Nguyễn Bắc Sơn – Cây bút văn xuôi sung sức hiện nay

Đoàn Trọng Huy (*)

Nhà văn nào chọn nghề viết cũng có sức lực. Làm nghề lâu hay chóng, khoẻ hay yếu là nhờ sức vóc. Được xếp ngôi thứ, đẳng cấp là do thành tựu – tức công sức thực tế trong quá trình sáng tác.

Nguyễn Bắc Sơn đã là một tên tuổi nổi lên thời đổi mới – trong vòng hơn hai thập kỷ nay.  Đó là người giàu tiềm lực – tri thức, có vốn sống trải nghiệm thực tiễn xã hội phong phú, qua một đời dạy học, làm công tác văn hoá và tham gia quân đội. Nhà văn đã thể hiện một năng lực viết mạnh mẽ với hàng loạt tác phẩm thành công có giá trị, chủ yếu là các bộ tiểu thuyết luận đề mới.

 Đây cũng là trường hợp được dư luận văn đàn nhất trí tán đồng. Nhà văn “gạo cội”, cây tiểu thuyết số 1 làng văn hiện nay Ma Văn Kháng đã khẳng định: “Nguyễn Bắc Sơn – nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề đang trên đà sung sức” (Cuộc vuông tròn tính làm sao đây – Lời giới thiệu Cuộc vuông tròn, Hội Nhà văn, 2017).

I/ SỨC XÔNG XÁO, LĂN LỘN VÀO HIỆN THỰC HÔM NAY

“Đi và viết”, “Sống và viết” là phương châm hành động hàng đầu của các nhà văn chân chính, có tầm vóc thời hiện đại, như những tấm gương sáng – Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu,...

Thời nào cũng vậy, tuy nhiên đặc biệt là thời đại hiện nay.

Thời nay là chuỗi những ngày hiện tại của lịch sử đầy sôi động, biến hoá  trong cuộc đấu tranh quyết liệt – nơi chiến trường qua 30 năm (1945 – 1975). Tiếp đó là sự đổi thay ghê gớm hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực xã hội của công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập của đất nước.

Đặc biệt, từ sau thời Đổi mới và Hội nhập khu vực và quốc tế, đất nước bước vào thị trường toàn cầu, đã tạo ra cục diện mới, tác động đa chiều – các thách thức và cơ hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã cập nhật lên phiên bản 4.0. Mạng Internet được đưa vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đã và đang phát huy sức mạnh của nó trong một thế giới phẳng hôm nay. Con người Việt Nam – nghiễm nhiên trở thành công dân toàn cầu trong “thời đại a còng” (@), “thời đại bấm nút”.

Khủng bố, bạo lực, độc tài, bá quyền… đang đe doạ, chiến tranh  cục bộ kiểu mới ngày một diễn biến phức tạp giữa các thế lực trên thế giới. Các quốc gia cũng đang đứng trước những thách thức và biến động mới. Trong tình thế ấy, một Chính phủ kiến tạo đang được xúc tiến hình thành và phát triển nhanh chóng.

Ngày hôm nay đang là một điệp khúc của bản giao hưởng nhân sinh. Cũng là lời kêu gọi hành động khẩn thiết tới những con người trí tuệ và tâm huyết của đất nước.

Trước đây, Nguyễn Khải đã từng phân tích và làm rõ cái Ngày hôm nay của một thời.

Ngày nay, Ma Văn Kháng tiếp tục phân tích, nhận xét, nghiên cứu và chiêm nghiệm cái Ngày hôm nay kỳ diệu ấy khi đọc tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn: “Cuộc sống ngày hôm nay, hiểu theo nghĩa rộng. Cuộc sống ngày hôm nay với bao trăn trở, bức bối. Cuộc sống ngày hôm nay, một phức điệu (...) Quả thật là không dễ dàng gì để xác định chuẩn trước những biến động đến chóng mặt của cuộc sống hôm nay” (bài đã dẫn).

Vậy là, Ma Văn Kháng đã giới thiệu sự xuất hiện, tư thế và khuynh hướng của Nguyễn Bắc Sơn trong cuộc sống và trên văn đàn trong Ngày hôm nay qua tác phẩm đậm chất thời sự - thời  đại.

 Điều quan trọng nhất là sự xuất hiện đúng lúc, “gặp thời” – nói như Nguyễn Khải. Hoàn cảnh sẽ đưa nhà văn lên bệ phóng. Người cầm bút thế hệ mới  đã giàu trải đời thấy cần phải viết như đáp ứng tiếng gọi của cuộc sống và sự thôi thúc của lương tâm.

Nhà văn  xông thẳng vào hiện thực Ngày hôm nay – một hiện thực ngổn ngang, bề bộn biến động thời Đổi mới với nhiều thành tựu kỳ diệu, hào sảng, nhưng cũng có không ít sự đổ vỡ bi kịch trong va đập, đối chọi dữ dội giữa cái mới và cái cũ.

Bám sát với dòng chảy thời cuộc, giáp mặt với sự kiện thời sự nóng hổi là quyết tâm mạnh mẽ và định hướng rõ rệt để viết. Đó là sự tập trung  sau ít năm, có phần tản mạn qua ký và tuỳ bút: Người dẫn đường trời, Văn hoá Thông tin, 1999; Hoa lộc vừng, Hội Nhà văn, 1999; Hồng Hà ơi, Hội Nhà văn, 2000.

Khai mở và bứt phá với truyện, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết chính trị – thời sự là một lựa chọn chính xác của Nguyễn Bắc Sơn – hợp với cái tạng tư duy và hứng thú riêng.

Luật đời – tập truyện vừa và ngắn (Thanh niên, 2003, 2004) là phát súng mở màn, và Luật đời và cha con – tiểu thuyết (Hội Nhà văn, 2005) là tiếng nổ vang của đại bác. Đây là sự bùng nổ của những vấn đề xã hội bức xúc nhất đang được đặt ra.

Tác phẩm xuất hiện như một sự kiện, cũng là hiện tượng của văn học. Có tới 50 bài giới thiệu, trao đổi, bình luận trên báo in, báo điện tử. Lửa đắng tiếp tục như cặp đôi tác phẩm (Lao động, 2008) nối mạch luận đề qua tư duy tiểu thuyết.

Sự xuất bản kỷ lục – tới  8 lần của Luật đời và cha con trong thời gian rất ngắn, sự chuyển đổi thành kịch bản phim truyền hình dài 26 tập, đồng thời tác phẩm đã đưa Nguyễn Bắc Sơn lên thành hiện tượng của văn đàn.

II/ SỨC TIẾN CÔNG VÀO NHỮNG NGANG TRÁI TRONG  “LUẬT ĐỜI

Nhà lãnh đạo Hữu Thỉnh đã khen ngợi một hành động xung phong của đồng nghiệp, đồng ngũ cựu chiến binh Nguyễn Bắc Sơn: “Mảng văn học tham gia trực tiếp vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn”. Và kêu gọi: “Các nhà tiểu thuyết cần xông vào những vấn đề nóng bỏng”.

Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo Chí, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận xét: “Cùng hướng tới miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cũ và mới, cụ thể là cuộc đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, nhưng Luật đời và cha con tập trung vào cuộc xung đột và việc giải quyết xung đột giữa các thế hệ còn Lửa đắng xoay quanh một luận đề khác, vấn đề của cải cách hành chính”.

 Vậy là, đèn xanh đã được bấm nút cho mach sáng tác tuôn chảy.

 Con mắt nhìn của nhà văn đổi mới theo diễn biến tình hình xã hội. Cách quan sát tường tận, kỹ càng, khoa học, khách quan nhằm  phát hiện sự thật. Những câu hỏi và lời đáp cũng là từ thực tiễn mà ra. Tất cả đều phải xuất phát từ một tâm huyết và một tấm lòng quả cảm. Độc giả và nhiều bạn văn cũng đã nhận ra điều ấy.

Vì không phải chịu một áp lực nào, nhà văn không né tránh những vùng cấm, bám sát những vấn đề nhạy cảm. Thẳng tiến, mạnh dạn, thậm chí táo bạo, có phần mạo hiểm nữa  như lời tự bạch và nhận xét của bạn bè.

Mạo hiểm là do nhiều nguyên nhân, và xuất phát từ nhiều phía.

Trước hết, thể loại tiểu thuyết luận đề tiềm ẩm một thách thức, cũng là nguy cơ. Chủ đề khô khan, diễn đạt vụng về, nhà văn lộ diện trực tiếp qua cái loa ngôn từ sẽ gây phản tác dụng nghệ thuật.

May thay, tài nghệ cá nhân đã vượt qua rào cản cơ bản đó. Lo lắng trở thành niềm vui. “Điều tâm đắc của người viết là chủ đề ấy, tư tưởng chủ đề ấy đã được tư duy bằng tiểu thuyết, bằng hình tượng ngôn ngữ tiểu thuyết có thể đọc liền mạch”.

Nguyễn Bắc Sơn dám nói như vậy, có phần  vì cũng đã nghe dư luận bạn đọc, bạn nghề khi khen sức hấp dẫn của tác phẩm. Phải nói là, người viết rất có bản lĩnh và đủ tự tin khi tự đặt mình trước những rào cản to lớn, đén  mức“khủng” để vượt qua.

Cuộc vuông tròn có một cuộc “hội nghị” chính sự đặc biệt được nổ ra như buổi toạ đàm, giao lưu thân mật trong gia đình. Chủ tịch kiêm Bí thư Tỉnh uỷ, và ban Thường vụ, Ông già Sơn La – cựu tù chính trị một bên; Chính – nhà tri thức ngoài Đảng một bên.

Thực chất, đây chính là trận đấu lý về chính trị, về quan điểm, nhận thức chính trị và xã hội và cả về đạo đức. Ở đây, có đấu tranh thực sự vì phía nghe có những phần thử thiếu thiện chí – tìm cách phản công, tiến công diễn giả cho đến khi họ  bị đánh bại, phải tâm phục, khẩu phục.

Một cuộc nói chuyện, kéo dài cả buổi kể từ mở đầu câu chuyện, chiếm hết 11/ 27 chương với 164 trang (87 – 250)! Cảm hứng thu hút “đọc mà không nản” được Ma Văn Kháng phân tích như biệt tài nghệ thuật của nhà văn :“ nhà tiểu thuyết chính  sự /thế sự / thời cuộc từng được thể hiện trong các tiểu thuyết Lửa đắng & Gã Tép Riu -  hai tác phẩm đều được khen ngợi nhiệt liệt

Cuộc tranh chấp chủ đề chính sự, thế sự như vậy cũng đã được giải toả.

Ngày trước văn chính luận của Nguyễn Khải có thời và có đất trong suốt 30 năm chiến tranh như một tất yếu. Đây là vấn đề thị hiếu trong tiếp nhận. Hiện nay, có hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời  chính trị” trong một bộ phận thanh niên như lời đồng chí Tổng bí thư nói trong Đại Đoàn toàn quốc lần thứ XI vừa qua

Sách ăn khách, bán chạy nổi lên thường là tiểu thuyết ngôn tình và thực dụng. Tuy nhiên, Luật đời và cha con lại được in đi in lại với số lượng rất lớn, phim chuyển thể cũng được chiếu thời gian dài, và được bình chọn là bộ phim hay nhất trong năm. Quả là một sự mạo hiểm đã đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng.

Lại còn phải vượt rào cản từ phía quản lý văn nghệ. Hàng chục năm làm công tác quản lý báo chí,  xuất bản, mà tiểu thuyết xuất sắc bản thân , trớ trêu thay, cũng phải qua 7 nhà xuất bản, mới được phép in ấn. Bởi lẽ chưa gặp được “con mắt xanh”, mà chỉ gặp những cái nhìn rụt rè, e ngại, thậm chí nhút nhát – sợ bóng, sợ gió thôi.

Vậy là, cái căn cốt của mạo hiểm nằm ngay trong chủ đề chính trị. Nhà văn đặt cọc vào may rủi. Nếu sơ xuất, có thể nhẹ là gặp “tai nạn nghề nghiệp” lớn nhỏ tuỳ mức, nặng có khi phải bỏ nghề - “treo bút”.

Tất cả bản lĩnh là ở một chữ dám. Nguyễn Bắc Sơn dám nghĩ, dám viết, dám chịu trách nhiệm. Kể cả dám chịu chơi phải chịu trận. May mới toàn đòn gió (như trục trặc về xuất bản).

Nhà văn có một chỗ mạnh – mà không khéo vận dụng dễ thành một nhược điểm chết người.

Đó là khả năng tiên tri, dự đoán. Nguyễn Bắc Sơn có quan niệm chính xác là tiểu thuyết phải có chức năng dự báo. Nhà phê bình cũng xác nhận thành công của thực tế này qua phần giới thiệu Lửa đắng: “Bằng trực cảm tiên tri, nhà văn sẽ dự báo những gì chưa tới, nhưng sẽ tới”.

Sự dự báo có tỷ lệ đúng cao, trở thành hiện thực trong đời sống. Như về cải cách hành chính, như về tổ chức cán bộ, như về quản trị xã hội...

Tuy nhiên, cần thận trọng, chỉ nên gợi mở, đề xuất, khuyến cáo, khuyến  nghị. Nếu không, sẽ dễ bị quy chụp là dạy khôn.

Dạy đời chung chung là một nhẽ, nhưng dạy khôn Đảng, Chính phủ phải dè chừng, dự kiến thôi chứ đừng “cầm đèn đi trước ô tô”. Làm xiếc trên dây – nhất là dây “chính trị”, dễ gặp phải sa sảy mẻ trán  vỡ đầu lắm!

Vậy mà, cho đến nay, nhà văn vẫn an toàn, bình thản, Đó là đã kết hoà được cả ba yếu tố - TÂM, TRÍ và DŨNG.

Dũng hiện lên qua trong đời, cũng như qua trang viết theo mấy định hướng chính xác, mạnh dạn sau:

-                 Mở một thể tài mới như một thách thức: tiểu thuyết luận đề chính trị.

-                 Mở một khuynh hướng mới: Kết hoà chính sự và thế sự, chủ đề chính trị qua tâm lý xã hội.

-                 Tìm sự vận dụng, cập nhật có chọn lọc, hiệu quả lý luận văn học hiện đại để có sáng tạo nghệ thuật mới.

-                 Tìm một lối đi riêng đồng thời với thể hiện bản sắc, phong cách riêng.

III/ SỨC PHẢN BIỆN – KIẾN TẠO XÃ HỘI

Tự thân Nguyễn Bắc Sơn và qua các nhân vật hoá thân đã thể hiện  là một nhà văn – trí thức  có ý thức và tri thức phản biện – kiến tạo xã hội.

Nói cách khác, đã kết hoà được cả việc phê phán và xây dựng – hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau – có phê phán mới có xây dựng, phê phán để xây dựng. Có nghĩa là phản biện không với ý đồ xấu chỉ chăm chăm vào “ bới lông tìm vết”, “ bới bèo ra bọ” nhằm hạ giá thậm chí hạ nhục, hạ bệ. mà chính là phải đề nghị sửa chữa, cải cách, kiến tạo.

Gã Tép Riu trong bộ tiểu thuyết cùng tên là nhân vật như vậy, nổi bật với tư cách cán bộ có trí tuệ và lương tâm, một nhà quản lý xã hội mới. Chính và Nguyễn Chí Thành là một “cặp đôi hoàn hảo” của tư duy và quản trị xã hội có tri thức văn hoá quản lý (Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn). Họ nổi lên trong đám quan chức không có đầu óc hoặc đầu óc tha hoá của bộ máy công quyền, của thể chế hành chính.

Ba thế hệ trong Luật đời và cha con xung đột . Tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự phê phán, mà con nổi rõ là sự tìm kiếm biện pháp hoá giải xung đột ấy. Kiên (Lửa đắng) xuất hiện như một hình mẫu lý tưởng được đề xuất, tuy số phận chịu thăng trầm, nhưng cuối cùng đã vào thế thượng phong. Con người công dân và con người xã hội ấm áp và toả sáng. Dàn nhân vật tích cực thăng tiến. Ngược lại là lực lượng trì trệ cản trở thua cuộc. Tuy phê phán mạnh mẽ không thương xót, nhưng tác phẩm vẫn toát lên âm hưởng lạc quan.

*

Nguyễn Bắc Sơn quả là một cây bút sung sức đang phát huy sức mạnh trên văn đàn đương đại. Nhà văn đã đạt được những thành công đáng nể trọng.

Đó là kết quả một đời học hỏi kinh nghiệm để trở nên thông tuệ, có một ý chí mạnh mẽ không ngừng vươn lên những đỉnh cao mới, và một quyết tâm đầy quả cảm, dám sống, dám viết.

Trong lòng độc giả, Nguyễn Bắc Sơn là hình ảnh một nhà văn lữ hành vẫn đang dồn sức bước tiếp trong hành trình khám phá và sáng tạo tới những chân trời nghệ thuật mới.

 

(*) PGS TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thông tin truy cập

63671240
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14958
17595
63671240

Thành viên trực tuyến

Đang có 722 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website