Vài nét phác họa về tư tưởng của bốn nhà nữ quyền tiên phong

20170709. Mary Wollstonecraft

Ảnh: Marry Wollstonecraft – Nhà nữ quyền đầu tiên

Từ sự xuất hiện của nhà nữ quyền đầu tiên Marry Wollstonecraft vào cuối thế kỷ XVIII cho đến nay, tư tưởng nữ quyền đã có những bước phát triển lớn lao. Bài viết này mong muốn giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của bốn nhà nữ quyền tiên phong trong lịch sử nữ quyền của nhân loại: Marry Wollstonecraft với tư tưởng nữ quyền tự do, Virginia Woolf với khát vọng của người phụ nữ viết văn, Simone de Beauvoir với những kiến giải rộng lớn và sâu sắc về sự hiện hữu của người phụ nữ trong xã hội và Hélène Cixous với sự đào sâu vào mối quan hệ giữa giới và ngôn ngữ, tiến đến hình thành nên diễn ngôn riêng của nữ giới.

 1. Marry Wollstonecraft – Nhà nữ quyền đầu tiên

Marry Wollstonecraft sinh vào ngày 27-4-1759 và mất vào ngày 10-9-1797 do cơn biến chứng khi sinh con ở tuổi 38. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà triết học nữ của nước Anh này không đo bằng chiều dài thời gian mà bằng giá trị của tư tưởng và hoạt động văn học. Với lịch sử phong trào đấu tranh nữ quyền của nhân loại, bà được mệnh danh là “nhà nữ quyền đầu tiên”, là “tổ mẫu” của tư tưởng nữ quyền. Ý thức về quyền của phụ nữ, của một nửa nhân loại suốt bao thế kỷ bị lãng quên và chối từ, đã được Wollstonecraft khơi dậy từ tác phẩm nổi tiếng Một biện minh cho quyền của phụ nữ. Đây là cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết nữ quyền, là những trang viết đầu tiên con người phải chạm đến khi muốn tìm hiểu lịch sử tư tưởng nữ quyền.

Bên cạnh đó, cuộc sống đời tư nhiều bất trắc của Marry Wollstonecraft cũng thu hút sự quan tâm của dư luận ngang bằng với các tác phẩm của bà. Hai cuộc hôn nhân tan vỡ và lần kết hôn thứ ba với triết gia William Godman, một trong những người khai sinh phong trào vô chính phủ ở Anh lúc bấy giờ đã khiến cho cuộc đời đầy xáo động của bà trở thành một sự “nổi loạn” kỳ lạ của nữ giới trong xã hội còn nhiều khuôn phép của thế kỷ XVIII. Những ba đào va đập quanh đời sống của cây bút nữ này còn kéo dài ngay cả khi bà đã qua đời. Cuốn Memoir do chồng bà xuất bản một năm sau cái chết của người vợ với những câu chuyện riêng tư có liên quan đến lối sống dị giáo của bà đã khiến cho thanh danh của tác giả Một biện minh cho quyền của phụ nữ lại rơi vào vòng trầm luân. Sự phẫn nộ của đám đông công chúng vốn quen với khuôn thước lễ giáo đã hủy hoại danh tiếng của Marry Wollstonecraft suốt hơn một trăm năm sau. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ dấy lên và bùng nổ mạnh mẽ đã đưa tên tuổi của bà trở lại với vũ đài chính trị - xã hội. Và từ đấy, những tư tưởng khởi phát của nhà nữ quyền đầu tiên này trở thành tiếng nói của nữ giới.

Sống trong thời đại bão táp đầy huy hoàng của cuộc Đại cách mạng Pháp, Marry Wollstonecraft đã cất lên tiếng nói minh triết của người phụ nữ với một thái độ nhập cuộc xông xáo. Năm 1789, nối tiếp khẩu hiệu “dân chủ, bình đẳng, bác ái” của Đại cách mạng Pháp, các nhà chính trị đã đưa ra trước công chúng những bản thuyết giáo, những bài triết luận về quyền của con người. Wollstonecraft hăng hái tham gia vào cuộc tranh luận nhân quyền lớn trong lịch sử tư tưởng của loài người này, thể hiện sự đồng tình lẫn phản bác với các tác giả nam giới như Richard Price, Edmund Burke, Thomas Paine bằng tác phẩm Một biện minh cho quyền của con người được hoàn thành vào năm 1790. Trong khi bàn về quyền của con người, bà nhận ra những con người cùng giới với mình là những kẻ bị tước đoạt quyền lợi nhiều nhất trong xã hội. Vì vậy, một năm sau (1791), bà công bố tác phẩm Một biện minh cho quyền của phụ nữ, khẳng định nhu cầu thiết yếu của việc giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc khắt khe của xã hội đương thời. Đây là phần đầu tiên trong bộ ba tác phẩm về quyền của phụ nữ mà Wollstonecraft dự định sẽ cho ra đời. Trong lời mở đầu của Một biện minh cho quyền của phụ nữ, bà đã hứa hẹn sẽ xuất bản tập sách thứ hai. Thế nhưng, đến tận ngày cuối đời, nhà nữ quyền đầu tiên này vẫn chưa trao vào tay công chúng những tác phẩm mà bà dự định sẽ viết như ban đầu.

Ra đời trong bối cảnh xã hội tràn trề tinh thần lạc quan, tác phẩm bộc lộ tiếng nói mạnh mẽ và khẳng khái về vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội với niềm tin có thể thay đổi và cải thiện đời sống của người phụ nữ.

Wollstonecraft khẳng định rằng phụ nữ khi sinh ra cũng tự do như nam giới. Về nguồn gốc và giá trị tồn tại, họ bình đẳng với nam giới. Chống lại quan điểm của Jean Jacques Rousseau, nhà triết học gốc Thụy Sỹ có ảnh hưởng lớn đến lý thuyết xã hội thế kỷ XVIII, cho rằng phụ nữ không có trí tuệ và lý trí, nên không thể trở thành công dân và đảm nhiệm vai trò của một công dân, Wollstonecraft lập luận rằng nữ giới và nam giới chỉ khác nhau về thể xác và giữa hai giới không có sự khác biệt về trí tuệ, nam giới không phải là chuẩn mực để cân đo giá trị của người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ và nam giới có thể đảm nhận những trách nhiệm về gia đình và xã hội ngang bằng nhau. Từ sự khẳng định đó, bà khuyến khích người phụ nữ cần phải chủ động biến mình thành những công dân dân chủ và tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, kháng cự lại các tập tục cổ hủ của xã hội, thay đổi thói quen cá nhân. Bên cạnh đó, phái nữ cần phải trở thành những người cách mạng bằng việc dự phần vào các sự kiện lịch sử của dân tộc và có quyền thể hiện bản thân bằng lời nói và hành động.

Theo quan điểm của Wollstonecraft, biện pháp chính yếu cần được áp dụng vào xã hội để cải thiện triệt để đời sống của người phụ nữ là phát triển nền giáo dục dành cho nữ giới. Bà cho rằng phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới vì họ không có quyền được tham dự vào việc học hành, không được tiếp cận với tri thức. Toàn bộ sự giáo dục dành cho phụ nữ từ trước đó cho đến xã hội đương thời chỉ có tác dụng duy nhất là dạy cho họ cách quyến rũ nam giới và biến họ thành mục tiêu của nam giới. Do đó, việc quan trọng nhất là phá dỡ rào cản ngăn cấm người phụ nữ bước vào lãnh địa của các hoạt động giáo dục. Tác giả của Một biện minh cho quyền của phụ nữ tin rằng khi đã được trang bị tri thức, người phụ nữ có thể giáo dục con cái của mình và có vị thế ngang bằng với người chồng của mình trong gia đình cũng như bình đẳng với những người đàn ông ngoài xã hội. Trên cơ sở đó, bà đã phác hoạ nên một sự thiết lập trật tự xã hội mới mà ở đấy, sự bình đẳng giới tính được đề cao, trở thành hạt nhân trung tâm của xã hội.

Những tư tưởng tự do về quyền của phụ nữ mà Marry Wollstonecraft đã khẳng khái đề ra với tinh thần hăng hái mang đậm không khí của trào lưu ánh sáng thời bấy giờ. Trào lưu này đã khiến thế kỷ XVIII của Châu Âu trở thành kỷ nguyên của tư duy, của trí tuệ mà ở đó, lý tính trở thành yếu tố then chốt của hoạt động nhận thức con người và xã hội. Trong bầu khí quyển chung ấy, Một biện minh cho quyền của phụ nữ cũng lý giải con người và đưa ra những minh chứng cho quyền phụ nữ từ tâm điểm “lý trí”. Những luận điểm về đặc tính sinh học và vị thế xã hội của nữ giới của Marry Wollstonecraft là kết quả của quá trình lập luận mang tính khoa học và logic chứ không sinh ra từ lối tư duy thuần cảm tính. Đồng thời, những trang viết của bà cũng bộc lộ niềm nhiệt tình và những xúc cảm đối với giới của mình, với tình trạng mà phái nữ phải chịu đựng. Vì vậy, sự hoà quyện của hai yếu tố lý trí và cảm xúc đã đưa Marry Wollstonecraft dịch chuyển gần đến biên giới của chủ nghĩa lãng mạn, một trào lưu ra đời ở Tây Âu sau cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789. Có thể nói rằng, tác phẩm của bà nằm trên chiếc cầu nối giữa trào lưu ánh sáng và trào lưu lãng mạn, thấm đẫm tinh thần thời đại lúc bấy giờ.

Hẳn nhiên, trải qua hơn hai thế kỷ đấu tranh vì quyền phụ nữ, có thể thấy rằng việc cho phép phụ nữ tham gia vào lĩnh vực giáo dục là cần thiết nhưng chưa đủ để giải phóng phụ nữ và tạo nên sự bình đẳng giới hoàn toàn như Marry Wollstonecraft đã tin tưởng và hy vọng. Thế nhưng, ở thời đại của bà, khi giáo dục là một lãnh địa cấm mà phụ nữ không được đặt chân đến và trí tuệ là yếu tố cốt lõi của nhận thức đời sống thì việc được tiếp cận với tri thức là khát khao lớn lao của nữ giới. Sự chênh lệch quá lớn lao giữa phái nữ và phái nam về quyền lợi giáo dục đã rạch nên hố sâu cách biệt về quyền lợi sống giữa hai giới. Người phụ nữ gần như bị đẩy vào thế giới vô minh, tăm tối và mù lòa, bị khước từ và thậm chí, bị tước đoạt mất năng lực nhận thức. Vì vậy, đường lối mà Một biện minh cho quyền của phụ nữ đã đề ra không phải là con đường giải phóng phụ nữ phiến diện hoặc không tưởng. Đặt trong bối cảnh thời đại, sự cải thiện chất lượng giáo dục cho nữ giới mà Marry Woolstonecraft đặt ra đã chạm đến nhu cầu bức thiết nhất, mục tiêu căn bản nhất mà người phụ nữ cần đạt đến để bước đầu, đưa họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào nam giới và thay đổi cuộc sống của kẻ “bề dưới”. Khát vọng ấy, gần một thế kỷ sau, lại trỗi dậy trên trang viết của nữ tác giả người Anh Virginia Woolf khi ngòi bút của bà bộc lộ cơn phẫn nộ vì phụ nữ không được tự do bước chân vào thư viện và chỉ có thể luẩn quẩn trên đám cỏ xanh phía bên ngoài với tâm thế tự ti đầy lo sợ và có thể bị xua đuổi một cách thô bạo bất cứ lúc nào.

 

  1. 1.     Virginia Woolf và khát vọng về một căn phòng riêng

Thời thiếu nữ, Virginia Woolf mang tên là Adeline Virginia Stephen. Sinh ra lại London vào ngày 25-1-1882, Virginia là con gái của một nhà chính khách, nhà phê bình văn học Leslie Stephen. Trải qua 53 năm, cuộc đời của Virginia đầy những chấn động dữ dội. Những bi kịch gia đình đã đẩy thế giới tinh thần vốn mong manh và nhạy cảm của bà vào trạng thái kỳ lạ, vừa tràn ngập đau khổ, vừa diễm ảo thăng hoa.

Năm 1895, mẹ của Virginia qua đời và bà đã phải chịu đựng cơn chấn động tâm lý dữ dội vào năm 13 tuổi. Chín năm sau (1904), cái chết của người cha lại đẩy bà rơi vào khủng hoảng trầm trọng và Virginia đã cố tự sát bằng cách nhảy qua cửa sổ. Thế nhưng, bi kịch chưa buông bỏ người phụ nữ bất hạnh này. Hai năm sau đó (1906), khi đang đi du lịch ở Hy Lạp, bà phải tiếp tục chứng kiến cái chết vì bệnh thương hàn của người anh trai Thoby. Thế giới tinh thần của Virginia bị bi kịch bào mòn dần đến nỗi, cuộc hôn nhân bắt đầu vào năm 1912 với Leonard Woolf cũng khiến bà hoảng loạn tâm lý suốt 3 năm liền. Không những vậy, hai cuộc chiến tranh thế giới với tất cả sự kinh hoàng của chết chóc, đổ nát đã vây bủa đời sống của Virginia. Nỗi đau khổ của gia đình và bi kịch thời đại khiến bà sợ hãi sự sống đến mức từ chối việc mang thai và sinh con. Cuối cùng, khi không thể chịu đựng thêm đời sống, vào ngày 28-3-1941, giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra dữ dội, Virginia đã bỏ đầy đá vào túi và dìm mình xuống dòng sông Ouse.

Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, Virginia Woolf là một trong những cây bút có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn chương nghệ thuật của London. Bà xuất bản nhiều tiểu thuyết, các tập tiểu luận và tham gia cả vào lĩnh vực sáng tác kịch. Tập tiểu luận dài của Virginia mang tên Căn phòng riêng được ra đời vào năm 1929 là một trong những tác phẩm kinh điển đã góp phần lớn lao trong việc khởi phát và tạo lập nên tư tưởng nữ quyền.

Căn phòng riêng gồm có 6 chương, bộc lộ nhận thức và những lý giải của Virginia Woolf về tình trạng bất công mà người phụ nữ phải gánh chịu, nhất là những bất công trong hoạt động sáng tác văn học và lĩnh hội tri thức văn hoá. Vấn đề xuyên suốt mà Virginia đã đặt ra trong tập tiểu luận là mối quan hệ giữa phụ nữ và văn học. Tuy nhiên, ở đây, bà đã không trình bày lịch sử sáng tác của phụ nữ hay lịch sử các tác phẩm văn học viết về phụ nữ mà đi sâu vào việc lý giải căn nguyên tạo ra sự cằn cỗi của người phụ nữ trong đời sống sáng tác văn chương. Nhìn lại và phân tích toàn bộ hiện trạng của người phụ nữ, Virginia đã chỉ ra gốc rễ tạo nên sự hạn chế của nữ giới so với nam giới trong cuộc sống và trong hoạt động sáng tạo văn chương:

  1. Người phụ nữ phải trải qua quá trình sinh sản và nuôi con suốt cuộc đời mình và tất cả các hoạt động khác của họ bị gián đoạn, đứt quãng và thậm chí, phải ngưng trệ vì thiên chức và nhiệm vụ lớn lao này. Do đó, họ không thể theo đuổi những mục đích, những khao khát của riêng mình khi bị buộc chặt trong vành đai gia đình.
  2. Phụ nữ không có quyền tạo lập đời sống kinh tế cho riêng họ. Hơn nữa, theo luật lệ hiện thời, họ không được sở hữu tài sản do chính họ làm ra. Chính vì vậy, phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới để duy trì sự tồn tại của mình. Tình trạng “nghèo nàn đáng trách của phái nữ”[1] này trở thành một quy luật không thể vượt thoát của nữ giới và tước đi quyền tự do, quyền tự định đoạt sự sinh tồn và cách thức sinh tồn của họ.
  3. Sự phân biệt đẳng cấp về giới trong xã hội vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc, hình thành nên những quy luật bất di dịch trong đời sống. Viginia đã đặt ra những câu hỏi đầy bức thiết và mang đậm thái độ phẫn nộ trước những bất công vô lý mà phụ nữ phải gánh chịu: “Tại sao đàn ông uống rượu còn đàn bà uống nước lã? Tại sao một giới phái giàu sang trong khi giới phái kia nghèo túng?”[2]. Nam giới luôn thuộc “tầng lớp” cao cấp hơn nữ giới, dù cho có những người đàn ông “rõ ràng không đủ tư cách ngoại trừ họ không phải là đàn bà”[3]. Từ những trang viết của bà, có thể thấy rằng chế độ gia trưởng là một đế chế có sức mạnh dai dẳng, rộng lớn và chi phối đời sống của loài người lâu dài, mạnh mẽ, sâu sắc nhất. Và người phụ nữ không thể viết văn là một định kiến in hằn trong lối nghĩ của nhân loại: “Mèo không lên thiên đàng. Đàn bà không thể viết kịch như Shakespeare”[4]. Sự phân chia đẳng cấp tồn tại cả trong việc sáng tác văn học. Người phụ nữ viết văn bị xem như là kẻ đánh mất tiết hạnh và chính người phụ nữ cũng thấy việc viết lách là một “sự lố bịch”, thậm chí là một “tình trạng rối loạn tâm thần”[5].

Có thể thấy rằng, ở thời của mình, những nhận thức, tư duy và lập luận của Virginia Woolf đã tạo nên một cuộc cách mạng táo bạo và mạnh mẽ trong sự nhìn nhận về người phụ nữ. Bà đã chỉ ra căn nguyên mang tính hạt nhân dẫn đến trạng thái bị động và lệ thuộc của phụ nữ chính là sự lệ thuộc về mặt kinh tế và nam giới. Ngòi bút của nhà phê bình nữ này cũng không ngần ngại vạch ra sự đô hộ tàn bạo của nam giới với nữ giới và tái hiện hình tượng một bộ phận nam giới đầy khiếm khuyết khi đang ngự ở ngôi vị thống trị trong xã hội.

Từ đó, Virginia đi đến những kết luận nổi tiếng của mình. Trước hết, người phụ nữ phải trở nên độc lập về kinh tế: “Hãy dùng trí tuệ của mình xoay xở năm trăm bảng mỗi năm!”[6]. Và để viết văn, họ cần phải có “một căn phòng riêng” tách biệt với không gian duy nhất của nữ giới từ xưa đến nay: “gian phòng sinh hoạt chung của gia đình”. Thứ nhất, đó là căn phòng mang tính vật chất, là một không gian vật chất để thể hiện sự tự chủ và khả năng sở hữu tài sản của người phụ nữ. Thứ hai, căn phòng là một không gian tinh thần riêng tư để ở đó, người phụ nữ có thể tự do lao động sáng tạo, tự do bộc bạch mọi suy nghĩ, tâm tư, xúc cảm của mình mà không bị quấy nhiễu. Mục đích mà người phụ nữ cần đạt đến là sự tự do trí tuệ dựa trên sự tự do kinh tế: “Sự tự do trí tuệ phụ thuộc vào điều kiện vật chất. Thi ca phụ thuộc vào sự tự do trí tuệ. Và đàn bà luôn luôn nghèo, không phải chỉ mới hai trăm năm trở lại đây mà từ thuở khai thiên lập địa”[7]. Quan niệm của Virginia và Simone de Beauvoir gặp gỡ nhau ở chỗ cả hai nhà tư tưởng nữ quyền này đều lý giải tình trạng bất bình đẳng về giới từ góc độ xã hội và tình trạng phụ thuộc kinh tế của người phụ nữ.

Tác giả đã thể hiện lập luận về hiện trạng nghèo nàn đầy yếm thế, bế tắc cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần cũng như việc đề ra những điều kiện tối cần thiết cho người phụ nữ viết văn một cách sắc sảo, tinh tế qua hình tượng giả định thú vị: “Em gái của Shakespeare”. Sự tương đồng về thiên tư, niềm đam mê cũng như khao khát nghệ thuật  và sự đối lập về điều kiện sống, điều kiện hấp thụ tri thức và bộc lộ tài năng giữa Shakespeare và người em gái Shakespeare là một lý giải mang tính hình ảnh cụ thể cho thấy sự phân biệt giới tính trong xã hội đã kìm hãm và hủy diệt năng lực sáng tác của người phụ nữ. Tình trạng đó không chỉ đẩy người phụ nữ đi đến chỗ bất hoà với xã hội, mà còn bất hoà với chính mình vì ngay trong chính bản thân họ cũng nảy sinh và chứa đựng mâu thuẫn khốc liệt giữa khát vọng cá nhân và định kiến xã hội. Bởi lẽ, chính người phụ nữ cũng tự nhìn mình, tự đánh giá mình bằng con mắt chung của cộng đồng, bằng cái nhìn vốn đã quen thuộc suốt hàng trăm năm qua.

Trong tập tiểu luận này, Virginia Woolf cũng đã điểm lại hành trình viết văn của người phụ nữ Anh quốc, nhưng không phải để xác lập lịch sử văn học nữ, mà tiến đến định hình những nét đặc trưng từ sáng tác của họ. Dịch chuyển từ Eliza Carter, Fanny Burney, George Eliot đến Jane Austen và Charlotte Bronte, đồng thời, soi ngắm quá trình sáng tác của các nhà văn nam, Virginia rút ra quy luật về “sự suy nghiệm của tập thể sáng tác”. Theo bà, tác phẩm văn học, hơn nữa, kiệt tác văn học, không bao giờ ra đời một cách đơn lẻ và là tài sản riêng của một cá nhân mà nó là kết quả của quá trình suy tư, trải nghiệm và thể nghiệm của cả một cộng đồng. Ở đây, đó là một cộng đồng nữ vốn có quá khứ trống rỗng sau lưng và đang xây dựng lịch sử của giới mình bằng sự trải nghiệm đời sống lẫn trải nghiệm sáng tác của các thế hệ nhà văn nữ nối tiếp nhau. Cái nhìn này phải chăng, có điểm gần gũi với lý thuyết liên văn bản của thế kỷ XX khi cùng đề cập đến tính xã hội của văn bản, sự sinh sản và tương tác từ văn bản này đến văn bản khác, mặc dù hẳn nhiên, những gì mà Virginia Woolf đưa ra chưa đủ để hình thành một hệ lý thuyết như liên văn bản về sau này.

Bên cạnh đó, Virginia cũng xác định khuynh hướng sáng tác của nữ giới là tạo nên những giá trị riêng biệt của phái tính chứ không phải là sự mô phỏng những giá trị của nam giới.

Cũng ngàn lần đáng tiếc nếu đàn bà viết như đàn ông, sống như đàn ông hay bộ dạng như đàn ông, bởi nếu hai giới phái đều có những khiếm khuyết thì làm thế nào chúng ta xoay xở trong cái thế giới bao la và muôn vẻ này chỉ với một giới phái? Phải chăng nền giáo dục nên đưa ra và vun đắp cái khác biệt thay vì cái giống nhau giữa hai giới phái?[8].

Ngay từ thời đại của mình, thời mà người phụ nữ viết văn mới bắt đầu xuất hiện có phần đông đảo, rộn rã hơn so với các thế kỷ trước chứ chưa tạo nên một trào lưu sáng tác mạnh mẽ, Virginia đã nhận thức về lối viết phỏng theo giọng nam, cách nhìn của nam giới như là một đặc trưng mang tính quy luật của văn học nữ thời kỳ đầu. Điều này đã được các nhà phê bình nữ quyền cũng như chính bản thân thực tế tình hình sáng tác văn học nữ xác quyết về sau này. Theo bà, rào cản của người phụ nữ thời kỳ này là họ không chỉ nhìn mình bằng đôi mắt của nam giới, mà còn tự nhận thức mình thông qua mối quan hệ với người khác giới. Điều đó có nghĩa là, những giá trị của nam giới là thước đo chuẩn mực để xác định các giá trị khác, trong đó có nữ giới. Căn phòng riêng khẳng định người phụ nữ viết văn cần hướng đến đối tượng riêng của mình, mà trước hết, là “những kiếp sống mờ tối”[9] của giới nữ mà chưa ai chạm vào, bằng phương thức nghệ thuật riêng đặc trưng của phái nữ.

Thế nhưng, không dừng lại ở sự phân đôi giới tính, nét đặc sắc trong tư tưởng của Virginia là sự tiến triển của tư duy để chạm đến bản ngã của giới tính, chạm đến cái gần như là “siêu giới tính” mà đến gần thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu mới chú tâm đến. Trong chương năm, tác giả đưa người viết nữ đạt đến lối viết mà ở đó “đàn ông không còn là “phe cánh đối nghịch”[10]. Mỗi giới tính tồn tại và biểu hiện bằng chính bản thể của mình, chứ không phải bằng sự đối chiếu, quy chiếu vào giới tính đối nghịch. Khi đó, giới tính không còn là ý thức nữa, mà đã chuyển vào nằm sâu trong vô thức, trong bản thể nội tại và người phụ nữ viết văn sẽ “viết như một phụ nữ, khiến những trang sách của chị tràn đầy những phẩm chất giới tính lạ lùng mà chỉ xuất hiện khi vấn đề giới tính nằm trong vô thức”[11].

Nhìn một cách khái quát, Căn phòng riêng không chỉ có giá trị đặc biệt về mặt nội dung và tư tưởng, mà cả bút pháp viết tiểu luận bằng hình tượng, sư suy tưởng cùng giọng văn uyển chuyển, có sức dẫn dắt đầy hấp dẫn đã khiến cho người đọc phải sửng sốt khi chiêm ngưỡng thế giới tư tưởng và nghệ thuật của Virginia. Và cùng với tác phẩm này, cây bút nữ người Anh Virginia đã để lại dấu chân in đậm bước tiến của người phụ nữ trong lịch sử đấu tranh nữ quyền.

 

3. Simone de Beauvoir và quyển kinh thánh của nữ giới

Quyển Giới nữ (còn được dịch là Giới thứ hai) (Le deuxième sexe) của Simone de Beauvoir là một tập đại thành về người phụ nữ. Khi tác giả của công trình này qua đời, có người đã khẳng định rằng, tất cả những người phụ nữ trên thế giới phải biết ơn người phụ nữ này, vì bà đã làm ra quyển kinh thánh vĩ đại nhất cho giới mình.

Simone de Beauvoir ra đời vào ngày 9-1-1908 và mất vào ngày 14-4-1986. Bà được xem là nhà triết học hiện sinh, nhà lý thuyết xã hội, nhà tư tưởng nữ quyền cấp tiến của nước Pháp thế kỷ XX. Từ nhỏ, Simone đã bộc lộ trí thông minh kỳ lạ, khiến cho cha bà luôn thốt lên rằng: “Simone suy nghĩ như nam giới”. Với những thành tựu nghiên cứu và sáng tác của mình, bà được xưng tụng là “một bậc trí thức vĩ đại” (Claude Prévost). Suốt cuộc đời mình, Simone de Beauvoir vừa là người bạn đời, bạn tình, bạn văn gắn bó với nhà triết học hiện sinh tiên phong của Pháp Jean Paul Sartre bằng sự thấu hiểu của những bậc tri âm tri kỷ. Beauvoir và Sartre đi bên nhau đến cuối đời bằng mối quan hệ hôn nhân kỳ lạ với những giao ước về sự chia sẻ những trải nghiệm tình dục ngoài hôn nhân và tình dục đồng tính của mỗi người. Phải chăng, đấy là một dạng thức của thái độ dấn thân, nhập cuộc, sống bằng sự trải nghiệm tuyệt đối, vượt qua mọi khuôn khổ định kiến thông thường của xã hội và hướng đến giải phóng bản thể mạnh mẽ của hai nhà hiện sinh lớn của thế kỷ XX. Và có lẽ, cũng từ sự trải nghiệm đời sống ấy, De Beauvoir và Sartre đã tạo nên những làn sóng tư tưởng mới mẻ và cấp tiến cho cả thời đại.

 

Đối với lịch sử đấu tranh nữ quyền, tác phẩm Giới nữ của Simone de Beauvoir đã đánh dấu bước ngoặt lớn lao về mặt nhận thức và tư tưởng của phụ nữ và nhân loại. Tập sách ra đời vào năm 1949, là thành quả nghiên cứu miệt mài, công phu từ phương diện lý thuyết đến thực tiễn về người phụ nữ, được chia thành bảy phần, bao gồm hai mươi ba chương. Trải qua hơn 60 năm, cho đến nay, Giới nữ vẫn là một kiệt tác đồ sộ trong lịch sử nghiên cứu nữ quyền, thu hút mối quan tâm của nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực khác nhau. Nhiều lập luận của Simone de Beauvoir đã trở thành những định lý nền tảng cho sự phát triển của tư tưởng nữ quyền, mặc dù, hẳn nhiên, có những vấn đề thuộc tác phẩm này cũng cần xem xét, bổ sung khi nhân loại đã đi thêm những bước tiến trong nhận thức về giới.

Cũng như Marry Wollstonecraft và Virginia Woolf, tác giả của Giới nữ phản kháng lại quan niệm phụ nữ không có trí tuệ của các nhà triết học cổ đại và quan niệm phụ nữ là kẻ bị thiến hoạn của các nhà phân tâm học. Bằng những dữ kiện sinh học cụ thể, Simone de Beauvoir chứng minh rằng nam giới và nữ giới có sự khác biệt về mặt sinh học, từ những đặc điểm sinh lý, bộ phận sinh dục đến trí tuệ. Sự khác biệt đó hình thành nên vai trò khác nhau của hai giới trong việc duy trì đời sống của loài. Đồng thời, bà cũng đặt loài người trong mối tương quan so sánh với các loài khác để lý giải sự tồn tại và cấu trúc đời sống của các loài ở góc nhìn của sinh vật học. Từ những lập luận và chứng cứ đó, de Beauvoir đi đến kết luận rằng, đặc trưng sinh học không quy định nên vị thế, vai trò và thứ bậc của các giới tính trong xã hội. Chính yếu tố văn hoá - xã hội đã phân định đẳng cấp giữa các giới và biến người phụ nữ trở thành kẻ bề dưới, kẻ bị lệ thuộc.

Việc khẳng định phụ nữ có trí tuệ và có năng lực tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá và giáo dục… là mục tiêu có ý nghĩa lớn lao trong quá trình đấu tranh của các nhà nữ quyền. Đồng thời, đó là mục tiêu cấp thiết đầu tiên mà nữ giới cần giành được, để bước đầu xoá đi sự bất bình đẳng giới, xoá đi cái nhìn đầy khinh miệt của xã hội về phụ nữ như một loài hạ đẳng không biết tư duy và giản lược họ về chức năng duy nhất là sinh sản. Cả Marry Wollstonecraft, Virginia Woolf và Simone de Beauvoir đều lần lượt nối tiếp nhau biện luận và chứng minh cho năng lực trí tuệ của phụ nữ, kêu gọi họ giành quyền tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống cùng với nam giới.

Tuy nhiên, khi dồn trọng lực vào những nguyên do văn hoá - xã hội, thực ra, Simone de Beauvoir đã làm nhẹ bẫng đi vai trò của yếu tố sinh học. Theo bà, sự khác biệt sinh học không hề dự phần vào việc phân chia địa vị giới. Lập luận này đã dẫn đến câu nói nổi tiếng thường xuyên được trích dẫn của bà: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Theo chúng tôi, cần nhìn nhận quan điểm này của Simone de Beauvoir trên hai góc độ khác nhau:

-   Lập luận của tác giả Giới nữ hoàn toàn có căn cứ khi cho rằng, không thể dựa vào đặc trưng sinh học để hạ thấp người phụ nữ như nhân loại đã từng làm. Với đặc điểm và chức năng sinh học đặc thù của mình, hai giới hoàn toàn bình đẳng trong tự nhiên.

-   Tuy nhiên, nếu hoàn toàn chối bỏ sự tác động của các đặc trưng sinh học vào mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, vào sự tạo lập cấu trúc xã hội thì lại dẫn đến cái nhìn phiến diện. Tư tưởng nữ quyền hiện đại, như chúng tôi đã trình bày ở trên, quan niệm rằng khi tiến tới xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa hai giới, cần lưu ý đến sự khác biệt giới từ phương diện sinh học. Vì vậy, tạo ra bình đẳng không phải là tạo ra mọi hoạt động ngang bằng và giống nhau giữa hai giới, mà là xác định hoạt động phù hợp với đặc thù của mỗi giới. Vì vậy, đặc trưng sinh học cần phải gia dự vào việc tái cấu trúc xã hội từ yếu tố giới tính.

Hẳn nhiên, đặt trong bối cảnh văn bản và bối cảnh thời đại của những quan điểm mà Simone de Beauvoir đã đưa ra trong Giới nữ, chúng ta thấy suy nghĩ của bà là hợp lý và cần thiết khi cho rằng không thể căn cứ vào sự khác biệt sinh học để tạo ra bất bình đẳng giới, cũng tương tự như khi Marry Wollstonecraft khẳng định giáo dục là yếu tố quan trọng để xoá bỏ bất bình đẳng hay khi Virginia đòi hỏi phụ nữ cần có điều kiện kinh tế vững chãi khi muốn viết văn. Những tư tưởng cần được đặt vào bối cảnh xã hội mà nó ra đời, để thấy được mức độ phù hợp và cần thiết của tư tưởng ấy đối với xã hội và ý thức của con người khi đó. Và sự nối tiếp giữa các tư tưởng sẽ hình thành nên trật tự bước tiến trong sự phát triển nhận thức của con người, trong đó, có sự nhận thức về giới.

Trong tác phẩm này, Simone de Beauvoir đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về người phụ nữ. Bà đi từ các quan điểm lý giải nguồn gốc và quá trình tạo nên sự khác biệt về địa vị giữa hai giới trong xã hội của các nhà duy vật và duy tâm, tổng thuật lại lịch sử tồn tại ở vị thế bị áp bức và đè nén của người phụ nữ trong thế giới “bao giờ cũng thuộc về con đực”[12] từ thời nguyên thủy đến thời hiện đại cho đến việc phân tích những đặc trưng tính nữ và vạch ra con đường, mục tiêu đấu tranh để giải phóng nữ giới. Trong Phụ nữ và Giới, tác giả Bùi Thị Tỉnh đã cho rằng toàn bộ cái nhìn của Simone de Beauvoir được tạo lập từ tư tưởng của triết học hiện sinh. Chính vì vậy, bà đặt người phụ nữ trong tính thực tại cụ thể và sự trải nghiệm, phân tích sự hiện hữu của nữ giới trong hành trình lịch sử đời sống. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa duy lý, khi chủ nghĩa hiện sinh lấy sự hiện hữu (như là hiện tượng) làm yếu tố thứ nhất, còn chủ nghĩa duy lý thì lấy bản chất (cái quy định hiện tượng) làm yếu tố thứ nhất trong mọi lý giải đời sống. Có lẽ, đây cũng là điểm mấu chốt, có thể dùng để giải thích những kiến giải của Simone de Beauvoir về nguồn gốc bất bình đẳng xã hội như đã nêu trên. Chính vì xuất phát từ cái nhìn hiện sinh, bà đã khẳng định rằng chính yếu tố văn hoá - xã hội (thực thể hiện hữu và trải nghiệm của con người) chứ không phải yếu tố sinh học (bản chất sinh lý của con người) đã quy định nên sự phân biệt giới. Và cũng từ tư tưởng hiện sinh, bà đã lý giải sự hình thành nên vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình, những đặc tính tự yêu mình, si tình… của người phụ nữ đều do hoàn cảnh xã hội tác động và quy định nên và chứng minh điều này bằng những dữ kiện xã hội mà bà đã dày công thu thập trong nhiều năm liền.

Cùng với Giới nữ, người phụ nữ mang “trí tuệ vĩ đại của thế kỷ” Simone de Beauvoir đã bày ra trước mắt loài người toàn bộ hiện thực về người phụ nữ, lý giải hiện thực ấy và hướng con người đến hành động để giải phóng phụ nữ khỏi sự bất công đã đè nặng lên số phận của họ suốt chiều dài lịch sử loài người. Tác phẩm này gần như là một sự mặc khải, vén tấm màn bí mật đã che phủ và vùi lấp phụ nữ vào bóng tối, khát khao vươn đến sự cứu rỗi cho một nửa nhân loại.

 

4. Hélène Cixous và Tiếng cười nàng Medusa

 

Những khát vọng về người đàn bà trí tuệ, người đàn bà viết văn của Marry Wollstonecraft và Virginia Woolf trở thành hiện thực từ những sáng tạo của giới nữ thế kỷ XX, trong đó có sự hiện diện của Hélène Cixous. Bà tham gia vào nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, ở mỗi lĩnh vực đều có những đóng góp quan trọng và rất khó để có thể xếp Hélène Cixous vào một danh hiệu nào. Hélène vừa là một giảng sư đại học danh tiếng, vừa là một nhà nữ quyền cấp tiến, đồng thời là nhà thơ, nhà triết học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà soạn kịch, nhà tu từ học…

Năm 1937, Cixous ra đời tại thành phố Oran, nằm ở phía tây bắc Algeria khi đất nước này còn là thuộc địa của Pháp. Bà vừa mang dòng máu Pháp gốc Do Thái của cha, vừa thừa hưởng dòng máu Đức của mẹ. Người cha qua đời khi Cixous còn rất nhỏ và biến cố này đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến các trang viết của bà. Với hơn 70 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản và phát hành rộng rãi, trong đó có 23 tập thơ, 6 quyển tiểu luận, 5 vở kịch và vô số bài báo có sức ảnh hưởng lớn, có thể ví Hélène Cixous như là vị nữ thần Titan có sức lực lao động sáng tạo vô cùng dồi dào. Về mặt hình thức nghệ thuật, Cixous được xem là người có lối viết phức tạp và bí ẩn. Các trang viết của bà luôn hiện diện bằng sự sánh đôi giữa nghĩa đen và nghĩa bóng, mang tính hình tượng cao, đẫm chất văn chương và tính triết lý.

Jacques Derrida, Jacques Lacan, Heidegger và đặc biệt là Simund Freud là những nhà tư tưởng có ảnh hưởng đến khuynh hướng nghiên cứu và sáng tác của Hélène Cixous. Cùng với Luce Irigaray và Julia Kristeva, bà được xem là một trong những người khai sinh ra lý thuyết nữ quyền hậu cấu trúc và có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng nữ quyền hiện đại.

Nhìn về vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, Cixous định giá rằng người phụ nữ thế kỷ XIX lệ thuộc vào nam giới, còn người phụ nữ thế kỷ XX thì phụ thuộc vào nam giới. Từ đó cho thấy, ở các thế kỷ trước, phụ nữ phục tòng phái nam và trở thành một món đồ, một kẻ nô lệ thuộc quyền sở hữu của nam giới. Đến thế kỷ XX, cùng với các phong trào đấu tranh vì quyền của giới mình, người phụ nữ đã dần khẳng định được tiếng nói nhưng vẫn chưa thể giải phóng bản thân một cách triệt để khỏi vòng kiềm toả của phái nam. Nhiều mặt trong đời sống của nữ giới vẫn bị nam giới chi phối và ảnh hưởng. Và trong thực tế, người phụ nữ vẫn bị định nghĩa bằng nam giới, thông qua nam giới. Điều mà Cixous mong muốn phụ nữ vươn đến chính là việc phụ nữ phải tự bộc lộ được bản thân mình muốn gì chứ không phải là nam giới muốn gì hoặc muốn phụ nữ trở nên như thế nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng Hélène Cixous thuộc khuynh hướng bản chất luận vì bà đưa phụ nữ trở về với chính bản chất của mình, với những yếu tính thuộc về giới của họ, trong đó, có đặc trưng về diễn ngôn.

Điểm trọng tâm trong lý thuyết nữ quyền của Cixous là mối quan hệ giữa giới tính và diễn ngôn, từ đó hình thành nên ý niệm về phong cách tu từ riêng của nữ giới, về một lối viết nữ (L’écriture féminine). Từ những năm 1970, bà đã thể hiện tư tưởng của mình trong các tác phẩm như Một chuyến đi (Sortie), Tiếng cười nàng Medusa (The laugh of the Medusa) Đến để viết (Coming to writing). Nhà phê bình nữ này khẳng định rằng suốt nhiều thế kỷ qua, người phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong hoạt động diễn ngôn. Họ không được bộc lộ suy nghĩ, lời nói của mình, không được tạo ra mối quan hệ tương tác để hình thành nên sự giao tiếp với các cá thể xã hội. Vì vậy, thế giới bên trong của nữ giới hoàn toàn khép kín và họ cũng bị cấm vận với cuộc sống xã hội. Cixous nói một cách thẳng thắn rằng sự ngây thơ của người phụ nữ đồng nghĩa với sự ngu dốt khi những tri thức đời sống và khoa học hoàn toàn kín bưng trước con mắt của phái nữ.

Hơn nữa, đến thời hiện đại, khi người phụ nữ được nói và viết một cách công khai, thì họ lại vay mượn lối nói của nam giới chứ không có một hệ thống tu từ đặc trưng của giới mình. Ngôn ngữ và giới tính chỉ có một mối quan hệ lỏng lẻo và bị những quy luật của nam giới chế ngự. Cixous viết rằng: “Nhìn lại những câu chuyện được kể trong điện ảnh và văn học, chúng ta thấy rằng tất cả đều được thể hiện từ góc nhìn của nam giới”[13]. Trong nhiều tiểu luận, bà luôn khẳng định phụ nữ phải có hệ thống ngôn ngữ riêng phù hợp với bản thể giới tính của họ, để biểu đạt những đặc thù riêng biệt của mình mà giới khác không có. Cixous cũng nhấn mạnh rằng cái bà muốn xác lập và tựa vào là tính không cân xứng giữa hai giới chứ không phải thứ bậc của giới này đối với giới kia. Vì vậy, trong Tiếng cười nàng Medusa, bà đã phủ định hệ thống nhị nguyên mang tính thống trị phân chia các cặp khái niệm: đồng nhất/khác biệt, con người/tự nhiên, trật tự/hỗn độn, hoạt động/thụ động, ngôn ngữ/im lặng, hiện diện/vắng mặt, sáng/tối, nam giới/nữ giới thành những đối cực tích cực và tiêu cực do nam giới xác lập và in hằn trong tư tưởng của xã hội phụ quyền. Theo sự phân định này, phụ nữ luôn ở vị thế bên dưới và đối lập với nam giới.

Cuốn tiểu luận nổi tiếng Tiếng cười nàng Medusa ra đời vào năm 1975 của Hélène Cixous dùng hình tượng nhân vật Medusa, người đàn bà tóc rắn có ánh nhìn làm đàn ông hoá đá trong thần thoại Hy Lạp, làm hình tượng ẩn dụ để thể hiện quan niệm của mình về ngôn ngữ văn chương và hoạt động viết văn của nữ giới. Bà phản bác lại kiến giải của Freud cho rằng tóc rắn là hình ảnh của dương vật và Medusa là người đàn bà có nhiều dương vật, khác với phụ nữ, theo định nghĩa của Freud, vốn là những kẻ mất chim, kẻ bị thiến hoạn. Vì vậy, hình tượng Medusa thể hiện nỗi sợ bị thiến của phụ nữ. Sự diễn giải của Freud mang đậm thiên kiến của cái nhìn duy dương vật, đặt nam giới vào trung tâm và định nghĩa tất cả mọi sự tồn tại bằng biểu tượng giới tính của nam giới là cái dương vật. Hélène khẳng định rằng thân thể và tính dục của phụ nữ không có mối quan hệ với sinh thực khí của nam giới, mà trước hết, khoái cảm nhục thể cũng như thân xác người phụ nữ tồn tại bằng chính nó, là cái tự nó, là cái “tôi” chủ thể của giới nữ.

Từ khởi điểm lập luận đó, Hélène Cixous diễn giải quan điểm của mình về sự hình thành và đặc trưng của lối viết nữ. Với bà, điều quan trọng đối với lối viết riêng của nữ giới không phải là chữ, là ngôn từ, không phải là sự phát minh ra những ký hiệu biểu đạt mới, mà là cá nhân người nữ phải viết chính mình, phải khám phá cho riêng mình cơ thể mình cảm thấy như thế nào, và làm sao để viết về thân thể ấy trong ngôn ngữ. Rõ ràng hơn, phụ nữ phải tìm ra dục tính của mình, dục tính chỉ bắt nguồn từ thân thể của họ, và tìm cách viết về khoái cảm ấy”[14]. Đồng thời, bằng lối biểu đạt đặc thù, người phụ nữ viết văn sẽ phá vỡ cấu trúc và trật tự những biểu tượng được xác lập và cố định trong diễn ngôn nam giới.

Những vấn đề mà Hélène Cixous đã khơi mào và diễn giải đến nay vẫn là những tâm điểm tranh luận của các nhà phê bình nữ quyền. Đặc biệt, ý niệm về lối viết nữ đã tạo ra sự chuyển đổi trong việc tiếp nhận sáng tác của nữ giới, từ điểm nhìn xã hội học sang điểm nhìn tu từ học. Hélène Cixous thực sự là người phụ nữ thông tuệ kỳ diệu của khoa học xã hội, trong đó có phê bình nữ quyền, của thế kỷ XX.

Nhìn chung, những tư tưởng này đã thể hiện mối quan tâm từ các vấn đề xã hội đến vấn đề văn chương, đánh dấu những bước ngoặt lớn trong nhận thức của con người về giới và về người phụ nữ. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, người trình bày cũng chỉ mới phác hoạ đôi nét về các tác giả này. Việc đi sâu vào tìm hiểu các tác phẩm cụ thể của những nhà tư tưởng nữ quyền và những nhà phê bình nữ quyền lớn trên thế giới là một nhu cầu vô cùng quan trọng khi nghiên cứu lý thuyết phê bình nữ quyền. Trong tương lai, chúng ta cần có thêm những công trình dịch thuật để chuyển ngữ tác phẩm của các tác giả nữ như Marry Wollstonecraft, Virginia Woolf, Simone de Beauvoir, Hélène Cixous, Julia Kristeva, Elaine Showalter, Betty Friedan… để tiếp cận sâu và toàn diện hơn tư tưởng nữ quyền phương Tây.

HKV.


[1] Virginia Woolf (Trịnh Y Thư dịch) (2008), Căn phòng riêng (A Room of One's Own), Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr.40.

[2] Sđd, tr.47.

[3] Sđd tr.50.

[4] Sđd, tr.79.

[5] Sđd, tr.105.

[6] Sđd, tr.109.

[7] Sđd, tr.172.

[8] Sđd, tr.142.

[9] Sđd, tr.145.

[10] Sđd, tr.149.

[11] Sđd, tr.150.

[12] Simone de Beauvoir (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch) (1996), Giới Nữ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, trang 78.

[13] Bhaskar A. Shukla (2007), Feminism – From Marry Wollstonecraft to Betty Friedan, Sarup & Sons, Delhi, India, trang 70.

[14]  Mary Klages (Hồ Như dịch) (2007), Tiếng cười nàng Medusa (bản diễn giải), www.damau.org.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2013

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60752496
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7120
9281
60752496

Thành viên trực tuyến

Đang có 199 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website