Ai đổi thay ai?

Mấy năm gần đây, chị phát hiện mình thường buồn rất lâu khi... xem phim khoa học giả tưởng. Tự thấy kỳ lạ nhưng chị không khiến mình hân hoan được. Có hôm “không thấy sao”, chị mừng thầm. Ngờ đâu, mấy tuần sau, xem phim mới, chị nhớ phim cũ rồi “buồn sỉ”.

Chị còn nhớ rõ bộ phim khiến chị bắt đầu nghĩ ngợi là Interstellar (tựa Việt: Hố đen vũ trụ, 2014). Cooper - cựu phi công của NASA - tạm biệt bố vợ Donald và con trai Tom, con gái Murphy để bước vào cuộc đi tìm một hành tinh mới cho loài người. Mỗi lần Cooper gọi về nhà là một lần khán giả chứng kiến sự thay đổi của hai đứa con anh. Tom và Murphy già đi theo năm tháng rồi Tom từ giã cõi đời, trong khi cha của chúng vẫn trẻ măng và ở trong một chiều nào đó của vũ trụ. Trong nhiều năm tháng, bao nhiêu tin nhắn con gửi cha trôi theo bóng tối. Ánh nến trên chiếc bánh kem sinh nhật của Murphy dần nhạt nhòa theo lời hứa: “Bao giờ con bằng tuổi ba thì ba sẽ về bên con”.

Chị ngậm ngùi không chỉ vì nỗi cô đơn cùng cực của kẻ du hành, vì tình cha con không trọn vẹn mà còn vì nhớ... Từ Thức. Câu chuyện ngày nhỏ luôn khiến chị bâng khuâng sao người đi một lần thôi là quê nhà xa ngái không về được nữa. Hóa ra, Từ Thức là nhà du hành vũ trụ đầu tiên mà “hoa tiêu” là nàng tiên Giáng Hương. Thật ngưỡng phục chất minh triết và lãng mạn, mượt mà trong cách ông cha hình dung, lý giải sự co giãn của thời gian giữa các hành tinh trong vũ trụ. Chị cũng nhận ra cỗ máy du hành của các nhà làm phim Hollywood có sự trùng khít mãnh liệt với “cái hạc” của Tản Đà:

Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Vậy đó, rồi ngẩn ngơ thương những cuộc biệt ly đậm tinh thần vạn triệu thiên hà.

Giáng sinh 2016, chị đi xem Passengers (tựa Việt: Người du hành) vì lời quảng bá ngồ ngộ là phim thuộc thể loại ngôn tình vũ trụ. Bối cảnh phim diễn ra trong chiếc phi thuyền hiện đại Avalon đang chở 5.000 hành khách từ trái đất đến hành tinh Homestead 2. Thời gian dự kiến đổ bộ xuống hành tinh mới là 120 năm. Toàn bộ hành khách lẫn phi hành đoàn đều được cài đặt trạng thái ngủ đông trong những chiếc kén sinh học nhằm giữ nguyên sức khỏe và tuổi thọ. Không may, chiếc kén của Jim Preston bị hỏng. Anh thức dậy sớm đến 90 năm. Hết hoảng hốt đến thụ hưởng chán chê các tiện nghi trên tàu, Jim không chịu nổi cảm giác cô độc và liều mở chiếc kén của hành khách nữ Aurora (ở trái đất, Jim là thợ máy). Chuyện phim ngọt ngào lẫn đắng cay (ngôn tình cơ mà). Nhưng man mác đọng lại nơi chị lại là dự cảm về khoảng cách giàu nghèo trong tương lai. Siêu xe, du thuyền, phi cơ, căn hộ cao cấp, biệt thự, các chuyến du lịch, cổ phiếu... không còn to tát nữa mà những tấm vé định cư ở “Elysium” - chốn trú thân thượng hạng trong vũ trụ, những bất động sản thuộc hành tinh khác, những toa hạng sang cùng những chiếc kén tiện nghi để dịch chuyển suốt không gian mới là thời thượng.

Đà phát triển vũ bão của công nghệ chính là một lực hích để con người nhìn nhận rõ hơn và tận dụng các giá trị cao quý của giống loài, từ đó thiết lập những “rào chắn” hữu hiệu, hợp lý. Đó còn là cơ hội để con người hôm nay kịp giật mình, kịp sống trọn vẹn trước khi bước vào phòng tiệc vĩnh hằng rất xa trần thế.
Nhưng phải đến Ghost In The Shell (tựa Việt: Vỏ bọc ma, 2017) và gần nhất là Blade Runner 2049 (tựa Việt: Tội phạm nhân bản, 2017) thì chị mới thực sự... tê tái. Một ngày không xa, ta sẽ không biết kẻ đang ngồi chờ xe buýt, kẻ đang ăn uống đối diện ta hay gương mặt nghệ sĩ đẫm lệ dưới ánh đèn sân khấu kia là người hay là máy, là xương thịt hay là ảnh ảo. Các biển hiệu đèn led vào bảo tàng nằm chơi vì người ta đã tạo được vô số robot quảng cáo đa chiều, to tướng, hoặc vắt vẻo hoặc múa may trên các cao ốc. Khi đó, con người có thể tậu cho mình “người yêu công nghệ”, bật lên hay tắt đi chỉ bằng một cái nút trên remote chứ không cần chiếm diện tích và dễ bị dòm ngó như búp bê tình dục. Khủng khiếp hơn, robot sẽ được “cấy” ký ức giả để cạnh tranh với hoài niệm, nhớ nhung của loài người. Những xúc cảm đầy tao nhã, nhiều giằng xé mà thi ca nhạc họa da diết tôn thờ không còn là độc quyền của nhân loại. Và, khi đã có thể tự sinh nở, robot sẽ nói lời đoạn tuyệt với chủ-người để chính thức khẳng định quyền công dân trên toàn cầu, bình đẳng và kiêu hãnh.

Đâu chỉ có vậy, mấy bộ phim dồi dào công nghệ còn đưa chị vào những chơi vơi khác. Rồi đây, con người sẽ không còn chút riêng tư nào. Chủ nghĩa khủng bố và các bãi thử hạt nhân đáng sợ của thế giới hiện đại chưa phải là thứ ghê gớm nhất mà chính các loại chip theo dõi tinh vi mới đẩy con người vào thảm kịch mất tự do tuyệt đối. Xã hội trở thành “nhà ngục” rộng lớn và ai trong chúng ta cũng có thể là “tù nhân”.

Mà chắc gì chỉ cõi lòng loài người mới lâm li? Xem Transformers, Baymax, Chappie... mới thấy con người cũng tệ tình với robot. Họ tra tấn, uy hiếp, tận diệt những dòng robot lỗi thời hoặc có vẻ “người” quá. Những con robot trốn chạy, tủi phận mà vẫn trung thành, “từ tâm” với người tạo ra mình. Nếu chúng lưu lạc đến xứ này, chị sẽ đọc chúng nghe bài ca dao:

Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con hát bội làm đào má coi...

Sẽ có người thốt lên rằng những câu chuyện trong phim khoa học giả tưởng là kiểu “time after time”, “somewhere in time”, hà cớ gì phải tin tưởng hay bận lòng! Nhưng đừng quên rằng văn chương nghệ thuật vốn dồi dào chức năng dự báo. Tấm thảm bay, chiếc gương thần giúp nhìn thấy người ở xa lơ xa lắc, bánh mì chuyển ngữ... chẳng phải đã được hiện thực hóa hết rồi sao? Vậy thì, có xa xôi gì đâu, những thứ được mặc định là giả tưởng rồi sẽ nhanh chóng trở thành sự thật. Thế nên, những viễn cảnh ngốn lắm tiền nhiều của trên màn ảnh rộng kia thực chất là “tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao” (1) của những nghệ sĩ vô cùng mẫn cảm trước cuộc đời.

* * *

Vậy ra là, con người đã không ngừng tưởng tượng và hành động bằng công nghệ nhằm thay đổi thế giới, để rồi lại bị chính “tác phẩm” của mình soán ngôi đổi vị? Biết vậy sao không dừng lại? Bất khả. Vì lịch sử là một con đường tịnh tiến, bao gồm lịch sử công nghệ. Đó là chưa kể đến sự cuồng tín lớn lao của triệu tỉ con người trên thế giới dành cho những đột phá trong kỹ thuật số, sinh học và vật lý hôm nay. Một buổi trưa ở Tokyo, chị tròn xoe mắt khi thấy rất nhiều thanh niên mặc veston chỉn chu “cày bừa” trong tiệm game online. Chừng hiểu ra, chị bỗng xót xa cho những nhân viên văn phòng vốn đã dán vào màn hình máy tính hơn mười tiếng mỗi ngày mà vẫn tiếp tục hành hạ đôi mắt và bộ não trong giờ nghỉ. Mà nói đâu xa, ngay cả chị - một người lơ ngơ với công nghệ - cũng kịp nhận ra khí quyển của mình đầy công nghệ. Một lũ lít nhít thường trực trên giường ngủ chị: điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách, máy tính xách tay..., nghễnh ngạo, bất chấp những khuyến cáo về sức khỏe. Sóng Wifi cả ở nơi làm việc và nhà chị luôn phát 24/24 giờ. Chị, những người Nhật trẻ tuổi kia hay hằng hà sa số tín đồ công nghệ khác đều đang trong cơn “vô thức tập thể”, bị lệ thuộc máy móc và xa rời yếu tính tự nhiên hồi nào không biết. Như cái cây bị bứng khỏi đất, bị đặt vào chậu kiểng mà còn sung sướng mãn nguyện rằng mình ở ngay trong lòng văn minh thứ thiệt.

Chị vẫn còn nhớ, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tại thành phố lớn nhất Việt Nam, cả xóm dùng chung một chiếc điện thoại bàn. Mỗi khi có ai gọi, người nghe được ba bốn người đấm cửa, réo tên. Vội vàng chạy sang cầm ống nghe thì đầu dây bên kia đã cúp máy. Thế mà vẫn phải trả phí cho chủ cái điện thoại. Vài năm sau, bắt chước phim Hồng Kông, người người trang bị phonelink. Tiếp đó, họ vẻ vang tậu cho mình những “cục gạch” mà mỗi lần muốn nhắn tin chữ c thì phải ấn cả chữ a lẫn chữ b. Rồi tự bao giờ, điện thoại thông minh với hàng loạt ứng dụng Facebook, Zalo, Viber, Instagram, Wechat... cùng vô số trang mạng trở thành hiền hữu của tất thảy nam phụ lão ấu ở một đất nước còn nghèo về kinh tế, tri thức và thề quyết sẵn sàng ngốn ngấu bất kỳ thông tin nào. “Nhớ gì như nhớ người yêu” (2) là cảm giác để quên điện thoại thông minh đâu đó, với nhiều người hôm nay.

Thời đại số không chỉ biến hóa bao người thành “chuyên viên” tra cứu, đối thoại mẫn cán, tình nguyện, thậm chí hư huyễn trước màn hình mà còn đảo lộn nếp sinh hoạt truyền thống của họ, từ mua bán, học hành, lao động, ăn uống, nội tế, ngoại giao cho đến... gọi cuốc xe ôm. Tinh hoa công nghệ giúp cuộc sống thuận lợi, đa sắc hơn nhưng cũng đẩy con người vào nạn thất nghiệp, ỷ lại, chây lì, vô cảm, hùng hổ, bung bét chữ nghĩa và trượt dài trong nỗi “cô đơn trên mạng”. Dù nhiều nhà khoa học đã chứng minh tuyên bố “sẽ hủy diệt nhân loại” của Sophia - robot được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới - chỉ là trò con nít nhưng nếu nhạy cảm, ta sẽ thấy vị thế “duy ngã độc tôn” của loài người đang lung lay một cách đáng báo động. Chị sợ hãi nghĩ đến lúc muốn ngắm đôi mắt trong veo của đứa trẻ cũng khó, vì hàng triệu ánh nhìn đã được đúc rập như nhau.

Vậy thì, trong lúc chờ những AI, IoT, robot, 3D, Big data... trỗi dậy, thậm chí thắng thế, chúng ta nên làm gì? Tự nhiên chị thấy mình ngớ ngẩn siêu phàm khi đặt ra một câu hỏi đầy “thái độ hiện sinh” về nhân loại. Chị nào phải Nietzsche mà ràng mình vào sứ mệnh lý giải thể tính nơi con người thực tại đồng thời dõi theo thân phận của họ trong nhiên giới. Nhưng ai cấm chị “nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh” (3)? Thì thôi, tùy theo sức của mình. Thay vì buồn tênh “chờ nghe thế kỷ tàn phai” (4), chị sẽ tranh thủ yêu thương, hít thở và sờ ngắm thế gian. Chị nhất định phải tận hưởng cảm giác “Đường về hái nụ mù sa/ Đưa theo dài một nương cà tím thôi”(5) mà thi ca đã dệt nên, mộc mạc và ngọt lịm. Và nếu có phải nếm trải sự phũ phàng của đời sống, chị thà “leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng” (6) cho đã đời chứ không muốn được vô trùng trong một chiếc kén an toàn. Cảm giác được đụng vào tim, được chạm mút cùng cõi thế hẳn nhiên diễm phúc hơn tọa thiền trong địa đàng ba, bốn chiều siêu thực.

Quyển truyện cổ giấy đen bám bụi nhà chị có câu chuyện Bốn người Bà la môn và con sư tử. Bốn người đều tầm sư học phép thuật. Sau khi thành tài, trên đường trở về nhà, họ gặp một bộ xương sư tử. Ba người giỏi giang trong nhóm tìm cách “phục hưng” vị chúa tể sơn lâm. Riêng anh học dở hơn leo lên cây trốn sau khi khuyên nhủ các bạn bất thành. Dĩ nhiên, chỉ mình anh ta còn sống. Câu chuyện của cổ nhân đã khẳng định chính trí tuệ xúc cảm (EQ) quyết định sự sống còn của con người. Cha ông đã vạch sẵn con đường hiền anh như vậy, sao không an nhiên cứ thế mà đi? Đà phát triển vũ bão của công nghệ chính là một lực hích để con người nhìn nhận rõ hơn và tận dụng các giá trị cao quý của giống loài, từ đó thiết lập những “rào chắn” hữu hiệu, hợp lý. Đó còn là cơ hội để con người hôm nay kịp giật mình, kịp sống trọn vẹn trước khi bước vào phòng tiệc vĩnh hằng rất xa trần thế. Nhân loại cần sản sinh thêm ước mơ, lòng dũng cảm, tri thức và những giá trị đẹp đẽ khác trong thân tâm để cân bằng công nghệ chứ đâu phải khiếp đảm, co cụm và bạc nhược. Rumi - nhà thơ uyên bác xứ Ba Tư - chẳng phải đã nói rằng “Bạn không phải giọt nước/Giữa mênh mông đại dương/Mà là đại dương lớn/Trong giọt nước bình thường” đó sao?

Bất chợt, chị nhận ra rằng, nhờ ý thức sẽ có ngày mọi thứ được quyết định bằng một nút bấm, nhờ ngộ ra mình vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong việc để công nghệ thân thiết quá mức mà chị bớt hờ hững với thời cuộc. Chị vừa mon men tìm cách nhìn thẳng vào “vấn nạn văn minh” đó thay. Ơn trời, lẽ nào cách mạng 4.0 khiến thái độ sống của chị trở nên ít nhiều tích cực? Vậy là phải biết ơn cách mạng. Bỗng sung sướng muốn hét lên: Ôi, nhân loại ơi! Ngày nào mi còn nhức mắt vì nữ diễn viên không mặc nội y trong phim thời hậu chiến, còn phàn nàn phim mặc trang phục quốc hồn quốc túy mà nói chuyện xuyên không, còn chăm chỉ ghép ảnh hoa hậu với cá cảnh, còn đùng đùng uất giận ai manh nha đổi thay chữ viết, còn bài bác kẻ nhập nhằng xã hội học với văn học... thì ngày đó, mi hãy còn đáng yêu lắm lắm! Bởi, còn xích mích, còn dằn dỗi thế kia nghĩa là còn muốn với lấy đời nhau. Và quan trọng là nên mừng húm vì... chưa thành robot.

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần, rốt cuộc, “cơi đựng trầu” chị tự nhủ: biết mình có thói sầu lo ẩm ương vậy, hay là thôi, đừng xem phim khoa học giả tưởng nữa!

Nhưng chắc vẫn phải xem thôi. Đặng tận hưởng suối nguồn dịu dàng và rung động sâu xa của cảm giác... thất tình nhân loại. 

(1) Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Thơ Tố Hữu
(3) Thơ Phạm Công Thiện
(4) Nhạc Trịnh Công Sơn
(5) Thơ Phạm Thiên Thư
(6) Thơ Phạm Thiên Thư

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/268639/Ai-doi-thay-ai.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666556
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10274
17595
63666556

Thành viên trực tuyến

Đang có 927 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website