Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ thuần túy mà công việc nhọc nhằn và thú vị này còn thể hiện niềm say mê của dịch giả với một đất nước, một nền văn hóa, một ngôn ngữ, một khuynh hướng sáng tạo, một dấu ấn cá nhân...
Ở nước ta, từ xưa đến nay, việc các dịch giả giới thiệu và dịch thuật các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt vốn rất phổ biến. Trong khi đó, số lượng tác phẩm của các tác giả Việt Nam được giới thiệu rộng rãi trên thế giới không phải là nhiều và phải là tác phẩm kinh điển, có thể kể đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương... Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, với tốc độ phát triển của công nghệ mạng, của quá trình toàn cầu hóa, văn học Việt Nam được đến với độc giả các nước nhiều hơn qua con đường dịch thuật.
Các tiểu thuyết, tạp văn hoặc tuyển tập truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật, Thái..., có thể kể đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (tiểu thuyết, được dịch sang 18 thứ tiếng), Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, Nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái (tiểu thuyết, được dịch sang tiếng Anh), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần (truyện dài, được dịch sang tiếng Anh, tiếng Thái), Thị thành ký (tản văn) và Cocktail (tập truyện ngắn) của Di Li (được dịch sang tiếng Hà Lan), Delete (kết hợp 9 truyện ngắn của Phong Điệp và 8 tạp văn của Nguyễn Việt Hà, được dịch sang tiếng Pháp)... Ngoài ra còn rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng được dịch sang tiếng nước ngoài như Mẹ và con, Tóc Huyền màu bạc trắng (Ma Văn Kháng), Cơn mưa cuối mùa, Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại (Lê Minh Khuê), Dấu hỏi gửi thượng đế, Giường đôi xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa (Đoàn Lê), Sắp đặt, Rác và yêu, Mảnh vỡ của đàn ông (Hồ Anh Thái), Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), Thương (Phan Thị Vàng Anh), Bảo vệ, Những dự định của nàng vào thứ bảy tuần này (Nguyễn Ngọc Thuần)...
Mỗi khi một tác giả Việt Nam có tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài thì không chỉ cá nhân người sáng tác thấy vinh dự. Đất nước mà anh ta đang sống, ngôn ngữ mà anh ta đang viết, độc giả của anh ta đều chia sẻ niềm hạnh phúc ấy. Việc một tác phẩm được chuyển thể còn cho thấy mối giao cảm, tri âm bất chấp sự khác biệt về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ giữa những người làm công việc chữ nghĩa...Nó cũng cho thấy bước chân - dù còn khẽ khàng và rụt rè - của văn học Việt Nam đã thực sự đặt ra ngoài biên giới. Tuy nhiên, những cuộc chuyển ngữ cứ diễn ra âm thầm, hiếm khi thấy tác giả và dịch giả “đối mặt” nhau. Chính vì vậy, “cú chạm” giữa một nhà văn đương đại nổi tiếng của Việt Nam và một dịch giả - giáo sư của Thái Lan vào giữa tháng 12 vừa qua là hết sức có ý nghĩa.
Đó là cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Giáo sư, dịch giả Montira Rato do Trung tâm Thái Lan và khoa Văn học và Ngôn ngữ thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Giáo sư, dịch giả Montira Rato (bìa trái) và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (thứ hai từ trái sang) trong buổi ra mắt sách tại Thái Lan.Ảnh do GS. Montira cung cấp
Tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Anh là tác giả của gần 100 đầu sách, phần lớn dành cho tuổi mới lớn (nhưng thật ra là những người lớn lâu rồi cũng đọc ké). Anh nhận được nhiều giải thưởng quan trọng từ Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Giải thưởng văn học ASEAN 2010... Truyện của Nguyễn Nhật Ánh hiện nay chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt trên các kệ sách. Nhiều cuốn trong số đó được chuyển thể thành phim, kịch (Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thiên thần nhỏ của tôi...). Còn Montira Rato là giảng viên của khoa Văn học Nghệ thuật, trường Chulalongkorn, Thái Lan. Cô là một chuyên gia về văn học Việt Nam ở Thái Lan, đã dịch ba tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Thái là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là duyên cớ để Nguyễn Nhật Ánh và Montira Rato gặp gỡ. Tác phẩm ra đời vào năm 2008, liên tục nằm trong top sách bán chạy ở Việt Nam và được tái bản trên 40 lần. Cuốn sách được dịch giả William Naythons chuyển ngữ, Nhà xuất bản Overlook (Mỹ) ấn hành với tên tiếng Anh là Give me a ticket to childhood. Năm 2013, Nhà xuất bản Dasan Books tại Seoul ra mắt bản tiếng Hàn tác phẩm này. Thế giới tuổi thơ trong veo, phong phú, giàu có niềm vui, nỗi buồn, mộng mơ, triết lý... qua lăng kính của cu Mùi, con Tí sún, thằng Hải cò, con Tủn đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho Montira, khiến cô bắt tay vào dịch tác phẩm từ bản tiếng Việt. Bản tiếng Thái ra mắt rất thành công tại Thái Lan vào năm 2011. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng hiện diện trong buổi ra mắt sách này để ký tặng độc giả.
Năm năm sau, họ lại gặp nhau, không chỉ để hàn huyên mà thật sự thực hiện một buổi đối thoại mini về văn học Việt Nam và văn học Thái Lan.
Bởi, Montira không chỉ nói về lý do vì sao cô chọn dạy và dịch văn học Việt Nam mà còn giải thích căn cớ vì sao mà người Việt có quá ít thông tin về văn học Thái Lan và ngược lại, cùng những dự tính nghiên cứu văn học Việt Nam trong tương lai.
Bởi, Nguyễn Nhật Ánh thú nhận rằng anh thích dành thời gian để sáng tác hơn là tham dự những cuộc giao lưu, những chuyên đề, những buổi bảo vệ luận văn về tác phẩm của anh. Anh còn cho biết: “Tôi định bụng sẽ đến buổi gặp gỡ này khoảng nửa tiếng rồi về, vì đâu biết phải nói gì nhiều với người Thái Lan về văn học”. Thế nhưng, khi gặp “cố nhân” rồi, câu chuyện của họ không dứt được. Vì những lẽ đó mà cuộc đối thoại đã diễn ra suốt buổi sáng mà vẫn chưa thỏa mãn độc giả.
Điều đáng lưu tâm nhất của buổi đối thoại có lẽ là chia sẻ của Montira về lý do vì sao văn học Việt Nam mới được nghiên cứu ở Thái Lan khoảng mười năm trở lại đây. Cô cho biết, sau khi sang Hà Nội năm 2011, nhà văn Thái Khachornrit Raksa nhận xét: Thái Lan và Việt Nam chỉ cách nhau hơn một giờ bay nhưng sao ông cảm thấy xa lạ quá, nhất là trong lĩnh vực văn chương. Chúng ta không đọc lẫn nhau và nền văn học hai nước vẫn bị các cường quốc “xâm lược”, thật đáng tiếc cho người viết lẫn người đọc.
Montira cho rằng sự khác biệt về đường lối và quan điểm chính trị là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nước này “mù” về văn học của nước kia. Cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam và cuộc khủng hoảng tại Campuchia kết thúc; Việt Nam tiến hành thực hiện mở cửa đất nước (1986); việc ban hành chính sách “Biến chiến trường thành thương trường” của cựu Thủ tướng Thái Lan Chatchai Chunhawan (1991); sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN (1995); giải thưởng văn học ASEAN; con em Việt kiều lớn lên ở Thái Lan mong muốn được đọc tiếng Việt; phong trào hướng tới cộng đồng ASEAN (2015)... là những lý do quan trọng thúc đẩy Việt Nam và Thái Lan hợp tác toàn diện trên mọi mặt, trong đó có văn học.
Tựu trung lại, những tác phẩm văn học nào của Việt Nam đã được dịch sang tiếng Thái? Có thể kể đến Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, tập truyện ngắn Tướng về hưu và Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp, Bên kia bờ ảo vọng và Vô đề của Dương Thu Hương, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Sắp tới, Montira mong ước sẽ dịch Truyện Kiều sang tiếng Thái, dẫu biết công việc này vô cùng gian khó.
Một điểm rất quan trọng nữa trong cuộc đối thoại này là phần trình bày của Nguyễn Nhật Ánh về những điều phía sau trang sách, về nhân vật, về những nguồn cảm hứng trong sáng tạo... Anh nhấn mạnh trước mắt sẽ không thay đổi chủ đề sáng tác. Anh vẫn sẽ viết về trẻ em, về tuổi mới lớn với tất cả sự nồng nhiệt mê say, vì anh tin vào sức mạnh của Cái Thiện. Mà điều ấy, không đâu dồi dào, trong trẻo hơn ở người trẻ.
Bên cạnh đó, các diễn giả còn đưa ra những thông tin về nghiên cứu và dịch thuật văn học Thái Lan tại Việt Nam. Chẳng hạn như các trường đại học hàng đầu ở miền Nam và miền Bắc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đều có những chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy văn học Thái Lan; ba tiểu thuyết hiện đại quan trọng của Thái Lan đều đã được dịch sang tiếng Việt là Đằng sau bức tranh (Sri Boorapha), Chai thời gian (Prabhassorn Sevikul) và Nghiệt duyên (Thommayanti)...
Buổi gặp gỡ khép lại nhưng mối quan hệ giữa nghiên cứu và dịch thuật văn học giữa Việt Nam và Thái Lan chắc chắn không ngừng ở đó. Chợt nhận ra rằng đã đến lúc chúng ta cần biết rõ đời sống văn học của các nước Đông Nam Á và tìm thấy mối quan hệ cũng như sức sống của chúng, đâu nhất thiết chỉ chuyên chú vào những nền văn học vĩ đại mà xa xôi...
Diễm Trang