Tìm hiểu du lịch qua ca dao ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ theo hướng du lịch sinh thái hiện đại

PGS. TS. Lê Tiến Dũng

Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM 

1.Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã đã định nghĩa về loại du lịch sinh thái như sau: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiênvăn hoá bản địa (chúng tôi nhấn mạnh - LTD)gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường ở các khu thiên nhiên còn tương đối hoang sơ với mục đích thưởng ngoạn thiên nhiên và cá giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại, thúc đẩy công tác bảo tồn, có ít tác động tiêu cưc đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế- xã hội cho cộng đồng địa phương” [1].

Việt Nam với lợi thế có chiều dài bờ biển, rừng núi hoang sơ với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và nhiều rừng cấm, đó là những di sản thiên nhiên của quốc gia, chứa đầy tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái như Vịnh Hạ Long, hồ Ba Bể, động Phong Nha, vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.v.v. đặc biệt là đã có tới 8 khu dự trữ sinh quyển Việt Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở khắp ba miền.

Người viết bài này cũng có dịp đi du lịch sịnh thái qua những vùng địa danh đã nêu. Nhưng không có địa danh nào được nêu ca dao truyền thống, văn hoá bản địa, ở đây là ca dao.Trong bài viết nầy chúng tôi nêu lên vài nét để làm tư liệu.

*

2.Trước hết là tỉnh Kiên Giang.Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Longmiền Nam Việt Nam, với phần lớn diện tích của tỉnh thuộc địa bàn tỉnh Rạch Giá trước đó. Tuy nhiên, cũng có thời kỳ toàn bộ diện tích tỉnh Kiên Giang ngày nay đều thuộc tỉnh Rạch Giá, bao gồm cả các vùng Hà TiênPhú Quốc. Trung tâm tỉnh là thành phố Rạch Giá, cách thành phố Hồ Chí Minh 250 km về phía Tây. Kiên Giang tiếp giáp Campuchia ở phía Bắc với đường biên giới dài 54 km và vịnh Thái Lan ở phía Tây có đường bờ biển dài hơn 200 km. Ngoài ra Kiên Giang có hơn 100 đảo lớn nhỏ ngoài biển.

Kiên Giang nằm ven biển thuộc phía Tây Nam của Việt Nam, là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ 17. Đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu được chúa Nguyễn thuần phục. Thời vua Minh Mạng, Hà Tiên là một trong sáu tỉnh Nam Kỳ. Sau năm 1975 thành lập tỉnh Kiên Giang cho đến ngày nay. Ca dao xưa còn ghi lại dấu tích sự hình thành của thị xã mà nay là thành phố Rạch Giá:

Chợ Sài Gòn cẩn đá,

Chợ Rạch Giá cẩn đá xi măng

Đến đây cho biết gió trăng,

Biết sông, biết biển cho bằng người ta.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài ca dao này xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp cẩn đá bờ Rạch Giá chống sạt lở. Rạch Giá là một con rạch nối từ rạch Vàm Trư ra biển. Ngôi chợ trấn lỵ của huyện Kiên Giang xưa nằm bên bờ rạch này nên gọi là chợ Rạch Giá. Khi thực dân Pháp chia Nam kỳ thành các hạt mới gọi là hạt Rạch Giá và sau này mới thành tỉnh Rạch Giá. Ngôi chợ này đã được dời qua phía Vàm Trư. Chợ cũ đập bỏ, cải tạo thành công viên Nguyễn Trung Trực hiện nay.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hoádu lịch nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là quê hương của thi sĩ Đông Hồ, là nơi phát tích của Tao Đàn Chiêu Anh Các vang bóng một thời. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua "Hà Tiên thập vịnh".Ngày nay Kiên Giang được nhiều người biết đến qua danh thắng du lịch nổi tiếng là Hòn Phụ Tửđảo Phú Quốc. Ngoài ra, Kiên Giang còn có tiềm năng kinh tế với nguồn lợi vô cùng to lớn về thủy sản. Tỉnh lỵ của Kiên Giang là thành phố Rạch Giá, một thành phố biển hữu tình ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Muốn ăn cháo cá rau cần

Thì về Rạch Giá cho gần đường đi

Hay:

Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì về Rạch Giá ăn cho đã thèm

Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trong, nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapo, Chính vì vậy Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.

Người xưa thường nói: “Muốn ăn ngon thì đến Rạch Giá,/ Muốn ăn cá thì đến An Biên,/ Muốn kiếm tiền thì đi Phú Quốc,/ Muốn dưỡng sức đến Hà Tiên” là để các mặt mạnh khác nhau về du lịch có ở tỉnh Kiên Giang này. Bằng kinh nghiệm thực tế người xưa cũng rút ra được những bài học hữu ích: “Gạo Rạch Giá,/ Cá Hà Tiên,/ Tiền Phú Quốc”.

Trong ca dao xưa, Kiên Giang được xứ sở của bánh tầm, nên mới có câu “Muốn ăn ngon thì đến Rạch Giá” là do vậy. Và đây là câu ca dao nói về bánh tầm:

Nem nào ngon bằng nem Thủ Đức

Bánh nào mượt bằng bánh Kiên Giang

Bánh tầm ngon bởi các cô nàng

Khéo tay làm kỹ, tiếng lành đồn xa

Nay ở trung tâm thành phố thuộc phường Vĩnh Bảo có khu dân cư xóm Bánh Tần. Có lẽ đây là địa phương còn lưu lại một làng nghề nổi với món ăn đặc sản này.

Con gái, con trai Kiên Giang nổi tiếng là hiền lành, chất phác,thiệt thà, tiêu biểu như ở xã Mong Thọ, huyện Châu Thành mà ca dao xưa đã ghi lại:

Chòm Tre, Đất Đỏ lấy cỏ làm ranh

Đã nên con gái, lại lành con trai

Chòm Tre, Đất Đỏ là địa danh của xã Mong Thọ như chúng tôi vừa nêu trên. Hoặc có bài « nên  duyên vợ chồng » rất hay như sau:

Đường Mong Thọ tuy dài mà hẹp

Gái Mong Thọ vừa đẹp, vừa duyên

Anh hùng gặp gái thuyền quyên

Bơi đua, hò hát nên duyên vợ chồng.

Họ còn mang nỗi nhớ thương như tình yêu trong lòng. Khác với dân ca Bắc Bộ, hình tượng « cây đa cũ, bến đò xưa » ít được dùng đến, mà được dùng « cây khô, lá vàng »:

Cây khô để lại lá vàng

Chàng đi để lại muôn ngàn nhớ thương

Ca dao xưa cũng ghi lại những cảnh « đâu vui » bằng xứ Kiên Giang:

Đâu vui bằng xứ  Cạnh Đền,

Muỗi kêu như sáo, đỉa lội lềnh như bánh canh

Cạnh Đền là địa danh thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây là vùng đất có di chỉ của nền văn hóa Óc Eo. Câu ca dao này « là một dạng tự trào của người dân Cạnh Dền, mà đó cũng hiện thực khách quan về muỗi, đỉa U Minh »[3 ; tr. 18].

Nhiều câu dao mới nói lên tinh thần của nhân dân ta. Chẳng hạn như:

Mốp Giăng đi dễ khó về,

Giặc vào bỏ xác, giặc về khiêng thây.

Mốp Giăng là một địa danh thuộc xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, quê hương của chị Sứ anh hùng. Ngày trước khi thực dân Pháp đào con kinh xáng Sóc Xoài – Ba Thê ngang qua con lung mốp mà dân gọi là Mốp Giăng. Từ đó con kinh này được gọi kinh xáng Mốp Giăng (trên bản đồ thường in sai là Mốp Văn) [3; tr. 22]. Bài ca trên ra đời trong kháng chiến chống Pháp.

Đi đến khắp mọi miền đất, nhưng cũng như chàng trai trong câu hát dân gian kia, hãy ở lại mảnh đất này để “tỏ lòng thương em”:

Chim trên trời hóa kiểng

Cá ngoài biển hóa long

Lòng tong ăn bóng ăn rong

Anh đi lục tỉnh giáp vòng

Tới đây trời khiến đem lòng thương em.

*

Cây tiêu ở Phú Quốc đi vào trong ca dao:

Ví dầu tình bậu muốn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra,

Bậu ra bậu lấy ông câu

Bậu câu cá bống lắc đầu kho tiêu

Kho tiêu, kho mỡ, kho hành,

Kho ba lạng thịt để dành em ăn.


*

3. Một tỉnh khác là tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Tỉnh được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899, chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1900. Năm 1956, tỉnh Bạc Liêu bị giải thể nhập vào tỉnh Ba Xuyên. Năm 1964, tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, tỉnh Bạc Liêu lại bị giải thể, nhập vào tỉnh Minh Hải. Ngày 06 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bạc Liêu được tái lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Sông dài nước chảy chia đôi

Ai về xứ Bạc cùng tôi thì về

Về Bạc Liêu là với vùng đất mưa thuận, gió hòa, về với nơi có nhiều đặc sản quê hương. Ca dao vùng này đã ghi lại:

Bạc Liêu giàu lúa, ngô, khoai

Nhiều cô gái đẹp, nhiều trai anh hùng

Bạc Liêu nắng bụi mưa sinh

Muối mặn, nhãn ngọt đậm tình quê hương.

Người Bạc Liêu có phong cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bạc Liêu có Công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi. Vì thế ca dao còn ghi lại:

Nghe danh công tử Bạc Liêu

Đốt tiền như giấy tỏ ra mình giàu

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “Công tử Bạc Liêu” là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Theo đó, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện mình. Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi, tiêu tiền như nước”[2].

Một Công tử Bạc Liêu rất nổi tiếng là Trần Trinh Huy. Theo Phan Trung Nghĩa trong sách Công tử Bạc Liêu: Sự thật và Giai thoại, thì Trần Trinh Huy (1900-1973), còn có tên khác là Ba Huy, là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gònmiền Nam những năm 1930, 1940. Mức độ tay chơi của ông nổi danh xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu thời bấy giờ, đến nỗi khi nói đến thành ngữ Công tử Bạc Liêu người ta thường liên tưởng đến ông.

Vốn thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900, nhưng do cho rằng cái tên "Quy" không sang trọng nên ông đổi lại thành "Huy". Ngoài tên Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử).

Có nhiều giai thoại kể về cuộc thi đốt tiền nấu đậu xanh gữa Hắc Công Tử và Bạch Công Tử. Chuyện kể hai người thi nhau đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng.Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thương hiệudu lịch hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Tòa biệt thự của Ba Huy khi xưa nay trở thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu.

Nhà của Công tử Bạc Liêu giờ là Khách sạn Công tử Bạc Liêu

Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Thời Pháp, Mỹ, hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn, chiếm cứ toàn vùng Nam Bộ, ra tới tận Phan Thiết miền Trung và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường sông Mêkông qua Campuchia. Hiện nay nghề làm muối tuy không còn thịnh như trước nhưng Bạc Liêu vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây. Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long, Bạc Liêu vốn được thiên nhiên ưu ái cho những sản vật vô cùng trù phú. Nếu vùng nam Quốc lộ 1A nổi tiếng với nguồn lợi thủy hải sản vô cùng dồi giàu và đa dạng, như cá đồng, cá biển, mực, tôm, cua, nghiêu, sò, óc... Đặc biệt, muối Đông Hải nổi tiếng khấp Nam Kỳ Lục tỉnh, về cả sản lượng lẫn chất lượng.

Muối Bạc Liêu nặng tình biển cả

Tiêu Hà Tiên nồng vị thâm giao

Em có chồng về xứ Bạc Liêu

Để anh ở lại như tiêu nát nghiền

Phía bắc Quốc lộ 1A là những cánh đồng lúa bạt ngàn, bất tận. Nơi cho ra đời gạo một bụi đỏ Hồng Dân, vốn đã khẳng định được giá trị trên bản đồ gạo Việt Nam. bánh tằm Ngan Dừa, dưa bồn bồn Vĩnh Mỹ B, Hòa Bình, hay mắm chua Vĩnh Hưng (được làm từ cá trắm) là những sản vật không thể bỏ quên khi đến nơi đây. Bên cạnh đó là những món ăn của người Bạc Liêu có thể xem là đặc sản như Bún bò cay, Bún cá, Bún nước lèo, Bánh xèo, Bánh canh, Bánh củ cải, Bánh tầm, các loại lẩu như lẩu cá kèo, lẩu mắm, hay lẩu hải sản... được chế biến theo một phong cách riêng biệt của ẩm thực Bạc Liêu.

Trong những tháng giáp Tết, tại các đầu kênh, mặt đập... cá kèo từ biền, trảng, ruộng... lũ lượt đổ xuống và nổi dày mặt kênh, nhìn xuống nước chỉ thấy toàn đầu cá kèo lố nhố - người miệt thứ thường nói“Cá kèo nổi như mù u rụng”. Cá kèo nhiều vô số kể, sống trong hang ở nơi sình lầy, thích vũng trâu nằm, nơi cầm nuôi vịt đàn, đi bộ ngang cá kèo thấy động nhảy vào hang nghe rào rào như ai vãi nắm sạn vào nước. Không ai thấy cá kèo có trứng, người dân cho rằng bùn sinh ra cá kèo. Qua sách vở, chúng ta biết là cá kèo trưởng thành sống trong hang nơi đồng ruộng trong suốt mùa mưa. Vào đầu mùa nắng, cá kèo theo sông rạch ra biển, sống một thời gian rồi đẻ trứng ngoài biển, nở thành ấu trùng li ti, nước thủy triều mang bọt nước có ấu trùng chảy ngược dòng vào sông rạch rồi ruộng đồng có nước lợ, ấu trùng ăn các phiêu sinh sống quanh rể các loại cây của rừng ngập mặn như vẹt, đước, sú, lớn dần trong các tháng có mưa, đến tháng 9, 10 thì trưởng thành, và bắt đầu ra sông để ra biển cho một chu kỳ sinh sản khác. Thời gian này là lúc cá mập ngon nhất và dễ xúc bắt.

Bồn bồn, bông súng làm chua
Cá kèo kho quẹt thì mua thêm nồi

 

Cá kèo mà gặp mắm tươi
Như nơi đất khách gặp người cố tri

Tiếng đồn con gái Thủ Biên,

Bạc Liêu đi cưới một thiên cá mòi

Tiếng đồn con gái Giồng Chanh

Nói năng chua chát khó thành nợ duyên

Hoặc nói một cách khác, ở đây nói tình yêu rất đậm mùi “Bạc Liêu”:

Muốn làm kiểng lấy gái Sài Gòn

Muốn ăn mắm lấy gái đen giòn Bạc Liêu

Bạc Liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Bạc Liêu đạt gần 873.300 người, mật độ dân số đạt 354 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 234.700 người. Dân số sống tại nông thôn đạt 638.600 người. Bạc Liêu cũng nổi tiếng là vùng đất có nhiều người Hoa sinh sống qua câu ca dao:

 

Bạc Liêu là xứ cơ cầu, [có bản chép: là xứ quê mùa]

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Bạc Liêu lắm cá, nhiều tôm

Ở trên rừng nhãn, dưới sông cá đồng.

 

Gió thổi hiu hiu, Bạc Liêu kia hỡi,

Đoạn sầu này biết gởi cho ai?

Tóm lại, về xứ Bạc Liêu là về với xứ nên thơ, mượt mà, ấm áp tình quê. Về với xứ Bạc Liêu còn là xứ con người phóng khoáng, chịu chơi. Bao nhiêu nét đẹp ở đây  đã rung động chúng ta. Còn bao nhiêu vẻ đẹp nữa mà chúng tôi không thể nói hết. Đành hẹn bạn vào một dịp khác.

*

4. Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền GiangLong An. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Trước kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, một thời gian sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng các ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt.

Ai đã đến thành phố Hồ Chí Minh, ai đã đi các tỉnh miền Đông, cũng các tỉnh miền Tây mà chưa đến Bến Tre thì cũng xem như không. Bến Tre là một tỉnh nhiều dừa nhất miền Nam :   

Bến Tre nước ngọt lắm dừa

Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày

Xoài chua, cam ngọt Ba Lai

Bắp thì Chợ Giữa, vồng khoai Mỹ Hòa

Bến Tre nổi tiếng vì đặc sản dừa. Từ lâu dừa mang ý nghĩa cho một vùng giàu đẹp. Nhiều câu hát đã nói lên điều này:

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy bông mía trắng, nhớ quê Mỏ Cày.

Bến Tre nhiều dừa đến mức tỉnh mở lễ hội Festival Dừa. Lễ hội đã được tổ chức qua 3 kỳ vào các năm.Hai kỳ đầu tiên được tổ chức với quy mô địa phương trong khi đó vào các năm gần đây được tổ chức với quy mô quốc gia. Festival Dừa mang nhiều ý nghĩa hơn với mục đích mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa, giao lưu công nghệ sản xuất, chế biến dừa, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng dừa, xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dừa Bến Tre trong và ngoài nước.

Dừa gắn với đời sống sinh hoạt của người dân. Người Bến Tre ví dừa với mình, tự ví mình cũng giống như dừa:

Thương thay thân phận trái dừa

Non thì khoét mắt, già cưa lấy đầu.

Bến Tre được tạo nên 3 cù lao lớn : cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Vị thế đó tạo cho Bến Tre là một tỉnh giàu đẹp. Ca dao xưa đã ghi lại như sau :

Bến Tre ba đảo dừa xanh,

Mỏ Cày bát ngát ngọt lành phù sa.

Ai về Tân Phú quê tôi,

Hương dừa dịu ngọt đậm đà dễ thương.

Đẹp về cảnh sắc, về con người, mà cũng đẹp với những tình cảm:

Bến Tre giàu muối Ba Tri

Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn

Bình Đại biển cá sông tôm

Mỏ Cày giàu mía, Giồng Trôm lúa vàng.

Đất giàu và đẹp. Những tình cảm sâu nặng thì ở vùng nào cũng có. Nhưng với con gái Bến Tre là hình ảnh của tình yêu cao đẹp. Tác giả dân gian tự xưng với một ý thức tự hào:

Em là con gái bến Tre

Xin em vui kể anh nghe được nào

Chứ vùng quê đất ấy ra sao

Anh muốn làm rể có đòi hỏi sang giàu gì không em?

Anh hỏi thì em xin trả lời nè

Gái Bến Tre hiền lành chất phác

Hiếu khách đậm đà dạt dào tình thâm

Chọn người kết nghĩa trăm năm

Giàu sang vô nghĩa chán nhàm ai ơi.

Bến Tre cũng là tỉnh có nhiều  trai thanh, gái lịch nổi tiếng.  Ca dao ghi lai điều này như niềm tự hào của một vùng đất:

Bến Tre trai lịch gái thanh

Nói năng duyên dáng ai nhìn cũng ưa.

Gái Bến Tre cũng có vùng nói năng chua chát khó ưa, cũng có vùng ăn ở thuần hậu bén duyên với chàng:

Tiếng đồn con gái Giồng Thanh

Nói năng chua chát khó thành nợ duyên

Tiếng đồn gái gảnh Bà Hiền

Ở ăn thuần hậu ấy duyên với mình.

Trên mảnh đất đó, có xứ nổi tiếng hơn cả:

Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối

Gái nào giỏi bằng gái Giồng Trôm.

Trong đó có xứ Hòa Nghĩa khó ghẹo. Các cụ xưa đã dạy rằng làm trai biết chí thì nên, biết biết biển cứ thẳng dường mà đi tới. Ví như cầu Hòa Nghĩa cứ cong cong quẹo quẹo, mà gái Hòa Nghĩa cũng khó “tán” như vậy:

Cầu Hòa Nghĩa cong cong quẹo quẹo

Gái Hòa Nghĩa khó ghẹo lắm anh ơi.

Nhưng người Bến Tre cũng như sông, như suối ở đây chảy hoài mà không cạn. Câu ca sau thấm đậm nghĩa tình mà bây giờ ta còn ghi lại được ở Ba Tri:

Sông Bến Tre chảy hoài không cạn

Tôi với bạn thương mãi dài lâu.

Con gái Bến Tre biết mấy tự hào với truyền thống. Trong ca dao mới họ lai tự hào vì “màu khăn Đồng Khởi” của con gái quê ta:

Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó

Màu khăn Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre.

Hay:

Bến Tre vang tiếng anh hùng

Quê hương Đồng Khởi lẫy lừng chiến công.

Người con gái Bến Tre chăm ngoan, nết na, thùy mỵ. Nhưng con gái Bến Tre cũng nghịch ngợm. Họ có thể đưa ra những lời đùa nghịch mà người xứ khác đọc lên phải đỏ mặt, đỏ tai:

Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa lú

Em ơi đưa cặp vú cho anh sờ

Đôi trâu anh cũng bán, giường thờ anh cũng đội theo.

Hay:

Con gái chơi với con trai

Về sau hai vú như hai trái dừa

Trong ca dao Bến Tre hình ảnh người con gái cứ trở đi, trở lại khiến ta phải luôn luôn suy nghĩ.

Tiếng đồn con gái Giồng Thanh

Nói năng chua chát khó thành nợ duyên

Tiếng đồn gái gảnh Bà Hiền

Ở ăn thuần hậu ấy duyên với mình

Về huyện Thạnh Phú ta lại được nghe những câu ca dao mới ca ngợi những người con đã hăng say chiến đấu lưu danh muôn đời. Câu ca dao được cấu trúc theo kiểu những cao cổ, cho nên rất dễ đi vào lòng người:

Đèn Bến Tre ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn An Nhơn ngọn tỏ ngọn lu

Anh đi chiến đấu diệt thù

Nước non thống nhất lưu danh muôn đời.

 Ca dao Bến Tre nói về tình yêu cũng có chỗ khác lạ. Ca dao về tình yêu ở đâu mở cũng đầu bằng những câu ra những vế đối:

Bánh tráng Mỹ Lồng

Bánh phồng Sơn Đốc

Măng cụt Hàm Luông

Vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn

Anh đây hỏi thiệt sao em còn so đo?

Hỏi là hỏi chơi vậy thôi. Trong lòng người con gái là một nỗi thương nhớ nhớ vời vợi :

Dừa Bến Tre ba đồng một trái

Chuối Bến Tre một nải đồng ba

Ai biểu anh đến đây rồi lại đi ra

Để em, em nhớ, em chờ, em đợi nước mắt sa vắn dài.

Xứ Bến Tre là xứ lạ lùng. Lạ lùng vì « con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh ». Lạ lùng vì đấy là nơi má « quyết đi lấy chồng »:

Can ngăn má cũng không nghe

Một hai má xuống Bến Tre lấy chồng

Con gái Bến Tre tuy rất « nghịch” nhưng cũng rất thủy chung. Cho nên bên cạnh những câu hát mang tính đùa cợt là những câu hát thấm đẫm ân tình thủy chung:

Anh đi trên đường Ba Vát,

Anh đạp cát, cát nhỏ

Anh đạp cỏ, cỏ mòn

Yêu nhau từ độ trăng tròn

Bây giờ trăng khuyết vẫn còn yêu nhau

Hoặc :

Sông Bến Tre nhiều hang cá ngác

Dường Kho Bạc lắm cát dễ đi

Gài Ba Tri nhiều đứa nhu mì

Lòng thương em bậu sá gì đường xa

Tóm lại, đến với Bến Tre là đến vùng đất có nhiều thắng cảnh tuyệt vời, đến với Bến Tre cũng là vùng đất có những con người quả cảm, anh hùng. Ở đó ta gặp những con người có tên như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Lê Anh Xuân, Trần Văn Ơnvà cũng gặp bao con người không tên khác, nhưng chính họ đã làm nên lịch sử. Và chính họ đã viết nên bao khúc hát dân gian tươi đẹp để ca ngợi đất và người Bến Tre.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Đình Ba (biên soạn),(2011), Đất và người Nam bộ qua ca dao, Nxb Van hóa – Văn nghệ, TP HCM.
  2. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (2014), Bạc Liêu, Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014; Hà Tiên, Kiên Giang, Phú Quốc,Truy cập ngày 30/5/2015.
  3. Trương Thanh Hùng (2000), Ca dao, hò vè sưu tầm trên đất Kiên Giang, Bản đánh máy.
  4. Phan Trung Nghĩa, (2009), Công tử Bạc Liêu: Sự thật và Giai thoại, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bạc Liêu xuất bản.
  5. Khoa Ngữ văn ĐH Cần Thơ (1997), Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, TP HCM.
  6. Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐHKHXH&NV TP HCM (2005), Văn học dân gian Bạc Liêu, Nxb Văn nghệ, TP HCM.
  7. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1981), Dân ca Bến Tre, Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản.

Thông tin truy cập

60423434
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4409
6820
60423434

Thành viên trực tuyến

Đang có 194 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website