Nguyễn Du, người làm nên những cuộc hôn phối kỳ diệu trong thế giới văn chương

Bước vào thế giới văn chương, Nguyễn Du mang đến cái cốt cách của một thiên tài trải nghiệm. Nhạy cảm khác thường, phải đi qua bao khúc nôi lận đận của đời riêng, lại sống vào cái thời ngổn ngang trăm mối, rạn vỡ muôn giềng, thi nhân khắc khoải. Nhưng cái khắc khoải gần như thường trực ấy hình như đã được Nguyễn Du chuyển thành sức mạnh, là xung năng sáng tạo, là sự thăng hoa (nói theo ngôn từ của Sigmund Freud) và trong sự thăng hoa ấy, nhà thơ có những khoảnh khắc an nhiên vượt thoát cái tôi thường nhật: đó là sự an nhiên có từ và có nhờ nghệ thuật.

Trong an nhiên của nghệ thuật, Nguyễn Du đã làm nên những cuộc hôn phối diệu kỳ. Có thể kể ra bảy cuộc hôn phối mà chúng tôi tìm thấy được, từ Đoạn trường tân thanh: (1) Hôn phối Việt - Hoa, (2) Hôn phối thơ - truyện,  (3) Hôn phối lãng mạn - hiện thực, (4) Hôn phối con người - tự nhiên, (5) Hôn phối tục - thiêng, (6) Hôn phối Phật - Nho, (7) Hôn phối truyền thống - hiện đại. Từ nội dung, phương thức và đặc điểm của các cuộc hôn phối này, có thể nhìn thấy tâm thế văn hóa, cảm thức thẩm mỹ và xu hướng liên văn bản của Nguyễn Du, một đại biểu lớn của Việt Nam.

Thế kỷ 18- 19, ở Việt Nam xuất hiện nhiều người cầm bút với tâm thế nghệ sĩ mà trong quy chiếu Nho học, giới nghiên cứu gọi là nhà Nho tài tử: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Phan Huy Ích, Phạm Thái, Cao Bá Quát...Sắc thái nghệ sĩ trong mỗi nhà văn có những nét khác nhau, nhưng họ cùng chung một điểm là đều có khát vọng tự do trong việc cất lên tiếng nói của cá nhân mình và có khả năng sáng tạo cao. Có thể nói Nguyễn Du là người nghệ sĩ nhất trong các nghệ sĩ của Việt Nam: Ông đắm mình sâu nhất và bay lên cao nhất.

Nhưng Nguyễn Du cũng là một trí thức tham chính. Đã không chỉ vào ra “cửa Khổng sân Trình” mà còn đi lại trên đất nước Trung Hoa, ông hiểu rõ tình thế của dân tộc mình cũng như mối quan hệ hoàn toàn không bình đẳng và không tự nhiên giữa hai đất nước. Tuy nhiên điều ấy vẫn không ngăn cản ông làm một cuộc hôn phối Việt - Hoa kỳ diệu trong thế giới văn chương của mình.

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã làm nên một cuộc hôn phối Việt- Hoa đặc biệt, đầy sức hóa giải. Mềm mại nương theo đường dây sự kiện của Kim Vân Kiểu truyện, Đoạn trường tân thanh vừa kháng cự và phủ định về cách viết, uyển chuyển mà chói sáng. Những lằn ranh, những ngôi thứ mờ đi, khi cái có trước (Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) ở khu vực trung tâm (văn hóa Trung Hoa) phải nhường bước cho cái đến sau (Truyện Kiều của Nguyễn Du) ở khu vực ngoại vi (văn hóa Việt Nam) [1]. Quyền lực chính trị và quyền lực văn hóa đã sững sờ bó tay trước một kiệt tác văn chương tràn đầy tư thế. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ thể hiện cái tài năng cá nhân của riêng mình mà còn nói với thế giới về căn cốt của văn hóa Việt Nam.

Bằng các cách đọc: đọc văn học so sánh, đọc chồng văn bản (phân tâm học), đọc liên văn bản (giải cấu trúc) với trường hợp Kim Vân Kiều truyện Truyện Kiều, giới nghiên cứu văn học ngày càng mở ra nhiều khám phá thú vị. Ở đây bài viết của chúng tôi không đi sâu vào đối chiếu các tương đồng/ kế thừa và dị biệt/ sáng tạo trong văn bản. Dưới góc nhìn văn hóa học và lý thuyết quyền lực, chúng tôi chỉ chạm vào những nét lớn trong đặc trưng văn chương, văn hóa Trung Hoa và đặc trưng văn chương, văn hóa Việt Nam và  hai tác phẩm, để nói về cuộc hôn phối Việt - Hoa đặc biệt mà Nguyễn Du làm được qua Truyện Kiều.

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là một tiểu thuyết chương hồi được viết dài nhất (20 hồi) so với nhiều bản Truyện Kiều viết trước, sau và cùng thời với nó ở Trung Hoa. Tác phẩm này đã được nhà phê bình tài danh của Trung Hoa chạm bút: Kim Thánh Thán. Điều ấy cho thấy, câu chuyện trai anh hùng, gái thuyền quyên Từ Hải- Vương Thúy Kiều đã gây một cảm hứng nhất định cho những người cầm bút Trung Hoa thuở ấy, và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là văn bản đỉnh cao, văn bản hoàn kết của “Truyện Kiều”[2]. Vậy tại sao tiểu thuyết này trở nên mờ nhạt trong lịch sử văn học Trung Hoa và bị gọi là “tác phẩm loại hai”?

Những ai từng đọc văn học Trung Hoa hẳn sẽ nhận ra nền văn học đồ sộ này in đậm dấu ấn trong ký ức chúng ta ở hai thành tựu: Thơ Đường và tiểu thuyết chương hồi. Chúng ta bị ám ảnh bởi vẻ đẹp thơ Đường và bị hút vào các câu chuyện kể của tiểu thuyết chương hồi như Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc... để rồi nhận ra cùng là văn chương mà hai thế giới ấy hoàn toàn tách biệt, nếu không nói là đối lập: Một bên nén/ một bên dàn trải; một bên gợi/ một bên kể miên man; một bên cao nhã/ một bên thông tục...

Trong thế giới tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa, các nhà văn thiên về khai thác lịch sử, thời cuộc. Các tác phẩm thường trùng trùng những cốt truyện lớn; đồ sộ những hệ thống nhân vật mang tầm vóc lịch sử; rậm rạp những tình tiết ngoắt ngoéo, những âm mưu bí ẩn; lớp lớp những trò chơi kỳ lạ và tâm lý phức tạp của chốn cung đình, quý tộc. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có được những gì? Một cốt truyện nhỏ, một số phận cá nhân, những nhân vật hầu hết nằm trong đám đông vô danh, gần như ngoài guồng lịch sử: có gì ly kỳ, có gì gay cấn?. Để bù vào, Thanh Tâm Tài Nhân đã miết mạnh ngòi bút của mình, kể sát sự việc, kể chi chít, trần trụi, phơi bày những ngóc ngách có thể có, gần không chừa chỗ nào cho trí tưởng tượng của độc giả: kết quả là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của ông nặng nề chìm xuống, không thể cất cánh bay lên.

Nói về sự quên lãng đó, giới nghiên cứu Trung Hoa cho rằng “...sau đời Gia Khánh, do trong sách có miêu tả về sắc dục và tạo dựng hình tượng anh hùng cho nhân vật hải tặc Từ Hải, nên dần bị làm cho mai một. Cả Trung Quốc chỉ mỗi thư viện Đại Liên còn giữ bản của Quán Hoa Đường, thư viện Bắc Kinh giữ bản của Khiếu Hoa Hiên, khiến cho Lỗ Tấn khi giảng về “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” trong những năm 20 của thế kỷ trước đã không hề nhắc đến bộ tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm của Việt Nam này” [3].  Nhưng cũng có thể nói thêm, phải chăng truyền thống nam quyền và lễ giáo trong văn hóa Trung Hoa đã không thể cho phép họ thừa nhận một tác phẩm mà ở đó nhân vật chính là nữ ở tầng lớp thường và sau đó lại là gái giang hồ?

Nhưng Nguyễn Du đã chọn nhận Kim Vân Kiều truyện làm xuất phát điểm cho đường bay của mình. Một đường bay mà cho đến nay người đọc vẫn chưa thể nói là đoán định hết. Vì sao Nguyễn Du chọn Kim Vân Kiều truyện mà không chọn những tiểu thuyết khác của Trung Hoa?

Cắt nghĩa sự lựa chọn này, có thể nói về tần số rung cảm của Nguyễn Du. Cả một đời, Nguyễn Du chỉ biết nghiêng xuống những phận người bé bỏng trầm luân: Độc Tiểu Thanh ký, Văn tế thập loại chúng sinh...đã nói lên điều đó. Nhưng đâu phải chỉ một mình Nguyễn Du như vậy? Thời của Nguyễn Du, nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, văn học viết Việt Nam gần như nối lại với mạch nguồn của văn học truyền miệng, vốn có từ xưa, ở cảm quan nghệ thuật. Cái tinh thần “thương người như thể thương thân”, cái khả năng tương thông, thấu hiểu tự nhiên giữa người và người, giữa người và vạn vật đã tràn lên nhiều trang viết: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương và tác phẩm Nguyễn Du. Vậy thì chắc chắn sự chọn lựa này của Nguyễn Du không chỉ nói lên tâm hồn của Nguyễn Du mà còn nói lên tâm thế của dân tộc Việt Nam.

Chọn Kim Vân Kiều truyện, sao Nguyễn Du không làm công việc dịch thuật như nhiều người đã làm? Qua Truyện Kiều, sẽ thấy Nguyễn Du xúc động vì câu chuyện mà không chia sẻ về cách viết. Nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành cho rằng Kim Vân Kiều truyện đậm chất hiện thực, nhưng với Nguyễn Du, hẳn là ông không muốn dừng lại ở cái hiện thực tỉnh táo, rõ rành trên bề mặt, ông là một nhà thơ.

Sinh ra từ cái nôi lục bát, từng đắm mình trong các thể thơ cổ điển Trung Hoa, gặp một tiểu thuyết thông tục, Nguyễn Du trong khoảnh khắc giao cắt đặc biệt đó, đã như vực dậy tất cả nội lực trong mình mà nhào nặn nên Truyện Kiều. Một Truyện Kiều với cái giòng chảy dào dạt uyển chuyển của lục bát, đã trở nên xanh biếc với nhiều tầng sóng ngầm sâu bởi những gợi ý sáng giá của thơ Đường, và chuyển động nhịp nhàng trên một đường  dây sự kiện của tiểu thuyết chương hồi mà Kim Vân Kiều truyện là gợi ý .

Và như vậy Nguyễn Du đã làm nên một cuộc hôn phối giữa thơ và truyện, giữa lãng mạn và hiện thực.

Thời Trung đại, truyện thơ là một thể loại được ưa chuộng của Việt Nam, một đất nước nhỏ bé phải oằn mình liên tiếp vì chiến tranh ngoại xâm, nhu cầu sống còn lớn hơn tất cả. Trong khi đó, tiểu thuyết, nơi những câu chuyện dài, nhiều uẩn khúc, nhiều quanh co của cuộc đời, của thế nhân hình như chỉ dành cho tầng lớp thị dân và những khu vực văn chương có một thời gian dài bình ổn. Trong khi đa số công chúng Việt Nam là nông dân và còn chưa biết chữ, truyện thơ là thể loại có sức quảng bá rộng rãi và được lưu giữ lâu bền hơn hết. Điều đặc biệt là, nếu ở phần lớn những truyện thơ khác của Việt Nam, thơ ca chỉ là phương tiện để cho tác phẩm dễ nghe, dễ thuộc, thì với Truyện Kiều, thơ ca lại là phương diện chính. Có thể nói, không phải cốt truyện, tình tiết và chi tiết có từ Kim Vân Kiều truyện chi phối các nguyên tắc và thủ pháp của Truyện Kiều mà ngược lại. Nguyễn Du đã cho Kim Vân Kiều truyện vào lò luyện đan thi ca của mình, nhào nặn nó bằng cảm quan, tư duy và nguyên tắc sáng tạo thi ca. Sau nhiều lần được thi hóa, Kim Vân Kiều truyện đã thoát xác, thành Truyện Kiều, đã bay lên với đôi cánh của cảm xúc và nghệ thuật. Vẻ đẹp kỳ diệu của văn bản, của ngôn từ  Truyện Kiều đã làm tốn biết bao giấy mực và hôm nay vẫn chưa hề phai nhạt, vẫn còn có thể cho phép nhiều phát hiện mới.

Nguyên tắc thi hóa (liên văn bản) của Nguyễn Du là gì? Giữ lại những nút thắt lớn của đường giây sự kiện, nhấn mạnh những tình huống đặc biệt. Thụ nhận hệ thống nhân vật, phác họa lại tất cả chân dung (tinh thần, thể chất) của họ, làm nên những tính cách có chiều sâu, giàu sức ám ảnh (mà ta thường gọi là tính điển hình). Loại bỏ những chi tiết thừa, tạo nên độ nén và những khoảng trống, những chỗ lửng lơ, những nếp gấp. Bớt sự kiện, hành động (kể), tăng tâm trạng, hình ảnh (tả). Tăng cường hiệu ứng thẩm mỹ bằng chất liệu, với các thủ pháp tu từ học trong đó có cả thủ pháp lạ hóa (defamiliarization), trớ trêu (irony)...

Nguyễn Du nhấn mạnh những điều trông thấy, nhưng không chỉ làm công việc kể lại chúng (như Kim Vân Kiều truyện), mà chủ yếu nói lên tiếng vang của chúng trong lòng mình (Truyện Kiều) và có chủ ý tạo ra tiếng vang của tiếng vang trong lòng người, những ai sẽ đọc ông, gần xa, hiện tại, tương lai...[4].

Tiếng vang ấy, chính là lời của tâm trạng. Tâm trạng của chủ thể sáng tạo, tâm trạng của nhân vật, Truyện Kiều đúng là “quyển sách một ngàn tâm trạng”, như Phan Ngọc đã viết [5].

Nhưng tâm trạng trong truyện thơ của Nguyễn Du không là những cảm xúc thoáng qua, chơi vơi, mơ hồ của những nhân vật lãng mạn thông thường. Trong Truyện Kiều, hầu như mỗi một tâm trạng luôn nói lên một tình huống, một tình thế. Chính vì thế mà ở Việt Nam, hiện tượng bói Kiều xuất hiện (thiêng hóa). Chính vì thế mà ở Việt Nam có tục tập Kiều (liên văn bản), lẩy Kiều (liên văn hóa)...

Truyện Kiều không dừng lại ở câu chuyện của người. Nguyễn Du đã mở rộng chiều kích của tác phẩm, bằng các mối tương thông kỳ lạ giữa con người và tự nhiên, giữa cõi tục và cõi thiêng. Nếu Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân là một cô gái bản lĩnh trong hành động, trong toan tính thực tiễn, thì Thúy Kiều của Nguyễn Du là một cô gái cực kỳ phong phú về mặt tâm hồn. Tâm hồn ấy dễ rung lên vì cái đẹp của đất trời, dễ khắc khoải vì nỗi đau của người, dễ dự cảm về thân phận của mình. Nhạy cảm và mong manh là thế thì nỗi bất hạnh của 15 năm lưu lạc lớn biết chừng nào. Trong cõi người tàn nhẫn, nàng  làm sao tồn tại, nếu không có sự chia sẻ âm thầm, sự nâng đỡ ân cần của cõi tự nhiên?

Những motif của tục và thiêng đã được Thanh Tâm Tài Nhân sắp đặt, nhưng khi vào ngôi nhà nghệ thuật của Nguyễn Du, tất cả đã hòa quyện thành một dòng sống luân chuyển lung linh, bởi Nguyễn Du đã tạo nên một Thúy Kiều có cái linh giác khác thường, bởi Nguyễn Du đã khắc họa thần tình những tình huống chập chờn của ranh giới giữa mê và tỉnh, giữa mộng và thực.

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tạo ra một hiện tượng ngoạn mục là chảy ngược về nguồn. Một số nhà nghiên cứu Trung Hoa hôm nay đã đọc bản dịch và phân tích theo tinh thần so sánh [6].Có ý kiến cho rằng, Kim Vân Kiều truyện tiến bộ trong việc khẳng định vai trò và cá tính người phụ nữ (Thúy Kiều điềm tĩnh, dũng cảm) và táo bạo trong việc khẳng định tình yêu gắn liền với tình dục [7], Truyện Kiều thì  bảo thủ và truyền thống (Thúy Kiều nhu thuận, trung trinh) bởi vì “ văn hóa Việt Nam đã thấm đẫm tư tưởng luân lý cương thường của lễ giáo Nho gia, chứng tỏ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Trung Hoa” [8].

Nguyễn Du có tự khép mình vào khuôn phép lễ giáo của Nho gia và Nho giáo có mặt trong Truyện Kiều như thế nào? Trả lời câu hỏi này, có lẽ phải đặt vấn đề trong mối quan hệ với Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Theo thiển ý, cuộc phối hôn Phật - Nho này là thử thách lớn nhất của Nguyễn Du và việc phân tích nó là thử thách lớn nhất của người viết bài này. Chỉ xin nói lên cảm nhận riêng là trong cái khung tư tưởng triết lý Phật (luân hồi, nhân quả...) - Nho (thiên mệnh, luân thường...) có từ Kim Vân Kiều truyện, Truyện Kiều đã ít nhiều vượt thoát và mềm hóa nó theo những giá trị văn hóa, mỹ cảm của người Việt. Biểu hiện cụ thể là các nhân vật của Nguyễn Du, từ tính cách, ý nghĩ, cảm xúc, hành động, ngôn ngữ...cho đến những tình huống tương ứng, đã tạo nên một logic tương tác tự nhiên giữa tính và mệnh, giữa tâm hồn và cách ứng xử, như một dòng sống của những con người thấu đạt được lẽ đời và lẽ huyền vi.

Cuối cùng, xin nói về cuộc hôn phối giữa truyền thống và hiện đại. Khác với Hồ Xuân Hương, quyết liệt trong tinh thần phản kháng, Nguyễn Du là người nâng niu những cái hài hòa. Những cuộc hôn phối trên đây nói lên khả năng se duyên và khả năng hóa giải những nghịch lý của đời và của văn chương. Nguyễn Du đã không ngại ngần chọn lấy thể loại thơ ca truyền thống dân dã của Việt Nam là lục bát. Nguyễn Du đã nương theo những tư tưởng bắt nguồn từ xa xưa là Phật giáo và Nho giáo. Nguyễn Du rung động với những chúng sinh nhỏ bé gần gũi quanh mình. Nhà thơ đã chọn cái gần, cái quen thuộc. Nhưng điều ấy không làm ông đứng lại trong ao nhà chật hẹp, tù đọng.  Tính hiện đại trong tác phẩm Nguyễn Du là ở chỗ ông kinh qua trải nghiệm, bằng trải nghiệm, tác phẩm của ông chạm đến chỗ sâu nhất của lòng người,  đạt đến nơi cao nhất của sự huyền nhiệm, truyền được sức mạnh kỳ diệu của ngôn từ nghệ thuật. Tính hiện đại của Nguyễn Du còn ở chỗ ông xóa mờ các lằn ranh vốn có từ định kiến của đời và của văn chương.

Truyện Kiều là kết tinh kỳ diệu của văn hóa Việt Nam, trong dung hợp nhiều nền văn hóa khác. Dưới bàn tay của người nghệ sĩ vĩ đại Nguyễn Du, tác phẩm đã trở thành kính vạn hoa, mãi mãi làm người đọc mọi thời ngạc nhiên vì nó không ngừng nảy sinh những sắc màu mới mẻ.

Được như vậy bởi vì Nguyễn Du của chúng ta hội tụ trong mình nhiều tư chất: người phù thủy của ngôn từ, nhà tiên tri của tâm trạng, bậc giả kim của tư tưởng...

Nguồn: Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệĐHQG TP. HCMISSN: 1859-0128. 3-2016.

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Đình Kỵ (1971) Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  2. Phan Ngọc (2003) Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du qua Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (Lê Xuân Lít tuyển chọn, 2005) 200 trăm năm nghiên cứu và bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  4. Trần Đình Sử (2005) Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Huệ Chi, Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành. http://nguyendu.vn/nd.nsf/chi-tiet-nghien-cuu/tro-lai-cau-chuyen-so-sanh-kim-van-kieu-truyen-voi-truyen-kieu-cua-ong-dong-van-thanh.html, xem 10-7-2015.
  6. Zhao Yanqiu, Song Yaling (Phan Thu Vân dịch)   “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân: Kế thừa và biến đổi. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2355:kim-van-kiu-truyn-ca-nguyn-du-vi-kim-van-kiu-truyn-ca-thanh-tam-tai-nhan-k-tha-va-bin-i-&catid=121:ht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187  xem 12-7-2015.

------------------------------------------------------------------------------------

[1] Zhao Yanqiu,  Song Yaling (Phan Thu Vân dịch), Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân: Kế thừa và biến đổi: “Sau thành công vô cùng to lớn của Nguyễn bản, đã bắt đầu có hiện tượng dòng chảy ngược về thế giới Hán văn. Có không ít học giả Việt Nam và Trung Quốc tiến hành dịch bộ tiểu thuyết thơ này sang chữ Hán. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2355:kim-van-kiu-truyn-ca-nguyn-du-vi-kim-van-kiu-truyn-ca-thanh-tam-tai-nhan-k-tha-va-bin-i-&catid=121:ht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187,  dẫn nguồn 12-7-2015.

[2] “...sáng tác Thanh bản, thứ nhất, là sự hội tụ và trung hòa của các tác phẩm trước đó, chẳng hạn như cốt truyện, nhân vật và cả tình tiết được giữ lại; thứ hai, là sự khai thác và làm phong phú thêm các tác phẩm trước đó, cái khung tài tử giai nhân đã được đổi mới bằng cách thêm vào mô thức câu chuyện tình của người con gái phong trần và chàng trai cường đạo”. Zhao Yanqiu, Song Yaling (PhanThu Vân dịch)   “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân: Kế thừa và biến đổi. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2355:kim-van-kiu-truyn-ca-nguyn-du-vi-kim-van-kiu-truyn-ca-thanh-tam-tai-nhan-k-tha-va-bin-i-&catid=121:ht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187  dẫn nguồn 12-7-2015.

[3] Zhao Yanqiu, Song Yaling (PhanThu Vân dịch)   “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân: Kế thừa và biến đổi. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2355:kim-van-kiu-truyn-ca-nguyn-du-vi-kim-van-kiu-truyn-ca-thanh-tam-tai-nhan-k-tha-va-bin-i-&catid=121:ht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187  dẫn nguồn 12-7-2015.

[4] Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Độc Tiểu Thanh Ký)

[5] Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, 2003, tr.215.

[6] Sau thành công vô cùng to lớn của Nguyễn bản, đã bắt đầu có hiện tượng dòng chảy ngược về thế giới Hán văn. Có không ít học giả Việt Nam và Trung Quốc tiến hành dịch bộ tiểu thuyết thơ này sang chữ Hán.

[7] “Quan niệm tình yêu của Thanh Tâm Tài Nhân có phần phản nghịch, khẳng định bản năng tình dục của con người. Tình yêu nên là sự kết hợp của thể xác và tâm hồn, mới thật là tình yêu. Quan niệm tình yêu của Nguyễn Du lại bảo thủ, đòi hỏi sự trung trinh như nhất, không thoát khỏi vòng cương tỏa của hôn nhân, gia đình trong lễ giáo truyền thống”.

[8] “Cá tính nhân vật trong Thanh bản phù hợp hơn với xu hướng giải phóng tư tưởng ngầm chảy trong thời đại Minh Thanh, còn nhân vật trong Nguyễn bản hoàn toàn tuân thủ theo tư tưởng và lý tưởng phong kiến”.

6,7&8:  Zhao Yanqiu, Song Yaling (Phan Thu Vân dịch)   “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân: Kế thừa và biến đổi.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2355:kim-van-kiu-truyn-ca-nguyn-du-vi-kim-van-kiu-truyn-ca-thanh-tam-tai-nhan-k-tha-va-bin-i-&catid=121:ht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187  Dẫn nguồn 12-7-2015.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63661919
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5637
17595
63661919

Thành viên trực tuyến

Đang có 1205 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website