Thang gỗ, ngọc lan và vòm lá me già

Chuyến đi xa nhất của tôi năm 17 tuổi là cuộc “tự hành” trên chiếc xe đạp cũ từ quận 5 đến cánh cổng đại học Văn Khoa. Ngay từ thuở nhỏ, tôi vẫn thích nghĩ mái trường này là Văn Khoa, dẫu biết nơi đây đã bao lần đổi thay tên gọi. Tôi còn nhớ buổi sáng hôm ấy, trời Sài Gòn bất chợt nắng dịu nhẹ, gió thanh thanh. Vì bất ngờ được nghỉ tiết, vì niềm tò mò lẫn khát khao được nhìn ngắm không gian đại học mà tôi cùng hai cô bạn gái rủ nhau vòng vèo trên những con phố lạ để tìm đến Văn Khoa. Với đứa học trò lớp 11 còn nhiều ngây thơ khi ấy, khuôn viên trường rộng rãi, tán lá me xanh mát đến lạ. Những bậc thang gỗ u trầm mà đầy mời gọi, khiến bước chân vừa hồ hởi, phấn khích, vừa bỡ ngỡ, hồi hộp. Vòm ngọc lan lúc đó chừng như mênh mông hơn, vươn rủ cành nhánh rợp cả ban công, chỉ một cơn gió thoảng mà nghe miên man xào xạc.

Và tôi còn nhớ, khi đặt bàn tay nhỏ bé của mình lên cánh cửa gỗ Khoa Văn, gõ cốc cốc cốc rồi đẩy nhẹ, một cảm giác lạ kỳ ùa ngập vào tôi. Chừng như màu sắc, mùi hương, thanh âm, chừng như tất cả phong vị vừa rất mực gần gũi, vừa quá đỗi thiêng liêng của văn chương đượm vào tận sâu trong tôi. Một phong vị rất thanh, nhưng rất đậm. Để ngay từ giây phút ấy, tôi đã chọn cho mình con đường Văn Khoa.

Chỉ có chuyến “tự hành” ấy là đi tới Văn Khoa, còn từ sau đó cho đến, tôi nghĩ, cho đến tận cuối cuộc đời mình, mỗi lần đặt chân vào Văn Khoa, là một lần trở về. Bởi ai đã từng bước vào cánh cửa này, từng gắn bó những tháng ngày tuổi trẻ đầy mơ mộng với khung trời đại học của thơ ca, sẽ luôn thấy Văn Khoa là một mái nhà để trở về. Trở về, đặt bàn chân lên từng bậc thang gỗ, nghe những ngày xưa bước đi mà xôn xao. Trở về, chạm ngón tay vào một nụ ngọc lan vừa hé, thấy thấm thía một mùi hương thoang thoảng mà vương vít theo mình từ thuở tóc xanh. Trở về, ngồi dưới gốc me già, nghe lòng yên ả như một vòm lá mỏng dịu dàng, để thi thoảng giật mình vì một trái me rụng và “thả ước mơ đi hát dạo”[1]. Dẫu ngoài kia cuộc đời ngược xuôi lắm trần ai đến mấy, người Văn Khoa cứ trở về nhà xưa, về đứng dưới mái Văn Khoa, về ngồi trong lòng Văn Khoa, sẽ thấy lòng bình yên dung dị đến tràn đầy.

Những buổi sáng rỗi rãi và thanh thản, đứng trên ban công lầu hai, tựa mình vào khung lan can, thấy lòng mát rượi theo màu lá, tôi luôn nghe thấm thía một cảm giác rất xa xưa. Hình như, chốn trở về sâu xa nhất trong khung trời Văn Khoa là trở về với tận thời ca dao, cổ tích, trở về với gốc gác, nguồn cội, với thuở ban đầu của dân tộc. Người Khoa Văn yêu là yêu từ trái thị thơm nằm trong túi vải, yêu từ cái yếm thắm cô Tấm tìm cua bắt tép để đợi chờ, yêu từ chiếc giày nhỏ vô tình rớt xuống sông, yêu từ con cá bống thuở ngây thơ quẫy đuôi trong giếng. Và yêu dịu dàng như tiếng ân tình Tấm gọi con bống nhỏ: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”[2]. Nghìn năm sau, bống còn nhớ người, nghìn năm sau, bống còn quẫy đuôi mà gọi: “Bống bống bang bang, bống bống bang bang”[3].

Với gốc rễ sâu xa ấy, kỳ thực, người Văn Khoa trở về khi chưa bao giờ ra đi. Bởi vậy, tôi ngẫm ra, năm 17 tuổi, tôi tưởng mình đã lựa chọn không gian này, mái trường này, nhưng thực ra, tôi từng thuộc về nơi đây từ rất lâu rồi. Từ khi tôi biết cất tiếng gọi mẹ, gọi cha, biết cất tiếng gọi người mình yêu, từ khi tôi thuộc tên con phố nơi mình sinh ra và lớn lên, tên con sông chảy ngang nhà mình uốn lượn một niềm trong vắt, từ khi tôi biết ngâm nga câu lục bát đầu tiên của người nhà quê đất Việt. Người văn chương đi đâu cũng mang theo món của cải quý giá nhất, tinh túy nhất của dân tộc: tiếng Việt. Tiếng nước tôi ngàn năm nở trên môi, “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”[4], tiếng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du làm thơ, tiếng đa đoan Xuân Hương tự tình, tiếng nồng nàn Xuân Diệu rạo rực yêu đương trời đất. Tình yêu lớn lao và vẹn tròn đó đã làm nên một dáng diệu, một phong thái, một cốt cách, linh hồn Văn Khoa mà tôi cầu vọng mình may mắn có được.

Vì cái lẽ ấy, tôi biết mình chưa từng đi đâu cách xa nơi này.

Để bây giờ, tôi biết mình vẹn tròn hạnh phúc, khi được bước lên từng bậc thang gỗ, ướm vào dấu chân của bao thầy cô tôi, bạn bè tôi, học trò tôi để được dẫn lối đến một cuộc gặp gỡ với hương xanh ngọc lan, với mùi thơm nồng giấy cũ.

Rồi tôi biết mình đủ đầy thanh thản, khi những chiều hè yên vắng, ngồi dưới gốc me già, tựa lưng vào thân cây thâm nâu, nghe từng thớ vỏ thì thầm chuyện Văn Khoa thuở trước.

Và tôi đợi chờ để được giật mình vì một quả me rơi.

 


[1] Lời bài hát Về đây nghe em của nhạc sĩ Trần Quang Lộc

[2],3 Truyện cổ tích Tấm Cám

4  Lời bài hát Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63670515
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14233
17595
63670515

Thành viên trực tuyến

Đang có 654 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website