Vĩnh biệt thầy Mai Cao Chương!

Tin thầy Mai Cao Chương ra đi khi chúng tôi sắp sửa kỷ niệm 30 năm ngày trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP HCM khiến ai nấy đều bàng hoàng, thương tiếc.

Trong ký ức tôi, từ khi còn là sinh viên cho tới hôm nay, hình ảnh thầy không bao giờ thay đổi.

Thầy dạy chúng tôi môn Văn học Việt Nam cổ trung đại (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII). Kiến thức thầy bao la, tính thầy thật hiền và giọng thầy thật ấm, từ tốn, nhất là đọc thơ. Chúng tôi nhớ mãi giọng thầy ngâm bài "Ô Y hạng" của Lưu Vũ Tích, lúc đó, mắt thầy mơ màng nhìn lên trần giảng đường và nhẹ giọng ngâm, không gian lớp học tự nhiên rất "trung đại" và rất cổ kính. Có một năm vào bệnh viện thăm thầy, khi hỏi thầy còn nhớ bài thơ này không, thầy cười sang sảng bảo sao không nhớ!

20101108

Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn và tác giả (bìa trái) đến thăm chúc Tết GS Mai Cao Chương năm 2017 (ảnh tác giả cung cấp)

Thầy dạy không "máu lửa", không lên bổng xuống trầm nhưng bài dạy của thầy rất hệ thống, rất chi tiết và thầy dạy rất tận tâm. Lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy được học với những thầy thuộc hàng "cây đa cây đề": Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Khuê, Hoàng Thiệu Khang, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Lộc… và tất nhiên cả thầy Mai Cao Chương. Ngày đó, có lẽ chúng tôi chưa ý thức về những "đặc ân" đó, nhưng bây giờ khi nói lại với sinh viên, tôi thường nuối tiếc bảo các bạn ấy rằng được học với các thầy là một sự "bảo chứng" chắc chắn về kiến thức, về nền tảng văn học mà tôi có được ngày hôm nay.

Khi trở thành giảng viên của Khoa Ngữ Văn, tiếp tục gắn bó với các thầy suốt thời gian qua, có lẽ tôi chưa từng thấy một người thầy nào hiền như thầy Mai Cao Chương. Thầy như một "ông Phật" của Khoa Ngữ văn. Thầy hiền từ giọng nói đều đều, từ dáng đi khoan thai, từ điệu cười tự nhiên sảng khoái, từ tính tình ôn nhu hòa ái, không bao giờ trách mắng ai, giận ai… Tôi được học cao học với thầy, hai lần hội đồng tiến sĩ của tôi đều có thầy tham gia, góp ý tận tình, giơ cao đánh khẽ.

Thầy sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị. Kể cả lúc thầy vào bệnh viện, tôi cũng chưa bao giờ thấy thầy thiếu vắng nụ cười lạc quan.

Từ Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Đại học Tổng hợp TP HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), thầy làm trưởng khoa từ năm 1978 đến năm 1990, có thể nói thầy là vị Trưởng Khoa lâu năm nhất của Khoa Ngữ văn. Chuyên môn của thầy là về văn học Việt Nam cổ trung đại. Ngày xưa, khi học đại học và sau này thi cao học, thi nghiên cứu sinh, cuốn sách "gối đầu giường" của tôi về văn học Việt Nam là cuốn "Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII" thầy viết chung với thầy Đinh Gia Khánh, thầy Bùi Duy Tân (NXB ĐH&THCN, 1978). Ngoài ra, thầy còn có một số đầu sách khác, trong đó có cuốn sách các cựu sinh viên in riêng tặng thầy.

Nhiều sinh viên được thầy hướng dẫn làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ đã trở thành những học giả nổi tiếng.

Thương nhớ thầy, chúng tôi nhớ mãi tấm gương mà thầy để lại. Đó là làm một người thầy tốt, tận tâm, trong sạch, hết lòng vì học trò, một nhà nghiên cứu miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc. Mong thầy yên nghỉ!

Giáo sư Mai Cao Chương sinh năm 1930 tại làng Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 6-11, do tuổi cao, sức yếu. Linh cữu GS Mai Cao Chương quàn tại tư gia, số 28/22/2 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM. Lễ viếng từ 19 giờ ngày 6-11. Lễ di quan lúc 7 giờ ngày 8 -11. Hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP HCM).

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Báo Người lao động, ngày 07.11.2020.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63663289
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7007
17595
63663289

Thành viên trực tuyến

Đang có 710 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website