & Nhã Nam, 2011.

 

 

Thông tin truy cập

60425221
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6196
6820
60425221

Thành viên trực tuyến

Đang có 234 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website