Chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học của Khoa Nghệ thuật học và ngành Văn học so sánh, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan

Khoa Nghệ thuật học (Faculty of Arts) của trường đại học Chulalongkorn được chính thức thành lập vào năm 1955 nhưng tiền thân của Khoa này là Khoa Nghệ thuật học và Khoa học (Faculty of Arts and Sience) đã xuất hiện từ năm 1916. Hiện nay, Khoa Nghệ thuật học có 11 bộ môn: Tiếng Thái, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học thư viện, Triết học, Kịch nghệ, Ngôn ngữ phương Đông, Ngôn ngữ phương Tây, Ngôn ngữ học và Văn học so sánh. Khoa có các ngành học như sau:

 

* Bậc sau đại học:

 

Chương trình đào tạo tiến sĩ:

 

1/ Ngôn ngữ và văn học Pháp

 

2/ Tiếng Đức

 

3/ Lịch sử

 

4/ Ngôn ngữ học

 

5/ Văn học và văn học so sánh

 

6/ Triết học

 

7/ Tiếng Thái

 

Bên cạnh đó còn có 02 chương trình đào tạo quốc tế mang tên: Tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế Thái Lan học.

 

Chương trình đào tạo thạc sĩ:

 

1/ Tiếng Thái

 

2/ Tiếng Anh

 

3/ Tiếng Pháp

 

4/ Tiếng Đức

 

5/ Tiếng Hoa

 

6/ Tiếng Nhật

 

7/ Tiếng Pali và Sankrit

 

8/ Lịch sử

 

9/ Địa lý

 

10/ Triết học

 

11/ Thư viện và khoa học thông tin

 

12/ Kịch nghệ

 

13/ Ngôn ngữ học

 

14/ Văn học so sánh

 

15/ Phật học

 

16/ Dịch thuật và phiên dịch

 

Ngoài ra còn có 05 chương trình đào tạo quốc tế: Thái Lan học, Đông Nam Á học, Tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, Tiếng Pháp cho thế giới thương mại, Tiếng Hoa như một ngoại ngữ.

 

* Bậc đại học:

 

Khối ngành chính:

 

1/ Tiếng Thái

 

2/ Tiếng Anh

 

3/ Tiếng Pháp

 

4/ Tiếng Đức

 

5/ Tiếng Trung

 

6/ Tiếng Nhật

 

7/ Tiếng Pali và Sankrit

 

8/ Lịch sử

 

9/ Địa lý

 

10/ Triết học

 

11/ Thông tin học

 

Khối ngành phụ:

 

1/ Ngôn ngữ học

 

2/ Văn học so sánh

 

3/ Thái Lan học

 

4/ Châu Âu học

 

5/ Hoa Kì học

 

6/ Tiếng Nga

 

Khối ngành tự chọn:

 

1/ Tiếng Malay

 

2/ Tiếng Hàn Quốc

 

3/ Tiếng Việt

 

4/ Tiếng Miến Điện

 

5/ Tiếng Bồ Đào Nha

 

Trong các ngành học trên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các môn học/ chuyên đề của ngành Văn học so sánh (Comparative Literature) vì tương đối gần gũi với của các Khoa có đào tạo ngành Văn học ở những trường đại học tại Việt Nam. Ngành Văn học so sánh của Khoa Nghệ thuật học hiện diện ở cả bậc đại học và sau đại học.

 

Ở bậc đào tạo tiến sĩ, tên chính xác của ngành học là Văn học và văn học so sánh. Nghiên cứu sinh phải hoàn tất 02 seminar về các lý thuyết văn học mới được bảo vệ luận án. Luận án được đánh giá tương đương 48 tín chỉ.

 

Ở bậc đào tạo thạc sĩ, tên chính xác của ngành học là Văn học so sánh. Bậc đào tạo thạc sĩ có hai phương án: phương án A và phương án B.

 

Phương án A có 18 chuyên đề, mỗi chuyên đề 03 tín chỉ. Chương trình đòi hỏi học viên phải tích luỹ được 36 tín chỉ, trong đó, 18 tín chỉ dành cho các chuyên đề (06 tín chỉ dành cho các chuyên đề bắt buộc; 12 tín chỉ dành cho các chuyên đề tự chọn) và 18 tín chỉ dành cho luận văn. Như vậy có nghĩa là mỗi học viên sẽ chọn cho mình 06 chuyên đề và thực hiện luận văn để hoàn tất bậc học.

 

Phương án B có 18 chuyên đề, mỗi chuyên đề 03 tín chỉ. Tương tự như phương án A, phương án B đòi hỏi học viên phải tích luỹ được 36 tín chỉ, trong đó, 06 tín chỉ dành cho các chuyên đề bắt buộc, 27 tín chỉ dành cho các chuyên đề tự chọn. Điểm khác biệt của phương án B là luận văn cũng nằm trong mục tự chọn (18 tín chỉ). Bên cạnh đó, phương án B còn có một chuyên đề nghiên cứu đặc biệt 03 tín chỉ và kiểm tra tổng quát. Dưới đây là danh sách các chuyên đề của phương án A cũng như phương án B:

 

 

 

STT

TÊN CHUYÊN ĐỀ

MÔ TẢ SƠ LƯỢC CHUYÊN ĐỀ

1

Lý thuyết phê bình văn học

Các lý thuyết phê bình văn học từ thời Hi Lạp cổ đại đến ngày nay, phân tích mấu chốt của các lý thuyết và các tác phẩm phê bình văn học

2

Seminar về các phương pháp của văn học so sánh

Lịch sử của văn học so sánh như một môn học, các phương pháp khác nhau trong lĩnh vực văn học so sánh gần đây

3

Huyền thoại và văn học

Các lý thuyết huyền thoại Hi Lạp và Ấn Độ như các chủ đề của văn chương; các hình thái khác nhau của huyền thoại trong văn học ở các nước Anh, Ý, Pháp, Đức; các di sản huyền thoại trong văn học Thái

4

Những kiệt tác văn chương thế giới

Cốt truyện, chủ đề, các yếu tố và giá trị văn học của những kiệt tác phương Đông và phương Tây

5

Seminar về văn học và nhân quyền

Tầm quan trọng của văn học như một sự môi giới trong việc phản ánh nhân quyền ở trong nước và toàn cầu, vai trò của tác giả trong việc tạo ra ý thức và sự vận động của nhân quyền, phê bình và phân tích các tác phẩm văn học tuyển chọn

6

Văn học phê phán xã hội

Các đề tài về hoàn cảnh, luật pháp và cải thiện xã hội, tuyển chọn tác giả và tác phẩm phê phán xã hội

7

Văn học thiếu nhi

Lịch sử của văn học thiếu nhi ở phương Đông và phương Tây bao gồm cả Thái Lan, các yếu tố quan trọng của văn học thiếu nhi, phân tích các tác phẩm được chú ý

8

Mối quan hệ giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác

Sự vận dụng các hình thái nghệ thuật vào văn học ở châu Âu, sự thể nghiệm các nguyên lý nghệ thuật khác nhau vào văn học phương Đông và phương Tây

9

Văn học hậu thuộc địa

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa đế quốc và văn học hậu thuộc địa, vai trò của văn học trong việc xây dựng quốc gia và thống nhất văn hoá, lý thuyết hậu thuộc địa và phê bình văn học

10

Seminar về văn học nữ giới

Sự vận động giải phóng phụ nữ và ảnh hưởng của nó trong văn học nữ giới của văn hoá phương Tây, nữ quyền và ảnh hưởng của nó trong văn học nữ giới của văn hoá phương Đông, các tác giả và tác phẩm văn học nữ giới tuyển chọn

11

Seminar về lý thuyết văn học

Các lý thuyết văn học quan trọng, phân tích các lý thuyết được chú ý và vận dụng vào các tác phẩm phê bình văn học

12

Seminar về thơ

Các khuynh hướng thơ ca ở Anh và Mỹ sau thế chiến thứ hai, thơ Pháp và Đức hiện đại, các khuynh hướng tương ứng trong thơ Thái Lan hiện đại

13

Seminar về tiểu thuyết

Sự phát triển về tư tưởng và kĩ thuật của tiểu thuyết ở cả phương Đông và phương Tây

14

Seminar về kịch

Các khuynh hướng chính của kịch hiện đại ở châu Âu và Mỹ; tuyển chọn các vở kịch nổi tiếng, ảnh hưởng của kịch phương Tây vào kịch Thái

15

Seminar về truyện ngắn

Khái niệm và hình thức của các truyện ngắn Đông và Tây từ khởi thuỷ đến hiện tại, phê bình và phân tích các tác phẩm tuyển chọn

16

Seminar về văn học Đông Nam Á

Thảo luận về các nền văn học của những quốc gia Đông Nam Á, tầm quan trọng của tư tưởng, nội dung, hình thức, ảnh hưởng và chi tiết các văn bản được tuyển chọn

17

Seminar về các tác giả được  chú ý và tác phẩm của họ

Phân tích và phê bình các tác giả và tác phẩm của họ

18

Nghiên cứu cá nhân

Giám sát các bài phân tích cá nhân, phân loại và đánh giá các bài kiểm tra văn học, thảo luận về những bài báo đã xuất bản

 

Ở chương trình đào tạo bậc đại học, tên chính xác của ngành đào tạo cũng là Văn học so sánh. Để hoàn tất bậc đại học, mỗi sinh viên phải đạt tối thiểu khoảng dưới 150 tín chỉ. Ví dụ như sinh viên ngành Tiếng Thái phải tích luỹ 144 tín chỉ (27 tín chỉ đại cương, 114 tín chỉ chuyên ngành và 03 tín chỉ dành cho nghiên cứu đặc biệt). Vì chương trình đào tạo bậc đại học của ngành Văn học so sánh thuộc khối ngành phụ (minor) nên chỉ gồm có 20 môn học, mỗi môn bao gồm 03 tín chỉ. Mỗi sinh viên tự tích luỹ khoảng 07 môn (tự chọn) tương đương với 21 tín chỉ. Dưới đây là danh sách các môn học:

 

STT

TÊN MÔN HỌC

MÔ TẢ SƠ LƯỢC MÔN HỌC

1

Văn học và lịch sử

Mối quan hệ giữa văn học và lịch sử, vận dụng các sự kiện lịch sử vào sáng tạo văn chương, các sự kiện lịch sử khác nhau và sự hiện diện của chúng trong văn học, phân tích các tác phẩm tuyển chọn ở phương Đông và phương Tây

2

Địa danh trong văn học

Mối quan hệ giữa địa danh và văn học, vai trò của địa danh và kĩ thuật thể hiện chúng trong tác phẩm văn học, phân tích những tác phẩm tuyển chọn

3

Văn học và môi trường

Thiên nhiên như nguồn cảm hứng cho tác phẩm văn học, mối quan hệ giữa văn học và môi trường, sự phát triển trong quan sát thiên nhiên của nhà thơ, vai trò của văn học trong việc gìn giữ thiên nhiên và môi trường

4

Văn học và nữ giới

Văn học và nữ giới trong văn hoá phương Đông và phương Tây, khái niệm nữ quyền và ảnh hưởng của nó trong văn học, văn học nữ giới và các tác giả

5

Những nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu văn học

Tầm quan trọng của văn học như một nghệ thuật toàn cầu, mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, các học thuyết trong tác phẩm phân tích văn học

6

Huyền thoại và văn học văn hoá

Mối quan hệ giữa huyền thoại và các tác phẩm văn học ở phương Đông và phương Tây, các tác phẩm văn học có nguồn gốc từ huyền thoại

7

Cái hài trong văn học

Các lý thuyết về cái hài, sự tạo dựng cái hài trong các tác phẩm văn học ở phương Đông và phương Tây, phân tích các tác phẩm tuyển chọn

8

Văn học thiếu niên

Các đặc điểm của văn học thiếu niên, mối quan hệ giữa nó với tâm lý học, xã hội và văn hoá, phê bình phân tích các tác phẩm tuyển chọn

9

Văn học và đặc điểm dân tộc

Mối quan hệ giữa văn học và đặc điểm dân tộc ở các xã hội khác nhau, sự hiện diện của tính dân tộc trong tác phẩm văn học, phân tích các tác phẩm tuyển chọn

10

Văn học và ý thức chính trị - xã hội

Văn học như một sự môi giới phản ánh ý thức về chính trị xã hội của tác giả, ý thức chính trị ảnh hưởng đến các tác phẩm văn học, tầm ảnh hưởng của tác phẩm văn học đến chính trị xã hội, vai trò của nhà văn như một người dẫn đường của xã hội

11

Văn học và nghệ thuật biểu diễn

Mối quan hệ giữa văn học và nghệ thuật biểu diễn ở các xã hội phương Đông và phương Tây, phân tích các tác phẩm văn học được chọn để biểu diễn

12

Văn học và nghệ thuật thị giác

Mối quan hệ giữa văn học và nghệ thuật biểu diễn ở các xã hội phương Đông và phương Tây, tầm ảnh hưởng của chúng ở mỗi thể loại và nội dung, phân tích các tác phẩm văn học tuyển chọn

13

Tiểu thuyết đương đại

Tiểu thuyết như một thể loại, phương pháp phân tích các tiểu thuyết đương đại của phương Đông và phương Tây, tầm quan trọng của hình thức và nội dung, tiểu thuyết như một sự phản ánh xã hội đương đại

14

Thơ đương đại

Thơ như một thể loại, phương pháp phân tích các bài thơ đương đại của phương Đông và phương Tây, tầm quan trọng của hình thức và nội dung, thơ như một sự phản ánh xã hội đương đại

15

Tác gia và tác phẩm

Những kiệt tác của các tác gia, phân tích mối quan hệ giữa các tác giả, tác phẩm và điều kiện xã hội cũng như các đặc điểm trong sáng tác

16

Văn học và tâm lý học

Mối quan hệ giữa văn học và tâm lý học, tâm lý dẫn dắt vào phê bình văn học, phân tích các tác phẩm tuyển chọn

17

Văn học và tôn giáo

Mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, tôn giáo ảnh hưởng đến văn học, phân tích các tác phẩm tiêu biểu

18

Văn học Đông Nam Á

Đặc điểm của các tác phẩm văn học Đông Nam Á, ảnh hưởng tương hỗ giữa chúng, so sánh những kiệt tác văn học trong từng khu vực

19

Chọn lựa đề tài trong nghiên cứu văn học

Chọn lựa đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, phân tích các đề tài đã được chọn trước đây

10

Nghiên cứu độc lập

Nghiên cứu một đề tài đã chọn theo sở thích cá nhân, nghiên cứu thảo luận

 

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm về danh sách các môn học ở khối ngành chính (major), chúng tôi nhận thấy sinh viên có điều kiện tiếp xúc rất nhiều với văn chương thông qua các môn học đại cương lẫn chuyên ngành, chẳng hạn như sinh viên ngành Tiếng Thái có thể học các môn: Văn học Thái, Giới thiệu văn học, Seminar về văn học Thái, Lilit, nirat và Phleng Yao (tên những thể thơ nổi tiếng của Thái Lan), Sunthorn Phu (đại thi hào của Thái Lan), Tiểu thuyết và truyện ngắn…; sinh viên học ngành Tiếng Anh có thể học các môn: Tiểu thuyết Anh thế kỉ 19, Sự phát triển của tiểu thuyết Anh và Mỹ, Sự phát triển của thơ Anh và Mỹ, Thơ lãng mạn, Shakespeare…; sinh viên học ngành Tiếng Pali và Sankrit có thể học các môn: Tổng quát về văn học Pali, Tổng quát về văn học Sankrit, Văn học Ấn Độ hiện đại, Nghiên cứu thơ Sankrit… (xin xem thêm phụ lục tiếng Anh).

 

Từ chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học của ngành Văn học so sánh đại học Chulalongkorn, người viết có thể nhận thấy những điểm nổi bật như sau:

 

-                     Chương trình “gọn”, số lượng tín chỉ tích luỹ vừa phải, có thể mang lại sự thoải mái cho sinh viên/ học viên khi học.

 

-                     Chú trọng việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

 

-                     Các môn học mang tính “thời sự” cao, thiết thực và hấp dẫn.

 

-                     Chú ý mối quan hệ giữa văn học và các loại hình văn hoá nghệ thuật và ý thức chính trị xã hội. Ưu điểm này là nhờ tính đặc thù của ngành là văn học so sánh.

 

-                     Seminar được xem như một môn học chính thức, giúp sinh viên nắm bắt vấn đề cần nghiên cứu và chủ động trong học tập.

 

Tuy nhiên, chương trình giảng dạy của ngành Văn học so sánh thuộc Khoa Nghệ thuật học dường như quá thiên về tính thực tiễn mà thiếu đi các môn học/ chuyên đề mang tính lý luận. Cũng có thể giảng viên sẽ có phần giới thuyết trước khi đi vào cụ thể trong từng môn học nhưng chắc chắn thời lượng dành cho phần lý thuyết không nhiều.

 

Thử đối chiếu chương trình học của ngành Văn học so sánh Chulalongkorn với chương trình học của ngành Văn học Việt Nam thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (có phụ lục đính kèm), chúng tôi nhận thấy:

 

-                     Chương trình đào tạo của mỗi Khoa, ngành đều có thế mạnh và hạn chế riêng, không hẳn của người thì tốt của ta thì chưa tốt. Ngành Văn học Việt Nam của Khoa Văn học và Ngôn ngữ có các ưu điểm:

 

+ Chú trọng giới thiệu với sinh viên phần lý thuyết văn học thông qua các môn/ chuyên đề: Lý luận văn học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Văn học so sánh, Thi pháp học

 

+ Có ý thức đào tạo các môn thuộc lĩnh vực ngôn ngữ như: Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ âm tiếng Việt, Phong cách học tiếng Việt, Từ vựng tiếng Việt… - vốn rất cần thiết cho sinh viên ngành Văn học.

 

- Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chương trình đào tạo của ngành Văn học Việt Nam khá già cỗi, hiếm có những môn học mang tính “thời sự”. Số lượng tín chỉ của chúng ta dành cho mỗi môn học ít (thường là 02 tín chỉ) nên số lượng môn học đội lên nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng chương trình học dàn trải, dư chiều rộng nhưng thiếu chiều sâu, sinh viên học các môn với tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, ít nhiều mang tính đối phó chứ chưa thực sự là ham mê tích luỹ kiến thức và giảng viên cũng phải rất vất vả mới chuyển tải được hết giáo án. Trong vòng 02 năm trở lại đây, nhà trường đã chủ trương giảm tải số lượng tín chỉ tích luỹ của sinh viên từ 180 tín chỉ xuống 160 – 140 tín chỉ; có thể xem đây là dấu hiệu lạc quan trong việc giảm tải áp lực học hành và thi cử cho sinh viên.

 

Việc ngành Văn học so sánh xem seminar như một môn học chính thức cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Các giảng viên của ngành Văn học Việt Nam không phải là không có ý thức tổ chức seminar cho sinh viên trong một số tiết học nhưng hiệu quả vẫn chưa được như ý. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan (sĩ số lớp đông, chất lượng sinh viên không đều…), điều này xuất phát từ việc bản thân sinh viên cũng chưa nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của seminar. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng nên tổ chức giảng dạy môn Phương pháp và nghiên cứu giảng dạy văn học cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất chứ không nên đợi đến khi đào tạo các môn chuyên ngành, đồng thời tập huấn cho sinh viên các vấn đề hết sức cơ bản như thế nào là seminar, thế nào là sử dụng công cụ tra cứu trong thư viện, thế nào là chọn lựa đề tài nghiên cứu…

 

Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy là một việc làm có ý nghĩa không chỉ đối với các ngành học, trường học “đang phát triển” mà còn cả với các ngành học, trường học “đã phát triển”. Đổi mới để không tụt hậu thông tin và phương thức giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của người học là hoàn toàn chính đáng và thiết thực. Đổi mới cũng là một trong những cách tự cứu mình trước tình hình các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm sức hút đối với người học. Tuy nhiên, đổi mới cần phải dựa trên hoàn cảnh thực tế (cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, chất lượng sinh viên…), đi từ các vấn đề “vi mô” đến “vĩ mô” và nhất là phải đồng bộ, nhịp nhàng. Việc tìm hiểu chương trình giảng dạy của các ngành, khoa và trường đại học tiên tiến của các nước cũng là một cách thức để so sánh và học hỏi những ưu điểm của họ, từ đó tìm ra con đường riêng cho chương trình và phương pháp giảng dạy đại học tại Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.            http://www.arts.chula.ac.th/eng/background.htm

 

2.           http://www.hcmussh.edu.vn/USSH/Organization/Faculty/ViewTrainingSystem.aspx?p0=0&p1=1066&p2=1&p3=543&p4=2&p5=4&p6=1&p7=KNVBC002

 

Đào Thị Diễm Trang: Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60852705
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12484
13943
60852705

Thành viên trực tuyến

Đang có 311 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website