Hoàng Thái Thanh: cá tính trong “lốt” kịch xưa

Khi mới ra đời, Hoàng Thái Thanh hãy còn loay hoay với việc định hình phong cách. Khuynh hướng kịch tâm lý xã hội, hướng đến khán giả “nghiêm túc” đã rõ nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn thận trọng xen kẽ những vở đã từng diễn ở sân khấu khác (Người điên trong ngôi nhà cổ, Hãy khóc đi em, Tình duyên thuở trước, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em, Mua bảo hiểm tình, Chuyện bây giờ mới kể...) với các vở mới (Trần gian phải có tình yêu, Bàn tay của trời, Sáu tháng anh và em...); sử dụng cả kịch bản nước ngoài (Đèn không hắt bóng) để thăm dò thị hiếu khán giả, đồng thời làm dịu cơn khát kịch bản của một sân khấu non trẻ.

Thế rồi, sau thành công của Nửa đời ngơ ngác những ngày cuối năm 2010, Hoàng Thái Thanh bớt loay hoay. Thế mạnh của sân khấu này dần được xác lập bằng hai dạng thức kịch bản: một là, chuyển thể từ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư (Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại, Mơ trăng bóng nước...), hai là nhuận sắc lại những tác phẩm vang bóng một thời của sân khấu cải lương (Sông dài, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn...). Thỉnh thoảng, sân khấu vẫn có một vài vở hài như Mình có quen nhau hông?, Oan tình ai thấu... nhưng có thể nói cái hài chưa bao giờ là yếu tố đầu tiên khiến người ta phải xăng xái đi tìm Hoàng Thái Thanh.

Mà, khán giả có nhu cầu ngồi trong không gian sân khấu Ái Như - Thành Hội vì thèm muốn cái xưa, yêu chuộng cái xưa.

Kịch Hoàng Thái Thanh xưa mà. Xưa rỉnh xưa rảng.

Cái xưa của Hoàng Thái Thanh không dữ dội, “Âu hóa” như những vở đậm chất Bắc của sân khấu kịch Hồng Vân, mà đó là một không gian Nam bộ với áo dài khăn san, bà ba lụa lèo, vét-tông ba-đờ-xuy, áo bầu blu-dông, dịp cầu lắt lẻo, lời ăn tiếng nói hồn hậu, đễnh đãi mà nhuần nhị, rạch ròi. Cái xưa khiến người ta nghĩ ngay đến những đoàn kịch Nam Bộ như Kim Cương, Bông Hồng hay xa hơn nữa là những gánh kịch, ban kịch như Đức Hoàng Hội, Dân Nam, Sống, Đen Trắng... Vẻ đằm thắm của nó còn gợi liên tưởng đến đoàn cải lương 2/84 vốn thiên về kịch bản tâm lý xã hội.

Socrates thường nhấn mạnh câu châm ngôn khắc trên cửa đền Delphi: “Người ơi, hãy tự biết mình”. Hoàng Thái Thanh có lẽ ý thức mình không mạnh về nhạc kịch, không giỏi hù ma nhát quỷ, không nhiều mảng miếng gây cười, chẳng thể đanh thép trào lộng. Cho nên, họ cứ trung thành với những chủ đề truyền thống: tình mẫu tử, đạo vợ chồng, nghĩa láng giềng, phận người tứ xứ... Dù là chủ đề nào cũng nhất định phải sáng rõ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người viết không dưới mười lần thấy những bức hoành phi, tranh ảnh, thư pháp đậm dấu ngũ thường của nền Nho học, không dưới năm lần thấy phụ huynh “cho roi cho vọt” đúng nghĩa đen những con em tưởng đã trưởng thành, không dưới ba lần nghe gia huấn ca từ những ông già bà cả ở sân khấu kịch này. Cái xấu, điều tốt cứ luân chuyển tự nhiên. Bao đoạn trường, mất mát khiến người ta thật sự tin kiếp người là khổ sở. Nhưng đích đến vẫn là vẻ đẹp dung dị và sáng ngời của cái thiện, của tình người. Vì lẽ đó, có thể xem Hoàng Thái Thanh là một kiểu Quốc văn giáo khoa thư hay “tri hành hợp nhất” bằng nghệ thuật biểu diễn.

Cái xưa của Hoàng Thái Thanh còn nằm ở cách dàn dựng tả thực mà Aristotle - nhà nghiên cứu kịch phương Tây đầu tiên - từng đề cập: nói (ngôi) đền là phải có đền. Sân khấu này có đủ thứ “gà qué cá mú”: bông kiểng, trầu cau, bó củi, lồng đèn, chõng tre, đi văng, ghế đá, bộ trống, thước dây, tò he, bếp ga, trứng chiên ăn được... Đó là chưa kể đến những đạo cụ khó tìm trong thời buổi này: xích lô, xe đạp đòn dong, lon “gi-gô”, bàn ủi than... Coi mà phải phục “bà” Ái Như kiếm đâu ra mấy thứ của hiếm đó (tôi đoán thế, vì Thành Hội chắc không thể kim chỉ, tẩn mẩn đến vậy). Giờ chỉ chờ “bả” đem một cái ti vi đen trắng có cửa tủ và bốn chân lên sân khấu là “hết sảy con bà Bảy”. Mà vì đạo cụ thật nên may vá, đan lát, ủi đồ, ăn bánh ăn khoai, kể cả quết cá thác lác là những hành động thường xuyên của nhân vật. Thêm nữa, kết cấu của mỗi vở diễn chưa bao giờ gây ngơ ngác, vì nó chẳng hề đi tắt, lửng lơ hay đảo tuyến mà sẵn sàng dìu người xem tới bến cập bờ của mức nghĩa tường minh. Còn âm nhạc ư? Với một dòng kịch như thế thì nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình chắc chắn sẽ chiếm ưu thế. Đương nhiên là tìm các ca sĩ thể hiện càng xưa càng tốt.

Và Hoàng Thái Thanh xưa trong cả cung cách phục vụ khán giả. Chủ nhân của nó muốn sân khấu phải thật sự là thánh đường. Cho nên, ngoài những quy định thông thường về ăn uống, chuông điện thoại, sân khấu thường xuyên nhắc nhở khán giả không bật điện thoại sáng khi sân khấu chuyển cảnh. Những đôi mắt đỏ hoe, những cảm xúc lắng đọng cần được bóng tối đồng hành (và người đương thời cũng nên học cậu Lãnh Chùa Đàn tạm lánh “văn minh” trong vài giờ của tháng, của tuần). Còn những người đến trễ dăm mười phút vui lòng đứng ngoài cửa để người bên trong nghe trọn vẹn lời giới thiệu vở diễn.

Cái xưa đó, ai không đủ độ ngấm độ ngẫm, độ đằm độ thắm thì sẽ đùng đùng bỏ về thuở chưa giải lao, còn ai trót đắm đuối thì nấn ná đến khi màn nhung khép lại thôi rồi.

Nhưng giờ thì tôi ngờ rằng Hoàng Thái Thanh... chỉ giả bộ xưa. Trong những vở chuyển thể gần đây, các biên kịch và đạo diễn đã mạnh dạn - đến mức dũng cảm - làm mới lại mạch kịch, các tình tiết quan trọng. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ái Như, Thành Hội... “đồng lõa” và đồng cảm với nhau trong vụ này gần như tuyệt đối. Họ muốn Lan phải sống và còn phải lấy chồng Tây. Nàng không cắt đứt dây chuông, không vì bi phẫn tình yêu mà thoi thóp qua đời. Họ không cho The đi tu. Nàng chỉ làm thiện nguyện ở chùa. Nàng được sà vào lòng má, tựa vào gối má, được má gội mái đầu bằng bồ kết chứ không thê thiết “Tóc xanh gửi lại mẹ hiền/Đời con chôn kín cửa thiền từ đây” như kịch bản trứ danh của Hà Triều - Hoa Phượng. Họ đôn các tuyến “nhân vật chức năng” như Thúy Liễu, anh Hai Cang, Diệu lên thành những con người có hồn có vía, chất chứa ưu tư và chiều sâu tâm lý...

Khán giả giận không? Giận chớ. Sốc không? Sốc chớ.

Sao mà không sốc, không giận! Cái gì là mẫu mực, kinh điển thì sai một li đã không chịu nổi, huống hồ cách xa kịch bản gốc cả dặm. Nhiều người lặn lội đường xa đến nơi cốt để lần vết hương xưa, để nghe mấy lời mùi mẫn thấm thía in khắc thời thanh tân của họ. Mấy cái mới toanh cũng cần nhưng đâu phải nhọc tìm. Muốn gột tẩy, sửa sang những gì người ta khắc cốt ghi tâm phải đâu chuyện dễ.

Nhưng cái hay của những thoại kịch tân thời này là dù có gây hoang mang thì chúng vẫn khiến khán giả nán lại xem “mấy người” này làm cái gì. Để rồi, có ưng bụng hay không thì cũng phải thừa nhận là Hoàng Thái Thanh đang thực sự muốn bày biện một đường dây mới, muốn lồng ghép hơi thở đương thời vào những câu chuyện cũ, muốn giải quyết xung đột hay số phận rốt ráo hơn, tươi sáng hơn - kiểu “Có trời mà cũng tại ta”. Để rồi, hiểu rằng việc chuyển thể chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi cái gốc vốn dĩ vàng son sực nức. Nỗ lực trình bày một phiên bản khác, có cá tính và chủ định (chứ không phải một bản copy an toàn, lành lành, minh họa), đáng được chia sẻ hơn là trách cứ. Để rồi, nghe cái gì đó cứ thấm vào tim, từng chút một, đủ sức khóc cười trong niềm biết ơn vô hạn những con người làm nghề chăm chút, cẩn trọng và tài năng.

Khán giả hôm nay cần được di dưỡng tinh thần bằng những sản phẩm đậm chất thời đại, không ngại đối thoại và có tính vấn đề nhưng vẫn giải trí tốt. Việc “mượn bóng” người xưa cũng không phải là ý tồi (thời Phục Hưng sáng chói chẳng phải là một kiểu “trở về” như thế ru?). Nhưng phải nhớ, chuyện “ăn” vào di sản là một con dao hai lưỡi, có thể tỏa sáng nhưng cũng có thể vùi lấp thanh danh. Có lẽ những trụ cột của Hoàng Thái Thanh thừa sức hiểu điều đó và đang dần khẳng định một phong thái kịch xưa chuyên chở những giá trị hôm nay.

Ảnh (Nguyên Lộc ): The (Hồng Ánh) được má (Ái Như) gội đầu ở đoạn kết kịch Nửa đời hương phấn.

Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/159208/

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60421404
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2379
6820
60421404

Thành viên trực tuyến

Đang có 253 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website