Chương trình dạy văn tại các trường đại học Việt Nam

(KHẢO SÁT TRONG PHẠM VI 4 TRƯỜNG: ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI, ĐH KHXH&NV HÀ NỘI,

ĐH SƯ PHẠM TP.HCM, ĐH KHXH&NV TP.HCM)

I.DẪN NHẬP

Vấn đề giáo dục đại học đang là một trong những vấn đề cấp bách, được xã hội quan tâm hiện nay. Làm sao để giáo dục đại học Việt Nam có những bước tiến tích cực, ngang tầm với các nền giáo dục khác trên thế giới là một câu hỏi lớn đòi hỏi các nhà nghiên cứu giáo dục, các giảng viên đại học, sinh viên và toàn xã hội đưa ra lời giải đáp.

 

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục của nước ta, chương trình dạy Văn ở các cấp đang được thay đổi dần để phù hợp với thực tiễn. Nằm trong xu thế ấy, việc dạy Văn ở Đại học cũng cần được xem xét, nhìn nhận lại để tìm ra những hướng đi mới. Trên thực tế, các trường đại học có đào tạo ngành Văn học ở Việt Nam đều có chương trình đào tạo riêng của mình. Chúng ta nên có cái nhìn tổng quan về các chương trình đào tạo đó, và so sánh để rút ra những ưu điểm trong mô hình đào tạo của từng trường. Từ đó, chúng ta có thể áp dụng vào việc xây dựng một chương trình dạy Văn tiến bộ, hiện đại.

Với mong muốn đó, chúng tôi tiến hành việc khảo sát chương trình dạy văn ở bậc Đại học (qua 4 trường đại học cụ thể) , nhằm góp phần nhìn nhận lại việc đào tạo cử nhân Văn chương ở nước ta và nêu ra một số kiến nghị của cá nhân chúng tôi.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát chương trình đào tạo Văn học của 4 trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Tp.HCM, ĐHKHXH&NV Hà Nội, ĐHKHXH&NV Tp.HCM. Đây là 4 trường có bề dày lịch sử và uy tín trong việc đào tạo Cử nhân Văn chương của nước ta. Do đó, chúng tôi lựa chọn như những chương trình tiêu biểu để khảo sát. Tuy nhiên, bốn trường này chỉ là những lát cắt để chúng ta có cái nhìn chung về việc dạy Văn ở đại học Việt Nam. Nếu có điều kiện, chúng ta nên mở rộng việc khảo sát chương trình dạy Văn ở các trường đại học khác trong cả nước.

II.                NỘI DUNG

1.                  Tổng quan về chương trình đào tạo ngành Văn học của 4 trường đại học trên

Nhìn chung, cả bốn trường đều có chương trình đào tạo gồm đủ các bộ môn Văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lý luận văn học, ngôn ngữ học, văn học dân gian. Các môn học được phân bố đan xen với nhau theo từng học kỳ nhằm bổ sung kiến thức cho nhau. Các môn Văn học Việt Nam và văn học nước ngoài được dạy theo trình tự từ cổ đại, trung đại đến hiện đại. Lý luận văn học ngoài phần nguyên lý chung còn có nhiều chuyên đề mở rộng về loại thể, thi pháp, tiến trình… Ngoài ra, chương trình đào tạo của cả bốn trường đều có những môn cung cấp kiến thức gần với chuyên ngành như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử văn minh phương Đông, Lịch sử văn minh phương Tây, Mỹ học đại cương… Lượng kiến thức và sự phân bố chương trình giảng dạy của các trường như thế là khá tương đồng và hiệu quả.

Bốn trường đại học trên có những nét giống nhau trong chương trình, nhưng xét về mục tiêu đào tạo thì có thể chia ra làm hai khối. Khối một gồm hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Tp.HCM, khối hai gồm hai trường ĐHKHXH&NV Hà Nội và ĐHKHXH&NV Tp.HCM. Khối sư phạm có mục tiêu là đào tạo đội ngũ cử nhân sư phạm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học. Đội ngũ này có đủ kỹ năng sư phạm, đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Khối xã hội nhân văn có mục tiêu đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu văn học và những lĩnh vực liên quan đến văn học (giảng dạy văn học ở các bậc học, hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông; theo dõi và quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật). Chính vì mục tiêu đào tạo như thế nên khối sư phạm chủ yếu rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên, còn khối xã hội nhân văn thì lại tập trung rèn luyện tư duy lý luận và khả năng nghiên cứu văn học. Từ đó, chương trình giảng dạy của hai khối trường cũng có một số điểm khác nhau.

 

 

2.                  Sự khác nhau trong chương trình đào tạo của bốn trường

Dưới đây, chúng tôi khảo sát sự khác nhau của 4 trường chủ yếu dựa vào hai tiêu chí là số lượng các môn học chuyên ngành và thời lượng của các môn học này.

Số lượng các môn học chuyên ngành của 4 trường (gồm cả môn bắt buộc và các chuyên đề tự chọn)

Tên trường

Số lượng môn học

Đại học Sư phạm Tp.HCM

38

ĐHKHXH&NV Tp.HCM

44

Đại học Sư phạm Hà Nội

35

ĐHKHXH&NV Hà Nội

46

Thời lượng chương trình phân bố theo bộ môn của 4 trường (Đơn vị: đơn vị  học  trình)

 

Sư phạm Hà Nội

Sư phạm Tp.HCM

ĐHKHXH&NV Hà Nội

ĐHKHXH&NV Tp.HCM

Văn học

dân gian

8

6

10

16

Văn học Việt Nam

38

24

29

26

Văn học nước ngoài

30

22

33

36

Lý luận

văn học

15

10

17

14

Ngôn ngữ học

17

25

9

12

Nghiệp vụ (sư phạm, báo chí…)

10

17

4

2

Tổng cộng

118

104

102

106

Qua bảng thống kê trên, ta có thể thấy rằng, đối với trường Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Tp. HCM, số đơn vị học trình dành cho bộ môn văn học Việt Nam nhiều hơn so với các bộ môn khác. Trong khi đó, ở hai trường ĐHKHXH&NV Hà Nội và Tp.HCM, thời lượng dành cho bộ môn văn học nước ngoài lại nhiều hơn. Chúng ta có thể lý giải điều này dựa vào mục tiêu đào tạo của hai khối trường. Các trường sư phạm chủ yếu dạy nhiều và sâu về văn học Việt Nam nhằm cung cấp đủ kiến thức để sinh viên ra trường giảng dạy chương trình phổ thông. Còn khối trường xã hội và nhân văn thì vươn đến một lượng kiến thức rộng về các nền văn học trên thế giới nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu văn học sau này của sinh viên.

Cũng như thế, số lượng thống kê trên cho thấy các trường xã hội nhân văn tập trung dạy lý luận văn học nhiều hơn so với các trường sư phạm. Vì những kiến thức lý luận văn học này sẽ là công cụ cần thiết trong nghiên cứu văn học.

Đối với bộ môn ngôn ngữ học, các trường sư phạm lại dành nhiều đơn vị học trình hơn các trường xã hội nhân văn. Kiến thức có được từ bộ môn ngôn ngữ học sẽ giúp ích rất nhiều cho các cử nhân sư phạm khi giảng dạy bộ môn Tiếng Việt, Ngữ pháp tại các trường phổ thông.

Còn việc đào tạo các môn nghiệp vụ ở 4 trường, ta cũng thấy nhiều điểm khác biệt. Các trường sư phạm chú ý dạy nhiều về nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ giảng dạy. Còn các trường xã hội nhân văn có dạy về nghiệp vụ sư phạm hoặc nghiệp vụ báo chí nhưng đơn vị học trình dành cho các môn này lại rất ít so với tổng số đơn vị học trình. Theo chúng tôi, đây là vấn đề cần xem xét lại ở các trường xã hội nhân văn.

Chúng ta có thể thấy rõ hơn sự tương quan giữa các bộ môn trong chương trình đào tạo của từng trường qua biểu đồ dưới đây:

 

 

Qua các biểu đồ trên, ta có thể thấy sự phân bố chương trình của các trường sư phạm khá cân đối giữa các bộ môn. Trong khi đó, các trường xã hội và nhân văn, sự phân bố giữa các bộ môn lại có phần chênh lệch, nhất là giữa các môn nghiệp vụ so với các môn khác. Chúng tôi nghĩ rằng các trường xã hội nhân văn nên tăng cường các môn nghiệp vụ để chương trình cân đối hơn.

Xem xét kỹ các môn học giữa các trường, chúng tôi cũng nhận thấy sự khác biệt. Các trường sư phạm giảng dạy các môn thuộc phần cứng nhiều hơn, chẳng hạn như các môn Văn học Việt Nam các thời kỳ, các môn lý luận văn học… Và  nếu có dạy văn học phương Tây thì các trường này cũng dạy chung theo thời kỳ chứ không dạy riêng từng nước. Trong khi đó, các trường xã hội nhân văn lại dạy nhiều môn mới lạ, tách riêng từng nền văn học lớn, chẳng hạn như Văn học Nhật Bản, văn học Anh, văn học Pháp (ĐHKHXH&NV TP.HCM), Văn học Bắc Mỹ- Mỹ Latinh (ĐHKHXH&NV HN). Cách dạy riêng và chuyên sâu vào từng nền văn học lớn thế này cho thấy xu hướng đi tìm kiến thức linh động, mềm mại, cố gắng thoát khỏi chương trình truyền thống. Có thể do tính chất đào tạo thiên về nghiên cứu, nên việc cung cấp sâu hơn kiến thức về văn học thế giới của hai trường Khoa học xã hội & nhân văn như thế là tất yếu. Chúng tôi nghĩ rằng, việc tăng cường các môn thuộc phần mềm của hai trường này là một hướng đào tạo tích cực, cần được phát huy nhiều hơn nữa.

So với chương trình văn phổ thông, rõ ràng chương trình dạy văn ở bậc đại học đã chứng tỏ một bước đào tạo chuyên sâu và hiệu quả. Kiến thức văn học của chương trình phổ thông đã tạo nền tảng để sinh viên tiếp thu chương trình đại học. Và chương trình đào tạo văn ở đại học đã tiếp nối được chương trình phổ thông và đào tạo ra được những cử nhân có chuyên môn văn học.

 

3.                  Một số đề xuất đối với chương trình dạy văn ở bậc đại học

3.1 Cùng với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thì chương trình đào tạo là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên trên thực tế, chương trình đào tạo ở một số trường đại học lại chưa được quan tâm đúng mức. Có những trường, chương trình đào tạo chưa được cập nhật, có nhiều môn mà kiến thức không còn phù hợp với thời đại mới. Chúng tôi cho rằng hội đồng khoa học của khoa cùng với các giảng viên thường xuyên đưa ra bàn bạc, thảo luận để xây dựng một chương trình đào tạo cập nhật và hiện đại hơn. 

3.2 Khi đã xây dựng thành công một chương trình đào tạo chuẩn thì chúng ta nên nhân rộng chương trình đó ở các trường đại học khác. Như thế, các trường sẽ học được những ưu điểm của trường bạn để ứng dụng vào thực tế của trường mình.

3.3 Trong chương trình đào tạo của các trường, chúng tôi nghĩ nên giảm bớt lượng kiến thức lý thuyết mà tăng các giờ học thực hành, thực tập thực tế. Chương trình hiện nay đang dành rất nhiều thời gian cho văn học cổ điển mà rất ít nhắc tới văn học đương đại, vì thế sinh viên rất lạ lẫm với tình hình văn học hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng, chương trình nên hướng sinh viên tới những trào lưu, những sự kiện văn học hiện đại đang diễn ra trong nước và trên thế giới.

 3.4 Riêng đối với các trường khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi có kiến nghị như sau. Vì sinh viên của các trường này sau khi tốt nghiệp thường công tác tại rất nhiều lĩnh vực có liên quan tới văn học như nghiên cứu văn học, báo chí, xuất bản, giảng dạy văn học… nên trong chương trình đào tạo, các trường nên có những môn nghiệp vụ thích hợp để chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Có thể, sau 2 năm học đại cương, các trường sẽ cho sinh viên đăng ký ngành học mà mình thích và dự định sau này sẽ làm việc. Theo đó, chương trình đào tạo sẽ có những môn nghiệp vụ phù hợp với thiên hướng của sinh viên. Ngoài việc học những môn cung cấp kiến thức chuyên ngành, sinh viên sẽ học các môn học nghiệp vụ này và sẽ thực tập thực tế theo ngành mình đã lựa chọn tại các cơ quan báo, đài, nhà xuất bản, trường học… Nếu chương trình đào tạo điều chỉnh như thế, sinh viên khi ra trường sẽ dễ tìm được việc làm và cũng không bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc.

3.5 Chúng tôi nghĩ rằng, trong quá trình xây dựng chương trình, chúng ta nên tìm hiểu chương trình dạy văn ở các trường đại học trên thế giới. Qua đó, chúng ta có thể học được cách đào tạo hiện đại của họ để áp dụng vào chương trình của chúng ta.

 

4. Kết luận

Qua việc khảo sát chương trình dạy văn ở các trường đại học trên, chúng tôi nhận thấy rằng các trường có nhiều điểm tương đồng, đồng thời tùy theo mục tiêu đào tạo mà có những điểm khác nhau. Những khảo sát này là bước đầu nhìn lại chương trình dạy văn ở đại học Việt Nam. Chúng tôi hi vọng từ đây, sẽ có nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này để trong tương lai gần, các trường đại học sẽ có một chương trình dạy văn tốt hơn.


Ngô Trà Mi - Lê Ngọc Phương: Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website