Hễ có dịp đến đâu, tôi chẳng bao giờ quên sà vào chợ địa phương. Ngoài chuyện “được ăn được nói được gói mang về”, mỗi một ngôi chợ là trường học rộng lớn, là bảo tàng sống về truyền thống văn hóa, địa lý, kiến trúc, hình thái kinh tế, thể chế xã hội, dân tộc... với vô số thực hành lý thú cho người thưởng ngoạn. Từng thích thú với nhiều điểm tham quan mua sắm như chợ Aoyama (Tokyo), chợ Phụng Giáp (Đài Trung), chợ Đàn Bà (Hồng Kông), chợ Dongdaemun (Seoul), chợ Bogyoke Aung San (Yangon), chợ Pratunam (Bangkok), chợ Bốn Mặt (Phnôm Pênh), chợ Waterlooplein (Amsterdam)... nhưng đến mức để thương để nhớ trong tôi thì phải kể đến chợ Grand Bazaar Kapalicarsi ở Istanbul.
Chỉ cần tôi ngỏ ý muốn xem thêm mẫu khác, màu khác, anh chàng bán chén bát xinh đẹp nhất vùng sẵn sàng buông cả gian hàng, thoăn thoắt bước xuống những bậc thang ăn sâu vào lòng đất bê ra cơ man là gốm sứ, tinh xảo đến mức khó thốt thành lời. Ảnh: Diễm Trang
Kapalicarsi không có những thương nhân đánh lạc đà vào chợ, không có những kẻ hành khất tấu khúc khẩn cầu, không có người làm trò tung hứng hoặc dụ rắn, cũng chẳng hề có bất kì vị vua hay nàng công chúa tuyệt trần nào ngẫu hứng ghé qua như trong bản nhạc bất hủ Phiên chợ Ba Tư của Albert William Ketèlbey. Nhưng bản thân ngôi chợ đủ sức đưa người đi mua sắm ngược về thời kỳ huy hoàng của đế chế Ottoman ngay từ chính tên gọi và kiến trúc tựa như thành trì cổ kính của các cổng ra vào và các mái vòng cung bắt mắt, cao ráo bên trong nhà lồng chợ.
“Kapalicarsi” có nghĩa là “chợ trong nhà”. Ngôi chợ kiên cố có mái che đầu tiên trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ này đã được vua Sultan Mehmet II hạ lệnh xây dựng vào mùa đông năm 1455-1456 và đưa vào sử dụng năm 1461. Ban đầu, Grand Bazaar chỉ buôn bán những mặt hàng dệt may với cái tên “Bedesten” (tiếng Ba Tư có nghĩa là “chợ của người bán vải”). Ngày nay, hơn 4.000 gian hàng nằm dọc theo 61 con phố lõm tròn, hai nhà thờ Hồi giáo, hai nhà tắm kiểu hammam cùng với nhiều nhà hàng và quán cà phê, quán trà hoa quả tạo thành một khu phức hợp mua sắm giải trí văn hóa độc đáo. Khối lượng hàng hóa ngồn ngộn, rực rỡ sắc màu và cách trình bày hấp dẫn, quy củ của mỗi gian hàng tạo nên những bức tranh nổi hoàn thiện mà ngay cả một tay chụp ảnh nghiệp dư vẫn có thể nắm bắt được những khoảnh khắc lung linh nhất.
Mỗi một sản phẩm nơi đây đủ sức đại diện cho một truyền thống kinh doanh, cho làng nghề thủ công, cho những kỳ quan lịch sử và truyện cổ tích, đặc biệt tô đậm vẻ đẹp con người. Đây là kinh thành Istanbul diễm lệ trên nắp hộp xà phòng, kia là cô gái lưng thon dệt thảm ẩn hiện trong chiếc khăn choàng cashmere, nọ là bậc đại hiền trí Mevlana xoay tròn vũ điệu trên chiếc cốc, kìa là con mắt xanh huyền thoại đính móc chìa khóa... Vương cung thánh đường Hagia Sophia, thành cổ Ephesus, giáo đường Blue Mosque... hiện hữu sắc nét trong lòng đĩa sứ mâm đồng, trên những tấm thảm và những bức tranh đủ kích cỡ. Các họa tiết trang trí kỷ hà đều đặn đan xen các nét vẽ đa sắc theo các đường tròn đồng tâm, thề quyết không để một mi li mét vuông nào “ở không” trong lòng chén đĩa, trên những bình rượu tròn rỗng lòng như chiếc vòng phải tròng vào vai rồi mới điệu nghệ rót. Vô số kiểu bình hút shisha và đèn đuốc lóng lánh tranh đua màu sắc với hàng trăm túi gia vị nằm san sát nhau, đều tăm tắp... Tuyệt vời ở chỗ là, hàng hóa nơi này rất biết chiều chuộng túi tiền của các tín đồ mua sắm. Chỉ cần trong túi có vài chục lirasi (1 lirasi = 7.000 đồng), bạn đã có thể bỏ túi vài món quà lưu niệm nhỏ xinh giàu ý nghĩa, làm xiêu lòng bất kỳ ai.
Nhưng nếu chỉ ngợi ca hàng hóa mà không nhắc đến các tiểu thương thì quả là thiếu sót. Họ chính là linh hồn của ngôi chợ. Câu “Trai khôn tìm vợ chợ đông” không dùng được ở các quốc gia Hồi giáo vì đàn ông lãnh phần buôn bán mất rồi. Hình ảnh đàn bà nhỏng nhảnh đi chợ còn đàn ông cun cút bán hàng cho tôi một trải nghiệm đặc biệt về bình đẳng giới. Tôi gọi tiểu thương Kapalicarsi là nhan sắc. Quả vậy, việc tìm một chàng kém sắc ở đây là điều khó khăn. Vóc dáng cao ráo, cân đối, gương mặt chuẩn mực, nước da trắng và râu quai nón, các chàng chỉ cần vận quần tây - áo sơ mi hay áo thun - quần jeans đơn giản là đủ kiến tạo một phong thái năng động, hiện đại, thanh lịch và gần gũi. Mỗi một chàng, nói không ngoa, là một nghệ sĩ. Lãng tử, bảnh bao mà lại tinh nghịch, hóm hỉnh đến lạ lùng. Những câu thoại siêu thảo mai, siêu đường mật dành cho du khách thường trực nơi đầu lưỡi:
- Lady, em có nhớ tôi không? Tôi chính là người đã đi ngang cây ô liu, lúc em mải mê chụp ảnh với chiếc khăn choàng hồng. Khi đó, do không kìm được nên tôi đã nói “Em hoàn mỹ quá!”.
- Lady, cảm ơn tấm thảm bay nào đã đặt em trước gian hàng của tôi. Tôi có thể làm gì để em giữ mãi nụ cười này?
- Hẳn em còn đắn đo, tôi hiểu mà. Nói tôi nghe, em từ đâu đến?
- Sài Gòn ư? Tôi mê đắm vùng đất đó. Liệu em sẽ đón chào tôi khi tôi đến thăm em?
- Hình như em mệt? Hay là em đói? Ăn bánh mì kebab đi, tôi mới mua nè!
- Rất tiếc, giá này tôi không bán được, đành để em đi dù tôi thực bụng mến em!
- Em không có thời gian nhưng tôi có. Đừng rời xa tôi, chỉ một phút thôi, tôi sẽ mang cho em bộ tách uống trà mê ly nhất!
- Lady, nói thật lòng đi, em có người yêu hay có chồng chưa? Chưa, tôi hy vọng vậy. Nhưng nếu có rồi tôi cũng sẽ chúc tụng em... Đừng ngại, hãy kể tôi nghe! Nếu em có chồng hay có bạn trai rồi cũng không sao, tôi sẽ... tư vấn cho em cách chọn khăn và áo cho anh ấy. Tôi cao thượng lắm!
Dù nhủ lòng “Cao thượng bà nội anh!” nhưng tôi cũng phải phì cười trước vẻ duyên dáng và đậm đà như gia vị ở vùng này nơi các chàng, tự hỏi trường lớp marketing hay chính truyền thống của xứ sở có ngành thương nghiệp lâu đời bậc nhất thế giới đã đào tạo được những tiểu thương tài năng đồng đều như thế. Tôi chợt nhớ đến các caravanserai (lữ điếm) trên con đường tơ lụa hướng về Konya. Hơn 800 năm trước, khi lạc đà và ngựa chuyên chú nhai cỏ rơm nơi khu bếp rộng thì các thương lái, trong lúc nghỉ chân bên chung trà táo ấm ngọt, đã kịp nghĩ ra những chiêu thức bán buôn mê hoặc lòng người.
Đàn ông bán hàng Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ chịu thương chịu khó - phẩm chất mà tôi nghĩ chỉ có ở bà Tú Xương “nuôi đủ năm con với một chồng”. Chỉ cần tôi ngỏ ý muốn xem thêm mẫu khác, màu khác, anh chàng bán chén bát xinh đẹp nhất vùng sẵn sàng buông cả gian hàng chẳng chút đề phòng, thoăn thoắt bước xuống những bậc thang gọn gàng ăn sâu vào lòng đất bê ra cơ man là gốm sứ, tinh xảo đến mức khó thốt thành lời. Tôi mê mẩn nhìn chàng Aladin kiêm thần đèn tái thế, vừa săm soi mọi thứ vừa tò mò về tàng cốc bí ẩn kia. Ở gian hàng gối thêu, khi tôi trả giá không thành công thì người đàn ông với đôi mắt đẹp buồn rười rượi vẫn lịch sự tạo dáng cho tôi chụp ảnh lưu niệm và lưu luyến hẹn gặp lại. Tự nhiên tôi lẩm nhẩm hát “Mình buồn thì ai thấu đâu...”. Tôi chợt hiểu vì sao chợ Gold Souk ở Dubai cũng có đàn ông bán hàng nhưng không tạo được ấn tượng đặc biệt như ở đây. Đơn giản, người bán thường đóng khung trong trang phục truyền thống và chỉ chuyên chú vào việc ca cẩm món hàng.
Dù thỏa thuê với trùng trùng hàng hóa lẫn cung cách phục vụ, tôi vẫn cho câu “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho” là chí lý. Khu chợ đồ sộ ấy thiếu vắng biểu tượng con ngựa thành Troia; chẳng có khinh khí cầu da và mô hình nhà bồ câu Cappadokia, mô hình lâu đài bông Pamukkale; không hề hiện diện loại khăn choàng kiêm áo khoác hoa văn to tướng mà tao nhã được bày bán nhan nhản dọc Sultan Hani... Đó là bài học cho kẻ nào đinh ninh Grand Bazaar cái gì cũng có mà lơ đễnh việc sắm sửa dọc hành trình. Việc phân khúc hàng lưu niệm làm nên nét tinh anh của ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Nó rất khác với việc bạn ra Huế vẫn tậu được biểu tượng chợ Bến Thành, mà vào chợ Bến Thành rồi vẫn còn mua được nguyên bình Minh Mạng.
Cả buổi chiều “quần thảo” ở Grand Bazaar, tôi hân hoan, tươi rói vì biết mình giàu đôi mắt, vì lãi cả một nền văn hóa đang nằm ngoan trong tay xách nách mang. Có cảm giác vừa sa ngã vào một cấu trúc tổ ong mà mỗi gian hàng là một bánh tổ, còn người bán là các ong thợ mẫn tiệp. Lối pha hòa sự độc đáo lẫn nét đồng nhất của không gian, hàng hóa, người mua kẻ bán ấy chỉ có thể tìm thấy ở chợ chứ không phải ở trung tâm thương mại hay siêu thị. Biết thế nên lòng hẫng hụt khi nhận ra bước chân đang rời cổng chợ. Nhưng tôi phải đi vì không đủ can đảm đợi đến lúc đoàn người lũ lượt rời chợ trong ánh tà huy. Tim tôi chắc sẽ đau nếu phải nghe thanh âm chát chúa đóng sầm cửa chợ.
Lần đầu tiên trong đời, cũng chẳng ngờ, tôi rớt nước mắt khi nhớ nhung phiên chợ Kapalicarsi, trong niềm biết ơn và tràn ngập sướng vui.