Tôi cùng các đồng nghiệp đến thăm người thầy vừa trải qua bạo bệnh. Thầy nắm tay từng người, nước mắt rớt không cầm được. Trong những câu chuyện khi liên tục khi đứt quãng, thầy đọc hai câu thơ:
Nỗi buồn sao như tóc
Cắt hoài cứ dài ra
Thầy hỏi chúng tôi có phải thơ Phan Khôi không. Tôi về tra lại thì thấy bài Hớt tóc của Phan Khôi như sau:
Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ra
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.
Rồi ngẫm nghĩ, thấy thi ca hay dan díu nỗi niềm với tóc. Hễ mà dòng thơ nào có tóc thì y như rằng buồn nhiều hơn vui. Từ bài ca dao xưa lơ xưa lắc:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
Cho đến cuộc thề non hẹn biển của Kim Kiều ở Đoạn trường tân thanh. Ngay sau giây phút “Tóc mây một món dao vàng chia đôi”, cuộc tình họ vĩnh viễn tưởng nhau trong mộng. Ai chứ Nguyễn Du thì có hẳn một nguồn thi tứ tóc sầu kiểu “bạch đầu bi hướng thiên”.
Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn có lần khuyên những trái tim sôi nổi:
Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Còn Phạm Thiên Thư, người thi sĩ “Đêm lên từ giữa hai hàng tóc bay”, cũng hơn một lần viết về tóc:
Giòng sầu lả xuống bờ vai
Em mang mầu nhiệm cho dài nhân gian
Tóc mây hay sợi tơ đàn
Rung lên cho lệ hoe vàng cõi thơ
Nếu tóc không gắn liền với lệ sầu, với đoạn lìa thì cũng là cả trời yêu đầy hoài niệm, trăn trở hay lời trách cứ nhẹ nhàng, man mác:
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc,
Tà áo bay về, nhớ suốt đêm (Đinh Hùng)
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người (Du Tử Lê)
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen (Xuân Quỳnh)
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Có điều chi em mải miết đi tìm? (Hồng Thanh Quang)
Tôi hay nói lái để tự trêu mình là “Người đàn bà giấu tóc vào trong đếm”. Nhưng cũng chả vui lên tẹo nào, vì cái sự che giấu đa đoan của chủ thể trữ tình trong câu thơ khéo quá mà thật quá.
Tôi cũng thích cách nhà thơ La Mai Thi Gia tả tóc:
Những người đàn bà thợ xây
Giấu mình trong lớp áo dày
Tóc ủ vào khăn và những giọt mồ hôi ủ trong làn da sạm nắng
khét mùi mưu sinh
không mộng mơ mà thấm đẫm cảm thông, thấu hiểu. Nỗi vất vả nơi người đàn bà lao động nặng không đủ ngăn thiên tính nữ đầy ứ, tràn trề.
Chỉ có một lần, Phạm Công Thiện khiến tôi giật thót mình vì lời thơ quá “mạnh”: Tôi khinh bỉ mùa thu trên tóc em. Nhưng may thay, trong bài Tôi khinh bỉ này, ông còn khinh bỉ thêm thứ khác, kiểu buồn nôn với tất thảy của Jean Paul Satre – bậc thầy chủ nghĩa hiện sinh. Thiện khinh bỉ thế nhân mà lại phác họa thế nhân đẹp tuyệt và ma mị!
Âm nhạc – người bạn của thi phú – làm sao thiếu những sợi tóc khiến “lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng”? Nào là Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lêng đênh/ Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều/ Tay măng trôi trên vùng tóc dài, Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này/ Chiều tím loang vỉa hè, Và gió hôn tóc thề, Rồi mùa thu bay đi/ Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau... Gọi nắng, cho tóc em cài loài hoa nắng rơi (Trịnh Công Sơn); nào là Nỗi muộn phiền trên vùng tóc rối, khi trời còn đi vào đêm tối (Từ Công Phụng), Em gửi cho anh sợi tóc buồn (Anh Bằng)… Nếu thử làm một cuộc thống kê, có lẽ số lượng tóc trong nhạc Trịnh đứng đầu bảng mất.
Chỉ thi thoảng lắm, những sợi tóc, làn tóc trong thơ ca mới ngọt lịm kiểu Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má, Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa (Phạm Duy)/ Mái tóc em là xứ sở của anh (Lưu Quang Vũ). Còn lại, như đã nói, có tóc sẽ có buồn. Vậy thì, thi nhân các nước có cùng cảm thức như vậy với tóc không? Tôi nghĩ là có, với bằng chứng là những vần thơ ít ỏi tôi thuộc được:
Tóc dài ba trượng trắng phau
Sánh chăng chỉ có nỗi sầu biệt ly (Thu phố ca – Lý Bạch)
Này thi sĩ, chiều xuống rồi, tóc anh đang ngả màu xám bạc. Trong trầm tư cô đơn có nghe chăng lời gọi vọng lại từ kiếp sau? (Người làm vườn – Tagore)
Tần mần với thi ca, tôi thấy nỗi buồn đi kèm với đủ thứ bộ phận cơ thể, mà chắc nhiều nhất là tim óc, rồi đến tai mắt, tay chân. Nhưng có lẽ, nỗi buồn từ tóc lãng mạn và lắt léo hơn cả. Vì cớ làm sao? Vì tóc gợi cảm, thơm tho. Vì tóc làm bồng lên nhan sắc và nữ tính. Và vì, tóc hay đổi thay. Tục ngữ có câu “Xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy chốc”. Quả vậy, tóc hữu hiệu trong việc nhắc nhở ý niệm “Tình vui trong phút giây thôi/ Ý sầu nuôi suốt đời”. Nên, muốn hết sầu thương, chỉ có nước… khước từ mái tóc, như lời cô The trong tuồng Nửa đời hương phấn của Hà Triều – Hoa Phượng: “Tóc xanh gửi lại mẹ hiền, đời con chôn kín cửa thiền từ đây”. Không còn tóc, người đàn bà mất đi gia tài vô giá đời mình. Thế mới biết, nữ thần Athena trong thần thoại Hy Lạp quá thông minh và ghê gớm khi bắt nàng Medusa sống không bằng chết trong hình hài tóc rắn, mình đầy vẩy sừng, móng tay đồng và ánh nhìn khiến đàn ông hoá đá, để thỏa nỗi ghen hờn.
Cảm ơn thầy tôi vì một lời thơ trong trí nhớ chưa tròn vẹn, để tôi có một buổi chiều ngẩn ngơ, chênh chao đến lạ. Trong chút buồn như tóc đó, tôi thấy mình biết thương những nỗi niềm.
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/275430/Buon-sao-nhu-toc.html