Trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là tác gia quan trọng với hai tác phẩm đọc chính là Lục Vân Tiên (đoạn trích) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Nguyễn Đình Chiểu là tác gia văn học quan trọng của giai đoạn hạ kỳ trung đại, đặc biệt là ở miền Nam. Khi dạy Nguyễn Đình Chiểu, giáo viên thường vấp phải một số khó khăn là làm sao cho học trò thích thơ ông, hiểu tư tưởng của ông.
Học trò thường không thích học bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc vì các lý do sau đây:
- Nếu học Nguyễn Đình Chiểu, thường học trò chọn và thích học Lục Vân Tiênhơn, lý do khá dễ hiểu, dù sao Lục Vân Tiên là tác phẩm thuộc đề tài tài tử-giai nhân, nói theo ngôn ngữ ngày nay là cũng có hơi hướm “ngôn tình” kiểu anh hùng cứu mỹ nhân; Lục Vân Tiên giỏi võ, lại rất nghĩa khí, không lụy tình, không “mê gái” (Nguyệt Nga đẹp vậy mà can “khoan khoan ngồi đó chớ ra…” nữa là)… Cũng vì những lý do này mà Lục Vân Tiên rất gần gũi với người đọc bình dân Nam bộ.
- Thể loại văn tế khá xa lạ với học sinh, thể phú Đường luật lại càng xa lạ.
- Nhiều từ cổ, từ địa phương (phương ngữ Nam bộ)
- Nội dung bài văn tế xa lạ với học trò, vì hoàn cảnh ra đời của bài tế là thời Pháp thuộc, bài xích văn minh phương Tây, chiến tranh,… thường học trò không thích và không hiểu.
Vậy dạy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc sao cho lôi cuốn, cho học trò hiểu được tinh thần của bài văn tế ra đời cách đây hơn trăm năm?
Tôi cho rằng đã đến lúc cần xem lại các phương pháp giảng dạy khuôn mẫu, kiểu như phải làm các câu hỏi đọc hiểu, có trò chơi ở đầu bài và cuối bài, tích hợp một cách máy móc… Dĩ nhiên các phương pháp mới là cần thiết, nhưng phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh và môi trường cũng như chất lượng của từng đối tượng học sinh. Mà, chất liệu quan trọng nhất ở đây, là người dạy phải thật sự thích, cảm và tâm huyết với bài văn tế thì mới có thể truyền đạt cho học trò được.
Với bài văn tế này, tôi đã xem qua rất nhiều giáo án, có nhiều bài hướng dẫn khá sát với hình thức và nội dung bài văn tế (4 phần: lung khởi, thích thực, ai vãn và kết- nhà nghiên cứu Đào Nguyên Tụ), có bài đi theo hướng văn hóa (Lại Thị Thương),… đều là những cách thức phân tích tác phẩm thuyết phục, có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Chung quy mình nghĩ thầy cô cần truyền những cảm hứng sau đây đến học trò là được, không cần phải giảng dạy tỉ mỉ quá, mất cả mạch cảm xúc.
1. Nhấn mạnh đến tính lịch sử và hoàn cảnh ra đời của bài văn tế: ra đời năm 1861, thời Pháp thuộc, giai đoạn đau thương nhưng oai hùng trong lịch sử dân tộc, hàng loạt những cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra nhất là ở Nam bộ, những năm sau đó, hòa ước Nhâm Tuất (1862) và hòa ước Giáp Tuất (1874) giao 6 tỉnh miền Tây (Nam kỳ lục tỉnh) cho Pháp. Giải thích như vậy để dẫn đến những phân tích phía sau.
2. Phân tích từ “nghĩa sĩ” trong tựa bài, tại sao lại không là “chiến sĩ”, “nghĩa quân”, “quân sĩ”,… mà là “nghĩa sĩ”? Nhấn mạnh tính “nghĩa khí”, “nghĩa tình”, mà lại là “sĩ” chứ không phải “quân”, “quân” là có tập hợp, có tổ chức, như kiểu quân đội, còn “nghĩa sĩ” ở đây là Nguyễn Đình Chiểu muốn nhấn mạnh đến một tính chất lâu đời của con người Nam bộ, nghĩa khí, có tình có nghĩa, hành xử kiểu “giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha” của Lục Vân Tiên chứ không hẳn là phải có tổ chức.
3. Lần đầu tiên người dân thường được bước vào “văn tế”: ý này rất quan trọng (trước đây văn tế chỉ dành cho các nhân vật anh hùng, vua chúa, quan lại,…), từ đó nhấn mạnh đến sự vượt thoát và tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời nhất quán với tư tưởng “thương dân” tức là “yêu nước” của ông (khác với “trung quân ái quốc” trước kia). Nhấn mạnh tính tự giác, tự ý thức về nguy cơ xâm lược của người nông dân khiến họ cầm tất cả những gì mình có trong tay chống lại giặc Pháp trong một tương quan rất rõ mạnh-yếu, biết mình thua mà vẫn đánh, đó mới là quyết liệt. Đánh trong tâm thế không còn gì để mất, không suy nghĩ được-thua, đánh vì chân lý của một đất nước nhỏ yếu bị xâm lược. Giáo viên có thể liêm hệ đến “ý thức công dân” chỗ này để học sinh có thể suy gẫm đến đương đại: liệu trước những sự việc nguy hại đến nước nhà, đến dân tộc, cá nhân chúng ta có hành động gì không?
4. Khi phân tích những hành động “bài Pháp” trong bài văn tế, người dạy cần liên hệ đến hoàn cảnh lịch sử. Thái độ của Nguyễn Đình Chiểu có phải là đi ngược lại văn minh và sự phát triển của nhân loại không? Những suy nghĩ căm ghét, không chịu hàng Pháp, khi nhìn thấy văn minh Pháp,… là phù hợp với tâm lý người dân lúc đó. Cũng có thể liên hệ luôn giống như bây giờ mình bài xích hàng Tàu, muốn “thoát Trung” vì yêu nước.
5. Nhấn mạnh đến tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu dành cho người dân Nam bộ. Mặc dù sinh ra ở Sài Gòn nhưng giai đoạn cuối đời ông sống ở nông thôn, gần gũi với họ, hiểu họ, yêu họ. Ông miêu tả những người nông dân trong tác phẩm vừa gần gũi, đời thường, dung dị, đáng yêu, vừa kiên trung, bất khuất, giữ vẹn chữ nghĩa tình (những điểm này cần có ví dụ minh họa lấy từ trong bài).
6. Chỉ ra sự thú vị, độc đáo của kho từ vựng Nam bộ, điều vừa là điểm mạnh của Nguyễn Đình Chiểu, cũng lại là điểm làm cho ông không phổ biến ở các địa phương khác được. Khuyến khích học sinh đọc Hồ Biểu Chánh, đọc Lê Hoàng Mưu với lớp từ Nam bộ, từ cổ dày đặc trong đó; gợi mở cho học sinh sáng tác theo lối viết phú kiểu biền ngẫu.
Để khuyến khích học trò hiểu về lớp từ Nam bộ xưa, có thể cho học trò liệt kê những từ, cụm từ không hiểu, tìm từ đồng nghĩa hiện đại, hoặc giải thích. Cho học trò thử viết một đoạn văn theo kiểu xưa xem thế nào.
Ví dụ: Đây là thư mời họp lớp, viết theo từ vựng ngày xưa sẽ viết thế này: “Nay hội chiêu dụ cho nhơn dân lớp 11A ai nấy được hay về sự việc tên là “Cánh đồng xanh” vậy. Y theo những lẽ mà chúng tôi đã đánh dây thép cho quý vị thì tại đây sẽ vui mừng mà xảy ra sự tổ chức buổi tiệc long trọng. Ngoài trao thưởng, còn có các tiết mục hát ca từ các ca sĩ từ mọi nẻo đàng tập hợp về đây mà cùng làm sự ấy… Hễ ai đụng việc khác mà không đến góp vui thì âu cũng là một sự đáng tiếc vậy…”
Đại khái với những ví dụ gần gũi như vậy để các em hiểu tiếng Việt đã thay đổi qua nhiều thời kỳ như thế nào về từ vựng, về ngữ pháp…
Dạy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thành công là khi học trò đạt được “chuẩn đầu ra”: yêu tính cách, nghĩa khí người Nam bộ, hiểu thêm về nhà thơ lớn đại diện cho miền Nam, hiểu được hoàn cảnh lịch sử và vận dụng cho hiện tại, có ý muốn yêu thích và tìm hiểu về từ ngữ, phương ngữ Nam bộ…
Trần Lê Hoa Tranh
Nguồn: Giáo dục và Thời đại, ngày 6.11.2018.