Tầm quan trọng của giáo dục cảm xúc trong môn Ngữ văn qua một số ngữ liệu của văn học Việt Nam cho cấp phổ thông

Giáo dục cảm xúc là một trong những mục tiêu cần thiết của nền giáo dục tiên tiến. Cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục và hòa nhập xã hội của một cá nhân. Việc phát hiện ra những văn bản và ngữ cảnh của văn bản có tác dụng giáo dục cảm xúc là điều các nhà soạn sách giáo khoa và các thầy cô giáo cần quan tâm. Môn Ngữ văn là môn học quan trọng bậc nhất trong việc giúp người học đắp bồi những cảm xúc tích cực, hòa giải những cảm xúc tiêu cực, hình thành những cảm xúc nhân văn, nhân ái như sự chia sẻ, lòng yêu thương, niềm trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm,…

Bài viết tập trung giới thiệu những nét chính về giáo dục cảm xúc trong môn Ngữ văn. Đưa ra môt số ngữ liệu tiêu biểu trong chương trình ngữ văn phổ thông để làm ví dụ minh họa. Từ đó thầy cô giáo có cơ sở chọn lựa các ngữ liệu khác phù hợp.

1. Lý thuyết về giáo dục cảm xúc thông qua tác phẩm văn chương

Chỉ cần tra từ khóa “giáo dục cảm xúc” (emotional education/emotional learning), chúng ta sẽ thấy thế giới nghiên cứu vấn đề này từ lâu, và ở Việt Nam không phải là không có người quan tâm. Giáo dục cảm xúc đi liền với giáo dục xã hội (social and emotional learning – SEL). Từ xưa đến nay, người ta thường chỉ chú ý đến IQ (chỉ số thông minh) và xem nó như là thước đo quan trọng. Còn Howard Gardner trong Frame of Mind: The Theory of Multiple Intelligences đã chỉ ra tầm quan trọng của giáo dục toàn diện. Là một nhà tâm lý học, ông cho rằng trí tuệ có rất nhiều loại, và trong giáo dục hiện đại, cần giúp trẻ em tiếp cận một cách đa dạng nhiều loại trí tuệ. Ông đưa ra nhiều loại trí tuệ khác nhau: trí tuệ ngôn ngữ, trí tuệ toán logic, trí tuệ âm nhạc, trí tuệ không gian, trí tuệ cơ thể, trí tuệ cá nhân (với hai dạng, một là hướng nội, hai là hướng ngoại), v. v. Trong đó trí tuệ cá nhân có liên quan chặt chẽ đến cảm xúc.Việc giáo dục cảm xúc trong giáo dục xã hội thậm chí còn trở thành một kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21, khi mà trong báo cáo của WHO (tổ chức y tế thế giới) năm 2015 cho rằng những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng.

Giáo dục cảm xúc được chú ý từ cấp mẫu giáo cho đến hết trung học, và các lý thuyết chung được giới thiệu trong một cuốn sách căn bản là Emotional Intelligence Why It Can Matter More Than IQ của Daniel Goleman. Tác giả lý giải tại sao trí thông minh về mặt cảm xúc lại còn quan trọng hơn cả trí tuệ (IQ), và từ đó, việc dạy về cảm xúc trong nhà trường là rất quan trọng (emotional learning). Ví dụ, ở Hoa Kỳ việc giáo dục cảm xúc ở những năm đầu tiểu học, học sinh học cách nhận biết và gọi tên chính xác cảm xúc của họ và điều khiển chúng như thế nào. Năm cuối tiểu học là những bài học về sự cảm thông với cảm xúc người khác. Ở trung học cơ sở, học sinh sẽ học cách phân tích nguyên nhân gây ra stress (căng thẳng) và cách thức vượt qua. Ở trung học phổ thông, việc dạy kỹ năng cảm xúc sẽ bao gồm việc lắng nghe và nói chuyện về cách thức giải quyết xung đột thay vì để nó leo thang và ảnh hưởng, cách thức thương thuyết để ra một giải pháp hai bên cùng có lợi.

Trên thế giới, Singapore là quốc gia đã có những đột phá trong việc giảng dạy về cảm xúc. Một số trường học tại Malaysia, HongKong, Nhật và Hàn Quốc cũng vậy. Đó là chưa kể sự phát triển của giáo dục cảm xúc tại Anh, New Zealand và Úc. Năm 2002, UNESCO bắt đầu một chiến dịch toàn cầu để phát triển việc giáo dục cảm xúc, một tuyên bố gồm 10 điều căn bản cho giáo dục cảm xúc đến 140 nước trên thế giới.

Giáo dục cảm xúc thông qua văn học nghệ thuật cũng được chú trọng từ rất sớm. Văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh thường được sử dụng như những liệu pháp điều trị các triệu chứng tâm lý, tâm thần. Ví dụ theo một khảo sát của sinh viên Y khoa, họ đã thử áp dụng cho các bệnh nhân tâm thần xem phim, đọc thơ trong hai giờ, các triệu chứng bất ổn và bạo lực giảm mạnh[1]. Hay ở cấp tiểu học, cha mẹ và giáo viên có thể sử dụng sách hình (picture books-phân biệt với truyện tranh, comic books) để giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ, ví dụ như sự cảm thông, tình bạn, giải quyết xung đột, đối diện với sự mất mát, sự sợ hãi, dạy về lòng dũng cảm, lòng tự trọng, v.v.[2]Trong nhà trường phổ thông, việc giảng dạy văn học nhằm mục đích giáo dục cảm xúc được áp dụng rất nhiều. Vì các nhà nghiên cứu cho rằng cảm xúc trong các tác phẩm truyện, thơ luôn đầy ắp[3]. Willie van Peer cũng chỉ ra rằng, trong tác phẩm văn học, nhân vật văn học cũng là những hình mẫu để giáo dục cảm xúc cho học sinh (tác giả lấy ví dụ Tội ác và trừng phạt của Dostoievsky). Thông qua những câu chuyện văn học, việc giáo dục cảm xúc và xã hội sẽ gia tăng sức khỏe tinh thần, giảm áp lực, giảm sự lo lắng, giảm trầm cảm cho học sinh, cải thiện năng lực học và hành vi trong lớp. Bằng ngôn ngữ, tác phẩm văn học cũng có khả năng miêu tả và diễn tả cảm xúc. Khi một học sinh phân tích cảm xúc của nhân vật văn học mà họ đọc, họ không chỉ hiểu sâu hơn về tác phẩm và còn có thể hiểu cảm xúc của chính họ tốt hơn, phong phú hơn, vì cảm xúc là đa dạng và khác nhau giữa mọi người.

Vì thế, khi dạy một tác phẩm văn học theo hướng giáo dục cảm xúc- xã hội, không nên đặt những câu hỏi theo kiểu truyền thống. Hãy quan tâm đến những câu hỏi tập trung vào cảm xúc. Ví dụ: những động từ như “em cảm thấy nhân vật X như thế nào, làm cách nào nhân vật kiểm soát được hành vi của mình, nhân vật cảm thấy thế nào về sự kiện A, B, C, nhân vật đã thể hiện cảm xúc ra sao? v.v.

Tác giả Tom McSheehy trong bài “Developing Social-Emotional Skills Through Literature” đã chỉ ra quá trình dạy một tiết học văn học hướng tới giáo dục cảm xúc như sau:

Trước khi đọc:

Sau khi học sinh chọn một tiểu thuyết hay truyện ngắn, hãy để học sinh xem trước văn bản bằng cách đọc lướt qua vài trang đầu tiên. Tập trung vài câu hỏi vào cảm xúc và khuyến khích học sinh trích dẫn dẫn chứng cho mỗi câu trả lời. Dưới đây là một số ví dụ:

– Dựa trên trang bìa, cảm xúc nào của nhân vật sẽ là mạnh mẽ nhất trong suốt câu chuyện? Hạnh phúc? Nỗi buồn? Lo sợ? Đau đớn? Yêu thương? Phẫn nộ?

– Bạn học được gì về trạng thái cảm xúc của các nhân vật bằng cách lướt qua vài trang đầu tiên?

Trong khi đọc:

Cứ đọc một đoạn, nên định kỳ tạm dừng và để học sinh nói hoặc viết về cảm xúc của các nhân vật.

– Bạn có thể xác định (các) cảm xúc mà nhân vật chính đang cảm nhận không?

– Sự kiện/nhiều sự kiện nào khiến anh ấy/cô ấy cảm thấy theo cách này?

– Cảm xúc này giống hoặc khác với cảm xúc trước đó của nhân vật chính trong câu chuyện không?

– Làm cách nào mà nhân vật chính bộc lộ cảm xúc của mình?

– Những cảm xúc này có được bộc lộ theo một cách lành mạnh và tích cực không?

Sau một vài buổi tập trung vào cảm xúc của nhân vật, hãy yêu cầu học sinh suy nghĩ về cảm xúc của chính họ.

Tạm dừng việc đọc của học sinh và hỏi:

– Bạn cảm thấy thế nào về những gì đang xảy ra trong câu chuyện? Tại sao bạn nghĩ bạn đang cảm thấy cảm xúc đó?

– Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh giống như nhân vật chính? Tại sao?

– Cảm xúc bạn đã thay đổi như thế nào trong suốt quá trình của câu chuyện?

Nếu đang đọc lớn câu chuyện cho cả lớp nghe, cũng có thể biểu hiện nhanh một cách trực tiếp về 6 cảm xúc chính: giơ tay nếu thấy hạnh phúc. Sau đó, giơ tay nếu thấy đang buồn. Và tiếp tục với những cảm xúc khác như giận dữ, sợ hãi, tổn thương, yêu thương, v.v. Sau đó, dành thời gian để học sinh giải thích những cảm xúc mà họ cảm thấy.

Sau khi đọc:

Sau khi học sinh kết thúc câu chuyện, hãy viết ra những gợi ý để học sinh suy ngẫm về sự phát triển cảm xúc của nhân vật cũng như của chính họ. Ví dụ như:

– Cảm xúc của nhân vật chính thay đổi như thế nào trong suốt câu chuyện? Dẫn chứng để chỉ ra sự phát triển đó.

– Những cảm xúc nào rõ nhất mà bạn thấy được sau khi đọc xong truyện? Tại sao lại cảm thấy như vậy?

– Bạn có nghĩ những độc giả khác sẽ cảm thấy những cảm xúc khác về kết thúc của câu chuyện không? Tại sao vậy?

Đặt những câu hỏi liên quan đến giáo dục cảm xúc-xã hội trong quá trình đọc sẽ làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hành động và cảm xúc trong đời thực và tác phẩm văn học. Các tác phẩm văn học chắc chắn mở ra cánh cửa cho việc giáo dục cảm xúc xã hội sâu sắc hơn. Dĩ nhiên cách ứng dụng của mỗi giáo viên trong lớp học của mình sẽ khác nhau. Quá trình trên chỉ là một gợi ý.

Sau đây là những gợi ý của chúng tôi khi dạy hai văn bản văn học Việt Nam hướng tới việc giáo dục cảm xúc.

2. Trường hợp Cuộc chia tay của những con búp bê cho chương trình ngữ văn cấp hai

Cuộc chia tay của những con búp bê là tác phẩm đã được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 7. Chúng tôi cho rằng đưa vào cấp lớp này là phù hợp nhưng nên ở lớp 8 hoặc lớp 9, vì với độ tuổi cấp hai, mục tiêu của giáo dục cảm xúc là giúp trẻ tìm hiểu những cảm xúc tiêu cực của bản thân và cách thức vượt qua trở ngại đó. Đừng lo ngại là câu chuyện quá buồn, không phù hợp với trẻ cấp hai.

Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài được đưa vào đầu chương trình lớp 7. Mở đầu câu chuyện là việc phân chia đồ chơi của Thành và Thủy, hai đứa trẻ. Tình cảm anh em của Thành và Thủy rất khắng khít, khi bố mẹ chia tay nhau, hai đứa trẻ cảm thấy bàng hoàng, đau đớn, không thiết một thứ gì, nhưng khi chia đồ chơi, chúng nhất quyết không chịu để cho hai con búp bê là Vệ sĩ và Em nhỏ xa nhau.

Câu chuyện dành cho trẻ lớp 7 nên khá đơn giản, tác giả không tập trung vào những chi tiết như: tại sao bố mẹ Thành và Thủy chia tay? Tại sao hai anh em lại không cùng theo mẹ hoặc theo bố? Rồi sau này hai anh em sẽ ra sao? Mạch truyện bám sát vào trọng tâm: cảm xúc của những đứa trẻ khi rơi vào tình trạng bố mẹ chia tay.

Khi dạy Cuộc chia tay của những con búp bê, người dạy cần chú ý những điểm gì?

– Nên bắt đầu bằng nhan đề của truyện. Và đây phải là câu hỏi đầu tiên (như trong chỉ dẫn mà chúng tôi đã dịch ở phía trên bài viết). Búp bê gắn với ký ức của tuổi thơ, là món đồ không thể thiếu của trẻ em, khi nói đến búp bê là nói đến niềm vui, hạnh phúc. Vậy khi nói cuộc chia tay của những con búp bê, có thể hiểu tình huống và dụng ý của tác giả.

– Các câu hỏi trong sách giáo khoa hiện nay chưa tập trung vào quá trình phát triển cảm xúc, chủ yếu vẫn là mô tả, diễn lại câu chuyện, ví dụ như: tóm tắt câu chuyện, hai anh em thân thiết nhau như thế nào? Câu chuyện được kể theo ngôi kể của ai? Ý nghĩa tên truyện? Chi tiết nào trong câu chuyện làm em cảm động nhất? Điều mà tác giả muốn nhắn nhủ là gì? Những câu hỏi này chưa bộc lộ thế mạnh của câu chuyện dưới góc độ giáo dục cảm xúc.

– Người dạy cần bám sát vào việc phân tích quá trình phát triển cảm xúc của hai đứa trẻ: Thành và Thủy gắn bó nhau như thế nào? Những chi tiết nào thể hiện điều đó? Khi biết tin bố mẹ chia tay, anh em mỗi người mỗi ngả thì phản ứng của hai anh em ra sao? Trong hai anh em, ai là người biểu hiện cảm xúc rõ nhất, những chi tiết nào? Và cuối cùng, hai anh em đã hành động như thế nào?

– Sau khi phân tích quá trình phát triển cảm xúc của hai đứa trẻ trong một cảnh ngộ đặc biệt, hướng học sinh quay về tìm hiểu cảm xúc của chính mình trong những cảm ngộ không như ý khác, không nhất thiết phải là cha mẹ chia tay, mà là bất cứ tình huống, cảm xúc nào học sinh thấy buồn bã, thất vọng, tuyệt vọng, đau khổ. Học sinh phân tích cảm xúc của chính mình, đồng thời người dạy cần giúp học sinh tìm ra cách giải quyết trong những tình huống gặp phải cảm xúc tiêu cực đó. Khi dạy truyện này, không nên xoáy vào nội dung câu chuyện và tình huống buồn bã mà câu chuyện chỉ ra, mà tình huống này chỉ là cái cớ để giáo viên triển khai ý đồ giáo dục cảm xúc cho học sinh, từ đó, học sinh nên làm gì, nên có thái độ như thế nào. Nói cho cùng, câu chuyện này được viết ra là để cho người lớn đọc.

– Vì thế, chúng tôi cho rằng, thông điệp mà câu chuyện đem lại không nên là: tổ ấm gia đình là thứ vô cùng quý giá, quan trọng, cha mẹ hay con cái không nên làm tổn thương đến tình cảm thiêng liêng và trong sáng đó. Đừng bao giờ để gia đình đổ vỡ, kéo theo sự chia tay đau đớn của trẻ em. Kết luận này không sai, nhưng không nên, trong tình huống giáo dục cảm xúc.

Khi phân tích quá trình phát triển cảm xúc của hai đứa trẻ, đừng quên phân tích cảm xúc của người mẹ trong câu chuyện (người bố được nhắc đến chỉ một dòng duy nhất). Người mẹ cũng đau khổ, cũng không mong muốn kết thúc này (giọng người mẹ khản đặc, cách thức giải quyết mất bình tĩnh). Phân tích như vậy để trẻ học cách quan sát cảm xúc người khác và thông cảm với hoàn cảnh người khác, nhất là người thân của mình.

– Cho trẻ học cách đóng vai (play role): nếu trẻ là một trong hai anh em, cảm xúc của trẻ sẽ như thế nào? Cách giải quyết ra sao? Việc học cách chấp nhận tình huống và tìm ra giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh bất lợi là một kỹ năng cần thiết để trẻ trưởng thành. Ví dụ: hai anh em bắt buộc phải xa nhau thì các em sẽ làm có cách nào để gặp nhau, để giữ liên lạc, để giúp người kia trong cuộc sống và học tập?…

-Đừng quên một câu quan trọng trong truyện: “mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. “Mặt trời vẫn mọc” là một quy luật, bài học mà chúng ta cần rút ra là học cách chấp nhận và làm cách nào sống tốt nhất có thể trong tình huống đó. Vì cuộc sống không phải màu hồng, cuộc chia tay không phải chỉ là của những con búp bê, mà còn là chia tay với tuổi thơ để trưởng thành, để sống cuộc sống với tất cả hương vị buồn, vui, hạnh phúc và đau khổ.

Trên đây là một số gợi ý khi dạy Cuộc chia tay của những con búp bê dưới góc độ giáo dục cảm xúc.

3. Trường hợp Hai đứa trẻ trong chương trình ngữ văn cấp ba

20250302 2

Hai đứa trẻ được dạy trong chương trình Ngữ văn 11. Truyện ngắn này không khó dạy, nhưng dạy cho hay, gắn với mục tiêu giáo dục cảm xúc, cho học sinh “thấu cảm” tác phẩm thì không dễ.

Như đã nói trên, mục tiêu của giáo dục cảm xúc cho học sinh lứa tuổi trung học phổ thông là biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu, học cách thương thuyết, giải quyết xung đột. Vì thế, cần phải tìm những ngữ liệu văn học đáp ứng mục tiêu trên. Hai đứa trẻ theo tôi là một ngữ liệu tốt và tiêu biểu.

Tôi từng hỏi học sinh có thích Hai đứa trẻ không, rất ít em nói thích, vì sao vậy? Vì Hai đứa trẻ là một truyện ngắn không có cốt truyện, giọng văn đều đều, khó lôi cuốn, chậm rãi, nội dung xa lạ, không liên quan với học trò thành phố,… Thầy cô có khả năng bám sát vào hai đặc điểm hiện thực và lãng mạn của truyện ngắn mà phân tích, nhất là nói đến số phận nghèo khổ và ước mơ đổi đời mơ hồ của hai đứa trẻ. Những điều này không sai, nhưng có lẽ còn thiếu, còn ít và còn đơn giản hóa khi nhìn Thạch Lam.

Khi đọc và khi phân tích cho học sinh, người dạy nên xoáy vào một số ý chính quan trọng mà mình phát hiện ra khi đọc tác phẩm. Nên khuyên học sinh phải “đọc” tác phẩm, đừng đọc các lời bình, các ghi nhớ. Sau khi đọc, các bạn ghi ra giấy những gì mình cảm nhận đã, rồi nếu cần, mới đọc các bài giảng, bài bình luận. Hãy tôn trọng và đi theo cảm xúc của chính mình khi đọc tác phẩm, đó mới là những gì quan trọng nhất trong quá trình đọc văn.

Dạy và đọc Hai đứa trẻ dưới góc độ giáo dục cảm xúc thì như thế nào?

Những luận điểm sau đây có thể phát triển cảm xúc của học sinh khi dạy Hai đứa trẻ:

1. Thạch Lam là người Hà Nội, có tấm lòng yêu mến Hà Nội một cách đặc biệt. Người dạy cần nhắc đến một số tác phẩm khác của Thạch Lam viết về Hà Nội đẹp, thơ, với những trầm tích văn hóa như Hà Nội 36 phố phường. Như vậy, mới hiểu hết khát khao của hai chị em Liên – An khi chờ đợi chuyến tàu “họ ở Hà Nội về!”. Hà Nội như một địa danh vừa thực, vừa ảo trong tâm trí của Liên – An, đó là ánh sáng của tuổi thơ, của khát khao tuổi trẻ, của cái đẹp đã mất, của ước vọng tương lai,… Từ đó, giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh về những kỷ niệm của các em về một vùng đất nào đó trong quá khứ đối với các em là vùng đất lý tưởng, vùng đất các em yêu mến. Cảm xúc tích cực về quê hương (nếu địa danh đó ở trong nước), về thế giới (nếu địa danh đó ở nước ngoài) sẽ giúp học sinh định hình thái độ và thế giới quan trong tương lai- điều cần thiết cho học sinh trung học phổ thông. Điều này quả đúng khi tôi hỏi một học sinh: các con muốn cô dạy gì khi học Hai đứa trẻ? Một em đã nói rằng: con muốn cô hỏi về một vùng đất nào đó mà tụi con đã từng đi qua để lại ấn tượng nhất?

2. Đoàn tàu là một nhân vật. Nhân vật quan trọng trong truyện ngắn không kém các nhân vật khác. Giữa câu chuyện không có cốt truyện, văn phong chậm rãi, hình ảnh đoàn tàu đi ngang vào giữa đêm chính là dấu mốc khơi gợi tất cả những cảm xúc của hai đứa trẻ. Từ việc chờ tàu, tàu đến, tàu đi, giáo viên để học sinh của mình ghi lại những biến chuyển cảm xúc của Liên (và An, nếu cần), ghi lại cả những miêu tả tinh tế của Thạch Lam về thời gian, từ buổi chiều tà đến đêm tối. Hướng dẫn học sinh học cách quan sát thiên nhiên, quan sát nội tâm của chính mình. Một trong những yêu cầu của việc kiểm soát cảm xúc bản thân là cần soi rọi và nhìn rõ bản thân.

3. Song song với một số bài văn trong chương trình giai đoạn này, học sinh còn được học thao tác lập luận so sánh. Với Hai đứa trẻ, chúng ta có thể so sánh với Ôi, Hương tuyết của nhà văn Thiết Ngưng. Những ai quan tâm đến văn học Trung Quốc không thể không biết đến Thiết Ngưng và truyện ngắn khá giống với Hai đứa trẻ. Cũng là miêu tả thân phận những em bé ở các phố huyện xa xôi, khao khát ánh sáng văn minh. Hoặc, có thể so sánh với bút pháp của Nam Cao, cùng hướng đến những người cùng khổ, nhưng ngòi bút Nam Cao sắc lạnh, cay độc, có chút gì đó nhẫn tâm, trong khi Thạch Lam thì lại xót xa, khẽ khàng, thông cảm. Nam Cao hướng đến sự tha hóa, hoàn cảnh làm bần cùng hóa con người, còn Thạch Lam thì tìm kiếm những nét đẹp ẩn khuất trong tâm hồn con người. Thạch Lam khá giống với Thẩm Tòng Văn của Trung Quốc. Nếu ai đã đọc Biên thành của Thẩm Tòng Văn sẽ thấy điều này.

4. Câu hỏi cuối cùng mà người dạy có thể đặt ra cho học sinh khi học bài này là: nếu các em đã từng đi du lịch bằng tàu hỏa hay xe hơi, đi ngang qua những vùng quê hẻo lánh, xa xôi, nhìn những đứa trẻ ngơ ngác, lam lũ ở những vùng quê đó, cảm giác các em thế nào? Có phải những truyện ngắn như Hai đứa trẻ giúp các em hình dung rõ hơn về tâm trạng và cảnh đời của những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không? Các em sẽ hiểu những khao khát đổi đời, động lực vươn lên của các em ấy. Các em sẽ hiểu mỗi con người đều có những mơ ước thầm kín mà mãnh liệt muốn vươn tới thế giới văn minh (có thể sau này họ sẽ vỡ mộng đấy, biết đâu!), nhưng thế giới đó là động lực để họ tồn tại và tiếp tục sống, phấn đấu. Câu chuyện sẽ đem lại một tác dụng xa hơn là sự thấu hiểu và thông cảm với người khác.

Từng đó điều cũng khiến Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một ví dụ thật xứng đáng cho chương trình Ngữ văn trong việc hình thành và phát triển những cảm xúc tích cực đối với học sinh: sự cảm thông, lòng trắc ẩn, ý thức soi chiếu nội tâm chính mình, và trên hết, là lòng nhân ái giữa người và người.

Và những gợi ý về giáo dục cảm xúc thông qua hai ngữ liệu trên đây chắc cũng giúp các giáo viên tìm kiếm thêm nhiều ngữ liệu khác.

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Khoa Văn học (2024). Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM, tr.115-123.

______________________

Tài liệu tham khảo:

  1. Susan Elswick. (2018). Using Picture Books to Enhance Children’s Social and Emotional Literacy, Jessica Kingsley Publishers, London and Philadelphia.
  2. Howard Gardner. Frame of Mind: The Theory of Multiple Intelligences, Basic Books, New York. Library of Congress Cataloging-in- Publication Data.
  3. Christina Gil. “Teach Empathy with Literature”: https://www.edutopia.org/discussion/teach-empathy-literature
  4. Daniel Goleman. (2005). Emotional Intelligence Why It Can Matter More Than IQ, Bantam Books.
  5. Phạm Phương Hoài. “Giáo dục trí tuệ cảm xúc trong giờ dạy học văn như thế nào?”, Báo Giáo dục & Thời đại 25/8/2018
  6. Tom McSheehy. “Developing Social-Emotional Skills Through Literature”: https://k12.thoughtfullearning.com/blogpost/developing-social-emotional-skills-through-literature
  7. Lenahan Patracia, Shapiro Johanna. “Facilitating the emotional education of medical students: using literature and film in training about intimate partner violence”: https://cloudfront.escholarship.org/dist/prd/content/qt4q22x6wf/qt4q22x6wf.pdf
  8. Willie van Peer. (1994) “Emotional Functions of Reading Literature”, trong cuốn Literature and the New Interdisciplinarity: Poetics, Linguistics, History, Roger D.Sell và Peter Verdonk biên tập, Rodopi, Amsterdam, Atlanta, GA.
  9. Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1. NXB Giáo dục Việt Nam 2014.
  10. Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2014.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

65771091
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9711
17313
65771091

Thành viên trực tuyến

Đang có 380 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website