Trong đời sống văn hóa của người Hoa ở Chợ Lớn, nghệ thuật ca kịch tuồng hát là món ăn tinh thần không thể thiếu, được các thế hệ người Hoa lưu giữ, truyền đời qua nhiều thế hệ.
Nói đến nghệ thuật ca kịch, tuồng cổ, trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn tồn tại hai dòng tiêu biểu là Việt kịch và Triều kịch. Việt kịch sử dụng ngôn ngữ Quảng Đông (hát Quảng), còn Triều kịch sử dụng tiếng Tiều (hát Tiều). Chợ Lớn hiện có hai đoàn hát nổi tiếng gồm Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông và Đoàn ca kịch Thống Nhất Triều Châu.
Do mang tính nghệ thuật đặc thù, sử dụng phương ngữ, khu trú, sinh hoạt trong vùng văn hóa nhất định là Chợ Lớn, bộ môn ca kịch của người Hoa chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa. Những vở ca kịch thường được trình diễn vào các dịp trọng đại của năm như lễ hội, năm mới, rằm nguyên tiêu, rằm tháng Tám…
Các vở diễn ban đầu được trích từ các tích truyện xưa của Trung Quốc như: Tiết Đinh San, Mộc Quế Anh, Tiết Nhơn Quý, Quách Tử Nghi, Phụng Nghi Đình… Khi các đoàn hát gắn bó lâu năm với quần chúng bản địa, tính tiếp biến, dung nạp của nghệ thuật cải lương Nam bộ cũng được các nghệ sĩ đoàn hát ca kịch người Hoa tiếp nhận, từ đó loại hình này có thêm các vở diễn: Lý Thường Kiệt, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Tấm Cám…
Ca kịch là món ăn tinh thần được người Hoa Chợ Lớn lưu giữ, truyền đời.
Trong ca kịch, sự khác biệt giữa hai thể loại hát Quảng và hát Tiều được phân định rõ rệt, đặc biệt là ở độ hấp dẫn, thu hút với khán giả. Bà Trương Tứ Muối - Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số TP.HCM lý giải: “Trong ca kịch của người Hoa, sự khác nhau có thể thấy rõ. Đoàn ca kịch Quảng Đông thu hút khán giả nhiều hơn. Bởi trong vùng Chợ Lớn, người Tiều, Hải Nam, Hẹ… đều nghe được ca kịch tiếng Quảng Đông. Bà con khi xem trích đoạn, nghe tiếng Quảng họ hiểu. Và trong một đêm diễn, khán giả được coi nhiều trích đoạn, có pha tân cổ, gây hấp dẫn người xem.
Đối với đoàn hát Tiều thì khó khăn hơn, vì chỉ phục vụ nhóm ngôn ngữ người Tiều, người Quảng, Hải Nam, Hẹ… không nghe được. Và trong hát Tiều, mỗi khi diễn chỉ một vở, kéo dài từ đầu đến cuối”.
Nghệ sĩ ưu tú Lương Ngọc Yến với gương mặt được hóa trang theo phong cách nhân vật.
Những nghệ sĩ thành danh trong nghệ thuật ca kịch Chợ Lớn phải kể đến những tên tuổi lớn như Lâm Chấn Oai, Lương Ngọc Yến, Ngô Lục Hoa, Phù Ỷ Hà…
Kể chuyện về nghề, nghệ sĩ ưu tú Lương Ngọc Yến bày tỏ: “Năm 17 tuổi là tôi học ca kịch rồi, tại tôi thích ca kịch, tới 1976 mới vô đoàn Thống Nhất. Tôi thích môn này lắm nên hát ở đoàn Thống Nhất mấy chục năm rồi. Hồi nhỏ thấy người ta ca là mình thích à. Khó khăn có, hồi trước vô đoàn đâu biết gì đâu, phải học từ từ, trong đoàn có nhiều người, dạy múa, dạy hát cũng có. Khó nhất là võ, đánh nhau đó. Hóa trang cũng khó”.
Nghệ thuật biểu diễn Hồ Quảng ở sân khấu quần chúng của người Hoa Chợ Lớn.
Chứng kiến hậu trường một buổi hóa trang, mới thấy tình yêu, niềm đam mê với nghề, bởi các nghệ sĩ đều phải tự tay trang điểm, hóa thân vào nhân vật. Trong nghệ thuật ca kịch, tuồng cổ, hóa trang là một phần việc cực kỳ quan trọng, bởi qua đường nét, hình ảnh, diện mạo, đã phần nào miêu tả tính cách, thần thái của nhân vật.
Nghệ sĩ ưu tú Lương Ngọc Yến nói thêm: “Phần hóa trang có phần khó khăn, vì khi diễn những vai lớn tuổi phải thêm nếp nhăn màu đậm về da mặt, khi diễn vai trẻ thì phải gương mặt tươi tắn, trẻ trung, nhất là diễn tuồng cổ thì cách hóa trang như Kinh kịch, khi mà diễn xã hội như Đời Cô Lựu chuyển thể Việt Nam, thì phải hóa trang theo kiểu xã hội, cho nên trước khi hóa trang phải nghiên cứu kịch bản nhân vật kỹ mới làm được”.
Để trở thành một diễn viên tuồng hát, ca kịch của người Hoa, không chỉ cần đam mê, mà phải là sự khổ luyện mới thành. Bà Hoàng Thúy Hà - Trưởng đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông, cho biết: “Đối với một diễn viên, từ vai chánh, kép, cô đào chánh, phải có giọng ca sáng, trong trẻo, phải học cách hóa trang, trang điểm, làm tóc, bới tóc, kể cả điệu bộ phải qua thời gian tập luyện cơ bản, cho rõ nét ra khi diễn và thuộc bài, thuộc kịch bản, như vậy mới có thể xứng với vai chánh kể cả nam và nữ trong sân khấu”.
Hỏi nghệ sĩ ưu tú Lương Ngọc Yến phải luyện tập mất bao lâu cho một vai diễn, câu trả lời đầy bất ngờ: “Khi nhận một kịch bản mới, một vai mới, phải học từng lời ca và cách diễn, thời gian có thể kéo dài từ 1-3 tháng mới xong”. Đấy là với đẳng cấp của một nghệ sĩ ưu tú, với một diễn viên bình thường hoặc mới nhập đoàn, chắc chắn thời gian luyện tập còn gian nan hơn gấp bội.
Ca kịch là môn nghệ thuật được người Hoa du nhập vào Việt Nam, phát triển ở thế kỷ XX.
Một nét đẹp khác trong nghệ thuật tuồng hát của người Hoa Chợ Lớn, chính là phục trang cho các vở diễn. Mỗi loại trang phục, được sử dụng gắn liền với một nhân vật. Tìm hiểu trong từng bộ trang phục, cứ như được gặp gỡ những nhân vật tuồng hát bước ra giữa đời thường. Và điều thú vị hơn, các trang phục ấy do những nghệ sĩ, người hâm mộ, tự tay thêu - dệt - đính cườm - trang trí để các diễn viên sử dụng cho diễn xuất của mình.
Trong trụ sở của đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông, bà Hoàng Thúy Hà lấy ra một chiếc áo, giới thiệu rằng: “Đây là bộ đồ tướng quân của nghệ sĩ ưu tú Lâm Chấn Oai, được may tại nhà, dùng trong vai Câu thi yên ngựa Lý Thường Kiệt, và vở diễn Lương Hồng Ngọc. Từng mũi chỉ, từng miếng cườm chính tay nghệ sĩ Lâm Chấn Oai và khán giả yêu thích làm tại nhà, thời gian làm bộ áo này trên ba tháng”.
Bộ đôi nghệ sĩ ưu tú Lâm Chấn Oai (trái) và Lương Ngọc Yến của đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông.
Kén chọn khán giả, các buổi trình diễn cũng hạn hẹp, đa phần dựa vào lễ tết, lễ hội, ngày trọng đại… nhưng nghệ thuật ca kịch vẫn được duy trì và phát triển. Có được điều này chính nhờ vai trò của các hội quán, ban bảo trợ.
Ông Lư Chấn Lệ - Trưởng ban Quản trị Hội quán Tuệ Thành chia sẻ câu chuyện bảo tồn, giữ gìn nghệ thuật ca kịch trong cộng đồng người Quảng Đông: “Hội quán Tuệ Thành là Hội người Hoa nhóm Quảng Đông, cho nên đoàn hát Quảng Đông phát huy ngôn ngữ văn hóa nhóm người Quảng Đông. Hội quán tiếp xúc với đoàn từ khi mới thành lập 1976. Đến năm 1990, khi Nhà nước xã hội hóa phát triển nghệ thuật, Hội quán có thêm nhiệm vụ bảo trợ, tiếp tục đồng hành với đoàn ca kịch tới ngày hôm nay. Khi đoàn kịch diễn xuất kịch Quảng Đông, góp một phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật của nhóm ngôn ngữ. Nghệ thuật là một văn hóa phi vật thể, Hội quán đã cùng với đoàn giữ gìn và phát triển truyền thống này”.
Nghệ thuật ca kịch của người Hoa từng một thời hoàng kim, với các buổi trình diễn hàng đêm, thậm chí một ngày diễn đến hai suất. Khoảng chục năm trở lại đây, mối quan tâm đến môn nghệ thuật này có phần giảm sút, nhưng vẫn là niềm tự hào để các nghệ sĩ và người Hoa vùng Chợ Lớn chung tay lưu giữ, truyền đời, phát triển bộ môn nghệ thuật này như cách tiền nhân người Hoa xưa đã truyền dạy cho thế hệ hôm nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Nguồn: Người đô thị, ngày 12.6.2021.